Di tích Gò Duối trong bối cảnh tiền sử Long An
GÒ DUỐI IN LONG AN PREHISTORIC BACKGROUND
Tác giả bài viết: NGUYỄN NGỌC QÚY,
BÙI VĂN LIÊM (Viện Khảo cổ học)
ABSTRACT
The Gò Duối site is located at Trung Trực hamlet, Thái Bình Trung commune, Vĩnh Hưng district, Long Am province. It was discovered and surveyed many times in January 1996, November 2005, and November 2007. In 2013, the site was excavated and studied with an area of 20m2, and a cultural layer that was 100 – 140cm thick developing through two stages from Pre- Óc Eo to early Oc Eo culture has been identified. The results of the excavation and research into the Gò Duối site contribute more data to clarification of the Long An prehistory in particular and South Việt Nam in general. Long An has been identified as a land with many typically-cultural features, a place for cultural interaction, a bridge between the Eastern and Western parts of South Việt Nam.
x
x x
1. Quá trình phát hiện và nghiên cứu
Di tích Gò Duối (còn được người dân địa phương gọi là Gò Rộc Trum) thuộc ấp Trung Trực, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, có tọa độ địa lý 10°54’24” vĩ Bắc và 105°49’43” kinh Đông. Di tích nằm trên một gò đất nổi hình mai rùa, cao khoảng 2m so với mặt ruộng trũng xung quanh, mặt gò khá bằng phẳng, vào thời điểm đỉnh lũ mùa nước nổi hàng năm, đỉnh gò vẫn nằm cao hơn mực nước khoảng 1m. Vị trí phân bố di tích nằm cạnh Bàu Trum – một bàu nước ngọt lớn và nằm cách sông Cái Cỏ (một nhánh sông Vàm Cỏ Tây) khoảng l,5km về phía đông bắc.
Di tích được Bảo tàng Long An khảo sát lần đầu tiên vào tháng 01/1996, kết quả thu được nhiều mẫu vật bằng đất nung và gốm cổ tượng tự những mẫu vật tìm thấy phổ biến tại các di chỉ cư trú và chế tác gốm thuộc văn hóa Óc Eo. Thông tin này, sau đó được công bố trong sách Khảo cổ học Long An những thế kỷ-đầu Công nguyên (Bùi Phát Diệm và nnk 2001: 105).
Tháng 11/2005, trong khi khai quật di tích Lò Gạch (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng), đoàn công tác Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Long An đã đến khảo sát di tích, kết quả thu được nhiều mảnh gốm thô, mảnh chân chạc, mảnh bát bồng chân đế cao, cục đất nung, đồ sắt… tương tự các địa diêm Gò Ô Chùa, cố Sơn Tự, Lò Gạch… ở Vĩnh Hưng, Long An. Đợt khảo sát đã xác định Gò Duối là di chỉ cư trú, địa tầng còn nguyên vẹn (Bùi Văn Liêm và nnk 2006).
Tháng 11/2007 Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Long An đào thăm dò lần đầu với diện tích 2m2 ở vị trí gần giữa đỉnh Gò Duối, cho biết tầng văn hoá dày l,4m, lớp trên dày 0,7m đất phù sa cát mịn tơi xốp, màu đen thẫm và lớp dưới dày 0,7m, đất phù sa pha lẫn rất nhiều sạn sỏi nhỏ màu nâu đỏ. Hiện vật gồm 266 mảnh chạc gốm và 236 mảnh gốm vỡ. Kết quả thám sát ghi nhận di chỉ còn khá nguyên vẹn hầu như chưa bị xâm phạm, tầng văn hóa dày, chia thành hai lớp văn hóa sớm, muộn phát triển liên tục. Gò Duối có thể có niên đại tương đương với Gò Ô Chùa và Lò Gạch, cách ngày nay trên dưới 2.500 năm (Bùi Văn Liêm và nnk 2008).
Nhằm làm rõ hơn vị trí, vai trò và mối quan hệ của Gò Duối trong hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Kim khí ở Long An, trong thời gian tháng 10/2013 đến tháng 11/2013, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Long An phối hợp khai quật lần thứ nhất địa điểm này.
