Đặc điểm nhóm truyền thuyết địa danh ở vùng đất mới

Tác giả bài viết: LÊ THỊ DIỆU HÀ
(Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT

     Sự ra đời của truyền thuyết địa danh mang ý nghĩa thực tiễn như một nhu cầu chiếm lĩnh thực tại, thể hiện tập trung nhất trong những giai đoạn đầu của tiến trình lịch sử hình thành một vùng đất mới. Trong bài viết, chúng tôi đề cập đến một nhóm truyền thuyết địa danh tiêu biểu, kể về sự hình thành địa danh gắn với các nhân vật lịch sử là những người đi tiên phong trong công cuộc khai hoang, lập ấp của tiến trình lịch sử Nam Bộ. Trên cách tiếp cận thể loại, lấy dữ liệu là các công trình sưu tập truyện dân gian Nam Bộ, bài viết đi vào phân tích đặc điểm cấu trúc và nội dung, ý nghĩa nhóm truyện, nhằm phác thảo diện mạo một bộ phận đặc thù của truyền thuyết dân gian Nam Bộ về khẩn hoang.

Từ khóa: Truyền thuyết, địa danh, khẩn hoang, nhân vật lịch sử, Nam Bộ.

ABSTRACT

     The birth of legend of place names bears a practical meaning as a demand of reality domination showing most concentratedly in the early stages of the historical progress of a new territory. In this article, we mention to a representative group of place names legend describing the formation of place names in association with historical figures who pioneered in land reclaimation and village foundation in the Southern historical progress. On the genre approach and data collection which are Southern folklore collecting works, the article analyses structural features and contents, story meaning of the group, to outline a specific part of Southern place names legend about reclaimation.

Keywords: Legend, place names, reclaimation, historical figures, South Vietnam.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Liên quan nguồn truyện dân gian về khẩn hoang ở vùng đất mới, tác giả Đỗ Bình Trị đã nhận xét: “Ở nước ta từ thế kỷ XVI-XVII, công cuộc mở đất được đẩy mạnh. Quá trình di dân mở đất ấy chắc chắn phải được phản ánh chân thực, sinh động trong truyền thuyết phổ hệ về những vị tổ làng vùng đất mới phía Nam – những người lao động dũng cảm, tài trí phi thường, đại diện lỗi lạc nhất của thế hệ đầu “mang gươm đi mở đất”.

     Theo một cách phân loại, nhóm đề tài, nội dung trên được thể hiện trong truyền thuyết địa danh. Tiêu biểu có nhóm truyền thuyết địa danh kể về lai lịch, công tích các nhân vật lịch sử là những người có công khẩn hoang, tạo lập làng xã, mở mang nghề nghiệp, xây dựng công trình… gắn với tiến trình lịch sử Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX. Nhân vật được nói đến thuộc số ít những người có công trong công cuộc khai sơn phá thạch còn lưu giữ tên tuổi, có khi chỉ nhân dân lưu công tích, chính sử không am tường về họ. Tuy nhiên, tính xác thực của tính danh nhân vật có thể chỉ mang tính chất tương đối đặt trong hệ thống truyện.

2. Đặc điểm cấu trúc và nội dung, ý nghĩa nhóm truyện

     2.1

     Nhóm truyền thuyết địa danh về khẩn hoang ở Nam Bộ được đề cập có yếu tố thời gian mở đầu là thời gian sự kiện với ý nghĩa là điểm tựa của những hồi ức, phần lớn được miêu tả bằng những giới hạn tương đối, như: “Khoảng năm 1680”… (Bà Rịa 1); “Tương truyền cách đây hơn 150 năm… (Giồng Ông Ngộ)… Các mốc thời gian cho thấy quá trình khai phá bắt đầu sớm nhất là vào cuối thế kỷ XVII. Có truyện đưa vào thời gian phiếm chỉ hay một mốc sự kiện, biến cố lịch sử xã hội, như: “Xưa”(Đồng Bà); “Vào khoảng những năm quân Tây Sơn còn hùng mạnh” (Bà Rịa 2)…

    Gắn liền với thời gian quá khứ là hình ảnh không gian hoang sơ, thường xuất hiện như một tình tiết mở đầu truyện. Tình tiết này có cơ sở từ bối cảnh lịch sử, điều kiện tự nhiên vùng Nam Bộ. Theo thư tịch cổ, ghi chép của Châu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên đi sứ nước Chân Lạp vào năm 1296 cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc đó còn rất hoang vu: “… chúng tôi đi ngang qua biển Côn Lôn và vào cửa sông (…). Nhìn lên bờ, chúng tôi thấy toàn cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào, thế nên các thủy thủ cho rằng rất khó mà tìm được đúng cửa sông”. Phủ biên tạp lục, sách thế kỷ XVIII đã ghi nhận: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, từ cửa biển Cần Giờ, Soài Rạp, cửa Đại, cửa Tiểu, toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm”…

     Hiện thực đã được khái quát hóa trong những sáng tác văn học dân gian. Ca dao Nam Bộ đã ghi lại những xúc cảm đầu tiên của con người khi đặt chân đến vùng đất còn âm u, nê địa: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn, Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”; “U Minh khốn khổ quá chừng, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Ở truyện dân gian, sự nhận thức về thực tại được thể hiện với những nhân vật và sự kiện cụ thể, trong đó nổi bật dấu ấn về thời kỳ khai phá và hình ảnh những con người tiên phong trong công cuộc chinh phục, cải tạo thiên nhiên. Tác giả Nguyễn Phương Thảo đã nhận xét: “Hiện ra trong các tác phẩm folklore ở mọi thể loại là một thiên nhiên của thời kỳ khai phá, dấu vết của một thời gian lao có thể mờ nhạt khi màu xanh cây cỏ, sự trù phú của những cánh đồng xuất hiện nhưng trong kí ức con người, thiên nhiên ấy lại hoang vu, gợi ra sự hoang vắng khi con người mới đặt chân tới”.

