Đặc trưng văn hoá của Thành phố Hồ Chí Minh – Một quá trình tiếp biến, chuyển đổi và tích tụ
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRƯƠNG VĂN CHUNG
(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tôn giáo. Đại học KHXH&NV.ĐHQG – HCM),
Thạc sĩ TRƯƠNG PHAN CHÂU TÂM
(Khoa Ngữ văn Trung. Trường Đại học KHXH&NV.ĐHQG – HCM)
Trong một thế giới đầy biến động và dường như “phẳng” ra, thì vấn đề văn hoá, văn hoá dân tộc luôn trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở mọi quốc gia. Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế hiện nay, đặc biệt quan tâm đến quá trình: “Hội nhập quốc tế, tiếp thu các tinh hoa văn hoá của thế giới mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc của mình”. Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là một thành phố trẻ, hiện đại, chỉ mới hơn 300 năm lịch sử hình thành, phát triển, song đã là một đô thị phát triển nhanh nhất Việt Nam, luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật lớn. Trên phương diện văn hóa, tôn giáo, TP.HCM cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, tôn giáo của nhiều tộc người, là mảnh đất màu mỡ cho sự du nhập, xuất hiện các hình thức văn hoá, tôn giáo mới. Bài viết này xem xét các đặc trưng văn hoá như là một quá trình biến đổi, tiếp biến và tích tụ của đời sống văn hoá ở TP.HCM.
Nghiên cứu đặc trưng văn hóa ở TP.HCM. Chúng tôi bắt đầu từ tồn tại xã hội, những đặc điểm, cấu trúc dân số và văn hóa tộc người. Theo các kết quả điều tra dân số những năm gần đây ở TP.HCM cho thấy 20 năm trở lại đây có sự gia tăng đột biến về dân số, chẳng hạn thống kê dân số tháng 10/1979 TP.HCM có 3.419.977 người; 10 năm sau: 4/1989 dân số là 3.988.124 người (tăng 568.147 người). Thống kê tháng 4/1999 dân số là 5.037.155 người (tăng hơn 1 triệu người so với năm 1989) và tháng 4/2009 dân số là 7.162.864 người (tăng hơn 2 triệu người so với 1999). Đến tháng 12/ 2011 dân số TP.HCM đã là 7.251.138 người(1).
Như vậy, TP.HCM là đô thị đông dân nhất Việt Nam, với tốc độ tăng 3,56%/năm, chiếm tỷ lệ tăng dân số nhanh nhất (22,32%) trên cả nước, đây là chưa tính số lượng trung bình hàng năm, khách vãng lai tại thành phố có khoảng 2 triệu người. Điều đặc biệt chú ý ở đây là mức độ gia tăng dân số tự nhiên chỉ có tỷ lệ khoảng 1,07% còn tỷ lệ tăng cơ học lên tới 2,5%(2) và có xu hướng dân số tăng tốc nhanh tại các quận mới lập ở vùng ven thành phố. Việc dân số cơ học tăng nhanh ở TP.HCM sẽ xuất hiện nhiều vấn đề trong đời sống xã hội: mức sống chênh lệch, khoảng cách giàu, nghèo, an sinh xã hội, văn hóa và tôn giáo biến động, v.v..
