Đánh giá khả năng phát triển DU LỊCH tại các LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ở Thành phố ĐÀ NẲNG
Tác giả bài viết: PHAN KIM NGÂN
(Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng)
TÓM TẮT
Lễ hội truyền thống là những giá trị văn hóa, tinh thần gìn giữ từ nhiều đời, là tài nguyên văn hóa vô cùng quan trọng cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Thành phố Đà Nẵng có nhiều lễ hội vẫn đang được duy trì, tuy nhiên phạm vi tổ chức chủ yếu mang tính địa phương. Việc khai thác các lễ hội cho phát triển du lịch là điều cần thiết, vừa để thực hiện công tác bảo tồn, vừa quảng bá bản sắc văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, mỗi lễ hội có đặc điểm, tính chất khác nhau, do đó cần đánh giá tổng hợp để thấy được khả năng phát triển du lịch tại các lễ hội. Bằng phương pháp phân tích đa chỉ tiêu, phương pháp phân tích quá trình thứ bậc, phương pháp chuyên gia, bài viết đã tổng hợp, xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, tổ chức đánh giá khả năng phát triển du lịch tại một số lễ hội tiêu biểu. Kết quả cho thấy khả năng khai thác du lịch tại lễ hội Quán Thế Âm là rất thuận lợi; lễ hội Cầu Ngư là thuận lợi; lễ hội đình làng Hải Châu thuận lợi trung bình; lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội Đâm trâu ít thuận lợi và lễ hội đình làng Hòa Mỹ, đình làng Thạc Gián là kém thuận lợi. Bài viết cũng đã đưa ra một vài khuyến nghị cho công tác tổ chức du lịch tại các lễ hội truyền thống.
Từ khóa: Lễ hội truyền thống; Tài nguyên văn hóa; Du lịch; Du lịch văn hóa; Đà Nẵng.
ABSTRACT
Traditional festivals, which are cultural and spiritual values preserved over many generations, are extremely important cultural resources that need to be preserved and promoted. Da Nang city has many festivals still being maintained, however, the scope oforganization is mainly local. Exploiting these festivals for tourism development is necessary, both to perform conservation work and to promote the cultural identity of the locality. However, each festival has different characteristics and nature, so a comprehensive evaluation is needed to see the potential for tourism development at these festivals. Using methods such as multi-criteria analysis, hierarchical process analysis, and expert method, the article has synthesized and developed a system of evaluation criteria, organizing the assessment of the potential for tourism development at some typical festivals. The results show that the potential for tourism exploitation at Quan The Am festival is very favorable, the Cau Ngu festival is favorable, the Hai Chau village festival is moderately favorable, the Tuy Loan village festival and the Buffalo Fighting festival are less favorable, and the Hoa My and Thac Gian village festivals are not favorable. The article also makes some recommendations for the organization of tourism at traditional festival.
Keywords: Traditional festivals; Cultural resources; Tourism; Cultural tourism; Danang.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Lễ hội truyền thống là một sự kiện, một hiện tượng xã hội xuất hiện hầu hết trong các nền văn minh nhân loại. Lễ hội thường thể hiện một cách rõ nét bản sắc văn hóa của một quốc gia, một địa phương hoặc một cộng đồng dân cư. Theo tiếng Latin, có hai thuật ngữ để chỉ các sự kiện, lễ hội là festum (niềm vui chung, niềm vui, sự vui chơi) và feria (kiêng làm việc để tôn vinh các vị thần) [1]. Tại Việt Nam, đến nay vẫn có nhiều cách gọi và giải thích khác nhau về thuật ngữ lễ -hội, tuy nhiên, các ý kiến đều không mâu thuẫn về mặt nội dung. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, truyền thống của cả cộng đồng, “là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức lễ tế và diễn trò” [2]. Lễ hội được hiểu là tập hợp của hai từ ghép “lễ” và “hội”. Theo từ điển tiếng Việt, lễ là “những nghi thức tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện có ý nghĩa nào đó”; hội là “cuộc vui tổ chức chung cho đông đảo mọi người dự, theo phong tục hoặc nhân dịp đặc biệt” [3]. Nghiên cứu lễ hội và các khía cạnh, phạm vi hoạt động của lễ hội từ lâu đã được thực hiện bởi nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu như lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại [4], khảo sát thực trạng văn hóa lễ hội truyền thống của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ [5], lễ hội truyền thống các dân tộc Việt Nam [6]… Các công trình nghiên cứu đã giới thiệu cơ sở lý luận về lễ hội, trình bày đặc điểm, hệ thống hóa các loại hình lễ hội và giới thiệu các lễ hội tiêu biểu của các địa phương, dân tộc.