     Thực tế, không gian hoang sơ đã xuất hiện trong truyện dân gian Nam Trung Bộ, nơi khởi nguồn của tiến trình khai phá vùng đất mới, với hình ảnh rừng rậm và thú dữ, như: “Ngày trước ở vùng Ái Tử bấy giờ hãy còn là một khu rừng rậm ri, rậm rít…”, “Thời ấy, có một số người ở xứ Đàng Ngoài vào đi qua thấy thế đất đẹp mà tính chuyện lập nghiệp. Nhà cửa, vườn tược cứ vừa dựng xong thì hôm sau voi đến phá sạch (Bàu Voi)…

     Khung cảnh thiên nhiên vùng đất Nam Bộ được tái hiện cũng là cảnh rừng thiêng nước độc, thế lực đối nghịch với con người: địa hình lồi lõm, rừng rậm hoang sơ, sấu đầy bưng, hổ tung hoành tận vùng đồng hoang…: “Thuở ấy, ở đây còn là núi non rừng rậm, nước mặn thêm địa hình lồi lõm, đầy ma thiêng chướng khí…” (Bà Rịa 1); “Cách đây hơn thế kỷ, vùng đất Phước Long (Bạc Liêu) còn rất hoang vu, trũng thấp” (Ngã ba Ông Trạch). Thú dữ quấy phá đã trở thành quy luật thường niên, bởi nơi con người sinh tụ sát cạnh với “giang sơn” của chúng. Đi cùng với những ký ức thời gian “Ngày xưa”, “Hàng năm”… là những sự tích ly kỳ: “Ngày xưa Vũng Tàu là khu rừng rậm bao la, nhiều thú dữ…”, “Hàng năm từ tháng 11 đến tháng chạp là mùa “chúa sơn lâm” tụ về đây…” (Eo ông Từ)…

     Hình ảnh không gian hoang sơ cũng xuất hiện trong nhóm truyền thuyết địa danh Khmer Nam Bộ, như: “Hồi đó, vùng đất này còn rất hoang vu, nhà cửa thưa thớt” (Sự tích vùng đất Tà Lọt); “Xưa kia, ở xã Phú Tâm này chỉ là một vũng nước… mỗi khi có gió là nước trong vũng nổi lên những đợt sóng lớn rất dữ tợn, hễ thuyền bè đi ngang qua là đều bị sóng đánh chìm” (Sự tích Vũng Thơm)… Tuy số lượng truyện ít nên hình ảnh không đậm đặc nhưng không gian được thể hiện có sắc thái riêng, độc đáo (với đất gò (giồng), nước nổi, bão tố, hạn hán, thú dữ….).

     Qua đây cho thấy không gian hoang sơ chính là không gian thực tại, là hình ảnh rất đặc trưng của vùng đất, trở thành một không gian nghệ thuật đặc thù, nó đánh dấu quá trình con người chinh phục, thích ứng với thiên nhiên hoang dã, tạo lập nên địa bàn sinh thái nhân văn nơi đây.

     Về lai lịch nhân vật, yếu tố danh tính, gốc gác bản quán được nói rõ, trong đó nổi lên những chi tiết cụ thể về thành phần xã hội của những lớp cư dân Việt đầu tiên đến với vùng đất còn hoang vu.

     Phổ biến nhất là loại nhân vật nông dân, lưu dân. Chi tiết thành phần xã hội này thường được tô đậm trong phần mở đầu truyện kể, như: “…có một số nông dân ở Phú Yên vào Nam, trong đó có gia đình một nông dân nghèo có người con gái tên Rịa… Điểm dừng chân đầu tiên của nhóm lưu dân này về sau là vùng Mỹ Khê” (Bà Rịa 1); “… vợ chồng ông Đỗ Công Tường, lưu dân miền Trung vào Đồng Tháp Mười” (Địa danh Cao Lãnh 1)… Theo đó, đây là những truyện kể xuất hiện sớm hoặc là những sự kiện sớm nhất đã diễn ra được ghi nhớ, truyền tụng. Một số truyện chỉ thông tin nơi cư ngụ hay kể nhân vật là người địa phương, có thể do không nhắc đến gốc tích xa hơn hoặc do xuất hiện muộn hơn, như: “Tại Bàu Vú, có ông Lê Văn Từ, chuyên nghề vào rừng múc dầu rái bán độ nhật, võ nghệ cao cường, thường đón diệt cọp trừ hại cho dân” (Eo Ông Từ)…

