DI SẢN KÍ ỨC trong TIỂU THUYẾT ĐÔN HOÀNG của INOUE YASUSHI và TIỂU THUYẾT NGƯỜI KHỔNG LỒ NGỦ QUÊN của KAZUO ISHIGURO

PHAN THU VÂN
(Khoa Ngữ văn – Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Tiểu thuyết lịch sử Đôn Hoàng (Tonko – 1959) của Inoue Yasushi và tiểu thuyết kì ảo – giả tưởng Người khổng lồ ngủ quên (The Buried Giant – 2015) của Kazuo Ishiguro cùng viết về những gặp gỡ, suy tư và trải nghiệm của con người trong một cuộc hành trình dài, đầy ắp những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên, song hóa ra lại như được sắp xếp dưới bàn tay của số mệnh, để con người có thể hoàn thành trách nhiệm trước lịch sử và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời; cùng đào sâu những vấn đề về kí ức của con người, kí ức của lịch sử, đồng thời đưa đến những thông điệp về văn hóa và hòa bình.

Từ khóa: Inoue Yasushi, Đôn Hoàng, Kazuo Ishiguro, Người khổng lồ ngủ quên, di sản kí ức.

ABSTRACT

     The Heritage of Memory in Inoue Yasushi’s historical novel Tonko and Kazuo Ishiguro’s fantasy novel The Buried Giant Inoue Yasushi’s historical novel Tonko (1959) and Kazuo Ishiguro’s fantasy novel The Buried Giant (2015) dealed with human’s encounters, reflections, and experiences on a long journey filled with accidental events that turn out to be arranged by the hands of fate, so that people can fulfill their responsibilities, and find the meaning of life. The two works focused on exploiting the human memory, the memory of history, and together delivering the messages of culture and peace.

Keywords: Inoue Yasushi, Tonko, Kazuo Ishiguro, The Buried Giant, the heritage of memory.

x
x x

1. Mở đầu

     Đôn Hoàng là tiểu thuyết lịch sử ra đời năm 1958, đánh dấu giai đoạn trưởng thành của nhà văn Nhật Bản Inoue Yasushi1 trong sáng tác văn học nói chung và tiểu thuyết lịch sử đề tài Trung Hoa – Tây Vực nói riêng. Người khổng lồ ngủ quên (The Buried Giant) là một tiểu thuyết kì ảo – giả tưởng được xuất bản vào tháng ba năm 2015, góp phần vào thành tựu văn học vốn đã rất dày dặn của nhà văn Kazuo Ishiguro, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc tác giả người Anh gốc Nhật Bản được trao giải Nobel Văn học năm 2017. Hai tác phẩm cùng viết về những gặp gỡ, suy tư và trải nghiệm của con người trong một cuộc hành trình dài, đầy ắp những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên, song hóa ra lại như được sắp xếp dưới bàn tay của số mệnh, để con người có thể hoàn thành trách nhiệm trước lịch sử, và tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Hai tác phẩm cùng đào sâu những vấn đề về kí ức của con người, kí ức của lịch sử, đồng thời đưa đến những thông điệp về văn hóa và hòa bình. Hai tác phẩm đều viết về những không gian, bối cảnh và nhân vật hoàn toàn không liên quan gì đến Nhật Bản, nhưng lại chứa đựng triết lí nhân sinh gần gũi với nhau đến mức kì lạ, mà duyên do của nó có thể được lí giải từ chính cội nguồn văn học Nhật Bản, mảnh đất đầu tiên đã nuôi dưỡng tâm hồn tình cảm của hai nhà văn. Bài viết này đi sâu vào di sản kí ức, nội dung nổi bật nhất được phản ánh trong hai tác phẩm, từ đó bước đầu nghiên cứu lí giải phong cách, tư tưởng của tác giả cũng như giá trị của tác phẩm.

2. Tầm quan trọng của kí ức đối với cá nhân

     Kí ức là một phần quan trọng cấu thành nên mỗi con người. Bộ não con người không thể lưu giữ quá khứ một cách rõ nét và đơn giản như chiếc máy tính lưu giữ những tấm ảnh kĩ thuật số, tuy vậy, lại có thể cùng một lúc lưu giữ nhiều ấn tượng tổng hợp được hình thành và chi phối bởi nhiều nhân tố khác nhau: thời gian, hoàn cảnh, tri thức, cảm xúc, tâm trạng…; từ đó tạo nên kí ức. Kí ức mang nặng yếu tố chủ quan. Nó có lẽ là phần ít đáng tin cậy nhất, chính vì sự mong manh mơ hồ, không xác định. Nhưng nó lại quan trọng chẳng kém bất kì bộ phận nào trong cơ thể người, mà nếu mất đi, con người sẽ trở nên khiếm khuyết, thậm chí tàn phế, hay hủy diệt chính mình.

     Nhân vật Axl của Người khổng lồ ngủ quên khác những người yên phận khác trong ngôi làng bị bao phủ bởi lãng quên. Với trí tuệ hơn người sẵn có, ông luôn cảm thấy tồn tại một điều gì không đúng, vì vậy ông lần theo từng mảnh vụn kí ức, lần theo từng cảm xúc mông lung của một giấc mơ, để rồi quyết tâm thực hiện cuộc hành trình đi tìm con trai. Đó là cuộc hành trình tìm con trai của đôi vợ chồng Axl và Beatrice, nhưng đồng thời cũng là hành trình tìm lại kí ức. Họ tin rằng những kí ức cuộc sống có thể liên kết con người lại với nhau mạnh hơn cả tình cảm.

“Chúng ta sẽ làm cho những kí ức này sống lại trong mình, công chúa ạ. Hơn nữa, tình cảm trong trái tim anh dành cho em vẫn luôn luôn như một, nhớ hay quên cũng không thay đổi được gì. Em có thấy như vậy không, công chúa của anh?”