Khác với các lễ hội du lịch hiện đại được tổ chức để phục vụ đối tượng chính là khách du lịch (hay còn gọi là các sự kiện du lịch), các lễ hội truyền thống có thời gian tổ chức lâu đời và mang đậm bản sắc văn hóa của địa phương, thể hiện nếp sống, truyền thống trong sinh hoạt và lao động của cộng đồng dân cư. Các lễ hội truyền thống trước đây được tổ chức không nhằm mục đích phục vụ du lịch, tuy nhiên, việc khai thác các lễ hội truyền thống này cho phát triển du lịch cần được chú trọng bởi hoạt động này một mặt giúp quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống đến với khách du lịch trong và ngoài nước, mặt khác góp phần gìn giữ, bảo tồn các lễ hội. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy lễ hội truyền thống là một loại tài nguyên văn hóa có giá trị trong phát triển du lịch như các nghiên cứu: vai trò của lễ hội truyền thống đối với phát triển du lịch ở thành phố Đồng Hới [7], du lịch lễ hội -Khái niệm, chức năng và tác động tiêu cực trong nghiên cứu địa lý du lịch [8], quản lý lễ hội truyền thống dưới góc nhìn du lịch [9], khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở Nam Bộ, trong đó có lễ hội truyền thống [10], phát triển du lịch lễ hội truyền thống tại Khánh Hòa [11], khai thác tiềm năng các lễ hội đầu xuân ở Huế trong phát triển du lịch [12], đánh giá của du khách đối với hoạt động du lịch lễ hội tại Trung tâm văn hóa Huyền Trân, thành phố Huế [13]… Một số lễ hội truyền thống của Việt Nam cũng đang thu hút khách du lịch hàng năm như lễ hội chùa Hương, lễ hội Miếu bà chúa Xứ, lễ hội Đền Hùng…
Thành phố Đà Nẵng được biết đến là “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á năm 2022” do World Travel Awards bình chọn và là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Tuy nhiên, lễ hội được nhắc đến chủ yếu là các lễ hội được tổ chức để phục vụ khách du lịch như Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế DIFF được tổ chức hàng năm, Lễ hội du lịch hè được tổ chức vào mùa cao điểm… Các lễ hội văn hóa truyền thống vẫn còn rất mờ nhạt trong hoạt động du lịch trong khi ngành văn hóa đang nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, thể hiện sự rời rạc trong mối quan hệ tương hỗ giữa văn hóa và du lịch. Điều này có thể được lý giải bởi định hướng phát triển du lịch ở Đà Nẵng là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sự kiện. Tuy nhiên, các tài nguyên văn hóa nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng vẫn có những vai trò nhất định trong phát triển du lịch nếu được khai thác đúng giá trị của nó.
Từ thực tiễn trên, bài viết đã kế thừa vàvận dụng các chỉ tiêu đánh giá tài nguyên du lịch văn hóa để nghiên cứu, thực hiện đánh giá các lễ hội tiêu biểu đã được xếp hạng và chưa xếp hạng từ cấp quận trở lên ở Đà Nẵng như Lễ hội Quán Thế Âm, các lễ hội Cầu Ngư, các lễ hội đình làng, lễ hội Đâm trâu nhằm phân tích rõ nét khả năng khai thác phục vụ du lịch của các lễ hội này.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp khảo sát thực địa: trong nhiều năm qua, tác giả đã tham gia các lễhội truyền thống ởĐà Nẵng đểcó sựtrảinghiệm vềlễhội dưới góc nhìn của một khách du lịch và một nhà nghiên cứu.
