Chức năng và vai trò của miếu Nhị Phủ trong đời sống kinh tế-xã hội của người Hoa Phúc Kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh
Tác giả bài viết: Thạc sĩ ĐẶNG HOÀNG LAN
(Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh)
Bài viết đề cập đến chức năng và vai trò của miếu/hội quán Nhị Phủ của người Hoa gốc Phúc Kiến ở TPHCM. Miếu có hai chức năng chính là liên kết xã hội và phúc lợi xã hội. Miếu cũng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và xã hội của người Hoa. Hoạt động trong lĩnh vực thương mại, người Hoa thường phải đối mặt với nhiều may rủi, nên cầu cúng là nhu cầu tất yếu. Trong đời sống xã hội, người Hoa còn dựa vào tín ngưỡng để phấn đấu rèn luyện về tư cách, phẩm chất đạo đức của mình. Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở TPHCM, miếu/hội quán Nhị Phủ đã có những biến đổi theo xu hướng tích cực, tăng cường hơn nữa việc tham gia hoạt động kinh tế và từ thiện – xã hội.
Dẫn nhập
Miếu Nhị Phủ (廟府二), Phúc Kiến Nhị Phủ hội quán (館 會 府 二 建 福) hay còn gọi là Chùa Ông Bổn, tọa lạc tại 264 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, TPHCM. Sở dĩ có tên gọi Nhị Phủ vì miếu được thành lập do sự đóng góp của những người thuộc hai phủ Tuyền Châu và Chương Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).
Vào năm 1871, ngôi miếu chính thức trở thành hội quán của Bang Phúc Kiến. Những người Phúc Kiến đến chủ yếu từ các huyện: Vân Tiên, Chương Phổ, Nam Tịnh, Hải Trường, Chiêu An (thuộc Chương Châu); Tấn Giang, Nam An, Huệ An, An Khê, Đồng An (thuộc Tuyền Châu). Về sau giữa hai nhóm người thuộc hai phủ Chương Châu và Tuyền Châu có sự tranh chấp trong việc đặt tên miếu và lễ vật dâng cúng, nên mỗi nhóm tách ra xây dựng cơ sở riêng. Người Hoa ở Chương Châu lập Hội quán Hà Chương và nhóm Tuyền Châu lập Hội quán Ôn Lăng.
Về niên đại thành lập Miếu, cho đến nay, vẫn chưa biết được chính xác, nhưng căn cứ vào hiện vật còn lưu lại trong miếu, một đại hồng chung có kiểu dáng giống với các đại hồng chung ở Hội An, có niên đại thế kỷ XVIII và theo tác giả Trần Hồng Liên, căn cứ trên chuông cổ này ghi rằng “Nhị Phủ Đại Bá Công… Ất Dậu trọng thu cát đán lập” (Chuông đúc vào tháng 8 năm Ất Dậu… do những người đáng trọng của hai phủ) thì có thể đoán định niên đại Ất Dậu này, nếu xét thêm năm tháng trùng tu của hai ngôi miếu được tách ra từ miếu Nhị Phủ” (…) thì miếu Nhị Phủ được xây dựng vào giữa thế kỷ XVIII (Trần Hồng Liên, 2005, tr. 35-36).
Ngoài ra trong tác phẩm Gia Định phong cảnh vịnh, mô tả phong cảnh Gia Định từ năm 1770 đến năm 1815 có đề cập đến miếu Nhị Phủ:
Coi chùa Ông Bổn Đầu cân
Dám quên chữ ngọn rau tấc đất.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến của Trần Hồng Liên và cho rằng năm Ất Dậu ghi trên chuông chính là năm 1765. Như vậy, miếu Nhị Phủ phải được xây dựng trước năm 1765, tức vào giữa thế kỷ XVIII.
Miếu Nhị Phủ có vai trò đặc biệt trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người Hoa ở TPHCM. Buổi đầu đến định cư, miếu là sợi dây liên kết cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở vùng đất mới. Miếu cũng phản ánh tín ngưỡng của người Hoa – một trong các tiêu chí quan trọng xác định bản sắc văn hóa dân tộc, phân biệt họ với các tộc người khác. Tuy nhiên không chỉ ngôi miếu có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế-xã hội của người Hoa, mà đời sống của người Hoa cũng có ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt của miếu.
