Di tích khảo cổ học tiền sử trên cao nguyên đá Đồng Văn
Tác giả bài viết: TRÌNH NĂNG CHUNG
(Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TÓM TẮT
Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) là một trong những vùng đá vôi đặc biệt; chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Trong vài thập kỷ gần đây, đã có nhiều di tích khảo cổ học quan trọng được phát hiện, góp phần minh chứng cao nguyên đá Đồng Văn là vùng đất có trầm tích lịch sử nhân văn từ rất lâu đời. Tại đây còn ghi lại nhiều dấu tích quan trọng về sự sinh tồn của con người từ thời nguyên thủy. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy, chủ nhân cổ vùng đất này có sự phát triển văn hóa liên tục từ thời đại Đá cũ đến thời đại Kim khí, có mối quan hệ rộng mở với khu vực xung quanh, có sự tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài để làm giầu thêm bản sắc văn hóa Hà Giang nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung.
Từ khóa: Di tích khảo cổ học tiền sử, cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Phân loại ngành: Khảo cổ học.
ABSTRACT
Dong Van stone plateau (Ha Giang province) is one of the special limestone areas, which contains typical imprints of the development history of the earth’s crust, natural phenomena, and the aesthetically unique landscape of high biodiversity and age-old cultural traditions of indigenous communities. In recent decades, many important archaeological relics have been discovered, making contribution to demonstrating that the stone plateau is a land of ancient human history. There are also many important traces of human existence from the primitive times. The archaeological evidence shows that the ancient owners of this land had the continuous cultural development from the Palaeolithic to the Metal Age, and a wide open relationship with the surrounding area, absorbing the external cultural quintessence to enrich the cultural identity of Ha Giang in particular and that of Vietnam in general.
Keywords: Prehistoric archaeological relics, Dong Van stone plateau, Ha Giang.
x
x x
1. Mở đầu
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở vùng cực bắc nước ta với độ cao trung bình 1.0001.600m so với mực nước biển, có diện tích rộng 2.356km2; trải dài trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.
Trước năm 1995, cao nguyên đá Đồng Văn hoàn toàn vắng bóng trên bản đồ khảo cổ học tiền sử Việt Nam. Trong vài thập kỷ gần đây, với nỗ lực tìm kiếm của các nhà khảo cổ học Việt Nam, nhiều di tích khảo cổ học quan trọng được phát hiện, góp phần minh chứng, ngay từ thời đại đồ Đá đã có cư dân tiền sử sinh sống. Đây cũng là một phần tiêu chí quan trọng để Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) bình xét và công nhận cao nguyên Đồng Văn trở thành “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” vào tháng 10 năm 2010. Đây hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á đạt danh hiệu này.
Cao nguyên Đồng Văn là một vùng núi đá có tuổi khác nhau từ kỷ Devon cho đến Permi, được bao quanh bởi các núi đất. Các nhà khoa học đã tìm thấy ở đây những hóa thạch cổ sinh của các loài sinh vật như tay cuộn, bọ ba thùy và nhiều loại hóa thạch cổ sinh khác có niên đại cách ngày nay khoảng 541-400 triệu năm. Đây là một vùng có dạng địa hình karst điển hình, núi vách thẳng đứng, nhiểu chỏm núi nhọn hoắt, khiến địa hình bị chia cắt mạnh. Ở một số bề mặt san bằng được nâng lên tạo thành những cánh đồng karst và đồng bằng ngoại vi karst, làm cho vùng này có dạng một cao nguyên [12].
Điều đáng chú ý là, những quần thể núi non Hà Giang đều có hướng đông bắc – tây nam, tạo ra đường phân thuỷ chính của toàn tỉnh Hà Giang. Những con sông ở vùng này (như sông Gâm, sông Miện, sông Nho Quế) trong khu vực cao nguyên đá Động Văn cũng có hướng chảy không nằm ngoài quy luật chung đó. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt mạnh. Nhìn chung, nguồn nước chảy trên bề mặt chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng diện tích vùng và phân bố không đều. Nguồn nước khan hiếm ở các thung lũng trên cao, nhưng khá dồi dào nước ở vùng hẻm sông Nho Quế. Nhà địa chất người Pháp R.Bourret cho rằng đây là những điều kiện cực kỳ khắc nghiệt cho con người sinh tồn trên vùng đất cao nguyên này [15]. Đây cũng là lý do chính khiến các học giả Pháp lãng quên cao nguyên Đồng Văn trong hoạt động khảo cổ học thời kỳ Pháp thuộc. Việc phát hiện những di tích khảo cổ học trên cao nguyên Động Văn hoàn toàn thuộc về công lao của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Bài viết này phân tích những di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ, Đá mới và thời đại Kim khí trên cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang.
