Đặc trưng văn hóa người Việt ở Nam Bộ qua phong cách ngôn ngữ

CULTURAL CHARACTERISTICS OF PEOPLE IN THE SOUTHERN
OF VIETNAM VIA THEIR LINGUISTIC STYLES

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ  ĐẶNG NGỌC LỆ
(Trường Đại học Văn Lang)
Tiến sĩ  HUỲNH CÔNG TÍN (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT

     Một số nét đặc trưng văn hóa của người Nam Bộ được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thừa nhận, như: “biểu hiện sông nước” trong ngôn ngữ giao tiếp; mối quan hệ cộng đồng và lối ứng xử “điệu, đạo” của họ nhằm nêu bật “tính trọng nghĩa”, lẽ công bằng; “tính bộc trực”, thẳng thắn, bình đẳng trong quan hệ ứng xử giữa người với người; “tính bao dung”, sự tha thứ trong quan hệ xã hội cộng đồng, làng xóm; cùng “tính thực tiễn” với đầu óc thực tế, chuộng lợi ích vật chất thiết thực hơn những suy nghĩ ảo vọng… đã tạo nên một hệ thống đặc trưng tính cách có mặt tích cực, lẫn mặt hạn chế trong đời sống. Xét từ bình diện “phong cách ngôn ngữ”, những nét đặc trưng văn hóa Nam Bộ này được thể hiện như những phẩm chất đẹp truyền thống không chỉ trong suy nghĩ, hành động cá nhân; mà còn được biểu hiện sâu rộng trong ứng xử văn hóa cộng đồng trên bình diện “giao tiếp” và trên bình diện “sáng tác nghệ thuật” của họ.

Từ khóa: đặc trưng; văn hóa; phong cách; ngôn ngữ; Nam Bộ.

ABSTRACT

      Some cultural characteristics of people in the Southern of Vietnam are recognized by many cultural researchers, such as: “the river, water expression” in their communication language; their community relationships and their “tone, virtue” highlight “the gratitude” and fairness; “the straight-forwardness”, straight, equality in behaving in interpersonal relationships; “the tolerance”, forgiveness in social community and village, neighbour relations; and “the practicality” with a realistic mind, preferring practical material benefits over delusional thoughts… has created a system of particular characteristics that have positive and negative aspects in their lives. From the aspect of “linguistic style”, these cultural characteristics in the Southern of Vietnam are expressed as traditional beautiful qualities not only in their personal thoughts and actions, but also expressed deeply in their behavioral culture on the aspect of “communication” and on the aspect of their “artistic creation” as well.

Key words: characteristics; culture; style; language; the Southern of Vietnam.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Con người trong mối quan hệ tổng hòa với tự nhiên và xã hội vừa là chủ thể vừa là khách thể trong thế giới khách quan. Là chủ thể, trong chừng mực con người tác động và làm thay đổi thế giới khách quan theo nhận thức của mình. Là khách thể, con người cũng chịu sự tác động của thế giới khách quan mà hình thành nên tính cách ứng xử của mình trước thực tại. Mối quan hệ hai chiều này làm nên tính cách văn hóa con người. Với người Nam Bộ, tuy họ là người Việt, nhưng trong mối quan hệ tiếp xúc với tự nhiên và xã hội của vùng đất phương Nam theo chiều dài lịch sử dần hình thành trong họ một số đặc trưng văn hóa. Những đặc trưng văn hóa của người Việt ở Nam Bộ qua phong cách ngôn ngữ, được xét như một hệ thống tính cách văn hóa, theo nhận định khái quát của Giáo sư Trần Ngọc Thêm: “Tính cách văn hóa và tính cách tập thể, tính cách con người giống nhau ở chỗ cùng chứa những phẩm chất tinh thần tương đối bền vững thuộc con người, nhưng khác nhau ở chỗ, bên cạnh đó, tính cách tập thể, tính cách con người chứa đựng cả cái phi giá trị (ví dụ như tính hiếu chiến, thói lười nhác…); còn tính cách văn hóa thì không chứa cái phi giá trị nhưng chứa đựng cả cái chỉ có liên quan đến con người” [7].