Phân tích theo cơ cấu dân tộc, chúng tôi thấy: người Việt (Kinh) là đa số với 6.698.124 người chiếm 93,52% dân số Thành phố, đông dân thứ hai là người Hoa với 414.045 người, chiếm 5,78%, còn lại là các tộc người: người Khmer: 24.268 người, người Chăm: 7.819 người… Theo thống kê có đến 54 dân tộc được công nhận ở Việt Nam cư trú ở thành phố, mặc dù có dân tộc hiện nay chỉ có 01 người (người La Hủ). Ngoài ra còn có hơn 1000 người từ các quốc gia khác đã sinh sống lâu đời ở TP.HCM (Ấn Độ, Pakistan, Indonesia, Pháp…). Đây là chưa tính đến một số người từ nhiều quốc gia, mới đến sinh sống, làm việc ở TP.HCM hiện nay (khoảng 5000 người) như: Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Ý, v.v.. Có thể nói, về mặt dân tộc học, TP.HCM là đô thị đa dân tộc ở mức độ cao nhất, đây là cơ sở của một xã hội đa văn hóa, đa tôn giáo và có ảnh hưởng không nhỏ đến tính chất, đặc điểm của văn hoá ở thành phố. Điều đáng chú ý ở đây, dưới cái nhìn địa – văn hóa, các dân tộc sinh sống khá tập trung ở các quận, huyện như: Người Hoa sinh sống, làm ăn chủ yếu ở khu vực gồm các quận 5, 6, 8, 10 và 11, đặc biệt là Chợ Lớn (quận 5, 6). Người dân nhập cư hầu hết sống tập trung ở các quận, huyện ven thành phố: Quận 9, 12, Tân Phú, Bình Chánh… Một số nơi tập trung người nước ngoài: “Phố Hàn Quốc” trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình; “Phố Nhật Bản” trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, “Phố Tây ba lô” ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Khu “Phú Mỹ Hưng”, quận 7, tập trung hầu hết người từ các quốc gia khác và gia đình của họ sinh sống, làm việc. Người Việt sống ở hầu hết các quận, huyện, song do yếu tố văn hóa, tôn giáo nên cũng tập trung ở những khu vực khác nhau. Chẳng hạn, người Công giáo Việt Nam tập trung ở 3 khu vực:
1. Khu vực phía Bắc Sài Gòn, chủ yếu là những phường nằm phía Bắc quận Gò Vấp.
2. Khu vực phía Tây Sài Gòn, trải dọc theo đường Cách mạng tháng Tám (đoạn từ công viên Lê Thị Riêng đến ngã ba đường Trường Chinh – Cộng hòa và một số tuyến đường phụ cận: đường Âu Cơ, Độc lập, Tân hương, Tân Sơn nhì).
3. Khu vực Nam Sài Gòn, trải dọc theo đường Phạm Thế Hiển, bao gồm một phần các phường: 4, 6, 7, 8(4).
Nghiên cứu về cơ tầng văn hóa và thiết chế văn hóa TP.HCM, chúng ta có thể thấy nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc thái, thiết chế cơ tầng văn hóa phản ánh lịch sử từ truyền thống đến hiện đại của văn hóa TP.HCM. Trong tầng sâu nhất của văn hóa thành phố là tính bản địa hội tụ tinh thần của văn hoá 3 miền: Bắc – Trung – Nam Bộ. Giáo sư Vũ Khiêu nhận định: “Cũng như Thăng Long, Sài Gòn sớm thực hiện hai chức năng cơ bản của một trung tâm kinh tế – xã hội và văn hoá. Đó là chức năng hội nhập và chức năng toả sáng. Văn vật từ mọi miền, tinh hoa đất nước dần dần hội nhập về đây tập trung lại, nâng cao hơn, dựng thành một tụ điểm của văn minh và từ đó toả sang đi các nơi gần xa”(5). Kể từ thuở khẩn hoang, lập nghiệp cho đến nay, văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam đã trở thành sâu rễ, bền gốc cho văn hóa Nam Bộ. Ngay từ khi chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý, bình định đất Sài Gòn đã là quá trình dung hợp văn hóa biển, văn hoá đồng bằng và văn hóa rừng. Trước đó, văn hóa Nam Bộ cũng đã là sự tiếp biến văn hóa trong đời sống cộng cư với người Chăm, người Khmer Nam Bộ. Văn hóa đồng bằng với các dân cư Bắc Bộ vào Nam lập nghiệp từ xa xưa đến phong trào di cư 1954 và sau 1975 đã để lại dấu ấn văn hóa đồng bằng Bắc Bộ là triết lý sống lo xa, chặt chẽ, trật tự, kỷ cương và điều độ, mực thước. Văn hóa tổ chức là kiểu làng nghề, phường nghề với tinh thần “cùng hội, cùng phường” nhằm bảo vệ lẫn nhau. Cùng những cách thể hiện sống và ẩm thực phương Bắc, tạo nên đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ. Văn hóa biển đã đồng hành với người Trung Bộ hội nhập đất Sài Gòn với tinh thần “lên non, xuống biển”, “ăn sóng, nói gió”, cần cù, giỏi chịu đựng, tháo vát, mạo hiểm, triết lý sống năng động, thích ứng nhanh với mọi hoàn cảnh, góp phần tinh hoa riêng của đặc trưng văn hóa biển.
