Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

NGUYỄN KIM DUNG1
(1 Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học ở miền Nam giai đoạn 1954-1965 chỉ kế thừa và tiếp tục nền tảng đã có từ thời kỳ trước. Thành công của giai đoạn này chính là hình thành được triết lý giáo dục (nền tảng quan trọng đối với bất cứ nền giáo dục nào). Giai đoạn 1965-1975, nhận thức vai trò then chốt của giáo chức đối với cải tổ giáo dục, Bộ Giáo dục Sài Gòn đã có chính sách bài bản, cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hơn việc đào tạo giáo chức tiểu học. Mặc dù còn tồn tại không ít hạn chế, song chính sách đào tạo giáo chức tiểu học tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 cũng đạt được những thành tựu nhất định và có giá trị tham khảo cho công tác đào tạo giáo viên tiểu học ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Chính sách đào tạo, giáo chức tiểu học, miền Nam Việt Nam.

Phân loại ngành: Giáo dục học.

ABSTRACT

     The policy of training teachers of primary schools in Southern Vietnam in the period of 1954-1965 only inherited and continued the foundation which had been in existence from the previous period. The success of the period was in the formation of an educational philosophy, which is the important foundation for any educational system. In the period of 1965-1975, aware of the key role of teachers in educational reform, the Saigon Ministry of Education carried out a thorough and specific policy, controlling more strictly the training of teachers of primary schools. Although there were many limitations, the policy of training the teachers in Southern Vietnam made certain achievements during the time from 1954 to 1975 and bear the values of references for the training of teachers of primary schools in Vietnam today.

Keywords: Training policy, teachers of primary schools, Southern Vietnam.

Subject classification: Educational science.

x
x x

1. Mở đầu

     Trong 21 năm (1954-1975), giáo dục tiểu học miền Nam đã trải qua hai giai đoạn với sự chuyển đổi căn bản về mô hình giáo dục. Giai đoạn 1954-1965 là giáo dục tiểu học truyền thống (theo mô hình giáo dục Pháp), duy trì trên nền tảng của nền giáo dục tiểu học được xây dựng từ thời Pháp thuộc, được củng cố vào thời Quốc gia Việt Nam; giai đoạn 1965-1975 đề cao hai yếu tố cơ bản là giáo dục đại chúng và giáo dục thực dụng 2 [21, tr.15-16]. Ngoài ra, Bộ Giáo dục Sài Gòn cũng áp dụng mô hình giáo dục tiểu học Mỹ vào hoàn cảnh Việt Nam, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm và tiếp thu các yếu tố tiến bộ của nền giáo dục khác, như nền giáo dục của Nhật Bản [21, tr.65-81]. Việc đào tạo giáo chức tiểu học phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản của nền giáo dục, đó là ba tôn chỉ đã được ấn định trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa năm 1967: Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng [22, tr.5].

     Đào tạo giáo chức tiểu học phải đáp ứng mục tiêu của nền giáo dục tiểu học: “Chú trọng đặc biệt đến việc giúp trẻ em: phát triển về thể chất cũng như về tinh thần, thấm nhuần những điều cơ bản về đức dục và công dân giáo dục. Thâu thập những kiến thức và kỹ năng sơ đẳng thiết yếu cho sự phát triển cá nhân cũng như đời sống hàng ngày của gia đình và sinh hoạt bình thường của cộng đồng, xã hội. Có khả năng tiếp tục học hỏi thêm mãi hoặc theo đuổi cấp II phổ thông hoặc theo học các trường chuyên nghiệp, hay tự học” [19].

