Về công tác sưu tầm, giới thiệu thư tịch lá buông tại trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận
Tác giả bài viết: BÁ MINH TRUYỀN
(Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận)
TÓM TẮT
Hầu hết thư tịch cổ của người Chăm đều được chép tay và gắn với văn hoá truyền thống của người Chăm. Từ khi thành lập (1993) đến nay, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận luôn chú trọng đến việc sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị mảng tư liệu này, đặc biệt là các thư tịch cổ của người Chăm viết trên lá buông.
Từ khóa: thư tịch chữ Chăm; thư tịch lá buông; văn hoá Chăm; người Chăm; Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận.
ABSTRACT
Most Cham documents are hand writing and attached with the traditional culture of Cham people. From its establishment (1993), The Centre for Cham Culture Research in Ninh Thuận province always pays attention to the collection, preservation, research and promotion of these documents, especially leaf documents.
Key words: Cham writing documents; leaf documents; Cham culture; Cham people; The Centre for Cham Culture Research in Ninh Thuận province.
x
x x
1. Vài nét về công tác sưu tầm thư tịch cổ của người Chăm
Từ năm 1969, Trung tâm Văn hoá Chàm được thành lập ở Ninh Thuận, do một người Pháp là Gérard Moussay điều hành. Trong 6 năm hoạt động (1969 – 1975), Trung tâm này đã vận động được nhiều tri thức người Chăm đến cộng tác, nhằm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá Chăm và Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Trung tâm đã tiến hành sưu tầm được nhiều văn bản chữ Chăm chép tay đang lưu hành ở các làng và xuất bản thành sách, trong đó có một số ấn phẩm khá nổi tiếng, như Khảo lục nguyên cảo Chàm, các Akayet, truyện cổ tích, tài liệu học tiếng Chăm và Từ điển Chàm – Việt – Pháp.
Trong khoảng từ năm 1966 – 1970, Viện Khảo cổ Sài Gòn, cũng đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, thống kê về di tích, hiện vật gắn với văn hoá của người Chăm, Raglai, Kơho và Churu ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Trong đó, có sưu tầm được một số văn bản chữ Chăm chép tay gắn với văn chương, lịch sử các triều vua Panduranga. Nhiều văn bản chữ Chăm do Viện Khảo cổ Sài Gòn sưu tầm, đã được ông Lưu Quý Tân dịch sang tiếng Việt và công bố trên một số tạp chí, như Khảo cổ tạp san, Phổ thông, Văn hoá Nguyệt san, Phát triển sắc tộc và Nội san Panrang…
Trong khoảng những năm 1994 – 2001, tiến sĩ Thành Phần (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, thống kê, sưu tầm thư tịch cổ của người Chăm ở Ninh Thuận. Ông đã photocopy được trên 500 tập sách chữ Chăm, với khoảng 10.000 trang viết tay1. Trong số tư liệu này, đã có khoảng 100 tập văn bản được lựa chọn để dịch các đầu mục và in thành cuốn sách Danh mục thư tịch Chăm ở Việt Nam.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận được thành lập vào ngày 19/01/1993 theo Quyết định số 126QĐ/UB-NT. Qua hơn 22 năm hoạt động, Trung tâm đã sưu tầm được 52 văn bản chữ Chăm chép tay, với 2842 trang. Ngoài ra, Trung tâm còn tiến hành sao, chụp microfilm tư liệu viết tay của 17 cá nhân ở các làng Chăm trong tỉnh Ninh Thuận được 281 cuộn phim, với 8662 trang văn bản2. Tuy nhiên, những tư liệu viết tay của người Chăm đã được sưu tầm mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số thư tịch của người Chăm còn lưu truyền trong dân gian.
Hiện nay, các thư tịch chữ Chăm chép tay đang lưu trữ tại Trung tâm đã được bồi nền và số hoá. Những thư tịch đã được bồi nền có thể bảo quản tốt trong vòng 100 năm; riêng thư tịch số hoá thì có thể lưu trữ với thời gian dài hơn. Trong điều kiện hiện nay, những thư tịch chữ Chăm viết tay tại Trung tâm mới chỉ được dịch đầu mục, việc phiên dịch toàn văn ra tiếng Việt chưa có điều kiện để tiến hành.
