Luân Quốc công Tống Phước Trị với chúa Nguyễn và đền thờ ông ở quê hương Tống Sơn
Tác giả bài viết: Tiến sĩ PHẠM VĂN TUẤN
(Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Thanh Hoá)
Luân Quốc công Tống Phước Trị, sống ở thế kỷ XVI – vị khai quốc công thần triều Nguyễn, một phần cuộc đời ông đã được các bộ sử lớn của triều Nguyễn ghi chép nh- Đại Nam liệt truyện tiền biên, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí1… đặc biệt là bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên là bộ sử ghi chép chuyện các nhân vật dưới thời trị vì của các chúa Nguyễn từ năm 1558-1777 (bắt đầu từ Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Thuần) gồm 124 nhân vật (chưa kể nhân vật phụ chép), có 18 nhân vật người Thanh Hoá trong đó có Tống Phước Trị (chưa kể những nhân vật là dòng dõi của họ được chép thêm vào). Sinh thời Tống Phước Trị làm quan với nhà Lê, tới chức trấn phủ Thuận Hoá (tức Huế ngày nay), tước Luân Quận công, nhưng ở buổi đầu của các chúa Nguyễn lại là người có công lớn “tận lực phù tá vương thất“; con cháu ông cũng là những bậc văn võ toàn tài giữ nhiều chức vụ quan trọng ở thời các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn sau này được sử sách ghi danh sáng; những giá trị con người và dòng tộc Tống Phước Trị đối với đất nước quê hương, đối với sự vận động của lịch sử quả là xứng đáng được khẳng định. Tuy nhiên, về tiểu sử và hành trạng của ông còn nhiều điều phải được bổ sung, bởi một vị khai quốc công thần có nhiều công lao như vậy nhưng sử sách không thấy nơi nào ghi chép về ngày tháng năm sinh, cũng không có tài liệu nào ghi chép cụ thể về quê quán làng xã của ông để tìm hiểu; thậm chí nơi thờ ông ở ngay mảnh đất quê hương cũng chỉ còn lại dấu tích ít ỏi, tìm hiểu người dân vùng này nhiều người quên lãng, số khác cũng chỉ còn nhớ được vị trí của ngôi miếu trước đây thường được gọi là miếu thờ “Ông quan Luân Quốc công Đại vương” thiêng lắm, nhưng không biết tên thật của ông là gì? ở bài viết này, chúng tôi cũng chỉ dám nêu lên một vài suy nghĩ hãy còn tản mạn qua những nguồn tài liệu hiện có (trong thư tịch và cả trong thực địa) góp phần hiểu biết chính xác hơn để đi đến nhận thức công bằng hơn những đóng góp của Tống Phước Trị đối với lịch sử đất nước.
1.
Trước hết nói về tước hiệu: Quốc công hay Đại vương là những tước hiệu mà các vua triều Nguyễn (1802-1945), truy phong cho nhân vật có công được thờ tại các làng xã đã qua đời hàng trăm năm trước đó; riêng đối với tước Vương khi được bao phong phúc thần mới được truy phong là Đại vương, hoặc Thượng đẳng thần ngang với các vị thần tối linh, tối quý, được lập miếu thờ và cấp cho dân tạo lễ1. Tước hiệu mà Tống Phước Trị được vương triều Lê Trung hưng phong tặng lúc sinh thời chỉ là Luân Quận công. Triều đình phong kiến Việt Nam có các tước phong (kể từ cao xuống thấp), về tước Vương (có Đại vương và Vương); về tước Công (có Quốc công và Quận công), tiếp đến là tước Hầu, tước Bá, tước Tử, tước Nam.
Về Tống Phước Trị, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên cho biết: Ông là người Quý huyện (tức huyện Tống Sơn, không rõ làng xã), trấn Thanh Hoa, làm chức trấn phủ Thuận Hoá (tức Huế ngày nay), tước Luân Quận công dưới triều Lê Trung hưng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVI. Tống Phước Trị là người đức độ, làm chính sự theo đường lối khoan hoà, giản dị. Trong thời gian trấn phủ Thuận Hoá, Tống Phước Trị rất được lòng dân, trăm họ đều yêu mến, tôn xưng là “Bản xứ công”, hay là “ông xứ này” (nghĩa là ông trấn thủ ở đây).
