Dấu ấn của chúa Nguyễn trên đất Ba Giồng

Tác giả bài viết: LÊ CÔNG LÝ
(Phân viện Nghiên cứu Văn hóa – Thông tin tại TPHCM)

     Ba Giồng là vùng đất có bề dày lịch sử đáng kể trong công cuộc Nam tiến và khai hoang lập ấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Địa danh này cũng gắn liền với cuộc tranh hùng quyết liệt giữa Nguyễn ánh và Tây Sơn vì đây là nơi hùng cứ của quân Đông Sơn – hiểu theo nghĩa đối nghịch với Tây Sơn.

1. Về địa danh Ba Giồng

     Theo Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của thì “giồng” với “gò” có nghĩa như nhau: “đất cao ráo, nổi lên”. Nhưng thực tế ở Ba Giồng, người ta thường dùng “gò” để chỉ khu đất cao mà tương đối hẹp, còn “giồng” là khu đất cao mà tương đối rộng. Các giồng này rất phổ biến ở vùng hạ lưu sông Tiền và sông Hậu mà Ba Giồng là một trường hợp điển hình. Theo Lê Bá Thảo thì: “Các giồng cũ (nằm xa lòng sông hiện đại) thấp hơn các giồng mới được cấu tạo, làm cho bề mặt đất nghiêng dần từ sông vào đồng bằng”1. Đây chính là bằng chứng về sự bồi tụ liên tục tác động lên các giồng.

      Cũng như các giồng đất khác, Ba Giồng được hình thành chủ yếu là do loại đất cát pha, cao ráo nên thích hợp cho việc trồng hoa màu2, thường là các loại như bắp, đậu, khoai lang, thuốc lá (thuốc giồng)… được Nguyễn Liên Phong miêu tả như sau:

Tốt tươi bắp đậu các giồng,

Khoai lang Trấn Định người trồng vạn thiên.

Cải rau, bông thuốc khắp miền,

Đồ làm trong rẫy xóm riềng nhặt sai3.

     Đất giồng vì cao ráo nên cũng thích hợp cho việc trồng các loại dưa4. Bởi vậy mà ở Ba Giồng rất phổ biến các bài hát nói về dưa. Chẳng hạn:

Gió đưa gió đẩy,

Về rẫy ăn còng,

Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa.

(Ca dao)

Hay:

Mẹ mong gả thiếp về vườn,

Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh.

(Ca dao)

Và:

Trên đất giồng mình trồng khoai lang,

Trên đất giồng mình trồng dưa gang.

Hỡi cô gánh nước1 đường xa,

Con bao gánh nữa để qua gánh dùm…

(“Lý đất giồng”)

     Chữ Hán gọi đất Ba Giồng là Tam Phụ2. Sách Gia Định thành thông chí ghi nhận: “Hạt trấn Định Tường giồng đất rất nhiều, trên có giồng Triệu, giữa có giồng Cai Lữ, dưới có giồng Kiến Định là ba giồng lớn”3. Ngoài ba giồng lớn ấy ra còn có vô số giồng nhỏ án ngữ mặt nam và đông nam Đồng Tháp Mười. Bởi vậy mà việc xác định cụ thể địa danh Ba Giồng ở đâu là vấn đề không đơn giản.

     Gia Định thành thông chí không hề nói rõ Ba Giồng gồm những giồng đất cụ thể nào mà chỉ miêu tả chung chung: “Ba Giồng ở hạt trấn Định Tường, đất gò đống lên xuống, cây cối um tùm, tiếp nối nhau chạy suốt huyện Kiến Đăng, Kiến Xương”4 (tương đương với khu vực rộng lớn gồm thị xã Tân An, tỉnh Long An và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang hiện nay).

     Đến Đại Nam nhất thống chí thì có miêu tả chi tiết hơn: “Gò Tam Phụ tục danh là Ba Đổng gồm: 1. Gò Yến5; 2. Gò Kì Lân6; 3. Gò Qua Qua. Gò đống rộng lớn, cây cối sum suê, chỗ khởi lên chỗ phục xuống, tiếp tục nối liền, trước có đại giang7 ngăn trở, sau tựa Chằm Mãng Trạch89. Như vậy, tuy kể ra ba gò/giồng tiêu biểu, nhưng sách cũng cho biết thêm là ngoài ra còn rất nhiều gò/giồng khác (“chỗ khởi lên, chỗ phục xuống”).