– Phương pháp thu thập, xử lý số liệu: bài viết đã tham khảo các tài liệu có liên quan đến lễ hội, văn hóa và du lịch từ Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng.
– Phương pháp phân tích đa chỉ tiêu (Multi Criteria Analysis -MCA): phương pháp MCA thường được sử dụng trong các nghiên cứu để đưa ra quyết định lựa chọn dựa trên kết quả đánh giá tổng hợp của hệ thống các chỉ tiêu. Khả năng phát triển du lịch luôn được đánh giá một cách toàn diện dựa trên nhiều tiêu chí với các chỉ tiêu khác nhau, do đó phương pháp này cho phép xác định các yếu tố khác nhau của lễ hội truyền thống có liên quan đến hoạt động du lịch, tổng hợp các yếu tố thành một tổ hợp các chỉ tiêu và nghiên cứu mối quan hệ giữa các chỉ tiêu đó để cho ra một kết quả cuối cùng. Bài viết sử dụng phương pháp này để tích hợp thuật toán tính tổng và mô hình tính trọng số theo ma trận tam giác để đánh giá tổng hợp mức độ thuận lợi của lễ hội truyền thống cho phát triển du lịch tại thành phố Đà Nẵng.
– Phương pháp phân tích quá trình thứ bậc (Analytical Hierarchi Process -AHP): AHP là một phương pháp ra quyết định đa điều kiện, dùng để đánh giá các phương án và chọn một phương án thỏa mãn các tiêu chí cho trước, do đó phương pháp này nhằm xác định mối quan hệ tương quan tuyến tính giữa các chỉ tiêu của lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng việc phát triển du lịch.
– Phương pháp chuyên gia: phương pháp này được áp dụng nhằm lấy ý kiến về mức độ quan trọng của các tiêu chí, từ đó xác định trọng số của từng tiêu chí đánh giá lễ hội.
2.2. Hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá
Việc đánh giá tài nguyên du lịch văn hóa dựa trên các tiêu chí đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện như Đào Ngọc Cảnh [14], Bùi Thị Thu [15], Đỗ Quốc Thông [16]…. Các tiêu chí có sự thay đổi để phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu, tuy nhiên không có khác biệt quá lớn. Dựa trên đặc điểm của lễ hội truyền thống, qua nghiên cứu một số tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá tài nguyên du lịch văn hóa, tác giả đã kế thừa, vận dụng và đưa ra các tiêu chí đánh giá lễ hội truyền thống như sau:
2.2.1. Tiêu chí 1: Độ hấp dẫn
Độhấp dẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu, được hiểu là những giá trị, tính thẩm mỹ, mức độ quý hiếm, độc đáo hay khác biệt của tài nguyên có thể tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Đối với lễ hội truyền thống, độ hấp dẫn trước hết được phản ánh thông qua cấp xếp hạng di sản quốc tế hoặc quốc gia. Lễ hội được xếp hạng càng cao thì độ hấp dẫn càng lớn và càng có ý nghĩa trong thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa giá trị xếp hạng của lễ hội và giá trịkhai thác du lịch không hoàn toàn đồng nhất. Vậy nên độ hấp dẫn của lễ hội ngoài giá trị xếp hạng còn được đánh giá dựa vào mức độ nổi tiếng đối với khách du lịch.
2.2.2. Tiêu chí 2: Vịt rí tổ chức lễ hội
Tiêu chí này phản ánh khả năng khách du lịch tiếp cận với lễ hội một cách thuận lợi. Khoảng cách từ lễ hội đến trung tâm thành phố có ảnh hưởng đến việc khai thác du lịch. Khoảng cách thuận lợi một mặt giúp rút ngắn quá trình di chuyển và có thể dành nhiều thời gian cho hoạt động, mặt khác giúp cho lễ hội có thể trở thành điểm tham quan trong chương trình du lịch.
