ĐẶC TRƯNG CẤU TẠO LỚP ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THĂNG LONG _ HÀ NỘI TK 19 (Phần 2)

NGUYỄN THỊ VIỆT THANH
(PGS TS, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – ĐHQG Hà Nội)

     3.3. Cấu tạo địa danh trên cơ sở đặc điểm có tính tiêu biểu

     Một trong những đặc điểm cấu tạo của thành Thăng Long xưa là tồn tại các cửa ô vốn là các cửa ra vào kinh thành. Theo Trần Huy Bá, tên của các cửa ô được đặt theo tên của các thôn, làng sở tại: ô Yên Hoa, ô Yên Tĩnh, ô Thạch Khối, ô Phúc Lâm, ô Đông Hà, ô Trừng Thanh, ô Mĩ Lộc, ô Đông Yên, ô Tây Luông, ô Nhân Hoà, ô Thịnh Lãng, ô Yên Ninh, ô Kim Hoa, ô Thịnh Quang, ô Thanh Bảo,… Các ô này có thể di chuyển vị trí phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện phòng thủ và cũng có thể đổi tên phụ thuộc vào tên gọi của đơn vị hành chính sở tại. Sau những lần đổi tên, một số cửa ô mang tên mới: ô Yên Hoa thành Yên Phụ, ô Yên Tĩnh thành Yên Định, ô Thạch Khối thành Nghĩa Lập, ô Phúc Lâm thành Tiền Trung, ô Tây Luông thành Trường Long, ô Thanh Lãng thành ô Lãng Yên, ô Yên Ninh thành Thịnh Yên, ô Kim Hoa thành Kim Liên, ô Thịnh Quang thành Thịnh Hào… Như vậy, mỗi địa danh không chỉ là tên gọi của một đơn vị hành chính mà còn gắn với tên gọi của một cửa ô của Thăng Long. Bên cạnh tên chữ, nhiều cửa ô còn mang tên gọi khác: ô Đông Hà có tên là ô Quan Chưởng, ô Thanh Lãng có tên là ô Đống Mác, ô Yên Ninh là ô Cầu Dền, ô Kim Hoa có tên gọi là ô Đồng Lầm, ô Thịnh Quang còn gọi là ô Chợ Dừa. Cho tới nay, sau gần 2 thế kỉ, việc dựa trên địa danh để xác định vị trí cũng như nghiên cứu các cửa ô Hà Nội vẫn được không ít nhà nghiên cứu sử dụng.

     Bên cạnh hệ thống cửa ô, hiện tượng các địa danh gắn liền với các hiện vật lịch sử, di tích tâm linh hay đặc trưng của một vùng tương đối phổ biến. Có thể dẫn một số ví dụ: Thôn Khâm Thiên: Nơi từng có Khâm Thiên Giám là loại cơ quan thiên văn và làm lịch của triều đình từ thời Lê. Khi kinh đô triều Nguyễn chuyển vào Huế, Khâm Thiên Giám cũng đã chuyển theo, song tên Khâm Thiên vẫn được sử dụng để làm địa danh của thôn, cuối thế kỉ được dùng làm tên phố.

     Phường Xã Đàn: là khu vực có đàn Xã Tắc của triều nhà Lý để cầu quanh năm được mùa (khu vực Kim Liên, Ô Chợ Dừa ngày nay).

     Phường Hoè Nhai (còn gọi là Hoè Giai, tức là đường trồng cây hoè) là phường nằm trên vùng đất gần thành Thăng Long, nơi có truyền thuyết các vua Lý mở đường từ Thành ra bến Long Bộ, hai bên đường trồng nhiều hoa hoè. Cũng như vậy, trại Liễu Giai gắn với sự tồn tại của đường Liễu nằm phía tây của kinh thành Thăng Long xưa, nơi đây tương truyền thời Lý – Trần từng có nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa và nhiều cây liễu đã được trồng ven các con đường để đối xứng với đường Hoè Nhai.

