Đại học ghi danh – Lò rèn tri thức

Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học NGUYỄN MẠNH HÙNG

     ĐẠI HỌC GHI DANH ĐÃ ĐẶT RA MỘT SỐ VẤN ĐỀ MỚI MÀ TRONG CƠ CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA KHI ẤY CHƯA KỊP NGHĨ NGỢI RA.

     NGÀY ẤY – MỚI SÁNG TINH SƯƠNG- HÀNG NGHÌN PHỤ HUYNH VÀ HỌC SINH ĐÃ ĐẾN CHEN LẤN ĐỂ NÉM HỒ SƠ VÀO SÂN TRƯỜNG. ĐÓ LÀ HỒ SƠ XIN NHẬP HỌC KÈM THEO HỌC PHÍ, TRONG ĐÓ KÈM THEO NHỮNG BỨC THƯ KỂ LỂ CUỘC ĐỜI VÀ ƯỚC VỌNG.

     PHƯƠNG THỨC TUYỂN SINH QUY MÔ ẤY ĐÃ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ KHI THIẾT LẬP ĐƯỢC BẢN ĐỒ PHÂN LOẠI TRÌNH ĐỘ CÔNG CHÚNG TỪNG VÙNG MIỀN- SAU HƠN 100 NĂM CHIẾN TRANH.

x
x x

     Tôi trở thành giảng viên của Trường ĐH Tổng hợp TPHCM vào lúc nhà trường bấy giờ đang cần một giáo viên ngành Nhật Bản học. Sau khi tôi đệ trình bộ Từ điển KANJI Hán-Nhật-Việt đã tự mình biên soạn 7 năm (từ 1968-1975) trong hoàn cảnh đặc biệt (tự giam hãm trong căn hầm tối), Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp đã đề xuất một Hội đồng thẩm định (năm 1985), trong đó có những thầy cô là Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Văn hóa học, Nhật Bản học, Từ điển học… Tác phẩm được công nhận như là loại sách công cụ phục vụ cho ngành Đông phương học, đặc biệt là dành cho thầy, cô và sinh viên của nhóm ngành Nhật Bản, Trung Quốc, Hán Nôm… Trong ngày bảo vệ công trình, tôi có nêu lên một khái niệm mới là chữ Nôm Nhật Bản trong thế giới Hán hóa (l). Đề tài này đã thúc đẩy tôi tham gia những Hội nghị Ngôn ngữ học tại Mỹ và Pháp để nêu lên vấn đề tại sao Việt Nam đã sử dụng thành công chữ Latinh, trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc (ảnh hưởng chữ Hán) và kể cả Trung Quốc cũng không thể Latinh hóa được chữ viết của mình!?. Xin độc giả tham khảo bài “Sự xâm nhập chữ Latinh trong quá trình lịch sử hình thành chữ viết của Việt Nam và Nhật Bản(2) để góp ý cho bài viết “Chữ Tây & Chữ Hán, chữ nào hay hơn” của PGS Cao Xuân Hạo(3).

     Từ công trình Tự điển KANJI Hán, Nhật, Việt nêu trên, với cách cư xử “tao nhã”, tôi được bổ nhiệm là “trưởng lớp” giảng dạy Tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài (1985)- tiền thân của Khoa Việt Nam học – Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ngày nay. Đặc biệt, tôi được bầu làm Bí thư Công đoàn Khoa với số phiếu 100% – một chức vụ khá quan trọng trong hoàn cảnh xã hội lúc ấy. Trong bài diễn văn ngắn gọn “ứng khẩu” tại chỗ, tôi nêu lên kế hoạch xây dựng “Đại học Ghi danh”. Tên gọi Đại học Ghi danh do tôi tự đặt ra để chấp hành một chủ trương của lãnh đạo Nhà trường (lúc ấy là thầy Lý Hòa, Huỳnh Ngọc Bích, Bùi Khánh Thế), của lãnh đạo Khoa (lúc này là thầy Mai Cao Chương, Trần Chút). Chủ trương lúc ấy là xây dựng hệ Đại học không chính quy.

     Tên gọi “Đại học ghi danh” mộc mạc và tự nhiên như “tờ giấy khai sinh cấp phát cho trẻ mới chào đời” thì nay cấp phát “tờ giấy nhập học cho người học trò đủ năng lực để tự ghi danh vào một Đại học nào đó để trau dồi kiến thức. Những người học này bất kể lập trường chính trị, tôn giáo, tuổi tác, địa vị xã hội, bất kể người học đã thụ án tù, không cần hộ khẩu tại Thành phố hoặc tạm trú tạm vắng v.v… chỉ cần có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông, hay Tú tài, hay Trung cấp Chuyên nghiệp… được quyền ghi tên mình vào danh sách sinh viên Đại học mà mình chọn lựa. Nhà trường có quyền tuyển chọn năng lực, tư cách và ban hành chê độ đãi ngộ. Họ có quyền được đi học để được trau dồi kiến thức chuẩn mực mà chính quyền cho phép và những nhà khoa học định đoạt khối lượng kiến thức cho từng ngành nghề học.

Minh họa: Họa sĩ Hồ Văn Doãn – Giảng viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp,
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng

     Từ đó, đại học ghi danh đã đặt ra một số vấn đề mới mà trong cơ chế xã hội chủ nghĩa khi ấy chưa kịp nghĩ ngợi ra.

     – Đó là người học phải tự đóng học phí để được thụ hưởng kiến thức do các thầy cô truyền đạt, thay vì Nhà nước phải bao cấp nên đã tự định ra chế độ, chính sách để ưu tiên tuyển chọn.