2. Kết quả khai quật di tích Gò Duối năm 2013
2.1. Diễn biến địa tầng di tích
Hố khai quật được mở với diện tích 20m2 (5 X 4m), hướng đông bắc – tây nam, tại vị trí trung tâm gò đất. Địa tầng di tích xuất lộ ở vị trí hố khai quật dày trung bình 1,10m, với các lớp như sau:
– Lớp mặt dày trung bình 0,15m là lớp đất canh tác, phù sa cát hạt mịn màu nâu nhạt, lẫn nhiều rễ cỏ và một số ít mảnh gốm vụn. Mặt bằng hố đào khá bằng phẳng.
– Tầng văn hoá dày trung bình 0,95m, chia làm hai lớp rõ rệt:
+ Lớp văn hóa trên: dày trung bình 0,45m, đất phù sa cát mịn tơi xốp, bở dời, màu nâu đen, chứa nhiều hiện vật gốm mảnh và mảnh chạc gốm kích cỡ nhỏ.
+ Lớp văn hóa dưới: dày trung bình 0,5m, đất phù sa cát mịn màu đen thẫm, pha lẫn rất nhiều sạn sỏi nhỏ màu nâu đỏ, tương tự như loại đất pha sạn sỏi feralite. Trong lớp văn hóa này có chứa di tích mộ táng và nhiều hiện vật gốm mảnh, mảnh chạc gốm. Những mảnh chạc gốm ở đây có kích cỡ lớn hơn mảnh chạc gốm ở lớp văn hóa trên.
– Sinh thổ nằm ở độ sâu từ l,lm trở xuống, là lớp cát màu xám tráng thuần, mịn, không chứa di tích và di vật khảo cổ (Hình 7).
Địa tầng di tích ở hố khai quật năm 2013, so sánh với địa tầng di tích ở hố thăm dò năm 2007, ghi nhận diễn biến tầng văn hóa ở hai vị trí này tương tự nhau, nhưng lại có độ dày mỏng khác nhau. Tầng văn hóa ở hố khai quật năm 2013 nằm ở phía đỉnh gò, chỉ dày 0,95m. Trong khi đó tầng văn hóa ở hố thăm dò năm 2007 nằm xa hơn ở phía triền đông nam gò, có tầng văn hóa dày tới 1,4m. Diễn biến tầng vãn hóa ở hai vị trí, cùng kết quả khảo sát di tích ghi nhận thành tạo tầng văn hóa mỏng hơn ở phía đỉnh gò và dày hơn ở triền đông nam gò. Các khu vực còn lại của di tích tàng văn hóa có độ dày không đáng kể.
2.2. Di tích
Di tích xuất lộ gồm 3 mộ táng và 2 vệt đất cháy (Hình 2).
Mộ táng: cả 3 mộ táng đều là mộ huyệt đất, được chôn vào lớp văn hóa dưới và nằm trên bề mặt sinh thổ. Di cốt xuất lộ ở độ sâu -0,8m so với mặt đất, đều đã bị phân hủy, chi còn duy nhất mộ 13.GD.H1.L5.M2 còn nhận diện được hình hài di cốt.
– Mộ thứ nhất ký hiệu 13.GD.H1.L5.M1, hướng đông – tây, phần lớn huyệt mộ nằm trong vách tây nam, chỉ có nửa thân trên di cốt nằm trong hố khai quật. Di cốt đã mục nát chỉ còn lại một số mảnh xương sườn nằm chồng lên nhau theo đúng tư thế giải phẫu, một đoạn xương ống tay nằm xuyên qua một chuỗi vòng tay bằng đồng và nhiều xương dăm nhỏ màu trắng đục mủn nát nằm lẫn trong đất. Mộ thuộc giai đoạn văn hóa muộn được chôn vào lớp văn hóa sớm. Hiện vật chôn theo gồm 17 vòng đồng nằm thành một nhóm đeo ở bên tay trái và vết tích của 1 chiếc vòng thủy tinh màu xanh lục nay đã bị vỡ nát nằm ở cạnh hông bên phải di cốt.
