Cúng đình ở Nam bộ

COMMUNAL HOUSE WORSHIPPING CEREMONY IN SOUTHERN VIETNAM

Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU HIỆP
(Tỉnh An Giang)

TÓM TẮT

     Đình làng ở Nam Bộ mỗi năm thiết hai lần cúng chính là Xuân tế (lễ Kỳ yên, tổ chức rất trọng thể) và Thu tế (lễ Chạp miễu hay Lạp miễu), gọi là “Xuân thu nhị kỳ” với ý nghĩa quanh năm khói hương không dứt. Tuy nhiên tại một số đình ngoài những lần tế chính ấy, cứ ba năm người ta lại tổ chức “cúng đáo lệ” một lần rất trọng thể, gọi là “Kỳ yên tam niên đáo lệ”. Đặc biệt, lễ cúng đình ở Nam Bộ thường không trùng ngày nhau, đó là sự cố ý sắp đặt của những người có trách nhiệm để dân làng, kể cả quan chức và những gánh hát bội có điều kiện tham dự được nhiều nơi cho tăng phần đông vui. Do vậy lễ cúng đình, làng nào cũng thu hút rất đông người đến dự. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa sự trân trọng giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.Về nội dung cúng đình, cả hai phần lễ và hội ở An Giang nói chung không khác mấy so với các nơi khác ở Nam Bộ, biểu hiện rất rõ nét sinh hoạt về đời sống nông nghiệp ở nông thôn. Song về mặt thể hiện, không thể không có những nét đặc trưng đáng ghi nhận.

ABSTRACT

     There are two major worshipping ceremonies held in village communal houses in Southern Vietnam, which are vernal ceremony (praying for prosperity and pacification, solemnly organized) and autumnal ceremony (shrine ritual), known as the “spring and autumn ceremonies” to express the meaning of constant incense-smoke around the year. Besides, in some communal houses, apart from these major ceremonies, another ceremony is solemnly held every three years, called “returning of sacrifice ceremony for prosperity and pacification”.Particularly, the dates of worshipping ceremonies in Southern Vietnam are different due to  the  deliberate  arrangement  of  the  organizers  so  that  the  villagers,  including  officials  and “Vietnamese  opera”  troupes  can  attend  in  various  places.  As  a  result,  every  village  communal house’s  sacrifice  ceremony  attracts  a  crowd  of  people.  It  fully  expresses  the  significance  of respecting and preserving the national unique cultural characteristics.The  communal  house’s  ceremony  in  An  Giang,  in  both  contents  of  festival  and  ritual,  is generally similar to other places in Southern Vietnam, clearly manifesting the activities of rural agricultural life; however, there are still noticeable characteristics in performance.

x
x x

     Có thể nói, ở Nam Bộ cho đến thời thuộc Pháp, không có làng xã nào không có đình. Đến sau năm 1954 hầu như đình đã hiện diện đều khắp, do đó việc dựng cất đình làng xem như kết thúc. Tuy nhiên do yếu tố khách quan lịch sử, trong những lần tách nhập, minh định địa giới, hoặc mở thêm xã mới, rải rác đây đó thấy có dựng lên thêm một vài ngôi.

     Đình ở Nam Bộ về cơ bản không khác với miền Bắc, miền Trung, nhưng về sinh hoạt, kiểu cách kiến trúc và thiết kế thì do theo tính cách của miền Nam, nên các mặt đều đơn giản hơn, thoáng đãng hơn. Đã rộng, đình như lại rộng thêm, bởi bên trong đều không thiết kế vách ngăn (một phòng) nên sáng, mát và thoáng. Điều đó nói lên tính hài hòa của tổng thể, cởi mở và thân thiết. Đó chính là một bước cải tiến quan trọng, vượt bỏ khung cảnh đầy vẻ thâm nghiêm, u tịch và chật chội (vốn đã thành nếp từ lâu đời), làm tăng thêm tính gần gũi, thân mật giữa dân làng với thần linh, phần nào đó nói lên sự một lòng, một ngọn cờ của nhân dân đối với nhà đương cuộc. Không bị ngăn cách cũng có nghĩa là sát cánh, không cảm thấy bơ vơ, thiếu thốn sự che chở của chính quyền, đồng thời nó cũng nói lên tính “có nhau” của con người trong cộng đồng.

     Về thủ tục xin “sắc thần”, trước hết vị thần “dự thờ” do dân làng chọn (một, hoặc năm, mười vị, tùy ý), những người mà lúc sinh tiền từng nêu cao công to, đức lớn, từng ra sức che chở, bảo vệ cuộc sống nhân dân địa phương…, để dâng sớ lên triều đình xin được công nhận. Nếu lý lịch, chủ yếu là hành trạng các vị chưa rõ ràng, Bộ Lễ phải bỏ ra thời gian cần thiết để tra xét cẩn thận. Trường hợp đạt tiêu chuẩn, xứng đáng thì tùy theo uy danh và sự linh ứng thông qua những truyền thuyết phổ biến trong dân gian ở địa phương, nhà vua sẽ ban sắc xuống như một sự bổ nhiệm. Nội dung vuốt ve, ban cho tước hiệu, mỹ hiệu và dặn dò thần phải kính cẩn vâng mạng, lo tròn trách nhiệm “hộ quốc tý dân” trên một địa bàn nhất định.