     Đến Nguyễn Phúc Nghiệp thì có cái nhìn bao quát hơn: “Ba Giồng gồm ba cụm giồng cát, bắt đầu từ phía nam sông Vàm Cỏ Tây, chạy dọc theo sông Bảo Định theo hướng bắc – nam, rồi ngoặc sang hướng đông – tây để cặp dài theo sông Tiền đến Cái Thia1, xuyên qua một vùng đất rộng lớn mà ngày nay là thị xã Tân An, tỉnh Long An và các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ba cụm giồng đó là:

      – Cụm 1: giồng Cai Yến (Cánh én), gò Trâm Bầu, gò Qua Qua (Trao Trảo), giồng Trấn Định (xã Tân Lý, Tân Hiệp, huyện Châu Thành), giồng Kì Lân ( xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành), Giồng Dứa (xã Tam Hiệp, Long Định, huyện Châu Thành).

     – Cụm 2: gò Lũ, giồng Cai Lữ, giồng Thuộc Nhiêu (xã Nhị Bình, Điềm Hy, huyện Châu Thành), gò Trà Luộc (xã Nhị Quý, Phú Quý, huyện Cai Lậy).

     – Cụm 3: gò Mồ Côi, gò Lâm Vồ (xã Tân Hội, huyện Cai Lậy), giồng Bà Trà (thị trấn Cai Lậy), gò Bù Lu (xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy), giồng Tre, gò Sung (xã Bình Phú, huyện Cai Lậy), gò Triệu (xã An C-, huyện Cái Bè)”2.

     Tóm lại, Ba Giồng là tên gọi chỉ vùng đất từ phía nam sông Vàm Cỏ Tây đến sông Tiền, dọc theo con đường Thiên lý xưa3, nay là quốc lộ 1.

2. Trung tâm hành chánh của đất Ba Giồng thời chúa Nguyễn

     Năm 1772, chúa Nguyễn Phúc Thuần sai quan trấn thủ Gia Định lấy đất Mỹ Tho lập thành đạo Trường Đồn với lỵ sở đặt tại gò Kiến Định, đặt chức Cai cơ, Thư ký để cai trị.

     Năm 1776, đạo Trường Đồn bị Tây Sơn phá tan. Năm 1778, Nguyễn ánh khôi phục lại và năm 1779 cho vẽ địa đồ, bỏ chín trường biệt nạp, đặt ra huyện Kiến Khương (hay Kiến Khang), nâng đạo Trường Đồn lên dinh Trường Đồn, lỵ sở cũng đặt tại gò Kiến Định, đặt ra chức Lưu thủ, Cai bộ và Ký lục, mở rộng chu vi đồn đến 1,5 dặm (tương đương 670m)4.

     Tháng giêng năm 1780, Nguyễn ánh lên ngôi chúa tại Bến Nghé. Năm 1781, ông cho đổi dinh Trường Đồn thành dinh Trấn Định, dời lỵ sở về thôn Mỹ Chánh (Mỹ Tho), chu vi lỵ sở rộng đến 4 dặm (tương đương 1800m)5. Từ đó về sau, Mỹ Tho trở thành trung tâm hành chánh của trấn Định Tường.

3. Dấu ấn của chúa Nguyễn trên đất Ba Giồng

     Ba Giồng giữ vị thế trọng yếu của trấn Định Tường: phía nam có sông Tiền và sông Bảo Định án ngữ, phía bắc là vùng Đồng Tháp Mười hoang vu rậm rạp, nước đọng quanh năm và giáp với địa phận Cao Miên nên dễ dàng tiến thoái. Nhờ có đường Thiên Lý đi dọc theo dãy giồng và các tuyến đường thuỷ như sông Bảo Định, kinh Rạch Chanh nên đất Ba Giồng vô cùng thuận lợi về giao thông liên lạc1.

     Trong giai đoạn “mông trần”, Nguyễn ánh luôn lấy đất Ba Giồng làm căn bản và dựa vào đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn chiếm cứ đất Ba Giồng làm điểm tựa:

Cao Hoàng đế thuở ra vào,

Đang khi kình ngạc ba đào phiến dương.

