Chùa thầy – Sự hòa điệu của những giá trị văn hóa và nghệ thuật kiến trúc cảnh quan

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  ĐẶNG THỊ PHONG LAN
(Đại học Mỹ thuật Hà Nội)

TÓM TẮT

     Kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật kiến trúc điều hòa được mối quan hệ giữa tự nhiên – con người – kiến trúc để tạo nên một môi trường sống hài hòa, có giá trị thẩm mỹ và tinh thần. Chùa Thầy là một công trình tiêu biểu cho vẻ đẹp của kiến trúc cảnh quan thiên nhiên ở đồng bằng Bắc Bộ. Chùa Thầy có sự hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan, bên cạnh đó còn là sự hòa điệu của một hợp thể không gian Phật Giáo với các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa: ĐạoGiáo,Nho Giáo,tín ngưỡng thờ Thánh Thần,tín ngưỡng thờ đá núi, nước,tín ngưỡng thờ Tổ nghề. Tuy nhiên, giá trị kiến trúc cảnh quan Phật giáo vẫn là giá trị nổi bật.

Từ khóa: Chùa Thầy, kiến trúc cảnh quan, kiến trúc Phật giáo, cảnh quan thiên nhiên.

ABSTRACT

     Landscape architecture is the art of architecture that reconciles there lationship between nature and people to create a harmoniousliving environment with aesthetic and spiritual values. Thay pagoda is a typical construction ofthe beauty ofnatural landscape architecture in the Northern Delta. The pagoda has the harmonious combination of architecture and landscape and Buddhist space with national religions and beliefs: Taoism, Confucianism, worship of Saints and Deities, worship ofmountain rocks, water and worship of works’ ancestors. However,the architectural value of the Buddhist landscape is the outstanding.

Keywords: Thay Pagoda, landscape architecture, Buddhist architecture, natural landscape.

x
x x

1. Chùa Thầy – một nghệ thuật kiến trúc cảnh quan thiên nhiên

     Kiến trúc cảnh quan là nghệ thuật kiến trúc điều hòa được mối quan hệ giữa tự nhiên – con người – kiến trúc để tạo nên một môi trường sống hài hòa, có giá trị thẩm mỹ và tinh thần. Chùa Thầy là một công trình tiêu biểu cho vẻ đẹp của kiến trúc cảnh quan thiên nhiên ở đồng bằng Bắc Bộ.

     Chùa Thầy được khởi dựng từ thời Lý và hoàn thiện kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh” vào thế kỷ XVII. Từ lâu, chùa Thầy đã được xếp vào loại “ Đệ nhất thiên hạ” bởi sự hòa điệu của nghệ thuật kiến trúc với thắng cảnh thiên nhiên, làm nên một không gian văn hóa Phật giáo riêng của vùng Quốc Oai, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Nằm ngay dưới chân núi Hàm Rồng, kiến trúc chùa Thầy thể hiện rõ ý tưởng hòa mình với tự nhiên, nương theo thế núi, tận dụng tối đa phong thủy để tạo dựng một hình tượng kiến trúc hoàn thiện. Hòa với tự nhiên là một ứng xử khôn khéo với môi trường nhiệt đới, phù hợp với quan niệm thẩm mỹ Á Đông. Nó ngược với quan niệm chinh phục, chế ngự thiên nhiên của phương Tây để tạo nên những công trình đồ sộ, hoành tráng, mang nhiều tính áp chế.Tuy diện tích không lớn, công trình thấp, trải dài trên mặt đất nhưng việc tận dụng thế núi, mặt hồ ôm vòng trước mặt đã làm cho cảnh quan chùa Thầy đồ sộ hơn thực tế.