     Tăng cường giáo chức tiểu học về cả chất lượng và số lượng là yêu cầu cấp thiết đối với hiện tại và tương lai của cả nền giáo dục. Bộ Giáo dục Sài Gòn khẳng định: “Nền giáo dục là một cái cây mà tiểu học là cái rễ. Sư phạm Tiểu học có thể được coi là chìa khóa của sự phát triển giáo dục tiểu học. Tất cả những cải tổ tốt đẹp hay thoái hóa, thành công hay thất bại, đều tùy thuộc ở Sư phạm Tiểu học, vì việc đào tạo nhân sự để thi hành các sự cải tổ có tầm quan trọng cả trong đoản kỳ lẫn trường kỳ” [5]. Đào tạo giáo chức tiểu học là điểm nổi bật trong nền giáo dục miền Nam Việt Nam thời chính quyền Sài Gòn (1954-1975). Bài viết bàn về chính sách đào tạo giáo chức tiểu học tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

2. Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-19653

     Trong những năm đầu tiên của giai đoạn này, Bộ Giáo dục chưa thực sự chú trọng đến đào tạo giáo chức tiểu học. Việc đào tạo giáo chức tiểu học vẫn theo quan niệm của giáo dục truyền thống. Đó là đường lối giáo dục, thiếu phương pháp sư phạm; việc thi cử trở thành một cực hình đối với học sinh, không chú trọng vào việc dạy nghề và hướng nghiệp. Trong buổi đầu xây dựng nền móng cho nền giáo dục mới, các nhà giáo dục miền Nam đã chú ý giải quyết được một số vấn đề cốt lõi của nền giáo dục quốc dân như triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập và tổ
chức quản trị. Trong số những vấn đề cốt lõi nêu trên thì triết lý giáo dục có lẽ đóng vai trò quan trọng bậc nhất, vì đó là yếu tố khởi đầu quyết định đường lối cùng sự thành bại của cả một nền giáo dục.

     Thành công của nền giáo dục giai đoạn này chính là xác định rõ được triết lý giáo dục. Đại hội Giáo dục Quốc gia lần I năm 1958, quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật… đã chính thức đưa ra ba nguyên tắc: (1) Nhân bản (nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy, nhằm mục đích phát triển toàn diện con người; (2) Dân tộc (nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan với những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và đảm bảo hữu hiệu cho sự sinh tồn, phát triển của quốc gia dân tộc); (3) Khai phóng (nền giáo dục Việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ và xã hội, tinh hoa các nền văn hóa thế giới). Ba nguyên tắc này dùng làm nền tảng cho triết lý giáo dục của chính quyền miền Nam Việt Nam đã được ghi cụ thể trong tập tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 [23]. Đây cũng là những nguyên tắc được cụ thể hóa thành những nguyên tắc của giáo dục tiểu học, là tiêu chí đạo đức nghề nghiệp và phNm chất chuyên môn cũng như chức phận của người thầy giáo đối với giáo dục tiểu học [22, tr.6-7].

     Đại hội Giáo dục Quốc gia lần II năm 1964 (gọi là Đại hội Giáo dục Toàn quốc 1964) tiếp tục tái xác nhận ba nguyên tắc định hướng căn bản nhưng sửa lại thành: nhân bản, dân tộc, khoa học. Đây là một điểm mới trong nhận thức nguyên tắc giáo dục so với Đại hội lần thứ I. Nguyên tắc khoa học nhấn mạnh: “Nền giáo dục Việt Nam phải tôn trọng tinh thần khoa học, dựa trên nền tảng khoa học, trên sự tiến bộ của nhân loại. Nó không thể tách rời ra khỏi ảnh hưởng của văn minh thế giới. Vì tính chất chính xác, phổ biến không ranh giới của khoa học mà ta không ngần ngại mở rộng cửa tiếp đón những trào lưu tư tưởng hay của thế giới, những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Tinh thần khoa học chính xác đã đem tính chất khai phóng đến cho nền giáo dục ta. Chính nó đã khiến ta thâu thái được óc dân chủ rộng rãi của Tây phương, ý thức được quyền dân tộc tự quyết và quyền tự do của con người…” [23].

