Chủ nghĩa trừu tượng và sự thay đổi các quan niệm nghệ thuật

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THANH TÙNG
(Khoa Sư phạm Mỹ thuật)

     Chủ nghĩa Trừu tượng (abstractionisme) ra đời ở Châu Âu và Mỹ giai đoạn cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20 cùng với sự phát triển của nhiều trường phái khác (Ấn tượng, Siêu thực, Lập thể, Biểu hiện …) với chủ trương thoát khỏi sự ràng buộc của hình thể, tự do biểu đạt ý niệm, giải phóng tư tưởng, khước từ ảnh hưởng của hiện thực khách quan, chỉ tuân theo cảm giác ấn tượng chủ quan của người nghệ sĩ.

     Chủ nghĩa trừu tượng là gì? Làm thế nào để có thể hiểu và thưởng ngoạn các tác phẩm trừu tượng? Đó là câu hỏi không dễ trả lời với nhiều người, ngay cả những người làm nghệ thuật. Trong giới hạn của bài viết này, chúng tôi chỉ trình bày tổng quan về diễn biến của sự thay đổi các nhận thức, quan niệm nghệ thuật của chủ nghĩa trừu tượng, dựa theo tiến trình lịch sử nghệ thuật, đây cũng là một trong nhiều góc độ để có thể tiếp cận thể loại này.

     Một số nghiên cứu cho rằng, yếu tố trừu tượng có nguồn gốc từ xa xưa, trừu tượng hóa đã có trong nghệ thuật sớm của nhiều nền văn hóa nhân loại, các dấu hiệu của những bích họa trong hang động thời nguyên thủy, kí hiệu hoa văn trên đồ gốm, dệt may, chữ khắc và tranh vẽ trên đá… với các hình thức ước lệ, đơn giản, hình học, tuyến tính, tính tượng trưng cao. “Đây là mức độ mang ý nghĩa trực quan bằng nghệ thuật giao tiếp trừu tượng. Chúng ta có thể thưởng thức vẻ đẹp của thư pháp Trung Quốc hoặc thư pháp Hồi giáo, mà không thể đọc nó một cách dễ dàng…”.

     Từ điển Hán – Việt của Đào Duy Anh giải thích rằng trừu tượng là đối lập với cụ thể. Trong tiếng Pháp, khái niệm tương đương của “trừu tượng” là “abstrait”, trong tiếng Anh là “abstract”. Trong thuật ngữ nghiên cứu và phê bình nghệ thuật của phương Tây, người ta còn dùng một thuật ngữ khác để chỉ nghệ thuật trừu tượng, đó là thuật ngữ “art nonfiguratif” (tiếng Pháp) hay “nonfigurative art” (tiếng Anh) tức là – “Nghệ thuật phi hình thể”- được dùng để đối lập với thuật ngữ “art figuratif” (tiếng Pháp) và “figurative art”(tiếng Anh) – “Nghệ thuật có hình thể”. Từ đó ta thấy, đặc trưng của nghệ thuật trừu tượng là “phi hình thể”, là những sáng tác mà trong đó người ta không nhận ra được hình thể tự nhiên của đối tượng được mô tả. Vì thế, đôi khi người ta vẫn nói “nghệ thuật phi hình thể” để thay cho cách nói “nghệ thuật trừu tượng”.

     Nghệ thuật trừu tượng sử dụng một dạng ngôn ngữ thị giác đặc trưng về hình thể, màu sắc và đường nét, tạo ra một bố cục mà có thể tồn tại độc lập ở một mức độ cao, thoát ra khỏi những hình ảnh thuộc về thị giác hiện hữu của thế giới bên ngoài. “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng trừu tượng hoá trong nghệ thuật, nhưng có lẽ phải nói đến một nguyên nhân cơ bản thuộc về sự nhận thức của con người. Con người muốn ghi lại những nhận thức của mình, bất kể là những nhận thức về những sự vật có hình thể cụ thể hay những sự vật phi hình thể, thậm chí cả những ấn tượng chưa rõ hình hài đọng lại trong tâm trí của con người trong quá trình nhận thức. Tất nhiên, trong quá trình tìm hiểu nguồn gốc các sự vật được vẽ lại trong tâm trí, người ta có thể tái hiện lại thành những tác phẩm tạo hình có hình thể và cả những tác phẩm phi hình thể. Những tác phẩm phi hình thể đó, chính là nghệ thuật trừu tượng”.

