Đặc trưng của phật giáo Hoa tông qua khảo sát dân tộc học một số ngôi chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh
CHARACTERISTICS OF HOA BUDDHISM THROUGH AN ETHNOGRAPHICAL SURVEY ON SOME PAGODAS IN HO CHI MINH CITY
Tác giả bài viết: ĐẶNG HOÀNG LAN
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (VNU-HCM))
TÓM TẮT
Hiện nay, người Hoa sinh sống ở tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam nhưng hơn 50% dân số tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy họ có thể bảo lưu những đặc trưng văn hóa tộc người trong đó có Phật giáo Hoa tông. Dựa vào tư liệu thành văn là kết quả của những nghiên cứu trước, tiến hành nghiên cứu điền dã dân tộc học (quan sát tham dự nghi lễ, phỏng vấn sâu và phỏng vấn hồi cố tăng, ni, phật tử) tại các ngôi chùa Hoa như Thảo Đường thiền tự, chùa Phổ Đà Sơn (quận 6), chùa Quan Âm, chùa Từ Ân (quận 11), chùa Hoa Nghiêm (quận Bình Thạnh), chùa Vạn Phật (quận 5), chùa Long Hoa, chùa Sùng Chính (quận 8) bài viết nhận diện những đặc trưng của Phật giáo Hoa tông tại Thành phố Chí Minh qua: (1) Lịch sử hình thành Phật giáo Hoa tông; (2) Hệ thống thờ tự; (3) Nghi thức cúng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, Phật giáo Hoa tông ở chùa Hoa khác với Phật giáo Bắc tông ở chùa Việt là việc đặt tượng Phật trong khánh để đảm bảo sự tinh khiết. Hình thức thờ Tam thế Phật bên cạnh bộ tượng năm vị tại bàn ngoài cùng là Phổ Hiền, Di Lặc, Quan Âm, Văn Thù, Địa Tạng Vương Bồ tát, thờ Phật Di Lặc và Ngọc Hoàng Thượng đế. Hàng năm chùa tổ chức Đạo tràng bái sám, Pháp lôi Vu Lan và Lễ tạ chư Thiên. Tín ngưỡng dân gian in đậm trong nghi thức thờ cúng tại chùa Hoa.
Từ khoá: Phật giáo của người Hoa, người Hoa, Hoa tông.
ABSTRACT
Currently, the Hoa people live in 63 provinces of Vietnam but more than 50% of the population lives in Ho Chi Minh city. Therefore, they can preserve the ethnic cultural features including Hoa Buddhism. Based on literature documents, ethnographic data conducted ritual participant observation in-depth interview and memorial interviewing the nuns, monks and Buddhists) at the Hoa people’s pagodas such as Thảo Đường, Phổ Đà Sơn (district 6), Quan Âm, Từ Ân (district 11), Hoa Nghiêm (Bình Thạnh district), Vạn Phật (district 5), Long Hoa, Sùng Chính (district 8). The paper identifies the characteristics of the Hoa Buddhism in Ho Chi Minh by: (1) History of the Hoa people’s Buddhism; (2) Worship system; (3) The ritual. The findings show that Hoa Buddhism in Hoa people’s pagoda differs from Northern Buddhism in Viet pagoda in terms of placing Buddha statue in Little bell to ensure purity. The form of worshiping the Three Buddha nearby the five-person statue is Samantabhadra, Maitreya, Avalokitesvara, Manjusri Bodhisattva, the Bodhisattva Ksitigarbha, worshiping Maitreya and Emperor Jade. The pagoda organizes a religious ceremony for worshiping Sam, Dharma Vu Lan and a Thanksgiving ceremony to the gods. Folk beliefs are deep-seated in worshipping rites at Hoa pagoda.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Theo Báo cáo của Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, ở Thành phố Hồ Chí Minh có 382.825 người Hoa, chiếm hơn 50 % tổng số người Hoa tại Việt Nam (Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Là tộc người có số dân đông đứng thứ hai sau người Việt và giữ một vị thế quan trọng trong lịch sử Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nên vấn đề người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trên các lĩnh vực khác nhau: Chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa. Riêng về đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu: Lê Văn Lưu (1931), Jean-Michel de Kermadec (1956), Phan An, Phan Thị Yến Tuyết, Phan Ngọc Nghĩa (1990), Nguyễn Thị Hoa Xinh (1997), Trần Hồng Liên (1998), Võ Thanh Bằng (2005), Trần Hạnh Minh Phương (2003, 2013). Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ tập trung mô tả kiến trúc, trang trí, thờ tự và nghi lễ tại các cơ sở tín ngưỡng thờ thần của người Hoa như miếu Thiên Hậu (Tuệ Thành Hội Quán – Chùa Bà Chợ Lớn), Thất Phủ Võ đế miễu, miếu thờ Quan Thánh Đế Quân (Nghĩa An Hội quán – Chùa Ông)…
Hiện chúng tôi chỉ tiếp cận được một số bài viết của Trần Hồng Liên về Phật giáo Hoa tông ở Nam Bộ nói chung đã gợi mở ra hướng tiếp cận so sánh giữa Phật giáo Hoa tông của người Hoa và Phật giáo Bắc tông của người Việt, từ đó nhận diện những đặc điểm riêng có nơi Phật giáo Hoa tông. Đó là mục tiêu của bài viết này.
