Chùa Thánh Duyên: Một dấu ấn văn hoá – kiến trúc dưới triều Nguyễn (1)

Tác giả bài viết: LÊ ĐÌNH HÙNG*

1. Tiểu dẫn

     Dựa vào hình thế tự nhiên để kiến tạo các công trình kiến trúc là điều phổ biến của nhiều dân tộc từ xưa đến nay. Một số nước Á Đông có ảnh hưởng bởi văn hóa Hà Lạc thì việc kiến tạo các công trình kiến trúc còn được chi phối bởi cách nhìn của địa lý phong thủy. Một hiện tượng có thể nhận thấy, từ vua chúa, quan lại, cho đến bình dân trăm họ phần đông đều tương tín địa lý phong thủy và vận dụng kiến thức đó vào kiến tạo dương cơ cũng như âm phần, với mong muốn bình an, nhân đinh vượng thịnh, tiền tài phát đạt.

     Đối với những vị tu hành Phật Pháp, họ thường chú trọng đến nội tâm tu tập, còn những pháp thế gian thì không cổ suý nhưng cũng không phản bác, phủ nhận2. Về địa lý phong thuỷ, Phật giáo có câu danh ngôn: “Thế thượng bản vô huyệt, huyệt tại ngã tâm trung” (Trên đời không có huyệt, huyệt tại trong tâm ta). Điều này, thể hiện Phật giáo chú trọng đến việc tu hành chứng ngộ tại tâm, chứ không quá chú trọng đến hoàn cảnh bên ngoài. Nói như vậy, không có nghĩa sư tăng bỏ qua yếu tố địa lý phong thuỷ mà được tiếp cận bằng một cách khác, đó là chú trọng đến cảm nhận về cảnh quan cũng như hoàn cảnh an cư hơn là dùng học lý để biện biệt. 

     Nhìn lại lịch sử Phật giáo, các vị thiền sư, ngày xưa, họ thường chọn những nơi thâm sơn, tĩnh mịch để an trú, tu hành, tham thiền nhập định, hướng Phật. Cổ ngữ có câu: “Thế gian hảo ngữ thư thuyết tận; Thiên hạ danh sơn Tăng chiếm đa” (Thế gian lời hay sách nói hết. Thiên hạ danh sơn Tăng chiếm nhiều). Thực ra các tăng nhân ngày xưa, họ đâu có ý muốn chiếm danh sơn cho mình, mà họ chỉ tìm nơi tĩnh lặng chốn sơn lâm, gần gũi với thiên nhiên để làm một thảo am để tu hành, tham thiền nhập định. Những nơi mà các thiền sư chọn, trong đó có những danh sơn, nhưng có nơi chỉ là những ngọn núi hoang vu, sau này mới trở thành danh sơn bởi chính nhờ sự khai sơn, chấn tích của họ.

     Từ những nơi mà các thiền sư lựa chọn để làm chốn tu hành, truyền pháp, sau này thường được xây dựng thành các ngôi chùa. Đây là một dạng thức hình thành các ngôi chùa ở xứ Huế, do vậy có khá nhiều ngôi chùa ở Huế được gọi là Thiền môn, Sơn môn, Tổ đình. Tên gọi đó phần nào thể hiện được một đặc điểm căn bản của Phật giáo xứ Huế. Song song với các dòng thiền được các thiền sư khai mở và truyền thừa, Phật giáo xứ Huế còn có một dòng Phật giáo dân gian do đại đa số thiện tín có tâm hướng Phật quyên góp ty tài để xây dựng thành những ngôi chùa. Đó là một dạng chùa tư, chùa do những cá nhân tạo lập hay chùa làng, chùa do những cộng đồng làng xã xây dựng. Còn những ngôi chùa do các vị vua chúa thiện tâm xây dựng, chúng trở thành những ngôi quan tự, quốc tự được triều đình quản lý và chi phối đến một số hoạt động tôn giáo theo thiện nguyện của chính quyền. Dù được hình thành dưới dạng thức nào đi nữa, một ngôi chùa phải có những tăng, ni, Phật tử, hay tín đồ duy trì hương hoả mới có thể tồn tại theo thời gian. Do vậy, không ít ngôi chùa đã thỉnh các vị tăng, ni, thầy cúng dân gian để trú trì, phụng tác Phật sự, duy trì hương hoả.

     Nhìn chung, những ngôi chùa ở Huế được xây dựng thường tuân thủ theo quy tắc đặc thù của Phật giáo nơi này. Việc quy hoạch, thiết kế chịu ảnh hưởng bởi triết học, nhân sinh quan Phật giáo, kiến trúc vùng miền, mỹ học, địa chất, sinh thái, cảnh quan,… Việc vận dụng thuật phong thuỷ vào xây chùa chiền cũng không ngoài mong muốn chúng được trường tồn qua thời gian, hương hoả vượng thịnh, hoằng pháp phổ tế quần sinh.