     Thật hiếm có một ngôi chùa nào nằm kề cận kinh đô Thăng Long lại có được mộtcảnh quan thiên nhiên kỳ thú như chùa Thầy. Nơi đây hội đủ cả sông hồ, núi đá vôi bên những đồng ruộng xanh tốt cùng những bãi bồi màu mỡ phù sa bên các triền sông. Chạy dọc suốt bên phải chùa là hệ thống hang động đá tự nhiên, thâm u. Các hang động, nhũ đá muôn hình vạn trạng cùng với những cái tên như Chợ Trời, Hang Gió, hang Cắc Cớ…đã làm tăng thêm vẻ đẹp, sự linh thiêng của cảnh quan nơi đây. Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của quần thể hang động, núi Sài Sơn còn như một bức tường tự nhiên ngăn nắng, điều hòa không khí, tạo sự mát mẻ cho không gian chùa. Xen vào đó là một hệ sinh thái thực vật nhiệt đới đa dạng, vừa tạo cảnh quan, vừa làm cho không gian chùa thơm ngát hương hoa. Có thể gặp ở đây những hàng cổ thụ quen thuộc như: cây gạo, cây đa, cây đại… Độc đáo hơn cả là những hàng dừa ven hồ gợi lên hình ảnh của một làng quê Nam Bộ giữa châu thổ Bắc Bộ.

     Hầu hết những ngôi chùa khởi dựng từ thời Lý đều giải quyết rất tốt yếu tố cảnh quan không gian khi dựng chùa ở dưới chân núi hay lưng chừng núi như chùa Thầy, chùa Long Đọi, chùa Phật Tích, chùa Dạm… Nhưng việc trùng tu di tích hiện nay đã và đang phá vỡ không gian kiến trúc cảnh quan đó. Điển hình là không gian chùa Phật Tích đang bị xâm lấn bởi những công trình dân cư, những kiến trúc Phật giáo lai căng với tỉ lệ không ăn nhập với tổng thể. Nếu đến chùa Phật Tích hiện nay, ta có cảm giác như ngôi chùa bị hạ thấp độ cao. Ngọn núi Phượng Hoàng cao vời vợi gắn với những câu chuyện hư ảo Từ Thức gặp tiên đã hoàn toàn chỉ còn trong ký ức. Sự chen lấn của những công trình, nhà ở; sự pha tạp của kiến trúc Phật Giáo Trung Hoa đã phá vỡ sự tĩnh lặng của không gian. Sự xuất hiện của bức tượng Adiđà mới cùng cây thápđá trơtrọi giữa cảnh quan đã biến ngọn núi Phật Tích chỉ còn như một cái gò.

     Nhu cầu tìm lại sự thư thái trong tâm hồn khiến nét đặc sắc của cảnh quan chùa Thầy – một “vịnh Hạ Long trên cạn” – đã lôi cuốn được nhiều khách du lịch. Có lẽ thế ôm bọc và bao quanh của những dãy núi, hồ nước cùng hệ thực vật phong phú đã gợi ý cho việc xây dựng một hình tượng kiến trúc độc đáo ở chùa Thầy theo thuyết phong thủy Phương Đông, đó là hình tượng rồng. Chùa quay mặt hướng Nam – hướng đẹp nhất theo thuyết phong thủy, trước mặt có hồ Long Trì, sau lưng và hai bên có núi Long Đẩu, Sài Sơn (núi Thầy), Hàm Rồng làm tiền án, hậu chẩm. Núi Thầy cũng được xem là con rồng lẻ đàn sắc sảo (quái long), chung quanh có Thập lục kỳ sơn (là các con lân, con phượng, con rùa) chầu về. Chùa với các lớp nhà đan xen, mái uốn cong, tạo nên hình tượng trán rồng. Mình rồng là quần thể núi Hàm Rồng, Sài Sơn, đuôi rồng là ngọn Long Đẩu ôm vòng ra phía trước. Hàm trên của rồng là bờ đất Hàm Rồng trước Tiền Đường. Bờ bên kia hồ là hàm dưới của rồng. Dải đất chạy vòng sang hai bên chùa là chân rồng. Hai giếng hai bên chùa là mắt rồng. Hai cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên là răng rồng. Hai cây gạo mọc đăng đối hai bên trên bờ đất Hàm Rồng là râu rồng. Gác chuông và gác trống được đẩy ra sau Hậu Cung, nâng cao hai tầng mái trong tổng thể chùa là hai tai rồng. Nhà Thủy Đình nổi lên giữa ao rồng (Long Trì) là viên ngọc trong miệng rồng. Theo quan niệm Phật giáo, rồng là một biểu tượng thiêng, có ý nghĩa như mộtlinh vật chuyên chở giáo lý nhà Phật. Tuy không phải là biểu tượng gốc nhưng hình tượng rồng được sử dụng nhiều trong nghệ thuật Phật giáo.