Vào khoảng năm 1550 vua Lê (Trung Tông Vũ Hoàng Đế) xét đất Thuận Hoá và Quảng Nam cần phải có tướng giỏi làm trấn thủ để giữ yên dân chúng, bảo vệ bờ cõi, đề phòng quân Mạc vào cướp phá; Thái sư Trịnh Kiểm tiến cử Bùi Tá Hán và Tống Phước Trị. Vua Lê phong Bùi Tá Hán làm Trấn quận công trấn thủ phủ Quảng Nam2, Tống Phước Trị làm Luân Quận công trấn thủ phủ Thuận Hoá3.
Đến tháng 11 năm Mậu Ngọ (1558), theo lệnh của vua Lê – chúa Trịnh, Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hoá – miền đất được coi là “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời!). Đi theo Nguyễn Hoàng gồm có tướng sĩ bản bộ của ông và vợ con của họ trong đó có rất nhiều người Thanh Hoá (chủ yếu là huyện Tống Sơn) theo đường biển ra cửa Đại An, vượt Đông Hải tiến thẳng vào Cửa Việt đến đóng quân trên một cồn cát thuộc xã ái Tử huyện Vũ Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), bên bờ sông Thạch Hãn. Vì là người có cùng quê gốc là “Quý huyện” (huyện Tống Sơn) với Nguyễn Hoàng, hơn nữa lại trọng tài đức của vị “Thái tổ Hoàng đế nhà Nguyễn” (tức Nguyễn Hoàng), Tống Phước Trị đã nhanh chóng dâng ngay sổ sách, bản đồ trong cõi Thuận Hoá lên vị quan trấn thủ mới. Sau đó, Tống Phước Trị cùng với Uy Quốc công Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Nguyễn Hoàng) và Thống binh Mạc Cảnh Huống đồng tâm phụ tá “góp mưu nơi màn trướng“, “khởi xướng mưu lớn“, “nhiều phương trù hoạch để dựng nghiệp vương“, giúp đỡ Nguyễn Hoàng trong việc cai trị và mở mang xứ Thuận Hoá và xứ Quảng Nam thời bấy giờ. Sách Đại nam thực lục tiền biên chép rằng: “Mùa thu tháng Tám năm Kỷ Mùi (1559). Bấy giờ mọi việc bắt đầu. Chúa (tức Nguyễn Hoàng – PVT) khuya sớm chăm lo nghĩ việc củng cố căn bản. Nguyễn Ư Dĩ cùng bọn Tống Phước Trị (bấy giờ gọi là Luân Quận công), Mạc Cảnh Huống cùng lòng hợp sức, quy hoạch nhiều phương. Chúa đều thành thục tin dùng”1. Về sau, Tống Phước Trị ốm rồi qua đời khi đang tại chức.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép Tống Phước Trị vào phần nhân vật (đáng nêu danh và khen ngợi) của Phủ Thừa Thiên (Huế), và nhận xét như sau: “Tống Phước Trị: Tổ tiên là người huyện Tống Sơn, sau dời đến Thuận Hoá, trước làm quan triều Lê, giữ chức trấn phủ Thiệu Hoá, tước Luân Quận công, chính sự khoan hoà, được dân yêu mến. Lúc Thái Tổ (chỉ Nguyễn Hoàng – PVT) đã vào trấn trị miền Nam, Trị đem sổ sách trong hạt dâng nộp trước mọi người, lại có công giúp dập. Đầu đời Gia Long (1802-1819) liệt vào bậc thứ nhì “Khai quốc công thần”, cho một người cháu tập ấm để giữ việc thờ tự”2.
Sự việc mà sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép trên đây, xảy ra vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Ngoài việc triều đình truy tặng Tống Phước Trị là bậc Khai quốc công thần hạng nhì, cho một người cháu ấm thụ làm chức thứ Đội trưởng, được thế tập, để coi việc thờ cúng, lại cấp cho đền thờ ông 6 mẫu tự điền (ruộng tế tự) và 3 người phu coi lăng mộ. Qua đó, đủ thấy triều đình nhà Nguyễn coi trọng công lao và danh tiết của Luân Quận công Tống Phước Trị đến mức nào!