     Ở xứ Huế, kiến trúc Phật giáo xưa, thường có xu hướng thuận theo tự nhiên, không chỉ lấy tự nhiên bên ngoài làm bài trí cảnh quan mà đưa kiến trúc hoà vào cảnh trí tự nhiên hợp thành một thể thống nhất. Đối với từng ngôi chùa cụ thể, công trình kiến trúc chính là Đại Hùng Bảo Điện nên nó luôn được ưu tiên chọn lựa theo nguyên lý phong thuỷ như: Hậu có kháo sơn, tiền có lưu thuỷ, tả hữu có sơn sa hộ vệ,… cùng với cảnh quan tươi đẹp. Còn các công trình kiến trúc khác được bố trí đăng đối trên trục chính đã trở thành một mô thức hoàn chỉnh mà nhiều ngôi chùa đã áp dụng. Thông thường các ngôi chùa được bố trí sau trước cao thấp, tả hữu đối xứng nghiêm chỉnh. Tuỳ theo điều kiện tự nhiên, diện tích sử dụng mà nhiều khi việc bố trí không gian của các ngôi chùa sao cho hài hoà, hợp lý, chứ không hẳn tuân thủ theo một mô thức nhất định.

     Quan sát một số ngôi chùa cổ ở Huế, dù xây dựng ở vùng sơn cốc hay bình dương, có thể nhận thấy, những ngôi chùa thường xuất hiện cao tăng, danh tăng, được truyền thừa liên tục, hương hoả thịnh vượng, thường có phong thuỷ tốt, bố cục không gian hợp lý và hài hoà với tự nhiên.

     Chùa ngoài chức năng phụng Phật còn là nơi tu hành, an trú của tăng ni, đồng thời cũng là nơi hoằng pháp lợi sinh, do vậy việc bố cục các không gian cũng được phân định động tĩnh sao cho phù hợp. Tuỳ vào khu vực toạ lạc của mỗi ngôi chùa là nơi đông đúc cư dân tụ tập hay khu vực xa cách dân cư mà điều này cũng được xử lý một cách hài hoà.

     Trong những danh lam ở Huế, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bố cục, kiến trúc, cách vận dụng địa lý phong thuỷ trong việc xử lý tình huống của chùa Thánh Duyên tại núi Thuý Vân. Ngôi chùa này, mang đậm những dấu ấn văn hoá – kiến trúc, dưới triều Nguyễn, vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn đến ngày nay. Dù là một ngôi quan tự được triều đình bảo trợ xây dựng nhưng tinh thần Phật giáo trong kiến tạo tự vũ vẫn được áp dụng khá rõ nét. Chính vì vậy, chúng tôi xem ngôi chùa này là một trường hợp tiêu biểu để khảo sát tìm hiểu về văn hoá kiến trúc, một dạng thức tiêu biểu của chùa Huế xưa. Đồng thời sử dụng tư liệu văn bia, do một vị hoàng đế đương thời trứ tác để làm rõ thêm về địa lý, cảnh quan của ngôi chùa này3.

2. Duyên khởi chùa Thánh Duyên

     Dải đất phía Nam ven biển Thừa Thiên được chia cắt với đất liền bởi bốn bề giáp thuỷ, gần như tách ra khỏi lục địa, phía ngoài tiếp giáp biển Đông, phía trong giáp đầm Thuỷ Tú, Hà Trung, Cầu Hai và hai cửa biển Thuận An, Tư Hiền. Đặc biệt cửa biển Tư Hiền là tổng thuỷ khẩu của vùng đất phía Nam Thừa Thiên. Một câu được ghi trong Đại Nam nhất thống chí: “Huống chi nguyên uỷ cửa biển này, có quan hệ đến vận mệnh quốc gia, không ví với các cửa biển khác được”, đã cho thấy tầm quan trọng của nó4. Tại đây, có hai ngọn núi đột khởi trên vùng bạch sa duyên hải, cao tại trấn tại thuỷ khẩu đó là núi Linh Thái và Thuý Vân và phía bên kia phá là một dãy núi tách từ dãy Trường Sơn chạy ngang ra phía biển5.

     Chính vì vậy, từ thời các chúa Nguyễn cho đến triều Nguyễn, chính quyền rất chú trọng đến vùng đất này. Qua sử liệu triều Nguyễn có thể nhận thấy triều đình luôn xem nơi này là trấn địa, một cửa ngõ của kinh đô nên đã có những động thái về mặt quân sự để bảo vệ kết hợp với những công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng để an trấn tại thuỷ khẩu.