2. Nội dung

     Trên đại thể, tính cách văn hóa người Việt ở Nam Bộ có rất nhiều biểu hiện được ghi nhận từ nhiều nhà văn, giới biên khảo, người nghiên cứu, như: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phan Quang, Trần Ngọc Thêm, Huỳnh Công Tín, Nguyễn Ngọc Tư… Qua phong cách chức năng, một bình diện của phong cách học ngôn ngữ, chúng tôi chỉ đề cập một số đặc trưng nổi bật, như những thuộc tính “đậm nét” của người Việt ở Nam Bộ được nhiều người nhìn nhận, điều này, hoàn toàn không có ý khẳng định đây là những thuộc tính chỉ riêng có ở người Nam Bộ. Những thuộc tính này bao gồm: tính thực tiễn, tính trọng nghĩa, tính bộc trực, tính bao dung, tính thiết thực, tính mở thoáng…

     Đất Nam Bộ vốn được nhìn nhận là vùng sông, kênh, rạch chằng chịt. Vì vậy, trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ, rất nhiều cách diễn đạt của người Nam Bộ, đều có yếu tố ngôn từ dính tới địa hình vùng sông nước; đây là cách diễn đạt gắn với tính thực tiễn [7], có tác giả gọi là tính sông nước. Khảo sát nhiều câu ca dao Nam Bộ có yếu tố đưa đẩy, khơi mào câu chuyện ở câu 6, đều được dẫn dắt bởi lớp từ ngữ gắn với địa hình thực tiễn ở đây, như: “Nước ròng trong ngọn chảy ra./ Tin chồng em chết anh bôn ba qua liền”; “Ghe lui khỏi bến còn dầm./ Người thương đâu vắng chỗ nằm còn đây”; “Nước ròng chảy thấu Nam Vang./ Mù u chín rụng, bóng chàng biệt tăm”; “Kinh Xáng mới đào, tàu Tây mới chạy./ Thương thì thương đại, đừng ngại bớ điệu chung tình”; “Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô, nước đẩy./ Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy, cây xanh”; “Ai về Ông Chưởng, Vàm Nao./ Cho em hỏi cá bông lau có còn?”; “Ví dầu cầu ván đóng đinh./ Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi”… “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi./ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.” [1].

     Không chỉ là hình ảnh sông nước gắn liền với sinh hoạt đời sống thường nhật, đôi khi còn là vấn đề hệ trọng liên quan đến sự thích nghi môi trường. Đến ông nhạc gia mừng con rể Sài Gòn lâu ngày về quê vợ, ông không bảo điều gì, mà chỉ nói rằng: “Thằng Hai nghe tía dặn mày./ Có dìa dưới này, nhớ tập lội nghen con!” [8].

     Với người vùng quê, một con vật vùng sông nước cũng có thể thành bạn tri âm, tri kỷ. Trường hợp ông Sáu Đèo bán vé số, tâm sự của ông về cuộc đời và con bìm bịp, trong truyện ngắn “Biển người mênh mông” của Nguyễn Ngọc Tư, không chỉ là tình cảm riêng tư mà khắc họa được hình ảnh người Nam Bộ với nghề sông nước, lâu ngày trở thành “bệnh giang hồ”; dù phải lên bờ, vẫn cố ráng giữ một kỷ niệm sông nước là “con bìm bịp” để đỡ nhớ sông: “Như qua, nhiều lúc phò con bìm bịp nầy như phò bà già vợ vậy mà vui. Đi bán ở đâu, lâu lâu ông cũng tạt về nhà, quăng mấy con cá ươn cho “con quỷ sứ”, xong rồi từ giã: “Tía đi nghen”. Trời mưa dầm, ông già đội áo đi kiếm cóc, rắn mối cho nó ăn. Vui buồn gì cũng tía tía con con. Có đêm con bìm bịp kêu suốt, những tiếng bịp bịp ngắn ngủn buồn thiu thỉu, ông bảo với Phi, nó nhớ sông đó. “Lúc nào qua thấy nhớ sông nó đều kêu như vậy”. Ông kể, hồi trẻ, ông toàn sống trên sông, ông có chiếc ghe, hai vợ chồng lang thang xứ này xứ nọ. Gặp mùa lúa thì gặt mướn, gặp vịt bầy đổi đồng thì chở thuê, gặp rẫy bí, rẫy khóm thì mua về bán lại chợ nổi Cà Mau. Nước ngược cắm sào đậu lại thổi cơm. Bìm bịp kêu, nước bò lên bãi ông cho ghe ra bến. Cuộc sống nghèo vậy mà vui lắm.” [9].