     Theo dòng lịch sử nghệ thuật, “nói một cách nào đó, chính là lịch sử của những khái niệm nghệ thuật. Mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng, hoàn cảnh cụ thể nào đó, sở hữu những khái niệm nghệ thuật khác nhau, và chính những khái niệm nghệ thuật khác nhau đó, sẽ tổ chức các thực hành nghệ thuật khác nhau của mỗi thời đại, nơi chốn, cộng đồng và hoàn cảnh khác nhau. Trong cuốn sách, Triết học nghệ thuật, một dẫn luận đương đại, tác giả Noel Carroll, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ học Hoa Kỳ, cho là “những khái niệm” (concepts) chi phối toàn bộ đời sống của con người, tổ chức các thực hành của họ, bao gồm khái niệm chính trị, khái niệm luân lý, khái niệm luật pháp … và lẽ dĩ nhiên, khái niệm nghệ thuật tức khái niệm tổ chức các thực hành thưởng lãm và sáng tạo nghệ thuật …”

     Nghệ thuật phương Tây, trong hơn 25 thế kỷ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc, một mặt của chính các tác phẩm nghệ thuật cổ điển Hy Lạp và La Mã, một mặt của những tư tưởng về nghệ thuật của Platon và Aristote với khái niệm “Nghệ thuật là sự mô phỏng” (Art as Imitation). Với quan điểm này, nghệ thuật chính là sự mô phỏng hay nói cách khác, mô phỏng là điều kiện cần và đủ cho những kiểu thực hành nào đó được gọi là nghệ thuật.

     Với tác phẩm Diễn từ về phương pháp luận (1637), những tư tưởng triết học của Descartes và nguyên lý “Tôi suy nghĩ, do đó tôi tồn tại”, phương Tây đã khám phá ra tầm quan trọng của chủ thể, của cái tôi, trong nhận thức về thế giới xung quanh và đặc biệt là trong quan niệm về nghệ thuật và người nghệ sĩ. Tiếp đến, triết gia người Đức Emmanuel Kant (1724 -1804), cho rằng tác phẩm nghệ thuật khác với sản phẩm của thiên nhiên và người nghệ sĩ cần làm cho thấy rõ cái khoảng cách đó trên tác phẩm của mình. Kant coi tác phẩm nghệ thuật không phải là bản sao của thiên nhiên, mà ngược lại: “ Thiên nhiên chỉ đẹp khi nó giống như tác phẩm nghệ thuật, và tác phẩm nghệ thuật chỉ đẹp khi nó giống như thiên nhiên “ (Kant, Phê phán năng lực phán đoán, 1790). Điều đặc biệt quan trọng đã được Kant vạch ra và có một ảnh hưởng vô cùng to lớn lên nghệ thuật, đó là vai trò quyết định của chủ thể, là tính chất chủ quan của cái đẹp, cái đẹp không nằm trong đối tượng, dù cho đó là một cảnh thiên nhiên, hay một tác phẩm nghệ thuật, mà tuỳ thuộc vào sự phán đoán của người nhìn ngắm nó, tức chủ thể. “Cái đẹp không phải ở má hồng cô thiếu nữ mà ở trong mắt kẻ si tình”.

     Ý tưởng về cái Đẹp của Kant đã có ảnh hưởng lớn tới lý thuyết gia hình thức Clive Bell (1881 – 1964), với khái niệm về “Nghệ thuật là Mô dạng tạo Nghĩa” (Art as Significant Form), một khái niệm giúp quan niệm được các thực hành trừu tượng nghệ thuật. Theo Bell các tác phẩm nghệ thuật mà ông minh chứng “…được liên gộp theo một cách nào đó, cùng với các mô dạng và mối liên hệ của các mô dạng, gợi nên được các xúc động thẩm mỹ cho chúng ta. Những mối liên hệ và sự liên gộp này của đường nét, màu sắc, cùng những mô dạng chuyển vận một cách thẩm mỹ này, tôi gọi là “Mô dạng tạo Nghĩa”; và “Mô dạng tạo Nghĩa” chính là chất lượng chung cho mọi nghệ phẩm thuộc nghệ thuật thị giác. Như vây, các nghệ phẩm trừu tượng hoàn toàn thỏa mãn đòi hỏi ấy từ khái niệm Nghệ thuật như Mô dạng tạo Nghĩa của Clive Bell.