2.2.3. Tiêu chí 3: Tính liên kết
Tính liên kết có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định và tổ chức khai thác tài nguyên du lịch theo lãnh thổ. Mức độ liên kết giữa lễ hội và các điểm tài nguyên, điểm du lịch trong một phạm vi nhất định góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch và hình thành các tuyến du lịch. Điều này làm gia tăng sức hấp dẫn cũng như mức độ khai thác của lễ hội cho phát triển du lịch.
2.2.4. Mức độ bảo tồn
Mức độ bảo tồn của lễ hội nhằm nói lên tính nguyên vẹn, trường tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa của lễ hội trước sự phát triển kinh tế nhanh chóng.
2.2.5. Thời gian hoạt động du lịch
Lễ hội thường chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định trong năm. Do đó, thời gian hoạt động du lịch được xác định là thuận lợi khi thời điểm lễ hội diễn ra nằm trong mùa du lịch trong năm. Đồng thời, số ngày tổ chức lễ hội cũng ảnh hưởng đến khả năng tham gia của khách du lịch. Lễ hội tổ chức trong nhiều ngày thì khả năng thu hút khách càng nhiều.
2.2.6. Sức chứa
Sức chứa thể hiện ở 4 khía cạnh: vật lý, sinh học, tâm lý và xã hội. Trong thực tế, sức chứa tại lễ hội được xác định dưới góc độ vật lý, được hiểu là lượng khách tối đa mà không gian của lễ hội có thể tiếp nhận. Tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá khả năng khai thác du lịch tại các lễ hội truyền thống được thể hiện tại Bảng 1.
Bảng 1. Hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu đánh giá
khả năng khai thác du lịch của lễ hội truyền thống
2.3. Đối tượng nghiên cứu
2.3.1. Lễ hội Quán Thế Âm
Chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) có diện tích 34.729 m2, nằm cách trung tâm thành phố 10,2 km, nằm gần các điểm du lịch như danh thắng Ngũ Hành Sơn (1,3 km), bãi biển Non Nước (2,8 km), khu căn cứcách mạng K20 (4,4 km). Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội được tổ chức tại chùa Quán Thế Âm vào ngày 17 –19 tháng 2 âm lịch hàng năm. Khởi nguyên từ một lễ hội thuần túy tôn giáo, ngày nay, lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành một trong những lễ hội dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng; là lễ hội quan trọng của đời sống tinh thần của quý chư tôn đức tăng, ni, bà con Phật tử nói riêng và người dân thành phố Đà Nẵng nói chung với những nét đặc trưng và độc đáo của mình. Lễ hội Quán Thế Âm thường diễn ra với các phần Lễ và Hội. Phần Lễ là các nghi thức tôn giáo, cầu Quốc thái dân an. Lễ hóa trang Bồ Tát Quán Thế Âm thực hiện song hành với nghi lễ rước tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm và cũng là phần lễ được mọi người mong chờ nhất. Phần Hội với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao phong phú, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Quán Thế Âm chính là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và con người vùng đất Đà Nẵng, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa Đạo pháp với Dân tộc, Dân tộc với Đạo pháp. Vì vậy, lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉcủa du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử- văn hóa Phật giáo Việt Nam; đồng thời là nơi hội tụ, giao lưu văn hóa và thưởng thức sự tinh tế, phong phú của các loại hình nghệ thuật văn hoá dân tộc trên thế giới.
Năm 2021, lễ hội Quán Thế Âm -Ngũ Hành Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.3.2. Lễ hội Cầu Ngư
Lễ hội Cầu Ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Lễ hội Cầu Ngư nhằm cầu quốc thái, dân an, trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân đi biển được mùa bội thu. Đây còn là một nét đẹp văn hóa địa phương, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển. Đồng thời, lễ hội còn là nơi giao lưu giữa các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống và là một lễ hội quan trọng cần được duy trì bảo tồn và phát huy.