     – Đó là vấn đề thầy cô được trả lương để bù đắp công lao khó nhọc cả trí tuệ lẫn thể lực. Ngoài đầu lương cơ bản đã được Nhà nước bù đắp theo tiêu chuẩn xã hội chủ nghĩa, còn được nhận thêm đầu lương thứ hai ngoài tiêu chuẩn.

     – Đó là vấn đề lợi ích. Lợi ích tập thể của Trường, Khoa, tập thể đơn vị…

     Lợi ích cá nhân của giảng viên và quản lý trực tiếp đóng góp công sức tại chỗ. Cuối cùng, còn lại là lợi ích Nhà nước (đóng thuế làm giàu công ích). Từ đây, một khái niệm mới ra đời. Đó là 3 lợi ích.

     Những vấn đề nêu trên đã làm vỡ òa một cơ chế thông thoáng, cơ chế ấy không phải phá vỡ nền tảng xã hội chủ nghĩa mà bồi đắp, vun xới nên tòa lâu đài dân chủ độc lập và hạnh phúc của loài người trong xã hội tiến bộ. Tất cả ý tưởng trên nhằm phát huy ước vọng tự do cá nhân để được trở thành một con người có trình độ văn minh, văn hóa để ứng xử tử tế trong cộng đồng xã hội loài người. Loài người ấy đang sinh sống trên lãnh thổ của đất nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tự do và hạnh phúc.

***

     Ngày ấy – mới sáng tinh sương- hàng nghìn phụ huynh và học sinh đã đến chen lấn để ném hồ sơ vào sân trường. Đó là hồ sơ xin nhập học kèm theo học phí, trong đó kèm theo những bức thư kể lể cuộc đời và ước vọng.

     1. Tôi tham gia kháng chiến, bị bắt bị tù, con cái học hành vất vả, kém cõi, không đủ tiêu chuẩn để được vào trường công. Nay xin quý Thầy chiếu cố, đừng để các cháu dốt nát mà cho ghi danh vào Đại học.

     2. Bản thân tôi là sinh viên Sài Gòn vì hoạt động phong trào mà bị bắt, rồi thoát ly vào chiến khu. Nay trở về không đủ điều kiện để được đi học trường công, tôi xin được tiếp tục việc học tại Đại học ghi danh của Khoa.

     3. Tôi hiện là cán bộ quản lý Nhà nước, đã có bằng phổ thông cấp ba. Nhưng tôi mong ước được xét học tại Đại học ghi danh mà không cần phải thi cử.

     4. Tôi hiện là công nhân nhưng tôi mong ước được trở thành một Kỹ sư hay Cử nhân để nâng cấp trình độ phổ thông. Xin được xem xét cho tôi được đóng học phí như mọi người để đi học Đại học ghi danh.

     5. Tôi là sĩ quan chế độ cũ, đã học tập cải tạo. Con cái tôi không đủ tiêu chuẩn chính trị. Thầy cô thương xét cháu- một công dân của đất nước đã độc lập – tự do và dân chủ. Các cháu không có tội gì cả!.

     6. Tôi là một luật sư có bằng Cử nhân nhưng Nhà nước không công nhận, chỉ nhận bằng Tú tài. Vậy cho tôi được đăng ký học tại Đại học ghi danh để được tốt nghiệp bằng cử nhân của chính thể mới. Xin quý thầy chiếu cố để tôi có học vấn cao hơn để làm việc ở văn phòng hơn là đạp xích lô nuôi vợ con hàng ngày như hiện nay.

     7. Chúng tôi là một nhóm 5 ni cô, từng có bằng cử nhân Đại học Vạn Hạnh. Nay tôi xin được đăng ký học bằng Cử nhân Ngữ văn của Đại học ghi danh để được tiếp thu nguồn Triết học Mác – Lê Nin hầu so sánh với Triết học duy vật của Phật Giáo.

     Cuộc điều tra xã hội học vĩ đại đã hoàn tất khi thông qua con đường tuyển sinh để tô điểm cho vẻ tao nhã và thuần khiết của một đất nước theo xã hội hơn chủ nghĩa lây ra nguồn cảm hứng chiến thắng và mặc cảm tự tôn dân tộc. Phương thức tuyển sinh quy mô ấy đã hoàn thành nhiệm vụ khi thiết lập được bản đồ phân loại trình độ công chúng từng vùng miền- sau hơn 100 năm chiến tranh. Còn bây giờ, ngành giáo dục đã không còn bối rối khi đã đến lúc mở ra con đường “ghi danh” vào Đại học như mở đập cho nguồn nước tự lao lách, tuôn trào vào các dòng sông rạch hay chảy ra biển lớn. Ngành giáo dục không còn phải quan tâm từng “bát cơm manh áo” truyền thông của một “nhà nước lớn bao cấp” mà nhìn vào thời cuộc. Trò chơi lớn WTO của nhân loại đã bắt đầu!!.

__________
(1) Léon Vandermeersch, ‘Thế giới Hán hóa (Le nouveau monde sinisé)’’, Paris: Seuil, 1985.

(2) Nguyễn Mạnh Hùng, “Sự xâm nhập chữ Latinh trong quá trình lịch sử hình thành chữ viết của Việt Nam và Nhật Bản“, 7/1994.

(3) PGS. Cao Xuân Hạo – Chữ Tây & Chữ Hán, chữ nào hay hơn“, Trích trong Kiến thức ngày nay, số 141, ngày 15/6/1994.

Nguồn: Giáo dục miền Nam, Hội nhập và phát triển,
Nhìn từ thực tiễn giai đoạn 1975 -2015, trang 93-99

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)