      Thế kỷ XIX, James McNeill Whistler trong bức tranh Nocturne in Black and Gold – The falling Rocket (1872), đã đặt những ấn tượng thị giác gây xúc động lên trên sự miêu tả đối với chủ thể. Quan điểm “objective interest in what is seen” còn thấy trong tranh của John Constable, Turner, Camille Corot và từ họ cho đến những người theo trường phái ấn tượng, hậu ấn tượng, biểu hiện, dã thú, lập thể … đã đặt nền tảng cho hội họa trừu tượng của thế kỷ XX.

     Tới cuối thế kỷ XIX, rất nhiều nghệ sỹ cảm thấy cần phải tạo ra một thứ nghệ thuật mới, có thể chứa đựng được những thay đổi cơ bản trong sự phát triển xã hội, khoa học và triết học đương thời. Trong giai đoạn từ 1910 – 1918, chủ trương chính của họa sĩ trên khắp Châu Âu là khước từ ảnh hưởng của hiện thực khách quan, sáng tạo theo cảm giác ấn tượng chủ quan của nghệ sĩ. Theo quan niệm này, khả năng biểu đạt của hội họa thời bấy giờ bị giới hạn và đã được khai thác cạn kiệt.

     Những năm đầu thế kỷ XX, hội hoạ hiện đại ra đời với một loạt ý tưởng và quan niệm mới mẻ về mặt thẩm mỹ, màu sắc, nét vẽ (Van Gogh, Gauguin, Cézanne); cách đưa đối tượng lên phía trước (Cézanne), cách tái tạo lại đối tượng trong một cấu trúc (Picasso, Braque, v.v.), cách thể hiện nhịp điệu và sự chuyển động (Boccioni, Mondrian, Marcel Duchamp, v.v…). Ngoài ra còn có những ý tưởng có tính chất triết học, hoàn toàn đi ngược lại với những quan niệm cổ điển và đã có một ảnh hưởng quyết định lên nghệ thuật như: “phủ nhận sự sao chép đối tượng” của các phong cách biểu hiện, dã thú, lập thể … cuối cùng hội hoạ trừu tượng mới là dòng hội hoạ phủ nhận triệt để nhất đối tượng sao chép và nhất là nó phủ nhận tất cả những hình tượng tồn tại trong thế giới tự nhiên (Kandinsky, Mondrian, Malevitch, v.v…). Có thể nói rằng, đây là một thách thức mới, tác phẩm trừu tượng theo đúng nghĩa của nó phải chứng minh được rằng : cái đẹp nghệ thuật do trí tưởng tượng của con người sáng tạo ra hoàn toàn độc lập với thế giới tự nhiên, phủ nhận tất cả những hình tượng gợi nhắc đến thế giới tự nhiên. Thật vậy, bằng việc rời bỏ hoàn toàn thế giới hiện tượng khách quan để chỉ quan tâm tới các thể dạng lý tưởng, tác phẩm của các nghệ sĩ nói trên đã triệt tiêu đi toàn bộ tính chất mô phỏng của nghệ thuật theo quan điểm của Plato – Aristotle, thay vào đó trình ra những đường nét và màu sắc thuần túy. Thậm chí với Piet Mondrian trong một phát ngôn của mình, còn cho rằng các tác phẩm của ông “tìm cách vượt xa hơn hệ thống giá trị của con người để đạt tới sự vô tận và vĩnh cửu”.