“Có anh ạ. Nhưng rồi em lại băn khoăn liệu những gì chúng ta đang cảm nhận trong trái tim mình sẽ chẳng được như những hạt mưa đang rơi xuống người chúng ta từ những chiếc lá sũng nước trên kia, cho dù chính bầu trời đã tạnh mưa từ lâu. Em đang tự hỏi liệu khi không có những kỉ niệm, chẳng có gì nuôi dưỡng tình cảm trong tim thì rồi liệu tình yêu có nhạt phai mà chết hay không.”

(Ishiguro, 2017, tr.64)

     Các nhân vật tin tưởng rằng kí ức là sợi giây chắc chắn nhất để níu giữ, thậm chí ngay cả cái chết cũng sẽ không thể lấy mất người này khỏi người kia, chính vì kỉ niệm mà họ đã có với nhau.

     Trong cuộc hành trình, kí ức của họ dần hồi phục, cho đến lúc tất cả đều sáng rõ. Nhưng một khi đã nhớ lại, thì ngoài những kỉ niệm đẹp có thể gắn kết con người, đồng thời cũng tồn tại những kỉ niệm đau đớn có thể chia cắt con người. Đến lúc đó, con người buộc phải dùng lí trí để lựa chọn kỉ niệm, lựa chọn con đường đi của chính mình. Mỗi con người đều có những câu chuyện khác nhau, những vận mệnh khác nhau, không ai giống ai. Chính kí ức đã tạo ra sự khác biệt giữa người với người, khiến con người là chính mình, nhưng đồng thời cũng tạo ra nỗi cô đơn của sự riêng rẽ và không thấu hiểu.

     Trong tác phẩm Đôn Hoàng, nhân vật Triệu Hành Đức được xây dựng bằng bút pháp vô cùng giản lược. Người đọc thậm chí khó mà hình dung tướng mạo chàng ra sao, hay trước năm ba mươi hai tuổi vào kinh ứng thí, ngoài đọc sách ra chàng từng làm công việc gì. Inoue Yasushi miêu tả chàng một cách “trong suốt”, cả về quá khứ, tâm tình, lẫn kí ức, tựa hồ như cuộc đời chàng mới chỉ bắt đầu năm chàng ba mươi hai tuổi. Mười mấy năm bôn ba nơi hành lang Hà Tây – Tây Vực, Triệu Hành Đức giữ cho mình ba kí ức sâu đậm nhất: kí ức về giấc mơ điện thí, kí ức về người con gái Tây Hạ ở khu chợ trời ngoài thành Khai Phong, kí ức về quận chúa Hồi Hột tại thành Cam Châu.

     Tình tiết quan trọng mở đầu cho tác phẩm Đôn Hoàng của Inoue Yasushi là giấc mơ của nhân vật Triệu Hành Đức khi chàng ngủ quên trong lúc tham gia điện thí tại Biện Kinh (thành Khai Phong). Trong mơ, Hành Đức đã phản đối chính sách đối với Tây Hạ trong lịch sử nước Đại Tống, ủng hộ cho chính sách an biên mà Hà Lượng đã đề ra, bao gồm việc xây căn cứ vững chắc chờ thời cơ quyết chiến với quân Tây Hạ. Từ đó về sau, giấc mơ này cứ trở đi trở lại, là một trong những hồi ức hiếm hoi, đồng thời cũng là nền tảng lập trường của nhân vật về chính trị. Nhiều năm sau này, khi cuộc hành trình đã đưa chàng đi qua khắp các vùng đất của Tây Hạ, Hành Đức vẫn nhớ giấc mơ năm nào, thậm chí còn phản biện lại quan điểm chàng đã từng đưa ra trong mơ. Giấc mơ này đại diện cho một “Triệu Hành Đức cũ”, một người say mê với công danh khoa cử, trước khi tìm được mục đích sống thật sự của cuộc đời.

     Kí ức gặp gỡ với người con gái Tây Hạ ở khu chợ ngoài thành Khai Phong tượng trưng cho bước ngoặt cuộc đời nhân vật. Tác dụng của người con gái Tây Hạ trong tác phẩm là để chỉ đường tới Tây Vực cho Triệu Hành Đức. Vì vậy, nàng chỉ xuất hiện một lần ở đầu tác phẩm, rồi biến mất. Đó là người con gái không mảnh vải che thân nằm giữa chợ, trong tay một tên hung dữ luôn muốn chặt nàng thành từng khúc và bán như bán thịt lợn. Người con gái không xấu hổ vì bị lột hết quần áo phơi giữa chợ, nhưng lại cảm thấy sỉ nhục khi nghĩ rằng mình có thể bị mua về để mua vui. Nàng tự hào là người Tây Hạ, sẵn sàng hi sinh để bảo toàn khí tiết của phụ nữ Tây Hạ. Chỉ là một người con gái không rõ lai lịch trong cơn sa cơ lỡ bước, cũng đủ khiến Hành Đức cảm nhận được khí chất khác người của cả một dân tộc. Nhiều năm sau, trong những thời khắc có khả năng quyết định vận mệnh, Hành Đức vẫn thường sống lại với kí ức này.