Vì Luân Quận công là bậc tướng văn võ song toàn, lại đối xử với nhân dân trong xứ vừa khoan dung vừa đức độ, nên phúc đức truyền lại cho con cháu thật lâu dài. Con Phước Trị là Tống Phước Đông làm đến chức Chưởng Cơ; cháu nội là Tống Phước Khang, vì là con nhà cửa tướng, thường đem quân đi đánh dẹp, có công thăng đến chức Chưởng doanh, rồi được phong tước Quận công. Khi chết, Tống Phước Khang được tặng hàm Thiếu phó. Tống Phước Khang có hai con trai: Con trưởng là Tống Phước Vinh làm quan đến Trung quân Đô đốc phủ (hàm Chánh nhất phẩm), lúc chết cũng được tặng Thiếu phó, Quận công. Con thứ hai là Tống Phước Thạch làm quan Tiền quân Đô đốc phủ (hàm Chánh nhất phẩm), được phong tước Quận công. Con Tống Phước Vinh là Tống Phước Trí làm quan đến Nội hữu Chưởng doanh. Con Tống Phược Thạch là Tống Phước Diệu làm quan đến Ngoại hữu Chưởng doanh, kiêm coi Tào vụ. Con Tống Phước Diệu là Tống Phước Dĩnh (hay Vĩnh) lấy công chúa Ngọc San [con gái thứ 3 của Nguyễn Phúc Chú (1725 – 1738)], làm quan đến Phò mã Chưởng doanh.
Một người xuất thân từ một vị tướng làm chức trấn phủ Thuận Hoá như Luân Quận công Tống Phước Trị mà con cháu thành đạt nhiều đời như thế, kể thật hiếm có trong lịch sử.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đính chính một chút sử liệu về sự nhầm lẫn của các sử thần triều Nguyễn khi biên soạn mục Đền miếu phủ Thừa Thiên. Sách Đại Nam nhất thống chí, tập 1, ở trang 176 có chép như sau: “Đền Luân Quốc công: ở phường Giang Nghiễn, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong (nay là huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị) thờ Luân Quốc công Tống Phước Hợp (còn đọc là Hiệp – PVT) là công thần hồi đầu bản triều (sự tích xem phần Nhân vật)”1. Đọc tiểu sử Tống Phước Hiệp ở phần Nhân vật phủ Thừa Thiên cho biết: “Tống Phước Hợp, dòng dõi Luân Quận công Tống Phước Trị, đời Thế Tông [tức chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1965)] làm Lưu Thủ Long Hồ… Năm ất Mùi (1775), Duệ Tông [tức chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1775)] chạy vào Gia Định cho Hợp làm Tiết chế Kinh Quận Công, khi chết tặng Hữu Phủ Quốc công2. Điều Tống Phước Hợp được phong tước Kinh quận công cũng được sách Đại Nam liệt truyện tiền biên xác nhận. Sách ấy viết: “Năm Giáp Ngọ (1774), mùa Đông, quân Trịnh xâm phạm đô thành (tức Phú Xuân – PVT) Chúa (chỉ Nguyễn Phúc Thuần) chạy vào Quảng Nam. Năm ất Mùi (1775), chúa vào Gia Định thuyền của Chúa đến cửa biển Vân Phong (Hòn Khói), Phúc Hợp cùng Khoa Thuyên đến đón Chúa. Chúa lập tức cho Phúc Hợp làm Tiết chế Kinh quận công, tiến đánh lấy Phú Yên”3. Qua sự phân tích trên đây, chúng ta thấy: Luân Quốc công là tước hiệu triều Nguyễn gia phong cho Tống Phước Trị từ Quận công lên Quốc công, chứ không thể là của Tống Phước Hợp được. Tống Phước Hợp được phong Kinh Quận công, khi chết được gia tặng Hữu Phủ Quốc Công (hoặc gọi là Kinh quốc công cũng được). Vả lại, Tống Phước Hợp chính là dòng dõi của Tống Phước Trị, thì càng không thể có chuyện phong tước trùng lặp như ghi chép của sử thần triều Nguyễn trong mục Đền miếu sách Đại Nam nhất thống chí vừa nêu trên.
Như vậy, có thể thấy, một người xuất thân từ một vị tướng làm chức trấn phủ Thuận Hoá triều Lê Trung hưng lấy chăn dân làm chính, được người đương thời mến phục, tôn xưng là “Bản xứ công“, có nhiều “công lao phụ tá buổi quốc sơ” ngang với Nguyễn Ư Dĩ, Mạc Cảnh Huống; nhờ vậy mà sau khi mất dưới triều Nguyễn – đời vua Gia Long, Tống Phước Trị được truy tặng Tán trị công thần, Thượng trụ quốc Luân Quốc công và liệt vào hàng khai quốc công thần.
