Đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ (1954 – 1960)

 Political struggles of women in the South of Vietnam
(1954 -1960)

THÁI VĂN THƠ
(Trường Đại học Ngoại thương, Cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Trong giai đoạn 1954 – 1960, tình hình chính trị ở Nam Bộ có những chuyển biến lớn khi liên minh Mĩ – Diệm định hình chế độ cai trị của họ ở nơi đây. Phong trào đấu tranh chống các chính sách đàn áp, khủng bố khốc liệt từ chính quyền Mĩ – Diệm của nhân dân Nam Bộ diễn ra mạnh mẽ, sôi nổi và quyết liệt; đặc biệt, các cuộc đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ đã góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của phong trào Đồng Khởi trong những năm 1959 – 1960 trên toàn miền Nam.

     Từ khóa: đấu tranh chính trị, giai đoạn 1954-1960, phụ nữ Nam Bộ.

ABSTRACT

     During the period of 1954-1960, the political situation in the South of Vietnam had big changes after the U.S. – Diem alliance established their regime there. The struggle against the policies of persecution, fierce terrorism from the U.S. – Diem government of the Nam Bo people took place strongly, vibrantly and drastically; especially, the unyielding and indomitable of political struggles of women in the South of Vietnam contributed to the great victory of the Dong Khoi movement in the years 1959 – 1960 in the whole of South Vietnam.

     Keywords: the political struggle, the period of 1954-1960, women in the South of Vietnam.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Từ sau Hiệp định Genève 1954, dưới sự giúp sức và hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền Mĩ, chính quyền Sài Gòn dần dần được định hình ở miền Nam Việt Nam. Anh em họ Ngô lần lượt tiến hành các cuộc đàn áp, khủng bố mạnh mẽ nhằm diệt trừ các lực lượng đối lập và phong trào cách mạng trên toàn miền Nam nói chung và ở Nam Bộ nói riêng. Trong những năm 1954 – 1959, tình hình chính trị ở Nam Bộ biến chuyển ngày càng phức tạp; bầu không khí khủng bố, đàn áp khốc liệt từ chính quyền Sài Gòn bao trùm lên khắp vùng đất Nam Bộ và lực lượng cách mạng đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình cảnh nguy cấp đó, phong trào đấu tranh cách mạng chống chính quyền Ngô Đình Diệm diễn ra sôi nổi ở các địa phương, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ, kiên cường của lực lượng phụ nữ Nam Bộ. Bài viết góp phần phục dựng, phân tích quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất cũng như làm sáng tỏ thêm vai trò, đóng góp của lực lượng phụ nữ Nam Bộ trong giai đoạn 1954 – 1960, thời kì chế độ Ngô Đình Diệm được định hình nơi đây.

2. Tình hình Nam Bộ sau Hiệp định Genève 1954

     Từ cuối năm 1954, tình hình Nam Bộ có những chuyển biến quan trọng. Quân và dân Nam Bộ bước vào một thời kì đấu tranh mới với những thay đổi sâu sắc. Dưới dự hỗ trợ của chính quyền Mĩ, Ngô Đình Diệm được đưa về làm Thủ tướng của Quốc gia Việt Nam mà Quốc trưởng Bảo Đại phải miễn cưỡng chấp nhận. Sau khi ngồi vào ghế Thủ tướng (ngày 7/7/1954), Ngô Đình Diệm từng bước biến Sài Gòn trở thành thủ phủ của chế độ tay sai của Mĩ ở miền Nam Việt Nam. Thông qua những biện pháp của mình, anh em họ Ngô ra sức tranh giành quyền lực từ các lực lượng thân Pháp còn hiện hữu ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Có thể thấy, từ sau Hiệp định Genève, song song với quá trình tích cực chuẩn bị những công việc cần thiết cho việc kiến thiết chế độ mới của Ngô Đình Diệm ở Sài Gòn, chính quyền Mĩ cũng từng bước ép buộc thực dân Pháp phải sớm rút quân nhanh nhất có thể. Được sự cố vấn đặc biệt từ các tướng lĩnh người Mĩ, Ngô Đình Diệm cùng người em trai – cố vấn Ngô Đình Nhu – tiến hành những sách lược cần thiết để loại trừ hoặc tiêu diệt những thế lực chống đối chính quyền của họ ở Nam Bộ.

     Tình hình chính trị ở Nam Bộ từ sau Hiệp định Genève có những chuyển biến phức tạp. Các thế lực đảng phái, những lực lượng thân Pháp hoặc theo Pháp đang ra sức chiếm cứ những vùng lãnh thổ nhất định và sự tranh giành ảnh hưởng chính trị tại đây diễn ra gay gắt, mạnh mẽ. Nếu ở miền Đông Nam Bộ phái Cao Đài đang ra sức tranh giành quyền lực, ảnh hưởng với chính quyền mới của Ngô Đình Diệm thì ở miền Tây Nam Bộ, các lực lượng của Hòa Hảo cũng đang ra sức phô diễn thế lực không kém. Chưa kể trong đô thành Sài Gòn, lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) cũng như các tướng lĩnh thân Pháp còn lại cũng thể hiện sức mạnh, ảnh hưởng và quyền lực của mình. Một bầu không khí chính trị ngột ngạt đang bao trùm toàn Nam Bộ theo cách mà không ai có thể tưởng tượng kể từ sau Hiệp định Genève được kí kết.