Quá trình định cư của cộng đồng người Chăm ở TP.HCM lại khá lâu dài, quanh co, họ cũng có cùng thời gian di chuyển như các lưu dân người Việt từ miền Trung vào, nhưng lại không phải bằng con đường trực tiếp mà người Chăm đã thực hiện lộ trình dài hơn thế kỷ để qua đất Campuchia, đến An Giang rồi mới ngược lên sài Gòn(6). Sự hiện diện của người Chăm gắn liền với sự hình thành phát triển cộng đồng Islam, chủ yếu ở TP.HCM. Người Chăm sinh sống ở hầu hết các quận huyện TP.HCM(7), nhưng chủ yếu tập trung ở quận 8 với 2 thánh đường ở khu vực cầu Rạch Ông và đường Dương Bá Trạc. Dưới ảnh hưởng của Islam giáo và đời sống đô thị, người Chăm ở Thành phố đã chuyển sang chế độ phụ hệ và có nhiều thay đổi trong sinh hoạt vật chất, tinh thần, song cộng đồng người Chăm vẫn lưu giữ những đặc trưng rất riêng biệt về văn hoá như yếu tố mẫu hệ vẫn thể hiện rõ nét trong mối quan hệ gia đình, dòng họ. Đám cưới vẫn được tổ chức bên nhà Gái, có đến 50% các cặp vợ chồng sau khi cưới, đều về sống ở nhà bên vợ(8) Người Chăm Nam Bộ ở TP. HCM chỉ có một bộ phận nhỏ, khoảng hơn 2000 người sinh sống tập trung ở quận 8. Do cộng đồng người Chăm ở TP. HCM hầu hết là theo Hồi giáo, nên văn hóa tinh thần của họ chủ yếu chịu ảnh hưởng Hồi giáo.
Cộng đồng người Khmer có mặt khá sớm ở vùng Nam bộ, có sắc thái văn hoá riêng biệt. Văn hoá của người Khmer Nam Bộ cũng được coi là một thành phần của văn hóa Nam Bộ. Trong quá trình cộng cư và tương tác văn hóa với các tộc người khác, cộng đồng người Khmer Nam Bộ nói chung và cộng đồng người Khmer ở TP. HCM đã góp phần làm văn hóa Tp. HCM phong phú hơn về sắc thái. Tuy nhiên ở TP. HCM, người Khmer đã thay đổi nhiều cách sống cũng như tâm thức. Phum, Sóc (Sroc) không còn là điểm định cư đặc trưng cho khung xã hội tộc người và ngôi chùa cũng không còn là trung tâm duy nhất sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, xã hội truyền thống của người Khmer ở TP. HCM nữa. Mặc dù tôn giáo chính của họ vẫn là Phật giáo Theravada, song do họ sinh sống rải rác hầu như tất cả các quận huyện của TP. HCM(9) theo những nhóm nhỏ, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng khá nhiều yếu tố văn hoá, tôn giáo của người Hoa, người Việt nên các dạng thức văn hoá vật chất, tinh thần của người Khmer ở TP. HCM có nhiều thay đổi như nhà ở, trang phục, ẩm thực, nghi lễ truyền thống… Có thể nói, văn hóa Nam Bộ TP. HCM đã có thiết chế chặt chẽ, mang tính bản địa, có bản sắc riêng là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, các quá trình sau chỉ bổ sung làm phong phú, đa dạng hơn mà thôi. Trên phương diện địa – văn hóa, Sài Gòn – TP. HCM là cửa ngõ của giao lưu