Lễ hội Cầu Ngư Đà Nẵng diễn ra tại các quận có hoạt động ngư nghiệp từ trung tuần tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Đối với quận Sơn Trà, lễ hội sẽ được tổ chức luân phiên hàng năm tại các miếu Lăng Ông của các phường. Lễ hội bao gồm các nghi lễ truyền thống và nhiều hoạt động phần hội như: bơi thúng, ngoáy thúng, lắc thúng, kéo co, đẩy gậy, gánh cá, bóng đá, bóng chuyền bãi biển, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng được chế biến từ thủy hải sản của nhân dân và không thể thiếu hát bả trạo –linh hồn của lễ hội.
Năm 2016, Lễ hội Cầu Ngư đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
2.3.3. Lễ hội đình làng
Lễ hội đình làng là một hoạt động ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn, giữ gìn văn hóa giữa các thế hệ với nhau, tạo nên hoạt động văn hóa rộng lớn, thiêng liêng giúp người dân có điều kiện được tham gia hưởng thụ các giá trị văn hóa của cha ông để lại. Theo thống kê của Bảo tàng Đà Nẵng, hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có 84 đình làng, trong đó có 46 đình làng được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật các cấp. Trải qua những biến thiên của lịch sử, đến nay, ởnhiều địa bàn dân cư của Đà Nẵng, người dân vẫn còn lưu giữđược những giá trịvăn hóa, lịch sửđặc sắc của đình làng. Các lễ hội đình làng của Đà Nẵng có từ rất xưa, được lưu truyền và gìn giữ từ đời này sang đời khác như lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, lễ hội đình làng Thạc Gián, lễ hội đình làng Hải Châu. Tại các lễ hội thường diễn ra các nghi thức cổ truyền như lễ vọng, lễ hội kỵ chính thức và các hoạt động văn hóa, thể thao như bài chòi, đua thuyền, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực địa phương…
– Lễ hội đình làng Túy Loan: Đình làng Túy Loan cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 17,2 km. Làng Túy Loan đã hơn 500 tuổi, được xem là một trong số ít những ngôi làng còn lưu lại những dấu tích cổ xưa nhiều nhất tại Đà Nẵng. Hàng năm, vào ngày mùng 9 Tết âm lịch, dân làng Túy Loan cùng du khách thập phương lại tập trung tại đây để mở lễ hội truyền thống của đình làng. Lễ hội làng Túy Loan thường diễn ra trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 âm lịch.
– Lễ hội đình làng Hòa Mỹ: đình làng Hòa Mỹ cách trung tâm thành phố 7,6 km, có lịch sử hình thành và phát triển từ hơn 400 năm. Lễ hội đình làng được tổ chức từ năm 1994 và duy trì cho đến nay. Lễ hội được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm.
– Lễ hội đình làng Thạc Gián: Đình Thạc Gián cách trung tâm thành phố 2,5 km, là một trong số ít những ngôi đình ở Đà Nẵng còn lưu giữ được những hiện vật hết sức có giá trị: 18 sắc phong và 38 chiếu, chỉ của các triều đại Hậu Lê và Triều Nguyễn, được hình thành bởi những kiến trúc đặc thù. Đình Thạc Gián đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 2007.
– Lễ hội đình làng Hải Châu: Đình làng Hải Châu cách trung tâm thành phố1,6 km, được xem là ngôi đình cổ nhất ở Đà Nẵng, được công nhận là Di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia vào năm 2001. Hiện nay, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật, hoành phi và liễn đối bằng chữ Hán, được sơn son thếp vàng, có niên đại hàng trăm năm.
2.3.4. Lễ hội Đâm trâu
Đây là lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Cơ tu sinh sống tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, gắn với nhạc và điệu múa truyền thống của người Cơ tu là Tung tung Yayá. Lễ hội đâm trâu là hình thức sinh hoạt cộng đồng chứa đựng nhiều nét văn hóa truyền thống, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xua đi những điều xấu đối với cuộc sống của bản làng; là một trong những tín ngưỡng thần linh quan trọng của người Cơ tu, được tổ chức vào các dịp mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới xin…
Mặc dù các xã đều nằm xa trung tâm thành phố (trung bình 30 km) nhưng xung quanh lại có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đặc biệt là các điểm tài nguyên du lịch sinh thái.