     Sắc thần chính là một sự hóa thân của vị thần. Dân làng hiểu ngày mình đón nhận sắc là ngày vị thần ấy chính thức nhận nhiệm vụ tại địa phương, vì vậy quan trên thường chọn ngày tốt, thường là ngày rằm để chuyển sắc xuống cho làng. Thành ra, như ở An Giang, một số người theo đạo Phật, dù ngày ấy ăn chay, người ta cũng “xin lỗi Trời Phật” mà… độ mặn! Tuy nhiên vẫn có nhiều nơi giữ khá nghiêm giới cấm (cử sát sanh) nên cúng chay. Vì vậy, sau khi đã nghiên cứu về tín ngưỡng tôn giáo từng vùng, khi viết sắc, Bộ Lễ thường không quên ghi thêm câu “Thiên niên huyết thực” để nhằm ngăn chặn bớt những hình thức cúng chay buồn tẻ. Từ ấy thành lệ, không ai dám trái, điển hình như trong sắc phong ông Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư (Phủ thờ Nguyễn tộc ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).

     Có năm, như năm 1852 do các địa phương dâng sớ xin sắc cùng một lúc, sắc ban xuống không kịp, không đủ – cũng không loại trừ ngân sách địa phương eo  hẹp,  vì  khi  được  sắc  chính  quyền  địa  phương  có  trách  nhiệm  hỗ  trợ  mọi mặt, kể cả việc cấp kinh phí để xây cất, hoặc trùng tu, cũng như chi cho việc cúng tế hàng năm – hay không được ban sắc, nếu dân làng tôn kính đối tượng, tha thiết muốn thờ thì cứ việc thờ. Vấn đề công trợ có thể là không cần thiết lắm, nhưng dù sao được trợ cấp vẫn tốt hơn, đỡ ra. Cái hơn hết là được triều đình thừa nhận vị thần ấy. Đình nào đang trông chờ ban sắc thì gọi thờ “Thần vọng”. Đã dựng cất đình rồi mà chờ mãi không thấy, hoặc khi đã biết chắc vua không ban sắc, thì dân làng đều buồn tủi, nhưng chẳng lẽ chức việc trong làng để cho làng mình quá trống vắng, dân làng mình mãi đi “cúng nhờ” và “vui ké” ở làng bạn? Vì vậy phải vận dụng, bằng cách xin sao chép lại sắc thờ từ một đình khác, thậm chí ngầm tổ chức cho người đi đánh cắp rồi mua lại!

     Như đã nói, đối tượng chính được thờ ở đình là một hay nhiều nhân thần hoặc  nhiên  thần  được  dân  làng  ngưỡng  kính.  Tuy  nhiên  ở  một  số  nơi,  thần Thành hoàng bổn cảnh, tuy mang tính trừu tượng nhưng cũng được các đình tôn thờ khá phổ biến. (Thành hoàng, nói đủ là Thành hoàng kinh đô, nguyên là vị thần cai quản ở kinh thành, sau nới rộng ra những nơi thị tứ, rồi dần dần áp dụng luôn cho thôn xóm; bổn cảnh là tại nơi này đây). Cho dù thờ thần nào, thứ bậc thuộc loại thượng, trung, hay hạ đẳng, bao giờ trong đình cũng có thờ thêm những bàn phụ, như bàn Hội đồng (nhiều vị), Tả ban, Hữu ban (những vị thân cận trợ giúp đắc lực cho đối tượng chính đang thờ); Tiền hiền, Hậu hiền (những vị có công đầu trong việc khai hoang lập ấp – “Tiền hiền khai canh, Hậu hiền khai cơ”); Tiên sư; các anh hùng liệt sĩ; và cả những đối tượng có quyền năng siêu hình thuộc tín ngưỡng dân gian đã ăn sâu vào tiềm thức, nay tuy thực tế cuộc sống con người không còn bị chi phối bởi những quyền năng huyền hoặc ấy, nhưng dân gian vẫn cố bảo lưu như giữ gìn một dấu ấn sinh hoạt buổi sơ thời cha ông khai hoang, dựng nghiệp…

     Tính ra, chỉ phần phụ thờ thôi, chí ít trong đình cũng có hàng chục lư hương (trên những bàn thờ riêng). Đó là chưa kể đến những bàn chỉ mang tính trang trí để nhằm làm tôn thêm vẻ uy nghiêm, gọi “bàn nghi” hay “ghế nghi”, thường làm kiểu “chưn cheo” có cẩn ốc xà cừ – cũng bày biện đầy đủ lư hương, chưn đèn, nhưng không nêu đối tượng thờ cụ thể nào như ở đình Vĩnh Ngươn, thị xã Châu Đốc.

     Mỗi năm, đình nào cũng thiết hai lần cúng chính là Xuân tế (lễ Kỳ yên, tổ chức rất trọng thể) và Thu tế (lễ Chạp miễu hay Lạp miễu), gọi là “Xuân thu nhị kỳ” với ý nghĩa quanh năm khói hương không dứt. Xuân tế diễn ra vào đầu mùa mưa, gọi Hạ điền (xuống đồng – gieo giống); Thu tế diễn ra vào cuối mùa mưa, gọi Thượng điền (đã thu hoạch mùa vụ – xưa). Tuy nhiên tại một số đình ngoài những lần tế chính vừa nói, cứ ba năm người ta lại tổ chức “cúng đáo lệ” một lần rất trọng thể, gọi “Kỳ yên tam niên đáo lệ”.