văn hóa Đông – Tây tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp thu, hội nhập các tinh hoa của nền văn hóa thế giới, giá trị văn hóa của thời đại. Trong lịch sử, người dân Sài Gòn – TP.HCM tiếp nhận 3 làn sóng văn hóa ở những thời đại khác nhau. Thế kỷ XVI, qua những nhóm quân “phản Minh, phục Thanh” từ Trung Hoa đã tìm đến vùng đất Tây Nam Bộ lánh nạn và mang theo dòng văn hóa Trung Hoa cận đại hội nhập văn hóa Nam Bộ. Người Hoa có 474.712 nhân khẩu chiếm tỷ lệ 14,41% tổng dân số thành phố(10). Vì tính phức tạp của tên gọi người Hoa và tính không thống nhất nhóm ngôn ngữ địa phương của họ, nhóm nghiên cứu xin chia sẻ định nghĩa về người Hoa của Tác giả Nghị Đoàn trong bài viết về “Truyền thống cách mạng của đồng bào người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh”: “Người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh là những người lao động bị áp bức, sớm có mặt trên vùng đất mới từ thuở còn hoang vu, đã góp công khai phá và xây dựng thành phố. Trong quá trình lao động và xây dựng, qua nhiều thế hệ, môi trường xã hội và cuộc sống, đã tạo nên mối quan hệ ngày càng gắn bó, chân thật và giàu tình thương giữa đồng bào Hoa với đồng bào Việt. Cuộc sống đoàn kết, chan hoà, đồng cam cộng khổ, sinh cơ lập nghiệp lâu dài trên mảnh đất qua nhiều thế hệ đã làm người Hoa trở thành người bản xứ và thật sự đã trở thành người làm chủ tại chỗ một cách tự nhiên”(11).
Theo nhà xã hội học Mạc Đường, vị trí xã hội của người Hoa là công dân Việt Nam và là một chủ thể của TP.HCM đã được khẳng định trong lịch sử hàng trăm năm qua và biểu hiện rõ nét nhất từ những năm sau 1975(12). Người Hoa ở TP.HCM bao gồm những nhóm cộng đồng theo ngôn ngữ địa phương như: nhóm Quảng Đông (chiếm 56,5% trong tổng số người Hoa ở thành phố); nhóm Triều Châu (34%); nhóm Phúc Kiến (6%); Hải Nam (2%); nhóm Hẹ (2%). Người Hoa có mối quan hệ đồng hương và họ hàng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở Đông Nam Á. Người Hoa ở TP.HCM cũng có một môi trường văn hoá riêng mang đậm sắc thái của văn hoá Trung Quốc từ cung cách làm ăn, phương cách sống, nhân cách ứng xử cho đến các ngày lễ truyền thống (Nguyên tiêu, Hàn thực, Thanh minh, Đoan ngọ, v.v.). Song trong quá trình cộng cư, văn hoá người Hoa cũng biến đổi và mang nhiều sắc thái văn hoá của người Việt và “tạo thành một bộ phận quan trọng trong văn hoá thành phố Hồ Chí Minh”(13). Trong quá trình sinh sống, người Hoa đã phát triển mạnh mẽ tạo nên bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng người Hoa ở TP.HCM. Văn hóa người Hoa góp phần đa dạng về tôn giáo, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ.