2.
Khi Tống Phước Trị qua đời, đền thờ ông được dựng lên ở phường Giang Hiến, phủ Triệu Phong nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sau này vua Gia Long còn phong cho một người cháu được thế tập làm thứ Đội trưởng để giữ việc thờ cúng, cấp cho 6 mẫu ruộng thờ, 3 người phu coi mộ; còn ở quê hương ông – huyện Tống Sơn xưa (Hà Trung ngày nay), rất tiếc tư liệu về ông cũng không đầy đủ. Chúng tôi đã cố gắng nhiều mà không tìm được gia phả gốc. Về ngôi đền thờ thị bị đổ nát từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, người dân chỉ còn nhớ vị trí nằm ở sườn núi Trạch Lâm (xưa thuộc tổng Trung Bạn – huyện Tống Sơn nay là Phường Quang Trung thị xã Bìm Sơn) và tước hiệu của người được thờ, còn tên thật không biết là ai! Các cụ già làng ở thôn Hạ Trù – Trạch Lâm đã mang những băn khoăn đó nhờ chúng tôi giải đáp. Vậy là đã hơn 10 năm những vấn đề các cụ già ở làng Trạch Lâm đặt ra vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Để giải đáp những băn khoăn trên, gần đây chúng tôi về lại vùng đất Hạ Trù – Trạch Lâm. Cũng như mọi làng quê khác ở Bắc Trung Bộ Việt Nam, Trạch Lâm là một xã nhỏ có cơ cấu hành chính “nhất xã – nhất thôn” trong đó có thôn Hạ Trù (còn gọi là Hạ Chùa) nằm cạnh dòng sông Tống Giang xinh đẹp, về phía tây cách quê hương nhà Nguyễn – Gia Miêu Ngoại trang (thuộc xã Hà Long) không đầy một cây số được ngăn cách bởi dòng sông nhỏ Long Khê, đi khoảng 5 km nữa là tới đường thượng đạo Bắc – Nam; phía bắc là các làng Phú Dương, trang Biển Sơn, trang Cửa Làng ( thuộc xã Hà Dương), Nghĩa Đụng (thuộc xã Hà Long) trải dài đến tập Dốc Xây – địa giới ngăn cách 2 tỉnh Thanh Hoá và Ninh Bình; phía đông tiếp giáp các làng Cẩm La – quê hương Từ Thức, Bồi Dương, Thổ Khối (Hà Dương), Cổ Đam (Hà Lan)1; phía nam là dòng Tống Giang bắt nguồn từ Khe Thạch Bàn huyện Phong Hoá, tỉnh Ninh Bình, chảy vòng vào địa phận huyện Thạch Thành (Thanh Hoá) đổ xuống núi Trang Chử (huyện Tống Sơn), chảy về phía Nam qua cầu Hội Thuỷ (xã Quang Lãng – nay thuộc xã Hà Dương), chảy về cửa quan Thanh Đớn thì chia làm hai chi: Một chi chảy về phía nam đến cửa Kênh Nga rồi hợp với sông Mã mà đổ xuống cửa biển Bạch Câu; một chi chảy về phía đông đến cửa sông Chính Đại rồi hợp với sông Trinh, sông Càn mà ra biển2. ở vào một vị trí như vậy, Hạ Trù – Trạch Lâm đã từng nổi tiếng là vùng đất khá trù mật, kinh tế phát triển và có vị trí chính trị, văn hoá quan trọng của xứ Thanh từ xa xưa cũng như hiện nay.