3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
3.1. Xác định trọng số của các tiêu chí đánh giá
Khảnăng khai thác du lịch tại các lễ hội truyền thống cần hội tụnhiều yếu tố, tuy nhiên mức độ quan trọng có sự khác biệt. Vận dụng phương pháp phân tích thứ bậc AHP và lấy ý kiến chuyên gia về mức độ quan trọng của các tiêu chí ở mục 2.2 trên thang điểm từ1 đến 9 tương ứng với mức ảnh hưởng từ thấp đến cao của từng tiêu chí đối với khả năng khai thác lễ hội truyền thống để phục vụ phát triển du lịch. Trọng số của các tiêu chí được tổng hợp từ ý kiến của 06 chuyên gia là giảng viên du lịch đang giảng dạy tại các trường đại học và cán bộ Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, được thể hiện ở bảng 2.
Bảng 2. Trọng số của các tiêu chí đánh giá khảnăng khai thác lễ hội phục vụ du lịch
STT | Tiêu chí | Trọng số |
1 | Độ hấp dẫn | 0,202 |
2 | Vị trí tổ chức lễ hội | 0,163 |
3 | Tính liên kết | 0,154 |
4 | Mức độ bảo tồn | 0,175 |
5 | Thời gian có thể hoạt động du lịch | 0,166 |
6 | Sức chứa | 0,18 |
3.2. Kết quả đánh giá khả năng phát triển du lịch tại các lễ hội truyền thống
Tương ứng với 5 mức đánh giá, tác giảphân hạng mức độ thuận lợi của các lễ hội truyền thống theo 5 mức: Rất thuận lợi (RTL), thuận lợi (TL), thuận lợi trung bình (TLTB), ít thuận lợi (ITL), kém thuận lợi (KTL). Điểm của các cấp đánh giá được thực hiện theo công thức(1) như sau:
Căn cứ vào các đặc điểm của các lễ hội và hệ thống chỉ tiêu đánh giá, tác giả đã đánh giá tổng hợp các tiêu chí tại các lễ hội truyền thống với kết quả được thể hiện ở bảng 3.
Bảng 3. Kết quả đánh giá tổng hợp các tiêu chí đánh giá lễ hội truyền thống
Lễ hội / Tiêu chí | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | Điểm trung bình | Mức đánh giá |
Trọng số | 0,20 | 0,16 | 0,15 | 0,17 | 0,16 | 0,18 | ||
Lễ hội Quán Thế Âm | 4 | 4 | 3 | 5 | 3 | 5 | 4,12 | RTL |
Lễ hội Cầu Ngư | 4 | 5 | 4 | 5 | 2 | 3 | 3,91 | TL |
Lễ hội đình làng Túy Loan | 3 | 4 | 1 | 5 | 2 | 5 | 3,46 | ITL |
Lễ hội đình làng Hòa Mỹ | 2 | 5 | 1 | 5 | 2 | 3 | 3,06 | KTL |
Lễ hội đình làng Thạc Gián | 2 | 5 | 5 | 5 | 1 | 2 | 3,32 | KTL |
Lễ hội đình làng Hải Châu | 2 | 5 | 5 | 5 | 2 | 3 | 3,66 | TLTB |
Lễ hội Đâm trâu | 3 | 2 | 4 | 5 | 3 | 4 | 3,4 | ITL |
Trong đó: 1 – Độ hấp dẫn; 2 -Vị trí tổ chức lễ hội; 3 -Tính liên kết; 4 -Mức độ bảo tồn; 5 – Thời gian có thể hoạt động du lịch; 6 – Sức chứa.
Như vậy, khả năng khai thác du lịch tại lễ hội Quán Thế Âm là rất thuận lợi, lễ hội Cầu Ngư là thuận lợi, lễ hội đình làng Hải Châu thuận lợi trung bình, lễ hội đình làng Túy Loan và lễ hội Đâm trâu ít thuận lợi, lễ hội đình làng Hòa Mỹ, đình làng Thạc Gián là kém thuận lợi. Kết quả đánh già này phù hợp với tình hình thực tế của các lễ hội hiện nay.