     Liên quan thành phần nguồn gốc cư dân, về khái niệm lưu dân, theo tác giả Lưu Đức Dương, “Lưu trong từ Lưu dân chỉ sự lưu động, di động, đối lập với cố định, bản địa, dân trong từ Lưu dân chỉ nhân dân, người ở tầng lớp dưới đối lập với kẻ thống trị”. Hay có những cách giải thích khác: đó là những người bỏ quê quán, làng xã trôi nổi kiếm sống hoặc di cư vào năm đói kém, chiến tranh… Nói chung, với lịch sử lưu dân thì dù ở đất nước nào đều gắn liền với những thân phận bị bần cùng hóa, phải lưu lạc mưu sinh ở quê người. Với tiến trình lịch sử Nam Bộ, những lưu dân miền Băc, miền Trung đến đây vào thời kỳ đầu của công cuộc khai phá cũng là những người dân bần cùng, lưu tán, bước đường cùng phải tha hương. Và cũng không phải ai khác, trên chặng đường gần ba thế kỷ, các lưu dân đã làm nên một tiến trình khai phá vĩ đại, tiếp nối cha ông làm nên Đất nước.

     Cuộc chiến tranh khốc liệt giữa tập đoàn phong kiến Trịnh – Nguyễn ở miền Trung và miền Bắc đã tạo ra một làn sóng di cư của người dân vùng Thuận An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn… vào Đồng Nai, phủ Gia Định. Hình ảnh những đoàn di dân tự do bao gồm nhiều thành phần cư dân bấy giờ đã được các nhà nghiên cứu lịch sử miêu tả: “Những người xách gươm giáo, mang cuốc, mang cày, dẫn dắt trâu bò theo đường bộ hay tính chuyện buôn bán theo đường ghe, lần lượt rời bỏ quê hương để vào, trở thanh người dân chính thức của miền Nam. Đồng thời cũng rời bỏ cái nghèo cực xơ xác để trở thành những công dân của một miền trù phú vào bậc nhất mà chắc họ không ngờ tới”. Tiến trình ấy không phải chỉ diễn ra một sớm một chiều trong sự tưởng tượng thần kỳ hoặc sự ngẫu nhiên.

     Trong nhóm truyện, dấu ấn về nông dân, lưu dân đã được thể hiện đậm nét. Đây là ký ức về quá khứ còn in dấu trong tâm thức những con người ly hương, nhắc nhở hành trình gian khó trên bước đường mở đất phương Nam. Trong đó, các nhân vật được miêu tả với lai lịch và công trạng cụ thể, không đặt nặng về dòng họ, phả hệ. Hầu hết các truyện có sự hoà lẫn đối tượng được tôn vinh trong mối liên hệ với cộng đồng cư dân làng xã nói chung. Có thể do sự duy trì lai lịch dòng tộc không thuận lợi, bởi ở vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, dân cư xiêu tán đến mức có dòng họ đến “hai, ba đời còn phân tán, chưa định cư được”. Hay bởi những con người trong hoàn cảnh khai phá thuở trước thường hướng đến quan hệ cộng đồng làng xã rộng rãi hơn là bó hẹp trong dòng tộc, họ là những con người của cả thôn xóm cư dân với tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”.

     Bên cạnh đó là loại nhân vật có gốc tích dân tộc khác. Trong truyện Đồng Bà, tình huống sự xuất hiện của nhân vật chính được miêu tả như một sự kiện thực tế: về công cuộc khai phá vùng đảo, vua Lồi đã từng chịu thử thách và thất bại trước đó, mới đến bà Kim Giao ra khai khẩn đảo hoang thành công. Bản kể khác cũng cho thấy nhân vật thuộc dòng dõi hoàng tộc hoặc là người có tài lực của vương triều Chân Lạp bấy giờ.

     Đây là thành phần nhân vật gắn với đặc điểm lịch sử hình thành của cư dân Nam Bộ. Theo tư liệu, khi nước Phù Nam suy vong, văn hóa Óc Eo bắt đầu lụi tàn, các công trình “bị vùi lấp trong lòng đất, trên những vùng phèn mặn mênh mông”, thì “Chắc chắn người Khơ Me cũng có mặt rải rác ở nơi này, nơi khác nhất là trên vùng đất giồng ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng vùng đất này đã trở thành hoang vu”; hay “Điều chắc chắn là từ khi nền văn hoá Óc Eo biến mất vào cuối thế kỷ thứ VI thì vùng Nam bộ trở thành một vùng hoang vu hiểm trở”. Như vậy, theo dòng Mekong những người Khmer cổ đã đến vùng Nam Bộ bấy giờ vẫn còn hoang vu, trở thành một trong những thành phần cư dân bản địa, cũng đã tiến hành công việc khai khẩn từ sớm nhưng kết quả chưa có gì đáng kể. Mãi đến thế kỷ XVII, các lớp cư dân người Việt đặt chân đến đây và bắt đầu tiến hành công cuộc khẩn hoang một cách toàn diện. Nhân vật tiền hiền có gốc tích Chân Lạp trong truyện kể tạo nên một sắc thái đặc biệt, là hình ảnh khúc xạ từ hiện thực mang dáng dấp huyền thoại về ký ức xa xưa.