– Mộ thứ hai ký hiệu 13.GD.H1.L5.M2 nàm ở góc phía bắc hố khai quật, hướng đông – tây, chôn nằm thẳng, không xác định được biên mộ. Di cốt còn vết tích của 1 hộp sọ, một số dải xương sườn, xương chi dưới và nhiều mẩu xương vụn nát. Vết tích xương nằm theo đúng tư thế giải phẫu nên có thể xác định đây là mộ hung táng. Trong mộ phát hiện vết tích mảnh vòng thủy tinh đã bị mục nát, nằm cạnh hộp sọ phía bên phải di cốt.
– Mộ thứ ba ký hiệu 13.GD.H1 .L5.M3, nằm ở góc phía tây hố khai quật, không phát hiện được biên mộ và hướng huyệt. Trong phạm vi 1m2 ở khu vực này, phát hiện một vài mẩu răng và xương người nằm cùng với 3 mảnh vòng đồng (thuộc về 2 chiếc khác nhau), 1 mảnh đồng dẹt và 1 vòng thủy tinh màu xanh lục còn nguyên vẹn.
Qua nghiên cứu các mộ và hiện vật tùy táng chôn theo, có thể nhận định cả ba mộ đều là mộ hung táng, thuộc về cùng một giai đoạn văn hóa trên của di tích được chôn vào lớp văn hóa dưới.
Vết tích đất cháy: là 2 vệt đất cháy chạy theo hướng bắc – nam nằm nối tiếp nhau tạo thành một vệt dài, xuất lộ bên dưới lớp đất canh tác, ở độ sâu -0,2m so với mặt đất. Sau khi nghiên cứu những vết tích này và so sánh với những vết tích lò nung đồ gốm lộ thiên đã được phát hiện, cho thấy khả năng đây là những vết tích còn lại của một khu vực nung đồ gốm lộ thiên, có thể có niên đại muộn hơn hẳn so với các di tích, di vật còn lại phát hiện trong hố khai quật.
2.3. Di vật
Đồ đá có 5 chiếc, thuộc ba loại: rìu (1 chiếc), bàn mài (2 chiếc) và công cụ cuội (2 chiếc). Rìu làm từ phiến đá tự nhiên hình gần tứ giác, mặt cắt dọc hình tam giác, mặt cắt ngang hình gần bầu dục, lưỡi vát không đều, góc lưỡi tù, chất liệu đá cuội phiến silic, bề mặt bị phong hóa nặng. Bàn mài đều là đá cát mịn, diện mài được tận dụng trên tất cả các mặt, bề mặt bàn mài mòn nhẵn. Công cụ cuội là hòn mài, hòn ghè từ đá cuội tự nhiên, trên một hoặc hai đầu có vết sử dụng.
Đồ gốm có 8 đồ gốm nguyên, 1.235 mảnh gốm vỡ, 1.816 mảnh chạc gốm và 6 mảnh gạch.
– Đồ gốm nguyên: gồm 6 dọi se sợi (4 chiếc hình nón cụt và 2 chiếc hình lồng bàn), 1 bi gốm và 1 đĩa chân cao được gắn chắp phục nguyên. Chiếc đĩa nông lòng, chân cao có miệng loe, đường kính 20cm, chân hình ống vươn cao có trang chí đường chỉ chìm, vành chân đế loe rộng, toàn thân được tô chì màu đen bóng, gốm xương đen, độ nung không cao, gốm bở. Chiếc đĩa này tương tự với những chiếc đĩa cùng loại ở Gò Ô Chùa (Hình 3).
– Gốm mành: có 1.235 mảnh, chiếm tỳ lệ 40,4% tổng số đồ gốm và đất nung, trong đó gồm 100 mảnh miệng (Hình 4), 1121 mành thân và 14 mảnh chân đế. Gốm xuất hiện nhiều ở các lớp dưới, tình trạng vỡ vụn, không có khả năng gắn chắp phục nguyên hình dạng, hầu hết bị bong tróc lớp áo bên ngoài, độ nung thấp, gốm mủn và bở. Loại hình đồ gốm đơn giản về kiểu dáng, chủ yếu là nồi gốm, ngoài ra bình gốm có chân đế, bát bồng và đĩa chân cao cũng xuất hiện ở đây. Miệng gốm có các loại chính là loe ưỡn, loe thẳng, cong khum… mép miệng vuốt tròn và làm bằng. Chân đế có hai loại: loe choãi thấp và hình trụ cao.
