Đàn Nam Giao triều Nguyễn
Tác giả bài viết: BÙI THỊ MAI
Chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa Trung Hoa, các triều đại Việt Nam từ nhà Ngô cho đến nhà Tiền Lê, nhà Lý cho đến về sau này, nhất nhất đều khuôn theo các lễ lượt của vua chúa Trung Hoa. Trong đó có lễ tế giao tức là tế trời, là một lễ tế quan trọng nhất của triều đình phong kiến. Triều đại nào lên kế vị cũng để danh chính ngôn thuận, bao giờ cũng nhận rằng triều đại do dòng họ mình khai sáng là thuận theo ý trời, thừa mệnh trời để cai trị muôn dân, tuân mệnh trời nghĩa là làm vừa lòng dân, biết thương yêu đùm bọc che chở cho dân. Cũng vì thế mà hàng năm vua thường tổ chức trọng thể việc tế giao, nghĩa là báo cáo với trời, đấng chúa tể của vũ trụ của muôn loài, rằng mình là con của ngài (Thiên tử) thể theo nguyện vọng của trời, ủy nhiệm cho mình được chăm dân, dẫn dắt dân đi từ chỗ tối đến chỗ sáng, từ nghèo khổ đến sung túc, làm cho muôn dân được hưởng cảnh thái bình ấm no cũng như thay mặt dân để báo cáo với trời tình cảm, lòng tin yêu kính trọng của dân đối với ngài, cầu xin trời giáng phúc cho triều đại cho muôn dân.
Lễ tế ở đàn Nam Giao là một nghi lễ hết sức quan trọng dưới chế độ phong kiến. Bởi vì chỉ có nhà vua mới có quyền đứng ra làm lễ tế giao, mà lễ tế ở đây là lễ tế trời đất. Qua lễ tế này đã thệ hiện được tính chính thống của một triều đại cũng như uy quyền của một vị vua sau khi đăng quang đó là đã tuân theo mệnh trời để cai trị nhân dân.
Trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, kế từ thời nhà Lý (1010-1225), đàn Nam Giao đã được thiết lập ở Kinh đô Thăng Long để tế trời. Đến thời Hậu Lê (1428-1788), quy cách, kiến trúc đàn và nghi lễ tế trời được chỉnh đốn đàng hoàng hơn.
Riêng ở Huế, xưa nay có 4 vị trí xây đàn Nam Giao khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đàn tế trời được thiết lâp trên một khoảng đất ở Kim Long, gần nơi chúa đóng thủ phủ. Qua triều Tây Sơn (1788-1801), đàn tế trời được thiết lập ở một ngọn đồi gần phía tây núi Ngự Bình, gọi là hòn Thiên hay núi Bân. Đến triều Nguyễn (1802-1945), ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho đắp đàn tế ở làng An Ninh vào năm 1803. Nhưng sau đó 3 năm (1806), nhà vua đã cho xây đàn Nam Giao mới tại làng Dương Xuân ở phía nam kinh thành như chúng ta đang thấy hiện nay. Để xây dựng đàn Nam Giao, vua Gia Long đã ra lệnh cho bốc dời các ngôi mộ chôn ở đây (trước đây chỗ này là một nghĩa trang). Đối với những ngôi mộ vô danh, nhà vua cho lệnh dời và quy chung vào một nơi tạo thành hai khu mộ tập thể gần địa phận ba đồn ngày nay. Tất cả đất đai của tư nhân ở quanh khu vực này, chỗ nào bị lấn chiếm nhà vua đều ra lệnh cho triều đình tuỳ theo lớn nhỏ bồi thường thoả đáng cho dân, hoặc cấp cho vùng khác, cho nên dân chúng mất đất không ai la oán điều gì.
Về vị trí và kiến trúc của đàn được sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép lại như sau: “Đàn Nam Giao ở địa phận xã Dương Xuân về phía nam kinh thành, dựng từ năm Gia Long thứ 5, hàng năm cứ đến tháng trọng xuân (tháng 2 Âm lịch), bói được ngày tốt thì cử hành lễ đại tế. Quy chế của đàn chia làm 3 tầng:
Tầng thứ nhất đàn đắp hình tròn có 5 án thờ: An chính giữa thờ Hiệu Thiên Thượng Đế và Hoàng Địa kỳ; án phối hưởng thứ nhất phía tả thờ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế, án phía hữu thờ thế tổ Cao Hoàng đế; án phối hưởng thứ 2 phía tả thờ Thánh tổ Nhân hoàng đế, án phía hữu thờ Hiến tổ Chương Hoàng đế. Đàn cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc, tô màu xanh 4 mặt có thềm: ngọ giai (bậc phía nam) 15 bậc, đông, tây, bắc đều 9 bậc.