     Tuy nhiên, sự ngột ngạt về chính trị, những tranh giành quyền lực, ảnh hưởng, vùng kiểm soát và sự cát cứ ở nhiều địa phương từ các lực lượng giáo phái, đảng phái ở Nam Bộ chưa phải là tất cả. Chính sự tăng cường các lực lượng “cố vấn đặc biệt” của Mĩ và những nỗ lực lớn nhất có thể từ chính quyền Washington cho việc hình thành, phát triển và đứng vững của chế độ Việt Nam Cộng hòa tại Nam Bộ đã khiến cho tình hình chính trị ở đây thêm phức tạp. Chính quyền Mĩ cũng như lực lượng tay sai mà đại diện là anh em họ Ngô đã gây nên sự bất ổn định nhất lúc bấy giờ. Từ cuối năm 1954 cho đến cuối năm 1955, dưới sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền Mĩ, Ngô Đình Diệm từng bước kiểm soát và giành quyền lãnh đạo ở Nam Bộ. Sự gia tăng các hành động xâm lược của chính quyền Mĩ cũng như sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng của các đảng phái, các lực lượng giáo phái trong những mưu đồ cát cứ và những lợi ích chính trị khác nhau đã khiến cho tình hình chính trị ở Nam Bộ thêm căng thẳng và ngày càng hỗn loạn. Tất cả những hành động của chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam Việt Nam thể hiện rõ âm mưu và quyết tâm chia cắt lâu dài, vĩnh viễn Việt Nam của giới chức Mĩ. Điều này được thể hiện rõ qua những phác họa trong bị vong lục của Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ số 561/1 ngày 03/9/1956: “Giúp đỡ nước Việt Nam tự do (Nam Việt Nam) phát triển một chính phủ hợp hiến, ổn định và hùng mạnh để có thể khẳng định sự tương phản ngày càng hấp dẫn so với miền Bắc cũng như ở miền Nam Việt Nam, để cuối cùng đi đến thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, thành lập nước Việt Nam tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của chính phủ chống cộng sản” (Trần Hải Phụng, Lưu Phương Thanh, 1994, tr.283). Đi liền với những âm mưu và hành động đó của chính quyền Mĩ là sự khủng bố, đàn áp khốc liệt nhằm tiêu trừ các lực lượng, đảng phái chống đối của chính quyền Ngô Đình Diệm ở Nam Việt Nam mà Nam Bộ được xem là trọng điểm.

     Trước tình hình chuyển biến vô cùng phức tạp đó, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Nam Bộ diễn ra sôi nổi, rầm rộ và thu hút nhiều lực lượng tham gia, đặc biệt là quá trình đấu tranh chính trị kiên cường, quật khởi của phụ nữ Nam Bộ. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ đòi chính quyền Sài Gòn thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử diễn ra mạnh mẽ trên toàn Nam Bộ những năm 1954 – 1960 và giành được những thắng lợi to lớn, góp phần chuyển phong trào đấu tranh cách mạng ở Nam Bộ phát triển sang trang với những tiền đề tích cực.

3. Quá trình đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ (1954 – 1960)

     3.1. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ trong những năm 1954 – 1960

     Từ tháng 8 năm 1954, chấp hành chủ trương của Đảng, các đoàn thể phụ nữ cùng các đoàn thể quần chúng tự giải tán và chuyển sang thành các tổ chức quần chúng theo chuỗi, rễ nòng cốt. Ở vùng nông thôn, cán bộ, hội viên cũ chuyển thành các tổ chức như Hội chùa, Hội miễu, nhóm nữ công, bình dân học vụ, văn hóa, văn nghệ, tủ thước Nam, tổ cứu tế, thăm đau, đỡ đẻ, nuôi đẻ, vần đổi công… để phù hợp với tình hình mới và vẫn có thể hoạt động chống lại quân đội và chính quyền Sài Gòn nhằm bảo vệ cơ sở cách mạng. Ở đô thị, phụ nữ đều được tham gia Hội Phụ nữ Việt Nam và các nghiệp đoàn. Hội Phụ nữ Việt Nam hoạt động công khai hợp pháp tại các thành thị. Ban phụ vận được thành lập để chỉ đạo các tỉnh tổ chức Hội Phụ nữ Việt Nam. Phương châm tổ chức lúc bấy giờ là kết hợp giữa bí mật, công khai và bán công khai, lấy bí mật là chủ yếu để bảo tồn lực lượng (Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2006, tr.180). Hội Phụ nữ tổ chức cho quần chúng quán triệt tinh thần nội dung Hiệp định Genève, giáo dục tin tưởng vào Đảng và chấp hành nghiêm chỉnh lệnh chuyển quân tập kết, sẵn sàng đưa tiễn chồng, con lên đường. Trong các phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước nổi bật lên vai trò to lớn của phụ nữ Nam Bộ. Trong công tác bảo vệ hòa bình có nhiều phụ nữ tham gia như liên lạc với Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát… Các chị em hoạt động công khai, hợp pháp còn được cử vào Ban chấp hành “Nghiệp đoàn Kí giả Việt Nam”. Trong Ban chấp hành Nghiệp đoàn Kí giả có các chị Nguyễn Thị Tú, bà Phạm Thị Lạng, nữ sĩ Ái Lan… Mục tiêu đấu tranh của Nghiệp đoàn Kí giả Việt Nam là ủng hộ phong trào đòi thi hành Hiệp định Genève. Phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử thường được gắn với các phong trào đòi dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân. Trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân Nam Bộ mà đại bộ phận là lực lượng phụ nữ đã “tạo điều kiện cho việc phát triển cơ sở cách mạng, hình thành nhiều tổ chức biến tướng hợp pháp và bất hợp pháp tiến bộ” (Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến, 2010, tr.62) trên địa bàn và phong trào đấu tranh thường gắn với việc phát triển các tổ chức nghiệp đoàn.