     Một lão nông nuôi vịt chạy đồng từng trải với vùng đất, có con vịt xiêm tên Cộc, thường ngày vẫn là bầu bạn của ông trong cuộc mưu sinh. Trong truyện “Cái nhìn khắc khoải”, người đọc nhận thấy đặc trưng sông nước của vùng đất đồng bằng đã ăn sâu trong tâm lý, tình cảm của mỗi người Nam Bộ: “Tháng chín. Gió chướng non xập xòe trên ngọn dừa. Ông trở về kinh Mười Hai, quê ruột của ông. Chèo gần tới nhà ông thấy một người phụ nữ ngồi dưới bực cỏ đợi tàu. Chiều rồi, tàu cuối chạy lúc ba giờ rưỡi đi qua đã lâu lắm. Dưới ghe ngó lên, mặt người phụ nữ buồn so, buồn như sắp đâm đầu xuống sông mà chết. Ông khập khựng cho ghe đi tới. Qua khỏi đám lá, ông quạt chèo trở lại. Ông hỏi chị nọ đi đâu, chị khóc như mưa bấc,Tôi cũng không biết mình đi đâu”. Lãng xẹt vậy đó. Ông ngại ngần ngó những tia nắng đỏ cuối cùng đậu phía đám dừa nước: “- Cô có sao không?”. Người phụ nữ lắc đầu. Ông biểu chị xuống ghe cho quá giang. Chị vẫn khóc. “- Tôi biết đi đâu mà quá giang bây giờ. Hay… làm ơn cho tôi theo anh đêm nay nghen”. Ông suy nghĩ rất lâu và trả lời một câu nhỏ xíu, trong khi tụi vịt đạp đầu chen nhau dưới sạp bằng tre đóng thưa thớt rộ lên lạc cạc inh ỏi. Đôi chân đàn bà dè dặt bỏ xuống đầu ghe, con Cộc cúi đầu không nói không rằng, lùi lũi lại tính mổ một cái vô chân chị mừng chơi; nhưng ông la: “Cộc! Bị đòn nghen mậy”. Nó dừng lại, đủng đỉnh quay đi. Chị khịt mũi cái sột, lau nước mắt kêu: “Trời, vịt gì mà khôn quá vậy?”. Con vịt ngoắc ngoắc cái đầu lại, ý nói, vịt xiêm chớ vịt gì, thiệt tình” [9].

     Ở truyện “Chiếc ghe ngo”, Sơn Nam lại đưa người đọc về với không khí lễ hội của đồng bào Khmer trên vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Cuộc đua ghe ngo được ông miêu tả hết sức sinh động, hào hứng, đầy tính thực tiễn; không chỉ đơn thuần như một cuộc chơi, mà còn đậm màu sắc phong tục, văn hóa tâm linh: “Thế là sáng hôm sau lục cụ đích thân đọc kinh làm phép cho ghe ngo. Ghe đẩy xuống nước, bao nhiêu trai tráng trong làng reo vang dậy như lân thấy pháo. Sáu mươi bốn cây dầm nhỏ phân phát ra, mỗi người mỗi cây. Trước mũi ghe, cây lộng đỏ giương lên che một cái khay đầy rượu, hương, trầu, hoa quả và một ông Phật bằng vàng lớn cỡ ngón tay cái. Chú phó hương quản được hân hạnh lãnh trách nhiệm chỉ huy cuộc chiến đấu sắp tới. Chú lạy lục cụ rồi đến ngồi ngay mũi ghe, dưới bóng cây lộng. Ba mươi hai cặp thanh niên lực lưỡng từ từ bước xuống, ngồi sắp hàng hai. Be ghe khẳm, ngang mí nước, tưởng chừng xê xích một phân nữa là chìm. Nhưng không đâu, chú phó hương quản đã vấn chiếc khăn nhiễu đỏ lên đầu rồi đánh vào cái cồn nhỏ: “- Môn! Môn! Môn!”. Đoàn lực sĩ hạ dầm xuống khoát nước, nhịp nhàng. Chiếc ghe ngo phóng từng bực rồi nổi lên cao khỏi mặt nước. Nước văng trắng xóa hai bên. Tiếng cồn càng thêm nhặt. Rồi im bặt. Lúc ấy người ta thấy chú phó hương quản nâng cây dầm lên cao khỏi đầu, bơi trong không khí...” [9].