Về chất liệu gốm Gò Duối có 3 nhóm: gốm xương nâu đỏ, gốm xương đen và gốm xương vàng. Trong đó nhóm gốm xương đen, áo đen hoặc xám trắng chiếm đại đa số trong nhóm gốm mảnh, những nhóm chất liệu còn lại có tỷ lệ rất nhỏ. Gốm xương đen chiếm 75,47% tổng số mảnh gốm, nằm tập trung ở ba lớp đào dưới cùng. Chất liệu làm gốm được chọn lọc khá kỹ tạo nên xương mịn. Loại gốm này tương tự như nhóm gốm đen đã thu được ở Lò Gạch, Gò 0 Chùa hay ở lớp trên di chỉ Gò Đình. Gốm nâu đỏ có 167 mảnh, chiếm tỷ lệ 13,52% tổng số mảnh gốm, thu được ở hầu hết các lớp đào và nằm tập trung hơn ở những lớp dưới cùng. Gốm xương vàng 22 mảnh, chiếm tỷ lệ 1,78% tổng số mảnh gốm, thu được ở các lớp trên của hố khai quật, gốm rất mịn do đất sét được chọn lọc kỹ, độ nung cao, gốm bóng đẹp. Nhóm gốm này tiêu biểu cho loại gốm giai đoạn lịch sử sớm (gốm Óc Eo).
Phân bố của nhóm gốm mảnh trong địa tầng hố khai quật cho thấy sự diễn biến sớm muộn như sau: Nhóm gốm xương đen có mặt từ giai đoạn văn hóa sớm và liên tục cho đến giai đoạn văn hóa muộn; Nhóm gốm xương nâu đỏ xuất hiện chủ yếu ờ giai đoạn văn hóa dưới và rất hiếm gặp ở lớp văn hóa trên; Nhóm gốm xương vàng tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử sớm chỉ thấy xuất hiện ở giai đoạn văn hóa trên.
Mảnh gốm có hoa văn (bao gồm cả hoa văn trang trí và hoa văn kỹ thuật) khá ít, chỉ có 161 mảnh trên tổng số 1.235 mảnh gốm thu được. Hoa văn trang trí có 13 mảnh, chiếm tỷ lệ 1,05% tổng số mảnh gốm, chỉ thấy ở nhóm gốm xương đen, là loại hoa văn khắc vạch theo băng hoặc khắc vạch trên nên văn thừng kỹ thuật. Hoa văn kỹ thuật gom văn thừng và văn chải. Nhóm mảnh thân gốm xương đen, đa phần đều được tô ánh chì, kỹ thuật tô chì sống, khiến cho đồ gốm bóng mịn.
Về kỹ thuật làm gốm, người Gò Duối đã nắm vững và kết hợp nhiều phương pháp chế tạo đồ gốm như bàn xoay kết hợp nặn tay, cắt gọt để tạo ra những đồ gốm có sự cân đối cao như bát hay nồi gốm. Thêm vào đó phương pháp đắp thêm và gắn chắp cũng được sử dụng phổ biến.
– Mảnh chạc gốm: có 1.816 mảnh vỡ, chiếm tỷ lệ 59,4% tống số đồ gốm và đất nung thu được trong hố đào (Hình 5). Đây đều là mảnh vỡ từ đầu nhọn, thân và chân đế chạc gốm thuộc 2 nhóm loại hình chính:
– Nhóm chạc thứ nhất: có 1.785 mảnh, chiếm tuyệt đại đa số nhóm mảnh chạc. Loại hình chạc gốm có một đầu với ba chĩa nhọn hướng lên trên, thân tròn thẳng, đường kính thân chạc trung bình vào khoảng từ 2,5 – 3,5cm, chân đế loe rộng, đường kính trung binh 7cm và phía dưới đáy được khoét sâu vào tạo cho chân đế có dạng một chiếc bát úp ngược. Chất liệu chạc xương màu đỏ, làm từ đất sét, pha nhiều bã thực vật.