2. Cơ sở khoa học và phương pháp nghiên cứu
Để nhận diện được những đặc trưng của Phật giáo Hoa tông, nghiên cứu này sử dụng phương pháp so sánh để chỉ ra sự khác nhau giữa hệ thống thờ tự, phong cách tượng thờ, nghi thức cúng tại chùa Bắc tông của người Việt và chùa của người Hoa từ đó nhận diện đặc trưng của Phật giáo Hoa tông.
Thông tin của bài viết này được thu thập bằng phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm khảo sát một số chùa của người Hoa như: Thảo Đường thiền tự, chùa Phổ Đà Sơn (quận 6), chùa Quan Âm, chùa Từ Ân (quận 11), chùa Hoa Nghiêm (quận Bình Thạnh), chùa Vạn Phật (quận 5), chùa Long Hoa, chùa Sùng Chính (quận 8) để khảo tả hệ thống tượng thờ, phong cách tượng; phỏng vấn sâu những tăng, ni, phật tử về lịch sử của ngôi chùa, Phật giáo Hoa tông; về các nghi lễ diễn ra tại chùa. Hơn nữa, nguồn thông tin đáng tin cậy có được từ các cuộc quan sát tham dự các lễ hội, nghi lễ diễn ra tại các chùa Hoa.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Phật giáo của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh
Hầu hết, di dân người Hoa theo tín ngưỡng dân gian và đạo Phật chiếm đại đa số. Những ngôi miếu của người Hoa ban đầu quy tụ tại khu vực Chợ Lớn (nay bao gồm các quận 5, quận 6, quận 11…) do hội Ngũ Bang (5 nhóm phương ngữ người Hoa) xây dựng nên như: Miếu Quan Thánh/chùa Ông Nghĩa An; miếu Thiên Hậu/ chùa Bà Tuệ Thành; Miếu Nhị Phủ/chùa Ông Bổn; Miếu Quan Âm… Đây là những nơi sinh hoạt tín ngưỡng, hội họp của người Hoa khi mới đến Việt Nam. Họ sống đoàn kết với nhau trong đoàn thể dưới hình thức Hội quán, Hội Tương tế; giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Những ngôi miếu nêu trên cũng là nơi dừng chân tạm trú đầu tiên của các tăng sĩ người Trung Hoa di cư, để rồi sau này các vị đã tạo dựng các ngôi chùa mang nét thuần túy Phật giáo, đặt nền tảng cho Phật giáo người Hoa ở Việt Nam ngày nay.