     Như vậy, cùng với tự nhiên, con người đã sáng tạo nên một hình tượng kiến trúc độc đáo, qua đó, gửi gắm những mong ước của mình. Không chỉ hoàn chỉnh một tổng thể kiến trúc đẹp về tạo hình, kết cấu, nhấn mạnh sự hòa hợp với tự nhiên, chùa Thầy còn ẩn chứa những giá trịtư tưởng, văn hóa. Gạt bỏ những lớp ý nghĩa Phật giáo trong hình tượng rồng, có thể thấy đó là sự phản ánh tín ngưỡng cầu mưa của cư dân nông nghiệp (rồng hút nước làm mưa).

     Thực chất của việc áp dụng phong thủy trong xây dựng công trình kiến trúc là sự ứng xử khéo léo của con người với môi trường sống. Hướng Nam là hướng thích hợp nhất với khí hậu xứ nhiệt đới: mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Những yếu tố hồ nước, núi tiền án, hậu chẩm quanh công trình… cũng chỉ là sự bố cục hài hòa, cân xứng giữa hình khối kiến trúc với hình thể tự nhiên, tạo nên cảm giác sự ổn định, vững chắc, an bình cho con người trong không gian, môi trường. Và dù hình tượng kiến trúc, qua thời gian, được bao phủ bởi nhiều lớp ý nghĩa thì lớp ý nghĩa ban đầu vẫn được phản ánh rõ nét, đó là những mong ước gắn với văn hóa nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.

     Tuy nhiên, giá trị thẩm mỹ của kiến trúc cảnh quan chùa Thầy vẫn là vẻ đẹp của một bức tranh sơn thủy đậm chất thiền. Mái chùa rêu phong bên những chiếc cầu cong, nhà thủy đình cổ kính in lồng bóng núi xuống hồ nước, gợi lên một cảnh sắc bình dị, linh thiêng mà hư ảo.

2. Chùa Thầy – sự hòa điệu của không gian kiến trúc Phật giáo với các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa

     Không chỉ hài hòa giữa kiến trúc và cảnh quan, chùa Thầy còn là sự hòa điệu của một hợp thể không gian Phật giáo với các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa: Đạo giáo, Nho giáo, tín ngưỡng thờ Thánh Thần, tín ngưỡng thờ đá núi, nước, tín ngưỡng thờ Tổ nghề. Nếu dấu ấn Nho giáo được biểu hiện qua sự chỉn chu, đăng đối, thì ở Đạo giáo là sự u nhàn, thoát tục, còn Phật giáo là vẻ thiền vị… Và điều thú vị là trong không gian Phật giáo ấy, người ta còn nhận thấy dấu ấn của không gian Việt truyền thống qua những hình ảnh cây gạo, lũy tre, hàng dừa, cây cau… những chiếc cầu có mái bắc qua các lạch nước dẫn vào các xóm làng.

     Được bao quanh bởi núi và nước, chùa Thầy không có Tam quan, thay vào đó là nhà Thủy đình, không khác gì một bông sen nổi trên mặt nước. Cảnh sắc đó đủ gợi lên hình ảnh của một cõi Niết bàn trong sáng, yên tĩnh theo quan niệm Phật giáo. Trải dài dưới chân núi, các gian chùa kết hợp cơ bản theo kết cấu “nội công, ngoại quốc”, không gian mở, xen lẫn cây cỏ, hòn non bộ, tạo một tổng thể hài hòa, đậm tính thiền (đơn giản bên ngoài nhưng đa dạng bên trong).