     Mặc dù đề ra những triết lý giáo dục mang tinh thần tiến bộ, nhưng Bộ Giáo dục Sài Gòn không đưa ra nhiều chính sách cụ thể, sâu sát đối với đào tạo giáo chức tiểu học, số trường Sư phạm Tiểu học rất ít ỏi, được mở rải rác qua các năm với số lượng giáo sinh được đào tạo rất hạn chế. Đến năm 1965, toàn miền Nam chỉ có 5 Trường Sư phạm là: Trường Sư phạm Saigon (thành lập năm 1955), Trường Sư phạm Long An (thành lập năm 1956), Trường Sư phạm Banméthuot (thành lập năm 1957), Trường Sư phạm Vĩnh Long (thành lập năm 1961), Trường Sư phạm Quy Nhơn (thành lập năm 1963) [8]. Theo Tổng trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Lưu Viên: “Với số Trường Sư phạm trên, Bộ Giáo dục không thể đào tạo đủ số giáo chức để dạy dỗ số học sinh Tiểu học ngày càng gia tăng, nhất là để thực hiện chế độ cưỡng bách giáo dục bậc tiểu học” [8]. Đến năm 1965, các Trường Sư phạm này vẫn chỉ là các Trường Trung cấp Chuyên nghiệp, chưa đạt ngang hàng với các trường Cao đẳng Chuyên nghiệp [6], hằng năm chỉ cung ứng khoảng 1.000 giáo viên.

     Phần lớn các giáo chức tiểu học không được đào tạo tại Trường Sư phạm. Chỉ cần tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp hoặc văn bằng tương đương hoặc Tú tài I và trải qua một khóa Sư phạm ngắn hạn hoặc đã dạy Tiểu học được từ 18 tháng, thì đủ điều kiện dạy tiểu học [3]; thậm chí, nhiều giáo chức Tiểu học chưa từng được trải qua một khóa huấn luyện Sư phạm nào (con số này khá lớn, có thời điểm lên đến gần 2/3 số giáo chức tiểu học) [13]. Giáo viên Sơ cấp ngoại ngạch, giáo viên ấp tân sinh chiếm gần 1/2 số giáo chức, chỉ tốt nghiệp tiểu học [3]; “Nhiều khi làm một bài tính nhân hay chia là một điều nan giải đối với một số thầy giáo nầy” [1, tr.23].

     Chính phủ bận rộn với chiến sự, công cuộc bình định, xác lập chính quyền và ngần ngại can thiệp, động chạm đến giáo dục, đặc biệt cấp Tiểu học (cấp giáo dục nền tảng mà sự tác động của nó rất lớn, vượt ra khỏi phạm vi nhà trường, đến mỗi gia đình và đến mọi tầng lớp xã hội), phần nào động chạm đến cơ tầng hệ tư tưởng của một xã hội gần 100 năm chịu ảnh hưởng mạnh của nền văn hóa – giáo dục Pháp. Chiến tranh khiến những khiếm khuyết của đội ngũ giáo chức khó được khắc phục. Trong giai đoạn đầu tiên của nền giáo dục (1945-1960), đã có 1.662 trường các loại ở miền Nam bị đốt phá do chiến tranh [20, tr.55].

3. Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1965-1975

     Từ năm 1965, tất cả các trường tiểu học miền Nam được chuyển thành tiểu học cộng đồng, mở đầu cuộc cải tổ toàn bộ nền giáo dục. Nhận thức vai trò then chốt của giáo chức đối với cải tổ, Bộ Giáo dục đã có chính sách bài bản, cụ thể và kiểm soát chặt chẽ hơn việc đào tạo giáo chức tiểu học. Tiếp thu những thành quả đã đạt được trong hai kì Đại hội Giáo dục Quốc gia (1958 và 1964), Điều 11, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà 1967 ghi rõ: “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản” [23]. Ngoài ra, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà cũng ghi rõ về việc chú trọng đều tư cho giáo dục: “Một ngân sách thích đáng phải được dành cho việc phát triển văn hóa giáo dục” [23].

     Chính sách Văn hóa Giáo dục (1972) đã nhấn mạnh: nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí phải được thực hiện để bảo đảm quyền được giáo dục tối thiểu của mọi công dân. Nền giáo dục cơ bản trong hiện tại gồm cấp I giáo dục phổ thông và trong vòng 10 năm tới phải bao gồm ít nhất là cấp II giáo dục phổ thông. Quốc gia phải áp dụng mọi biện pháp hữu hiệu để chấm dứt thiếu nhi thất học và nạn tráng niên mù chữ [24]. Đây chính là tiền đề để ra đời những chính sách mang tính thiết thực hơn đối với đào tạo giáo chức tiểu học.