Trước năm 1930, có thể nói Phật giáo người Hoa không có một tổ chức giáo hội chính thức. Các hoạt động Phật sự như tổ chức các pháp hội Phật giáo đều được tổ chức tại Hội quán. Do vậy, ở thời kỳ này, tuy cũng có một vài vị thiền sư từ Trung Quốc đến Đàng Trong để truyền đạo, nhưng các ngài đều phải tá túc nơi các ngôi miếu, cử hành các pháp hội với nghi lễ Phật giáo và sử dụng các kinh sách từ Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Buổi đầu, các vị thiền sư và tín đồ Phật giáo đều cùng thực hành nghi lễ Phật giáo tại miếu. Chính vì lẽ đó, đã đưa đến tình trạng đại đa số người dân nhầm lẫn “miếu” của tín ngưỡng dân gian và “tự” (chùa) của đạo Phật. Tuy người dân gọi miếu là “chùa” nhưng thật ra tại các cơ sở tín ngưỡng này không có tổ chức Phật giáo. Trong thời gian đầu khi đến định cư tại vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn, người Hoa cho xây dựng các Hội quán hoặc miếu để làm nơi thực hành nghi lễ và sinh hoạt cộng đồng. Họ cũng cho thiết lập bàn thờ Phật hay Quan Thế Âm Bồ Tát. Như việc đặt bàn thờ Phật và Quan Âm trong miếu Nhị Phủ, ngôi miếu có mặt ở Gia Định từ đầu thế kỷ XVIII. Nhiều tăng sĩ Trung Hoa đến Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XX như Hoà thượng Tăng Đức Bổn, Hoà thượng Thanh Thuyền, Hoà thượng Thống Lương, Hoà thượng Diệu Hoa và Hoà thượng Ninh Hùng, từ chùa Tây Thiền của huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc sang (Thích Đồng Bổn, 2019), cũng đã đến định cư tại miếu Nhị Phủ, miếu Ôn Lăng…, trước khi chuẩn bị xây dựng những ngôi chùa Hoa ở Sài Gòn, như: Chùa Nam Phổ Đà, quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh (1945); chùa Quan Âm Trụ Trúc Lâm, quận 11 (1951); chùa Hoa Nghiêm, quận Bình Thạnh (1952); chùa Từ Ân, quận 11(1955); chùa Vạn Phật, quận 5 (1959),…
Với bề dày lịch sử lâu đời đã có thể giúp định hình trên địa bàn cả nước và tại vùng đất mới Nam Bộ, đặc biệt là ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, một dấu ấn của Phật giáo trong cộng đồng người Hoa có mặt gần 300 năm qua tại đây. Nhưng xét về cơ cấu tổ chức, Phật giáo Hoa tông ra đời chỉ gần 50 năm trở lại đây. Số lượng cơ sở thờ tự, cũng như tu sĩ vẫn tương đối ít. Có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình phát triển đã dẫn đến hiện tượng trên. Đó cũng là biểu hiện tất yếu của quá trình hội nhập văn hóa (inculturation) của cộng đồng người Hoa vào cộng đồng Việt.
Hiện nay, những ngôi chùa của người Hoa, do người Hoa trụ trì, vẫn sinh hoạt trong tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tuy nhiên lại có sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ về nhiều mặt của nhóm tu sĩ người Hoa, như Đại đức Thích Truyền Cường, một tu sĩ người Hoa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, tổ chức họat động Phật sự. Theo thống kê của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 5 và của hệ phái Phật giáo người Hoa/Hoa tông, cả nước hiện có hơn 60 ngôi chùa và tịnh xá của người Hoa, trong đó tại Tp. Hồ Chí Minh có 49 ngôi, phần lớn tập trung tại quận 5, quận 6 và quận 11 (Ban Trị sự GHPGVN quận 5, 2018).
3.2. Hình thức thờ tự tại các chùa Hoa
Sự khác biệt giữa hình thức thờ tự tại các ngôi chùa của người Hoa so với hình thức thờ tại các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông của người Việt được thể hiện qua trang thờ, phong cách tượng thờ và cách thờ…
Về trang thờ: Khác với các ngôi chùa của người Việt tượng thờ chỉ được đặt tượng lên bệ thờ, tại các ngôi chùa Hoa tượng thờ thường được đặt trong trang thờ có lồng kính trong suốt. Phía trên lồng kính còn có mái nhỏ (hình dáng giống mái nhà) bằng ngói ống thanh lưu ly hoặc hoàng lưu ly.
Về phong cách tượng thờ: Đa số tượng thờ tại các chùa thường có xuất xứ từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc. Tượng thờ được làm từ đá, vải, giấy bồi, hay gỗ quý (trầm hương)… Đặc biệt, tại chùa Phước Hải (quận 1), chùa Nam Phổ Đà (quận 6) còn có tượng làm từ vải hoặc giấy bồi có cốt bằng nan tre, hay tượng bằng đá trắng ở chùa Diệu Pháp (quận 6)…
Đa số những pho tượng này đều được tạc trong tư thế đứng như: Bộ Di Đà Tam Tôn ở chùa Nam Phổ Đà (quận 6), được sơn son thếp vàng. Gần đây, chất liệu của tượng còn được bổ sung bằng chất liệu composite như: Tượng Địa Tạng tại chùa Vạn Phật (quận 5),…
Cách phối tự tại các chùa Hoa khác với chùa Việt, theo đó Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh được thờ khá phổ biến. Bên cạnh bộ tượng chính, tại bàn thờ ngoài cùng còn có bộ tượng năm vị gồm các vị Bồ tát Phổ Hiền, Di Lặc, Quan Âm, Văn Thù và Địa Tạng. Ngoài ra, do ảnh hưởng tín ngưỡng dân gian, tại các ngôi chùa Hoa còn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Địa Mẫu (chùa Nam Phổ Đà,quận 6). Ngòai ra, một trong những phong cách bày trí tượng thờ phổ biến nhất tại các ngôi chùa Hoa là gắn tượng vào vách chính điện như ở chùa Vạn Phật (quận 5), chùa Huê Nghiêm (quận Bình Thạnh)…, đó cũng là hình thức trang trí, chạm khắc phổ biến được thấy trong các ngôi chùa ở Trung quốc.