     Rất nhiều địa danh thôn, phường trùng với địa danh của các chùa, đình nổi tiếng toạ lạc ở đó. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều vùng của Việt Nam. Đối với Thăng Long – Hà Nội cũng có thể dẫn ra rất nhiều trường hợp như vậy. Phường Bái Ân ở khu vực có chùa Bái Ân nổi tiếng. Tên thôn Huy Văn ở đó có chùa Huy Văn, nơi thờ vua Lê Thánh Tông và mẹ là bà Quang Thục Hoàng Thái hậu, thôn Nhất Trụ Tự do ở đó có chùa Một Cột, thôn Trấn Vũ nằm ở khu vực có chùa Trấn Vũ. Thôn Huyền Thiên có từ thời Lê, dựng tại khu vực có quán Huyền Thiên (Huyền Thiên cổ quán) là nơi tu luyện của các môn đồ đạo lão từ thế kỉ XVI.

     Địa danh mô tả nguồn gốc cũng giữ một vị trí quan trọng trong địa danh Hà Nội. Sự tồn tại của hai Tràng (có nghĩa là trường đúc) tại khu vực cạnh hồ Trúc Bạch phân biệt với các vùng khác bởi nguồn gốc dân cư và nghề nghiệp họ đảm nhiệm. Ngũ Xá tràng (trường đúc của năm xã) là nơi tập trung những người làm nghề đúc đồng đến từ 5 xã Đông Mai, Châu Mĩ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền thuộc huyện Siêu Loại và Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh cũ. Ngay cạnh Ngũ Xá tràng là Tứ Chiếng tràng, nơi tập trung dân cư từ 4 trấn quanh Thăng Long (trấn Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Hương và Sơn Tây) đến làm ăn rồi cũng lập Tràng. Tứ Trấn được viết thành Tứ Chính (四正) và thường được đọc chệch là Tứ Chiếng.

     Như đã biết, trong suốt ba thế kỉ nhà Lê duy trì tổ chức hành chính của một phủ là Phụng Thiên gồm hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện chia thành 18 phường. Đến thời Nguyễn, một số phường cổ được chia nhỏ thành thôn, đơn vị phường xưa kia không còn nữa, xong dấu vết của chúng được lưu lại trong bản thân các địa danh với tư cách định ngữ. Như phường Cổ Vũ, một phường cổ nổi tiếng của Thăng Long, được xây dựng từ thế kỉ XI – XIV. Trong các tư liệu địa danh triều Gia Long (1802-1831) tồn tại một loạt địa danh cấp Thôn có sử dụng yếu tố “phường Cổ Vũ”: Thôn Thị Vật phường Cổ Vũ, thôn Nhân Nội phường Cổ Vũ, thôn Thượng phường Cổ Vũ, thôn Trung phường Cổ Vũ, thôn Trung Hạ phường Cổ Vũ. Chính quyền đương thời đã sử dụng các phương thức cấu tạo địa danh phổ biến là khu biệt bằng yếu tố chỉ phương hướng hoặc vị trí để xây dựng các địa danh mới, đồng thời đánh dấu yếu tố gốc với ý nghĩa “cùng tách ra từ một đơn vị cũ”. Có thể có cách giải thích tương tự đối với trường hợp nhóm 3 địa danh có yếu tố “phường Báo Thiên”, hoặc nhóm 10 địa danh có yếu tố “Trừng Thanh”.

3.4. Sử dụng phương thức ghép yếu tố của các địa danh để tạo thành một đơn vị địa danh mới

     Đây là phương thức rất hiệu quả ở giai đoạn 1831-1888, khi Minh Mệnh chủ trương thu gọn, giảm bớt số lượng các đơn vị hành chính của Hà Nội, trong số đó có khoảng 40 đơn vị mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai hoặc một số thôn/phường với nhau, với tên gọi mới là sự kết hợp các thành tố của các địa danh thành phần cũ.

     Giả sử kí hiệu địa danh của đơn vị hành chính thứ nhất (chủ yếu là địa danh 2 âm tiết) là A1 – A2, địa danh của đơn vị thứ hai là B1 – B2. Qua khảo sát các trường hợp thay đổi địa danh do sáp nhập, chúng tôi thấy có 3 mô hình (chủ yếu đối với các địa danh có 2 âm tiết).