     Đến năm 1955, cuộc chiến tranh giành quyền lực thống trị ở Sài Gòn giữa anh em họ Ngô với quân đội Bình Xuyên của Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) diễn ra rất khốc liệt ở đô thành Sài Gòn và gây ra những hậu quả khủng khiếp không chỉ cho lực lượng hai bên mà phần lớn người chịu nhiều thiệt hại, mất mát nhất là thường dân vô tội. Theo mô tả của báo chí hiện thời: “Giữa thành phố Sài Gòn, cả một khu rộng hơn 2km2 lửa cháy đỏ trời. Rồi tới Tân Thuận, Tân Quy, xóm Chỉ, xóm Củi, xóm Cầu Nhị Thiên Đường, Long Kiển… đều trở thành biển lửa, tàn đen theo gió bay mờ mịt trên thành phố; hàng vạn gia đình nhà nghèo mất hết cơ nghiệp” (Trần Văn Giàu, 1964, tr.101) và “riêng ở Sài Gòn có 4000 nhà cháy, Chợ Lớn có 3850 nhà cháy. Cả Sài Gòn – Chợ Lớn có hàng vạn người chết và bị thương, hàng chục vạn người không có nơi ăn chốn ở” (Cao Văn Lượng, 1991, tr.80). Phong trào cứu tế nạn nhân trong cuộc thư hùng giữa hai thế lực này được lực lượng phụ nữ Nam Bộ tiến hành khẩn trương, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ. Từ Ủy ban bảo vệ hòa bình đã biến thành “Ủy ban cứu tế và bảo vệ tài sản và sinh mạng của dân chúng”. Lực lượng phụ nữ giữ vai trò quan trọng và đông đảo nhất trong Ủy ban này. Với sự hoạt động tích cực của lực lượng phụ nữ, “phong trào cứu tế nạn nhân hỏa hoạn trở thành một mặt trận quần chúng rộng rãi; lấy việc cứu tế làm mục đích thiết thực trước mắt, nhưng trong công tác cứu tế mọi người đều công khai hay âm thầm lên án nhà cầm quyền chẳng những đã gây ra cơ sự lại còn lợi dụng nỗi khó khăn của nhân dân để đầu cơ đất xây dựng trong thành phố” (Trần Văn Giàu, 1964, tr.106). Phong trào cứu trợ nhân đạo còn lan sang các tỉnh lân cận Sài Gòn.

     Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Liên Việt Nam Bộ (ngày 01/7/1955), đến tháng 8 năm 1955, nhiều cuộc biểu tình nổ ra khắp các tỉnh, từ Chợ Lớn, Gò Công, Châu Đốc đến Sa Đéc, Vĩnh Long, Cần Thơ. Ngày 10/11/1955, cuộc bãi công của hơn 40.000 nam nữ công nhân các đồn điền cao su ở bốn tỉnh Bà Rịa, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, đưa yêu sách đòi tăng lương, đòi cải thiện chế độ ăn ở, đòi tự do dân chủ, đòi hòa bình… Cuộc bãi công suốt một tuần, làm thiệt hại mỗi ngày của công ti trên 40 vạn đô la (Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2006, tr.186). Song song với các cuộc biểu tình, bãi công của phụ nữ Nam Bộ thì các cuộc đấu tranh bãi thị cũng diễn ra mạnh mẽ, rầm rộ và trở thành phổ biến của lực lượng phụ nữ trên khắp địa bàn và gây được tiếng vang lớn ở thành thị lẫn nông thôn.

     Từ cuối năm 1954 đến cuối năm 1956, trên khắp Nam Bộ, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống chính quyền Ngô Đình Diệm, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước diễn ra rầm rộ, sôi nổi: ngày 01/8/1954, hơn 50.000 công nhân và nhân dân lao động Sài Gòn biểu tình hoan nghênh Hiệp định Genève, từ ngày 07/12/1954 đến ngày 04/01/1955 diễn ra cuộc tổng bãi công của 25.000 công nhân trong 51 xưởng hậu cần Pháp trong vùng Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một và Biên Hòa; ngày 10/11/1955, diễn ra cuộc tổng bãi công của 40.000 công nhân cao su miền Đông Nam Bộ họp bảy ngày đòi tăng lương, cải thiện đời sống; ngày 01/5/1956, hơn 200.000 công nhân và lao động Sài Gòn xuống đường đấu tranh chống Mĩ – Diệm; tháng 3 năm 1955, trên khắp nông thôn Nam Bộ, ở đâu cũng có truyền đơn, biểu ngữ, băng cờ đòi thi hành Hiệp định Genève, riêng ở Hà Tiên có 35.000 lượt người tham gia mít tinh, biểu tình ở 397 nơi khác nhau; từ ngày 10/7 đến ngày 20/7/1955, hơn 500.000 người khắp nông thôn Nam Bộ mít tinh tuần hành, kí kiến nghị, đình công, bãi khóa, bãi chợ, tung truyền đơn hiệu triệu đòi hiệp thương, tổng tuyển cử; từ tháng 6 năm 1955 đến hết năm 1956 phong trào đòi hiệp thương, tổng tuyển cử rất rầm rộ, thu hút từ 60% đến 90% đồng bào, nhất là ở nông thôn và đồn điền cao su, có nhiều hình thức đấu tranh rất phong phú như mạn đàm, lấy chữ kí, họp mít tinh, rải truyền đơn, đình công, bãi thị… (Ban Tổng kết chiến tranh B2, 1979, tr.17-18). Các cuộc đấu tranh mạnh mẽ, rầm rộ và sôi nổi đó đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của phong trào cách mạng ở các địa phương Nam Bộ và thành phần nòng cốt, giữ vai trò lớn trong các cuộc đấu tranh chính là lực lượng phụ nữ.