Về thư tịch chữ Chăm viết trên lá buông*: Theo lời kể của ông Lâm Gia Tịnh, ông Gérard Moussay có sưu tầm được 14 bộ kinh viết trên lá buông ở Bình Thuận (do ông Bố Thuận chuyển giao) mang về Trung tâm Văn hoá Chàm ở Phan Rang lưu trữ. Số kinh này vốn được ông Bố Thuận sưu tầm ở tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế3. Từ sau năm 1975, tức là từ khi chính quyền cách mạng tiếp quản Trung tâm Văn hoá Chàm đến nay, không ai biết những bộ kinh đó hiện ở đâu và ghi nội dung gì? Được biết, khi còn cộng tác với Trung tâm Văn hoá Chàm, ông Lâm Gia Tịnh có đọc và dịch nội dung các bộ kinh lá buông nêu trên để bộ phận chuyên môn chép ra giấy, nhưng hiện nay, tư liệu này cũng đã thất lạc?
Trong các năm 1997, 1998 và 2000, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận đã sưu tầm được 12 quyển thư tịch cổ chữ Chăm viết trên lá buông, với số lượng 749 trang4. Những bộ kinh lá buông này vốn được sử dụng khi thực hành các nghi lễ tôn giáo trên đền tháp của Po Adhia Hải Quý ở thôn Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân, Po Bac Lưu Thiết ở thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân và của ông Thành Ngọc Sẻ ở thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận5.
Theo Po Adhia Hải Quý, số thư tịch lá buông này đã được sử dụng qua 3 đời Po Dhia trụ trì ngôi đền Po Inâ Nâgar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước – Từ đời Po Adhia Nguyễn Thanh đến Po Adhia Lâm Ai và truyền lại cho Po Adhia Hải Quý. Có lẽ, những bộ kinh lá buông mà Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận sưu tầm đã tồn tại khoảng 200 – 300 năm.
Thư tịch chữ Chăm viết trên lá buông, thường được khoét lỗ tròn nhỏ ở hai đầu để xâu dây, kết lại thành quyển. Ở ngoài bìa, dùng thanh gỗ kẹp lại và quấn dây chỉ ở hai đầu. Chữ Chăm được viết trên 2 mặt lá buông bằng ngòi bút làm từ kim loại. Nội dung của thư tịch lá buông thường đề cập đến Kinh Sáng thế kí, các nghi thức hành lễ Thánh tẩy đất đai, cách tính lịch pháp, xem ngày giờ tốt xấu, nghi lễ dựng Kut và đền tháp, các bài kinh khấn trừ tà ma, thiên văn học, giải thích hiện tượng nhật thực và nguyệt thực6…
Hiện nay, các quyển thư tịch lá buông tại Trung tâm đã được tu bổ, bồi nền, vệ sinh, khử côn trùng, số hoá và dịch đầu mục. Do phần lớn thư tịch lá buông thường gắn với nghi thức hành lễ tôn giáo, nên việc khai thác và phát huy giá trị loại thư tịch này cần có chuyên gia và kinh phí, đặc biệt, là sự cộng tác của các chức sắc Po Adhia, Po Basaih, nhân sĩ người Chăm và các nhà khoa học…
2. Phương hướng sưu tầm, nghiên cứu, bảo quản, giới thiệu thư tịch lá buông của người Chăm
2.1. Phương hướng sưu tầm, nghiên cứu
Thông thường, thư tịch lá buông tại Ninh Thuận là tài sản thuộc sở hữu chung của chức sắc Po Adhia trụ trì các đền tháp Po Inâ Nâgar, Po Romé và Po Klaong Giray. Mỗi vị Po Adhia trụ trì đền tháp thường quản lý và lưu trữ một bộ kinh lá buông. Đây là tài sản thiêng liêng, gắn với tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Theo đó, công việc sưu tầm nguồn thư tịch này luôn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, số lượng thư tịch viết trên lá buông còn lưu hành trong dân gian không nhiều. Vì vậy, khi có thông tin cá nhân có nhu cầu chuyển nhượng, thì Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận sẽ cử bộ phận nghiệp vụ đến thoả thuận và đưa về Trung tâm lưu trữ, lập hồ sơ lý lịch hiện vật, rồi tiến hành vệ sinh, xử lý côn trùng gây hại và số hoá, sau đó, tổ chức trưng bày, giới thiệu rộng rãi cho khách đến tham quan…
Trước mắt, Trung tâm vẫn duy trì phương hướng sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị như trên. Khi điều kiện kinh phí cho phép hoặc tìm được nguồn tài trợ thông qua các chương trình hợp tác văn hoá với các tổ chức, cơ quan liên ngành, Trung tâm sẽ tiến hành phiên dịch nội dung và công bố, xuất bản thành sách. Trên thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá Chăm khai thác nguồn văn bản chép tay, nhưng chưa có công trình nghiên cứu nào tập trung khai thác nguồn thư tịch được viết trên chất liệu lá buông. Đây là một hạn chế trong nghiên cứu lịch sử – văn hoá của người Chăm cần sớm được bổ sung.
Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận còn mở các chuyên đề trưng bày lưu động và trưng bày cố định về thư tịch cổ của người Chăm, nhằm phục vụ cho nhân dân trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị thư tịch chữ Chăm nói riêng và di sản văn hoá của tộc người Chăm nói chung.
2.2. Phương hướng bảo quản, giới thiệu
Hiện nay, hầu hết thư tịch chép tay của người Chăm có độ tuổi đã trên 100 năm, được viết trên nhiều loại chất liệu, như giấy dó, giấy xi-măng, vải và lá buông. Đó là những chất liệu rất dễ bị cháy, rách, côn trùng phá huỷ, dễ bị dây bẩn, ẩm ướt, khiến cho nét chữ bị mờ hoặc bị nhoè, rất khó đọc. Cách thức bảo quản của người dân rất đơn giản, thường chỉ đựng sách trong giỏ Ciét hoặc bằng túi vải treo lên chỗ cao ráo, thoáng mát, nên khó tránh khỏi hư hại do tác động của môi trường, khí hậu và côn trùng… Kể cả nguồn thư tịch sưu tầm trong dân gian được đưa về lưu trữ tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận cũng khó tránh khỏi những tác nhân gây hại nêu trên.
Để nâng cao chất lượng bảo quản thư tịch chữ Chăm, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II ở thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Bộ Nội vụ tiến hành bảo quản, bồi nền theo Đề án “Sưu tầm tài liệu quý, hiếm trong và ngoài nước”. Trong năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã xử lý, bảo quản 62 cuốn thư tịch cổ chữ Chăm, gồm: 30 cuốn viết trên giấy dó (1.770 trang), 12 cuốn viết trên lá buông (746 trang) và 20 cuốn viết trên giấy bao bì xi-măng (1.050 trang). Ngoài ra, còn phối hợp xử lý, bảo quản 281 cuộn microfilm chụp thư tịch7.
Việc hợp tác trong bảo tồn thư tịch cổ là một bước đi mới của Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận, đã khắc phục được một số hạn chế của Trung tâm trước đây về kinh nghiệm, kỹ thuật bảo quản và kinh phí đầu tư. Theo tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương – Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, với kỹ thuật cao, việc tu bổ, phục hồi, bồi nền và số hóa toàn bộ số lượng thư tịch cổ chữ Chăm không chỉ giúp phục hồi nội dung, mà còn giúp bảo quản tốt thư tịch cổ, tránh được sự xâm hại của môi trường hàng trăm năm8.
Trong tương lai, Trung tâm sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác với các cơ quan, đơn vị, tìm nguồn tài trợ để bồi nền, số hoá các thư tịch đã sưu tầm được, đặc biệt là nguồn thư tịch lá buông; cử cán bộ tham gia các khoá học, tập huấn chuyên đề sưu tầm, bảo quản thư tịch cổ để nâng cao trình độ tay nghề và đẩy mạnh việc ứng dụng kỹ thuật bảo quản, lưu trữ hiện đại.