2. Di tích thời đại Đá cũ
2.1. Di chỉ Cán Tỷ, huyện Quản Bạ
Đầu năm 2000, trong đợt khảo sát khảo cổ học dọc đôi bờ sông Miện, các nhà khảo cổ ở Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Giang đã phát hiện được một địa điểm khảo cổ của người nguyên thuỷ phân bố trên địa phận thôn Sính Suối Hồ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ [4, tr.92-95].
Địa điểm khảo cổ phân bố dưới chân dải núi cao, cách sông Miện từ 50 đến 70m, vốn là thềm bậc II, có độ cao từ 15 đến 20m so với mặt sông Miện. Địa điểm có vị trí địa lý là 23006’50,1’’vĩ độ Bắc, 1050 02’11,9’’ kinh độ Đông.
Địa hình khu vực này là vùng núi đất, xen kẽ núi đá vôi cao áp sát bờ sông Miện. Lòng sông ở đây dốc, hẹp. Dòng nước chảy quanh co uốn khúc giữa một thung lũng rộng còn chứa đầy dấu tích rừng nguyên sinh. Hiện nay trên bề mặt bậc thềm này, đồng bào tiến hành khai phá trồng màu. Quá trình canh tác đã làm xới bật lên một số di vật đá. Đặc biệt là, trên dải ta luy dài gần 500m, chạy ven đường 4C (đường Quản Bạ-Đồng Văn), đã xuất lộ một mặt cắt địa tầng, trong đó chứa các di vật khảo cổ (chủ yếu là công cụ đá ghè đẽo nằm xen kẽ trong các vỉa cuội kết, dưới tầng đất phù sa khá dày từ 1,5m-2m). Phần lớn các di vật đá cuội ghè Cán Tỷ được phát hiện đều nằm trên thềm bậc II của sông Miện. Các nhà địa chất xếp thềm bậc II các con sông cổ ở miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn muộn của thế Cánh Tân (Late Pleistocene).
Khảo sát sơ bộ đã phát hiện 85 di vật đá của người nguyên thuỷ, trong đó có 27 tiêu bản thu lượm trên bề mặt và 58 hiện vật nằm trong địa tầng bậc thềm. Không có sự khác nhau về kỹ thuật chế tác và loại hình công cụ giữa sưu tập trên bề mặt và trong địa tầng. Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy di tích Cán Tỷ có tuổi thuộc thế Cánh Tân muộn. Đây là địa điểm khảo cổ học thời đại Đá cũ ngoài trời lần đầu tiên tìm thấy ở Quản Bạ.
Để tìm hiểu sâu về địa điểm này, năm 2013, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật lớn với diện tích 100m2, phát hiện được 370 hiện vật khảo cổ trong hố đào [7, tr.3-10].
Ngoài công cụ đá, không có di vật khác kèm theo. Hầu hết công cụ đều được chế tác từ đá cuội sông, có nguồn gốc tại địa phương. Kỹ thuật gia công ghè đẽo còn đơn giản, hình dáng cổ sơ. Phần lớn mặt ngoài di vật bị phủ lớp phong hoá màu vàng sẫm, tuy vậy các vết ghè đẽo vẫn biểu hiện rất rõ. Chưa xuất hiện kỹ thuật mài. Những di vật này mang đặc trưng của đồ đá cũ, tương tự như những di vật đá tìm thấy tại địa điểm Đồi Thông (thành phố Hà Giang), hoặc ở hang Bó Khiếu (huyện Bắc Mê).
Dựa vào kỹ thuật ghè đẽo và kiểu dáng công cụ, các nhà nghiên cứu cho rằng, hầu hết các công cụ này rất gần gũi với công cụ văn hoá Sơn Vi, đặc biệt là những công cụ điển hình của văn hoá Sơn Vi, như loại rìa dọc rất phổ biến vùng đồi gò Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Giang. Qua nghiên cứu so sánh địa tầng, loại hình và kỹ thuật chế tác đá, các nhà khảo cổ xếp những di tích Cán Tỷ có nội dung văn hóa thuộc giai đoạn sớm của văn hoá Sơn Vi, có tuổi vào khoảng hơn 20.000 năm cách nay [4, tr.8].
2.2. Di chỉ Lùng Tám, huyện Quản Bạ
Trong đợt khảo sát vào năm 2014, các nhà khảo cổ đã phát hiện mới 01 di chỉ thềm sông tại thôn Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ. Di chỉ phân bố trên bậc thềm cổ sông Miện, có tọa độ địa lý là 23004’15’’ vĩ độ Bắc, 1050 1’59’’ kinh độ Đông, cách di chỉ Cán Tỷ khoảng 10km về phía nam.