     Còn có loại nhân vật tăng sĩ. Cơ sở sự xuất hiện của nhân vật cũng liên quan thực tế lịch sử. Theo tư liệu, Phật giáo Đại thừa đã truyền vào Nam Bộ ngay trong những năm tháng đầu của công cuộc mở đất: “hình bóng vị Tăng sĩ có mặt rất sớm ở đất Nam Bộ, sớm hơn cả cuộc kinh lược của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào mùa Xuân năm 1698”. Vào thế kỷ XVI – XVII đã có một số chùa đầu tiên được xây dựng ở miền Đông Nam Bộ (như chùa Long Thiền ở Biên Hòa – Đồng Nai năm 1664), từ đây Phật giáo lan tỏa xuống các vùng lân cận như Sông Bé, Gia Định… Sách Gia Định thành thông chí đã ghi chép sự kiện, sự tích về việc lập am, cất chùa ở những vùng đất “linh sơn” như núi Thị Vãi, Chùa Bà Đen… Giải thích về sự thích ứng của nhân tố này ở vùng đất mới tính từ bước đi ban đầu của nó, tác giả Lê Ngọc Thuý đã nhận xét: “Phật giáo và Tăng sĩ chính là điểm tựa cho cuộc sống còn nhiều bấp bênh, bất trắc của người khai hoang giữa nơi hoang sơ, nhiều hiểm họa từ thiên nhiên, thời tiết…”.

     Về con đường hình thành truyện dân gian về các nhân vật tôn giáo, với tư tưởng nhập thế tích cực, về phía tăng sĩ, nổi lên những tấm gương hành thiện, thực hiện tối ưu tinh thần chánh pháp (được gọi là những “Hoạt Phật”), về phía cư dân, chủ thể tiếp nhận tôn giáo, đã nhìn thấy ở đó những tấm gương về sự hào hiệp, tinh thần vị nghĩa, nên đã nhắc nhở, truyền tụng những câu chuyện ngợi ca (thường có màu sắc thêu dệt ly kỳ).

     Về lai lịch tăng sĩ, một số truyện kể pháp danh thay cho tên thật, gắn với lời kể tương truyền về thời gian, địa điểm hoạt động, như: “Vào khoảng 1820, hoà thượng Nguyên Hòa đến vùng đất thuộc xã Định Yên, Lấp Vò…” (Lai lịch chùa An Phước).

     Ngoài ra còn có loại nhân vật là những quan nhân thực thi chức trách, công vụ của triều đình hay những người có quá trình tham gia nghĩa quân chống Pháp. Lai lịch, tình huống sự xuất hiện của các nhân vật quan nhân có phần giản lược, như: “Nguyễn Phước Vân theo lệnh chúa Nguyễn đánh dẹp quân Xiêm (…) về đến Vùng Gù (Tân An) (“xưa còn là đất Cao Miên”)” (Lai lịch sông Châu Phê); hay về Thoại Ngọc Hầu, nhân vật được nhắc đến là Châu Thị Tế (Vì sao đặt là kinh Vĩnh Tế). Với nhân vật có thành tích hoạt động chống Pháp, đây là những truyền thuyết xuất hiện muộn hơn, như: “…trong đoàn di dân này có ông Nguyễn Văn Trạch, một gia đình khá giả từng tham gia phong trào nghĩa quân” (Ngã ba Ông Trạch)…

     2.2 Trong các truyện kể, xung đột được thể hiện chủ yếu là giữa con người với thiên nhiên.

     Theo đó, công tích, hoạt động của các nhân vật được kể bao gồm việc quy dân khẩn hoang, cải tạo địa bàn, chống dịch bệnh, kiến thiết công trình….

     Tình tiết khẩn hoang, lập ấp xuất hiện trong hầu hết các truyện kể. Như với nhân vật Bà Rịa, sách Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca đã ghi công lao: “Làng Phước Liễu cảnh đẹp thay, Gốc xưa Bà Rịa dựng gầy tư cơ”. Truyện kể đã cụ thể hoá công tích quy dân khẩn hoang, như: “Sau nhiều năm cố gắng khai hoang, bà và thuộc hạ đã phá rừng thành một cánh đồng trồng lúa” (Bà Rịa 2)…

     Tình tiết khẩn hoang, lập ấp có sự thống nhất trong cách biểu đạt ý tưởng về hành trình đi tìm đất mới, cơ sở của nó mang tính nhân loại, là khát vọng ngàn đời của con người về nơi sinh tồn. Đất đai có giá trị lớn về mặt vật chất lẫn tinh thần, đối với các cư dân, vùng đất khai phá rất quý báu, thiêng liêng. Những đoàn người tha hương đi về phương Nam với một hành trình đầy gian nan, mục đích của họ là đi tìm đất mới. Với những con người cùng khổ, không chỗ nương thân ở mảnh đất quê nhà thì một “miền đất hứa” với ý nghĩa tâm thức là “một cuộc mưu tìm”, một lý tưởng và khát vọng lớn lao nhất của cuộc đời con người đã trở nên hết sức khẩn thiết, cháy bỏng. Hình ảnh những lưu dân với công cụ thô sơ là chiếc cày, rựa hay phảng tự chế, làm nên những “khoảnh ruộng giữa tư bề đất hoang” nơi vùng đất còn đầy thú dữ đã được tái hiện sống động trong nhiều truyện kể.