Bài viết tìm hiểu chức năng và vai trò của miếu Nhị Phủ, để từ đó thấy được ảnh hưởng của ngôi miếu này trong đời sống kinh tế-xã hội của nhóm Hoa Phúc Kiến ở TPHCM.
1. Chức năng của miếu Nhị Phủ
Từ những ngày đầu sang nhập cư ở Việt Nam, nhu cầu tín ngưỡng của nhóm di dân càng được đẩy mạnh sau chuyến ra khơi đầy hiểm nguy trên biển cả. Đến nơi “đất lạ, quê người” cần có một ngôi miếu cho riêng mình càng trở nên cấp thiết. Theo Trần Hồng Liên (2005, tr. 124): “Từ đặc điểm di dân này, người Hoa càng có yêu cầu bức bách về tinh thần, tha thiết có ngay nơi thờ tự, một ngôi miếu nhỏ bên cạnh hội quán của mình, để trước tiên là tạ ơn thánh thần đã phò trợ cho họ trên đường đi được “thuận buồm xuôi gió”, thứ nữa là nhằm giải quyết nhu cầu tinh thần, an ủi những người xa quê, cách trở, có nơi để thắp nén hương hướng về ông bà tổ tiên, trời Phật ở quê cũ”. Vì vậy, ngay khi dựng những ngôi nhà tạm để ở, người Hoa đã dựng miếu nhỏ kề bên. Nếu như ở buổi đầu định cư, người Hoa dựng Thất Phủ miếu, là ngôi miếu của cộng đồng người từ 7 phủ Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến); Quảng Châu, Quỳnh Châu, Triều Châu (tỉnh Quảng Đông); Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), thì sau khi cuộc sống ổn định hơn, người Hoa có xu hướng lập miếu riêng theo từng nhóm phương ngữ. Miếu/hội quán là nơi thờ tự thần linh, tập họp người đồng tộc, đồng phương ngữ, đồng hương đến tá túc. Sau khi cuộc sống đã dần khá lên, trong miếu đã đặt thờ thêm nhiều thần linh được người Hoa ngưỡng vọng. Miếu là nơi thu hút ngày càng đông người Hoa đến cúng bái, cầu nguyện.
Lời mở đầu Điều lệ Hội quán Nhị Phủ có ghi “Nhóm ngôn ngữ Phước Kiến đã xây dựng Nhị Phủ miếu làm Hội quán để tập hợp hầu hết những người Hoa có quê quán tại Phước Kiến về đây. Trước hết là để dâng hương cúng lễ các vị thần phù hộ mình trong cuộc sống hằng ngày, sau là thăm hỏi giao tế và tương thân tương trợ, làm từ thiện và các công tác xã hội” (Hội quán Nhị Phủ, 2007, tr. 23). Trong điều 2 của Điều lệ Hội quán Nhị Phủ khẳng định chức năng của miếu là: “Đoàn kết bà con nhóm ngôn ngữ Phúc Kiến và cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân theo đúng chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” (Hội quán Nhị Phủ, 2007, tr. 33). Ảnh hưởng và vai trò của miếu Nhị Phủ đối với cộng đồng Phúc Kiến được thể hiện qua nguyên tắc về cơ cấu nhân sự trong Ban Quản trị miếu. “Khoảng năm 1960 đến 1975, hai bên chùa (Hà Chương và Ôn Lăng) cử người qua bển, bên này thì cử 8 người, còn bên Ôn Lăng thì cử 7 người qua đó. Tại vì Ban Trị sự miếu Nhị Phủ có 15 người, thì bên này 7, thì bên kia 8, vì một bên 8 người thì bên đó có ông Trưởng ban, nên bên này chỉ có 7 người, rồi 4 năm sau đó, khi chuẩn bị nhiệm kỳ mới, thì bên này sẽ là 8 người, còn bên kia chỉ có 7 người, vì bên này lần này là có ông Trưởng ban” (Phỏng vấn ông T.P.L, 85 tuổi, ngày 23/4/2014).