– Nhóm chạc thứ hai: có 81 mảnh, loại này chỉ tìm thấy mảnh thân và chân đế, không thấy mảnh nhánh chạc. Chạc có thân tròn thẳng, đường kính thân chạc trung bình vào khoảng từ 3,5 – 4,5cm, một số mảnh thân ở sát sinh thổ có đường kính lên tới 5cm. Chân đế loe rộng, đáy được khoét sâu vào tạo cho chân đế có dạng một chiếc bát úp ngược có đường kính miệng trung bình 10cm, thành chân đế dày từ 1,2 – 1,5cm. Ngoài ra cũng thấy một vài mảnh chân đế dạng hình trụ loe choãi nhẹ. Chất liệu xựơng chạc gốm màu xám đen, mặt ngoài có màu nâu xám hoặc xám trắng.
Kỹ thuật tạo hình chạc gốm ở Gò Duối nói chung đều được nặn tay từ nguyên khối đất sét, cùng một số công cụ hồ trợ như dạng que tre sử dụng làm dao cắt gọt mà vết tích của nó là những vết cắt gọt còn để lại trên nhánh của một số chạc hình ba chĩa. Đặc điểm kỹ thuật này cũng thể hiện trên chạc gốm của các di tích lân cận ở huyện Vĩnh Hưng.
Tại các địa điểm lân cận như Gò Ô Chùa, Lò Gạch… (huyện Vĩnh Hưng, Long An), cũng có loại hình chạc gốm gần tương tự. Đó là các chạc gốm có phần đáy được khoét vào tạo cho chân đế có dạng một chiếc bát úp ngược đường kính 10cm, thành đáy dày từ 1,2 – l,5cm, thân tròn thẳng có đường kính trung bình vào khoảng từ 3,5 – 5,0cm, đầu chạc cũng có ba mấu ngắn nhưng lại làm quặp xuống dưới tạo thành hình như mỏ neo thay vì hướng lên trên như loại thứ nhất. Do mấu chạc ngắn và gốm thô bở, nhanh bị mục rồng, nên đến nay chúng ta không thấy mấu của loại chạc này tại hố đào Gò Duối.
Theo dõi diễn biến loại hình chạc gốm theo các lớp đào và phân vị địa tầng tại hố đào, có thể nhận thấy nhóm chạc gốm hình mỏ neo, xương màu xám đen xuất hiện nhiều nhất ở lớp văn hóa dưới thuộc giai đoạn sớm của di tích. Nhóm chạc ba chĩa, xương màu nâu đỏ xuất hiện nhiều và khá đồng đều ở tất cả các lớp đào, cho thấy nhóm này xuất hiện từ giai đoạn sớm và tiếp tục tồn tại ở giai đoạn muộn. Như vậy, có thể thấy rằng ở giai đoạn sớm, tại Gò Duối cùng tồn tại song song cả nhóm chạc hình ba chĩa và hình mỏ neo, bước sang giai đoạn muộn chủ yếu chỉ còn tồn tại loại chạc hình ba chĩa. Trong cả hai giai đoạn, nhóm chạc ba chĩa luôn luôn đóng vai chò chủ đạo.
Mảnh gạch có 6 mảnh, đều nằm ở lóp văn hóa dưới. Gạch có độ nung thấp, lõi màu xám vàng, lóp áo ngoài màu đỏ nhạt. Chất liệu đất sét pha nhiều sạn sỏi kích cỡ lớn. Những mảnh vỡ này đều thuộc loại gạch hình chữ nhật, có chiều dày thân trung bình 0,6cm, tương tự gạch xây tháp Óc Eo – Phù Nam sau này.
Đồ đồng có 21 hiện vật, gồm 20 vòng/mảnh vòng đeo tay, 1 thanh đồng, chúng đều là đồ tùy táng nằm trong các mộ (17 vòng kết thành chuỗi đeo ở cổ tay chủ nhân mộ GD.H1.L5.M1; 3 mảnh vòng và 1 thanh đồng trong mộ GD.H1.L5.M3). Vòng có kích thước đồng đều, đường kính ngoài 6,0cm, tiết diện lõi vòng 0,5cm, kỹ thuật đúc khuôn, trên thân trang trí hoa văn ren ngang.
Đồ sắt có 3 hiện vật, gồm 1 dao và 2 mảnh vỡ công cụ. Dao mũi nhọn, sống thẳng, lưỡi rộng ở đốc và thu về mũi nhọn, mặt cắt ngang thân hình chữ V cân, chuôi cong nhọn để tra vào cán gỗ, giữa chuôi và lưỡi có khuyên đeo rộng 3,6cm. Dao được rèn thủ công, chiều dài còn lại 10cm, rộng 2,3cm, dày 0,5cm.