3.3. Nghi thức cúng
Người Hoa có thói quen đến chùa, miếu vào ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng. Khi đến cúng, Phật tử và tín đồ thường mang vật phẩm như hoa quả, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc. Giấy tiền vàng bạc được xếp thành hình ống, đặt lên dĩa thành tháp 7 tầng, hoặc có dạng hoa sen (Trần Hồng Liên, 2016). Vào những ngày này, để tạo điều kiện cho tín đồ sinh hoạt, một số cơ sở Phật giáo người Hoa thường tổ chức Pháp hội bái sám hoặc tụng kinh, như tại chùa Vạn Phật (quận 5), chùa Hoa Nghiêm (quận Phú Nhuận), chùa Ân Phước (quận Bình Thạnh), chùa Nam Phổ Đà (quận 6),…
Trong năm, mỗi chùa thường tổ chức nhiều ngày lễ lớn, tuỳ theo từng chùa lớn hay nhỏ, nhiều hay ít tín đồ Phật tử. Tuy nhiên, cho dù chùa lớn hay nhỏ, tín đồ nhiều hay ít, thì cũng sẽ có những nghi lễ trọng như:
– Đạo tràng bái sám
Trong việc thực hành tín ngưỡng Phật giáo, người Hoa thường tổ chức các Đạo tràng bái sám như: Lương Hoàng sám, Vạn Phật sám, Tam Thiên Phật sám… cho các pháp hội trong năm. Trước khi tổ chức pháp hội bái sám, các chùa thường dán Thông bạch cho các Phật tử biết, để họ tiến hành đăng ký tên cúng cầu an và cầu siêu. Thông thường, nếu cúng cầu an sẽ được ghi trên một tờ sớ bằng giấy màu đỏ và tờ sớ này sẽ được vị Hòa thượng chủ sám xướng đọc tên trong thời khóa tụng cúng Phật. Còn cúng Cầu siêu thì nhà chùa sẽ thiết lập bài vị cho ông bà, cha mẹ quá vãng để các Phật tử có thể dâng cúng ông bà, cha mẹ mình trong suốt thời gian cử hành pháp hội. Sau mỗi một pháp hội kết thúc, vào chiều ngày cuối cùng của pháp hội, nhà chùa thường tổ chức “Mông Sơn Thí Thực” hay “Du Già Diệm Khẩu” (Chẩn tế) để cúng tiễn các vong linh, lúc này các bài vị sẽ được gỡ xuống và đốt đi.
Khi tổ chức bái sám xong, chùa người Hoa thường tổ chức cúng dường Chư Thiên. Hình thức này không thấy tổ chức ở các chùa Phật giáo của người Việt. Lễ tạ Chư Thiên, còn gọi là lễ tạ ơn công đức viên mãn. Đối với Phật giáo người Hoa, lễ cúng dường Chư Thiên hay lễ tạ Chư Thiên là một lễ rất quan trọng và thường được tổ chức trong khoảng thời gian từ 6g sáng đến 10g sáng là phải kết thúc. Vì theo họ, buổi sáng chính là giờ của các chư thiên.