     Núi Linh Thái còn có những tên gọi khác như hòn Rùa, núi Hãn Môn, Hoa Biểu. Ngay tên gọi của ngọn núi, tiền nhân đã sử dụng thuật ngữ của địa lý phong thuỷ để chỉ thị, cho thấy tầm quan trọng của nó đối với vùng đất kinh đô. Những danh từ như: Hãn Môn, Hoa Biểu, tên linh thú toạ trấn thuỷ khẩu thường dùng để chỉ thị những vùng quý địa. Để bảo vệ hai ngọn núi này chúa Nguyễn đã cho xây dựng ở trên núi một ngôi chùa có tên là chùa Hòa Vinh, trên di chỉ của đền tháp Chăm xưa. Nơi đây cũng là một hải khẩu trọng yếu của vùng đất Thần kinh, nên vào thời Gia Long, triều đình đã cho đặt Phong Hoả đài ở trên núi. Đến thời Minh Mạng lại cho trùng tu chùa cổ Hoà Vinh và đổi tên thành chùa Trấn Hải, xây Hải Môn Thần từ ở dưới chân núi.

     Còn tại núi Thuý Vân đã từng tồn tại một ngôi cổ tự, khi người Việt khai phá, lập làng, định cư ở vùng đất này. Có thể ban đầu tại núi Thúy Vân, tên cũ là Mỹ Am, từng có thảo am của một vị thiền sư, nhưng không còn tài liệu nào ghi nhận điều này lưu lại hậu thế. Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu:

     Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần tuần du qua chơi, không rõ năm nào, cho dựng một ngôi chùa nhỏ trên sườn núi làm nơi cầu phúc và ban tên núi là Thúy Am; chùa đã được trùng tu một lần vào năm 1692 thời Nguyễn Phúc Chu6.

     Sự kiện này, tham khảo sử liệu triều Nguyễn qua các tác phẩm Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục có thể xác nhận.

     Một nguồn tư liệu quan trọng khác, đó là bài văn bia “Ngự chế” của vua Minh Mạng, hiện đang còn lưu giữ trang trọng tại chùa Thánh Duyên, có thể nhận thấy cổ tự đã được kiến tạo một lần vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu nhưng đã bị phá hủy gần hết vào thời Tây Sơn, đến thời Minh Mạng mới tái thiết và diện mạo cơ bản vẫn được bảo tồn đến ngày nay: “Thử sơn tích thời tự vũ thậm đa, giai Hoàng Tổ Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế sở kiến. Hậu kinh Tây Sơn tặc tàn hủy kỷ tận” (Núi này thời trước tự vũ rất nhiều, đều do Hoàng tổ Hiển tông Hiếu minh Hoàng đế kiến tạo. Sau trải qua Tây Sơn giặc tàn phá gần hết)7.

     Chùa Thánh Duyên được xây dựng, vào triều Minh Mạng, mở rộng quy mô và tăng thêm một số công trình kiến trúc trên núi Thuý Hoa8. Những công trình kiến trúc này, tuy đã được trùng tu nhưng vẫn giữ được khá nguyên trạng kiến trúc và mỹ thuật đặc trưng dưới triều Nguyễn. Đặc biệt là việc hoạch định bố cục, xử lý tình huống hài hòa với địa lý tự nhiên, đồng thời thể hiện những nét đặc trưng của danh lam xứ Huế.

3. Bố cục và kiến trúc tự vũ tại núi Thuý Vân

     Quần thể “Vân sơn thắng tích”9 ngoài địa thế cảnh quan còn có những công trình kiến trúc được bố trí hài hoà với không gian nơi đây. Căn cứ vào những công trình kiến trúc còn lại, tham chiếu một số tài liệu có thể nhận ra dụng ý của người xưa trong việc kiến tạo nơi đây thành một thắng tích của đất Thần kinh.

     Chùa Thánh Duyên, công trình kiến trúc chính của cụm kiến trúc trong “Vân sơn thắng tích”. Chùa được tái tạo vào năm Minh Mạng thứ 18 (Đinh Dậu [1837]): “Ư thị niên thu cát thần vu cựu chỉ kiến tự” (Ngày giờ tốt, mùa thu năm ấy dựng chùa trên nền cũ)10. Chùa toạ lạc ở vị trí gần chân núi, cao chừng 16m so với mặt nước biển, trên một chi long uyển chuyển, trường hoãn nhất trong các chi long phân bố quanh ngọn núi. Quan trắc chi long này có thể nhận thấy: Cấn long lạc mạch, hữu đơn đề, chuyển Khảm, khứ Tốn. Nền đất dựng chùa được san phẳng thành các bậc cấp, sau cao, trước thấp tạo thành mặt bằng xây dựng. Tuyến độ đo đạc tại thực địa, chùa toạ Hợi hướng Tỵ, lưng dựa vào long tích, mặt hướng ra đầm Hà Trung. Điều này, còn được thể hiện qua câu thơ trong bài “Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận”:

背 倚 翠 山 嶠               Bối ỷ thúy sơn kiệu

面 臨 小 海 濱11            Diện lâm tiểu hải tân12.