Đồ thủy tinh có 2 hiện vật, gồm 1 vòng tay và 1 khuyên tai.
– Vòng tay ký hiệu 13.GD.H1.L5.M3:12, chất liệu thủy tinh màu xanh lục, mặt cắt gần hình tam giác, phân đê tam giác tạo gờ dày 0,25cm trước khi căt góc, bản rộng gần gấp đôi độ dày, mặt vòng nhằn bóng, đường kính ngoài 7,3cm, rộng bản l,3cm, dày 0,85cm.
– Khuyên tai ký hiệu 13.GD.H1.L4:6, bị vỡ chỉ còn mảnh nhỏ, hình tròn, mặt cắt hình chừ nhật, màu xanh lục trong suốt, đường kính ngoài 3,65cm, rộng 0,35cm.
2.4. Đặc trưng văn hóa của di tích
Với diện tích 20m2 khai quật và qua nghiên cứu số lượng hiện vật thu được có thể nhận định Gò Duối là di chi cư trú – mộ táng, trong đó nối bật là di chi cư trú. Ớ Gò Duối có tầng văn hóa cư trú khá dày (trên 140cm ở triền gò, 95cm ở đình gò), chứng tỏ quá trình cư trú lâu dài ổn định của cư dân cổ nơi đây. cấu tạo tầng văn hóa và diễn biến di tích, di vật cho thấy ở Gò Duối có hai giai đoạn văn hóa sớm muộn tiến triển liên tục. Trong đó tầng văn hóa dưới có tính chất cư trú đơn thuần, tầng văn hóa trên tính chất cư trú nhạt hơn. Các di tích mộ táng nằm ở giai đoạn văn hóa muộn được chôn vào tầng văn hóa sớm. Những đồ sắt tìm thấy ở tầng văn hóa dưới, cho thấy người Gò Duối đã bước vào giai đoạn sắt sớm.
Ở giai đoạn muộn, qua những hiện vật tùy táng nằm trong các ngôi mộ xuất lộ, cho thấy cư dân Gò Duối đã bắt đầu có sự phân hóa giàu nghèo khá rõ nét. Ngôi mộ thứ nhất, với 17 chiếc vòng đồng tùy táng cùng vết tích của 1 vòng thủy tinh cho phép nhận định đây là mộ của một người giàu có hoặc có vị trí khá cao trong xã hội. Ngôi mộ thứ hai có số lượng đồ tùy táng ít hơn gồm 3 mảnh vòng đồng và 1 vòng thủy tinh và ngôi mộ thứ ba chỉ đơn thuần có vết tích của một vòng thủy tinh, điều đó phản ánh vị trí của chủ nhân ngôi mộ kém hơn chút ít so với chủ nhân ngôi mộ thứ nhất.
Việc chôn cả ba mộ theo một hướng cố định, ở cùng một khu vực và việc chỉ tìm thấy những mảnh vòng ở mộ thứ ba cho thấy người Gò Duối xưa đã có quan niệm khá rõ về thế giới của người sống và người chết, tục chia của có lẽ cũng đã xuất hiện ở đây.
Di vật hiện biết ở Gò Duối chủ yếu là đồ gốm và đồ đất nung. Trong đó đồ gốm có số lượng ít và áểu tkuộc nhóm dô gia dụng, chủ yêu chỉ phục vụ trong nội bộ cộng đồng. Đồ đất nung tuyệt đại đa số là chạc gốm. về công năng của chạc gốm còn là vấn đề đang tranh luận. Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là công cụ phục vụ việc làm muối; ý kiến khác lại cho rằng đây là một loại công cụ phục vụ nghề làm gốm, tham gia vào quá trình nung gốm với chức năng như những giá đỡ đồ gốm trong khi nung (Vưong Thu Hồng 2008: 82-87). Chúng tôi nghiêng về ý kiến thứ hai, đây là những giá đỡ đồ gốm trong khi nung bằng phương pháp nung đốt gốm lộ thiên.