     Chủ nghĩa trừu tượng được cho là hình thành trong khoảng đầu những năm 1910, nó diễn ra đồng thời ở nhiều nơi trên lục địa châu Âu. Có thể nói, nước Nga là những người tiên phong (Vladimir Tatlin, Antoine Pevsner, Naum Gabo, Kazimir Malevich, Wassily Kandinsky …), Trường Bauhaus Đức (Wassily Kandinsky,Paul Klee, Joseph Albers, Theo van Doesburg …), Hà Lan năm 1930 (nhóm De Stijl với Piet Mondrian, Theo van Doesburg, Bart van der Leck, và Vilmos Huszár-Mondrian …). Ở Paris (có Delaunay, Brancusi và nhóm Cercle et Carré , Hans Arp, Le Corbusier, Kurt Schwitters, Luigi Russolo, Fernand Léger, Wassily Kandinsky, Piet Mondrian, Amédée Ozenfant, Antoine Pevsner và Georges Vantongerloo …). Ở London (nhóm St Ives ở Cornwall và Ben Nichoson, Barbara Hepworth Terry Frost, Patrick Heron, Henry Moore…). Ở Ý gồm những nghệ sỹ độc sắc – Monochrome painters, nhóm nghệ thuật nghèo khó – Arte povera, những nhà ý niệm – Conceptualists, các nghệ sĩ (Venice Emilio Vedova, Alberto Burri …); Tây Ban Nha (Antonio Tàpies …). Đến thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, cũng giống như với nhiều trào lưu hiện đại khác, các nghệ sĩ châu Âu di cư sang nước Mỹ đã đem theo chủ nghĩa trừu tượng đến đất nước này (Hans Hofmann, Joseph Albers, Charles Sheeler, Demuth, Georgia O’Keeffe, Piet Mondrian …), cùng với các nghệ sĩ bản địa (Burgoyne Diller và Ilya Bolotowsky, Lee Krasner, Lassaw Ibram …) và các nghệ sĩ đương đại như (Jackson Pollock, Frank Kline, Rothko, Reinhardt, Hartung, Soulages ….).

     Có thể nói, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự thành thị hóa, công nghiệp hóa, sự phát triển sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm sự thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cùng các mối quan hệ của con người và xã hội. Thuyết lượng tử của Planck và thuyết tương đối của Einstein là tiêu biểu cho cách mạng mới về vật lí học, thay đổi triệt để vũ trụ quan cơ giới của Newton, nguyên lí không chắc chắn về nguyên tắc của Werner Heisenberg thông qua miêu tả trạng thái vận động của hạt vật chất đã tuyên bố phá sản thuyết lực học kinh điển cuộc cách mạng vật lí đã phá vỡ bối cảnh liên tục cố định của thế giới khách quan, tâm lý học Gestalt cũng làm thay đổi cách nhìn của con người về thế giới vật chất. Chính trong hoàn cảnh ấy, kế tiếp sự ảnh hưởng của triết học Kant, Descartes và Heghel, các trào lưu triết học tương ứng với trào lưu văn hóa xã hội coi trọng chủ quan, nhấn mạnh phi lí tính ra đời. Chủ nghĩa thần bí của Kierkegaard, chủ nghĩa hiện sinh của Karl Jaspers, Satre, triết học siêu nhân của Nietzsche, duy ý chí luận và thuyết không gian sinh tồn ảo của Schopenhauer, thuyết trực giác của Bergson, học thuyết phân tích tinh thần của Freud … Sự biến đổi, hỗn loạn, mâu thuẫn và nguy cơ tương ứng của thế giới tư bản chủ tác động vào xã hội và cũng thẩm thấu vào nghệ thuật. Thêm vào đó, sau thế chiến thứ hai, thế giới bước vào một thời kỳ mới cùng một sinh cảnh hoang tàn với những niềm tin vỡ vụn, tâm lý bất an, hoài nghi và mơ hồ, các giá trị đạo đức, tín ngưỡng tôn giáo bị lãng quên cùng việc cạnh tranh tài nguyên, cạnh tranh tư bản, chiến tranh và sự phân chia thế giới … tất cả đã làm tăng thêm cảm thức về sự xa lìa và nhu cầu bộc lộ nội tại của nghệ sỹ. Nghệ thuật trừu tượng phát triển là lẽ tất yếu, từ ý niệm cho tới động thái.