Tầng thứ 2, đàn vuông, có 8 án tòng tự: phía tả, án thứ nhất thờ thần Đại Minh, án thứ nhì thờ các vì sao trong bầu trời, án thứ 3 thờ thần mây, thần mưa, thần gió và thần Sấm, án thứ 4 thờ thần Thái Tuế và thần Nguyệt Tướng; phía hữu, án thứ nhất thờ thần Dạ Minh, án thứ nhì thờ thần núi, thần biển, thần sông và thần chằm, thần các núi Triệu Tường, Khái Vận, Hưng Nghiệp và Thiên Thụ đều tòng tự ở án này, án thứ 3 thờ thần giữ lăng tẩm và phần mộ, án thứ 4 thờ các thần kỳ trong nước. Đàn cao 2 thước 5 tấc, vuông 72 trượng, bốn mặt thềm đều 5 bậc.
Tầng thứ 3, đàn cao 1 thước 9 tấc, vuông 130 trượng 7 thước, bốn mặt thềm đều 4 bậc. Góc đông nam là lò phần sài, gốc tây bắc là huyệt tế mao huyết.
Ba tầng đàn, xung quanh đều xây lan can, tầng thứ nhất tô màu xanh, tầng thứ 2 tô màu vàng, tầng thứ 3 tô màu đỏ.
Khoảng đất vuông ngoài đàn đều trồng cây thông. Ngoài khoảng đất vuông xây tường bằng đá, chu vi 152 trượng 9 thước, bốn mặt đều mở 3 cửa rộng. Phía đông bắc ngoài tường là thần khố (nhà kho), thần trù (nhà bếp), kho tế khí và nhà sát sinh; phía tây nam là trai cung, xung quanh xây tường gạch, mở hai cửa trước sau, trong tường và ngoài tường trồng nhiều cây thông”.
Sách Đại Nam thục lục cũng ghi chép về vị trí và kiến trúc đàn Nam Giao như sau: “Tháng 2, ngày Giáp thân, bắt đầu dựng đàn Nam Giao (ở xã Dương Xuân về phía nam Kinh thành). Đàn làm ba tầng (tầng thứ nhất đàn tròn, cao 6 thước 8 tấc, chu vi 30 trượng 3 thước 5 tấc; tầng thứ hai đàn vuông; cao 2 thước 5 tấc, mỗi chiều 19 trượng 5 thước 7 tấc; tầng thứ ba đàn vuông, cao 1 thước 9 tấc, mỗi bề 37 trượng 5 thước; chung quanh ba tầng đều có lan can).
Đàn tròn tầng thứ nhất để tế Trời (Hiệu thiên thượng đế), Đất (Hoàng địa kỳ). Đàn vuông tầng thứ hai tế tám tòng vị (tám vị được dự thờ) ở tả nhất là Mặt trời, tả nhị là các Tinh Tú, tả tam là các thần Gió, Mưa, Mây, Sấm; tả tứ là sao Thái tuế, thần Nguyệt tướng, hữu nhất là Mật trăng, hữu nhị là các thần Núi, Biển, Sông, Chằm (Sơn Hải Xuyên Trạch) (năm Minh Mệnh thứ 9 đổi làm Sơn Hải Giang Trạch), hữu tam là các thần Cồn, Gò, Bờ nước, Bãi bằng, hữu tứ là các thần kỳ trong cả nước. Tầng thứ ba, phía đông nam đặt sở Phần sài, phía tây bắc đặt sở ế khảm. Ở ngoài ba tầng thì làm nền vuông, trồng thông khắp cả, ngoài nền vuông thì xây tường chung quanh. Cửa bốn mặt xây cột gạch, ở ngoài đàn về phía hữu thì đặt Trai cung làm nơi vua ăn chay”.
Với kiểu kiến trúc hết sức đặc biệt, đàn Nam Giao ở Huế vừa mang ý nghĩa chính trị lại vừa mang ý nghĩa tôn giáo. Việc xây dựng đàn theo mô thức kiến trúc trên cho thấy ảnh hưởng của tư tưởng đạo Nho nhất là thuyết thiên mệnh được cụ thể hóa. Về cách thiết kế và trang trí trên đàn này cũng được áp dụng theo nguyên tắc âm dương và thuyết ngũ hành trong Kinh dịch.
