Di tích Thăng Long qua thơ chúa Trịnh

 Tác giả bài viết: TRỊNH XUÂN TIẾN
(Nhà nghiên cứu Văn hóa, Hà Nội)

     Từ thời Lý, Thăng Long đã là chốn phồn hoa đô hội, tiếp đến đời Trần, Lê sơ, Lê – Trịnh, lại được xây sửa tôn tạo thêm nhiều công trình lộng lẫy huy hoàng. Trải qua thời gian và chiến tranh đã có không ít công trình kiến trúc ở đây bị hủy hoại. Tuy nhiên qua thơ văn của các bậc tiền nhân, vẫn còn thấp thoáng hình hài nhận ra cái hồn thiêng sông núi. Trong tập thơ Ngự đề Thiên hòa doanh bách vịnh, của Khang vương Trịnh Căn có nhiều bài viết về các thắng tích xưa, không chỉ cho ta biết về các thắng cảnh, di tích mà còn thể hiện tình cảm, thái độ và hành trạng của vị chúa nhà thơ với lịch sử văn hóa nghệ thuật dân tộc.

     Khang vương Trịnh Căn lên chấp chính năm 1682, là người trọng lễ nghĩa: Lễ nhạc là gốc của giáo hóa, cốt phải tường tận hơn nữa, sáng tỏ hơn nữa. Năm Quí Hợi (1683) truyền lệnh cho các quan phải giữ đúng lễ nghi đã định. Phàm các ngày lễ, ngày rằm mồng một, các triều thần văn võ bá quan đều phải mặc phẩm phục xứng chức, làm lễ triều bái theo đúng nghi thức, không ai được cẩu thả xem thường mà vắng mặt. Tất cả mọi người khi đi qua trước mặt các cửa Điện, cửa Phủ, đàn Nam Giao, nhà Thái miếu, Văn miếu, Cung miếu đều phải xuống kiệu, xuống võng và xuống ngựa. Hễ ai vi phạm các quan Đề lãnh, Phủ doãn có trách nhiệm xét xử để răn dạy.

     Mùa xuân, ngày mồng một tháng giêng âm lịch hàng năm, chúa đều phò vua Lê đến tế đàn Nam Giao (tế trời). Theo quan niệm xưa, trời là các khí khinh thanh – nhẹ nhàng và trong sạch vận động liên tục tạo ra 4 mùa 8 tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông và Xuân phân, Hạ chí, Thu phân, Đông chí che chở cho vạn vật sinh trưởng phát triển, muôn loài được nuôi dưỡng trưởng thành, mọi việc thuận lợi nhờ yếu tố thiên thời. Tự đáy lòng chúa phát sinh tình cảm, với thái độ tôn trọng cung kính: ngửa trông đức lớn lồng lộng khôn lường; niềm cung kính tự đáy lòng phát ra, nối vần thơ Ngu Thuấn làm ra một bài thơ quốc âm (Nôm) để tỏ lòng thành kính.

     Qua lời thơ không những tác giả cho thấy đàn Nam Giao rất thanh cao, tầng tầng lớp lớp lộng lẫy huy hoàng, ánh sáng lung linh rực rỡ, có thể sánh với cõi tiên:

“Mấy lần rỡ rỡ kim anh điện,

Một áng làu làu thế giới tiên”.

     Lời thơ còn cho ta biết tế trời, chính là lễ tôn sùng cái nguồn gốc sinh sôi nảy nở của muôn loài, quanh năm bốn mùa mọi vật mong được thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống toàn vẹn:

“Phát dục bốn mùa ơn hạo đảng,

Bao hàm muôn vật đức thuần toàn”.

     Thời xưa coi tế đàn Nam Giao – tế trời – là cuộc tế lễ quan trọng nhất của nhà nước, vua phải làm chủ tế, vào ngày mồng một tết đầu năm trong tiết xuân. Với ý nghĩa nhờ trời – đại viên – ngấm ngầm giúp đỡ cho đất nước. Nên vua chúa tự đáy lòng tín cẩn và kính trọng, chân thành bái yết:

“Lễ hằng kính yết tuần nguyên chính,

Mặc hựu đều nhờ sức đại viên”.

(Vịnh đàn Nam Giao)

     Đây còn là dịp để các vị quân vương bất cứ làm việc gì đều phải cân nhắc sao cho trên thuận ý trời, dưới hợp lòng dân.