Mỗi vị thần linh được đặt thờ trong miếu có ngày lễ vía khác nhau. Trước kia “lễ” được tổ chức trong miếu, “hội” được tổ chức ngoài sân miếu. Các ngày lễ vía thu hút đông đảo người Hoa đến tham dự. Vì vậy sân miếu được xây dựng khá lớn. Tại miếu Nhị Phủ, diện tích dành cho sân miếu chiếm gần nửa diện tích khu vực miếu. Lễ hội vía ông, vía Bà diễn ra trong sân miếu, cung nghinh tượng cốt của thần ra sân thưởng lãm văn nghệ. Ngôi miếu nào của người Hoa cũng thiết kế phần giữa nhô cao, hai bên Đông sương (hội quán) và Tây sương (trường học) thấp hơn, vừa để tỏ lòng tôn kính thần linh, vừa tạo nét đẹp cho miếu. Đây cũng là sự lặp lại kiểu thức kiến trúc truyền thống của chùa miếu Trung Quốc.
Theo thời gian, ngôi miếu Nhị phủ đã được người Hoa Phúc Kiến nhiều thế hệ tiếp nối trùng tu, bảo tồn. Miếu được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích Kiến trúc – nghệ thuật vào năm 1998. Từ đấy, miếu trở thành nơi lui tới thường xuyên của khách tham quan trong và ngoài nước, là nơi vãn cảnh của các nhóm Hoa từ nhiều vùng miền đến chiêm ngưỡng, thực hành đức tin đối với các thần linh được thờ tự tại đây. Cho nên, trong một chừng mực nhất định, miếu Nhị Phủ cũng là nơi liên kết các nhóm phương ngữ của người Hoa lại với nhau. Tính liên kết này còn được thể hiện qua mối liên hệ thường xuyên giữa các miếu Hoa của người Phúc Kiến ở TPHCM với các tỉnh Tây Nam Bộ. Mạng lưới xã hội này khá chặt chẽ, thể hiện qua các ngày lễ vía thần linh, qua các dịp đại trung tu, khánh thành miếu.
Chức năng liên kết xã hội của miếu đã góp phần vào việc củng cố khối đoàn kết giữa các nhóm Hoa theo phương ngữ, giữa các tộc người cộng cư với người Hoa ở TPHCM và cả nước.
2. Vai trò của miếu Nhị Phủ
Toàn thành phố có tất cả 87 ngôi miếu của người Hoa, trong đó riêng nhóm Hoa Phúc Kiến có 14 cơ sở thờ tự, chiếm tỷ lệ 16,09% (Võ Thanh Bằng, 2008, tr. 282-283). Trong số cơ sở tín ngưỡng của người Hoa Phúc Kiến, riêng tại quận 5 đã có 5 cơ sở, trong đó miếu Nhị Phủ là ngôi miếu cổ xưa nhất của cộng đồng, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống người Hoa Phúc Kiến ở TPHCM xét trên 2 lĩnh vực chủ yếu là đời sống kinh tế và xã hội.