     Kí ức thứ ba, kí ức về quận chúa Hồi Hột, lại là một đoạn nhân duyên đẹp đẽ và bất hạnh. Quận chúa Hồi Hột xuất hiện lần đầu tiên ở một nơi cao nhất trong thành Cam Châu: phong hỏa đài nằm trên tường thành, tường thành đã cao, phong hỏa đài còn cao thêm khoảng ba trượng. Lần cuối cùng Hành Đức thấy nàng, chỉ như một cái chấm nhỏ cao cao tít trên tường thành Cam Châu, nhìn xuống quảng trường tập hợp toàn bộ binh mã Tây Hạ trước ngày xuất chinh, đứng đó hồi lâu, trước khi nhảy xuống thành một vệt dài dọc theo tường thành. Nàng chính là hình ảnh của cái đẹp mong manh tồn tại trên cõi đời, bị chà đạp trong chiến tranh, kẻ thắng cuộc nào cũng muốn chiếm hữu nàng, nhưng nàng không thuộc về ai. Nàng luôn đứng cao hơn tất cả, dù trong sự sống hay cái chết. Nàng chết trước trận đại chiến, chết trước khi ngọn lửa chiến tranh bùng cháy thiêu rụi tất cả. Giống như vương phi trẻ đẹp trong Lâu Lan, chết trước khi sự huy hoàng của nền văn hóa Lâu Lan suy tàn. Họ đều không có tên, đều là những điềm báo cho cái chết thực sự của cái đẹp giữa những cuộc tàn sát không ngừng nghỉ của chiến tranh do con người gây ra.

     Đối với Triệu Hành Đức, kí ức về giấc mơ “chính sách an biên của Hà Lượng” là khuynh hướng chính trị, kí ức về người con gái Tây Hạ ở khu chợ trời là dũng khí và nhiệt huyết đối với những điều mới mẻ chưa từng được biết, còn kí ức về quận chúa Hồi Hột là rung động sâu xa trước vẻ đẹp của sự vô thường trên cõi đời này.

     Nhân vật Triệu Hành Đức trong Đôn Hoàng có lẽ là một trong những hình tượng nhân vật chính khá đặc biệt trong văn học. Đặc biệt ở chỗ, nhân vật này dường như không có cá tính nào cụ thể. Chàng rất bình tĩnh, không chấp niệm, như thể nội tâm của chàng là một tờ giấy trắng chờ số mệnh viết vào. Ngược với Triệu Hành Đức, hai nhân vật phụ là Chu Vương Lễ và Úy Trì Quang lại có cá tính quá nổi trội, luôn coi trọng hơn thua được mất. “Chiến thần” Chu Vương Lễ quá chấp vào mối hận bị cướp mất ý trung nhân mà phát động binh đao, tử trận sa trường. “Tài thần” Úy Trì Quang quá chấp vào châu báu của cải mà cuối cùng không tránh khỏi vong mạng. Cả đời Hành Đức, cái chàng còn chấp vào, có lẽ chỉ là kí ức. Kí ức không thường xuyên hiện hữu, mà như chàng thừa nhận, chàng “ít khi nhớ tới”, hoặc đã “quên mất thứ gì quan trọng”, nhưng chính kí ức khiến cho chàng không mất đi nhiệt tình ban đầu với cuộc đời, chính kí ức giữ cho chàng được “người” hơn giữa một thế giới đầy tranh đoạt và máu lửa.

3. Kí ức như một phần lịch sử

     Trong Đôn Hoàng, nhân vật Triệu Hành Đức chính là đường dẫn của câu chuyện, là một duyên do diệu kì dẫn độc giả đến với tiến trình lịch sử.

     Theo bước chân chàng, độc giả đi từ đầu mùa hạ năm Thiên Thánh thứ tư của hoàng đế Nhân Tông (năm 1026 Công nguyên) nhà Tống đến ngày mười ba tháng mười hai năm thứ hai Cảnh Hựu (1035), khi thành Sa Châu chìm trong lửa chiến tranh; đến năm thứ nhất Nguyên Bảo (1038), Nguyên Hạo lập quốc hiệu là Đại Hạ, chính thức định đô Hưng Khánh; đến tháng giêng năm thứ ba Khánh Lịch (1043), giữa hai nước Tây Hạ và Tống tạm thời lập hòa ước. Thời đại Thần Tông sau khi Nguyên Hạo chết được hơn hai mươi năm (1068), lần cuối cùng cái tên Triệu Hành Đức được nhắc đến trong tác phẩm, qua một lá thư gửi đến chùa Tam Giới, kèm theo gia truyện của họ Tào.

     Những vấn đề địa lí và lịch sử trong tác phẩm được giới thiệu một cách vô cùng rõ nét, là kết quả của những nghiên cứu công phu, lồng trong hành trình tưởng như ngẫu nhiên không định trước của nhân vật. Hành trình kí ức của Triệu Hành Đức trong tác phẩm, đồng thời cũng là hành trình xuyên qua các cuộc chiến tranh biên giới Trung Hoa vào thế kỉ thứ XI. Những cuộc chiến xảy ra đôi khi không hiểu vì cái gì, những con người không hiểu vì sao phải trở thành lính trong quân đội, cũng không hiểu mối thâm thù mình phải mang rốt cuộc từ đâu ra. Thế giới này phải chăng vẫn vận hành một cách quái lạ như vậy, phi lí như vậy, mà con người vì một lí do nào đó, lẳng lặng chấp nhận, rồi quen dần, rồi quên đi câu hỏi “vì sao”. Chính vì thế, chiến tranh cứ tiếp diễn. Muốn chiến tranh dừng lại, có lẽ đúng như cách Kazuo Ishiguro sáng tạo ra trong Người khổng lồ ngủ quên, phải có một con rồng với hơi thở bị yểm bùa, nhả màn sương lãng quên lên cả thế giới này, để nhân loại không chỉ quên đi câu hỏi “vì sao”, mà còn quên như chưa từng có cuộc chiến nào diễn ra, khi người ta không còn biết chiến tranh là gì, chiến tranh sẽ biến mất.

     Tác phẩm Đôn Hoàng chứa đựng nhiều đoạn miêu tả chiến tranh vô cùng xuất sắc, được kể lại với tư thế một người đã từng tham chiến. Cảm giác “như một cõi mộng”, “không thể tin được” hiểu theo một cách nào đó, có lẽ cũng là hồi ức của chính Inoue Yasushi về chiến tranh, cũng chính là một phần của lịch sử. Bên cạnh sự hỗn loạn, dữ tợn, kì quái trong các trận chiến, là sự thảm khốc của tội ác chiến tranh. Khi chiến tranh xảy ra, người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả trước tiên là phụ nữ và trẻ em, những người yếu đuối không thể tự bảo vệ cho mình. Họ có thể chết, hoặc sống không bằng chết.