     Tọa sơn hướng thủy là một yếu tố quan trọng về hình pháp và lý được các nhà địa lý ưu tiên lựa chọn vì đó là yếu tố quan trọng nhất đối với phong thuỷ học vừa thuận theo tự nhiên vừa có thể dễ dàng nội thừa sinh khí, ngoại thu đường khí. Căn cứ vào nội cục thì hướng thượng được lập tự vượng hướng. Còn ngoại cục lại là chính sinh hướng, theo quan điểm của phong thuỷ tam hợp tân pháp. Tam hợp tân pháp là một học phái mà triều Nguyễn đã áp dụng lý pháp cho khá nhiều công trình kiến trúc do triều đình xây dựng, chùa Thánh Duyên cũng là một trường hợp như vậy. Điều này không khó xác nhận, khi thực địa, trắc định một số công trình kiến trúc tại cố đô Huế.

     Vị trí dựng chùa được ưu tiên lựa chọn, xác lập toạ hướng, song nơi đây không đủ chứng ứng cho một chân long kết huyệt dưới nhãn quan địa lý âm trạch, mà chỉ là một cách lựa chọn và xử lý tình huống phù hợp với điều kiện tự nhiên vận dụng vào dương trạch. Vị trí đắc địa nhất của khu vực này thì tiền nhân đã lựa chọn để xây Mỹ Am từ. Qua trường hợp này, có thể nhìn nhận đình, chùa, miếu, điện,… trong tôn giáo tín ngưỡng không phải nhất thiết được xây dựng trên bảo địa, quý địa theo quan điểm phong thuỷ.

     Đây là ngôi chùa mang đặc trưng kiến trúc cung đình của triều Nguyễn. Dạng thức kiến trúc của chùa Thánh Duyên cũng là một mẫu hình tiêu biểu cho truyền thống kiến trúc chùa Huế. Chính điện là ngôi nhà rường ba gian hai chái. Phần gian và chái phía bên ngoài được phân định bằng đường cổ diêm để tạo phần mái theo lối trùng thiềm. Các bờ nóc, bờ quyết được trang trí bằng các mô thức như lưỡng long triều nguyệt, hồi long, quyển vân,… không có gì đặc biệt so với các công trình kiến trúc khác. Nội điện phần lớn không tập trung cho các án thờ, thiết trí pháp tượng, pháp khí cả ba gian chính và hai chái hai bên. Khoảng không ở giữa là nơi sư tăng, Phật tử hành lễ. Là một quan tự được triều đình kiến tạo nên việc trang trí, liên ba, đố bản chạm khắc công phu, đặc biệt các ô hộc trang trí thi hoạ đậm chất cung đình13.

     Do toạ lạc trên sườn núi, độ dốc lớn cho nên việc mở rộng mặt bằng xây dựng theo chiều toạ hướng bị hạn chế nên ngôi chánh điện không được mở rộng theo kiểu điệp ốc như những công trình kiến trúc cung đình và một số ngôi chùa lớn khác. Để làm nơi an trú, sinh hoạt của chư tăng, sát chánh điện bên phải là các công trình kiến trúc bổ trợ như tăng xá, trù ốc. Trong khi đó, bên trái chánh điện lại có một con khe nhỏ, và diện tích không đủ để kiến tạo một công trình kiến trúc khác mang tính đăng đối theo truyền thống kiến trúc chùa Huế. Những công trình kiến trúc này xung quanh có tường bao để bảo vệ và phân định với không gian bên ngoài. Thông qua quan, môn thì việc khai, bế có thể chủ động bởi sư tăng để ứng phó với các tình huống động tĩnh theo sinh hoạt thường nhật của ngôi chùa. Phía trước chánh điện, qua khoảnh sân nhỏ là tam quan, gắn với mặt trước của tường bao. Tam quan chùa Thánh Duyên, cũng như tam quan của các ngôi chùa khác, chúng được xây dựng theo kiểu thượng lâu, hạ quan, một kiểu thức phổ biến của các ngôi chùa xứ Huế.

     Phía sau chánh điện về phía trái còn có “Bắc môn”. Đây cũng là cửa ngõ để đến các công trình kiến trúc khác ở trên núi phía sau ngôi chùa. Đối với các công trình kiến trúc dinh, thự, cung, điện, đình, chùa,… tam quan thường được khai tại chính hướng, nên chùa Thánh Duyên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhưng “Bắc môn” thì được tiền nhân dụng tâm hoạch định, khai môn tại phương vị Đế vượng, kết nối với các công trình kiến trúc khác qua con đường đi bộ lên đỉnh núi.