3.3. Gợi ý và khuyến nghị về phát triển du lịch tại các lễ hội truyền thống ở thành phố Đà Nẵng
Mặc dù các lễ hội truyền thống vẫn còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tuy nhiên,việc lễ hội đó có thểkhai thác cho hoạt động du lịch hay không còn phụthuộc vào nhiều yếu tố khác. Thông thường các lễ hội diễn ra trong vài ngày và chỉ một lần trong năm, do đó không thể đưa vào các chương trình du lịch thường xuyên nên chủyếu thu hút du khách ở vùng lân cận hoặc đang đi du lịch tựdo. Bên cạnh đó, phạm vi tổ chức lễ hội phần lớn vẫn mang tính chất địa phương nên nếu không có sự liên kết với các đơn vị khai thác du lịch sẽ ít được khách du lịch biết đến. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số khuyến nghị như sau:
– Các lễ hội truyền thống chủ yếu tổ chức ở phạm vi địa phương và do cộng đồng cư dân địa phương chủ trì, do đó công tác truyền thông, quảng bá thường không được chú trọng khiến mức độ được biết đến còn hạn chế. Vì vậy, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cần có kế hoạch quảng bá lễ hội như mời các đơn vị hoạt động du lịch tham gia lễ hội, liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành để xây dựng các chương trình du lịch riêng biệt gắn liền với lễ hội và nghiên cứu, mở rộng thị trường khách hàng có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa để thực hiện công tác quảng bá cho lễ hội.
– Chính quyền địa phương cần kết hợp với cơ quan quản lý về giáo dục để tổ chức cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các ngành văn hóa, du lịch tham gia các lễ hội truyền thống, vừa để tìm hiểu về văn hóa của cha ông, thông qua đó góp phần quảng bá hoạt động của các lễ hội.
– Đối với một số lễ hội được tổ chức ở vị trí gần nhiều điểm du lịch, khi có kế hoạch tổ chức, chính quyền địa phương cần thông báo, liên kết với các đơn vị kinh doanh lữ hành để có sự điều chỉnh lịch trình phù hợp nhằm bổ sung hoạt động tham gia lễ hội trong chương trình du lịch.
– Lễ hội Đâm trâu mặc dù kết quả đánh giá là ít thuận lợi, tuy nhiên lại diễn ra ở những địa phương có nhiều điểm tài nguyên du lịch sinh thái và đang tổ chức hoạt động du lịch sinh thái hiệu quả như xã Hòa Bắc, Hòa Phú. Do đó, khi lễ hội sắp diễn ra, cần có sự thôngbáo, cung cấp thông tin cho khách du lịch thông qua các hình thức như treo pano trong khu vực, đặt tập gấp, tờ rơi tại các cơ sở lưu trú hoặc điểm tham quan.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn lễ hội là vấn đề đặc biệt quan trọng, là nền tảng để hoạt động này được diễn ra thường xuyên và nguyên vẹn. Vì vậy, chính quyền địa phương nơi diễn ra lễ hội cần xác định được mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa gắn liền với khai thác du lịch; xây dựng cơ chế chính sách, kế hoạch phát triển cụ thể cho các lễ hội; đẩy mạnh liên kết giữa văn hóa và du lịch để cùng đưa ra những nội dung khai thác và phát triển bền vững các lễ hội.
4. Kết luận
Lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa tinh thần lâu đời không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, không phải lễ hội nào cũng được duy trì, giữ gìn bởi sự tác động của nhiều yếu tố. Qua thời gian, nhiều lễ hội đã dần bị mai một, hoặc biến mất, hoặc bị ảnh hưởng bởi hiện đại hóa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống, cần phải đồng bộ giữa việc nghiên cứu thấu hiểu, thẩm định bảo tồn, thực hành phát triển và quảng bá truyền thông. Chính vì vậy, du lịch góp một phần không nhỏ vào việc bảo tồn các lễ hội này. Tuy nhiên, để khai thác tốt các lễ hội cho hoạt động du lịch, cần phải dựa trên nhiều yếu tố.