     Tác phẩm Đôn Hoàng của Inoue Yasushi đã xây dựng thành công một nhân vật thú vị có thể được coi như chứng nhân và hậu quả của lịch sử, đó là thương nhân Úy Trì Quang. Khi cuộc chiến tranh giữa các dòng tộc tại Vu Điền diễn ra, Úy Trì Quang chỉ là một đứa trẻ, thậm chí có thể còn chưa lọt lòng mẹ. Vương triều Úy Trì của Vu Điền bị lật đổ, dòng họ Úy Trì tan tác. Hắn lớn lên với một sự hằn học kì lạ đối với cuộc đời, đồng thời mang trong mình một niềm vinh quang dị thường đối với quá khứ huy hoàng của một cái tên đã bị thời gian hoàn toàn vùi lấp.

     Điều gì khiến một thanh niên trẻ tuổi, được miêu tả trong tác phẩm như một người cao lớn, với gương mặt đẹp lạnh lùng pha trộn nhiều huyết thống, biết nói rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, văn võ song toàn, lại biến thành tham lam tàn bạo đến như vậy, nếu không phải là sự thúc đẩy của những kí ức đen tối từ quá khứ? Úy Trì Quang, hậu duệ vương triều Úy Trì, cũng chính là hậu duệ của những tranh đoạt và hận thù trong lịch sử.

     Trong Người khổng lồ ngủ quên, hành trình của Axl và Beatrice không chỉ khơi gợi lại cho họ kỉ niệm cá nhân, mà đồng thời cũng là sự tìm kiếm và lật lại kí ức lịch sử. Khi lớp màn sương dày đặc quanh lịch sử dần được vén lên, những nhân vật lịch sử dần xuất hiện, và những câu chuyện của quá khứ bắt đầu được kể. Hình ảnh người hiệp sĩ già cao kều với con ngựa Horace được miêu tả chẳng khác gì hiệp sĩ Don Quixote xứ Mancha, hài hước và có phần ảm đạm. Thanh kiếm cùng bộ áo giáp năm nào giờ đã nặng quá sức chịu đựng của ông, cũng như ông nặng quá sức chịu đựng của con ngựa già. Ông xuất hiện như một người giúp đỡ và chỉ đường cho đôi vợ chồng, đồng thời cũng là một người dẫn chuyện của lịch sử. Gánh nặng của ông dường như cũng chính là gánh nặng của lịch sử, quá sức chịu đựng đối với mỗi người, vì vậy mà tốt nhất hãy để cho tất cả bị sương mù che phủ. Cùng với sự xuất hiện của Gawain và những nhắc nhở về vua Arthur, kí ức của Axl đã sống lại. Đó là kí ức về một hiệp ước chấm dứt chiến tranh giữa người Saxon và người Briton đã bị vua Arthur phá vỡ bằng một cuộc tàn sát đẫm máu. Đó là điều con người đã gây ra, bỉ ổi đến mức Chúa trời phải cảm thấy xấu hổ và muốn quên đi. Nhớ về hình ảnh của bản thân trong quá khứ như một hiệp sĩ Hòa Bình, một người Briton lặn lội đi khắp các ngôi làng Saxon để vận động cho hiệp ước đình chiến, ông thấy mình “không khác gì một thằng ngốc, một kẻ mộng mơ hão huyền, nhưng là một người có ý định tốt và đã khổ sở biết bao khi phải chứng kiến cảnh những lời thề trang trọng bị phá vỡ bởi những cuộc tàn sát man rợ.” (Ishiguro, 2017, tr.411).

     Khi Gawain cùng đôi vợ chồng già vượt qua con đường hầm bên dưới tu viện, họ đã bước trên một khu mộ tập thể, toàn xương người. Giữa đường hầm tăm tối, lúc nào Beatrice cũng bị ám ảnh rằng bà đã giẫm phải xác một đứa trẻ, nhưng mọi người đều cố làm bà bình tĩnh bằng cách nói đó chỉ là một con dơi. Giữa đường hầm tăm tối, cậu bé Edwin đã nghe thấy những tiếng gọi hư ảo của “mẹ”, tựa như tiếng gọi vọng về từ quá khứ đang gọi cậu đến gần hơn, gần hơn nữa, để có thể nhìn vào lịch sử, để có thể bắt đầu thù hận.

     Trong Người khổng lồ ngủ quên, Wistan là một nhân vật đặc biệt, vì dường như chỉ có anh ta không chịu ảnh hưởng bởi màn sương mờ che lấp kí ức. Anh vẫn nhớ được hình ảnh của Axl nhiều năm trước, “người đàn ông vĩ đại trong chiếc áo choàng tung bay, đi lại trong làng như một con sư tử giữa bầy lợn và trâu bò” (Ishiguro, 2017, tr.200). Anh đại diện cho sức mạnh và lòng dũng cảm, hiện ra trong tác phẩm như một hình bóng phản chiếu từ quá khứ của người anh hùng Achilles huyền thoại, song gót chân Achilles của anh chính là lòng thù hận. Anh bị đám lính Briton bắt đi khỏi làng từ hồi còn nhỏ, được huấn luyện thành một chiến binh, nuôi một lòng căm hận lớn lao đối với người Briton. Dù trên cuộc hành trình của mình, anh vẫn tiếp xúc và giữ tình hữu nghị với những người Briton vô tình gặp gỡ, như Axl, Beatrice hay Gawain, nhưng sâu thẳm trong lòng, mối hận thù của anh lớn hơn bất kì ai, bởi anh luôn muốn nhân rộng nó lên bằng mọi cách. Anh đã gặp Edwin, “đứa trẻ mang trong mình tâm hồn của một chiến binh” (Ishiguro, 2017, tr.117), cũng là đứa trẻ lạc mất và đang đi tìm mẹ. Anh khăng khăng rằng mẹ Edwin đã bị người Briton làm hại – giống như mẹ anh – và đi đến kết luận: “Cho dù đã quá muộn để giải cứu cho bà ấy, thì vẫn luôn đủ sớm để trả thù. Vậy hãy nói cho anh nghe lời hứa của em một lần nữa. Hãy hứa với anh em sẽ căm thù dân Briton cho đến tận ngày em ngã xuống vì những vết thương trên mình hoặc vì những tháng năm tuổi tác đè nặng trên vai.” (Ishiguro, 2017, tr.339). Anh cũng là người cương quyết giết rồng Querig dù biết rõ hậu quả ngay sau đó, chỉ để kí ức được sáng rõ, lòng hận thù một lần nữa được đun sôi và chiến tranh phải đến như điều tất yếu.