Sau khi cho xây dựng đàn Nam Giao năm Bính Dần (1806), năm Đinh Mão (1807), vua Gia Long quy định đại lễ Nam Giao: “Tầng thứ nhất: Chính vị hướng về nam, nậm vàng, chén vàng tàn tròn, quần bàn màu xanh, tàn vuông, quần bàn màu vàng; phối vị hướng về tây, nậm vàng, chén vàng tàn tròn màu vàng, quần bàn màu đỏ. Tầng thứ hai: Bày tàn tròn lớn màu vàng 4 cái; tòng vị ở tả hữu hướng về đông và tây, nậm bạc, chén bạc, tàn, lọng, quần bàn đều màu đỏ. Tầng thứ ba: ở trước bày tàn tròn màu vàng hạng thứ 12 cái. Cả thảy ba tầng. Bốn cửa dựng cờ tứ sắc, bốn cửa của nền vuông thì dựng cờ tứ sắc hạng lớn, mỗi cửa hai lá, đều theo phương hướng của cửa mà dùng màu cờ. Tầng thứ hai, đông và tây mỗi bên đặt một bộ âm nhạc hạng nhỏ, mỗi bộ 8 người. Tầng thứ ba, đông và tây mỗi bên đặt một chuông lớn và một trống lớn. Người đánh chuông đánh trống thì dùng hai quản vệ Thị trung. Mé dưới chuông trống mỗi bên đặt một bộ đại nhạc trống kèn, mỗi bộ 7 người. Bắt đầu nổi chuông trống, rồi tấu nhạc nhỏ. Chỉ đến các tiết Phiền sài, Thăng đàn, Giáng đàn Vọng liệu mới tấu đại nhạc”.
Theo thể lệ củ đời Gia Long, đàn Nam Giao tế lộ thiên. Năm Minh Mệnh thứ 20, ngày tế, tầng thứ nhất căng màn xanh gọi là Thanh ốc, tầng thứ 2 căng màn vàng gọi là Hoàng ốc, tế xong triệt bỏ đi. Năm Thiệu Trị thứ 6, đổi màn xanh gọi là Hoàng khung vũ, đến đời Tự Đức theo đấy đặt làm chế độ thường hành.
Lễ tế Đàn Nam Giao thường được tổ chức mỗi năm 1 lần vào tháng trọng xuân hoặc quý xuân tức là vào tháng 2 hoặc tháng 3 Âm lịch. Đến thời vua Thành Thái đổi sang 3 năm tế một lần. Vào đầu đời Gia Long thì tế vào tháng trọng xuân (tháng 2 Âm lịch), năm Minh Mệnh thứ 20 đổi vào tháng quý xuân (tháng 3), năm Tự Đức thứ 1 lại đổi tế vào tháng trọng xuân.
Lễ Tế Giao đầu tiên dưới triều Nguyễn được tổ chức năm 1807 dưới triều vua Gia Long. Lễ Tế Giao cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam được tổ chức dưới thời vua Bảo Đại, vào nửa đêm rạng ngày 23-3-1945, đúng 5 tháng trước khi nền quân chú ấy sụp đổ hoàn toàn.
Do trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của khí hậu nơi đây, đàn Nam Giao dường như đã trở thành phế tích. Sau năm 1975, đàn lại được dùng làm nghĩa trang liệt sĩ nên một số di tích bị phá hoặc hư hao mất mát. Thật may mắn trong thời gian vừa qua được sự quan tâm của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nên một sô kiến trúc của đàn được tiến hành trùng tu từng bước để phát huy tác dụng vào các hoạt động du lịch và văn hóa đặc biệt là phục vụ cho các kỳ Festival ở Huế. Những đàn tế trời của các triều đại trước nay đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là đàn tế trời duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn ở Việt Nam. ■
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quốc sử quán triều Nguyền, Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo Dục, 2004.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2006.
3. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, 2005.
4. Hồ sơ H21/32, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
5. Hồ sơ H20/2, Mộc bản Triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
6. Hồ sơ 5943, Phông RSA, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay, số 485, tháng 7, năm 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đàn Nam Giao triều Nguyễn (Tác giả: Bùi Thị Mai) |