     Về tổ chức, để hoàn thiện hệ thống Sư phạm Tiểu học và huấn luyện giáo chức, Bộ Giáo dục Sài Gòn thành lập Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục Tráng niên. Nha này được tổ chức theo Nghị định số 1692-GD/PC/NĐ ngày 6-12-1965 và bắt đầu hoạt động từ 3/2/1966 [7]. Đây là cơ quan giáo dục có tính chất chuyên môn, quản lý hoạt động của ngành Sư phạm Tiểu học: “Nha Sư phạm đảm trách một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và cải thiện ngành giáo dục bậc tiểu học, một ngành căn bản của nền giáo dục Quốc gia” [7].

     Năm 1970, Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục tráng niên gồm 15 trường Sư phạm đào tạo Giáo học Bổ túc4: Trường Sư phạm Saigon5, Trường Sư phạm Long An, Trường Sư phạm Vĩnh Long, Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trường Sư phạm Huế (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Long Xuyên (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Mỹ Tho (thành lập từ niên học 1969-1970), Trường Sư phạm Nha Trang, Trường Sư phạm Đalat, Trường Sư phạm Sóc Trăng, Trường Sư phạm Cần Thơ, Trường Sư phạm Phước Tuy (5 trường này được mở từ niên khóa 1970-1971), Trường Sư phạm Tây Ninh, Trường Sư phạm Đà Nẵng (2 trường này chính thức mở từ niên học 1972-1973), Trường Sư phạm Bổ túc Banméthuot (tách ra từ lớp Sư phạm Bổ túc đặt tại Trường Sư phạm Cao nguyên) và Trường Sư phạm Cao nguyên đặt tại Ban Mê Thuật đào tạo Giáo viên Tiểu học [8]. Các trường này được xếp vào Trường Chuyên nghiệp Đệ II cấp [17].

     Trên đà phát triển của bậc tiểu học và nhu cầu đào tạo giáo chức, năm 1975, Bộ Giáo dục Sài Gòn thiết lập một Viện Quốc gia Sư phạm Tiểu học, để thay thế Nha Sư phạm đã bị bãi bỏ sau cải cách giáo dục năm 1974, có nhiệm vụ quản trị các trường Đại học Sư phạm Tiểu học trên toàn quốc, tu nghiệp giáo chức Tiểu học, huấn luyện giáo sư Sư phạm, nghiên cứu về thiếu nhi Việt Nam, đặt cơ sở căn bản cho việc thành lập Viện Sư phạm Quốc gia trong tương lai… [13].

     Năm 1965, Bộ Văn hóa Giáo dục ban hành bộ Nội quy các Trường Sư phạm quy chế tổ chức, chương trình, nội dung, phương pháp, chất lượng đào tạo và thống nhất hoạt động đào tạo giáo chức tiểu học trong toàn miền [12].

     Từ năm 1968, trừ Trường Sư phạm Cao nguyên Ban Mê Thuột, có trình độ Trung cấp Chuyên nghiệp, các Trường Sư phạm khác đều có trình độ Cao đẳng Chuyên nghiệp, thâu nhận giáo sinh bằng Tú tài I và Tú Tài II, hạn học 2 năm. Năm 1973, dù giáo chức Tiểu học vẫn luôn thiếu hụt trầm trọng nhưng Bộ Giáo dục không hạ tiêu chuẩn và tăng số lượng giáo sinh để bù đắp, mà quyết định nâng trình độ tuyển sinh vào các Trường Sư phạm lên bằng Tú tài II nhằm nâng cấp các Trường Sư phạm lên trình độ ngang hàng Đại học Sư phạm Tiểu học [13], [15]. Lúc đó, có được bằng Tú Tài II rất khó khăn, phải là những học sinh giỏi nhất bậc Phổ thông; người có bằng Tú tài II hoàn toàn đủ năng lực để đi làm một chuyên viên trong các công sở6.