     Câu chuyện tàn khốc nổi lên trên bề mặt mờ sương lãng đãng của câu chuyện. Không phải là cổ tích hay kì ảo và giả tưởng nữa, mà chính là sự thực lịch sử. Vậy là các nhân vật, bao gồm đôi vợ chồng già muốn tìm kiếm kí ức về những năm tháng cùng chung sống và tìm con trai, cậu bé Edwin muốn tìm mẹ, chàng chiến binh Wistan muốn tiêu diệt rồng Querig để lấy lại kí ức hận thù cho người Saxon, cùng chiến binh già Gawain muốn bảo vệ rồng Querig để đảm bảo cho sự quên lãng theo lệnh vua Arthur, tất cả gặp nhau trên đỉnh núi cao. Trận quyết chiến giữa Wistan và Gawain chính là trận quyết chiến giữa kí ức và lãng quên. Lãng quên ngã xuống. Kí ức được trả về cho tất cả mọi người.

     Thế nhưng, khi kí ức của mỗi con người hợp lại thành kí ức chung của nhân loại, thì vấn đề đã thay đổi. Kí ức của một vài cá nhân có thể chỉ là những nỗi buồn vui, nhưng kí ức chung của nhiều người lại chính là lịch sử, là những cuộc chiến không bao giờ kết thúc. Những mối hận thù nằm trong những bộ xương khô chưa mục nát rải khắp những dải đất hiền hòa, bất cứ lúc nào cũng có thể bị xới tung lên, và nhân danh sự tàn sát cũ để tiến hành một cuộc tàn sát mới.

4. Di sản kí ức – sức mạnh của ngôn ngữ và văn hóa, thông điệp của hòa bình

     Ngay trong phần đầu tiên của Đôn Hoàng, Inoue Yasushi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chữ viết và dịch thuật:

Hành Đức bèn nói: “Nhưng một dân tộc có văn tự của riêng họ thì là một việc lớn phi thường, chẳng phải sao? Đợi đến khi Tây Hạ lớn mạnh rồi, thì tất cả các điển tịch đến từ phương Tây đi qua Tây Hạ tất đều phải được dịch thành chữ Tây Hạ, cứ như vậy, tất cả văn hóa đã từng được truyền bá đến Tây Hạ mà chưa từng được tiếp nhận, đều sẽ có thể cắm rễ tại Tây Hạ.”

Vị quan già trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Ta nghĩ chẳng cần lo lắng quá, Tây Hạ không đến mức lớn mạnh được đâu.”

“Thế nhưng, việc có chữ viết riêng chẳng phải thể hiện Tây Hạ nghiễm nhiên đã trở thành một nước lớn rồi sao?”

“Mấy nước man di đó hơi mở rộng được lãnh thổ thì lập tức muốn bắt chước nước khác để ra vẻ ra đây. Tây Hạ có gắng mấy cũng chẳng qua là một nhánh của lũ mọi rợ, không phải dân tộc đặc biệt ưu tú gì.”

“Không phải. Tôi cho rằng Tây Hạ đủ tiềm lực để trở thành nước lớn. Chính như Hà Lượng từng dự đoán, sớm muộn cũng sẽ trở thành nỗi lo lớn của Trung Nguyên.” Hành Đức đáp.

(Inoue, 2015, tr.10-11)

     Vì sao chữ viết lại đóng vai trò quan trọng đến vậy đối với một dân tộc? Chữ viết là kí hiệu đầu tiên đánh dấu một nền văn minh được hình thành. Chữ viết là công cụ truyền tải tư tưởng và kiến thức. Tư tưởng và kiến thức truyền từ đời này sang đời khác, đó là một loại “kí ức tập thể” của con người. Kí ức con người là một loại di sản. Mỗi bước đi của con người, là một hành trình để lại dấu ấn bên trong, đồng thời kiến tạo di sản kí ức cho nhân loại.

     Trong tiểu thuyết, chúng ta có thể thấy đất nước Tây Hạ mới nổi lên đầy dũng mãnh và dã tâm này phảng phất hình ảnh của Nhật Bản, còn vương triều Đại Tống già nua cũ kĩ có phần nhu nhược kia đại diện cho Trung Quốc. Tây Hạ đã sáng tạo ra một loại văn tự riêng trên nền tảng chữ Hán, các kinh điển từ phương Tây đến đây sẽ được dịch ra tiếng Tây Hạ, trước khi truyền vào Đại Tống. Tây Hạ sẽ lớn mạnh, cũng như Nhật Bản sẽ lớn mạnh. Sớm muộn gì Nhật Bản cũng trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc, đó chính là lời khẳng định kín đáo của nhà văn Inoue Yasushi từ những năm 50 của thế kỉ XX.