Theo chỉ dẫn của sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí3 của Lê Quang Định được biên soạn vào năm 1806 (đời vua Gia Long) cho biết ở đồi Trạch Lâm thuộc Hạ Trù có một quần thể di tích đậm đặc; chỉ không đầy trên 1km2 có đến 5 ngôi đền, chùa, miếu quy mô hợp thành một khu vực sầm uất nằm ngay ở cửa ngõ đi vào Gia Miêu Ngoại trang – quê hương nhà Nguyễn. Sách trên cho biết: “…240 tầm, hai bên đường đều là ruộng cấy lúa đến trang Biển Sơn. ở đây có quán trạm, khách đi đường có thể nghỉ chân, phía tây có một con đường mới đắp, đi 697 tầm thì đến chùa Khánh Quang ở xã Trạch Lâm, trong chùa có 11 pho tượng Phật, có một pho tượng là chân dung bà chính phi và hai pho tượng hầu nương, chuyện kể lại rằng chùa này là do bà Vương phủ Tây cung Chính phi Lê Thị Ngọc Tú lập ra. Phía tây của chùa có một ngôi đền thờ Kỳ Dĩnh Hậu thần, sau lưng có 3 tầng tháp, trong đó có một bức tượng. 120 tầm thì đến xã Trạch Lâm, ở đây có 3 ngôi miếu cổ. Tương truyền người em của bà phi Lê Thị Ngọc Tú là công chúa Phương Dung mất sớm, chôn tại đây, dân trong thôn cho là linh ứng bèn lập miếu thờ; miếu thứ 2 có hai trụ đá là miếu của Luân Quốc công, vì ông có công với nước được phong làm Đại vương và lập miếu thờ; miếu thứ ba là Tống Thiên Vương4. Chúng tôi chưa có điều kiện kiểm tra diên cách địa lý của làng Hạ Trù, cũng như thu thập tài liệu lịch sử về làng này. Tuy nhiên với nguồn tài liệu nêu trên ít nhiều cũng đã cho chúng ta một thông tin quan trọng: Tại đồi Trạch Lâm ở thôn Hạ Trù có một ngôi miếu thờ mang tên là “Miếu Luân Quốc công Đại vương”. Để kiểm chứng thông tin nêu trên, chúng tôi tiếp xúc với một tài liệu khác đó là cuốn sách “Thanh Hoá chư thần lục” (Bản VHv. 1290 – Th- viện Hán Nôm) của Quốc sử quán triều Nguyễn được biên soạn ngày 15-10 năm Thành Thái thứ 15 (1903), biên chép thần hiệu các vị Dương thần và Âm thần mà các địa hạt trong tỉnh Thanh Hoá thờ phụng. ở trang 76 sách này có ghi mục “Thiếu uý Luân Quận công tôn thần, thôn Hạ Trù, huyện Tống Sơn thờ”1.
Như vậy, kết hợp những lời truyền văn còn lưu lại trong ký ức lớp người cao tuổi ở Hạ Trù và hai nguồn tài liệu dẫn trong thư tịch cổ nêu trên, cho biết: “Miếu Luân Quốc công Đại vương” được ghi trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa với vị thần “Thiếu uý Luân Quận công tôn thần” mà sách Thanh Hoá chư thần lục biên chép chỉ là một vị thần. Hai cuốn sách trên đều do các sử thần triều Nguyễn biên soạn dù cách nhau 1 thế kỷ (đầu thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX) nhưng tước hiệu của vị thần là Luân Quốc công và Luân Quận công vẫn được biên chép một cách chính xác.
Để đối chiếu các nguồn sử liệu này, chúng tôi tiến hành khảo sát trên thực địa một lần nữa, cho thấy vị trí của ngôi miếu thờ Luân Quốc công hiện nay mặt chính quay về hướng tây, sau lưng là núi Trạch Lâm, phía bắc giáp Khe Cạn (làng Hạ Trù), phía nam giáp dòng sông Tống và cánh đồng chiêm trũng quanh năm đầy nước. Rải rác quanh khu vực miếu còn tìm thấy một vài hiện vật bằng đá như voi đá (tạc ở tư thế quỳ), sập đá chân quỳ, thiên cẩu (chó đá), bát hương đá, một ít gạch ngói… Còn về niên địa dựng miếu không rõ cụ thể từ năm nào, nhưng chắc chắn ngôi miếu này thời cuối Lê, đầu Nguyễn đã được dựng ở đồi Trạch Lâm khá qui mô mà sách Hoàng Việt nhất thông địa dư chí đã ghi chép. Và những nguồn tài liệu này, bước đầu giải đáp được những vấn đề băn khoăn của các cụ làng Hạ Trù đó là: Người được triều đình phong kiến phong tước Luân Quốc công chắc chắn là Tống Phước Trị. Ngôi miếu ở làng Hạ Trù – Trạch Lâm được nhân dân dựng lên có tên là “Miếu Luân Quốc công đại vương” cũng chính là để thờ Tống Phước Trị. Sự linh thiêng của miếu còn được chứng minh qua câu chuyện kể “Cây đa Hạ Trù” (còn gọi là Cây đa đền); chuyện kể rằng bất kỳ người dân nào khi đi làm đồng, đi chợ hay đi qua miếu đến “cây đa Hạ Trù” trước đền đều phải hạ nón xuống, ngoảnh mặt, cúi đầu vào miếu để biểu thị lòng thành kính đối với thần. Các vua nhà Nguyễn trước đây về Gia Miêu Ngoại trang thăm quê hương và bái yết tôn lăng khi đi qua đền Hạ Chầu (tức miếu Luân Quận công), vua đều xuống kiệu vào miếu lễ chầu vị khai quốc công thần rồi mới về nguyên miếu!