     Những nỗ lực nâng cấp Trường Sư phạm của Bộ Giáo dục đã đạt được kết quả nhất định. Theo Giám đốc Nha Huấn luyện và Tu nghiệp Nguyễn Quý Bổng: “Kể từ niên khóa 1973-1974, trên thực tế các Trường Sư phạm có thể sánh ngang hàng các Đại học chuyên nghiệp Trung cấp và Đại học Cộng đồng hiện có trong xứ…” [13]. “Ngoại trừ trường Sư phạm Cao nguyên đào tạo giáo chức sắc tộc” [13]. Tuy nhiên, đến năm 1974, vẫn chưa có một văn bản pháp lý nào được ban hành để xác nhận tình trạng này [13].

     Trên cơ sở chất lượng Trường Sư phạm được nâng cao, năm 1974, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên đề ra Chương trình đặc biệt trong năm 1975 thực hiện Biến cải 15 Trường Sư phạm Bổ túc thành trường Cao đẳng Sư phạm Tiểu học với tổng kinh phí lên đến 181.813.510 đồng, tương đương 259.734 USD, một khoản kinh phí rất lớn lúc đó [11].

     Cuối năm 1974, Bộ Giáo dục chủ trương xây dựng tại mỗi Trường Sư phạm một trường Tiểu học Thực hành, vừa làm nhiệm vụ giáo dục Tiểu học vừa làm điểm thực hành sư phạm cho các giáo sinh trước khi ra nghề thành các giáo viên thực thụ. Điểm đặc biệt của các trường tiểu học này là chất lượng giáo dục đảm bảo và thường xuyên cập nhật các phương pháp giáo dục mới [14]. Trước đó, trực thuộc Nha Sư phạm đã có 3 trường Sư phạm Thực hành Sai gon, Long An và Quy Nhơn [7], các trường sư phạm khác không có trường sư phạm thực hành đặt tại trường thì đều mượn trường sở của Ty Tiểu học làm nơi thực hành cho giáo sinh.

     Bộ Giáo dục đưa ra các nghị định, chỉ thị quy định thể lệ thi tuyển, số giáo sinh trúng tuyển vào Trường Sư phạm hằng năm, thể thức soạn đề thi mãn khóa, thể thức thi và chấm tốt nghiệp, thể thức sắp hạng giáo sinh trúng tuyển trong kỳ thi tốt nghiệp, thể thức bổ dụng giáo sinh tốt nghiệp Trường Sư phạm… Đây là cách thức Bộ Giáo dục quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo tại các Trường Sư phạm cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó chất lượng giáo sinh được đặt lên hàng đầu.

4. Kết luận

     Nhìn chung, trong bối cảnh xã hội chiến tranh bất ổn của miền Nam, đào tạo giáo chức tiểu học chưa đạt hiệu quả mong muốn. Bậc tiểu học nói chung và trường đào tạo giáo chức tiểu học nói riêng vẫn trong tình trạng chưa hoàn thiện. Trong 21 năm xây dựng nền giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục Sài Gòn nhiều lần hô hào cải cách giáo dục. Trên bục giảng, với tâm thế của người thầy giáo, các giáo chức tiểu học luôn nỗ lực từng bước sửa chữa khiếm khuyết nền giáo dục và việc làm đó thực sự đem lại hiệu quả cao hơn là một cuộc cải cách được hô hào trên diện rộng. Chính sách đào tạo giáo chức tiểu học tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 mặc dù tồn tại không ít hạn chế, song về cơ bản những chính sách này đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo chức tiểu học nhằm thực hiện mục tiêu và triết lý giáo mà chính quyền đặt ra. Vấn đề chất lượng đào tạo, phNm cách nhà giáo ngày càng được đề cao ở các giai đoạn sau. Đây cũng là những gợi ý cho công tác đào tạo giáo viên tiểu học nói riêng và và giáo viên nói chung ở Việt Nam hiện nay.