     Con đường này được dựa theo long tích để lát đá thành những bậc cấp, một lối đi thuận tiện nhất cho người bộ hành. Đó là một cách vận dụng tối ưu về địa hình sườn núi để kiến tạo nhưng không phá vỡ cảnh quan, tổn hại địa mạch14. Nó được khắc họa qua câu thơ trong bài Đại Từ Các:

幽 林 樹 密 密                  U lâm thụ mật mật

曲 徑 路 迢 迢15               Khúc kính lộ diêu diêu

Tạm dịch:

Cây rừng bóng san sát.

Đường nhỏ uốn xa xăm.

     Đại Từ Các vốn là một công trình kiến trúc bằng gỗ ba gian gác, còn tầng dưới mở rộng thêm hai chái. Trải qua thời gian công trình này đã bị hư hỏng nên bộ khung được dựng lại bằng bằng bê tông cốt thép, nhưng kiểu dáng vẫn được giữ nguyên như thuở sơ kiến. Đây là nơi thờ phụng Di Đà Tam Tôn, được bố trí tại lưng chừng núi, vị trí long mạch chuyển hướng. Vì toạ lạc nơi long tích nên gác Đại Từ lập toạ Tý hướng Ngọ theo cách hoành kỵ long để hướng về phía chùa Thánh Duyên ở gần dưới chân núi. Quan sát địa thế gác Đại Từ toạ lạc có thể nhận thấy, gác có toạ hậu không khuyết, diện tiền tả thuỷ đảo hữu, phản bối trực lưu. Rõ ràng dùng học lý của phong thuỷ để nhìn nhận thì Đại Từ Các không phải là nơi có phong thuỷ tốt. Nhưng đối với kiến trúc Phật giáo, công năng chính là thờ Phật, cụ thể gác Đại Từ nguyên uỷ là nơi thờ phụng Di Đà Tam Tôn, nên không có sự uý kỵ như kiến trúc dân sinh. Có thể nói gác Đại Từ có một vị trí tuyệt đẹp và hoà nhập với cảnh trí tự nhiên. Nếu đứng ở đây nhìn bao quát cảnh quan có thể cảm nhận cảnh Tiên, cõi Bụt, như bài thơ Đại Từ Các của Hoàng Đế Minh Mạng:

高閣據山腰                 Cao các cứ sơn yêu,

俯觀景色饒                 Phủ quan cảnh sắc nhiêu.

登臨逾百級                 Đăng lâm du bách cấp,

峻峙聳層霄                 Tuấn trĩ tủng tằng tiêu.

南列群峰拱                 Nam liệt quần phong củng,

北來大海朝                 Bắc lai đại hải triều.

幽林樹密密                 U lâm thụ mật mật,

曲徑路迢迢                 Khúc kính lộ điều điều.

花雨半空落                 Hoa vũ bán không lạc,

香風午日飄                 Hương phong ngọ nhật phiêu.

真如居勝地                 Chân Như cư thắng địa,

金榜大慈標16             Kim bảng Đại Từ tiêu.

Tạm dịch:

Gác cao nương eo núi,

Nhìn xuống cảnh sắc đầy.

Đăng lâm hơn trăm cấp,

Cao vọi mấy tầng mây.

Nam bày quần phong củng,

Bắc đến đại hải triều.

Rừng vắng cây san sát,

Lối nhỏ đường xa xăm.

Mưa hoa giữa trời rụng,

Hương gió ngày ngọ đưa.

Chân Như nơi thắng địa,

“Đại Từ” bảng vàng nêu17.

     Từ đây theo con đường nhỏ lát đá tiếp tục đến đỉnh núi. Điểm cao nhất của núi Thúy Vân, là nơi tọa lạc của tháp Điều Ngự. Việc chọn vị trí xây dựng tháp Điều Ngự là một sự lựa chọn mang tính tối ưu nhất vừa tận dụng độ cao của ngọn núi vừa tăng chiều cao cho ngôi bảo tháp. Từ xa nhìn lại đỉnh tháp vươn lên trên những tán cây xanh. Trải qua một thời gian dài nhưng ngôi tháp vẫn còn gần như nguyên trạng kiến trúc. Tháp có bình diện hình vuông, ba tầng, càng lên cao càng được thu nhỏ, mỗi tầng đều có ba vòm cửa. Toạ hướng của bảo tháp theo trục Dần Thân, mặt trước được gắn biển ngạch bằng đá với ba đại tự “Điều Ngự Tháp”. Mặt chính của bảo tháp hướng về phía Đại Từ Các. Tháp Điều Ngự là nơi phụng thờ các vị Phật: Tầng thượng phụng thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương; Tầng giữa phụng thờ Nhân Gian Điều Ngự Phúc Bị Quần Sinh Vạn Thiện Chí Tôn; Tầng dưới thờ Địa Phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diêm La Chủ Tể18. Trong bài thơ ngự chế Đăng Điều Ngự Tháp của Hoàng Đế Minh Mạng đã viết:

巍 峨 寳 塔 踞 山 巓              Nguy nga bảo tháp cứ sơn điên

拾 級 而 登 豈 倦 焉              Thập cấp nhi đăng khởi quyển yên,

四 面 遐 觀 臨 大 地             Tứ diện hà quan lâm đại địa,

三 層 高 矗 立 中 天19          Tam tằng cao điệp lập trung thiên…

Tạm dịch:

Nguy nga bảo tháp tọa đỉnh cao

Mười cấp để lên há mệt sao

Bốn phía nhìn xa khắp đại địa

Ba tầng điệp lập giữa trời cao…

     Phía sau Điều Ngự Tháp là Tiến Sảng Đình, công trình này không được đề cập trong thơ “Ngự chế” nhưng nó là một công trình kiến trúc đáng được lưu ý về việc vận dụng địa thế tự nhiên trong kiến tạo. Đình dựa lưng vào tháp Điều Ngự mặt hướng ra núi Linh Thái. Đình Tiến Sảng là điểm dừng chân, nghỉ ngơi, hóng mát, ngắm cảnh,… Tại ngôi đình này đã từng được các vua triều Nguyễn và nhiều tao nhân mặc khách, tăng nhân, du khách đến, trong đó có những người đã làm nên những bài thơ hay lưu lại cho hậu thế.

     Lập hướng cho các công trình kiến trúc ở núi Thuý Vân, ngoài Thánh Duyên tự, công trình kiến trúc chính, chúng ta có thể nhận thấy, của các công trình khác không quá chú trọng về lý pháp mà dựa theo hình pháp để lập và căn cứ vào phương vị toạ lạc của chùa Thánh Duyên để phối hợp. Hướng của các công trình kiến trúc y cứ lẫn nhau, thuận theo địa thế để xác lập. Đình Tiến Sảng đối toạ hướng với Điều Ngự Tháp. Tháp Điều Ngự toạ trấn tại sơn đính, nhưng hướng của bảo tháp vẫn thuận theo long hành hướng về gác Đại Từ. Gác Đại Từ cũng vậy, hướng theo long tích nhìn về chùa Thánh Duyên. Cho dù là những đơn nguyên kiến trúc riêng biệt nhưng chúng bổ trợ cho nhau, kết nối với nhau trong một tổng thể hoà hợp. Tinh thần của dạng thức bố cục này thấm đậm quan điểm Phật giáo trong kiến tạo tự vũ. Dưới triều Minh Mạng, vị hoàng đế này đã để lại rất nhiều điển lệ về Phật giáo rất giá trị, và việc quy hoạch, xây dựng “Vân sơn thắng tích” cũng là một điển lệ rất đáng được hậu nhân trân trọng, tham khảo học tập.

     Qua ngự chế thi của Minh Mạng còn có một công trình kiến trúc khác đó là Thúy Hoa Sơn Hành Cung:

牆 後 倚 山 麓                   Tường hậu ỷ sơn lộc

窗 前 臨 水 邊                  Song tiền lâm thủy biên.

蔡 頭 吞 北 海                  Thái đầu thôn bắc hải,

堆 頂 擎 南 天20              Đôi đỉnh kình nam thiên…

Tạm dịch:

Tường sau dựa chân núi,

Cửa trước nhìn thủy bên.

Đầu Thái nuốt biển bắc,

Đỉnh Đôi chống trời nam…21.

     Nhưng hành cung này đã bị hư hoại qua thời gian, đến nay đã mất dần dấu tích22. Dựa vào những câu thơ trên, kết hợp với bản vẽ của Bộ Công trong “Danh thắng hội đồ thi tập” và hình vẽ núi Thuý Vân trên đồ sứ ký kiểu triều Thiệu Trị, có thể đoán định Thuý Hoa Sơn Hành Cung nằm phía dưới chân núi ở phía trước chùa. Hành cung được xây dựng trên khoảnh đất khá bằng phẳng, lưng dựa vào núi mặt hướng ra đầm Cầu Hai.

     Quan sát tổng thể vị trí toạ lạc của các công trình kiến được kiến tạo dưới triều Minh Mạng, có thể nhận thấy ý đồ quy hoạch xử lý các tình huống địa lý của tiền nhân. Hầu hết các công trình kiến trúc được kiến tạo vào triều Minh Mạng đều được bố trí thuận theo một chi long tại núi Thuý Vân từ đỉnh cho đến chân núi nơi giáp đầm phá. Tuỳ theo địa thế và diện tích sử dụng cho mỗi công trình kiến trúc mà san lấp hợp lý, không phá vỡ tổng thể địa lý cảnh quan. Độ cao thấp, trước sau, khoảng cách của các công trình cũng được bài bố hợp lý. Chùa Thánh Duyên và những công trình kiến trúc liên quan ở núi Thuý Vân là một dạng thức bố cục khá đặc thù trong những danh lam xứ Huế.