     Tình tiết này thống nhất trong truyền thuyết địa danh Khmer Nam Bộ, biểu hiện như: người dân từ nơi khác đến gò nổi dựng nhà cửa và tạo lập làng xã (Sự tích Vũng Thơm); hay gặp thiên nhiên khắc nghiệt họ chuyển đến vùng đất khác khai phá, “lúc đó có một ông tên Điếp không đi mà quyết định ở lại làm nhà, trồng cây” (Sự tích làng Tà Điếp)… Điều này cho thấy có điểm tương đồng trong sự nhận thức về điều kiện tự nhiên hoang sơ, khắc nghiệt, tuy nhiên, về các thủ lĩnh với vai trò tổ chức, ổn định cộng đồng trong truyện địa danh của người Việt có dấu ấn đậm nét hơn.

     Bên cạnh đó có sự xuất hiện tình tiết giao lưu, khắc họa khung cảnh sinh hoạt xã hội thời kỳ này. Cơ sở của nó là từ hiện thực quá trình cộng cư, khi các cư dân Khmer, Chăm, Việt, Hoa, lớp trước, lớp sau đặt chân đến vùng đất mới.

     Truyện Đồng Bà kể: “Bà Kim Giao mộ 100 người Việt, Khmer ra đảo”… Khi đặt chân lên lãnh địa còn hoang sơ, cùng với tài sản quý báu là đàn trâu của chủ nhân, những người Việt, Khmer đã cùng nhau tiến hành công cuộc khai hoang, vỡ ruộng và với những đường cày đầu tiên, chính họ đã trở thành cư dân “bản địa” của quốc đảo. Ở đây, nhân vật bà Kim Giao đóng vai trò nối kết những hoạt động, tạo nên thành quả cụ thể ở một cộng đồng nhỏ hẹp đồng thời mang ý nghĩa công tích lớn đối với sự phát triển của cộng đồng cư dân Nam Bộ, được ngợi ca, tôn vinh.

     Đáng chú ý, qua các bản kể về bà Rịa, bà Kim Giao (tỉnh Bà Rịa và đảo Phú Quốc), với những nhân vật đóng vai trò “tiền hiền” là phụ nữ, có thể là người Việt hay Khmer, phảng phất dáng dấp huyền thoại về các bà thần, mang đến sự sinh sôi, thịnh vượng cho đất đai, cư dân. Điều này cho thấy tục thờ Bà luôn có dấu ấn sâu đậm trong tâm thức người Việt và các cộng đồng cư dân, đặc biệt ở những vùng đất mới phương Nam xa xôi.

     Tình tiết đánh đuổi thú dữ, lực lượng gây hại xuất hiện trong nhiều truyện kể. Đây chính là hình ảnh thực tiễn về công cuộc cải tạo, chinh phục thiên nhiên ở Nam Bộ. Những người đi đầu trong công cuộc khai khẩn đóng vai trò tổ chức lao động và còn giúp dân diệt thú dữ. Họ đích thực là những con người “Nào đợi ai đòi ai bắt, Phen này xin ra sức đoạn kình” (Nguyễn Đình Chiểu), dũng cảm, quên mình, đối đầu với thế lực tự nhiên trực diện nhất. Đây là một phẩm chất đặc biệt của con người được tôi luyện trong hoàn cảnh đầy thử thách, làm nên những kỳ tích phi thường.

     Dạng thức thứ nhất là nhân vật đánh cọp, diệt sấu. Công việc tiêu diệt hay phòng chống thú dữ thường thực hiện cùng lúc với việc khẩn hoang, lập ấp (Lai lịch địa danh Định Yên, Rạch Ông Tú). Có truyện kể nhân vật chống trả, đối đầu với thú dữ gắn với hiện thực có phần dữ dội (Eo Ông Từ)… Đây chính là tình tiết chủ đạo hình thành nhóm truyện đánh cọp, diệt sấu có dấu ấn độc đáo ở vùng Nam Bộ, như nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định: “chuyện đánh cọp, giết sấu là một thể tài nổi bật nhất của loại hình tự sự dân gian trong buổi đầu khai phá vùng đất mới Gia Định”.

     Dạng thức thứ hai là nhân vật khống chế động vật, lực lượng gây hại. Trong truyện về tăng sĩ, quan niệm dùng đức cảm hóa hay dùng thần lực cứu giúp được chú trọng, như: có nhà sư đến cất am nhỏ tu niệm, tiếng kinh kệ đã xua đuổi thú dữ hoặc khiến chúng bớt hoành hành (Lai lịch chùa An Phước); hay “đến một hóc rừng làm mái che, thu phục âm binh” cho dân cư tụ tập (Hóc Ông Che)…

     Tinh thần hành đạo, giúp đời được thể hiện như một tinh thần chánh pháp của các nhân vật tăng sĩ không chỉ có ở truyền thuyết địa danh Nam Bộ, đồng hành cùng các lưu dân, những nơi vùng đất mới hoang sơ đã in dấu chân các tăng sĩ. Truyện dân gian Trung Bộ kể: “Tục truyền vị cao tăng này là người Tàu đã cùng người Việt vượt núi non hiểm trở vào miền Trung tìm đất lành sinh sống”, “lại hay đi tìm thế đất và yểm những tà khí ma quái cho nhân dân trong vùng” (Bàu Voi)…

    Đây cũng là những con người xả thân vì lợi ích cộng đồng. Ở đây có sự thống nhất trong tinh thần đạo pháp của tôn giáo và lý tưởng của những lưu dân trên bước đường khai sơn phá thạch.