     Đặc biệt, lễ cúng đình ở các làng thường không trùng ngày nhau, đó là sự cố ý sắp đặt của những người có trách nhiệm để dân làng, kể cả quan chức và những gánh hát bội có điều kiện tham dự được nhiều nơi cho tăng phần đông vui. Do vậy lễ cúng đình, làng nào cũng thu hút rất đông người đến dự. Nó nói lên đầy đủ ý nghĩa sự trân trọng giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.

     Cho đến nay, tuy đã có phần nào cải biên, nhưng về nghi lễ, kể cả lễ phục, lễ nhạc, hình thức bài bản tế văn… đều hãy còn giữ được phong cách đặc sắc cổ truyền. Rõ nét và tiêu biểu nhất là lễ cúng tại các đình “có tuổi” như đình làng Châu Phú (thị xã Châu Đốc), Đa Phước (huyện An Phú), Kiến An, Long Kiến, Mỹ  Luông,  Chợ  Thủ  (huyện  Chợ  Mới),  Mỹ  Phước  (thành  phố  Long  Xuyên), Thoại Sơn (huyện Thoại Sơn), và một số nơi khác.

     Về nội dung “cúng đình”, cả hai phần  lễ  và  hội  ở  An  Giang  nói chung  không  khác  mấy  so  với các  nơi  khác  ở  Nam  Bộ,  nghĩa là biểu hiện rất rõ nét sinh hoạt về đời sống nông nghiệp ở nông thôn. Song  về  mặt  thể  hiện, không  thể  không  có  những  nét đặc  trưng  đáng  ghi  nhận  như, trước  năm  1975  ở  đình  xã  Hòa Hảo (quận Tân Châu – nay là thị trấn  Phú  Mỹ,  huyện  Phú  Tân) và  một  số  đình  các  xã  lân  cận tuyệt nhiên không cúng mặn, và do đó tất nhiên chỉ đãi tiệc chay (nay đã khác). Khi nghênh sắc, hai bên đường suốt lộ trình có đoàn xe đi qua, người dân treo quốc kỳ, đặt bàn hương án trước nhà mình và túc trực hầu hương rất mực cung kính. Ở đình Châu Phú, do ngày trước có cử người ra tận kinh đô Huế học hỏi nên nghi thức cúng tế ở đây được xem là khá chuẩn theo nghi lễ ở triều đình.

     Để việc đình đám được chu đáo, từ những ngày trước khi lễ hội chính thức diễn ra, người ta đã thấy Ban Tổ chức họp bàn, phân công, phân việc rất cụ thể. Họ không chỉ đạt thư mời tận từng hộ dân trong xã, mà còn mời Ban Quý tế, các đình (hoặc dinh, miếu, đền thờ…) “láng giềng” đến dự. Một mặt, liên hệ mời gánh hát bội; cho quét dọn nội, ngoại thất; chuẩn bị củi, nước; đồng thời mua sắm những vật phẩm phục vụ cho công việc cúng tế; một mặt thông báo rộng rãi thể lệ các cuộc đua tài, chủ yếu là thể thao và các trò chơi dân gian truyền thống để mọi người đều có thể hào hứng tham gia. Rồi thì phân ô phần sân đất rộng quanh đình đặng tổ chức cho bà con bốc thăm xác định địa điểm dựng lều trại mở quán ăn uống phục vụ người tham dự lễ hội… Xem ra cũng khá tất bật!

     Sáng sớm ngày đầu tiên diễn ra lễ hội người ta thấy Ban Quý tế đình thần đã tề tựu đầy đủ, ai nấy khăn áo rất chỉnh tề để, khi nghe ba hồi trống tựu giục giã, tất cả đều nhanh chóng ra sân nghiêm trang cử hành thượng thần kỳ, và bái cúng “Thần Nông” tại một bệ gạch được xây đắp (như đàn Xã Tắc ở kinh đô) cạnh bức bình phong có tô vẽ hình con vật dựa theo lệ định dành cho các vị nhân thần (đối tượng chính được thờ, thí dụ Thần thượng đẳng thì hình con long mã, Thần trung/ hạ đẳng thì hình con kỳ lân); hoặc dựa theo bố tử của vị nhân thần, tùy từng nơi.(1) Tuy nhiên cũng thấy có một số hình khác, như cọp, nai, chim… mang ý nghĩa dấu ấn sâu sắc địa phương thời mới dựng lập.