2.1. Trong đời sống kinh tế
Theo quan niệm tâm linh của người Hoa, mọi của cải có được là do thần linh ban phát. Người Hoa tin rằng mỗi nghề đều do một vị tổ nghề phò trợ. Tín ngưỡng của người Hoa ở TPHCM có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động kinh tế. Phần lớn người Hoa hoạt động trong lĩnh vực thương mại, thường phải đối mặt với nhiều may rủi, nên cầu cúng là một nhu cầu tất yếu. Hầu như các cơ sở kinh doanh của người Hoa, từ những cửa hàng lớn đến chiếc xe đẩy của người bán hàng rong, đều dành chỗ thờ cúng Thần Tài, cùng những tín ngưỡng nghề nghiệp riêng biệt. Ngược lại, vì nhu cầu tín ngưỡng này mà xuất hiện nhiều nghề khá nhộn nhịp, như nghề làm vàng mã, may áo mão cho các đối tượng thờ cúng, làm bánh cúng, làm nhang, vẽ tranh kiếng các thần…
Tại miếu Nhị Phủ, hay các ngôi miếu Hoa khác, đa số thành viên của Ban Quản trị miếu là những nhà doanh nghiệp thành đạt và có uy tín trong sản xuất, buôn bán. Đứng ra quản lý miếu, các thành viên đều phải đảm bảo và duy trì được các lễ hội cúng vía thần linh tại miếu. Muốn vậy, phải có nguồn kinh phí thường xuyên. Nguồn này do cộng đồng Hoa Phúc Kiến đóng góp là chủ yếu, nhưng trước hết chính là từ Ban Quản trị. Ngôi miếu, nơi thờ phụng thần linh, có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của họ, vì họ tin rằng thần linh sẽ hỗ trợ họ buôn may bán đắt; ngược lại cũng có thể lấy đi một phần lớn của cải của họ, nếu như họ không thể hiện lòng tri ân, sự chăm lo cho nơi thờ tự thần linh được khang trang, lộng lẫy. Trước năm 1975, trong khu vực Chợ Lớn, hay ngoại thành, vẫn còn thấy có ruộng hoặc rẫy do người Hoa sản xuất. Tín ngưỡng trong miếu vì vậy cũng phản ánh tình hình này. Tại đình Minh Hương Gia Thạnh, còn bàn thờ Thần Nông trang trọng đặt tại chính điện, hay bàn thờ Ông Bổn tại miếu Nhị Phủ. Sự quan trọng của công việc làm ăn buôn bán cũng phản ánh nhu cầu gia tăng số lượng Thần Tài, qua việc đặt để thêm nhiều loại Thần Tài, vị thần linh có khả năng bảo hộ của cải và ban phát tiền bạc. Có Thần Tài văn như Tài Bạch Tinh Quân, Phúc Đức Chính Thần, Phạm Lãi, Tỷ Can, Phúc Lộc Thọ Tinh Quân, Tăng Phúc Tài Thần…; Thần Tài võ như Triệu Công Minh, Ngũ Lộ Tài Thần, Quan Thánh Đế Quân. Ngoài ra, còn có Phật Di Lặc, Thần Tài Âm Phủ… Tại miếu Nhị Phủ, vị thần linh chính được thờ là ông Bổn, là “địa chủ tài thần”, tức Thổ Công (Bổn Đầu công) và Thần Tài, đồng thời là Phúc Đức Chính Thần. Miếu còn thờ cả Quan Thánh Đế Quân, mà Quan Thánh Đế Quân cũng được người Hoa xếp vào loại Thần Tài võ. Hiện tượng thờ tự “địa chủ tài thần”, gồm Thần Tài và Thổ Địa phản ánh quan niệm về ngũ hành, bao gồm 5 yếu tố: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, trong đó có quan niệm thổ sinh kim. Tư duy này đã từng có ảnh hưởng lớn trong hoạt động kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, trong thần điện của miếu Nhị Phủ, khát vọng về tiền bạc, tài lộc, cũng như được phò trợ cho nơi sinh sống mới được an ổn, chiếm vai trò quan trọng nhất. Người Hoa Phúc Kiến ở TPHCM sống chủ yếu bằng buôn bán, trao đổi hàng hóa, nên tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của họ. Vì thế, tính chất “thực dụng” có mặt trong đời sống tín ngưỡng. Miếu Nhị Phủ thờ nhiều vị thần cùng một lúc để nhằm cầu mong được nhiều tài lộc, nhằm tránh rủi ro trong buôn bán.