     Bước vào năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm sau khi thanh toán cơ bản xong các đảng phái và giáo phái chống đối đã quay sang đàn áp, tiến tới tiêu diệt những người cộng sản. Chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” được chính quyền Sài Gòn nâng lên hàng quốc sách và không ngừng đẩy mạnh mở các chiến dịch đàn áp, khủng bố nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng ở Nam Bộ. Các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” được chính quyền Ngô Đình Diệm cho triển khai từ giữa năm 1955 đến năm 1957 được tăng cường đẩy mạnh ráo riết. Phong trào đấu tranh chống “tố cộng”, “diệt cộng” được tiến hành mạnh mẽ ở Nam Bộ và lực lượng chính là phụ nữ. Khi chính quyền Sài Gòn mở các lớp “tố cộng” ở khắp các thôn xã của Nam Bộ, truy bức quần chúng nhân dân li khai Đảng, các mẹ, các chị em đã dũng cảm đấu tranh với những lí lẽ cương quyết, không khuất phục. Nhiều buổi tố cộng của quân đội Sài Gòn ở một số nơi lại trở thành các buổi tố cáo tội ác, vạch trần âm mưu thâm độc của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đối phó với các làn sóng đấu tranh bất khuất của phụ nữ Nam Bộ là những hành động đàn áp, bắt bớ, tù đày hàng trăm người vào các tù ngục và tra tấn rất dã man. Nhưng bất chấp tất cả, phụ nữ Nam Bộ vẫn trung kiên, không hề lo sợ khuất phục trước cường quyền. Họ vẫn kiên cường đấu tranh trong ngục tù và vẫn một lòng một dạ hướng về Đảng.

     Các cuộc đấu tranh chính trị mạnh mẽ của lực lượng phụ nữ Nam Bộ còn góp phần bảo tồn các cơ sở, tổ chức Đảng, che chở và bảo vệ cán bộ, đảng viên trong những lúc khó khăn nhất của cách mạng. Nhiều cuộc truy lùng, vây bắt cán bộ, đảng viên cách mạng của quân đội Sài Gòn đã được phụ nữ che giấu, bảo vệ và khôn khéo tìm cách giải thoát nếu chẳng may bị bắt. Phụ nữ còn là lực lượng nòng cốt trong các đội dân canh chống cướp, đội bảo vệ xóm làng. Hàng đêm tiếng tù và, tiếng mõ, trống vang lên khắp các xóm thôn Nam Bộ để báo động và giải thoát cho cán bộ, đảng viên cách mạng hoạt động khi bị quân đội Sài Gòn phát hiện, bao vây và truy lùng. Phụ nữ Nam Bộ sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cán bộ, đảng viên cách mạng. “Tinh thần hi sinh cao cả của nhiều người dân thường (phần lớn là phụ nữ), không một lời nhắn nhủ, không để lại họ tên, tự nhận cái chết để cho đảng viên sống, để cho Đảng tồn tại, hầu đưa lại toàn thắng cho cách mạng, hạnh phúc cho toàn dân” và họ “sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ Đảng, giữ vững cách mạng” (Trần Văn Trà, 2005, tr.226-227). Chính nhờ “bức tường người” bảo vệ, che chở vững chắc nên phần lớn các cán bộ, đảng viên cách mạng không bị bắt tù đày và có điều kiện hoạt động trong phong trào quần chúng ở các địa phương.

     Trong phong trào đấu tranh giữ lại ruộng đất do cách mạng cấp trước đó cũng thể hiện được vai trò to lớn của phụ nữ Nam Bộ. Phụ nữ là lực lượng đấu tranh trực tiếp với quân đội Sài Gòn để giữ lại ruộng đất bị cướp. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh sôi nổi, mạnh mẽ ở các địa phương như Phước Thạnh, An Hòa (Tây Ninh); cuộc đấu tranh của hơn 20.000 quần chúng hầu hết là phụ nữ ở các xã Ngọc Chúc, Thạnh Hưng (Kiên Giang) đấu tranh bằng gậy gộc, rượt đánh những kẻ ác ôn đến đo đạc ruộng đất, làm thất bại việc thực hiện “Chỉ dụ 57” của chính quyền Ngô Đình Diệm; ở Phước Long (Thủ Dầu Một), ở Gia Định nông dân đấu tranh chống địa chủ cướp đất nhận được sự hỗ trợ, hưởng ứng nhiệt liệt của công nhân (Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2006, tr.200). Ở Cái Sắn (Rạch Giá), cuối năm 1956 và năm 1957, hàng vạn đồng bào di cư đã vũ trang bằng giáo mác, gậy gộc biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm mưu mô bắt họ kí khế ước và cướp đất mà họ đã mất bao công sức khai phá. Ở miền Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm 1959 đã nổ ra hơn 3000 vụ đấu tranh về ruộng đất, trong đó có những cuộc biểu tình từ 500 – 700 người tham gia, kết quả đã giữ được hàng chục vạn ha ruộng đất và có nơi nông dân đã hoàn toàn làm chủ một bộ phận ruộng đất. Các cuộc đấu tranh chống chính quyền Sài Gòn cướp đất, tăng tô đã thu được thắng lợi lớn: số đông nông dân vẫn giữ được nguyên canh trên ruộng đất được cấp trước kia. Về mức tô, nông dân vẫn giữ được mức cũ… (Cao Văn Lượng, Phạm Quang Toàn, Quỳnh Cư, 1981, tr.47-48).