     Các  cụ  hàng  ngũ  chỉnh  tề,  có  đội  quân  danh  dự  dàn  chào  –  đó  là  hình ảnh những người lính thú ngày xưa, trên tay tua tủa nào siêu, đao, nào chùy, thương, búa, kích… rất oai nghiêm. Thần kỳ cũng gọi đại kỳ, vì đó là lá cờ đỏ rất to, có thêu 4 chữ Nho (hoặc Quốc ngữ) như “Quốc thới dân an” hay “Thiên hạ thái bình”…, rất uy thế. Xong lễ sơ nghinh, các cụ là những người có nhiệm vụ cùng ra xe đi nghinh sắc (hoặc rước sắc, nếu sắc ấy được đặt thờ ở nhà riêng của một vị trong Ban Quý tế). Nơi ấy, trước hết là phải bảo đảm an toàn, tức không thể bị mất trộm; người được giao giữ sắc phải thành lòng tự nguyện khói hương chu đáo hàng ngày, do đó vị ấy không chỉ là người đạo cao đức cả, mà gia đình cũng được xem là tử tế, có uy tín trong làng, cho nên được giữ thờ sắc là cả một vinh dự! Đoàn xe đi nghinh sắc có đến hàng chục chiếc, được huy động trên cơ sở tham gia tự nguyện, mang tính “cây nhà lá vườn” để thể hiện tấm lòng, nên không đồng nhất, nào ô tô khách, ô tô con, nào máy cày, máy xới kéo rờ moọc, nào xe gắn máy kéo thùng, xe lôi đạp và cả xe đẩy cải tiến cũng được trưng dụng đặng để cái trống – không phải khiêng. Dẫn đầu là xe múa lân (hoặc long mã) có thêu vẽ 4 chữ “Phong điều vũ thuận”; kế đến là cỗ xe long đình, gọi “Long xa phụng tán” được chạm trổ rất mỹ thuật, sơn son thếp vàng rực rỡ, đó chính là xe để hòm (hộp) đựng sắc thần; tiếp theo lần lượt là xe học trò lễ, các nữ hầu (đào thài), các cụ Ban Quý tế, Ban Tổ chức…, cuối cùng là sự tháp tùng của hàng trăm xe gắn máy và xe đạp. Xen giữa là Ban Nhạc lễ với một số nhạc cụ truyền thống đã định hình là trống, mõ và phèng la, thong thả gióng lên từng hồi nhịp ba (ba dùi/ hồi), thỉnh thoảng chen lẫn vài hơi kèn lá, tạo nên những âm thanh thánh thiện, gợi nhớ cảnh quan hoang sơ thuở người lưu dân mới vào đây vẹt rừng phá bụi, phải thường xuyên đương đầu với biết bao khắc nghiệt, nào sơn lam chướng khí, nào thú dữ bạo hành… Nhạc cứ thế liên tục vang lên, đồng vọng trên suốt cả lộ trình (chính) từ “đầu làng đến cuối xóm” mang ý nghĩa đưa thần đi thăm viếng, cầu mong ngài phù hộ độ trì cho “già mạnh khỏe, trẻ bình an”, mưa thuận gió hòa, ngành nghề tinh thông, phát triển.

     Đón rước (sắc) thần, trước mỗi nhà người dân đặt bàn hương án, có người túc trực hầu hương rất mực thành kính. Xưa, đoàn thỉnh sắc đi bộ, có cầm hai bảng đề chữ Nho “Tĩnh túc” hay “Túc tịnh” (yên lặng, cung kính), và “Hồi tỵ” (tránh xa) nên mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ con chấp hành rất nghiêm, thậm chí không dám ra đường khi đoàn nghinh sắc đi ngang qua – sợ có điều chi khinh suất, e bị quở phạt, nay đi bằng xe, đã có kèn hoặc còi hụ mở đường nên vấn đề “yên lặng” và “tránh xa” là đương nhiên. Tuy vậy hai tấm biển ấy vẫn được mang theo, nhằm khắc họa lại một dấu ấn lịch sử thuở xa xưa.

     Đoàn xe trở về đình. Khi đã an vị sắc xong tại vị trí nhất định (bàn thờ thần), các cụ, người nào việc nấy…

     Cũng  như  mọi  người,  hôm  ấy ông  Kế  hiền  rất  hãnh  diện  với bộ  quốc  phục  thẳng  thớm  của mình,  trông  rất  đẹp  lão.  Trên gương mặt ông lúc nào cũng nở nụ cười hân hoan. Cứ nhìn thái độ  cung  kính  của  mọi  người  đủ biết ông là nhân vật số một của Ban Quý tế. Ngày này, nếu vai trò ngoại vụ của ông Chánh bái (hay Đại  bái,  Phó  bái,  Bồi  bái, Tiền bái) đa đoan bao nhiêu thì phần  hành  đảm  trách  các  vấn đề nội vụ của các ông Chánh tế, Phó tế, Bồi tế cũng bận rộn bấy nhiêu. Bên cạnh các “hương chức hội chánh” vừa kể, các ông “hương chức hội hương” cũng đa đoan không kém bởi, nếu ông Hương lễ chịu trách nhiệm các phần việc của Ban Lễ sinh thì, ông Hương nhạc là người chỉ huy Ban Nhạc lễ; ông Hương quan lo về nghi lễ, tục lệ; ông Hương đăngThủ hương lo việc nhang đèn (thắp nhang hàng ngày thì do ông Thủ từ, cũng gọi ông Từ đình); ông Hương văn lo việc soạn đọc văn tế; ông Hương ẩm coi việc chiêu đãi, tiệc tùng. Bên cạnh họ hãy còn ông Giáo sư là người quảng kiến đa văn, cố vấn mọi mặt cả hình thức bài trí lẫn nội dung theo chương trình tế cúng. Còn thu chi tiền bạc thì đã có Thủ bổn và một số người phụ giúp như Hương bổn, Hương biện, Hương kiểm. Việc nấu nướng thì có các ông bà trong Ban Hỏa thực v.v… Những ngôi đình “lên lão” nhân sự của Ban Quý tế rất đông, vì các ông “Hương” được làng cấp “văn bằng” (như quyết định bổ nhiệm) với nhiệm kỳ là… vĩnh viễn, vì vậy chỉ khi nào bị khuyết mới cử người thay. Mặt khác làng cũng cử thêm một số người phụ giúp những cụ đã quá già yếu, dĩ nhiên phải nghiệm đặt những chức vụ mới, nghe khá lạ, nên có khi người nhận lãnh chẳng rõ nhiệm vụ cụ thể của mình là gì! Cũng do thế mà thành phần và số lượng nhân sự Ban Quý tế các đình đều không giống nhau.