Đối với công tác giới thiệu, quảng bá giá trị của thư tịch cổ, Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận đã dành một không gian riêng để trưng bày cố định. Các văn bản chép tay của người Chăm đều được đặt trong tủ kính trang trọng, có đèn chiếu sáng. Khách tham quan có thể tận mắt xem chữ viết của người Chăm, màu mực và chất liệu dùng để viết chữ… Ngoài ra, Trung tâm còn mở rộng liên kết, phối hợp trưng bày lưu động ở ngoài tỉnh. Cuối tháng 7 năm 2015, Trung tâm đã phối hợp với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày chuyên đề “Văn bản Chăm xưa và nay” trong vòng 3 tháng. Trong tương lai, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các dự án sưu tầm, bảo quản, trưng bày, giới thiệu thư tịch viết tay của người Chăm ở trong và ngoài nước.
Thay lời kết
Thư tịch chữ Chăm viết trên lá buông là một loại tư liệu quý hiếm, gắn với văn hoá truyền thống của người Chăm, vốn được những chức sắc người Chăm Ahier lưu giữ để thực hành nghi thức tôn giáo trên các đền tháp ở Nam Trung Bộ. Các bộ kinh lá buông thường được viết bằng chữ Chăm trên 2 mặt, đôi khi viết chèn vài kí tự Sanskrit. Trung bình mỗi mặt lá buông thường viết từ 2 đến 5 dòng chữ Chăm.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận đã được một số cá nhân, gia đình chuyển giao một số thư tịch viết tay của người Chăm, trong đó, có thư tịch lá buông. Hiện nay, các thư tịch đang được lưu trữ và trưng bày tại Trung tâm trong tình trạng khá tốt, vì đã được xử lý, bảo quản, bồi nền, đóng thành tập và dịch đầu mục… Đặc biệt, số thư tịch lá buông cũng đã được số hoá, lưu trữ bằng đĩa CD-Rom và trong máy vi tính bằng phần mềm chuyên dụng, nên rất thuận tiện cho công tác trưng bày, giới thiệu và phục vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh những mặt tích cực trong công tác sưu tầm, giới thiệu, nghiên cứu thư tịch chép tay của người Chăm, Trung tâm cũng đang gặp không ít khó khăn về kinh phí, đội ngũ chuyên gia có khả năng đọc và dịch nội dung sang tiếng Việt và tiếng nước ngoài để góp phần bảo vệ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của người Chăm…
Để bảo tồn, phát huy giá trị thư tịch viết tay của người Chăm nói chung và thư tịch lá buông nói riêng, thiết nghĩ, các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh Ninh Thuận, như Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, cần tích cực triển khai nhiều đề tài, dự án khảo sát, nghiên cứu về thư tịch của người Chăm; các tổ chức, cơ quan khác cần tiếp tục hợp tác, đầu tư kinh phí để phiên dịch và xuất bản, phổ biến rộng rãi nguồn tư liệu này./.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
*- Buông là một loại cây thân thấp, mọc thành rừng, có thể dùng lá để làm nón, mũ, áo tơi (mưa), giấy viết…
1- Thành Phần (2007), Danh mục thư tịch Chăm ở Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, tr. 14.
2, 4- Thành Ngọc Trãi (2013), Thống kê số lượng tài liệu thư tịch Chăm.
3- Phỏng vấn ông Lâm Gia Tịnh, vào lúc 8 giờ ngày 23/07/2015 tại nhà riêng ở thôn Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
5, 6- Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Chăm tỉnh Ninh Thuận, Hồ sơ lý lịch hiện vật.
7- Nguyễn Trung (2013), “Tu bổ 62 cuốn thư tịch cổ Chăm”,
nguồn: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/disan/item/20441302-.html (truy cập ngày 20/07/2015).
8- Nguyễn Trung (2013), “Thư tịch cổ Chăm sẽ không còn bị hư hại”,
nguồn: http://www.nhandan.org.vn/mobile/_mobile_vanhoa/_mobile_disan/item/22022302.html?limitstart=15 (truy cập ngày 20/07/2015).
9- Sakaya (2013), Tiếp cận một số vấn đề văn hoá Champa, H, Nxb. Tri thức.
(Ngày nhận bài: 22/9/2015; Ngày phản biện đánh giá: 13/10/2015;
Ngày duyệt đăng bài: 07/11/2015)
Nguổn: Di sản văn hoá vật thể, Số 4 (53), năm 2015
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Về công tác sưu tầm, giới thiệu thư tịch lá buông tại trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận (Tác giả: Bá Minh Truyền) |