Trên cơ sở đó, bài viết đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các mức độ thuận lợi để phát triển du lịch của một số lễ hội tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng dựa trên các tiêu chí khác nhau. Kết quả cho thấy lễ hội Quán Thế Âm là rất thuận lợi, lễ hội Cầu Ngư là thuận lợi, lễ hội đình làng Hải Châu thuận lợi trung bình, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội Đâm trâu ít thuận lợi và lễ hội đình làng Hòa Mỹ, đình làng Thạc Gián là kém thuận lợi.
Việc đưa các lễ hội này vào hoạt động du lịch cần phải có kế hoạch triển khai lâu dài và có sự quan tâm, đồng lòng của chính quyền địa phương các cấp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO/ REFERENCES
[1] P. G. Glare, The Oxford Latin Dictionary.Oxford: Clarendon Press,1982.
[2] M. V. Nguyen, Value of traditional festivals, no. 2,Vietnam Academy of Social Sciences, Hanoi, 2002.
[3] T. Q. Bui and K. T. T. Bui, Vietnamese Dictionary.Youth Publishing House, Hanoi, 2000.
[4] K. G. Dinh, Traditional festivals in modern society.Social Sciences Publishing House, Hanoi, 1993.
[5] L. Q. Nguyen, Survey of the current situation of traditional festival culture of the Vietnamese people in the Northern delta.Social Sciences Publishing House, Hanoi, 2001.
[6] L. Hoang, Traditional festivals of Vietnamese ethnic groups.Vietnam National University Press, Hanoi, 2002.
[7] H. Le, “The role of traditional festivals in tourism development in Dong Hoi City,” Quang Binh Cultural Journal, no.4, pp. 40-41, 2017.
[8] C.Waldemar, “Festival tourism –the concept, key functions and dysfunctions in the context of tourism geography studies,” Geographical Journal, vol. 65, pp.105-118, 2013.
[9] N. T. Phan, “Exploit cultural values in the context of tourism development in Southern Vietnam,” Scientific Journal of Hanoi Metropolitan University, no. 43, pp. 25-34, 2020.
[10] T. T. Bui andL. D. Hoang, “Management of traditional festivals from a tourism perspective,” Proceedings of the Symposium on Cultural Behavior in Festivals, Department of Grassroots Culture, 2016, pp. 49-54.
[11] N. T. X. Truong, “Promoting the festival tourism in Khanh Hoa province,” Vietnam Trade and Industry Review, no.12, pp. 301-307, 2021.
[12] H. T. T. Bach, “Exploiting the potential of early spring festivals in Hue for tourism development,” Journal of Research and Development, vol. 174, no. 1, pp. 40-52, 2022.
[13] H. T. T. Truong, H. T. T. Bach, and Q. T. H. Le, “Tourists’ assessment of festival tourism activities at Huyen Tran Cultural Center, Hue City,” Hue University Journal of Science, vol.126, no. 5D, pp. 5-14, 2017.
[14] C. N. Dao, “Territorial organization of tourist sites in Kien Giang province using a geographic information system (GIS) approach,”Doctoral thesis in Geography, Hanoi National University of Education, 2003.
[15] T. T. Bui, “Establish a scientific basis for the identification of tourist routes in Quang Tri province,”Ministerial-level scientific and technological project, Hue University of Sciences, 2012.
[16] T. Q. Do, “Developing tourism in Ho Chi Minh City by exploiting tourism resources in the surrounding area,”Doctoral thesis in Geography, Hanoi National University of Education, 2004.
Nguồn: TNU Journal of Science and Technology, 228(16): 275 -283
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Đánh giá khả năng phát triển du lịch tại các lễ hội truyền thống ở Thành phố Đà Nẵng (Tác giả: Phan Kim Ngân) |