     Với Đôn Hoàng, Inoue Yasushi đã dành không ít công sức để thể hiện tình cảm của Triệu Hành Đức dành cho ngôn ngữ và văn hóa. Triệu Hành Đức không chỉ học tiếng Tây Hạ, chàng còn tham gia lập bảng đối chiếu ngôn ngữ Hán và Tây Hạ. Bảng đối chiếu này về sau được đóng thành quyển, chàng được mời làm người đặt bút đề tên cho quyển ấy. Những con chữ ám ảnh Hành Đức đến nỗi khi chịu trận đòn hiểm ác của Úy Trì Quang, chàng gần như mụ mị, đầu óc rỗng không, chỉ còn lại từng chuỗi chữ lướt ngang qua, rơi rớt lại trong tiềm thức.

     Hành Đức không phải nhân vật duy nhất sùng thượng văn tự trong Đôn Hoàng. Chu Vương Lễ, một dũng tướng mù chữ, đã kết giao với Hành Đức ngay khi biết chàng tự viết được họ tên lên y phục. Cả đời Chu Vương Lễ có một tâm nguyện, đó là tham gia quyết chiến một trận thật oai hùng, rồi lập cho mình một tấm bia khiến ai cũng phải ngẩng đầu lên nhìn.

Trong tác phẩm của Kazuo Ishiguro, hình ảnh tấm bia cũng từng xuất hiện:

Trong số các bạn thể nào vài người cũng có bia tưởng niệm trang trọng để nhắc nhở người sống nhớ tới những tai ương đã xảy đến với các bạn. Vài người lại chỉ có cây thánh giá làm bằng gỗ được gọt giũa sơ sài, thậm chí chỉ là phiến đá được quét sơn, trong khi có những người lại phải giấu mình trong bóng tối của lịch sử. Dù thế nào đi chăng nữa, ai cũng là một phần trong đám rước từ thời cổ xưa và vì vậy, rất có thể ụ đá khổng lồ kia được dựng lên để đánh dấu nơi một tấn thảm kịch xảy ra đã từ lâu lắm rồi, nơi những người trẻ tuổi vô tội đã bị tàn sát trong chiến tranh. Ngoài điều đó ra thì thật khó mà hình dung nổi lí do nào khác cho sự hiện diện của nó. (Ishiguro, 2017, tr.373)

Cũng như kí ức đã bị xóa mờ khỏi thế giới của Axl và Beatrice, tấm bia này không có chữ. Không ai biết nó đã từng được dựng lên để ghi lại điều gì.

Hình ảnh tấm bia chính là sự lưu giữ kí ức. Chu Vương Lễ mù chữ, ông không cách nào tự lưu giữ được kỉ niệm sự sống của bản thân, nên ông khao khát được dựng một tấm bia, để ghi lại dấu ấn của ông trong cuộc đời, minh chứng rằng ông từng sống.

     Không chỉ Chu Vương Lễ, mà sự trọng thị với văn tự và kinh điển cũng được thể hiện qua nhiệt tình phiên dịch kinh Phật từ tiếng Hán sang tiếng Tây Hạ của Thái thú Diên Huệ, hay tấm lòng liều chết bảo vệ kinh Phật của ba nhà sư trẻ. Triệu Hành Đức nhận ra: Tài sản, sinh mệnh, quyền lực, đều là sở hữu cá nhân, nhưng kinh sách thì không phải như vậy, không thuộc về bất cứ ai. Chỉ cần không bị thiêu hủy, cứ đặt ở đó là được, chẳng ai có thể cướp đi, chẳng ai có thể chiếm lấy làm của riêng. Riêng việc có thể bảo tồn lại được nguyên vẹn ở đó, đã là giá trị liên thành. (Inoue, 2015, tr.146).

     Kinh sách của Đôn Hoàng cũng là một người khổng lồ ngủ quên. Khi thức giấc, nó làm thay đổi thế giới.

     Trong Người khổng lồ ngủ quên, vai trò của “ngôn ngữ” cũng được đề cập nhưng qua một khía cạnh khác, đó là sự thường xuyên không thấu hiểu giữa người Saxon và Briton, vì ngôn ngữ họ sử dụng khác nhau. Một vài người Saxon biết tiếng của người Briton, và ngược lại, nhưng không nhiều, và mọi việc đều phải được hiểu chậm hơn một chút, qua “phiên dịch”.

     Trong câu chuyện này, Axl là sứ giả của hòa bình, nhưng ông đã già và trở thành quá khứ; Wistan là hiện tại, là chiến tranh, xu thế tất yếu phải diễn ra của thời đại; Edwin là tương lai, là niềm hi vọng, nhưng rồi sẽ thế nào thì chưa ai biết. Thế nên, trong cái kết lửng lơ giữa họ, có một đoạn đầy thấm thía:

Ông già đột nhiên gọi to. Ông nói tiếng Briton khiến cậu chẳng hiểu gì. Có phải ông đang báo cho cậu biết điều gì? Hay đề nghị cậu làm gì đó? Rồi tiếng bà Beatrice vọng tới trong gió.

“Cậu Edwin! Cả hai chúng tôi tha thiết đề nghị cậu một điều. Trong những ngày sắp tới, hãy nhớ tới chúng tôi. Hãy nhớ chúng tôi và tình hữu nghị giữa chúng ta khi cậu vẫn còn là một cậu bé thế này nhé.”

Vừa nghe những gì bà Beatrice nói, Edwin vừa nhớ lại một điều khác nữa: một điều cậu từng hứa với người chiến binh, nghĩa vụ phải biết căm thù tất cả người Briton. Nhưng chắc hẳn Wistan không có ý nói đến đôi vợ chồng hiền lành này. Và kìa, ông Axl lúc này đang ngập ngừng giơ một bàn tay lên trời. Ấy là một cử chỉ thay cho lời tạm biệt, hay là một cố gắng nhằm ngăn cậu lại? (Ishiguro, 2017, tr.422).