3. Di tích Gò Duối trong tiền sử Long An
Trong những năm qua, các nhà khảo cổ học đã triển khai nhiều đợt nghiên cứu tại các di tích Tiền Óc Eo ở Long An như Lộc Giang, Gò Cao Su, Rạch Rừng, cổ Sơn Tự, Gò Ô Chùa, Gò Gạch… nhằm tìm hiểu tính chất văn hóa và sự phát triển nội sinh cũng như mối liên hệ cùa các giai đoạn văn hóa ở các địa bàn khác nhau ở Long An và khu vực. Tại các di tích này, khảo cổ học ghi nhận ở nhiều địa điếm có hai giai đoạn văn hóa phát triển liên tục và đã thu thập được một số di tích, di vật ghi nhận sự phát triển nối tiếp từ văn hóa Tiền Óc Eo đến văn hóa Óc Eo (Vương Thu Hồng 2007: 45-46).
Tiếp nối những nghiên cứu trên, những kết quả thu được qua các đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu ở địa điểm Gò Duối, ghi nhận rằng địa điểm này là một trong những di chỉ khảo cổ học quan trọng trong việc nghiên cứu giai đoạn tiền – sơ sử ở Long An.
Nghiên cứu về hệ thống di tích khảo cổ ở vùng Đồng Tháp Mười, đặc biệt là ở Long An, nhiều nhà nghiên cứu nhận định giai đoạn Tiền Óc Eo ở Long An được giới hạn trong giai đoạn hậu kỳ Kim khí – sơ kỳ sắt, khoảng 2.500 – 2.000 năm BP. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ thời tiền sử muộn sang sơ sử ở khu vực này (Nguyễn Thị Hậu 2005: 820-820). Nhóm di vật giai đoạn Tiền Óc Eo ở Long An gồm những đồ đựng bằng gom thô, có xương dày, thô, lõi màu xám đen, đồ gốm có chân đế cao, đặc biệt là các loại bát bồng; đồ gốm mịn màu đen tuyền hoặc xương đen tuyền, áo trắng xám; những vòng chân, vòng tay, khuyên tai bằng thủy tinh… Đây là những đặc trưng chung vè di vật đã phát lộ qua các cuộc khai quật ở các địa điểm Gò Ô Chùa và Lò Gạch.
Di tích Lò Gạch đã được Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Long An khai quật năm 2005 (Bùi Văn Liêm 2008: 26-44). Địa điểm Gò Ô Chùa được Bảo tàng Long An phối hợp với các cơ quan Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và các chuyên gia khảo cổ học Cộng hòa Liên bang Đức khai quật nghiên cứu nhiều làn vào các năm 1997, 2003, 2005 và 2006 (Bùi Phát Diệm và nnk 2003; Vương Thu Hồng 2008). Cả hai di tích này đều có hai giai đoạn văn hóa nối tiếp: giai đoạn đầu là lớp cư trú sớm ở tầng dưới có niên đại tương đương với giai đoạn Tiền Óc Eo; và giai đoạn cư trú – mộ táng liền ở tầng trên thuộc văn hóa Óc Eo. Giữa hai giai đoạn văn hóa phát triển liên tục, không có lớp vô sinh ngăn cách. Đặc điểm di tích, di vật của hai giai đoạn văn hóa như trên tương tự với di tích Gò Duối. Trong đó, di tích Gò Ô Chùa ngoài hai giai đoạn văn hóa, cũng thấy hiện tượng mộ chôn thành khu, chôn từ lớp trên xuống lớp dưới. Đồ tùy táng trong mộ Gò Ô Chùa cũng có nhiều điểm giống với mộ táng ở Gò Duối.
Theo nhận định của chúng tôi, địa điểm Gò Duối có niên đại tương đồng với Gò Ô Chùa và Lò Gạch có niên đại bắt đầu khoảng 2500 năm BP và niên đại kết thúc ở khoảng cận kề trước sau Công nguyên.
Nghiên cứu so sánh những hiện vật thu được ở Gò Duối cũng có thể nhận thấy một số đặc điểm như sau:
Nhóm đồ gốm xương nâu đỏ có nhiều đặc điểm gần gũi với nhóm di tích thời đại Đồ đồng ở Long An, đặc biệt là rất gần gũi với nhóm đồ gốm cùng loại ở Gò Đình (Vĩnh Hưng) – một di tích cư trú phân bố cách Gò Đình khoảng 5km về phía tây nam, có niên đại khoảng 2.500 năm BP. Có thể nói rằng sự xuất hiện của nhóm đồ gốm này, cùng những đồ đá như rìu, hòn ghè cho thấy truyền thống vẫn được tiếp nối ở giai đoạn sau.