Kết quả khảo sát cho thấy, các di vật nằm khá tập trung trong vỉa thềm bậc II sông Miện trong phạm vi dài 1km. Tổng số phát hiện được 51 di vật đá, bao gồm các loại hình thuộc nhóm công cụ hạch cuội như công cụ rìa ngang, rìa dọc, mũi nhọn, công cụ hình móng ngựa, phần tư cuội, rìa lưỡi hai đầu và công cụ không định hình. Ngoài ra còn có công cụ cuội bổ, ghè xung quanh có hình dáng gần chữ nhật, cuội có vết ghè và mảnh tách. Trong đó, công cụ rìa ngang có tỷ số áp đảo (51%), tiếp đến là công cụ rìa dọc (11,7%). Hầu hết công cụ đều được chế tác từ đá cuội sông, có nguồn gốc tại địa phương. Kỹ thuật gia công ghè đẽo còn đơn giản. Chưa xuất hiện kỹ thuật mài.
Qua nghiên cứu so sánh địa tầng, loại hình và kỹ thuật chế tác đá, các nhà khảo cổ xếp di chỉ Lùng Tám có tuổi tương đương với di tích Cán Tỷ, thuộc giai đoạn sớm của văn hoá Sơn Vi [8, tr.53-55].
2.3. Di chỉ Mậu Duệ, huyện Yên Minh
Di chỉ nằm trên sườn dãy đồi lớn thuộc trung tâm xã Mậu Duệ. Di chỉ có tọa độ 23003’58,4’’vĩ độ Bắc, 105014’12,4’’ kinh độ Đông. Xung quanh di chỉ là một thung lũng rộng có con suối Mậu Duệ khá lớn chảy qua, rồi đổ vào sông Nhiệm ở xã Mậu Long kề cạnh [6].
Di vật đá tập trung nhiều ở khu vực sườn dốc đồi, nằm lẫn với những vỉa cuội, có khả năng chúng được di chuyển từ vị trí trên cao của quả đồi dồn xuống, tích tụ thành tầng. Trên bề mặt quả đồi hiện không phát hiện được di vật khảo cổ. Tổng số có 40 hiện vật, tất cả đều bị phong hóa nặng, vỏ ngoài công cụ có màu hồng sẫm của đất đồi. Bộ sưu tập gồm các loại hình công cụ rìa ngang, mũi nhọn, phần tư cuội, rìa lưỡi hai đầu cuội, công cụ mảnh, công cụ được làm từ cuội bổ không định hình. Trong đó nổi bật là công cụ rìa ngang với 21 chiếc (chiếm tỷ lệ 52,5%), tiếp đến là công cụ mũi nhọn với 9 chiếc (có tỷ lệ 22,5%). Các loại hình khác chỉ có số lượng vài chiếc, chiếm tỷ lệ nhỏ. Bộ sưu tập công cụ cuội ghè đẽo Mậu Duệ mang đặc trưng của kỹ nghệ Sơn Vi.
Căn cứ vào tài liệu địa tầng, vào loại hình và kỹ thuật chế tác, chúng tôi xác định Mậu Duệ là di chỉ cư trú ngoài trời của cư dân hậu kỳ Đá cũ trên cao nguyên đá Đồng Văn. Từ di chỉ Mậu Duệ, chúng tôi mở rộng diện khảo sát sang khu vực lân cận (thuộc huyện Yên Minh), phát hiện thêm 8 địa điểm khảo cổ học ngoài trời khác. Đó là các di tích Nà Đon, Nà Sài, Nà Bưa, Cốc Cai (xã Mậu Duệ), Cốc Pàng (xã Du Già), Khấu Nhụ (xã Đồng Minh), Phú Tỷ (xã Na Khê), Bản Bục (thị trấn Yên Minh). Những di tích nói trên có địa hình và tình trạng phân bố các di vật tương tự như di chỉ Mậu Duệ. Tại những địa điểm trên, do số lượng di vật đồ đá cuội ghè đẽo tìm thấy ở các địa điểm này ít, lẻ tẻ, nên chúng tôi chỉ ghi nhận chúng trên bản đồ khảo cổ học, chưa xác định tuổi của những di tích này [9, tr.56-59].
Ngoài những di chỉ ngoài trời nói trên, tại hang Thẩm Ly Quyến (làng Khác A, xã Du Già), chúng tôi cũng phát hiện được 01 công cụ ghè đẽo, 01 mảnh tước cùng nhiều vỏ ốc suối bị chặt đuôi. Địa điểm này cần được đào thám sát trong thời gian tới.