     Trong bố cục tổng thể ấy, kiến trúc nội thất chùaThầy là một hợp thể hài hòa của hai dạng kiến trúc chùa và đền. “Tiền công” (nơi thờ Phật) và“hậu nhất”(nơi thờ Thánh-mang tính chất đền) nằm trong một chữ “Quốc”, tạo bởi hai tòa hành lang và nhà Hậu. Đây cũng là nét sáng tạo riêng của hệ thống chùa tiền Phật hậu Thánh thế kỷ XVII nói chung và chùa Thầy nói riêng. Qua đó, nghệ thuật tạo không gian tâm linh rất thành công. Để biểu hiện một không gian tĩnh tại, thoáng đãng, nơi giao hòa của ánh sáng tự nhiên và nhân tạo, thể hiện tính từ bi, gần gũi trong quan niệm Phật giáo, khu điện Phật được bố cục theo dạng mở, không gian cao, rộng, tạo những khoảng sân trời. Việc xây dựng gian ống muống không có tường bao quanh, kết hợp với khoảng sân giữa tiền đường và thượng điện là một giải pháp kiến trúc để đưa ánh sáng tự nhiên, cây cỏ vào nội thất ngôi chùa. Hình thức này phải chăng là gợi ý cho kiểu giếng trời trong những kiến trúc mặt bằng chữ “tam” sau này ở chùa Kim Liên và Tây Phương. Kết hợp với nghệ thuật bài trí tượng, đồ thờ (thông thoáng ở tiền đường, dồn dập ở thượng điện), ánh sáng mờ ảo làm cho con người cảm nhận rõ nét triết lý sắc không, vô thường, sự giải thoát, hướng về cõi Niết bàn của đạo Phật.

     Ngược lại với tính chất rộng, thoáng của một nơi thờ Phật, tại điện Thánh, từ kết cấu kiến trúc, trang trí cho đến nghệ thuật sắp đặt đồ thờ đều mang đặc trưng của không gian đền. Đó là lối kiến trúc khép kín, tạo một không gian hẹp, tối, hệ vì kèo thấp, nặng nề. Trong không gian thâm u, ánh sáng của đèn nến, tượng kích thước lớn, phối hợp với đồ thờ như ngai, bài vị, khám, chấp kích, lọng… đã làm đậm nét tính thiêng.

     Như vậy, nghệ thuật tổ chức không gian, sắp đặt đồ thờ trong ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo đã có khả năng chuyển tải yếu tố tâm linh một cách sâu sắc. Có thể thấy với không gian chùa Thầy, các nghệ nhân đã thành công trong sự dung hòa giữa hai yếu tố từ bi và linh thiêng, giữa đạo và đời, giữa Phật và Thánh. Mục đích cuối cùng vẫn là đạt đến sự hài hòa của kiến trúc với tự nhiên, mang lại trạng thái cân bằng cho con người.

     Trở lại với nhà thủy đình, đây là một sân khấu rối nước cổ nhất còn tồn tại ở nước ta, tương truyền do Phùng Khắc Khoan xây dựng từ thế kỷ XVII, kiến trúc hiện tại là của thế kỷ XIX. Kiến trúc gắn với loại hình nghệ thuật rối nước mang đậm dấu ấn văn hóa vùng chiêm trũng Quốc Oai, nơi lưu giữ truyền thống tôn vinh tổ nghề rối. Trong ba ngày hội chùa, dân làng Ra, tương truyền được Từ Đạo Hạnh dạy nghề, trình diễn những trò rối nước đặc sắc, điều khiển bằng dây kéo để hầu Thánh Từ Đạo Hạnh. Trong không gian Phật giáo sắc không, hưảo,nhà thủy đình với bốn mái, hai tầng, tám đao cong vút, tường trổ cửa đặc, rỗng, nổi giữa mặt hồ Long Trì, in lồng bóng núi, trong những ngày hội, trở nên sôi động với những trò chơi dân gian. Đó cũng chính là những biểu hiện sống động nhất về sức lan tỏa của Phật giáo trong đời sống thế tục, bằng cách này, Phật giáo thế kỷ XVII đã tạo nên sức thu hút, quy tụ cộng đồng rất lớn.