     Hiện, bộ máy cồng kềnh này đã được tinh giản lại vừa gọn nhẹ, vừa thực tế nhằm thiết thực đảm trách vai trò bảo vệ văn hóa truyền thống ở nông thôn.

     Cũng ngay sau khi đã an vị sắc thần xong, dân làng lũ lượt kéo đến tham gia các cuộc vui chơi giải trí được tổ chức rất hào hứng, sôi nổi. Trong khi đó cũng có đến hàng trăm lượt người với những mâm lễ vật trên vai thành kính mang đến dâng cúng thần, phổ biến nhất là nhang, đèn, trà bánh và xôi vị, trên ấy có điểm xuyết vài ba bông điệp đỏ, điệp vàng để tỏ là thức cúng. Đối với  những  đình  cúng  “tự  do”  (tức  không  có  lệ  cúng  chay),  dân  làng,  nhất  là những người kinh doanh thành đạt mang cúng cả heo quay, bánh bò, bánh hỏi. Thường thì khi tiếp nhận và cúng xong, Ban Quản trị chỉ nhận 1/3 để dùng vào việc đãi khách, còn 2/3 thì “kiếng” lại chủ mang về để cả nhà cùng ăn, kể là “hưởng lộc thần ban”.

     Không như ở một số nơi, hầu như đình nào ở An Giang cũng không phân biệt chỗ ngồi theo kiểu “chiếu trên, chiếu dưới”, cũng không thấy có chuyện chia (biếu) thịt cho các cụ theo thứ bậc. Tất cả đều bình đẳng và được Ban Tổ chức ân cần mời dùng những bữa ăn thịnh soạn hoàn toàn miễn phí. Tất nhiên toàn bộ chi phí cho cả ngàn thực khách đều được lấy ra từ sự hỉ cúng của dân làng. Tuy các khoản chi trong lễ hội cúng đình rất lớn, nhưng dường như không bao giờ ngân quỹ bị thâm hụt, vì con số đóng góp tự nguyện của nhân dân thường rất cao, thậm chí dư nhiều nếu năm ấy dân tình bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nhờ đó mà có kinh phí trùng kiến, mua sắm hoặc đóng góp việc công ích xã hội. Nhiều nơi, Ban Thư ký (tức Thủ bổn, Hương biện…) được tăng cường 5, 7 người mà có khi ghi thu không kịp!

     Trời càng khuya, dân làng xem lễ hội càng thưa dần. Cho đến khoảng 23 giờ số người còn lại chỉ chừng đôi trăm. Đó là những người quyết tâm ở lại. Họ đứng nép sát hai bên vách đình, hướng về gian Túc yết là nơi Ban Quý tế đang chuẩn bị lễ vật và trang phục để tiến ra đại bái đường bắt đầu cử hành lễ Túc yết đúng theo tục lệ cổ truyền vào lúc nửa đêm. Lúc này không khí trong đình thật trang nghiêm, huyền diệu, vì người không có phận sự, nhất là trẻ con đã được Ban Tổ chức nhắc nhở lui ra phía ngoài để trả sự yên tịnh cho Ban Quý tế tiến hành nghi lễ. Tuy nhiên nếu ai biết tự ý thức giữ gìn trật tự chung, ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề vẫn có thể được ở lại dự khán. Cả sân và nội thất của đình lúc này người xem đứng chật cả vòng trong, vòng ngoài. Tất cả đều chăm chú dõi theo mọi diễn biến hành lễ, đến mức gần như không ai dám thở mạnh!

     Để mở đầu lễ Túc yết (túc trực chờ được yết kiến thần linh), sau hồi trống “thông thiên triệt địa”, cũng là trống hiệu tập trung, mời các “viên chức tân cựu tựu vị”, và khi các cụ đã “tĩnh túc thị lập” tức đã thực sự ổn định trật tự, không ai còn việc gì phải di chuyển lui tới thì, người điều động chương trình lễ bắt đầu “xướng” (đảm trách phần xướng có hai người, mặc lễ phục, đứng hầu hai bên bàn nghi, mỗi lần xướng thì vòng hai tay cung kính). Đây là một điệu xướng rất đặc thù chỉ diễn ra trong những buổi tế ở đình, hoặc đền thờ, giọng đưa lên, hầu như tiếng nào cũng có “thanh sắc” nghe lanh lảnh. Và, đặc biệt là luôn có ngân thêm tiếng “a” (xướng lên nghe “á”) kéo dài sau mỗi câu. Thí dụ như “Chánh tế tựu vị, a…” thì xướng “Chánh tế tứu ví, á...” (mời những vị có trách nhiệm “chánh tế” đến vị trí quy định). Cũng như thế, thay vì “Cúc cung bái” thì xướng “Cúc cúng bái, á…” (quỳ xuống lạy); “Hưng bình thân” thì xướng “Hứng  bính  thấn,  á...”  (đứng  lên);  “Tấn  tước,  á...”  (nâng  chén  rượu  đưa  lên); “Châm tửu” thì xướng “Chấm tứu, á…” (rót rượu vào); “Hiến tước, á…” (dâng lên bàn thờ) v.v… Rất chu đáo, kính cẩn!