     Trong cuộc phiêu lưu đi mở đất, khai hoang; người dân Nam tiến không còn dựa vào tình thân gia tộc, kiểu “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, mà cần xác định một nguyên tắc sống mới thích hợp với vùng đất “tứ chiếng”, là “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Khái niệm “mua bán” này được hiểu, phải xây dựng mối quan hệ xã hội, tình người, dựa trên nguyên tắc của lẽ công bằng, tính trọng nghĩa. Hai khái niệm “đạo” (đạo lý) và “điệu” (điệu nghệ), được vận dụng thường xuyên trong cuộc sống của những người Nam Bộ đi khai hoang mở đất. Đoạn đối thoại giữa cô Huôi (bà chúa Hòn) với Tư Thiện trong tiểu thuyết “Bà Chúa Hòn” của Sơn Nam, cho thấy tính cách ngườiphụ nữ Nam Bộ; tuy là một “bà Chúa” nhưng vẫn có những suy xét thấu lý đạt tình, phản ánh được nếp sống đạo và điệu bằng tinh thần trọng nhân nghĩa, khinh tiền tài. Trong sâu thẳm tâm hồn, bà chúa vẫn thấu hiểu định mệnh; bà muốn có một cuộc sống hiền lành, nhân hậu như cha mình: “Thưa cô, cô tránh về đâu?/ Đôi mắt cô Huôi trở nên mơ màng: Về quê, ở với cha. Cha tôi hiền lành và khôn ngoan lắm. Ông không bao giờ đòi hỏi địa vị, danh vọng. Năm ngoái, tôi giúp ông một số tiền. Tuổi già, đâu cần ăn uống, rượu thịt. Ông đem tiền ấy trao cho một ông đạo, nhờ xây cất một ngôi chùa nhỏ. Tôi về ngôi chùa đó, xem thử còn thiếu sót điều gì không? Hoặc là cần dùng ít tiền nhưng mấy tháng qua, sư sãi không cho tôi biết” [3].

     Thêm lời tâm sự của ông hương giáo với thằng Kìm (“đệ tử” Tư Lập) về Tư Lập trong truyện ngắn “Hương rừng” của Sơn Nam đã phác họa được đôi nét về tính cách những con người Nam Bộ, có chí tang bồng mà Sơn Nam gọi “bịnh giang hồ” như Tư Lập. Họ luôn suy luận trên lập trường của người chọn lẽ phải, không nghĩ tới quyền lợi cho mình, mà luôn trọng nghĩa khinh tài: “Ta hiểu lắm. Dù sao, trở về lần này, Tư Lập cũng đã tỏ ra có nghĩa! Ai nỡ câu thúc chí trai của mình trong một xó để đổi lấy chữ nhàn? Ai nỡ bỏ cái danh dự để mua chuộc một chức tước quý phái huyền ảo. Từ xưa, tằng tổ của ta cũng vì khí khái ấy mà phò Chúa, xiêu lạc đến đây! Bây giờ ta yếu lắm rồi. Dầu muốn bắt chước Tư Lập, ta cũng không còn sức lực để bắt chước. Gia thế của ta, thiên hạ đã rõ. Câu thúc Tư Lập ở mãi tại đây chăng? Ta chỉ là người hương giáo, quyền hạn gì? Ừ! Tội là tội cho Hoàng Mai. Năm nay, nó ngồi một chỗ, không còn đủ sức mà ra thăm cội hoàng mai trước ngõ như hồi Tư Lập biết” [5].

     Nhiều người Nam Bộ yêu cuộc sống tự do, thích xuôi ngược đây đó; biết thương anh em cùng khổ, ghét áp bức bất công; biết trọng nhân nghĩa, khinh tiền tài. Thời kỳ trước 1945, ngay cả giới “anh chị” Nam Bộ, như hai anh em cùng cha khác mẹ Ba Dương – Năm Hà; tuy là tay anh chị có máu mặt vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, thủ lĩnh bộ đội Bình Xuyên, trọng võ hơn văn, nhưng vẫn biết tụ nghĩa anh em làm nên cơ nghiệp: “Ba Dương nhờ nghề chăn vịt mà đi khắp nơi, từ Nhà Bè qua Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công… Đến đâu, học võ tới đó. Bao nhiêu ngón nghề hay của các thầy võ nổi tiếng ở các nơi, Ba Dương đều quyết tâm học lấy. Và học tới đâu anh truyền lại cho đám em út. Nhờ vậy mà khi trụ lại ở cầu Rạch Đỉa, Ba Dương đã nổi tiếng là tay giang hồ hảo hớn, dưới tay có cả trăm em út” [2].