     Trong các phong trào đấu tranh chống lập khu dinh điền, khu trù mật của quân và dân Nam Bộ diễn ra trên khắp vùng nông thôn những năm 1957 – 1959 thì lực lượng phụ nữ luôn giữ vai trò nòng cốt và đã phát huy hiệu quả to lớn. Đến năm 1959, ở Nam Bộ, các “phong trào đấu tranh của nhân dân (đa phần là phụ nữ) hết sức mạnh mẽ làm cho chính sách xây dựng khu dinh điền của Ngô Đình Diệm không mang lại hiệu quả như mong muốn, số người bỏ trốn khỏi các khu dinh điền ngày càng tăng” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện lịch sử Đảng, 2015, tr.105).

     Để giảm bớt sự ngột ngạt, không khí khủng bố, đàn áp khốc liệt của chính quyền Sài Gòn đang bao trùm lên khắp vùng nông thôn Nam Bộ lúc bấy giờ, “phong trào chống u tối” được hình thành. Nhằm chống lại sự thối chí mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn gây ra bằng cảnh u sầu, anh chị em chủ trương những hình thức tập hợp vui chơi lành mạnh như ca hát những bài hùng tráng, tập thể thao, đọc thơ tiến bộ… Nội dung của “phong trào chống u tối” là giữ không khí bình thản trong khi quân đội Sài Gòn cố gieo khủng khiếp, gây căng thẳng ở nông thôn (Trần Văn Giàu, 1964, tr.397).

     Từ năm 1957 đến năm 1959, phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ diễn ra rất rầm rộ, sôi nổi với nhiều hình thức phong phú cùng quy mô rộng lớn. Tiêu biểu như ở các huyện Châu Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh). Nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt và thắng lợi ở bốn xã: Hảo Đước, Tứ Bình, Thanh Điền, Thái Bình. Ngày 14/10/1957 hơn 2000 người, đa số là phụ nữ, kéo lên huyện đòi miễn dịch, hoãn dịch cho chồng con (Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2006, tr.209). Các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra đều khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Trong những năm 1957 – 1959, các cuộc đấu tranh diễn ra dưới hình thức đấu tranh chính trị là chủ yếu, đồng thời vẫn có kết hợp công tác binh vận hiệu quả, tranh thủ binh sĩ quân lính Sài Gòn, tiến hành binh vận và xây dựng cơ sở nội tuyến trong nhiều đồn bốt, tề, dân vệ, bảo an.

     Phong trào đấu tranh chính trị của quân và dân Nam Bộ giai đoạn (1954 – 1960) thu hút đông đảo lực lượng phụ nữ tham gia. Đặc biệt trong những năm 1959 – 1960, nhất là từ sau khi chính quyền Sài Gòn ban hành Luật 10/59. Luật này thể hiện rõ bản chất tàn bạo của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Gọi là luật nhưng phần lớn những cán bộ, đảng viên cách mạng và cả thường dân vô tội khi bị bắt, kết tội không qua xét xử và chỉ có hai hình thức được tuyên là “tử hình” hoặc “khổ sai chung thân” (Phông phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa (1954 – 1963), Hồ sơ số: 6024, tr.38-39) cho bất cứ hành vi nào dám “đe dọa” hoặc “xâm phạm” đến nền “an ninh quốc gia” của chính quyền Ngô Đình Diệm. “Luật pháp thì mơ hồ nhưng lại bao trùm lên tất cả, đến mức Diệm có thể dùng hệ thống tòa án Nam Việt Nam cho những mục đích chính trị. Những bị cáo bị lên án phản bội, hoàn toàn không còn quyền và không còn trông cậy vào đâu khi bị đưa ra trước sự khủng bố chính trị đó. Danh sách thương vong tiếp tục tăng khi sự bất bình của quần chúng bắt đầu hình thành” (Joseph A. Amter, 1985, tr.53). Từ khi ban hành Luật 10/59, quân đội và chính quyền Ngô Đình Diệm “có thể xử tử, chung thân bất cứ ai mà không cần một bằng chứng rõ ràng nào chỉ cần nói rằng người ấy “nuôi thâm ý” làm loạn” (Trần Văn Giàu, 1964, tr.361). Hệ quả của Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm là rất lớn. Nó là tác nhân quan trọng góp phần thổi bùng ngọn lửa đấu tranh cách mạng ở Nam Bộ. Trong năm 1959, ở Nam Bộ “có 2,8 triệu lượt người đấu tranh chính trị trong tổng số 5,5 triệu lượt người trên toàn miền Nam” (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện lịch sử Đảng, 2015, tr.127).