     Trước hết là lời xướng: “ Nghệ quán tẩy sở, a…” (những người có trách nhiệm trực tiếp phụ trách việc tế tự, từ học trò lễ đến Chánh tế đều phải đến thau nước lã đặt sẵn trên giá bên cột đình để rửa/lau tay và mặt – tất nhiên chỉ là động tác tượng trưng).

     Lại xướng: “Chỉnh y quan, a...” (sửa lại khăn áo cho chỉnh tề).

     Rồi: “Khởi cổ lịnh, a...” (đánh lên mấy tiếng tiểu cổ – loại trống nhỏ, có cán cầm) như báo tin thần đang di chuyển, sắp ngự trên khánh vị. Ngay sau đó một hồi mõ được đánh to lên để cung kính đón chào thần, gọi “Khai thái bình thinh”.

     Lại xướng: “Khởi minh chinh, a...” (đánh chiêng), rồi “Khởi đại cổ, a…”(đánh trống lớn). Tiếp theo, hai người trong Ban Nhạc lễ tiến đến trước chánh điện trình tấu trống lễ để một lần nữa cung kính đón chào. Khi đã “tác nhạc” xong, cả hai người đồng “hoàn cựu sở” (lui về vị trí).

     Tiếng trống chào mừng vừa ngưng, lễ Tĩnh sanh được tiến hành (tĩnh là tinh khiết; sanh là hy sanh/hy sinh – chết thay thế). Đây là lễ tế vật sống, thường là heo, gọi “con hy sinh” được tiến hành “y cựu phụng sự”. Một người áo dài khăn đóng dẫn đến con heo trắng to béo (thường thì phải đúng tạ, hiểu là 60 ký, hoặc hơn, không tế heo “tiền sắc” tức heo bông, vì các cụ cho rằng loại ấy gốc ở Hải Nam, Trung Quốc, không dùng) đã được tắm rửa sạch sẽ, đến trước “khánh vị” (bàn thờ thần), rót 3 tuần (lần) rượu (trắng) cung kính đặt lên. Mỗi tuần rượu, vị Chánh tế kính cẩn khấn vái… Xong dồn rượu lại một ly, một phần đổ vào họng con heo, một phần rót lên mình nó, từ đầu dài theo lưng, rồi dẫn xuống “nhà trù” (không thấy vật ngã ngay trước bàn thờ thần như nghe nói có diễn ra ở một số nơi khác – để mọi người không phải xúc động trước cảnh tượng thương tâm). Sau đó lấy một nhúm lông bỏ vào chén huyết có đậy lá chuối, học trò lễ mang đến trao cho viên Thị lập. Viên này đón nhận rồi kính đặt lên bàn thờ như để trình với thần.

     Chương trình tế lễ được khởi đầu bởi “Tuần củ sát tế vật” (sát cũng gọi là soát; vật cũng gọi là phẩm). Trước tiên, hai lễ sinh (học trò lễ, với lễ phục và cả hia mang, mũ đội toàn màu xanh thẫm với những đường nét hoa văn, họa tiết theo kiểu thức thuở cựu trào rất đặc trưng, đẹp mắt) nghiêm chỉnh tiến đến xem soát các lễ vật trên bàn thờ. Khi thấy tất cả đều được dâng lên đầy đủ (trầu, rượu, xôi vị…), ngay ngắn, đúng quy cách thì tiến hành tuần hương, hay phàn hương, cũng gọi “Nghệ hương án tiền” (thắp nhang). Các vị Chủ tế và Bồi tế làm lễ Thượng hưởng (dâng nhang), từng động tác đều phải làm theo lời xướng.

     Tiếp theo là tuần Ế mao huyết (bưng chén lông và huyết của con hy sinh đem chôn – hủy bỏ vật cúng ấy một cách tế nhị). Xong, tới phần “Nhạc sanh khởi túc”. Lúc này, dàn nhạc lễ gồm đờn cò, đờn kìm, kèn, trống… cùng lúc nổi lên rộn ràng.

     Phần Chánh tế bắt đầu. Khởi đầu là “Sơ hiến lễ”, kế đó là “Á hiến lễ”, sau cùng là “Chung hiến lễ”, tức phải cử hành liên tục đúng bài bản 3 lần y nhau, mỗi lần 12 lễ sinh đồng bái, rồi một cách rất ăn nhịp, họ chia ra mỗi tốp 4 người từ từ tiến đến trước những bàn thờ mình thọ nhiệm, bằng những bước đi theo kiểu “chữ Tâm” (Nho) một cách vừa khoan thai vừa “cực kỳ điệu bộ”.