2.4. Di chỉ hang Phó Bảng, huyện Đồng Văn
Hang Phó Bảng nằm trong dãy núi đá vôi phía tây thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn. Dãy núi nằm trên một bậc thềm phù sa cổ, gồm những đồi nhỏ, chạy thoai thoải, lượn sóng, cao hơn mặt suối hiện nay từ 100 đến 150m. Hang có tọa độ địa lý là: 23014’50’’ vĩ độ Bắc, 105011’32,6’’ kinh độ Đông.
Tháng 10 năm 1995, trong đợt công tác tại Đồng Văn, các nhà khảo cổ ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tiến hành khảo sát hang này. Kết quả nghiên cứu cho biết đã phát hiện được nhiều công cụ đá cuội ghè đẽo. Những công cụ này có kích thước lớn, được tạo bởi kỹ thuật ghè rất đơn sơ. Do tính định hình của công cụ không cao, các nhà khảo cổ chưa phân định được loại hình cụ thể cho bộ sưu tập. Theo những người khảo sát, Phó Bảng là một địa điểm khảo cổ chứa nhiều tư liệu về sự tồn tại của thời đại Đá cũ trên đất Hà Giang [10, tr.95-96].
Năm 2012, Viện Khảo cổ học tiến hành phúc tra lại di chỉ này. Ở khu vực cửa hang phát hiện 01 công cụ mũi nhọn thô. Đây là công cụ có kích thước lớn, được chế tác từ hòn đá cuội thuôn dài. Để tạo được mũi nhọn, người tiền sử đã ghè hai rìa dọc của viên cuội, thu nhỏ dần một đầu cuội tạo thành một mũi nhọn. Công cụ thích hợp cho việc đào bới. Tại góc hang phía bắc tìm thấy nhiều mảnh tước đá cuội cùng 3 viên cuội nguyên liệu. Điều này cho thấy quá trình chế tác công cụ đá có thể được thực hiện ngay trong hang.
Kết quả đợt phúc tra này góp phần khẳng định hang Phó Bảng là di chỉ thuộc thời đại Đá cũ trên địa phận huyện Đồng Văn [5].
3. Di tích thời đại Đá mới
3.1. Di tích sơ kỳ Đá mới hang Nà Luông, huyện Yên Minh
Hang nằm trên một sườn núi đá vôi cao thuộc thôn Nà Luông, xã Mậu Long, huyện Yên Minh, có tọa độ địa lý 2305’48,8’’ vĩ Bắc, 105016’26,4’’ kinh Đông. Cửa hang quay hướng Đông hơi chếch về Nam, hang cao hơn chân núi chừng 35m. Ngay sát dưới chân núi là một dòng suối có lẽ từ bên thung lũng Mậu Duệ chảy ngầm sang, đến khu vực này suối chảy lộ thiên trên bề mặt rồi nhanh chóng hòa với con sông Miện.
Năm 2014, Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát hang này [9, tr.56-59]. Hiện tại, trên bề mặt hang có nhiều hố đào sâu, kết quả của những đợt đào phân dơi để bón ruộng của đồng bào địa phương. Điều này khiến cho kết cấu trầm tích nền hang xưa không còn nguyên vẹn. Trong quá trình khảo sát, đoàn đã phát hiện được 24 di vật đá cùng một số vỏ nhuyễn thể ốc suối bị chặt đuôi. Phân loại bộ sưu tập cho thấy có 3 nhóm di vật: nhóm công cụ hạch cuội bao gồm công cụ rìa ngang, móng ngựa, rìa lưỡi ở hai đầu và không định hình; nhóm công cụ mảnh gồm rìu ngắn, công cụ hình bầu dục, công cụ gần hình chữ nhật, công cụ gần hình thang và công cụ cuội bổ; và nhóm di vật khác bao gồm mảnh cuội bổ, mảnh tước và cuội có vết ghè.
Nổi bật trong các di vật phát hiện được là nhóm công cụ mảnh cuội bổ, có hình thái gần với những công cụ Sumatralith trong văn hóa Hòa Bình. Tất cả đều được chế tác từ mảnh cuội bổ với các vết ghè tu chỉnh nhỏ, ghè gần hết xung quanh. Riêng loại hình rìu ngắn thì phần đốc rìu không có dấu vết chặt bẻ, có thể bị vỡ đôi trong quá trình chế tác và sử dụng.
Căn cứ vào hình thái và kỹ thuật, có thể dự đoán di chỉ có niên đại văn hóa Hòa Bình muộn [8, tr.56]. Vào giai đoạn này, xu hướng sử dụng công cụ mảnh và cuội bổ đã tăng lên, bên cạnh việc duy trì một số lượng nhất định công cụ hạch cuội. Đây là di chỉ có niên đại cuối sơ kỳ Đá mới thuộc hệ thống văn hóa Hòa Bình ở vùng núi cực bắc của nước ta.