Cúng dường Chư Thiên là một hình thức cầu an, mà trong giới Phật giáo người Hoa gọi là “kỳ phước 祈福”. Thời gian cúng dường Chư Thiên trước đây thường vào khoảng 3 – 4 giờ sáng, nhưng hiện nay, đối với các chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì muốn thuận tiện cho các Phật tử tín đồ tham gia, nên thường cử hành từ 6g hoặc 7g sáng. Cúng Chư Thiên không có hạn định, phàm khi khánh thành chùa, chúc thọ, đều có thể cử hành pháp hội cúng Chư Thiên. Nơi dựng đàn cúng Chư Thiên thông thường là tại chính điện của chùa, hoặc là nơi pháp đường. Đàn cúng Chư Thiên thường được dựng vào tối ngày hôm trước, gồm hình tượng của 24 vị chư thiên bằng tranh kiếng, được sắp xếp ngay ngắn trên kệ thờ. Các lễ vật dâng cúng được chuẩn bị công phu hay đơn giản tuỳ theo kinh tế mỗi chùa, nhưng các phẩm vật dâng cúng phải có đủ 24 phần, gồm: Nhang trầm, hoa, bánh bao, trái cây, thuốc bắc, thức ăn chay nấu chín, đèn… Nghi lễ cúng dường Chư Thiên là một nghi lễ rất quan trọng đối với tín ngưỡng Phật giáo người Hoa, vì vậy mà nó rất được xem trọng. Bất cứ khi kết thúc một khóa lễ bái sám hay một pháp hội lớn nào, thì chùa đều phải thực hành nghi cúng dường 24 vị chư thiên.
Vào tháng Tư âm lịch hằng năm, các chùa Hoa thường tổ chức lễ sám Vạn Phật. Lễ được tổ chức theo từng chùa, có thể diễn ra trong từ 7 đến 10 ngày. Ngày mùng tám tháng Tư là lễ chính, các chùa trang trí bàn thờ Thái Tử Đản Sanh, trên bàn thờ được kết hoa lài và đèn màu lộng lẫy, trang nghiêm. Trước khi vào ngọ, các Phật tử đọc kệ tắm Phật và mỗi người tự tay rải một ít hoa lài và một gáo nước sạch lên mình Thái Tử, với hy vọng được đức Phật chứng minh lòng thành kính.
Tháng Mười nhằm lễ Hạ Ngươn, các chùa Hoa lại tổ chức lễ sám Lương Hoàng, đến ngày rằm thì lạy Thuỷ Sám, cầu mong sám hối hết tội lỗi do nghiệp tạo. Tháng Chạp, người Hoa đến chùa tổ chức lễ tạ ơn, còn được gọi là tạ lễ cuối năm. Họ nghĩ rằng trong suốt một năm, được chư Phật, chư Bồ tát gia hộ, gia đình êm thắm, công việc làm ăn thuận lợi, nên đến cuối năm, họ đến chùa để tạ ơn.
– Pháp hội Vu Lan
Một pháp hội quan trọng nhất đối với Phật giáo người Hoa tại Tp.HCM là pháp hội Vu Lan. Theo phong tục dân gian, ngày rằm tháng bảy được gọi là “Lễ Trung Nguyên”, còn đối với đạo Phật thì gọi là “Hội Vu Lan Bồn 盂蘭盆” hay gọi tắt là “Lễ Vu Lan”, còn theo cách gọi của Đạo giáo là “Lễ Trung Nguyên”. Đối với Phật giáo Bắc truyền, ngày Rằm tháng Bảy cũng là ngày lễ có liên quan đến đạo Phật, bởi ngày này chính là ngày của chư Tăng sau khi an cư kiết hạ 3 tháng, đến ngày Rằm tháng Bảy thì mãn hạ, và tập hợp lại để cử hành sám hối, nên ngày này được gọi là ngày “Chư Tăng tự tứ”. Nghi thức của “Chư Tăng tự tứ” chỉ có trong đạo Phật, không liên quan đến Đạo giáo hay Nho giáo, cũng như các tín ngưỡng dân gian. Nhưng từ câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ của Phật giáo mà diễn hóa ra “Hội Vu Lan Bồn”, lại có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân gian. Từ đó, hình thành nên một ngày lễ hội “Vu Lan” chung của Phật giáo và của nhân gian.
Lễ Hội Vu Lan Bồn là một trong những nghi thức quan trọng của đạo Phật, thông thường thì được cử hành vào ngày Rằm tháng Bảy. Ở Trung Quốc trước đây, khi Phật giáo hòa nhập với Đạo giáo, thì Vu Lan Bồn (tức thau Vu Lan) của họ có nghĩa là một cái thau được đan bằng tre, phía dưới bồn được dựng bằng 3 chân đỡ, trong hộp bằng tre sẽ chứa đầy vàng mã, được gọi là “Vu Lan Bồn”. Vào ngày Rằm tháng Bảy, Vu Lan Bồn sẽ được đốt đi, và các giấy tiền vàng mã cũng được đốt hóa cho tổ tiên quá vãng và các vong hồn ngạ quỷ, cho nên gọi là “Hội Vu Lan Bồn”, vì thế mà lễ Trung Nguyên cũng được gọi là “Hội Vu Lan Bồn”.