     Cạnh mỗi bàn thờ đều có hai hương chức túc trực tại chiếu để sẵn sàng cúc cung đúng nghi thức theo từng “tuần” nhất định (một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà). Tùy theo yêu cầu nội dung của mỗi “tuần” các lễ sinh thi lễ với cung cách hết sức thành kính, bài bản: vòng cao hai tay ra phía trước, có nâng đài rượu, rồi lần lượt là hương, đăng, trà, quả…; trên khay, hoặc dĩa đựng vật tế đều có đôi đèn sáp màu đỏ được thắp sáng lên như để soi cho tỏ rõ, đưa lên trán, vẻ mặt nghiêm nghị, thành kính, mắt hướng thẳng, tập trung… Tất cả như một màn đồng diễn tài hoa: họ cùng nhún mình, rồi nhón gót lên và trụ vững chân trái, đoạn đồng loạt ngoéo chân phải ra sau rồi rút trở về vị trí cũ, xong đá thẳng tới, giựt nhẹ lại mới hạ chân xuống. Thế là đã tiến được một bước. Xong đổi sang chân kia. Cứ theo nhịp điệu của dàn nhạc lễ mà thong dong “nhứt bộ nhứt bái”. Khi đã tiếp cận với bàn thờ thì lễ sinh lạy hai lạy rồi rót rượu dâng lên. Lại lạy hai lạy nữa, vị chi bốn lạy. Theo sau các lễ sinh là các cô “đào thài” với y trang rực rỡ, trang điểm phấn son theo kiểu “nhấn mạnh” như đào hát bội, khá duyên dáng, tay cầm quạt phe phẩy lễ sinh, vừa đi vừa hát những câu đưa đẩy ca ngợi tổ quốc xinh đẹp, chúc mừng minh quân thạnh đức, đồng thời dâng lên thần linh nào rượu ngon, trà thơm, nào hương trầm bát ngát…, theo một giọng điệu rất riêng, rất ngọt ngào, gọi “ca theo điệu chúc”.

     Hiến lễ được tiến hành 3 lần, các động tác hành lễ như rót rượu, dâng rượu, quỳ lạy đều được cung kính tiến hành theo lời xướng. Dứt phần Chung hiến lễ (dâng rượu lần ba) các vị Thị lập đón nhận và dâng thêm trái cây, bánh trà lên bàn thờ thần. Đến đây xem như thần và “chư vị” đã “độ” xong buổi tiệc trọng.

    Để tỏ sự thân mật, tưởng nghĩ lòng hiếu kính, lúc này Chánh tế và Bồi tếđược phép đại diện dân làng nâng chén “ẩm độ”, tức nhắm một hớp rượu đã cúng thần – tất nhiên các nghi thức quỳ lạy, ẩm phúc (uống chén rượu cúng), thụ tộ (nhận miếng thịt phần, có khi thay bằng miếng trầu)… cũng phải theo lời xướng.

     Đến đây chương trình được chuyển sang phần đọc văn tế, tức đọc bài văn tế viết bằng chữ Hán trên giấy hồng đơn, nội dung kể rõ công nghiệp, đức tính vị thần cụ thể đang thờ. Nếu là thần Thành hoàng bổn cảnh thì tưởng vọng chung chung, tha thiết cầu xin “chư thần” (kêu kể tất cả các “thần cổ sơ” theo mức  hiểu  biết  từ  những  truyền  thuyết  dân  gian)  hiển  linh  thông  qua  những lễ vật mọn mà chứng giám tấm lòng  thành,  phù  hộ  độ  trì  cho dân làng an vui, trúng mùa…

     Khi ông Hương văn đọc, có người cầm  đèn  sáp  màu  đỏ  rọi  (tượng trưng)  từng  chữ  theo  ngón  tay ông rà rà trên bổn. Trong khi đó tất  cả  các  vị  trong  Ban  Quý  tế đều quỳ, tỏ vẻ cầu xin tha thiết. Đọc  xong,  bài  văn  tế  được  đốt (gọi  “phần  chúc”)  ngay  bên  đàn tế, trong một nồi bung bằng đất nung để “chuyển sớ đến cõi âm”. Một số bô lão dự khán hướng về ánh lửa đang cháy sáng, sụp lạy, biểu hiện cao nhất tấm lòng thành kính tuyệt đối trước thần linh.

     Đây chỉ là bài văn tế được ai đó soạn viết một cách chung chung, như bài mẫu. Muốn sử dụng, người ta thêm vào ở phần đầu một số chi tiết về ngày, tháng (âm lịch), giới thiệu danh sách Ban Quý tế trực tiếp chịu trách nhiệm tại ngôi đình thuộc làng/xã, huyện, tỉnh (và cả đến quốc hiệu) nơi diễn ra cuộc cúng tế cầu an năm ấy. Tuy nhiên, trong tinh thần đổi mới, khoảng vài mươi năm nay hầu hết các bài văn tế kiểu cũ này đã được cải tiến cho phù hợp nếp sống, nếp nghĩ của thời đại. Ở đó, về nội dung tập trung kể lai lịch, tiểu sử, ca ngợi đức tính, hành trạng đối tượng đang thờ, ôn nhắc công nghiệp tiền nhân đã thiết thực phù hộ độ trì cho dân làng bình an, cuộc sống của các hạng sĩ, nông, công, thương ngày càng thịnh đạt, phát triển, cũng là một cách nâng cao lòng tự hào dân tộc, giúp mọi người được dịp sống lại với cội nguồn, với hồn thiêng sông núi…, nghĩa là đã mạnh dạn bỏ đi những phần cầu khẩn, vọng tế những thần thánh viễn vông không rõ ngọn nguồn, tông tích, mê tín thái quá. Tất nhiên vấn đề viết và đọc cũng được đại chúng hóa bằng chữ Quốc ngữ. Dù vậy, về phần lễ trong lúc tế, các “câu thiệu” kể cả điệu giọng, khi xướng, phần lớn các đình vẫn cố giữ lấy những nét đặc trưng cổ truyền, xem như đó là cái vốn quý thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi như chúng ta đều biết, nếu hiện đại hóa một cách máy móc thì hẳn nhiên cúng đình sẽ không còn là cúng đình nữa!