     Mùa đông tháng 10 năm Giáp Tuất [1694] Khang vương đến thăm nhà Thái học ở Quốc tử giám xem xét việc dạy và học của các giám sinh, thấy đạo thánh hiền mênh mang truyền lan như nước chảy khắp nơi, như sao và mặt trời soi sáng mọi chốn, làm cho lòng người ngay ngắn lại, người người đều đem lòng ngưỡng mộ ra sức học hành. Vì thế mà thế nước được duy trì vững vàng, công ơn có thể sánh cùng trời đất:

“Mênh mang chảy khắp đó cùng đây,

Đạo lớn mở ra chốn chốn đầy.

Hây hây cảnh vật đều sinh nở,

Bát ngát điểu ngư thỏa nhảy bay.

Kính lễ chân thành thân bái yết”.

(Vịnh Văn miếu thi-chữ Hán, bài II)

“Quy mô vững đặt nền cao đạo,

Lễ nhạc dùng ra rộng phép người.

Đức ví sơn hà nhuần chốn chốn,

Công tày nhật nguyệt sáng đời đời”.

(Vịnh Văn miếu thi, bài I)

“Quản giữ lòng người nên đạo cả,

Duy trì thế nước rạng công cao.

Sánh cùng trời đất ơn to lớn,

Chín cõi ngàn phương ngưỡng giáo phong”.

(Vịnh Văn miếu thi-chữ Hán, bài I)

     Thấy bia được dựng trang trọng, tôn nghiêm ngay ngắn trước sân nhà Thái học, bên trong chứa đựng văn chương rực rỡ, đức giáo rõ ràng, mặt ngoài trang trí đẹp đẽ, chắc chắn, vững bền, nhìn thấy ai mà chẳng chân thành ngưỡng mộ. Chúa làm thơ ca ngợi khắc lên bia đá, để lại cho đời:

“Rộng chứa văn chương hằng rỡ rỡ,

Tỏ ghi đức giáo hãy rành rành.

Vững bền sóc sóc đồng thiên địa,

Thấy đấy ai là chẳng ngưỡng thành”.

(Vịnh Văn miếu bi thi)

     Nhân dịp này chúa còn bày tỏ đường lối giáo dục: “Ta vâng nối nền vương, tôn phò hoàng đế, giữ vững dư đồ”. Dùng văn giáo để tô vẽ thái bình, chọn nhân tài mà lo nền trị đạo. Xúc động thấy ánh sáng của đạo học bừng lên, tứ thơ nảy sinh: Ngửa trông ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, mênh mang như nguồn suối chảy khắp. Lòng đạo bừng dậy, tứ thơ nảy sinh. Bèn làm ra hai bài thơ Đường luật, hai bài thơ Quốc âm, đại để là hình dung đạo đức công nghiệp của thánh nhân. Tuy chưa dễ thấy bến bờ của biển cả, song cũng đủ thấy rất mực sùng nho trọng đạo, vậy nên lưu lại trên bia đá.

     Không chỉ chú trọng đến Nho giáo, Khang vương còn thăm thú, làm thơ ca tụng chùa chiền – đạo Phật, quán xá – đạo Lão. Bút tích còn để lại trên ván gỗ ở các danh lam như chùa Đậu, Thường Tín, Hà Tây; chùa Thầy, Sài Sơn, Quốc Oai. Qua đây cho thấy ở thế kỷ XVII, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đều được tôn trọng, hòa hợp – Tam giáo đồng hành trong cuộc sống văn hóa, tâm linh của xã hội Đại Việt bấy giờ.

     Bài thơ Chân Vũ quán thi – kiêm dẫn, nay gọi là đền Quan Thánh, tác giả cho ta biết nguồn gốc từ buổi đầu lập ra Kinh đô – vua Lý Thái Tổ dời đô ra thành Đại La, (sau đổi là Thăng Long) năm 1010; để giữ vững gốc nền cho nước nhà – vua cho lập đền thờ vị thần “Huyền Thiên Trấn Vũ” bảo hộ cho đất nước yên bình.

“Danh lừng thiên cổ đã nên biều(1),

Bỡ ngỡ huy quang mọi mọi chiều”.