3.2. Di tích hậu kỳ Đá mới
– Di chỉ Nà Vang, huyện Yên Minh: tại khu đồi Nà Vang, gần trung tâm thị trấn Yên Minh, người dân địa phương trong quá trình san đồi làm nhà đã phát hiện được một bộ sưu tập công cụ đá gồm 5 công cụ đá hình tứ giác, được mài toàn thân. Chúng được chôn cụm vào nhau; phần lưỡi cắm xuống dưới; có dấu vết của một ít than tro kèm theo; ngoài ra không có di vật nào khác.
Năm 2012, trong đợt khảo sát cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi đã tiến hành đào khảo sát địa điểm Nà Vang. Theo sự chỉ dẫn của người dân, một hố đào 2m2 được mở sát chân đồi, đúng vị trí của bộ sưu tập đá nói trên. Kết quả khảo sát cho thấy có một lớp tro than mỏng, phân bố ở độ sâu 0,40m của hố thám sát. Có thể đây là dấu tích của bếp lửa. Mặc dù chưa tìm thấy di vật khảo cổ khác, nhưng sự có mặt của bộ sưu tập đá nói trên cho thấy, khu vực đồi Na Vang là một di chỉ cư trú của người tiền sử. Để tìm hiểu sâu hơn về di chỉ này, cần phải tiến hành khai quật trên một quy mô lớn.
Nghiên cứu bộ sưu tập hiện vật đá ở Nà Vang hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Giang, chúng tôi cho rằng phần lớn được chế tác từ loại đá có kết cấu hạt mịn mầu trắng xám, độ cứng cao, sẵn có ở địa phương. Các di vật đều được phủ một lớp patin màu vàng sẫm, đó là do bị chôn vùi vào lớp đất đồi. Tuy được mài toàn thân, nhưng vẫn nhận thấy dấu vết ghè đẽo thô còn sót lại trên thân công cụ. Những dấu vết để lại cho thấy, chúng đã được buộc cán và đã qua sử dụng, bởi hầu hết phần rìa lưỡi có vết sứt mẻ. Dựa vào kích thước, hình dáng, đặc biệt dựa vào mặt cắt của rìa lưỡi so với trục dọc di vật, chúng tôi phân bộ sưu tập thành 2 loại: cuốc đá (2 chiếc) và rìu đá (3 chiếc). Tên gọi hiện vật phản ánh chức năng thực tế của công cụ và có liên quan đến cách lắp cán của công cụ. Đây là những di vật thuộc thời hậu kỳ Đá mới, có niên đại cách nay từ 3.500- 4.000 năm [5].
– Những di tích lẻ ở huyện Đồng Văn: năm 2014, trong đợt khảo sát khảo cổ học ở huyện Đồng Văn, chúng tôi đã phát hiện được 5 di tích chứa công cụ đá phân bố trên các sườn đồi gò. Di tích Khai Hoang 2 (thôn Khai Hoang 2, xã Thượng Phùng) có 1 rìu mài lưỡi và 2 bàn mài; Di tích Bờ Sông (thôn Bờ Sông, xã Xín Cái): 01 rìu mài toàn thân, chày nghiền và nhiều công cụ ghè đẽo. Di tích Bản Chuối (thôn Bản Chuối, xã Xín Cái): 01 bàn mài lõm. Di tích Pả Vi Hạ (thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi): 05 công cụ ghè đẽo và 1 mảnh bàn mài lõm. Di tích Ngặm Cạch (thôn Ngặm Cạch, xã Niêm Tòng): 01 công cụ rìa lưỡi ngan và 01 mảnh bàn mài vỡ. Đặc điểm chung của những di tích này là di vật phân bố ngay trên bề mặt các sườn đồi gò, không tìm thấy các tàn tích thức ăn như xương răng động vật, vỏ ốc kèm theo. Các di vật mang đặc trưng của hậu kỳ Đá mới [6,9, tr.56-59].
4. Di tích, di vật thời đại Kim khí
4.1. Hang Thẩm Ké, huyện Quản Bạ
Cách thị trấn Quản Bạ chừng 3km về phía đông bắc, thuộc địa phận thôn Bảo An, có một trái núi đá vôi cao (gọi là Bó Buông), đứng đơn lẻ trong một thung lũng rộng. Hang Thẩm Ké (còn gọi là hang Bó Buông) phân bố trên sườn núi, có cửa quay về hướng nam, ở độ cao 25m so với chân núi. Trước hang có 2 con suối nhỏ chảy qua, lòng suối chứa đầy đá cuội.