Ngoại trừ lễ Trung Nguyên của Đạo giáo và pháp hội Vu Lan Bồn của Phật giáo, theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa, ngày Rằm tháng Bảy cũng là ngày “lễ Quỷ ma “鬼節”. Như vậy có thể cho rằng “lễ Quỷ ma” của tín ngưỡng dân gian Hoa và lễ Trung Nguyên của Đạo giáo hay lễ Vu Lan của Đạo Phật đều có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng mỗi tôn giáo lại có sắc thái riêng. Và cứ như vậy, Tăng sĩ, Đạo sĩ, và dân gian thế tục hợp lại cùng nhau, làm nên nhiều hoạt động phong phú vào ngày Rằm tháng Bảy.
Điểm đặc sắc trong các ngôi chùa Phật giáo người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh là lễ Vu Lan bắt đầu từ mồng 1 tháng Bảy đến hết ngày 30 tháng Bảy (âm lịch) với pháp hội Vu Lan cầu siêu hoành tráng và quy mô. Lễ Vu Lan tháng bảy được Phật giáo người Hoa xem là một trong những ngày lễ cầu siêu trọng đại nhất. Vào những ngày này, các ngôi chùa đều thiết lập các bài vị tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã quá vãng. Người Hoa cũng như người Việt đều quan niệm “tháng Bảy là lễ Xá tội Vong Nhân” họ tin tưởng nhờ vào lời kinh câu kệ, tổ tiên ông bà của họ sẽ được siêu sanh về cõi thanh tịnh.
Trong những ngày của pháp hội, tại các chùa Hoa đều dựng lên các kệ nhiều tầng, hoặc là những bàn thờ cầu kỳ với nhiều kiểu dáng, tín chủ có thể tùy theo khả năng tài chính để đăng ký các loại bài vị tại chùa. Có thể cho rằng, vào ngày này, hầu hết tại các chùa Hoa đều có khói hương nghi ngút. Chùa Hoa thường không tổ chức lễ hội dâng y, cúng dường trai tăng, hay cài hoa hồng như trong các chùa Việt, vì tu sĩ người Hoa không tổ chức lễ an cư kiết hạ.
Y theo kinh Vu Lan Bồn của Phật dạy, nơi chính điện đặt một cái thau nhựa thật to, bên ngoài thau dán giấy đỏ ghi “Vu Lan Bồn”. Phật tử đặt vật phẩm như: Đường, gạo, dầu ăn, bánh hoặc các phẩm vật tứ sự… vào trong Vu Lan Bồn này để cúng dường cho các chư tăng trong chùa. Sau khi pháp hội kết thúc, vị trụ trì chùa sẽ chia đều các vật phẩm cúng dường này cho chư tăng trong chùa, với ý nghĩa “Lợi Hoà Đồng Quân” của Lục Hoà Kính Pháp.
– Ngày vía Đức Quán Thế Âm
Một trong những tín ngưỡng quan trọng của người Hoa không thể nào không đề cập đến là tín ngưỡng Quán Thế Âm Bồ Tát, một hình ảnh thân thiết của cộng đồng tộc người Hoa, cũng như tất cả những người Á Đông nói chung. Đối với người Hoa, Quán Thế Âm Bồ Tát không những chỉ hiện diện trong ngôi chùa Phật giáo, mà ngay cả trong các hội quán, miếu, đều có đặt hình ảnh, tôn tượng của Ngài. Vì vậy, có thể cho rằng Bồ tát Quan Thế Âm chiếm một vị trí quan trọng trong lòng các tín đồ Phật tử người Hoa.
Cùng với bước chân di dân của người Hoa, tín ngưỡng và hình ảnh Đức Quán Thế Âm được họ mang theo đến Việt Nam. Những di dân Hoa đã gặp không ít khó khăn trong việc chuyển cư, trong cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người, vì vậy hình ảnh, danh hiệu Đức Quán Thế Âm luôn luôn gắn bó với họ trong suốt cuộc hành trình này. Do vậy, trong giới Phật giáo người Hoa tại Tp.HCM, không chỉ có những ngôi chùa thuần túy tôn thờ vị bồ tát này, mà ngay cả các miếu, hội quán cũng có tôn tượng của ngài, như tại Hội Quán Ôn Lăng (thường được gọi là chùa Quan Âm), hầu như mọi nhà đều có tôn tượng của Đức Quán Thế Âm . Như vậy, trong tín ngưỡng, trong Phật giáo, vị Bồ tát này có đầy đủ phẩm chất của một người Mẹ. Người Hoa cũng thường xưng gọi vị này một cách trìu mến là Quán Âm nương nương (觀音娘娘).