Khi thực dân Pháp chiếm Sài Gòn (1861), dưới chiêu bài “bảo hộ”, văn hóa Tây Âu xâm nhập mạnh vào xã hội ở đây. Bỏ qua những yếu tố tiêu cực của chủ nghĩa thực dân, những nhân tố tích cực của văn hóa Tây Âu đã được truyền tải bởi những người Pháp: kỹ sư, bác sỹ, Linh mục, nhà khoa học, v.v.. Tinh thần phương Tây đã được gieo trồng trên mảnh đất Sài Gòn, tạo thành luồng gió văn hóa mới với các lĩnh vực tri thức: Triết học, tôn giáo, mỹ học, khảo cổ, văn chương, v.v.. Linh mục Thiện Cẩm nhận xét xác đáng rằng: “Không có sự hội nhập hay nhập thể của tinh thần Kito giáo vào văn hóa Việt Nam, thì vẫn có một nền văn hóa Việt Nam với tất cả vẻ đẹp và tính chất độc đáo của nó, nhưng sự nhập thể của Kito giáo vào nền văn hóa nước ta đã làm cho nền văn hóa ấy trở nên phong phú, đa dạng, cũng như Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo đã làm trước kia. Trong sự hội nhập này, không có cái gì mất đi, trái lại, cả văn hóa Việt Nam lẫn các tôn giáo, và đặc biệt ở đây là Kito giáo, đều có thêm được những nét độc đáo của mình”(14). Những năm 60 của thế kỷ XX cùng với sự hiện diện của người Mỹ, chủ yếu quân đội, văn hóa Mỹ đổ bộ vào Sài Gòn. Một làn sóng văn hóa phương Tây hiện đại với cả tính tích cực và tiêu cực đã hiện diện: chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy nghiệm, cùng lối sống sùng bái vật chất, thực dụng, với các phong trào hippy, hiện sinh,… tạo nên môi trường văn hóa hỗn độn có nguy cơ đảo lộn, phá vỡ cội nguồn, gốc rễ văn hoá bản địa. Nhưng văn hóa Sài Gòn đầy bản lĩnh đã thể hiện được nội lực của mình, biết “gạn đục, khơi trong”, tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hóa phương Tây hiện đại: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật công nghệ, Thương mại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình, thoát khỏi nguy cơ vong bản, nô dịch về văn hóa, vừa làm giàu có, phong phú hơn nền văn hóa về mặt khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thương mại…
Sau ngày thống nhất đất nước, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa TP.HCM đã giao lưu, hội nhập vào dòng văn hóa chung cả nước của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và anh em, bè bạn khắp năm châu. Ngoài cuộc đấu tranh tư tưởng chống lại những di hại văn hóa độc hại cũ, văn hóa TP.HCM đã hướng tới nền văn hóa mới, con người mới, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những khái niệm: văn hóa mới, con người mới được thể hiện trong phong trào văn hóa thiết thực: người tốt, việc tốt, thanh niên xung phong, khu phố, làng văn hóa, sống và làm việc theo pháp luật (tinh thần thượng tôn pháp luật), cùng những thiết chế văn hóa mới: nhà văn hóa, nhà truyền thống, câu lạc bộ, bảo tàng cách mạng, thư viện, công viên, khu giải trí. Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, TP.HCM đã vững vàng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành trung tâm lớn để hợp tác, đối thoại trong tư thế toàn cầu hóa. Dự báo, về mặt văn hóa, TP.HCM sẽ là nơi tiếp tục đón nhận nhiều luồng văn hóa mới, có thể là rất mới và xa lạ từ khắp thế giới, chứa đựng cả cơ hội lẫn thách thức. Lịch sử văn hóa TP.HCM cũng đã chứng minh, văn hóa Sài Gòn luôn đầy bản lĩnh để tiếp thu chọn lọc những giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời giải mã thành công những thách thức về văn hoá, lối sống. Trên cơ sở xem xét sự chuyển động, tiếp biến, dung hợp và tích tụ từ truyền thống đến hiện đại của toàn bộ nền văn hoá TP.HCM, có thể rút ra những đặc trưng như sau:
Thứ nhất, tính chất văn hóa toàn cầu.
Quá trình lịch sử văn hóa TP.HCM là quá trình tiếp thu, hội nhập các luồng văn hóa khắp nơi, nền văn hóa TP.HCM hiện nay bao chứa nhiều yếu tố văn hóa trên thế giới. Đặc biệt là xu thế toàn cầu. Hiện nay, việc mở cửa , hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều luồng văn hóa mới, hiện đại tiếp tục được chấp thuận du nhập vào đời sống văn hóa xã hội, tạo nên tính muôn mặt, muôn vẻ của văn hóa thành phố. Ngoài lĩnh vực văn học, nghệ thuật, âm nhạc đương đại, lối sống, ẩm thực mới thì một số xu hướng văn hoá mới đã xuất hiện như một hiện tượng lạ, làm rõ thêm tính chất toàn cầu của văn hóa TP.HCM.