Nhờ dân Tam Phụ thạnh cường,

Phá Tây Sơn tặc chiến trường lập công2.

     Tuy nhiên, nơi trọng yếu nhất, là tiền đồn quyết định của đất Ba Giồng chính là giồng Trấn Định, vì giồng này nằm trên trục giao thông giữa Sài Gòn và Mỹ Tho, hai đầu mối quan trọng của đất Gia Định, đúng như nhận định của Quốc triều chính biên toát yếu: “Đạo Trường Đồn [đặt lỵ sở tại giồng Trấn Định] là chỗ quan yếu ở trong ba dinh, cho nên đặt tên dinh Trường Đồn”3. Do đó mà trong lịch sử nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn ánh, đất Ba Giồng thường được nhắc tới như là tên gọi chỉ riêng giồng Trấn Định. Thật vậy, ngay trong chuyện kể của linh mục Thừa sai M. Hamon (Hội Thừa sai Paris) được ghi lại trong Missions Catholiques năm 1882, quyển 14 cũng miêu tả và chỉ dẫn vị trí của xóm Ba Giồng như sau:

     “Phía đông bắc Sài Gòn, thuộc tỉnh Mỹ Tho, có một cánh đồng lầy rộng lớn. Vào mùa mưa, cánh đồng ấy biến thành một hồ nước mênh mông. ở lối vào đầm lầy này, nước cuốn dồn cát lại như tạo cho mình một cái rào chắn vững chắc không thể vượt qua nổi. Với thời gian, những đụn cát ấy cao dần lên. Trên ba giồng cát mà giòng nước đã bồi lên, giữa một rừng tre có ngọn cao tạo thành một vòng đai xanh, đó là xóm nhỏ Ba Giồng…

   Xóm Ba Giồng thuộc làng Tân Lý Đông, gần chợ Củ Chi”4.

     Chắc chắn là lưu dân người Việt tự phát đã đến Ba Giồng, mà cụ thể là giồng Trấn Định, từ trước năm 1698 vì nhiều lý do khác nhau, nên giáo xứ Ba Giồng được thành lập ngay từ năm 1702 với số giáo dân lên đến 3000 người. Theo bia đá tại nhà thờ Ba Giồng thì “năm 1783, vì cho vua Gia Long tá túc nên anh em nhà Tây Sơn trút tất cả sự cuồng bạo lên các Ki-tô hữu, tàn sát 150 người, đốt tất cả nhà cửa”.

     Lực lượng Nguyễn ánh do phải tranh chấp quyết liệt với Tây Sơn nên trọng võ hơn văn và do đó luôn chọn giồng Trấn Định làm nơi quyết chiến: “Văn Cai Lậy, võ Ba Giồng”. Ban đầu, quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn phục tùng Nguyễn ánh, lấy gò Trấn Định làm nơi căn bản. Theo Sơn Nam thì “Ba Giồng mà tướng Đỗ Thanh Nhơn lập căn cứ dựa lưng và Đồng Tháp Mười, đó là vùng Rạch Chanh, Khánh Hậu (Tân An) và Tân Hiệp (Mỹ Tho)”1. Theo sách Hoàng Việt hưng long chí (1900) của Ngô Giáp Đậu thì quân Đông Sơn hùng cứ ở đây cũng giống như“rắn Thường Sơn2 ở cửa quan Kiếm Các, hổ gánh vác một góc ở Lương Sơn”. Nhưng sau đó, Nguyễn ánh vì nghi ngờ mà giết Đỗ Thanh Nhơn, thuộc hạ còn lại rút về đất cũ Ba Giồng chống lại Nguyễn ánh cho đến khi tan rã. Bởi vậy mà Gia Định thành thông chí nhận định: “Thành cái tên Đông Sơn là ở Ba Giồng, mà hỏng cái tên Đông Sơn cũng là ở Ba Giồng”3.

     Ngược lại, quân Tây Sơn cũng xem giồng Trấn Định làm nơi hiểm yếu nên năm 1785, đô uý Tây Sơn là Nguyễn Trấn cho đào nối Rạch Chanh với ngọn cùng sông Ba Lai Bắc để cắt đứt sự liên lạc giữa giồng Trấn Định nói riêng và Ba Giồng nói chung với Đồng Tháp Mười4.