     Tính bộc trực, thẳng thắn của người Nam Bộ được ghi như một đặc tính truyền thống lâu đời của quê hương “ông già Ba Tri” thời mở đất. Thuộc tính bộc trực, thẳng thắn khiến cho giao tiếp của người Nam Bộ nhiều khi được nhìn nhận là kiểu nói năng thiếu tế nhị, không nể nang, làm mất tính bặt thiệp trong xã giao. Nhiều ca dao Nam Bộ thể hiện rõ đặc tính này, bởi những người Nam Bộ bình dân thường ăn nói “thật lòng’; không quen cung cách ứng xử đãi bôi, niềm nở bề ngoài, chẳng hạn: “Đàn kêu tích tịch tình tang./ Trôi sông lạc chợ lên quan mấy hồi”; “Nước ròng bỏ bãi xa cừ./ Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”; “Con cua kình càng bò ngang đám đế./ Nhắn chị Hai mày chiều xế tao qua”; “Ăn tương không phải là hiền./ Ăn tương là để dành tiền cho vay”; “Ăn tương không phải là tu./ Ăn tương cho hết cái ngu để chừa”; “Còn duyên tôi cưới con heo./ Hết duyên tôi cưới con mèo cụt đuôi”.

     Người Nam Bộ vốn mang trong mình tập tính tự do, phóng khoáng. Vì vậy, những khuôn mẫu lễ nghi, phong tục nhiều lúc tạo nên sự phiền phức cho họ; khiến họ phản ứng mạnh mẽ, thẳng thừng. Vùng quê sông nước, tuy ít lễ nghi, phong tục; nhưng không phải không có những tập tục ràng buộc nhiều lúc khắt khe, làm cho nhiều người phải bực mình. Như ông Hương Ba nào đó đại diện cho nhà trai, đi rước dâu, bị đàng gái đặt ra nhiều nghi lễ, tập tục; khiến ông không còn đủ kiên nhẫn: “Bỗng ông tộc trưởng trên nhà chống gậy xồng xộc chạy xuống níu tay ông Chánh Khá thở hào hển, vểnh râu, sừng sộ: “Còn lễ trao thân gởi mình, sao không làm hử?””. Tuy rằng, Hương Ba cũng đã khéo “nhẫn”, nhưng cuối cùng ông cũng không chịu được những đòi hỏi quá quắt của nhà gái, nên ông đã có phản ứng: “… Hương Ba bước vội xuống tàu, mặt đang nở như hoa, tự nhiên xanh xám lại, kéo đại ông Chánh Khá theo, đành phải cộc lốc trả lời: “Trao thân… con khỉ mốc!””. Nói xong, ông ra lệnh cho anh tài công tàu “giựt chuông mở máy” [10], khi đã đưa được cô dâu xuống tàu về bên nhà trai.

     Đoạn đối thoại giữa những người trong gia đình chú Tư trong “Mùa len trâu”, có thể làm ngạc nhiên vì cách ăn nói có vẻ quá “bình đẳng, dân chủ” trong một gia đình. Người nghe hơi khó chịu vì thiếu tính “lễ nghi, thứ bậc, tình cảm” cần có. Nhưng trong cách nói năng người Nam Bộ, điều ấy cũng bình thường. Vì sự bộc trực, thẳng thắn vốn là nét tính cách của họ. Điểm chính là sự chân thật trong tình cảm các thành viên: “Chú Tư Đinh lại vấn điếu thuốc thứ nhì, mỉm cười khi thấy từ chân trời một cơn mưa to hơn sắp kéo đến: “Ừ! Mưa hoài đi. Ông trời năm nay biết điệu, thuận mùa, thuận tiết…”. Thím Tư như phản đối chồng: “Mưa vài đám nữa thì có môn leo lên nóc nhà mà ở. Ba cái lu, cái hũ trôi lểnh nghểnh trong nhà rồi, ba nó chưa hay sao? Gạo hết, tiền hết…”. […] Chú Tư chờ thằng Nhì vào nhà. Nó cổi cái áo ướt mem quăng trên sàn: “Xung quanh đây hết cỏ rồi. Làm sao bây giờ hả ba? Trâu đói nữa, con mắt nó đổ ghèn hoài”. Chú nói: “Bên giòng cát Sóc Xoài… Mày có qua tới đó không?/ – Có. Mà hết cỏ rồi. Mấy lõm cỏ sau chùa không đủ cho trâu bò ở đó ăn, đâu có dư tới mình. Trâu mình ốm nhiều. Từ đây tới nước giựt còn trên ba tháng nữa, làm sao chịu nổi?/ – Hồi đầu mùa, tao biểu giao trâu cho họ len đi miệt khác kiếm cỏ. Má mày ngăn cản. Bây giờ tới nước này rồi…” [5].