Chú thích:

2 Trong thông điệp trước Quốc hội lưỡng viện, ngày 6/10/1969, Chính phủ Việt Nam  Cộng hòa đã xác định chính sách giáo dục bậc Tiểu học là Giáo dục cộng đồng. Bộ Giáo dục cũng ban hành Nghị định số 2463-GD/PC/NĐ, ngày 25/11/1969, cộng đồng hóa tất cả phương pháp giảng dạy; học sinh, giáo chức, phụ huynh học sinh cũng được cộng đồng hóa [2, tr.7].

3 Chúng tôi không chọn mốc năm 1969 để chia giai đoạn khi phân tích về chính sách đào tạo giáo chức bậc Tiểu học bởi vì, trên thực tế, ở bậc Tiểu học, từ năm 1965, đường lối Giáo dục cộng đồng đã được phổ biến rộng rãi và niên học 1966-1967, tất cả các trường Tiểu học trên toàn miền đều biến cải thành trường Tiểu học cộng đồng. Mốc năm 1969 có ý nghĩa trên văn bản pháp quy, được Quốc hội thừa nhận và thể hiện bằng Sắc lệnh số 660-TT/SL ngày 1 tháng 12 năm 1969 cải biến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông của miền Nam, quy định: Hệ thống giáo dục quốc gia bậc Trung học và bậc Tiểu học trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa được sửa đổi thành một hệ thống duy nhất và liên tục 12 lớp trong 12 năm, bao gồm Tiểu học cộng đồng và Trung học Tổng hợp. Phủ Tổng thống, Sắc lệnh số 660-TT/SL ngày 1 tháng 12 năm 1969 sửa đổi Sắc lệnh số 096-GD ngày 29 tháng 12 năm 1949 tổ chức nền học chính Việt Nam, riêng về nền học phổ thông bậc Trung học và Tiểu học [18].

4 Giáo học Bổ túc: một đẳng cấp trong giáo chức Tiểu học, có chỉ số lương từ 380 đến 750 theo Nghị định số 2823-VHGDTN/NV/HCQC/Th/NĐ ngày 26 tháng 11 năm 1973, sửa đổi quy chế ngạch Giáo học cấp Bổ túc. Giáo viên Bổ túc là hạng có trình độ và địa vị cao nhất trong ngạch giáo chức Tiểu học. Giáo viên Tiểu học: một đẳng cấp trong giáo chức Tiểu học, có chỉ số lương từ 270 đến 540 [4].

5 Trường tọa lạc tại 280 đường Thành Thái, Saigon. Trường bắt đầu giảng dạy vào năm 1955, mang tên Trường Quốc gia Sư phạm. Trường được cải đổi thành Trường Sư phạm Saigon theo Nghị định số 1006-GD/PC/NĐ ngày 18/6/1962 của Bộ Giáo dục [9]. Trường Đại học Sư phạm Saigon trực thuộc Viện Đại học Saigon, đào tạo Giáo sư Trung học Đệ I cấp và Đệ II cấp, tọa lạc tại 22 Đại lộ Cộng hòa, Saigon.

6 Để có được tấm bằng Tú tài II, bằng cấp cao nhất của bậc Phổ thông, thí sinh phải trải qua kì thi rất chật vật.

     Từ năm 1970 đến năm 1972, số thí sinh đỗ Tú tài I lần lượt là 37,76%, 36,26 %, 47,2%. Đỗ Tú tài I mới được thi Tú tài II. Tỷ lệ đỗ Tú tài II (1970-1972) là 62,04%, 53,43%, 87%. Tỷ lệ này tương ứng, cao nhất, chỉ khoảng 1/3 số học sinh học hết phổ thông có thể lấy được bằng Tú tài II. Do đó, bằng Tú tài II rất giá trị [16].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Văn Cát (1969), Vấn đề giáo viên tiểu học hiện nay, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chính.

[2] Dương Thị Hòe (1972), Giáo dục cộng đồng Việt Nam đi về đâu, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh.