     Khi ông Hương văn đã đọc và đốt bài văn tế xong, phần hành chánh lễ xem như đã kết thúc. Kể từ giờ này dân làng đã có thể tự do lễ bái khắp các bàn thờ trong đình (thật ra dân chúng lễ bái lúc nào cũng được ngoại trừ lúc đang cử hành chánh tế và hành chánh lễ). Nhưng chưa việc gì phải vội, vì ngày mai bái thần cũng không muộn, bởi lúc này gà đã gáy hiệp nhất, hiệp nhì, tức gần sáng!

    Tuy thấm mệt, nhưng ai nấy cũng cảm thấy nhẹ hẳn người, vì không khí thiêng liêng của phần lễ nghi đã được diễn ra đúng bài bản, và không một mảy may khinh suất với lòng tín ngưỡng sẵn dành.

     Chương trình cúng đình hãy còn những đêm hát bội rất đặc sắc, bao gồm “hát hiến” (đêm đầu) rồi “hát tuồng”. Tuồng cổ nào cũng được kết thúc trên cơ sở tuân thủ công thức nhất định: “Tôn vương – phục nghiệp”. Tất cả đều nhằm trước hết là phục vụ cho thần “giải trí”, sau giúp vui dân làng – xem như đây là phần “hội” chính. Đặc trưng của lễ và hội Kỳ yên là đan xen nhau, gắn bó rất hữu cơ. Tuy nhiên do hát bội chỉ phù hợp đối với người cao tuổi, vì họ đều thuộc làu  làu  tuồng  tích,  và  tỏ  ra  rất  sành  điệu  khi  thưởng  ngoạn  loại  hình  nghệ thuật truyền thống đặc biệt này, cho nên, để đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, phần “hội đình” được mở rộng thêm bởi những trò chơi dân gian, như bắt vịt, nhảy bao, đập nồi; những cuộc đua tài truyền thống như đua xuồng, chạy đua, tranh giải thể thao, hoặc biểu diễn long mã, múa lân, văn nghệ quần chúng, nhất là hát cải lương – bầu gánh nào cũng cố mời được 5, 7 nghệ sĩ tài danh làm nòng cốt để, trước hiến vui sau… hốt bạc!

     Lễ  hội  cúng  đình  được  kết  thúc  vào  sáng  ngày  thứ  ba  bởi  lễ  hoàn  sắc. Ngày chuyển trả sắc về an vị nơi cũ cũng nhạc, cũng lân, cũng sáng choang đồ binh khí, bát bửu, và cũng với niềm tin đầy thành kính của dân làng bên những bàn hương án trang nghiêm dọc hai bên đường, y như ngày thỉnh sắc.

     Thế là ai nấy đã yên tâm làng mình sẽ được thần linh tiếp tục phù hộ độ trì “phong điều vũ thuận”, “già mạnh khỏe, trẻ bình an”… để rồi năm sau, cứ đến ngày ấy, tháng ấy lễ hội cúng đình lại được rộn ràng đáo lệ.Về nghi thức cúng diễn ra tại từng đình, từng nơi, tùy hoàn cảnh, điều kiện mà có khi hoặc được chế thêm, hoặc được châm chước, nhưng cả về hình thức lẫn nội dung chung nhất là như thế.

     Chú thích:

      (1) Lê Quý Đôn có ghi lại bài thơ nói về phẩm phục các quan văn trong Vân đài loại ngữ (dịch):

Áo các quan nhất, nhị phẩm thêu tiên hạc và chim trĩ,

Tam, tứ phẩm thêu công và nhạn bay trên mây.

Ngũ phẩm thêu nhạn trắng,

Lục, thất phẩm thêu cò và uyên ương, chim kê thốc.

Bát, cửu phẩm, và tạp chức thêu chim liêu, chim thuần, chim thước và chim hoàng ly,

Nha môn phong hiến (tức quan ngự sử) chuyên giữ phép tắc thì đặc biệt thêu con giải trãi.

     Còn các quan võ thì (dịch):

Áo các tước công, hầu, phò mã và bá,

Thì bố tử thêu kỳ lân và bạch trạch.

Nhất, nhị phẩm, thêu sư tử,

Tam, tứ phẩm, thêu hổ, báo.

Ngũ phẩm thêu con hùng, con bi,

Lục, thất phẩm, thêu con bưu.

Bát, cửu phẩm, thêu hải mã,

Hoa dạng thì có con tê ngưu.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (96), 2012

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Cúng đình ở Nam bộ (Tác giả: Nguyễn Hữu Hiệp)