     Kết nối chùa với làng xóm và hệ thống chùa, hang trên đỉnh núi là hai chiếc cầu Nhật Tiên và Nguyệt Tiên, được xem là những hình ảnh tạo nét riêng biệt cho chùa Thầy. Lần đầu tiên, hình ảnh những chiếc cầu ngói kiểu “Thượng gia hạ kiều”, bắc qua các con kênh, rạch ở các làng quê Việt Nam, lại hiện lên trong một không gian kiến trúc Phật giáo. Đó cũng là một hình ảnh đẹp về sự bao dung, kết nối của Phật giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng khác. Qua chiếc cầu Nhật Tiên là đường dẫn lên hệ thống hang động, chùa, đền trên núi. Nơi đây biểu hiện sự đa dạng, hòa hợp của kiến trúc cảnh quan thiên nhiên Phật giáo với các tôn giáo, tín ngưỡng. Bắt đầu bằng một chiếc cổng rêu phong, đổ nát với các dòng chữ: “Bất nhị Pháp môn”(cửa Phật có nhiều nhưng cửa Pháp chỉ có một),“Vô vãng bất phục, cá quan hựu cá quan” (du khách cứ đi thẳng qua nhiều tầng cổng không nhìn lại). Từ đây, không gian cảnh quan ẩn hiện, hư thực, gợi trong lòng người vãn cảnh nhiều suy tư, cảm xúc.

     Lưng chừng núi, đi qua những con đường ngoắt ngoéo, đá núi cheo leo giữa những cây cỏ um tùm là đến chùa Cao (còn có tên là chùa Đỉnh Sơn), nơi thờ Phật và thờ vọng Từ Đạo Hạnh. Sau chùa có động Phật Tích, hay am Hiển Thụy, hang Thánh Hóa gắn với truyền thuyết Từ Đạo Hạnh trút xác, để lại vết lõm trên vách đá. Tiếng nước rỏ xuống từ khe núi, rễ cây cổ thụ từ cửa hang buông phủ gần sát đất càng tạo cho không gian nơi đây thêm hoang sơ, linh thiêng. Hang Thánh Hoá, tương truyền còn lưu vết chân và đầu của Từ Đạo Hạnh khi thoát xác, là hiện tượng Phật hóa tín ngưỡng dân gian, nhằm tạo niềm tin của đông đảo tầng lớp nhân dân đối với Phật giáo.

     Càng lên cao, cảnh sắc trời đất càng hòa quyện, gợi trong lòng người những suy tư về sự thoát tục, trở lại với tự nhiên. Trên đỉnh Sài Sơn, những tảng đá phong hóa lởm chởm, to nhỏ, nghiêng ngả; đây đó lác đác dăm ba cây đại già. Đứng từ đây có thể quan sát được toàn cảnh núi sông hùng vĩ, đồng ruộng bao la, non nước mây trời. Có lẽ vì thế nên nơi đây còn có têngọi là “Chợ Trời”. Men theo sườn núi sẽ đến hang Cắc Cớ nổi tiếng vùng Sơn Tây, thu hút nam thanh, nữ tú trong những ngày lễ hội: Động chùa Thầy có hang Cắc cớ Trai chưa vợ, nhớ hội chùa Thầy !