      Những thông điệp chuyển từ quá khứ đến tương lai có lẽ luôn phải được trải qua ít nhất một lần “phiên dịch”. Thông điệp từ ngàn xưa thông qua Triệu Hành Đức để gửi đến ngàn sau, hay thông điệp của Axl qua sự phiên dịch của Beatrice gửi tới Edwin, đều chứa đựng trong nó tính không trọn vẹn, đồng thời, cũng mở ra những khả năng suy đoán mới, những con đường mới. Khi Edwin hiểu thông điệp này từ Axl, có lẽ lúc ấy cậu đã già, và thông điệp đúc rút từ kinh nghiệm cả đời cậu, nếu muốn chuyển đi, có lẽ cũng lại tiếp tục theo một phương thức chuyển tải trung gian, mở rộng đến vô cùng trong sự bất toàn của nó.

     Ishiguro từng nhận định: “Tôi đã viết tất cả những tác phẩm này về sự vật lộn giữa con người và kí ức cá nhân của họ, không biết lúc nào che giấu kí ức trong quá khứ, hay lúc nào đối diện với quá khứ vì một yếu tố quyết định. Nhưng điều mà tôi thực sự muốn làm là viết về sự đấu tranh ở bình diện xã hội. Phần lớn các quốc gia, khi chúng ta nhìn vào, đều có những thứ lớn lao mà họ đã chôn giấu.”2

     Những câu chuyện xảy ra trong tác phẩm rõ ràng không phải chỉ phác họa hình ảnh một nước Anh ở thế kỉ thứ VI, mà còn phản chiếu những hình ảnh thời sự của thế giới đương đại: Đông Đức và Tây Đức, Nam Bắc Triều Tiên, Iran và Iraq, Ấn Độ và Pakistan, Israel và Palestin… Hàng nghìn năm nay, đặc biệt là trăm năm trở lại đây, chúng ta không ngừng thấy cảnh các dân tộc bạn bè, lân bang, thậm chí là đồng bào quay lưng lại với nhau chỉ trong chớp mắt, những cảnh tang thương không ngừng tái diễn, trong chiến tranh, hay ngay cả thời bình. Chủ nghĩa thực dân, chiến tranh thế giới, chiến tranh lạnh, chủ nghĩa đế quốc… nhân loại không ngừng trải qua những thời kì thử thách. Mỗi dân tộc trên thế giới này có lẽ đều từng có lúc tự hỏi: chiến tranh hay hòa bình? nên nhớ hay nên quên? làm bạn hay làm thù? buông tay hay tiếp tục? Kazuo Ishiguro đã thả một màn sương phủ lên thế giới thực lạnh lùng này, biến nó thành một thế giới mộng ảo, hay một thế giới khác qua tấm gương soi để chúng ta soi mình và suy ngẫm.

     Khi con rồng Querig bị giết, màn sương dần tan, các nhân vật nhớ lại kỉ niệm của họ, cũng chính là lúc độc giả gỡ xong lớp vỏ kì ảo của tác phẩm. Đây là một lời cảnh báo nghiêm túc về sự tàn sát, thù hận và chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thế giới ngày nay. Có lẽ điều mà tác giả thật sự muốn nói, đó chính là nếu muốn có được hòa bình đích thực, thì không thể có được bằng sự khỏa lấp hoặc dối trá, mà phải nhìn thẳng vào sự thật, cân nhắc tất cả những điều kiện lịch sử, từ đó đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất của chính mình.

Trong tác phẩm Đôn Hoàng, có một đoạn viết về chiến tranh có thể coi là tuyệt bút:

Hành Đức chỉ nhìn thấy nhiều đội kị binh xông từ trong bóng tối về phía ánh lửa, rồi lại từ phía ánh lửa xộc vào bóng tối.

Bỗng nhiên, bốn bề lại càng sáng hơn trước nhiều lần, liền đó là một cột lửa từ đỉnh bên phải của ngọn núi vọt lên đến tận mây xanh. Đồng thời, phía không xa đột nhiên vang lên một trận gào thét kinh thiên động địa, tưởng như không phải thanh âm của con người phát ra. Bấy giờ Hành Đức nhìn thấy trên ngọn núi trước mặt có hàng trăm kị binh đang xung trận từ Tây sang Đông như một làn sóng cuộn hết đợt này đến đợt khác, có thể thấy rõ mồn một dáng vẻ từng chiến binh trên lưng ngựa.

Hành Đức lập tức chạy về lại lều, dắt ngựa của chàng tiếp tục đi, các con vật khác cũng theo sau. Phải tìm cách thoát khỏi chiến trường này mới được, nhưng chàng chẳng tìm được phương kế gì. Xung quanh chàng sáng như ban ngày, bốn phương tám hướng đều đang đánh nhau kịch liệt, hàng ngàn vạn người ngựa đang xung trận điên cuồng. Hành Đức ra sức trốn vào bóng tối, nhưng khi chàng thoát khỏi ánh lửa để trốn được vào bóng tối, thì lại phát hiện ở đó cũng đang có một cuộc chiến. Bóng đêm phủ xuống, âm thanh sắc lạnh của những mũi tên bay vun vút xé toạc không gian đột ngột đập vào tai chàng. (Inoue, 2015, tr.19-22).

     Đây có lẽ là một trong những đoạn thể hiện được triết lí sâu sắc của Inoue Yasushi về chiến tranh. Rốt cuộc là phương Bắc hay phương Nam, phương Đông hay phương Tây, đâu là nơi con người có thể thoát khỏi cuộc chiến? Không đâu cả. Dù ngày hay đêm, dù núi cao, sông sâu, biển rộng hay trong sa mạc, những trận chiến vẫn tiếp diễn không ngừng nghỉ. Điều mà con người thực sự có thể làm, không phải là chống lại dòng chảy cuồn cuộn đầy máu lửa của lịch sử, mà là trân trọng gìn giữ những giá trị văn hóa trong tầm tay và truyền lại cho thế hệ mai sau, đó cũng là cách để khẳng định giá trị tồn tại của chính bản thân mình.