Năm 1996, Viện Khảo cổ học tiến hành đào khảo sát hang này. Địa tầng văn hóa dầy khoảng 0,5m gồm 2 lớp: lớp trên (L2) dầy 0,2m chứa 25 mảnh sành sứ của thời kỳ LêNguyễn; lớp dưới (L1) dày 0,3m nằm trực tiếp trên đá nền, chứa khá nhiều mảnh gốm thô, xương răng động vật và vỏ ốc ruộng. Tổng số có 43 mảnh gốm thô lớp L1, các mảnh gốm này có lẽ được vỡ ra từ nhiều hiện vật khác nhau, không thể phục nguyên được hình dạng của chúng. Phần lớn các mảnh gốm này được nặn bằng tay. Mặt trong của chúng không nhẵn đều, có một vài chỗ lồi lõm. Phần lớn trong số này là mảnh thân, dày từ 0,5cm-0,7cm. Về chất liệu gốm có 2 loại: gốm thô, xương gốm đỏ sẫm lẫn nhiều sạn nhỏ; gốm mịn, xương gốm mầu đen, hạt mịn.
Nhìn chung xương gốm khá rắn chắc, độ nung khá cao. Miệng gốm có hai loại: một loại cổ ngắn tựa hồ, miệng gắn liền thân gốm, một loại cổ hơi loe và có gờ. Căn cứ vào độ cong miệng gốm, có thể đoán định đồ gốm có đường kính rộng từ 20-25cm. Đa số là gốm đáy tròn, chưa có chân đế. Hoa văn chủ yếu là văn in ô vuông loại nhỏ đều đặn, thứ đến là văn thừng mịn. Hầu hết hoa văn tập trung ở phần thân, tiếp đến là đáy. Rất nhiều mảnh gốm có dấu vết ám khói, điều đó chứng tỏ đồ gốm đã được sử dụng làm đồ đun nấu.
Căn cứ vào địa hình nền hang và địa tầng văn hóa, chúng tôi cho rằng, hang Thẩm Ké là nơi dừng chân tạm thời của một vài nhóm cư dân cổ. Đây là lần đầu tiên những mảnh gốm có trang trí hoa văn in ô vuông được tìm thấy trong tầng văn hóa khảo cổ ở Hà Giang. Ở huyện Quản Bạ và Yên Minh, người Mông cũng có truyền thống làm gốm, nhưng cũng không sản xuất loại gốm văn in như vậy. Theo chúng tôi, phần lớn mảnh gốm Thẩm Ké có chịu ảnh hưởng của gốm văn in ở vùng nam Trung Quốc. Tại vùng Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc), gốm văn in xuất hiện từ thời hậu kỳ đá mới, cách khoảng 5.000 năm trước và phát triển mạnh ở thời kim khí-sơ kỳ sắt. Loại gốm văn in ở Thẩm Ké cũng khá phổ biến ở những khu mộ Hán tìm thấy vùng đông bắc nước ta. Sự xuất hiện những mảnh gốm văn in cùng những mảnh gốm thô văn thừng cho thấy có sự tiếp xúc với văn hóa từ phương bắc xuống. Đây cũng là căn cứ quan trọng giúp chúng tôi xác định di chỉ Thẩm Ké là một di chỉ cư trú của cư dân thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt, có niên đại khoảng trước sau Công nguyên một vài thế kỷ [1, tr.82-84], [2, tr.597-598].
4.2. Những trống đồng cổ trên cao nguyên Đồng Văn
Hà Giang là tỉnh phát hiện được nhiều trống đồng. Tính đến nay, trên đất Hà Giang có 25 trống đồng. Qua nghiên cứu phân loại trống đã phát hiện ở Hà Giang, nhiều nhà nghiên cứu về trống đồng cổ đã chia ra làm một số nhóm theo cách phân loại của F.Heger gồm trống nhóm Heger I, trống Heger II, trống nhóm Heger IV và trống nhóm trung gian Heger I-IV.
Riêng khu vực cao nguyên đá Đồng Văn đã có 21 trống, trong đó huyện Đồng Văn có 6 trống gồm các trống Phố Là (loại IV), Lũng Cú 1 (loại I), Lũng Cú 2 (loại I-IV), Lũng Cú 3 (loại I-IV), Lũng Cẩm (loại I) và Sùng Chái (IV). Huyện Mèo Vạc có 11 trống gồm các trống Nậm Ban (loại IV), Hà Giang 1 (loại I), Mèo Vạc 1 (loại I), Mèo Vạc 2 (loại II), Mèo Vạc 3 (loại I-IV), Mèo Vạc 4 (loại I-IV), Mèo Vạc 5 (loại IV), Mèo Vạc 6 (loại I-IV), Xín Cái 1 (loại I), Xín Cái 2 (loại I-IV), Niêm Sơn (loại I). Huyện Yên Minh có 3 trống gồm các trống Đồng Văn 1 (loại I-IV), Đồng Văn 2 (loại I-IV), Đồng Văn 3 (loại I-IV), Huyện Quản Bạ có 1 trống: trống Quyết Tiến [13, 14, tr.191].