[3] Hồ sơ 67: Nghị định số 1073-GDTN/QCNV/NĐ ngày 28 tháng 6 năm 1968, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[4] Hồ sơ số 73: Nghị định số 2740/VHGDTN/NV/HCQC/Th/NĐ ngày 20 tháng 11 năm 1973 sửa đổi quy chế riêng ngạch Giáo viên Tiểu học, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[5] Hồ sơ số 579: Bài thuyết trình của ông Phụ tá đặc biệt Tổng trưởng Giáo dục tại trường Sư phạm Saigon, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp.Hồ Chí Minh.

[6] Hồ sơ số 604: Chương trình hoạt động của Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục Tráng niên trong năm 1968, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[7] Hồ sơ 607: Tình hình và hoạt động của Nha Sư phạm, Tu nghiệp và Giáo dục tráng niên 1969- 1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[8] Hồ sơ số 611: Nghị định số 434-GD/PC/NĐ ngày 9 tháng 3 năm 1970, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[9] Hồ sơ số 619: Nghị định số 1006- GD/PC/NĐ ngày 18 tháng 6 năm 1962 của Bộ Giáo dục, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[10] Hồ sơ số 621: Công văn số 9008/VPThTr/N ngày 5 tháng 12 năm 1970 v/v Hợp thức hóa các Trường Sư phạm tân lập, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[11] Hồ sơ 626: Chương trình đặc biệt trong năm 1975, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[12] Hồ sơ số 627: Nội quy các Trường Sư phạm thi hành từ ngày 16 tháng 1 năm 1965, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[13] Hồ sơ 630: Tờ trình của Nha Huấn luyện và Tu nghiệp đề nghị thành lập Viện Quốc gia Sư phạm Tiểu học ngày 14 tháng 8 năm 1974, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[14] Hồ sơ 634: Công văn số5107/VHGDTN/TCCB của Nha Tài chánh, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên v/v thiết lập 4 trường Tiểu học Thực hành thuộc các Trường Sư phạm Cao nguyên Ban Mê Thuột, Mỹ Tho, Long Xuyên và Huế, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[15] Hồ sơ số 637: Nghị định số 1930-GD/SP/NĐ ngày 11 tháng 8 năm 1973 sửa đổi Điều 9 Nghị định số 1006-GD/PC/NĐ ngày 18 tháng 6 năm 1972 tổ chức Trường Sư phạm Saigon, Vĩnh Long và Quy Nhơn, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[16] Hồ sơ 3730: Hoạt động của khối Trung Tiểu học trong năm 1972, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[17] Hồ sơ 10432: Công văn số 1123- P.Th.T/PC3-5 Saigon ngày 8 tháng 4 năm 1972 gửi ông Tổng Giám đốc Ngân sách và Ngoại viên v/v xếp các Trường Sư phạm vào loại Trường Chuyên nghiệp Đệ II cấp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[18] Hồ sơ số 30286: Sắc lệnh số 660-TT/SL ngày 1 tháng 12 năm 1969 sửa đổi Sắc lệnh số 096- GD ngày 29 tháng 12 năm 1949 tổ chức nền học chính Việt Nam, riêng về nền học phổ thông bậc Trung học và Tiểu học, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[19] Hồ sơ số 31335: Dự thảo Luật căn bản về Văn hóa Giáo dục, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Tp. Hồ Chí Minh.

[20] Vương Pển Liêm (1966), Giáo dục cộng đồng: đường lối giáo dục nhằm giải phong dân tộc ra khỏi tình trạng chậm tiến, Nxb Lá Bối, Saigon, 1966, tr.55.

[21] Nguyễn Thị Liêng (1973), Vấn đề giáo dục Tiểu học tại Việt Nam Cộng hòa, Luận văn tốt nghiệp, Học viện Quốc gia Hành chánh.

[22] Trần Văn Quế (1964), Sư phạm thực hành, Bộ Văn hóa Giáo dục, Sài Gòn.

[23] https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/s-t-u-v/tran-van-chanh/giao-duc-mien-nam-viet-nam1954-1975-tren-con-duong-xay-dung-va-phattrien

[24] https://vietbooks.info/threads/chinh-sach-vanhoa-giao-duc-nxb-sai-gon-1972-bo-van-hoa74-trang.15302/

Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 – 2019

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)