     2.3 Phần chung cục thể hiện sự tạo lập các yếu tố văn hóa, gắn với dấu tích lưu lại là việc đặt tên địa danh

     Trước tiên là tình tiết lưu tên địa danh. Trong truyền thuyết, người dân đặt tên địa danh như một truyền thống thể hiện đạo lý tri ân. Trong nhóm truyện, có truyện gắn trực tiếp tên nhân vật là người có công khai dân lập ấp hay đánh đuổi thú dữ vào tên vùng đất (như truyện Bà Rịa: “Nhân dân kính cẩn thường gọi làng Bà Rịa”); hoặc đưa vào những tên gọi cảnh quan xung quanh như eo, giồng đất, con rạch, ngã ba đường… (như Eo Ông Từ, Giồng Ông Ngộ, Rạch ông Tú…). Tất cả đều mang ý tưởng tôn vinh người có công với cộng đồng. Liên hệ với truyện địa danh Khmer Nam Bộ, kết thúc truyện, có nhân vật để lại tên trên địa danh nhưng không có sự kiện bi thiết, gây ấn tượng đậm như một số truyện người Việt. Ở đây những ai dũng cảm, hào hiệp, xả thân vì nghĩa đều được ghi nhớ, tôn vinh như những người anh hùng. Họ không cao xa, kỳ bí như những tượng thần trong điện thờ mà dung dị, gần gũi, được nhắc nhở ngay trong những tên gọi đất đai, làng xóm quen thuộc hàng ngày của người dân, tạo nên một tinh thần thực tiễn sâu đậm trong truyền thuyết địa danh Nam Bộ.

     Việc đặt tên địa danh kết thúc với một số dạng thức chung như: “Con rạch về sau được đặt tên là…” (Rạch Tham Tướng); “Đập được gọi là…” (Đập Ông Chưởng); “Người dân đặt tên làng ghép với chữ…” (Lai lịch địa danh Định Yên)…

     Việc đặt tên địa danh cũng thường gắn liền với chuỗi sự kiện tiếp theo như lập mộ bia, xây tháp, dựng đền miếu… có ý nghĩa ghi ân, tôn vinh, bất tử hóa công tích của những bậc tiền hiền trong công cuộc khẩn hoang lập ấp. Tình tiết này được biểu hiện với những ý niệm sâu xa: bia mộ lưu danh thiên cổ; tháp cao ghi công đức muôn trượng; đền miếu là chỗ ngự của thần thánh, nơi cất mình vào cõi linh thiêng… Truyện Giồng Ông Ngộ kể: “Dân làng xây tháp kỷ niệm ông”, “khu vực do ông điều khiển khai hoang mãi đến nay dân chúng còn gọi là Giồng Ông Ngộ”…

     Tình tiết tôn tiền hiền, phúc thần, tổ… cũng có mối liên hệ với việc thờ tự và đặt tên địa danh, nhìn chung đều có ý nghĩa ca tụng các bậc tiền nhân với công tích tạo lập, ổn định làng xã. Việc tôn xưng nhân vật cũng là cách ghi công tưởng niệm. Như: “Người đời sau tôn ông làm tiền hiền làng Mỹ Trà, dựng bia ghi công đức”, “con rạch mang tên Ông Tú ngày nay vẫn còn” (Rạch Ông Tú)… Việc thờ tự chứa đựng ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện quan niệm ứng xử và đạo lý tri ân. Đây là khía cạnh văn hoá tâm linh dân gian, có tác động trực tiếp đối với đời sống văn hóa cộng đồng.

3. Về biến thể thể loại và sự liên hệ nhóm truyện cùng loại

     3.1

     Truyền thuyết địa danh nói chung có mặt phổ biến ở khắp vùng miền, các dân tộc ở Việt Nam nói riêng, bởi đây là nhu cầu nhận thức của mỗi cộng đồng về địa bàn sinh tụ. Những tên gọi địa danh (tên đất, tên làng xóm, tên sông núi…) mang ý nghĩa là thiên nhiên văn hóa, in dấu một phần bóng dáng cuộc đời con người, chứa đựng những nhận thức, tình cảm sâu sắc. Tuy nhiên, truyền thuyết địa danh mỗi đất nước, vùng miền có những đặc thù riêng. Nhóm truyền thuyết địa danh Nam Bộ mang những dấu ấn về con người, lịch sử, văn hóa, xã hội của vùng Nam Bộ.

     Trong nhóm truyền thuyết, có những truyện gắn trực tiếp tên nhân vật với tên gọi địa điểm, tức có phần chủ định nói đến nhân vật lịch sử, bên cạnh đó, có hình thức giải thích địa danh như một cảm hứng thiên về cảnh quan, sự vật, thực tế cũng có khuynh hướng kể về con người lịch sử, nhắc nhở công lao những bậc tiền nhân trong buổi đầu khẩn hoang, lập ấp, ổn định cộng đồng dân cư (như Bà Rịa, Về địa danh Cao Lãnh, Kinh Vĩnh Tế…). Chính những “bước đi” thực tế này của quá khứ đã góp phần định hình nên lịch sử khai phá đất phương Nam. Ý nghĩa này thể hiện đặc điểm có tính truyền thống của thể loại, nói như tác giả Nguyễn Bích Hà: “Lịch sử địa danh chính là lịch sử của làng của nước chắt lọc qua tình cảm của nhân dân”.