4. Kết thúc

     Chùa Thánh Duyên và những công trình kiến trúc trong “Vân sơn thắng tích” được xây dựng, dưới thời Minh Mạng, trước hết là kế thừa cựu chỉ của tiền nhân đồng thời gìn giữ trấn địa của xứ Thần kinh. Nhưng qua văn bia ngự chế của Hoàng đế Minh Mạng chỉ đề cập xây chùa là vì dân cầu phúc, cầu cho mẹ sống lâu, cầu cho muôn dân an lạc. Điểm đặc sắc nhất của “Vân sơn thắng tích” đó là vận dụng địa thế để bố cục, xây dựng các công trình kiến trúc một cách hài hoà với cảnh trí tự nhiên. Dù đây là một ngôi quan tự, nhưng tinh thần văn hoá – kiến trúc Phật giáo vẫn được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, kiến trúc ngôi Đại Hùng Bảo Điện là một kiểu mẫu đặc trưng của những ngôi chùa ở Huế. Hiện nay, ở một số ngôi chùa, dù đã có sự thay đổi về vật liệu xây dựng trong việc trùng tu, tôn tạo trên một số cấu kiện, không gian nội thất được nâng cao, mở rộng hơn… nhưng mẫu thức kiến trúc này vẫn còn rất nhiều ngôi chùa Huế tuân thủ và gìn giữ.

     Để duy trì Phật sự tại ngôi chùa này, lịch triều thường lựa chọn danh tăng, cao tăng, để bổ nhiệm tăng cang kiêm trú trì quốc tự. Sau một thời gian đảm nhận trụ trì, các sư tăng có thể vì tuổi cao, sức yếu thường cáo thoái để trở về bản tự của họ. Do vậy, sự truyền thừa pháp phái ở ngôi chùa này không được liên tục như một số ngôi chùa khác ở Huế. Dù được gọi là “quốc tự” ngày xưa, hay “di tích” thuộc Nhà nước quản lý hiện nay, nhưng tại ngôi chùa này vẫn chưa thể xuất những cao tăng, danh tăng xứng tầm “quốc sư”, mà ở ngôi chùa này vẫn duy trì cách tuyển chọn và bổ nhiệm danh tăng đảm nhận trụ trì, giám tự. Cho đến hiện nay, chùa Thánh Duyên vẫn là một ngôi chùa mang chức năng toạ trấn, nơi trấn địa, đồng thời là nơi an trú, tu hành của một số sư tăng, nơi hướng Phật của đông đảo Phật tử, nơi chiêm bái, tham quan của du khách.

__________
(1). Bài viết này là một phần từ bài viết: Lê Đình Hùng (2014), Địa thế núi Thuý Vân và kiến trúc quốc tự Thánh Duyên qua văn bia ngự chế của vua Minh Mạng, tạp chí Liễu Quán, số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 28-33.

*. CN., Phân Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế.

2. Xem thêm bản chữ Hán: Thánh Nghiêm Pháp Sư 聖嚴法師 (1990), Học Phật nghi vấn thập lục đề (學佛疑問十六題), Phật giáo Thanh niên Hiệp hội ấn, tr. 4-8.

3. Đây là tấm bia khá lớn (175cm x 86cm), bằng đá thanh, được dựng ở bên phải chùa Thánh Duyên, trong bia có đề chữ “Ngự chế” của vua Minh Mạng. Dòng niên đại của bia được thể hiện: “Minh Mạng thập bát niên, Đinh Dậu, tam nguyệt, cát nhật cung tuyên” (Kính khắc ngày tốt, tháng 3, năm Đinh Dậu, Minh Mạng 18).

4. QSQ triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí (tập 1), Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 176.

5. Đây là một cửa biển trong quá khứ đã bị bồi lấp, khai thông nhiều lần. Điều này được đề cập trong Đại Nam nhất thống chí. Có thể ngày xưa nước từ trong đầm phá thông ra biển ở giữa hai ngọn núi Thuý Vân và Linh Thái, quan sát địa mạo ở vùng đất này vẫn còn những dấu vết để đoán định điều đó. Song đây là một lĩnh vực thuộc địa chất, địa hình cần có những nhà chuyên môn mới có thể xác định được.

6. Lê Nguyễn Lưu (2005), “Tuyển dịch văn bia chùa Huế”, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 1-2, tr. 121.

7. Minh Mạng, Văn bia Ngự chế, tlđd.

8. Tên gọi núi Thuý Hoa có từ triều Minh Mạng, nhưng đến triều Thiệu Trị được cải thành Thuý Vân, do tỵ huý bà Hồ Thị Hoa, mẹ của vua Thiệu Trị. Trong bài viết ngày chúng tôi sử dụng tên gọi phổ biến hơn.