     Trong phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ (1959 – 1960), phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chính trị và binh vận trên địa bàn. Khi cao trào Đồng Khởi nổ ra vang dội trên khắp vùng nông thôn thì bóng dáng của phụ nữ Nam Bộ luôn xuất hiện đầu tiên trong các cuộc đấu tranh quyết liệt với chính quyền và quân đội Sài Gòn. “Đội quân tóc dài” ra đời từ phong trào Đồng Khởi với khí thế đấu tranh ngất trời ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre) đã góp phần làm nảy sinh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến lược chiến tranh ở địa phương một hình thức tiến công mới, đó là hình thức đấu tranh chính trị kết hợp binh vận hỗ trợ và đấu tranh vũ trang giành quyền làm chủ xã, ấp. Hình thức đấu tranh “ba mũi giáp công” (đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và binh vận kết hợp) được sản sinh từ cao trào Đồng Khởi ở các địa phương của Nam Bộ và sau đó trở thành chiến lược đấu tranh phổ biến cho toàn miền Nam học tập và vận dụng vào thực tế chiến trường. Trước các hành động đàn áp, khủng bố ác liệt của quân đội Sài Gòn, hàng chục nghìn phụ nữ, trẻ em, người già mang nồi niêu, xoong, chảo lần lượt kéo nhau vào thị trấn, thị xã để “tránh nạn” góp phần gây hoang mang, lo lắng, khiến chính quyền và quân đội Sài Gòn ở địa phương bị động, lúng túng đối phó. Cuộc “tản cư ngược” của hơn “10.000 người” (Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, 1998, tr.358) đã giành được thắng lợi quan trọng, khiến cho chính quyền Ngô Đình Diệm ở địa phương rơi vào thế bị động, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên cách mạng trốn thoát khỏi vòng vây truy lùng, bắt bớ của quân đội Sài Gòn.

     Ngày 17/01/1960, quân và dân ba huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú, Minh Tân (Bến Tre) đồng loạt nổi dậy, chỉ trong một đêm, bộ máy kìm kẹp của chính quyền Sài Gòn ở một số xã tan rã nhanh chóng. Thắng lợi của cao trào Đồng Khởi ở Bến Tre nhanh chóng lan ra các tỉnh Tây Ninh, Mĩ Tho, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Kiến Phong… Phụ nữ cùng nhân dân tích cực rèn mã tấu, đẽo súng cây, nặn lựu đạn, trang bị dao mác, gậy gộc… chuẩn bị cho cao trào Đồng Khởi trên toàn vùng.

     Ở miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa… quần chúng nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm kẹp diễn ra rầm rộ, mạnh mẽ. Ở miền Trung Nam Bộ, đến cuối tháng 5 năm 1960, khắp nơi trong tỉnh Mĩ Tho (Tiền Giang) nhân dân nổi dậy diệt ác, phá tề, đồng thời tổ chức nhiều cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành đòi chính quyền Sài Gòn thả chồng, con, đòi không xáo canh ruộng đất. Tại miền Tây Nam Bộ, đến tháng 9 năm 1960, phụ nữ cùng quân và dân các tỉnh tiến hành Đồng Khởi đợt 2 phá rã tề ấp ở xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Mũi binh vận, chính trị rất sôi nổi, một loạt đồn bốt ở tuyến Ba Động, ở Nhị Long (Càng Long), Trà Cú… đã bị san bằng. Hàng triệu lượt người tham gia đấu tranh, có những cuộc huy động đến 40.000 người kéo vào thị xã Trà Vinh đấu tranh trực diện với chính quyền tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy, cuộc đấu tranh chính trị của hơn 8000 chị em phụ nữ huyện Bến Lức, Thủ Thừa kéo dài nhiều ngày (Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, 2006, tr.219).

     Có thể khẳng định, trong giai đoạn (1954 – 1960), phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ diễn ra rầm rộ, sôi nổi, mạnh mẽ và giành được những thắng lợi lớn. Cao trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ giữ vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh chống chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng ở các địa phương. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ được tiến hành với nhiều phương thức sáng tạo, độc đáo và trở thành một trong “ba mũi giáp công” sắc bén làm lung lay, sụp đổ từng mảng lớn thành lũy thống trị, kìm kẹp nhân dân của chính quyền Sài Gòn ở cơ sở. Cao trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ góp phần quan trọng đưa đến thắng lợi vang dội trong phong trào Đồng Khởi của quân và dân Nam Bộ những năm 1959 – 1960. Quá trình đấu tranh chính trị kiên cường, quật khởi của phụ nữ Nam Bộ trong những năm 1954 – 1960 còn tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình đấu tranh chống chiến lược chiến tranh tăng cường của chính quyền Mĩ được triển khai sau đó trên khắp vùng đất Nam Bộ.

     3.2. Vai trò cách mạng của phụ nữ Nam Bộ trong quá trình đấu tranh chính trị

     Trong phong trào đấu tranh chính trị của quân và dân Nam Bộ những năm 1954 – 1960, lực lượng phụ nữ giữ vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến quy mô cũng như hiệu quả của phong trào. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ có những tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình đấu tranh cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đầu kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược và tay sai. Phong trào này có những đặc điểm nổi bật và vai trò to lớn như sau:

     (i) Phụ nữ Nam Bộ giữ vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt và đông đảo trong phong trào đấu tranh chính trị của quân và dân Nam Bộ trong những năm 1954 – 1960. Từ các cuộc đấu tranh chính trị mừng hòa bình sau thành công của Hội nghị Genève 1954, phong trào đấu tranh đòi chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Genève, đòi hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước đến các phong trào đấu tranh chống quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, đấu tranh chống cướp đoạt ruộng đất, chống bầu cử Quốc hội riêng lẻ của chính quyền Ngô Đình Diệm, đấu tranh chống sự đàn áp, khủng bố khốc liệt từ chính quyền Sài Gòn đến phong trào cách mạng ở Nam Bộ nhằm giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng… đều khẳng định được vai trò cách mạng to lớn của lực lượng phụ nữ Nam Bộ. Các phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ trong giai đoạn (1954 – 1960) diễn ra đồng loạt, khí thế đấu tranh mạnh mẽ, rầm rộ và sôi nổi trên khắp các vùng từ thành thị cho đến nông thôn và đều giành được thắng lợi, tạo được tiếng vang lớn, khiến cho quân đội và chính quyền Sài Gòn phải lo lắng, lúng túng đối phó.