3.
Cuối cùng, còn một vấn đề cũng cần phải bàn luận thêm về quê hương cụ thể của vị công thần khai quốc Tống Phước Trị. Nói ông là người huyện Tống Sơn, trấn Thanh Hoa đã có nhiều tài liệu ghi chép và khẳng định, còn về làng xã cụ thể thì chưa thấy tài liệu nào cho biết. Nhưng có điều cần phải khẳng định chắc chắn là thôn Hạ Trù – Trạch Lâm một làng quê thuộc tổng Trung Bạn nói riêng và huyện Tống Sơn nói chung đến cuối thời Lê đầu thời Nguyễn đã phát triển khá mạnh mẽ có đến 25 xã, thôn, trang sầm uất (huyện Tống Sơn có 4 tổng, 62 hương, xã, thôn, trang, giáp, phường). Ở buổi đầu Công nguyên, vùng đất Tống Sơn đã có cương vực tương đối ổn định như ngày nay, để rồi đến đời Hán Vũ Đế, bên cạnh những xóm làng Việt cổ, trải rộng trên địa bàn Hà Trung đã hình thành nên những trung tâm kinh tế, văn hoá khá trọng yếu, trong đó Hạ Trù – Trạch Lâm là nổi bật1. Đến thời Lý – Trần, đặc biệt là đến thời Lê, Tống Sơn đã là một vùng đất trù phú và có vị trí chính trị với nhiều dòng họ lớn như họ Nguyễn, họ Lại, họ Tống… mà những tên tuổi lớn mãi còn in đậm trong những trang sử của đất nước như Nguyễn Công Duẩn, Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Lang, Lại Thế Khanh, Lại Văn Khuông, Trương Phúc Phấn, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Hào, Nguyễn Hữu Cảnh, Tống Phước Trị,… Tất cả đã tạo cho Tống Sơn trong đó có Hạ Trù – Trạch Lâm một thế giao lưu lịch sử văn hoá để hình thành một vùng địa linh nhân kiệt. Ngoài họ Nguyễn ở Gia Miêu Ngoại trang (Hà Long), họ Lại ở làng Quang Lãng Đông (Hà Dương), họ Lê, họ Hồ ở hương Đại Lại (Hà Ngọc, Hà Đông) trong đó có danh gia vong tộc, những người ưu tú, thì ở các làng Thổ Khối (Hà Dương), Cổ Đam (Hà Lan), Gia Miêu Ngoại trang (Hà Long), Vĩ Liệt (Hà Tân), Hạ Trù – Trạch Lâm (Hà Dương) những làng này, hiện còn con cháu của dòng họ Tống đến đây lập nghiệp từ nhiều đời trong các thế kỷ XII – XIII – XIV – XV. Điều này ít nhiều cũng cho chúng ta nghĩ tới mối quan hệ dòng họ (họ Tống) ở Thuận Hoá và Tống Sơn ngày x-a, trong đó vùng đất Tống Sơn, có thể thôn Hạ Trù – Trạch Lâm nơi có đền thờ Tống Phước Trị là đất cội nguồn, là nơi phát tích ra một dòng tộc Tống Phước thành đạt ở đất Đằng Trong thời các chúa Nguyễn vương triều Nguyễn sau này!