Nhóm đồ gốm xương đen bề mặt được trang trí tô ánh chì, kỹ thuật tô chì sống, đặc biệt sự xuất hiện của những chiếc đĩa chân cao, nồi hình cầu miệng loe ngang… tiêu biểu cho đồ gốm Tiền Óc Eo ở Long An, đã thấy rất nhiều ở các di tích Gò Ô Chùa, cổ Sơn Tự, Lò Gạch… phân bố quanh khu vực Vĩnh Hưng.
Một số viên gạch non, có hình dáng và kỹ thuật chế tạo tương tự những viên gạch xây các công trình kiến trúc trong văn hóa Óc Eo sau này, ghi nhận về mặt niên đại, di tích đã bước vào hoặc nằm cận kề văn hóa Óc Eo.
Tóm lại, có thể thấy rằng, cùng với nhiều di chỉ đã nghiên cứu, khai quật Gò Duối đã góp thêm tư liệu góp phần nghiên cứu làm rõ giai đoạn tiền sơ sử ở Long An nói riêng và Nam Bộ nói chung. Đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa đặc thù, cũng là nơi giao lưu văn hoá, là cầu nối giữa miền Đông và miền Tây Nam Bộ Việt Nam.
TÀI LIỆU DẪN
BÙI PHÁT DIỆM 2003. Di tích văn hóa Óc Eo ở Long An. Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện KHXH tại TP Hồ Chí Minh.
BÙI PHÁT DIỆM, ANDREAS REINECKE, NGUYỄN XUÂN MẠNH, VĂN NGỌC BÍCH 2004. Báo cáo khai quật Gò Ô Chùa năm 2003. Tư liệu Đại học KHXH&NV Hà Nội và Bảo tàng Long An.
BÙI PHÁT DIỆM, ĐÀO LINH CÔN, VƯƠNG THU HỒNG 2001. Khảo cổ học Long An những thế kỷ đầu Công nguyên. Sở VHTT Long An.
BÙI VĂN LIÊM 2008. Di chỉ Lò Gạch (Long An). Trong Khảo cổ học, số 2: 26-44.
BÙI VĂN LIÊM, NGUYÊN NGỌC QUÝ, VĂN NGỌC BÍCH 2008. Báo cáo khai quật di chỉ Gò Đình (Long An) năm 2008. Tư liệu Viện KCH, Hà Nội.
BÙI VĂN LIÊM, TRỊNH SINH, PHAN THANH TOÀN, BÙI PHÁT DIỆM, VUƠNG THU HỒNG, VĂN NGỌC BÍCH 2006. Báo cáo khai quật địa điếm Lò Gạch, ấp Ba, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Tư liệu Viện KCH, Hà Nội.
LÊ XUÂN DIỆM, ĐÀO LINH CÔN, VÕ SĨ KHẢI 1995. Văn hóa óc Eo những khám phá mới. Nxb. KHXH, Hà Nội.
NGUYỄN NGỌC QUÝ, TRƯƠNG HỮU NGHĨA, VĂN NGỌC 2013. Báo cáo khai quật di chỉ Gò Duối, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tình Long An, tháng 10 – 11/2013. Tư liệu Viện KCH, Hà Nội.
NGUYỄN THỊ HẬU 2005. Gốm trong các di tích khảo cổ học giai đoạn Tiền óc Eo ở Nam Bộ. Trong NPHMVKCH năm 2004: 820.
VƯƠNG THU HỒNG 2007. Di tích văn hóa “tiền Óc Eo” ở Long An với mối quan hệ xa gần trên vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Trong Khảo cổ học, số 4: 44-57.
VƯƠNG THU HỒNG 2008. Di tích Gò Ô Chùa (Vĩnh Hưng – Long An). Luận văn Thạc sĩ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp Hồ Chí Minh.
Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.
Nguồn: Khảo cố học, số 2 – 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Di tích Gò Duối trong bối cảnh tiền sử Long An (Tác giả: Nguyễn Ngọc Quý, Bùi Văn Liêm) |