_________
1Những thông tin về cuộc đời sự nghiệp tác giả Inoue Yasushi đã được chúng tôi giới thiệu trong hai bài viết Lang tai kí của Inoue Yasushi: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9 (535) tháng 9/2016, trang 115 – 127; Lịch sử và con người trong một số tác phẩm đề tài lịch sử Trung Hoa – Tây vực của Inoue Yasushi. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số 14 (4b), tr.105-115.

2Kazuo Ishiguro: ‘There is a slightly chilly aspect to writing fiction’, http://www.telegraph.co.uk/books/authors/kazuoishiguro-countries-have-got-big-things-buried/

5. Kết luận

     Đôn HoàngNgười khổng lồ ngủ quên là hai tác phẩm thuộc hai thể loại khác nhau: lịch sử và kì ảo, song lại cùng thể hiện một cuộc hành trình đầy ý nghĩa của đời người. Từ khi các nhân vật của hai tác phẩm dấn thân vào cuộc hành trình, những câu chuyện kì lạ bắt đầu xuất hiện. Đến một lúc nào đó, trong cả hai tác phẩm, cuộc hành trình không còn mang giá trị địa lí nữa, mà là một trải nghiệm nhân sinh.

     Hai tác phẩm đều là hành trình tìm lại “kí ức” đã mất. Trong Người khổng lồ ngủ quên, kí ức là kí ức. Trong Đôn Hoàng, “kí ức” là nhiệt huyết nguyên sơ ban đầu, lòng khao khát tri thức cũng như các giá trị văn hóa tốt đẹp khác của tuổi trẻ. Hai tác phẩm đều đưa đến sự khẳng định về giá trị của kí ức, và tầm quan trọng của di sản kí ức đối với con người.

     Cuốn sách mà Inoue Yasushi và Kazuo Ishiguro viết nên cũng chính là di sản của nhân loại. Đôn Hoàng lưu giữ những cứ liệu lịch sử chân thực pha lẫn với trí tưởng tượng đẹp đẽ về một miền đất xa xôi từng chôn giấu kho báu kí ức tập thể quý giá của loài người. Người khổng lồ say ngủ lưu giữ những suy nghiệm sâu sắc và thâm trầm về hành trình đã qua của lịch sử.

     Inoue Yasushi và Kazuo Ishiguro đều là những nhà văn được hun đúc từ tinh thần truyền thống trong văn chương Nhật Bản, đều mang trong mình những kí ức chiến tranh tàn khốc (Inoue Yasushi từng bị bắt đi lính trong chiến tranh thế giới thứ hai, mẹ của Kazuo Ishiguro từng sống sót sau thảm họa hạt nhân tại Nagasaki). Tư tưởng của họ, có lẽ nhờ vậy mà trở nên gần gũi. Đặt hai tác phẩm đẹp đẽ và sâu sắc này cạnh nhau, thông điệp từ tác phẩm này giúp soi chiếu cho thông điệp của tác phẩm kia, nhờ vậy, ta thấy được rõ hơn thông điệp về những giá trị vĩnh hằng của nhân loại giống nhau đến bất ngờ giữa hai tác phẩm vốn dĩ có thể không tồn tại mối liên quan nào về tác động hay ảnh hưởng.

      Đọc Đôn Hoàng cũng như Người khổng lồ say ngủ, chúng ta không thể không tôn kính người sáng tạo, vì những trăn trở đầy tính nhân văn của họ về cuộc đời, vì những suy nghiệm trong tác phẩm không đơn thuần là trí tưởng tượng, mà là sự kết tinh của kinh nghiệm, tư tưởng và tình cảm của nhà văn dành cho thế giới. Chừng nào trên thế giới này vẫn còn những xung đột giữa các giá trị phương Đông và phương Tây; chừng nào đâu đó trên thế giới, đất đai vẫn còn chia thành bờ Đông và bờ Tây, biên giới phía Nam và phía Bắc; chừng nào sự băn khoăn về Đông và Tây vẫn còn dậy sóng trong tâm thức của con người, thì những tác phẩm văn học như thế này vẫn còn nguyên giá trị.

      Cuối cùng, hai tác phẩm tuyệt vời này đã cho chúng ta thấy vẻ đẹp của sự mong manh cũng là vẻ đẹp của vĩnh hằng, và đó chính là vẻ đẹp của văn chương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Inoue Yasushi 井上靖. (2015). Đôn Hoàng 敦煌, Lưu Mộ Sa 刘慕沙 dịch. Bắc Kinh: NXB Văn nghệ tháng 10.

     Kazuo Ishiguro. (2017). Người khổng lồ ngủ quên. Lan Young dịch. Hà Nội: NXB Văn học.

     Phan Thu Vân. (2016). Lang tai kí của Inoue Yasushi: Giấc mộng Tây vực từ văn học đến điện ảnh. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 9(535).

     Phan Thu Vân. (2017). Lịch sử và con người trong một số tác phẩm đề tài lịch sử Trung Hoa – Tây vực của Inoue Yasushi. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm TPHCM, số 14(4b).

     Searls, D. (2010). The greatest Japanese Writer you’ve never heard of. Khai thác từ
http://quarterlyconversation.com/the-greatest-japanese-writer-youve-never-heard-of

Wood, G. (2017). Kazuo Ishiguro: ‘There is a slightly chilly aspect to writing fiction’. Khai thác từ
http://www.telegraph.co.uk/books/authors/kazuo-ishiguro-countries-have-got-big-thingsburied/

Nguồn: Tạp chí của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh;
Tập 15, Số 5 (2018): 47-58, ISSN: 1859-3100

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)