9. “Vân sơn thắng tích” là tên của một bài thơ của Hoàng đế Thiệu Trị. Bài thơ này cùng với đề từ được khắc trên một tấm bia hiện còn được bảo lưu phía trước bên phải chùa Thánh Duyên.

10.  Độc giả có thể tham khảo phần dịch: Lê Nguyễn Lưu (2005), “Tuyển dịch văn bia chùa Huế”, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 1-2, tr. 121-229; Giới Hương phỏng dịch (1994), Văn bia chùa Huế, tr. 304-315; Nguyễn Phố dịch (2014), Bia ngự chế của vua Minh Mạng tại chùa Thánh Duyên, Liễu Quán, số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 22-26.

11. Minh Mạng, Văn bia Ngự chế, tlđd.

12. Tức Hà Trung Hải Nhi (phá / đầm Hà Trung). Minh Mạng, Văn bia Ngự chế, tlđd.

13. Xem thêm các bài viết về pháp tượng, pháp khí, trang trí ô hộc, thi hoạ, hoành phi, câu đối,…: Thích Hải Ấn, Thích Minh Chính (2014), Trang trí ô hộc – thi kệ tại Đại hùng bảo điện chùa Thánh Duyên, Liễu Quán, số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 49-53; Võ Vinh Quang, Trần Đình Sơn, Thích Không Nhiên, Nguyễn Văn Thịnh (2014), Bản thống kê tự khí, pháp khí chùa Thánh Duyên đời Thành Thái vừa được phát hiện, Liễu Quán, số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 54-73; Nguyễn Phúc Vĩnh Ba (2014), Về các câu đối tại quốc tự Thánh Duyên, Liễu Quán, số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá, tr. 44-48.

14. Điều đáng tiếc nhất đã xảy ra với con đường thiền vị này. Nó đã được chuyển thành những bậc cấp tương đối đều đặn, được đúc bằng bê tông, xây đá chẻ bằng mạch vữa xi măng. Nhưng mao thuỷ không còn theo địa thế tự nhiên để về hộ long thuỷ. Sự bất cẩn, vô ý trong trùng tu tôn tạo đó góp phần phá huỷ phong thuỷ của ngôi chùa này, mà tiền nhân đã dụng tâm trí quy hoạch xây dựng.

15. Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd.

16. Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd.

17. Ở đây dịch thơ khó có thể biểu đạt hết ý nghĩa nên chúng tôi chỉ dịch những từ có thể chuyển dịch, và có một vài thuật ngữ Phật giáo chưa chú thích. Nếu độc giả quan tâm có thể tham khảo các bản dịch khác.

18. Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd.

19. Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd.

20. Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd.

21. Văn bia chú: “Linh Thái sơn đầu hướng Bắc dĩ lâm hải. Cao Đôi sơn cách ngạn chi nam kỳ cao kinh kỳ vô hữu tỷ giả”, Minh Mạng, Văn bia ngự chế, tlđd. (Núi Linh Thái đầu hướng Bắc để đến biển. Núi Cao Đôi cách bờ phía Nam, nó cao không có núi nào ở kinh kỳ sánh bằng).

22. Vào thời Thiệu Trị, không rõ công trình này có được tu bổ hay không, nhưng nó được gọi bằng Huân Phong Lâu. Qua bức hoạ trên đồ sứ ký kiểu thì có một số ngôi nhà được dựng sát mép nước trước chùa Thánh Duyên. Đây có thể là lầu Huân Phong được dựng vào thời Thiệu Trị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Lê Đình Hùng (2014), Địa thế núi Thuý Vân và kiến trúc quốc tự Thánh Duyên qua văn bia ngự chế của vua Minh Mạng, Liễu Quán số 3, Huế: Nxb. Thuận Hoá.

     Lê Nguyễn Lưu (2005), Tuyển dịch văn bia chùa Huế, tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, số 1-2.

     Minh Mạng, 1837, Thánh Duyên tự chiêm lễ bát vận (Văn bia tại chùa Thánh Duyên).

     QSQ triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Phạm Trọng Điềm (dịch), Đào Duy Anh (hiệu đính), Huế: Nxb. Thuận Hoá.

     Thánh Nghiêm Pháp Sư 聖嚴法師 (1990), Học Phật nghi vấn thập lục đề (學佛疑問十六題), Phật giáo Thanh niên Hiệp hội ấn.

     Thiệu Trị, 1843, Vân sơn thắng tích (Văn bia tại chùa Thánh Duyên).

Nguồn: Nghiên cứu văn hóa miền Trung 2022,
Chuyên đề Di sản kiến trúc truyền thống 

Download file (PDF): Chùa Thánh Duyên: Một dấu ấn văn hoá – kiến trúc dưới triều Nguyễn
(Tác giả: Lê Đình Hùng)