Trống đồng tìm được ở Hà Giang tuy thuộc về những loại hình khác nhau, nhưng có chung những đặc điểm dễ nhận ra, đó là: rất nhiều trống có cùng một kiểu ngôi sao với tâm là một khối tròn nổi, nhiều trống có những lỗ khoan chỉnh âm, nhiều trống có mầu gỉ đen. Niên đại sớm của loại trống đồng ở Hà Giang có thể có niên đại thế kỷ III-IV trước CN (trống Niêm Sơn), niên đại của các loại trống loại II (trống Mèo Vạc 2), loại IV, loại I-IV (các trống còn lại) được xếp vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ II.
Qua nghiên cứu mật độ phân bố trống đồng ở Hà Giang cho thấy, các loại trống hầu như cùng tồn tại tập trung trên địa bàn cao nguyên đá Đồng Văn, thậm chí trong phạm vi một xã. Hiện tượng trống tập trung trong xã Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc là hiếm gặp ở nước ta. Hiện tượng này cho thấy cư dân ở đây đã gắn bó với trống đồng từ rất lâu đời. Một nền văn hóa trống đồng đã tồn tại lâu dài trong lịch sử các cộng đồng người ở cao nguyên Đồng Văn, trong đó nổi bật là dân tộc Lô Lô.
Cho đến nay, các dân tộc ở đây vẫn còn tiếp tục truyền thống này, đây là nét đẹp của dân tộc cần được bảo lưu và phát triển [11, tr.25-45].
5. Kết luận
Thứ nhất, cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, là nơi chứa đựng phong phú các loại hình di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Những phát hiện và nghiên cứu khảo cổ học trong những thập kỷ qua ở đây cho thấy, ngay từ thời Đá cũ, từ hơn 20.000 năm cách nay, con người đã có mặt trên cao nguyên Đồng Văn. Đến nay đã có 4 địa điểm thuộc thời đại Đá cũ hậu kỳ, phân bố trên 3 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh.
Từ đặc điểm phân bố các di tích khảo cổ học nói trên, có thể đưa ra giả thuyết về tuyến di chuyển của cư dân Đá cũ Hà Giang như sau: cư dân Đá cũ xuôi theo sông Miện rồi xuống sông Lô, từ đó hình thành nên di chỉ Đồi Thông (thành phố Hà Giang), rồi tiếp tục di chuyển xuôi theo nguồn sông Lô, từ đó tạo nên các di chỉ văn hóa Sơn Vi ở khu vực trung du Tuyên Quang và Phú Thọ. Nói cách khác, đây là một trong những hợp nguồn tạo nên văn hóa hậu kỳ Đá cũ vùng trung du Phú Thọ.
Thứ hai, cư dân di tích Đá mới Hòa Bình ở hang Nà Luông, huyện Yên Minh có mối quan hệ chặt chẽ với các cư dân cùng thời trong khu vực vùng núi Hà Giang. Trong bối cảnh khu vực, bộ sưu tập đồ đá Nà Luông có nhiều điểm tương đồng với các di chỉ hang động Hòa Bình ở khu vực huyện Bắc Mê, Hà Giang. Đó là các di chỉ hang Đán Cúm, Nà Chảo và Khuổi Nấng (các di chỉ này đều phân bố ở lưu vực sông Gâm). Trong bộ sưu tập công cụ đá ở Đán Cúm, Nà Chảo cũng có nhiều công cụ cuội mảnh, cuội bổ để tạo ra những dạng hình công cụ Hòa Bình điển hình [3]. Sự tương đồng này có thể giải thích bằng truyền thống nhân văn do sự gần gũi về địa lý giữa các địa điểm. Có sự giao lưu trao đổi giữa các cụm cư dân Hòa Bình với nhau. Có thể coi Đán Cúm, Nà Chảo, Khuổi Nấng và Nà Luông là một loại hình địa phương của văn hóa Hòa Bình khu vực núi rừng Hà Giang.
Thứ ba, sự có mặt của loại cuốc đá trong sưu tập Nà Vang, Yên Minh chứng tỏ rằng đến giai đoạn hậu kỳ Đá mới một nền nông nghiệp dùng cuốc đã ra đời. Đây là những công cụ lao động rất thích ứng với hình thức nông nghiệp nương rẫy ở vùng đồi núi cao như cao nguyên đá Đồng Văn.