     (ii) Phụ nữ Nam Bộ đấu tranh kiên cường, bất khuất, góp phần hạn chế sự đàn áp, khủng bố, giảm bớt các hành động bắt bớ tù đày các cán bộ, đảng viên cách mạng từ chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng ở các địa phương của quân và dân Nam Bộ. Từ năm 1954 đến năm 1960, khi chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường các chiến dịch đàn áp, khủng bố ác liệt phong trào cách mạng trên khắp vùng Nam Bộ thì cũng là lúc phong trào đấu tranh chính trị quật cường của phụ nữ Nam Bộ nổ ra và đã đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn cách mạng lúc bấy giờ. Lực lượng phụ nữ đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị, sự đấu tranh mạnh mẽ, kiên cường của lực lượng phụ nữ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Nam Bộ đẩy mạnh quá trình đấu tranh nhằm giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng ở địa phương và có tác động mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng ở Nam Bộ.

     (iii) Phụ nữ Nam Bộ với những phương cách đấu tranh mềm dẻo, khéo léo và sáng tạo đã góp phần vào thắng lợi to lớn của công tác binh vận trên địa bàn. Binh vận trở thành một trong “ba mũi giáp công” đấu tranh cách mạng của quân và dân Nam Bộ. Công tác binh vận ở Nam Bộ được tiến hành hiệu quả và giành được thắng lợi quan trọng trong giai đoạn (1954 – 1960). Phụ nữ Nam Bộ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động và tranh thủ được phần lớn binh lính của chính quyền Sài Gòn. Công tác binh vận đã làm hạn chế các hành động đàn áp, khủng bố đối với quần chúng nhân dân cũng như cán bộ, đảng viên cách mạng. Đồng thời, mũi tấn công binh vận còn góp phần lấy đồn đoạt bốt, giải phóng nhiều xã, ấp ở vùng nông thôn Nam Bộ. Binh vận trở thành một mũi tiến công hiệu quả, sắc bén trong đấu tranh chống chính quyền tay sai Sài Gòn, đóng góp to lớn vào thắng lợi trong quá trình đấu tranh giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạng, tiến tới Đồng Khởi ở Nam Bộ những năm 1954 – 1960.

     (iv) Lực lượng phụ nữ Nam Bộ giữ vai trò quan trọng và có đóng góp lớn đến thắng lợi vang dội của phong trào Đồng Khởi những năm 1959 – 1960. Phong trào Đồng Khởi của quân và dân Nam Bộ là các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra trong từng địa phương với những đặc điểm và sắc thái đa dạng, phong phú. Các địa phương có lực lượng vũ trang phát triển mạnh như Kiến Phong, Kiến Tường, Long An, Tây Ninh… thì sử dụng lực lượng vũ trang đi trước làm “đòn xeo” hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Những địa phương có lực lượng vũ trang tương đối yếu như các tỉnh Bến Tre, An Giang, Trà Vinh… thì sử dụng mũi đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận là chủ yếu, sau đó có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đồng loạt nổi dậy diệt ác phá kìm kẹp, giải phóng ấp, xã. Dù diễn ra ở bất cứ địa phương nào, sử dụng hình thức tấn công nào trước hay sau cũng đều thể hiện trước tiên vai trò cách mạng to lớn của lực lượng phụ nữ. Phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ chứng tỏ vai trò cách mạng của phụ nữ là vô cùng lớn lao, có ý nghĩa quan trọng đến thắng lợi chung của phong trào trên toàn vùng. “Đội quân tóc dài” ra đời từ tỉnh Bến Tre với các hình thức đấu tranh khéo léo, sáng tạo, không khác một “binh chủng đặc biệt” góp phần chặn đứng bước tiến hung hãn, tàn bạo, hạn chế sự khủng bố, đàn áp khốc liệt của quân đội Sài Gòn và khiến cho chính quyền thống trị ở cơ sở của Ngô Đình Diệm lâm vào thế bị động, lúng túng đối phó. Kinh nghiệm đấu tranh độc đáo, sáng tạo và thành công của phụ nữ Bến Tre đã được nhân rộng ra toàn quân và dân miền Nam học tập, vận dụng trong đấu tranh chính trị chống chính quyền Sài Gòn trong các giai đoạn đấu tranh cách mạng sau đó.