3. Đánh giá chung

     Như vậy, có thể thấy kiến trúc chỉ có giá trị khi nó tồn tại trong một không gian cảnh quan tự nhiên hay một môi trường tâm linh, xã hội. Trong không gian kiến trúc chùa Thầy, thiên nhiên được tái tạo một cách kỳ diệu và kín đáo, phản ánh chất bình dị của nhà Phật. Dù tiếp cận ở góc độ nào, ta cũng thấy mối quan hệ mật thiết giữa thiên nhiên và con người trong không gian Phật giáo nơi đây. Sự hòa hợp với thiên nhiên là mục đích hướng tới trong việc bài trí cảnh quan chốn tu thiền. Chữ “Hòa” vốn giữ vai trò chi phối nghệ thuật xây chùa, làm vườn, tạo cảnh. Hòa ở đây còn được hiểu rộng là hòa đồng với các tôn giáo, tín ngưỡng để cùng mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho cuộc sống con người. Phật giáo không chỉ mang đến cho các ngôi chùa nghệ thuật cảnh quan tuyệt vời mà còn mang đến lối tư duy, cách sống, phong tục, tôn ti trật tự gia đình và xã hội, góp phần vào sự hình thành đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Những triết lý nhân sinh của Phật giáo, cửa tam quan rộng mở, tiếng chuông vang hôm sớm, người lên chùa lễ Phật hàng tháng,… đã trở thành những điều quen thuộc và gần gũi trong tâm thức các Phật tử. Vườn chùa không chỉ là nơi thưởng ngoạn cái đẹp mà còn giúp con người tĩnh tâm, đắm mình vào cỏ cây hoa lá. Cảnh quan chùa chính là cảnh giới của sự tịnh tâm. Sự kín đáo, uy nghi trầm mặc, không đồ sộ, không lộng lẫy của cảnh quan vườn chùa luôn mang lại cảm giác thư thái, đầy chất thiền. Bởi vậy, trong dòng người thành tâm hướng tới cửa Phật, không ít trong số họ, sau khi làm lễ, thường nấn ná dừng chân nơi sân chùa, vườn chùa. Đáng tiếc, hiện nay, khi trùng tu, xây dựng lại những ngôi chùa Phật giáo, người ta hầu như không chú ý đến những giá trị về nghệ thuật cảnh quan. Họ cho rằng, càng to lớn, đồ sộ về kiến trúc, ngôi chùa càng tăng thêm giá trị cũng như sức hút đối với khách hành hương. Đó chính là một nhận thức sai lầm.

     Vừa sâu sắc, nhân bản, vừa bao dung, gần đời, nghệ thuật Phật giáo nói chung và kiến trúc chùa Thầy nói riêng đã cho chúng ta nhiều bài học về tư tưởng,trong đó, bài học lớn nhất là hướng con người tới sự hài hòa giữa đời và đạo, giữa tự nhiên và con người.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Lâm Biền (1994), Cây cỏ trong nghệ thuật tạo hình của người Việt, Kỷ yếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, HàNội.

2. Trần Lâm Biền (1996), Chùa Việt, Nxb.Văn hóa Thông tin, HàNội.

3. Phạm Văn Chung, Báo cáo khảo sát Chùa Thầy, Tư liệu Viện Mỹthuật.

4. Phạm Thị Thu Hương (2007), Những ngôi chùa “Tiền Phật hậu Thánh” ở vùng châu thổ Bắc Bộ, Luận án tiến sĩ Văn hóa học.

5. Đặng Thị Phong Lan (2012), Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc chùa Thầy, Luận án tiến sĩ Văn hóa học.

6. Lê Hồng Lý (1995), Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội Hà Tây, SởVăn hoá – Thông Tin Hà Tây, tr.126 – 135.

7. Hà Văn Tấn (1993), Chùa Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

Ngày nhận bài: 7 – 3 -2017
Ngày phản biện, đánh giá: 16 – 3 – 2017
Ngày chấp nhận đăng: 25 – 3 – 2017

Trích dẫn tệp PDF từ: Thư viện số Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Chùa thầy – Sự hòa điệu của những giá trị văn hóa và nghệ thuật kiến trúc cảnh quan (Tác giả: TS. Đặng Thị Phong Lan)