     Trong nhiều cuộc đối đầu với Tây Sơn, Nguyễn ánh và quân Đông Sơn thường thua và rút chạy về Ba Giồng để tẩu thoát về phía tây. Chẳng hạn, “Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Văn Lữ, Nguyễn Văn Huệ vào cướp, ngài [Nguyễn ánh] ngự qua Tam Phụ [Ba Giồng], các tôi đi theo chỉ có bọn Nguyễn Kim Phẩm và năm sáu người mà thôi. Ngài ngự qua sông Lật [Bến Lức], binh giặc theo sau, nước sông chảy mạnh quá, không có đò qua sông. Ngài thường tập lội nước cho nên Ngài lội qua được. Đến sông Đăng [Rạch Chanh], thời sông ấy nhiều cá sấu, không lội qua được. Có một con trâu nằm bên bờ sông, Ngài cỡi trâu mà qua, nhưng nước lên mạnh quá, trâu chìm xuống nước, có cá sấu đỡ trâu lên. Rồi Ngài bơi vào bờ Mỹ Tho [thuộc đất Ba Giồng], thâu thập ghe thuyền, phụng đức Vương mẫu và cung quyến ra trú ở Phú Quốc”5.

     Cũng chính tại giồng Cai Yến (liền kề trước giồng Trấn Định) mà Nguyễn ánh đã thâu nạp được Huỳnh Tường Đức, vị hổ tướng được xem như cánh tay mặt của ông. Vì lập được nhiều công lớn nên Huỳnh Tường Đức được Nguyễn ánh ban quốc tính, gọi là Nguyễn Huỳnh Đức.

     Do liên tục bị Tây Sơn áp đảo nên Nguyễn ánh phải cầu viện 5 vạn quân Xiêm về đánh Tây Sơn. Đêm 19 rạng 20/1/1785, dưới sự chỉ huy tài tình của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã đánh tan và giết khoảng 4 vạn quân Xiêm tại trận thuỷ chiến Rạch Gầm – Xoài Mút trên sông Tiền1.

     Đến năm 1788, Nguyễn ánh làm chủ được đất Gia Định, đuổi Nguyễn Lữ chạy về Quy Nhơn. “Vừa đánh được Mỹ Tho, [Nguyễn ánh] liền lập công đường dinh Trấn Định để giữ việc dân”2.

4. Kết luận

     Đất Ba Giồng xưa là vùng đất nổi tiếng, nơi diễn ra nhiều biến cố lịch sử quan trọng do nằm ở vị trí chiến lược trên đường từ Sài Gòn xuống miền Tây, đặc biệt là nơi ghi đậm dấu ấn của chúa Nguyễn (chủ yếu là Nguyễn ánh) trong sự nghiệp chống lại nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước.

     Ngoài ra, trong hành trình mở đất về cực nam của Tổ quốc, Ba Giồng là bước đệm, là bàn đạp để ông cha ta tiến sâu, tiến mạnh về phía Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Ba Giồng là quê hương của nhiều anh hùng nổi tiếng như Nguyễn Huỳnh Đức, Đỗ Thanh Nhơn, Lê Văn Duyệt, Lê Văn Quân, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Âu Dương Lân… và các bậc trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng như Phan Hiển Đạo, Học Lạc (Nguyễn Văn Lạc), soạn giả cải lương Trần Hữu Trang…

     Hào khí của đất Ba Giồng được tích tụ chủ yếu tại đất Tân Hiệp, nơi có gò Trấn Định cao vượt, đúng như tinh thần bài thơ chữ Hán còn lưu giữ tại đình Tân Hiệp từ năm 18543:

SẮC PHONG TÂN HIỆP XÃ ĐÔNG SƠN HỘI ĐỒNG BAN

Anh hùng tụ nghĩa khởi Tam Đống,

Vạn chúng nhất tâm cử xí long.

Dực đới khai cơ thành sự nghiệp,

Khuông phù tái tạo kỉ phong công.

Kì lân thuỵ tú uy linh uẩn,

Long hổ phong vân biến hoá trung.

Tân Hiệp sắc phong hưng điện vũ,

Đông Sơn thiên cổ khí như hồng.

Thiên vận Giáp Dần mạnh hạ.