Hiện tượng “vay tiền thần”, còn gọi vay vốn các thần linh, để làm ăn buôn bán, thường tập trung vào các ngày lễ lớn như Tết Nguyên Tiêu, vía ông Bổn. Trong những ngày lễ này người Hoa đến miếu, dâng lễ vật xin phò trợ việc làm ăn, buôn bán, sau đó xin thần thánh cho vay một số tiền nào đó để lấy may. Tuy nói là vay, nhưng họ không nhận tiền của miếu. Nhưng sau một năm, thân chủ sẽ đến miếu dâng cúng lễ vật tạ ơn và trả lại số tiền đã vay bằng tiền mặt thật. Gần đây, người Hoa còn góp hụi ông Bổn, hụi Quan Công, hụi Quan Âm vào các ngày vía, để cuối năm lãnh lại tiền đi tham quan, họp mặt ăn uống tại nhà hàng…
Hiện tượng thờ nhiều thần tài, vay tiền thần, góp hụi, chứng tỏ tín ngưỡng có vai trò, vị trí quan trọng và khá đặc biệt trong đời sống kinh tế của người Hoa so với các tộc người khác.
2.2 . Trong đời sống xã hội
Tín ngưỡng thờ cúng cũng là một hình thức để người Hoa phấn đấu rèn luyện tư cách, phẩm chất đạo đức của mình. Mỗi một lần dâng hương cúng vái, người Hoa đối mặt với thần linh, nhớ đến phẩm cách của từng vị, họ sẽ noi theo tấm gương ấy mà dần định hình lối sống đạo đức.
Hầu hết các hội quán của người Hoa đều tham gia từ thiện – xã hội. Điều này không phải chỉ mới diễn ra vài chục năm gần đây, mà đã được thể hiện ngay từ khi nhóm Hoa Phúc Kiến có mặt tại vùng đất Gia Định. Từ ngôi bệnh viện mang tên Phúc Kiến y viện của người Phúc Kiến được thành lập năm 1909, còn gọi là Bệnh viện số 3 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), đến ngôi Phước Thiện Nghĩa Từ bên trong bệnh viện, vừa là từ đường, vừa là nơi giúp đỡ cho bệnh nhân không người nuôi dưỡng, bệnh viện đã tổ chức cho các bác sĩ, y sĩ đến khám bệnh, hốt thuốc, sắc thuốc miễn phí cho người nghèo, phát chẩn quần áo, vật dụng (Trần Hồng Liên, 1999).
Thông qua các cơ sở tín ngưỡng này, người Hoa làm từ thiện. Công tác từ thiện – xã hội của ngôi miếu theo thời gian, đều được tăng cường, mở rộng. Việc này đã làm mờ đi sự khác biệt về tộc người, về tôn giáo.
Hàng năm miếu đều tổ chức các cuộc đấu thầu đèn lồng. Hoạt động này giúp người Hoa cảm nhận được tính cố kết cộng đồng trong xã hội. Số tiền đóng góp từ việc đấu thầu đèn lồng sẽ được dùng để chăm sóc sức khỏe, giáo dục con em người Hoa, người Việt; hỗ trợ kinh phí cho trẻ em nghèo hiếu học… tạo điều kiện tốt cho cộng đồng tồn tại, phát triển. Không chỉ được sử dụng vào việc chăm lo cho người sống, số tiền thu được còn để chăm lo cho cả người đã mất. Các nghĩa trang, từ đường được xây dựng cũng đều xuất phát từ nguồn của các quỹ phúc thiện này. Ngày nay, tục lệ này được thực hiện với số tiền đấu giá ngày một tăng thêm, trong 4 năm (2007 – 2012) tổng tiền đấu giá có được là 4.362.750.000 đồng (Hội quán Nhị Phủ, 2007, tr. 3).
Việc tham gia các công tác từ thiện – xã hội tại miếu ngày càng được đẩy mạnh, do mức sống từng gia đình được nâng cao. Nhiều địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa đã được Ban Quản trị miếu đến thăm viếng, tặng quà, tặng nhà cho các hộ gia đình nghèo. Cuộc phỏng vấn 444 hộ gia đình người Hoa ở TPHCM (thuộc các quận 2, 3, 5, 6, 8, 10, Gò Vấp và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ vào tháng 7/2000 (Võ Thanh Bằng, 2008, tr. 282-283) cũng đã cho thấy có sự đổi mới trong các hoạt động này. Trước năm 1975, hoạt động phúc lợi chủ yếu từ tiền cho thuê nhà và tiền cúng dường trong miếu. “Ngày trước ở đây có từ 5 đến 7ha nhà cho thuê mà, rồi đồng hương ở bên kia sang đây cư ngụ, rồi thuê làm ăn, năm nào mình làm ăn được thì mình vào chùa hiến một số tiền cho chùa, rồi chùa lấy số tiền đó làm quỹ hoạt động” (Phỏng vấn ông T.P.L., ngày 23/4/2014). Hiện nay, hưởng ứng các cuộc vận động do TPHCM, quận 5, phường 14 phát động, hội quán Nhị Phủ đã tích cực tham gia đóng góp vào nhiều loại hình hoạt động từ thiện – xã hội như hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, Quỹ vì người nghèo, trợ cấp mai táng dân nghèo, trợ cấp cho người già neo đơn, hỗ trợ kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ quận 5 TPHCM, chăm sóc nghĩa trang Phúc Kiến tại thành phố Biên Hòa.