     Hay đoạn đối thoại của hai người cùng xóm giữa ông Chòi Mui và Năm Pho, dù có chênh lệch tuổi tác, nhưng họ hoàn toàn không cần tuân thủ phép xã giao, giữ thế lịch sự tối thiểu trong giao tiếp thường nhật: “Có người ghé xuồng ngay bến. Không cần dòm ra, ông dư biết là Năm Pho, người láng giềng gần nhứt, cách một con kinh nhỏ chừng năm trăm thước. Chưa kịp phủi mấy giọt mưa đọng trên mặt, trên vai áo, Năm Pho đã vội lên tiếng: “Ông già nãy giờ nói chuyện với ai vậy? Bộ có giấu bà nào trong mùng hả? Hèn chi tui nghe ông hát, thiệt hết sức muồi!”. Ông cười: “Có thuốc rê cho tao một điếu. Buồn, hát một mình. Mấy bữa rày túng quá. Sao? Có chuyện gì lạ không?...” [5].

     Tính cách văn hóa của người Việt ở Nam Bộ còn là sự bao dung tha thứ, chấp nhận sự đa dạng trong khái niệm văn hóa tâm linh hội đồng; trong ứng xử không trói buộc mà luôn trong tâm thế cởi mở, như Ca dao Nam Bộ có câu: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng./ Đấng anh hùng đừng oán mới hay.”. Một “lão Khăn Đen” trong truyện dài “Xóm Bàu Láng”. Tuy là chúa đảng cướp, nhưng cách xử sự của lão với mọi người xung quanh vẫn theo quy luật hào hiệp, tính bao dung, tha thứ; sẵn sàng bỏ qua những lầm lỗi; bản chất vốn tiềm ẩn ở mỗi con người Nam Bộ, dù là giới giang hồ. Có thể nói, cai tổng Biện là “kẻ thù” lão Khăn Đen, sau những năm tháng cai tổng ngồi tù ra gặp lại lão Khăn Đen, lão vẫn niềm nở mời vào nhà, có những lời tâm sự rất chí tình với ông cai Tổng, thể hiện được tính bao dung ở con người lão, biết nhìn nhận phải trái và lẽ công bằng: “… Nói thiệt với ông anh, xưa kia tôi lỡ tay giết cha thằng Mến. Tôi hứa chuộc tội, cho thằng Mến với con Lài thành vợ chồng. Con Lài là tình nhân của thằng Mến hồi còn ở Hà Tiên. Ông Cai đừng hờn giận tụi nó. Cai tổng Biện trợn mắt: “Gia tài của tôi bị người ngoài sang đoạt. Biểu tôi đừng giận sao được./ – Có cái gì mà sang đoạt! Tụi nó bây giờ đang trả quả, nói theo lời nhà Phật. Ông anh đừng nóng. Có lẽ khi về già, tụi nó khổ bằng mười lần anh em mình. Mà anh em mình sống thui thủi như vầy cũng là trả quả, tôi là đứa sát nhân. Còn ông anh thì xin miễn nói”. [4].