Thứ hai, tính cởi mở, khoan dung, năng động và không kỳ thị văn hóa.
Được mệnh danh là “vùng đất lành chim đậu”, trong lịch sử và hiện tại, ở TP.HCM không có bất cứ thái độ kỳ thị văn hóa hay tôn giáo nào. Mọi luồng văn hóa, mọi yếu tố văn hóa đều được chấp nhận, được tích hợp, chọn lọc và được biến đổi, thích ứng trở thành văn hóa TP.HCM, và cũng là kết quả của tinh thần nghĩa hiệp, phong cách phóng khoáng, ý thức khoan dung trong phẩm chất chung của người Sài Gòn – Nam Bộ.
Trần Bạch Đằng đã từng nhận xét: “Hầu hết tác giả và nghệ sỹ, nghệ nhân tuy mang tên Sài Gòn nhưng xuất xứ từ nhiều địa phương, thậm chí, số người chính cống Sài Gòn thật ít ỏi. Tận hôm nay, thực tế ấy vẫn tiếp diễn và chẳng có gì đặc biệt khi chúng ta biết vị trí chính trị, kinh tế, văn hóa của TP.HCM như mọi thành phố lớn khác khắp thế giới. Thợ may, thợ đóng giày đẹp nhất nước gọi là “thợ Sài Gòn” nhưng hầu hết quê tận sông Hồng. “Phở Sài Gòn” nay rất nổi tiếng đều do tay người Bắc nấu”(15).
Các tôn giáo được xem như là một hiện tượng văn hóa theo cách hiểu dân dã: “Đạo nào cũng tốt, cũng là mưu cầu điều tốt đẹp cho con người. Mọi tôn giáo ở TP.HCM không bị kỳ thị, được sống chung, hòa thuận bên nhau. Song, những sắc thái văn hóa tôn giáo không thể làm thay đổi bản sắc văn hóa dân tộc, chúng chỉ là sự bổ sung thêm những giá trị mới cho nền văn hóa và cho chính bản thân chúng”(16). Tôn giáo mới ở TP.HCM cũng được thừa hưởng tinh thần đó. Chúng chưa được chấp nhận, song không hoặc chưa bị phản ứng từ phía cộng đồng xã hội, như trường hợp tôn giáo mới ở châu Âu – Bắc Mỹ những năm 60 – 70 của thế kỷ XX.
Thứ ba, bản lĩnh cao, nội lực mạnh mẽ của văn hóa.
Bản lĩnh và nội lực của một nền văn hóa trước hết là những giá trị bản sắc tinh thần của cộng đồng văn hóa đó, chúng nằm ở tầng sâu nhất có khả năng tiếp biến, hội nhập những hiện tượng, xu hướng văn hoá khác biệt, từ bên ngoài một cách chọn lọc theo khung giá trị, bản sắc luôn ổn định. Văn hóa TP. HCM có một hệ thống những giá trị bản sắc tinh thần vững chắc, như truyền thống yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái, tinh thần nghĩa hiệp, phóng khoáng, dám nghĩ, dám làm, khoan dung, vị tha, dễ thích ứng với hoàn cảnh… đã hình thành bản lĩnh, nội lực văn hóa. Đây cũng là những giá trị bản sắc tinh thần của người Việt Nam nói chung, song chúng thể hiện ở TP. HCM mạnh mẽ hơn, quyết liệt và rõ ràng hơn. Nhờ bản lĩnh cao mà văn hóa TP. HCM có thể tự tin rộng mở, tiếp thu mọi luồng văn hóa, tôn giáo ở khắp mọi nơi mà không sợ bị vong bản hoặc mai một, chủ động, sáng tạo trước mọi thách thức, mọi va chạm về văn hóa, tôn giáo cũng như dám thay đổi, làm mới bản thân trước các cuộc giao lưu, tiếp biến văn hóa. Bản lĩnh, nội lực văn hóa ở TP. HCM đã được thử thách, tôi luyện trong lịch sử các cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa. Bản lĩnh, nội lực còn có khả năng tỏa sáng và lan rộng khắp nơi, vì vậy, các trào lưu văn hoá mới có thể du nhập hoặc xuất hiện ở TP.HCM dễ dàng song chúng sẽ phải chịu sự nhào nặn của văn hóa bản địa ở TP. HCM.