     Theo đó, thử xét mối liên hệ giữa các biến thể dưới cấp thể loại của truyền thuyết trên cơ sở nhóm truyện. Với truyện địa danh về đời sống xã hội, lịch sử thì mục đích sâu xa là ghi nhớ về con người. Những tên gọi địa danh thường gắn với tên người hay dấu tích về người có công khẩn hoang, lập ấp với ý nghĩa ngợi ca, tôn vinh. Do đó, một số truyền thuyết địa danh đã bước sang ranh giới truyền thuyết lịch sử. Hay nói cách khác, truyền thuyết lịch sử đa phần đã lẫn vào truyền thuyết địa danh, do chỗ giao thoa giữa hai loại truyện với yếu tố địa danh là dấu hiệu chung. Qua đó cũng cho thấy sức sống của bộ phận truyền thuyết lịch sử nói riêng trong mạch cảm hứng sáng tạo của thể loại. Điều này có khác với truyền thuyết địa danh Khmer Nam Bộ, do chỉ đơn thuần chú trọng việc giải thích tên gọi địa điểm nên hầu như vắng bóng truyền thuyết lịch sử (có truyện kể nhắc đến gốc tích liên quan nhân vật nhưng dấu ấn còn rất mờ nhạt).

     Tuy nhiên, dù là truyện kể được ghi chép từ nguồn ký ức dân gian, đã mang sinh lực của đời sống nhưng ở mảng truyện được đề cập, không ít truyện kể chưa đạt đến sự hoàn chỉnh về thể loại, còn thiên về ghi chép sự kiện lịch sử, chưa đủ độ lắng để tạo nên những “âm vang của đất” về con người, sự kiện.

     3.2 Truyền thuyết địa danh khu vực phía Bắc không nổi rõ chủ đề khẩn hoang, lập ấp

     Trong khi ở chủ đề lịch sử, tư duy thần thoại hòa lẫn tư duy lịch sử kết tinh trong hình tượng người anh hùng chống ngoại xâm lại được thể hiện với dấu ấn rất đậm nét (tiêu biểu như truyện Phù Đổng Thiên Vương, Cánh đồng Ao Voi…). Trong Truyền thuyết Việt Nam, ở mục truyền thuyết về tổ nghề, truyện về Triệu Cơ – tổ khai canh, người khai sáng nghề cày cấy cho dân làng, mới là một danh hiệu tôn xưng không phải con người thật, còn lại vắng bóng mảng truyện về chủ đề này (truyện về các nhân vật tiền hiền chưa được sưu tầm, hệ thống hóa đầy đủ hoặc thường lẫn trong những thần tích, gắn với hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng địa phương).

     Trong truyền thuyết địa danh Trung Bộ chủ đề khẩn hoang, lập ấp, thành tích tạo lập nên địa bàn sinh cơ của con người nơi đây được hình tượng hoá trên những cách thức nghệ thuật khác nhau. Trong đó, chất liệu thực tế được nhào nặn theo tư duy thần thoại có phần chiếm ưu thế. Như ở truyện Sự tích núi Thạch Bồ, Sự tích Lò Thung hay Sông Tiên, thác Bồ và bãi Vàng, nhân vật người anh hùng khai phá được nhận ra là “có gốc gác thần linh Đại Việt”, với vóc dáng khổng lồ, sức mạnh khơi sông, bạt núi (như cách nói hình tượng về truyện địa danh ở đồng bằng sông Hồng: “Những nhân vật đào sông xây núi trong thần thoại vẫn làm tiếp công việc của mình”). Đặc biệt, có truyện Sự tích đất Gò Nổi giải thích địa danh theo tư duy hiện thực lịch sử. Nhân vật là con người cụ thể: ông Lê Văn Đạo, người đầu tiên đến vùng đất gò định cư, vỡ đất, lập làng (truyện Nguồn gốc Như Lệ chỉ kể chung: “người có công khai khẩn vùng đất là con cháu dòng dõi nhà Lê”). Tuy số lượng ít ỏi nhưng tính chất kỳ ảo lại có dấu ấn đặc biệt: con chim màu đỏ như đốm sáng hiện ra trước mũi thuyền dẫn đường đến vùng đất mới là một hình ảnh độc đáo. Có thể giữa khung cảnh biển trời bao la, núi non trùng điệp, con người có phần bay bổng trong trí tưởng tượng thần kỳ (mặc dù theo đánh giá chung “thần thoại, truyền thuyết vùng đất Quảng ít có yếu tố thần kỳ, hoang đường, mà trái lại mang nhiều nét hiện thực”). Sâu xa hơn, theo tâm thức văn hóa chung, chim là biểu tượng của thiên gian, biểu trưng thái độ thân hữu của thần linh đối với con người, sự xuất hiện của nó như một thông điệp của trời, sự dẫn dắt đến nơi của sự sống, sự yên bình. Hình ảnh con chim lạ với hạt giống mầu nhiệm đã từng xuất hiện trong truyền thuyết Mai An Tiêm thuở xưa, đến nay như có sự nối tiếp trong hình ảnh con chim sắc đỏ đưa đường chỉ lối hậu nhân đến bến bờ sự sống. Đây là biểu tượng của ý chí và khát vọng cháy bỏng của con người trong hoàn cảnh gian nan, khi phía trước còn mờ mịt. Ở đây nhân vật tiên phong của vùng đất nơi con người đang ra sức lao động, vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt tìm đất sống đã được gửi gấm việc thực thi sứ mệnh dẫn dắt, mang hình bóng tiền hiền của cư dân một vùng quê đất Quảng. Hiện thực cụ thể có pha màu sắc thần kỳ, đưa đến chiều sâu của sự tôn vinh, ngợi ca.