     (v) Thắng lợi vang dội trong phong trào đấu tranh chính trị với khí thế tiến công quật khởi của lực lượng phụ nữ Nam Bộ những năm 1954 – 1960 còn góp phần tạo ra những bước chuyển quan trọng trong tiến trình phát triển của cách mạng ở Nam Bộ cũng như trên toàn miền Nam sau đó. Đấu tranh chính trị thật sự giữ vai trò vô cùng to lớn trong giai đoạn đầu kháng chiến chống đế quốc Mĩ xâm lược và tay sai ở miền Nam Việt Nam, nhất là từ những năm đầu sau Hiệp định Genève 1954. Đấu tranh chính trị của nhân dân Nam Bộ gây được tiếng vang lớn trên toàn miền Nam. Cao trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của nhân dân Nam Bộ mà lực lượng nòng cốt, chủ đạo là phụ nữ đã khiến những mục tiêu và tham vọng lớn lao của chính quyền Mĩ cũng như chính quyền tay sai Sài Gòn khó thực hiện được hoàn toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân Nam Bộ bảo tồn, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng ở các địa phương, góp phần quan trọng chuyển thế phong trào cách mạng ở Nam Bộ và miền Nam sang một chương mới với những thắng lợi lớn hơn sau đó.

     Có thể khẳng định, phong trào đấu tranh chính trị kiên cường, quật khởi của phụ nữ Nam Bộ những năm 1954 – 1960 không những giữ vai trò quan trọng góp phần to lớn vào thắng lợi chung của phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam Việt Nam mà còn có tác động mạnh mẽ làm chuyển đổi tình thế cách mạng ở Nam Bộ theo chiều hướng tích cực: chuyển từ thế bị động, giữ gìn lực lượng sang thế tiến công và sẵn sàng đánh bại các chiến lược chiến tranh tăng cường của chính quyền Mĩ trên địa bàn.

4. Kết luận

     Trong giai đoạn 1954 – 1960, phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ diễn ra với quy mô rộng lớn, sôi nổi, rầm rộ, khí thế đấu tranh quật khởi, kiên cường. Phụ nữ Nam Bộ không chỉ dũng cảm, gan dạ, kiên trung sẵn sàng đối diện trước mũi lê, họng súng của quân đội đối phương, đấu tranh bảo vệ cán bộ, đảng viên cách mạng mà còn khéo léo, mềm dẻo vận động, tranh thủ binh lính Sài Gòn góp phần hạn chế các hành động đàn áp, khủng bố khốc liệt từ chính quyền Ngô Đình Diệm, giữ gìn và phát triển lực lượng cách mạng. Lực lượng phụ nữ gồm cả những người lớn tuổi giữ vai trò quyết định đến quy mô cũng như hiệu quả của các phong trào đấu tranh chính trị ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ góp phần quan trọng vào thắng lợi vang dội của cao trào Đồng Khởi những năm 1959 – 1960 trên toàn Nam Bộ. “Đội quân tóc dài” ra đời ở Nam Bộ đã trở thành một “binh chủng đặc biệt” và giữ vai trò quan trọng trong quá trình đấu tranh chống chính quyền tay sai Sài Gòn ở các giai đoạn đấu tranh cách mạng tiếp sau đó. Phong trào đấu tranh chính trị của phụ nữ Nam Bộ những năm 1954 – 1960 như cơn triều dâng với sức công phá mãnh liệt, diệu kì, tiến công và làm lung lay thành lũy thống trị, kìm kẹp nhân dân của chính quyền Ngô Đình Diệm ở cơ sở, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nam Bộ phát triển sang một giai đoạn mới với những tiền đề tích cực. Đội quân tóc dài với sức mạnh vô song đó đã góp phần tô điểm và làm sáng ngời thêm truyền thống đấu tranh bất khuất, quật cường của phụ nữ Việt Nam trong lịch sử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Ban Tổng kết Chiến tranh B2. (1979). Đề cương tỉ mỉ Báo cáo tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước trên chiến trường Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ (B2), quyển 2, lưu trữ tại Phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7, kí hiệu VL 1232/2.

     Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9. (1998). Quân khu 8 ba mươi năm kháng chiến (1945-1975). Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân.

     Trần Văn Giàu. (1964). Miền Nam giữ vững thành đồng, tập 1, (1954-1960). Hà Nội: NXB Khoa học.

     Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng. (2015). Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954 – 1975). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật.

     Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam Bộ kháng chiến. (2010). Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập 2, (1954-1975). Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

     Joseph, A. Amter. (1985). Lời phán quyết về Việt Nam, Nguyễn Tấn Cưu dịch. Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân.

     Cao Văn Lượng, Phạm Quang Toàn, Quỳnh Cư. (1981). Tìm hiểu phong trào Đồng Khởi ở miền Nam Việt Nam. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

     Cao Văn Lượng. (1991). Lịch sử cách mạng miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1960. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội.

      Phông phủ Tổng thống Đệ nhất Cộng hòa. (1954-1963). Hồ sơ ấn định Luật trừng phạt sự phá họai, xâm phạm an ninh Quốc gia, xâm phạm sanh mạng hay tài sản của nhân dân và thiết lập Tòa án Quân sự Đặc biệt năm 1956-1959, (Luật số 10/59 ngày 6 tháng 5 năm 1959). Hồ sơ số: 6024. Tư liệu lưu trữ của Việt Nam Cộng hòa tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – TP Hồ Chí Minh.

     Trần Hải Phụng, Lưu Phương Thanh. (1994). Lịch sử Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định kháng chiến (1945 – 1975). NXB Thành phố Hồ Chí Minh.

     Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. (2006). Lịch sử phụ nữ Nam Bộ kháng chiến. Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia.

     Trần Văn Trà. (2005). Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Hà Nội: NXB Quân đội Nhân dân.

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
Tập 15, Số 5 (2018): 121-132, ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)