__________
(1) Nguồn: http://pso.hocm.gov.vn/. Niên giám thống kê 12/2011 Tp.HCM.
(2) Nguồn: http://pso.hocm.gov.vn/. Niên giám thống kê – dân số lao động 12/2011 Tp. HCM.
(4) Theo: Trương Văn Chung, Đinh Thiện Phương. Mối quan hệ giữa văn hóa và công giáo (trường hợp văn hóa Công giáo ở Tp.HCM ). Tạp chí Phát triển nhân lực. Số 05, 2012. Tr. 32,33.
(5) Xem: Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh – con người và văn hoá trên đường phát triển. Nxb Trẻ, TP.HCM, 2002, tr.18.
(6) Có giả thuyết cho rằng, nhiều nhóm người Chăm ở vương quốc Chămpa di dân từ rất sớm, ngay từ năm 1471, họ đã đến sinh sống tại các đảo thuộc Malaysia, Indonesia. Sau đó một số lại di chuyển sang Thái Lan, Campuchia rồi mới định cư tại An Giang Việt Nam. (Xem đề tài khoa học: Nguyễn Tấn Đắc và Tôn Nữ Quỳnh Trân (chủ nhiệm đề tài). Cộng đồng Hồi giáo ở thành phố Hồ Chí Minh và mối quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Tp.HCM, 2000, tr.48).
(7) Theo số liệu của Hiệp hội Chăm Hồi giáo Việt Nam, số người Chăm ở thành phố HCM theo các năm 1976: 4.607; năm 1988: 4.470; 1991: 4.504 nhân khẩu. Theo thống kê của Chi cục thống kê thành phố 2005 chỉ có 2.991 nhân khẩu.
(8) Theo: Ngô Văn Lệ. Văn hoá Chăm nhìn từ khía cạnh tôn giáo. Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hoá Chăm tại trường Đại học Tổng hợp. Tp.HCM, 1995.
(9) Theo thống kê của Ban tôn giáo Tp. Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 1998, người Khmer cư trú rải rác ở hầu hết các quận huyện, song tập trung đông nhất ở quận Tân Bình (589 nhân khẩu), quận 6 (356), quận Bình Thạnh (318).
(10) Theo: Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số TP.HCM. Số liệu điều tra năm 1994.tr 37.
(11) Theo: Nghị Đoàn. Truyền thống cách mạng của đồng bào người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr.146.
(12) Theo: Mạc Đường. Xã hội người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 – tiềm năng và phát triển. Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, 1994, tr.24.
(13) Theo: Mạc Đường. Xã hội người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 – tiềm năng và phát triển. Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM, 1994, tr.98.
(14) Xem: Thiện Cẩm. Có chăng một nền văn hoá Công giáo Việt Nam? Tài liệu lưu hành nội bộ. Huế, 2000, tr.31.
(15) Theo: Trần Văn Giàu ( chủ biên ). Địa chí văn hoá Thành phố Hồ Chí Minh. t.1. Nxb Tp.HCM,1987, tr.623.
(16) Theo: Phan Xuân Biên. Miền đông Nam bộ- Con người và văn hoá. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2004.
Trích dẫn tệp PDF từ: Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đặc trưng văn hoá của Thành phố Hồ Chí Minh – Một quá trình tiếp biến, chuyển đổi và tích tụ (Tác giả: Trương Văn Chung; Trương Phan Châu Tâm) |