     Trong rất nhiều vở tuồng cải lương Nam Bộ, khởi đầu đều là những xung đột dữ dội, nhưng rồi cũng theo tâm lý bao dung của khán giả Nam Bộ, mà các vở tuồng đều xây dựng trên kết cục tha thứ; người có lỗi cũng biết khách quan nhìn nhận lỗi lầm của chính mình. Như vở “Mười lăm năm ly hận”. Đây là vở cải lương tuồng tâm lý xã hội miền Nam của hai soạn giả nổi tiếng Hà Triều và Hoa Phượng. Tuồng cải lương từng được thể hiện qua vai diễn của những nghệ sĩ tên tuổi trong làng sân khấu cải lương Việt Nam, như: Thành Được vai Cai tổng Thân; Út Bạch Lan vai vợ Minh; Út Trà Ôn vai Trần Văn Minh, người tù Côn Đảo; Út Hậu vai Hoàng, con Minh; Ngọc Giàu vai Huỳnh Hoa, con Thân; Hề Minh vai bác Năm… Nội dung tuồng đề cập tình cảnh gia đình Trần Văn Minh. Minh bị bắt kết tội là nghĩa binh Trương Định do sự vu khống của cai tổng Thân, nhằm cướp người vợ trẻ đẹp của Minh. Minh bị kết án tù chung thân đày đi Côn Đảo. Vợ Minh dù thương chồng, nhưng nghĩ tới giọt máu của Minh nên không thể quyên sinh. Khi chồng xuống tàu đi đày, cai tổng Thân tiếp tục chèn ép và ve vãn; vợ Minh không còn phương cách sống nên đành đi tiếp bước nữa. Bà lấy Thân và sinh thêm một gái là Huỳnh Hoa. 15 năm sau, cai tổng Thân giờ đã lên chùa đi tu. Minh được tha về đất liền gặp lại bác Năm. Bác Năm vì căm tức chuyện đời, nên nói cho Hoàng, con Minh biết nguồn cội. Hoàng biết được sự việc nên rất giận dữ quyết tìm cha nuôi trả thù, dù trước khi biết sự việc cậu là đứa con hiếu nghĩa biết thương ông. Kết thúc vở tuồng, tất cả họ gặp lại nhau tại chùa, Hoàng nhất định trả thù Thân, nhưng Minh khuyên con dừng lại. Còn Thân nhận tội, sẵn sàng chịu tội trước sự căm thù của cha con Hoàng. Ông định tự tử để đền tội lỗi đã gây ra, thì con gái Thân van xin ông đừng chết; cô cũng xin ông Minh mở vòng đại lượng tha thứ cho cha mình và xin anh Hoàng nên nghĩ tình nuôi dưỡng, tình anh em mà tha tội chết cho cha. Minh cũng khuyên con cởi bỏ oán thù và theo ông về quê nội nương náu.

     Người Nam Bộ vốn là hậu duệ của những cư dân Nam tiến không mơ mộng viễn vông, không lãng mạn, ảo tưởng; luôn nhìn đời bằng đầu óc thực tế, chuộng những giá trị thiết thực hơn những giá trị huyễn hoặc, xa vời. Nhiều câu ca dao Nam Bộ thể hiện rõ nhu cầu vật chất trong nhận thức của những lưu dân đến vùng đất này xuất phát từ nhu cầu vật chất cơm áo, gạo tiền. Với họ thực tiễn bao giờ cũng là cơ sở của ước mơ: “Mẹ mong gả thiếp về vườn./ Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”; “Nhà anh cột táng, ván suông./ Liễn treo bốn bộ, em buồn chuyện chi”; “Em đi miệt đó khó về./ Gặp người sang trọng chắc chê anh nghèo”.

     Cuộc sống mang lại cho con người quan niệm và kinh nghiệm ứng xử, ở đời. Con người sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội nào thì chính môi trường ấy sẽ định hình một sự cảm nhận riêng cho họ. Người nông dân vốn quen với chuyện ruộng đồng, sông nước nên nhân sinh quan của họ đôi khi có khác với người thành thị. Cùng một sự việc nhưng vẫn là hai quan niệm: Người vùng miền khác thì cho rằng: “Trên đời bốn thứ nhàn du: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”; với người Nam Bộ thì: “Ở đời có bốn cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”.

     Người đời phê phán họ vì sự an phận thủ thường, chuộng cuộc sống nghèo mà nhàn tản; hơn sự phấn đấu vươn lên trong mỏi mệt, mà họ cho vô nghĩa: “Mần cho lắm cũng mắm kho cà./ Mần thấy bà cũng cà kho mắm./ Mà mần cho lắm tắm cũng không có quần thay./ Mần lai rai một ngày thay hai ba bộ”.