     3.3

     Nhóm truyền thuyết địa danh Nam Bộ hình thành trên cơ sở thực tiễn quá trình khai khẩn đất đai và tạo lập xóm ấp, mang đậm yếu tố hiện thực, những công tích cụ thể trở thành nội dung ghi nhớ và truyền tụng. Yếu tố thần kỳ, tức tính chất hoang đường hoặc kỳ diệu, huyền ảo nhìn chung khá mờ nhạt. Tuy nhiên, đã có một số chi tiết thần kỳ nói về khả năng phi thường của nhân vật, tạo dấu ấn trong nhóm truyền thuyết về khẩn hoang, như sư Phan Văn Ao có biệt tài “đi trên mặt nước, lướt trên cỏ, làm phép đuổi thú dữ” (Sự tích chùa Giồng Ao) tạo sự ly kỳ song có phần là ý niệm tôn giáo; hay chi tiết “đèn trời” mang ý nghĩa điềm báo, tô điểm màu sắc cho câu chuyện (Kinh Ông Hóng)…

     Về phương diện xã hội, các truyện kể địa danh cho thấy các cư dân Việt và Khmer đã cùng “giải thích” lý do sự tồn tại của mình trên vùng đất trong chiều hướng hòa hợp, bởi lớp trước hay sau họ đều là những con người mang theo khát vọng mưu sinh, một nhu cầu mang tính nhân bản. Sự tiếp xúc giữa các nhóm cư dân diễn ra nơi vùng đất trong giai đoạn khai phá muộn còn sơ khai, hoang hoá, chưa đủ yếu tố xác lập chủ quyền. Hơn nữa, nơi vùng đất mới nhiều hiểm nguy, thử thách, việc con người cần phải nương dựa vào nhau để sinh tồn có ý nghĩa cấp thiết nhất (truyện Khmer kể: “để định cư lâu dài, vợ chồng ông đã cùng với những tộc người chung quanh ra sức khai phá, đốn cây, vỡ đất” (Sự tích đền chùa Bassac)…).

     Về ứng xử cộng đồng, trong các truyện kể hiện lên những con người với phẩm chất, nghĩa cử cao đẹp. Những người có uy tín trong cộng đồng hành động với thiện tâm, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì đồng bào (Địa danh Cao Lãnh 2). Các nhân vật “thủ lĩnh cộng đồng” có tấm lòng thuần phác, nhân hậu, cả với loài vật đã cùng gắn bó trong lúc gian lao, một bài học ứng xử đầy tính nhân văn (Đồng Bà). Các vị tăng sĩ nêu tấm gương hành đạo vì chúng sinh: Tăng Ngộ lập chùa Tôn Thạnh, cầu kinh mật niệm giúp đồng bào thoát cơn bệnh dịch (Giồng Ông Ngộ)… Có ý tưởng thống nhất, truyện Sự tích đền chùa Bassac kể: “Với đức độ và tài năng của mình ông đã thành công trong việc thu phục nhân tâm”…

4. Kết luận

     Trên tổng thể, nhóm truyền thuyết địa danh ở Nam Bộ đã phản ánh quá trình thích nghi, hòa hợp, cải tạo thiên nhiên và đấu tranh xã hội của cư dân một vùng đất mới. Đây là sản phẩm tinh thần của nhân dân được kết tinh, chắt lọc từ thực tại nơi vùng đất cuối phương Nam trong hành trình mở đất. Những mặt liên hệ của các nhóm truyền thuyết địa danh cho thấy những nét tương đồng của mảng đề tài về khẩn hoang, lập ấp và sự tiếp nối tiến trình của một thể loại truyện dân gian ở vùng đất mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Châu Đạt Quan, Chân Lạp phong thổ ký, Lê Hương dịch, S., 1973.

    2. Chu Xuân Diên (chủ biên), Văn học dân gian Sóc Trăng, Khoa Ngữ văn và Báo chí Đại học KHXH& NV TP.HCM, NXB TP.HCM, 2002.

     3. Hồ Quốc Hùng, Về nhóm truyền thuyết khẩn hoang ở một vùng đất mới, Tạp chí Văn học số 4, 1998.

     4. Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nghìn năm bia miệng, NXB TP.HCM, 1993.

     5. Huỳnh Ngọc Trảng, Văn học dân gian Sài Gòn – Gia Định, trong Trần Văn Giàu, Trần Bạch.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ
Phần C: Khoa học Xã hội, Nhân văn và Giáo dục: 25 (2013): 52-60

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đặc điểm nhóm truyền thuyết địa danh ở vùng đất mới
(Tác giả: Lê Thị Diệu Hà)