Về hình ảnh phụng thờ tôn tượng Đức Quán Thế Âm thì hầu như các chùa Việt và Hoa cũng như các ngôi miếu, Hội quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đều không có sự khác biệt nhiều, với hình dáng tôn tượng là người nữ, để tượng trưng cho lòng thương yêu không bờ bến của Quán Thế Âm. Đối với người Hoa, ngoài lễ vía Quán Thế Âm Bồ tát theo truyền thống của Phật giáo như vào 19 tháng 2; 19 tháng 6 và 19 tháng 9 âm lịch, còn có ngày 19 tháng 11 hàng năm là ngày vía Đức Quán Thế Âm Tống Tử (một vị Bồ tát theo tín ngưỡng dân gian người Hoa, đối với các chùa thuần túy Phật giáo thì không tổ chức pháp hội vào ngày vía này). Ngày vía Đức Quán Thế Âm được các chùa người Hoa xem trọng và xem như là một ngày lễ lớn. Vào những ngày này, các chùa thường tổ chức bái Đại Bi Sám, trì tụng 21 biến chú Đại Bi. Đức Quán Thế Âm Bồ tát, người Hoa cũng thường gọi là Phật Bà Quan Âm, là biểu tượng của sự kết hợp giữa tín ngưỡng với Phật giáo người Hoa. Đối với người Hoa, Phật Bà Quán Thế Âm là một phụ nữ có đức tính cao đẹp, vị cứu khổ cứu nạn, luôn làm phúc cho mọi người. Điều này định hướng cho sự giáo dục về mối quan hệ giữa người với người, luôn mang lại điềm lành cho mọi người, giúp người Hoa vượt qua khó khăn để tìm đến hạnh phúc, an vui trong cuộc sống.
– Lễ Thập Phương
Một nghi lễ mang tính truyền thống trong Phật giáo người Hoa là “Lễ Thập Phương”. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng của Phật giáo Trung Hoa cũng như Phật giáo người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ý nghĩa của Lễ Thập Phương là tri ân với những vị pháp sư hay những người đã vì mình mà có những thời khóa tụng cầu an hay những thời khóa tụng cầu siêu cho bổn sư đã viên tịch hoặc người thân của mình đã quá vãng. Bằng phương thức đảnh lễ ở nhiều hướng khác nhau trong pháp hội, khi tiến hành thực hành nghi lễ Lễ Thập Phương. Nếu là lễ cầu an, người Duy Na và đại chúng tham dự phải khởi “Bài Tán Dược Sư”, còn nếu là lễ cầu siêu, thì khởi “Bài Tán Di Đà”, vừa tán vừa thực hành “Lễ Thập Phương”.
Khi lễ lạy, người hành lễ trước hết là hướng về phía trước của Phật đài đảnh lễ chư Phật, Bồ tát 3 lễ, sau đó hướng về bên phải đảnh lễ đại chúng (những người tham gia khóa tụng) lạy 1 lễ, hướng trở về Phật đài đảnh lễ chư Phật, Bồ tát 1 lễ, hướng về đại chúng bên trái lạy 1 lễ, sau đó đi theo hình chữ Vạn của Phật giáo卐 đến gần vị thầy Duy Na (tức người cầm khánh) lạy 1 lễ, sau đó trở về vị trí cũ, hướng về phía Phật đài lạy 1 lễ, tiếp tục đi theo hình chữ Vạn, về phía tay trái, đến vị trí người đánh mõ đảnh 1 lễ, sau đó trở về vị trí cũ, hướng về phía Phật đài lạy 1 lễ, sau đó tiếp tục đến vị trí của vị Hòa thượng chủ trì đàn tràng đảnh 1 lễ. Nghi lễ Thập Phương được thực hiện với bài tán “Dược Sư” hoặc bài tán “Di Đà”, sau khi chuẩn bị kết thúc các thời khóa lễ như: Cúng Phật cầu an, hoặc trong các nghi thức điếu giác linh của các tu sĩ.