Việc tìm thấy bộ sưu tập cuốc đá và rìu đá chôn cụm vào một chỗ có thể có liên quan đến một tập tục tín ngưỡng hoặc một sự kiện nào đó trong xã hội đương thời.
Thứ tư, ở vào giai đoạn trước sau Công nguyên một vài thế kỷ, trên cao nguyên Đồng Văn xuất hiện những yếu tố văn hóa từ phía bắc tràn xuống thể hiện qua sự có mặt của các mảnh gốm văn in ở hang Thẩm Ké. Điều này phù hợp với những sự kiện lịch sử đương thời. Theo sử sách cho biết, vào thời điểm trước sau Công nguyên, khu vực phía bắc Đông Dương giáp nam Trung Quốc hiện nay là một phần cương vực cư trú của người Bách Việt xưa. Lúc đó do sự thôn tính, bành trướng của các lãnh chúa phong kiến Hán tộc, các tộc người Bách Việt đã tiến hành những cuộc thiên di lớn từ nam Trung Quốc xuống. Họ men theo các thung lũng, triền sông, tiến hành nhiều đợt, toả rộng thành hình dải quạt đến khu vực phía nam. Nhiều đợt di dân xuôi theo các dòng sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Mê Kông… đã tạo ra một diện mạo dân cư mới ở bắc Đông Dương và Đông Nam Á cổ đại. Rất có thể có một vài nhóm tộc người nào đó trong khối Bách Việt đã tiến xuống khai thác khu thung lũng Bảo An, Quản Bạ và để lại những dấu tích cư trú trong hang Thẩm Ké.
Việc nghiên cứu trống đồng Hà Giang thường gắn với các dân tộc ít người ở cao nguyên Đồng Văn cũng cần phải được đặt trong bối cảnh lịch sử đương thời, có như vậy chúng ta mới có thể làm sáng tỏ nhiều điều về văn hóa trống đồng trên cao nguyên Đồng Văn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trình Năng Chung, Hà Hữu Nga (1998), “Trở lại Hà Giang mùa điền dã năm 1996”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1997, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Trình Năng Chung, Âu Văn Hợp (1998), “Về những đồ gốm phát hiện được ở hang Thẩm Ké, huyện Quản Bạ Hà Giang”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1997, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Trình Năng Chung (1999), “Báo cáo khai quật hang Đá Cúm, Nà Chảo, Hà Giang”, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
[4] Trình Năng Chung, Âu Văn Hợp (2000), “Phát hiện di tích đá cũ ở Cán Tỷ, Hà Giang”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Trình Năng Chung (2012), “Báo cáo kết quả điều tra khảo cổ học cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang năm 2012”, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
[6] Trình Năng Chung (2014), “Cao nguyên đá Đồng Văn, mùa điền dã năm 2014”, Tư liệu Viện Khảo cổ học, Hà Nội.
[7] Nguyễn Trường Đông (2013), “Tư liệu mới về địa tầng và phương thức cư trú của người tiền sử ở Sủa Cán Tỷ, Hà Giang”, Tạp chí Khảo cổ học, số 3.
[8] Nguyễn Trường Đông, Nguyễn Quang Bách, Phạm Văn Lập (2014), “Phát hiện 5 di chỉ khảo cổ học thời đại đá ở huyện Quản Bạ và huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 2014, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[9] Nguyễn Trường Đông, Trình Năng Chung (2014), “Phát hiện nhiều di tích khảo cổ học trên cao nguyên Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 2013, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[10] Diệp Đình Hoa, Lò Giàng Páo (1997), “Phát hiện đá cũ ở địa đầu Tổ quốc”, Những phát hiện mới khảo cổ học năm 1997, Nxb Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[11] Phạm Minh Huyền (2001), “Trống đồng ở bảo tàng tỉnh Hà Giang”, Tạp chí Khảo cổ học, số 4.
[12] Đào Trọng Năng (1979), Địa hình karst ở Việt Nam, Nxb Khoa học Kỹ thuật, Hà Nội.
[13] Lò Giàng Páo (1996), “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang”, Nxb Thế giới, Hà Nội.
[14] Nguyễn Khắc Sử, Trình Năng Chung, Nguyễn Trùng Thương (2000), Hà Giang thời tiền sử, Sở Văn hóa Thông tin Hà Giang, Hà Giang.
[15] Bourret. R (1922), “Études géologiques sur le Nord-Est du Tonkin (Feuilles de Bao Lac, Cao Bang, Ha Giang, Bac Can, That Khe et Loung Tcheou)”, Bulletin du Service Géologique de L’Indochine, Vol.11, fasc.1, Hanoi.
Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 4 – 2018
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Di tích khảo cổ học tiền sử trên cao nguyên đá Đồng Văn (Tác giả: Trình Năng Chung) |