Có thể nói, Tống Phước Trị là một nhân vật lịch sử đã được khẳng định bởi đức độ và những cống hiến của ông đối với đất nước. Phần lớn cuộc đời làm quan của ông cho đến lúc thiên thu vĩnh biệt cũng là gắn bó với nhà Lê – Trịnh khi được giao trọng trách làm trấn thủ Thuận Hoá; giúp họ Nguyễn xây dựng một vương triều mới, góp phần mở đầu, tạo nên những điều kiện cho sự phát triển ở đất Đằng Trong; suy cho cùng hai vấn đề trên cũng đều nằm trong lợi ích chung của đất nước. Với những cống hiến như vậy, nhưng thân thế và sự nghiệp của Tống Phước Trị sử sách chưa dành cho ông một vị trí xứng đáng, nhất là các bộ chính sử nhà Lê. Dù có thể nhìn nhận ở những góc độ khác nhau thế nào đi nữa thì cũng phải thừa nhận công lao to lớn mở đất phương Nam của các thế hệ ông cha chúng ta trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Và dưới sự quản lý của các chúa Nguyễn vùng đất phía nam đất nước đã hoàn toàn thay đổi diện mạo, trở thành một khu vực kinh tế phát triển. Những đồng ruộng được khai phá nhờ công sức khẩn hoang; những quan hệ công thương với các nhà buôn nước ngoài đã mở ra các điều kiện phát triển mới; địa bàn ngày càng mở rộng, bản đồ nước nhà trải dài thêm. Lịch sử đã thật sự phát triển và làm nên sự thịnh vượng của cả một dân tộc, và tất nhiên trong sự phát triển và thịnh vượng ấy có công lao của Tống Phước Trị.
Vương triều Nguyễn đánh giá cao công lao của Tống Phước Trị, liệt thờ ông vào hàng Khai quốc công thần. Khi ông qua đời, triều đình dựng đền thờ, cấp ruộng tế tự, cử phu coi mộ, thiết nghĩ đấy là một vinh dự hiếm thấy, đáng tự hào ghi nhớ của dòng họ. Còn ở thôn Hạ Trù – Trạch Lâm – Tống Sơn người dân quê hương dựng đền thờ lên để thờ ông đã mấy trăm năm, hiện đã đổ nát từ lâu. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận, đặt đúng vị trí của Tống Phước Trị trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc để có những hành động thiết thực như phục dựng, tôn tạo lại đền thờ, khai thác và phát huy những giá trị của di tích và quê hương vào việc xây dựng nền văn hoá dân tộc… Rất tiếc những tài liệu thu thập về Tống Phước Trị vẫn chưa đầy đủ, những công trình nghiên cứu về ông còn quá ít và chưa xứng đáng với tầm vóc của ông. Nhưng những gì Tống Phước Trị để lại vẫn còn là đề tài hấp dẫn với chúng ta, đặc biệt là vùng đất phương Nam – nơi ông đã tỏ rõ nhiều công đức nhất.
___________
1 – Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện tiền biên (bản dịch), NXB Sử học, Hà Nội – 1962.
– Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục chính biên (bản dịch), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội – 2007.
1 Lê Quý Đôn – Kiến văn tiểu lục (bản dịch), NXB Văn hoá – Thông tin, 2007. tr.67.
2 Đời Hồng Đức lập đạo Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện tức là đất Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay.
3 Thuận Hoá, lúc bấy giờ (thời Lê Trang Tông) từ Thừa Thiên đến Nam sông Giang ngày nay.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam thực lục tiền biên, S.đ.d, tr. 32.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại nam nhất thống chí, S.đ.d, tr. 193.
1 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, S.đ.d, tr. 176.
2 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí, S.đ.d, tr. 193.
3 Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam liệt truyện, tập 1, NXB Thuận Hoá, Huế – 1993, tr. 79.
1 Các làng trên, trong đó có các làng Phú Dương, Biển Sơn, Cẩm La, Cổ Đam nay thuộc thị xã Bỉm Sơn.
2 Đại Nam nhất thống chí, S.đ.d, tr. 235.
3 Lê Quang Định – Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (bản dịch), NXB Thuận Hoá và Trung tâm văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây – năm 2003.
4 Lê Quang Định – Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (bản dịch), S.đ.d, tr. 166-167.
1 Thanh Hoá chư thần lục (bản dịch) lưu tại Thư viện Khoa học Tổng hợp Thanh Hoá.
1 Tại Trạch Lâm các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra hàng trăm ngôi mộ thời Hán, di tích này đã được xếp hạng cấp tỉnh.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn
trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX,
Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Luân Quốc công Tống Phước Trị với chúa Nguyễn và đền thờ ông ở quê hương Tống Sơn (Tác giả: TS. Phạm Văn Tuấn) |