     Chịu ảnh hưởng của vùng đất mình sống nên sinh hoạt người dân quê cũng như bao người Nam Bộ khác chuộng sự nhàn hạ, phóng túng, bằng lòng với cuộc sống, nếp sinh hoạt nông thôn bình dị mình có. Không hề có sự so sánh, trông xa để ganh đua với đời. Lối sống này có cái hay là tạo cho con người nếp sinh hoạt phong lưu, vô ưu; nhưng không có tác dụng nhiều trong sự phấn đấu, thúc đẩy sự vươn lên của chính mình trên con đường công danh, sự nghiệp: “Công danh hai chữ mê mê. /Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông”.

     Đôi khi, họ cũng có chút hoài bảo, mơ mộng; nhưng những suy nghĩ này cũng được đặt trên nền tảng của thực tiễn lao động bằng nghị lực phấn đấu bền bỉ của chính họ. Vẫn biết rằng, canh tác ở vùng đất mới buổi đầu không dễ; không phải ước mơ làm họ không chùn chân; mà chính nhu cầu vật chất khích lệ họ dấn thân, hy sinh dù phải mất khoảng thời gian dài. Bởi canh tác trên vùng đất Nam Bộ buổi đầu không dễ; có dễ đi chăng nữa cũng phải dăm ba thế hệ sau, thừa hưởng được sự hy sinh nhiều thế hệ đi trước. Ông nội thằng Cộc có lần dạy nó bài học đầu đời, khi ông đưa cha nó và nó ra biển quan sát rừng Mắm. Từ cảm nhận sự hy sinh của đời cây Mắm, thằng Cộc nhận ra lẽ sống hy sinh của ông và cha nó, mà chấp nhận tiếp tục hy sinh cho đời con cháu nó: “- Bờ biển này mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng, nếu không có rừng mắm mọc trên đất đó cho chắc đất. Một khi kia mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi nó. Rồi sau mấy đời tràm, đất thuần, cây ăn trái mới mọc được. Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:“- Ông với lại tía con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Đời con là đời tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau”. Đời mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu họ hưởng” [6].

     Vẽ ra viễn cảnh tươi sáng, như ông nội thằng Cộc phác họa, cũng có thể khái quát ấy là quá trình khai hoang mở cõi Phương Nam của người xưa: “Ông ôi – nó than – nhưng tràm buồn quá!/ – Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần, ta làm ba mươi công và sẽ gọi dân cấy gặt ở nơi xa tới để phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô Heo sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu” [6].

3. Kết luận

     Tính cách văn hóa Nam Bộ được hình thành trong quá trình khai hoang, mở đất phương Nam của lưu dân Việt vùng Thanh – Nghệ mấy trăm năm trước. Trong quá trình ấy, môi trường tự nhiên và điều kiện xã hội mới đã tác động dần hình thành những đặc điểm riêng mang phong cách văn hóa vùng miền. Trong đó, những đặc trưng hình thành từ điều kiện tự nhiên, như đặc trưng của vùng đồng bằng sông rạch tạo nên tính mở, thoáng của làng xóm, nên những biểu hiện sông nước, tính bộc trực và tính thực tiễn được hình thành. Ngoài ra, sự tiếp xúc của các cộng đồng dân tộc bản địa đã sớm định cư và những cộng đồng người Việt đến sau mà cần có tính trọng nghĩa, tính bao dung để duy trì mối quan hệ xã hội thích hợp cho điều kiện phát triển vùng đất mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Nguyễn Văn Hầu (2004), Diện mạo Văn học dân gian Nam Bộ, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [2] Nguyên Hùng (2005), Người Bình Xuyên, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.

     [3] Sơn Nam (2005), Bà chúa Hòn, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [4] Sơn Nam (2005), Xóm Bàu Láng, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [5] Sơn Nam (2005), Hương rừng Cà Mau, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [6] Nguyễn Q. Thắng (2002), Tuyển tập Bình Nguyên Lộc, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội.

     [7] Trần Ngọc Thêm (Chủ biên, 2013), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     [8] Huỳnh Công Tín (2020), Soạn giả Viễn Châu 120 bài Vọng cổ đặc sắc, Nxb Văn hóa – Văn nghệ.

     [9] Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.

     [10] Phi Vân (2000), Đồng quê, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang, số Số 25, Tháng 01 – 2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đặc trưng văn hóa người Việt ở Nam Bộ qua phong cách ngôn ngữ
(Tác giả: PGS.TS Đặng Ngọc Lệ; TS. Huỳnh Công Tín)