Nghi thức này chỉ là một phương tiện trong các nghi lễ, mà thông qua các Phật sự như cầu an tiêu tai để được tăng phước thọ, hoặc là siêu độ. Mục đích của “Lễ Thập Phương” là để biểu thị lòng cung kính và tri ân, bởi thông qua nhiều lần và lễ lạy nhiều người như vậy, là để tiêu trừ tâm lý “cống cao ngã mạn”, đồng thời với lòng thành đảnh lễ mà cảm niệm tri ân Thập phương tam thế chư Phật, hồi hướng công đức cho tất cả chúng sanh cùng thành Phật đạo; cũng như qua việc hành “Lễ Thập Phương” và gieo duyên lành nơi Mười phương chư Phật, gieo duyên lành với tất cả chúng sanh.
4. Kết luận
Tóm lại, trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, nghi thức thờ cúng trong Phật giáo người Hoa vẫn còn chứa đựng nhiều nét truyền thống do chư Tổ từ Trung Quốc mang sang (PVS. ĐĐ Truyền Cường chùa Vạn Phật Q.5). Phật giáo người Hoa đã và đang hoà nhập vào hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng và văn hoá tín ngưỡng – tôn giáo của người Hoa ở Tp.HCM nói chung. Trong đó, thông qua nghi thức thờ, nghi thức cúng, nghi lễ Phật giáo người Hoa vẫn là kho tàng chứa đựng đặc trưng văn hóa của tộc người Hoa tại vùng đất mới, ở đó thể hiện sinh động đời sống tín ngưỡng – tôn giáo của cộng đồng người Hoa, vốn cộng cư hơn 300 năm qua với người Việt. Nghi lễ của Phật giáo người Hoa tại Tp.HCM chính là sự biểu đạt, sự cung kính đối với chư Phật và Bồ tát. Lễ bái chư Phật cũng là lễ bái Phật tánh nội tại trong chính mình. Nghi lễ Phật giáo chính là lấy sức mạnh cùng tu của tập thể, để từ đó mà “trên cầu Phật đạo”, dưới thì “độ hóa chúng sanh” vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Ban Dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh (2019). Báo cáo kết quả sơ bộ tổng điều tra tình hình dân tộc thiểu số năm 2019 tại TP.HCM (lưu hành nội bộ).
[2] Châu Thị Hải (1993). Tính dung hợp trong tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam. Tạp chí Văn hóa dân gian, số 44, 75-81.
[3] Đại học Quốc gia TP.HCM – Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – Khoa Nhân học (2013). Nhân học đại cương. NXB Đại học Quốc Gia TP.HCM.
[4] Mã Thư Điền, Đào Nam Thắng dịch (2002). Các vị thần trong Phật Giáo Trung Quốc. NXB Văn hóa Thông tin.
[5] Phan An, Phan Thị Yến Tuyết, Trần Hồng Liên, Phan Ngọc Nghĩa (1990). Chùa Hoa thành phố Hồ Chí Minh. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
[6] Thích Đồng Bổn (2019). Phật giáo từ những góc nhìn đa chiều. NXB Hồng Đức.
[7] Trần Hồng Liên (1996). Phật giáo Nam bộ. NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
[8] Trần Hồng Liên (2004). Góp phần tìm hiểu Phật giáo Nam bộ. NXB Khoa học Xã hội.
[9] Trần Hồng Liên (2016). Đặc điểm Phật giáo Hoa tông ở Nam bộ.
https://phatgiao.org.vn/dac-diem-cua-phat-giao-hoa-tong-o-nam-bo-d24212.html (truy cập
07/05/2020)
[10] Tylor E.B (2000).Văn hoá nguyên thuỷ.Hà Nội: Tạp chí văn hoá nghệ thuật xuất bản.
[11] Võ Thanh Bằng (2005). Tín ngưỡng – tôn giáo của người Hoa ở Nam Bộ (Luận án tiến sĩ). Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
[12] Vũ Minh Chi (2004). Nhân học văn hoá – con người với thiên nhiên, xã hội và thế giới siêu nhiên. NXB Chính trị Quốc gia.
“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM), mã số đề tài T2020-05, tên đề tài: “Phật giáo của người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh”.
Nguồn: Tạp chí khoa học Đại học Thủ Dầu Một, số 1(50)-2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đặc trưng của phật giáo Hoa tông qua khảo sát dân tộc học một số ngôi chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh (Tác giả: Đặng Hoàng Lan) |