     + Mô hình thứ nhất: địa danh mới được cấu tạo từ hai yếu tố đầu tiên trong địa danh của từng đơn vị theo mô hình A1 – B1. Ví dụ:

(Thôn) Phúc Phố sáp nhập với (thôn) Mộc thành (thôn) Phúc Tô

(Thôn) Thịnh Xương sáp nhập với (thôn) Yên Bàn thành (thôn) Thịnh Yên

     + Mô hình thứ hai: địa danh mới được cấu tạo từ hai yếu tố cuối cùng trong địa danh của từng đơn vị theo mô hình A2 – B2 . Ví dụ:

     (Thôn) Cung Tiên sáp nhập với (thôn) Tứ thành (thôn) Tiên Mĩ

(Thôn) Thanh Lãng sáp nhập với (thôn) Hộ Yên thành (thôn) Lãng Yên

     + Mô hình thứ ba: địa danh mới được cấu tạo từ yếu tố đầu của địa danh thứ nhất và yếu tố cuối cùng của địa danh thứ hai theo mô A1 – B2. Ví dụ:

     (Thôn) Cảm Ứng sáp nhập với (thôn) Yên Hội thành (thôn) Cảm Hội

(Thôn) Yên Thạch sáp nhập với (thôn) Thống Nhất thành (thôn) Yên Nhất

     Đây là 3 kiểu cấu tạo địa danh chủ yếu khi sáp nhập các đơn vị hành chính với nhau. Ngoài ra cũng có một số giải pháp khác tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ khi sáp nhập thôn Vũ Thạch Hạ và Vũ Thạch Tiểu, tên gọi mới chỉ còn giữ yếu tố chung của 2 thôn là Vũ Thạch. Cũng như vậy khi sáp nhập hai thôn Lương Xá và Yên Xá, chỉ lược bỏ yếu tố chung Xá, giữ lại yếu tố khu biệt của hai đơn vị tạo thành tên gọi mới là thôn Lương Yên. Hoặc khi sáp nhập một số thôn là Kim Bát Thượng, Kim Bát Hạ và một số thôn có chữ Phường Cổ Vũ thì chọn chữ Kim của 2 đơn vị đầu, kết hợp với Cổ của đơn vị sau, thành thôn mới có tên là Kim Cổ.

     Việc đặt địa danh theo phương thức này đặc biệt có ý nghĩa về văn hoá, lịch sử. Khi xuất hiện một địa danh, người sử dụng đương thời, ngay cả những người thuộc thế hệ sau đều muốn tìm hiểu nguyên nhân hoặc ý nghĩa được phủ lấp đằng sau những tên gọi. Mỗi tên gọi gắn với một sự tích, một công trình lịch sử hoặc một ẩn ý nào đó của người định danh. Không gian, địa hình có thể thay đổi theo thời gian, nhưng qua địa danh người đời sau vẫn hình dung hoặc phần nào lí giải được những gì đã diễn ra hoặc tồn tại trong quá khứ. Tìm hiểu lớp địa danh cổ của Thăng Long – Hà Nội cũng không nằm ngoài cố gắng khôi phục lại phần nào bức tranh lịch sử, văn hoá của mảnh đất từng có 1000 năm tuổi này.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Nguyễn Viết Chức (chủ biên), Từ điển đường phố Hà Nội, NXB Hà Nội, 2010.

2. Lê Trung Hoa, Địa danh thành phố Hồ chí Minh, NXB TP Hồ Chí Minh, 1994.

3. Phan Huy Lê (chủ biên), Địa bạ cổ Hà Nội, 2 tập, NXB Hà Nội, 2010.

4. Nguyễn Thuý Nga, Địa danh Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn (khảo cứu từ nguồn tư liệu Hán Nôm), NXB Khoa học Xã hội, 2010.

5. Nguyễn Quang Ngọc, Cấp phường ở Thăng Long – Hà Nội: quá trình hình thành, biến đổi và những nét đặc trưng, Kỉ yếu hội thảo: Quản lí và phát triển Thăng Long – Hà Nội, NXB Hà Nội, 2008.

6. Vũ Văn Quân, Quy hoạch hành chính và tổ chức bộ máy quản lí Thăng Long – Hà Nội thời kì Trung đại, Thăng Long- Hà Nội, tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử, Tập 1, tr. 495, NXB Hà Nội, 2010.

7. Bùi Thiết, Thăng Long – Hà Nội. Từ điển địa danh, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

8. Nguyễn Kiên Trường, Địa danh thành phố Hải Phòng (Luận án Tiến sĩ), 1996.

B. Tiếng nước ngoài

9. Jan Tent, David Blair, Motivations for naming: The Development of a toponymic typology for Australian Placenames, Names, Vol. 59, No.2, June, 2011.

 Xem lại: ĐẶC TRƯNG CẤU TẠO LỚP ĐỊA DANH HÀNH CHÍNH THĂNG LONG _ HÀ NỘI TK 19 (Phần 1)