     Như vậy, rõ ràng các tác phẩm trừu tượng là những thực hành tuân theo các cách tổ chức khác, một khái niệm nghệ – thuật khác và chủ nghĩa trừu tượng đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng triệt để trong nghệ thuật. Cuộc cách mạng đó ít nhiều đã làm thay đổi các quan niệm nghệ thuật, thay đổi các thị hiếu thẩm mỹ, đưa ra những cách nhìn mới phù hợp với bối cảnh mới của thời đại, đoạn tuyệt với những cách tiếp cận cũ, làm đổ vỡ không ít những tiêu chuẩn về cái đẹp của nghệ thuật trước đó. Trong khi thiết lập những tiêu chuẩn mới, nhiều cuộc thử nghiệm đã vượt qua được thử thách của thời gian, đang chứng tỏ rằng các phong trào tiên phong đã đem lại nhiều thành công hơn là hạn chế đến sự phát triển nghệ thuật. Có thể nói, mỗi trào lưu nghệ thuật đều quán chiếu vào chính cái chiều hướng nhất định, rồi sẽ mất hút ngay khi dòng sau xuất hiện. Điều này đúng cho tất cả các chủ nghĩa, các trào lưu, trường phái nghệ thuật, bởi mặc dù một mặt mọi nghệ phẩm tự thân có thể luôn hoàn tất, song mặt khác, một cách cần thiết, nó cũng chưa hề hoàn tất. Do vậy, không ai có thể được coi là câu trả lời tối hậu mà chỉ coi là một phần trong một tổng thể vẫn đang vận động và tiếp diễn.

     Cho đến nay, ngoài hội họa, nghệ thuật trừu tượng ảnh hưởng đến khá nhiều lãnh vực khác như “điêu khắc trừu tượng với Constantin Brancusi, Alexander Archipenko… kiến trúc sư đương đại và các nhà thiết kế đã đưa vào những lý thuyết trừu tượng các loại hình trong xây dựng, trong đồ gỗ gia dụng, hàng dệt và máy móc…” Chủ nghĩa trừu tượng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nghệ thuật nhiếp ảnh, sân khấu và một số loại hình nghệ thuật thị giác đương đại khác…

     Thế kỷ XXI, không biết có đem đến điều gì mới hơn cho nghệ thuật, nhưng rõ ràng con người sống trong thời đại điện tử và truyền thông ngày nay, càng ngày càng ý thức được sự đa dạng của nghệ thuật đang tràn ngập vào đời sống xã hội với những quan niệm mới, hình thức, phương tiện, chất liệu mới … Có thể nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật đương đại nói chung, vẫn có thể tiếp tục trong một vài phương thức tiệm cận nhau, sự khủng hoảng của nghệ thuật, phê bình nghệ thuật đương đại ngày nay bắt nguồn từ đó, không có sự đồng lòng, không có một quan điểm nào chiếm ưu thế, mọi thứ vẫn đang vận động, nhưng không có gì bền vững, không có một định hướng nào rõ ràng… Song dường như người ta cũng trở nên khoan dung hơn, không còn tự gò bó mình trong những quan niệm xưa cũ và tất cả mọi con đường nhỏ đi tới đại lộ lớn của cái đẹp đều được chấp nhận trong một môi trường đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật. Điều này tự nó cũng đã là cả một sự đổi thay quan trọng không phải chỉ về mặt nghệ thuật mà thôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Cynthia Freeland, Thế mà là nghệ thuật ư?, Như Huy dịch, NXB Tri thức, (2009).

     2. Nguyễn Văn Dân, Cuộc cách mạng của chủ nghĩa trừu tượng, Tạp chí Văn học nước ngoài số 6/20123, Website: phebinhvanhoc.com.vn

     3. Nghệ thuật trừu tượng, Website: vi.wikipedia.org/wiki/Trường_phái_trừu_tượng (2012)

     4. Văn Ngọc, Tản mạn về những tư tưởng triết học đã ảnh hưởng đến nghệ thuật, Website: diendan.org/phebinh-nghien-cuu/triet-hocnghe-thuat, (2009).

     5. Ocvirk, Stinson, Wigg, Bone, Cayton. Những nền tảng của Mỹ thuật, NXB Mỹ thuật, (2006).

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02.2014

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chủ nghĩa trừu tượng và sự thay đổi các quan niệm nghệ thuật
(Tác giả: ThS. Nguyễn Thanh Tùng)