ĐẶC TÍNH CỦA LOẠI HỌC ĐƯỜNG MỚI
NGUYỄN MẠNH HÙNG
(Phó Giáo sư, tiến sĩ)
TÓM TẮT
Khoa học ngày càng tiến bộ trong không – thời – gian luôn đổi mới để phục vụ nhu cầu bức thiết của con người. Học đường là cái nôi sinh ra nhân tài phục vụ hướng phát triển đó. Hơn hai ngàn năm trước, từ Đông sang Tây người ta luôn nghĩ đến việc giáo dục đào tạo con người; nhiều học thuyết về giáo dục mà các nhà cải cách đều tập chú vào phương pháp giảng dạy, tư duy sáng tạo thích ứng cho từng cộng đồng để từ đó sinh ra các phát minh hữu ích cho xã hội.
ABSTRACT
Science has made great progress in space and time. It has always improved itself to serve human pressing demand. Academic environment is the cradle to generate talents to serve that development trend. From over two thousands years ago, from the East to the West, human have always thought of the human education; There were a lot of doctrines of education in which the renovators have focused on the teaching methods, creative thinking to meet each community, accordingly inventing useful discoveries for the society.
x
x x
Gần đây – Những người hoạt động trong ngành giáo dục – đã quan tâm đến một học đường mới nhằm thay đổi phương pháp giảng dạy và học tập mang tính linh hoạt – từ chối loại đào tạo mang tính từ chương (học thuộc lòng theo kinh sách…) nhằm xây dựng một nền giáo dục mới phá bỏ các loại cấu trúc “kín cổng cao tường” như các tu viện, các nhà kín…
Nền giáo dục cổ điển đã bộc lộ khuyết điểm – những nhà sư phạm đã suy tư đến một lộ trình giáo dục khác. Đó là những năm 1922, Adolphe Ferrière để đưa ra một quan niệm mới qua quyển sách tựa đề “học đường linh hoạt” (école active) gồm 2 tập, hay còn có cách gọi khác học đường mới (école nouvelle) hay giáo dục mới (éducation nouvelle).

Thật ra khái niệm này không có gì mới về mặt phương pháp vì nó vẫn duy trì lối quy nạp, suy luận và trực giác. Nhưng điều mới là người học không còn phải chỉ là người ngồi nghe như thính giả ở giáo đường hay hí viện, hay người giữ vị trí khách quan như người ngồi nghe phán quyết của quan toà.
Điều mới này xây dựng trên 3 nguyên tắc:
– Một là gợi sự hứng thú trong học tập bằng cách khảo sát thực tế để phát hiện chân lý.
– Hai là gợi ý sáng tạo tìm tòi cái mới.
– Ba là thúc đẩy tính tự học để nâng cao kiến thức ngoài kiến thức truyền đạt của thầy.
Các đặc tính nêu trên những nhà cải cách cho rằng sẽ rèn luyện cho người học sau này dù một mình ngồi một nơi mà cũng có thể vận động suy nghĩ, khảo sát và xét đoán những việc xảy ra nơi khác, hoàn cảnh khác. Dù nằm trong chốn thảo lư, Gia Cát cũng đã thấy bức tranh xã hội Trung hoa thời đó – tất phải có thế cân bằng chân vạc để cân đối nền tảng chính trị – tức là phải có 3 nhà chính trị cai trị đất nước.
Đối với trẻ, nhà sư phạm phân biệt được lúc nào cần hoạt động chân tay hay hoạt động trí não hoặc lúc nào cần được tự do. Aldolphe Ferrière cho rằng: sự sinh trưởng tinh thần của trẻ con tiến tới nhanh chóng mà không theo nhịp độ tiệm tiến. Ông phân chia ra các thời kỳ tâm lý:
1. Theo cảm giác (tuổi từ sơ sinh đến 6).
2. Theo mô phỏng (từ 7 đến 12).
3. Theo trực giác (13-18).
4. Cần suy nghĩ và phán đoán (19-24).
Tuy nhiên, tuỳ trình độ thông minh, tuỳ môi trường hoàn cảnh xã hội và ở lứa tuổi trước 18 cần hoạt động thể chất, đến khi lớn hơn cần hoạt động tinh thần. August Comte cũng nêu lên khái niệm về “tam biến luận” tức là trải qua 3 trạng thái như sau:
1. Thần thoại (état théologique) tức tưởng tượng ra các vật dụng đều có tính tình và cử chỉ như con người. Do đó khi vấp phải đồ vật trẻ nhỏ dễ tức giận vì cho rằng chính đã bị bàn ghế xô đẩy, va chạm.
2. Siêu hình (état métaphysique) tương tự như trạng thái người Âu Châu trong thời kỳ trung cổ. Họ cho rằng tạo hoá sợ hãi những chỗ trống không… như cho rằng mặt trăng là chiếc gương soi của trời đất.
3. Thực nghiệm (état positif) – bắt đầu nhận định được tạo vật bằng lý trí.

Tuy nhiên vào thời điểm này các triết gia cho rằng “trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ (un homme en raccouri)”, nghĩa là tâm lý trẻ khác hẳn tâm lý người lớn. Cũng vào thời điểm đó, một số nhà kỹ nghệ có cả nhà sư phạm Kerschensteiner khuyến nghị là nên đưa ra phương pháp hoạt động để rèn luyện cho trẻ làm quen với công việc chuyên môn. Chính J.J. Rouseau cũng muốn cho trẻ học nghề. Quan niệm này bị tác giả của “học đường linh hoạt” cho là sai lầm vì “hoạt động kinh tế không thể lấn át tinh thần và hoạt động chân tay không thể lấn át trí tuệ” (l’activité économique ne primera jamais , l’activité de l’esprit, ni celle des mains celle de l’intelligence).
Do đó, những nhà sư phạm vào giai đoạn những năm 30 đã khoanh vùng “hoạt động” trong một phạm vi nhất định nhằm giúp cho trẻ “khởi động” để mở mang trí tuệ và các khả năng tâm lý còn tiềm ẩn mà không hề thúc đẩy nó tiến xa hơn vào thế giới thực tế để biến học đường thành nhà máy sản xuất.

Bên cạnh đó, nhà sư phạm Plaget phân ra hai phương pháp:
Một là “cá tính hoá” nền học vấn – nghĩa là rèn luyện cá tính của từng trẻ. Để mở ra phương pháp này, các nhà sư phạm phân loại hoc sinh ra từng nhóm để khai thác tính tập đoàn trong đó mỗi cá nhân có thể phát huy bản lĩnh của mình.
Hai là xã hội hoá nền học vấn nhằm đưa ra phương pháp dạy cho học sinh chung sống với các người khác để chuẩn bị ra đời sau này hầu hoà nhập được với xã hội mà chúng đang sống đồng thời qua sự phân nhóm sẽ tạo cho chúng bản năng sinh tồn và thích nghi trong đoàn thể.
Hai phương pháp trên – nếu nhìn vào lớp vỏ bề ngoài ta có thể nghĩ rằng nó mâu thuẫn nhau như phát huy ngược lại do nó đã phát huy được cả 2 mặt: phát huy cá tính của từng người và phát huy tính đoàn kết trong cộng đồng.
Đi sâu vào 2 phương pháp này, chúng ta còn nhiều thời gian để tìm hiểu thêm sau này – Thiết tưởng, ngày nay trong hoàn cảnh xã hội chúng ta, hội nhập W.T.O thúc đẩy nền kinh tế thị trường việc truy tìm lại lịch sử không phải là không đóng góp vào lộ trình tiến hoá của nền giáo dục nhân loại nói chung và VN nói riêng.