Một cán bộ thuộc Ban Dân tộc TPHCM (trực thuộc Ủy ban Nhân nhân TPHCM) nhận xét: “Hiện nay các hoạt động của Hội quán ấy cũng kế thừa từ nguồn gốc trước đây, tương trợ, hỗ trợ nhau trong cộng đồng, gắn với sự sinh, lão, bệnh, tử. Giờ thì nó gắn thêm với nhu cầu hiện nay như tương trợ, chăm lo cho cộng đồng, an sinh xã hội của địa phương này nói riêng và toàn TPHCM nói chung. Nói cụ thể ra, nó đi vào cái việc khuyến học, là một mảng lớn từ thiện – xã hội. Từ thiện – xã hội thì không phải chỉ đơn thuần trong cộng đồng nữa, mà cả thành phố, những nơi khác, cả các tỉnh vùng sâu, vùng xa nữa. Đặc biệt nhiều năm nay, đi theo chủ trương hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, (họ) đi xây cầu xi măng, xây trường học tại các vùng đồng bào có khó khăn, vùng sâu, vùng xa (…) Ngoài ra, các Hội đoàn còn tham gia khám chữa bệnh, bốc thuốc cho những người nghèo, ủng hộ, tài trợ các xã hội đoàn, phát huy bảo tồn văn hóa, rồi ủng hộ các Chi hội khuyến học để phát huy các nhân tài” (Phỏng vấn ông T.C.V., Ban Dân tộc TPHCM, ngày 30/11/2014).
Từ những hoạt động xã hội của Hội quán Nhị Phủ nhiều năm qua, ngày 19 tháng Giêng năm 2006, Hội quán Nhị Phủ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng III.
Kết luận
Trong quá trình lịch sử di dân của người Hoa Phúc Kiến ở TPHCM, miếu Nhị Phủ có chức năng và vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng và từng cá nhân, đặc biệt trong đời sống kinh tế và xã hội của người Hoa Phúc Kiến.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở TPHCM, miếu Nhị Phủ đã có những biến đổi như tăng cường hơn nữa việc tham gia hoạt động kinh tế, từ thiện – xã hội. Đây là sự biến đổi theo xu hướng tích cực, một mặt nhằm tăng cường những hoạt động kinh tế đa dạng, góp vào sự phát triển chung của thành phố; mặt khác góp phần vào xu thế hội nhập với các nhóm Hoa khác và với cộng đồng người Việt trên mảnh đất Việt Nam.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
1. Trần Hồng Liên. 1999. Phước Thiện Nghĩa Từ. Tạp chí Xưa và Nay, số 64B tháng 6/1999.
2. Trần Hồng Liên. 2005. Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ. Tín ngưỡng tôn giáo. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
3. Hội quán Nhị Phủ. 2007. Văn kiện Đại hội đại biểu Hội quán Nhị Phủ, nhiệm kỳ XII (2007- 2012).
4. Võ Thanh Bằng. 2008. Tín ngưỡng dân gian ở Thành phố Hồ Chí Minh. TPHCM: Nxb. Đại học Quốc gia.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 2 (198), 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Chức năng và vai trò của miếu Nhị Phủ trong đời sống kinh tế-xã hội của người Hoa Phúc Kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tác giả: ThS. Đặng Hoàng Lan) |