Đệ tử Lý Văn Hùng phụng cúng.

Tạm dịch:

MỪNG ĐÌNH TÂN HIỆP VÀ HỘI ĐÔNG SƠN CÙNG ĐƯỢC SẮC PHONG

Anh hùng tụ nghĩa tại Ba Giồng,

Giương ngọn cờ đào vạn chúng đông.

Giúp nước khơi nguồn cơ nghiệp lớn,

Phò vua dựng lại đất cha ông.

Kì lân ẩn tích ươm uy dũng,

Rồng cọp tung hoành lập chiến công.

Tân Hiệp sắc phong đình hiển hách,

Đông Sơn muôn thuở sắc tươi hồng.

 

__________
1Thiên nhiên Việt Nam, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, 1977, tr.262.

2 Gọi là rẫy. Tại thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nay còn địa danh ấp Rẫy.

3Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toán xb, Sài Gòn, 1909, tr.62.

4 Tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có giồng tên là Qua Qua 瓜瓜. Trong chữ Hán, “Qua” 瓜 có nghĩa là “d-a”, vì có tự dạng gần giồng chữ “trảo” 爪 (móng vuốt) nên bị viết và đọc nhầm là “Trảo Trảo” 爪爪, sau đọc trại thành “Trao Trảo”.

1 Vì đất giồng cao ráo, ít kinh rạch nên nước sinh hoạt và cả trồng trọt thường phải gánh từ giếng.

2“Phụ” là gò đất cao ven sông.

3 Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.127.

4 Trịnh Hoài Đức, Sđd, tr.39.

5 Còn gọi là gò Cai Yến hay Cánh én, nay thuộc phường Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An.

6 Nay thuộc xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

7 Đại giang ở đây là sông Tiền và sông Bảo Định.

8 Chằm Mãng Trạch là Đồng Tháp Mười.

9 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí. Lục tỉnh Nam Việt, Nha Văn hoá, Bộ Quốc gia Giáo dục xb, Sài Gòn, 1959, tr.105 – 106.

1 Nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

2 Nguyễn Phúc Nghiệp, Những trang ghi chép về lịch sử văn hoá Tiền Giang, Nxb Trẻ, 1998, tr.20.

3 Xem Nguyễn Thanh Lợi, “Con đường Thiên lý”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 5 – 6, 2006.

4 Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.99 – 100 và 116.

5 Đại Nam nhất thống chí , Sđd, tr.117.

1 Xem Lê Công Lý, “Lịch sử tuyến giao thông đường thủy nội địa Sài Gòn – miền Tây”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 3, 2006.

2 Nam Kì phong tục nhơn vật diễn ca, Phát Toán xb, Sài Gòn, 1909, tr.63.

3 Quốc sử quán triều Nguyễn. Quốc triều chính biên toát yếu, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1998, tr.12.

4 Dẫn theo Phạm Thanh Minh (linh mục), Sử liệu họ đạo Ba Giồng – giáo phận Mỹ Tho, (Tài liệu nội bộ), 2000, tr.19.

1 Đồng bằng sông Cửu Long – nét sinh hoạt xưa Văn minh miệt vườn, Nxb Trẻ, 2004, tr.352.

2 Rắn Thường Sơn (điển tích), chỉ loài rắn đuôi có thể chích nọc độc, do đó đầu và đuôi có thể tiếp ứng nhau. Về sau được áp dùng làm một thế trận.

3 Gia Định thành thông chí, Sđd, 41.

4 Xem Lê Công Lý, “Lịch sử kinh Nguyễn Văn Tiếp ở Đồng Tháp Muời”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Sở Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 2 – 2006.

5Quốc triều chính biên toát yếu, Sđd, tr.16.

1 Tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hiện có khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

2 Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến Việt Nam 1771 – 1802, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.225.

3 Trong văn bản ghi năm Giáp Dần, vậy chỉ có thể là năm 1854 hoặc 1914. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung bài thơ (mừng đình làng được sắc phong, năm Tự Đức thứ 5 – 1852) nên có thể phỏng định đây là năm 1854.

1 Theo tài liệu Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tân Hiệp, Lưu hành nội bộ, 1999.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Dấu ấn của chúa Nguyễn trên đất Ba Giồng (Tác giả: Lê Công Lý)