     Quán tọa lạc trên vùng đất phía bắc Hoàng thành, sừng sững bên Hồ Tây lúc đó sông ngòi còn bao bọc xung quanh, cảnh trí thiên nhiên nào hoa xuân tươi thắm, cây cối tốt tươi xum xuê rậm rạp, trăng dọi lung linh, mây ngũ sắc quấn quýt bao quanh, thật là động trời nơi dương thế, tưởng như nơi ở của thần tiên trên thiên giới:

“Cảnh vật này này hồ Lãng uyển(2),

Cung tường ấy ấy áng vân tiên(3)”.

     Đây không chỉ là nơi thờ cúng thần thánh có cửa thất bảo rộng lớn, thâu tóm bao điều tốt lành, tụ hội muôn thứ linh thiêng; mà còn là cảnh đẹp sầm uất chốn kinh thành, khách thập phương du lãm dập dìu trên đường đẹp như gấm trải, hoa bày:

“Là tuôn duyềnh quế màu lai láng,

Gấm trải đường hoa khách dập dìu”.

     Lời thơ tôn sùng thần linh là người có công đức to lớn, mới gây dựng được uy danh náo nức, vang động, lẫy lừng:

“Cấu được anh uy hằng đức đầy(4),

Thửa công đức cả biết bao nhiêu”.

(Thơ vịnh quán Trấn Vũ)

     Câu kết lời dẫn bài thơ: Ta từng trân trọng cảnh đẹp, kính ngưỡng ngôi cao. Tình cung kính bật ra thành lời, ngẫu nhiên làm được bài thơ Quốc âm, tạm thể tán dương đức thịnh. Nói lên tấm lòng của Khang vương đối với Thần – Phật.

     Năm Đinh Tỵ [1677] thời chúa Trịnh Tạc cho trùng tu đền và đúc tượng Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng hun đen, cao 8 thước 2 tấc (3,96m) nặng gần 4 tấn, người xưa có thơ vịnh như sau:

“Tượng mấy trăm năm nối phụng thờ,

Miếu đền sừng sững trấn bên hồ.

Ơn thần biến hóa muôn màu nhiệm,

Gọi gió theo mây khắp được nhờ”.

     Đến thăm chùa Khán Sơn, Khang vương sáng tác bài thơ Khán sơn tự thi  kiêm dẫn, lời thơ cho biết chùa Khán Sơn tọa lạc ở phía tây Hoàng thành. Lời dẫn không chỉ nói lên cảnh yên tĩnh của chùa chiền: “Gần kề chợ búa mà bụi trần không đến”, còn cho thấy sự “từ bi – hỉ xả” của Phật pháp bởi “Nơi đây không có suối rừng mà giàu thú ẩn dật”. Rồi cảnh non xanh nước biếc, hoa cỏ tốt tươi bốn mùa rạng rỡ như ngọc ngà. Nhưng điều mà ta cảm nhận được là sự lý giải về chùa của tác giả thật chí lý bởi mấy chữ sau: “Gốc nền nhân đức, muôn đời giữ cảnh thanh bình”. Vào chùa bên trong tâm hồn người ta được yên ổn, bên ngoài thanh thản với cảnh trí tự nhiên. Có lẽ chỉ có đền, chùa là nơi bên trong giữ vững gốc nền nhân đức, bên ngoài gìn lại phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ cho đời sống tinh thần, tâm linh của con người. Trong khuôn viên chùa Khán Sơn không khí trong sạch huyền diệu, cảnh trí tự nhiên xinh đẹp ý thơ nẩy sinh:

“Một khuôn nhuần được khí thanh huyền(5).

Cảnh tự nhiên này khó uyền nhiên(6)”.

     Ánh trăng trong sáng trải dài in bóng thông lên mái chùa lung linh huyền ảo:

“Tịnh xá làu làu vầng nguyệt dãi.

Phượng đình thơn thớn bóng thông in”.

     Ánh sáng mầu nhiệm của Phật pháp chiếu dọi làm tỉnh ngộ, dẫn lối chỉ đường đi quang tỉnh:

“Khăng khăng nẻo nhiệm thiền quang tỉnh,

Lồng lộng đường thông phép giáo truyền”.

     Tác giả trân trọng cảnh chùa, khuyên nhủ khách thập phương vãn cảnh chùa nên giữ lòng trong sạch, chớ làm những việc trần tục:

“Nhắn nhủ bàng nhân(7) du thưởng ấy,

Giữ lòng kính cẩn chớ trần duyên”.

     Trong thơ vịnh chùa Phật Tích tác giả cũng có câu viết về chùa rất hay: Tiếng Phật pháp đã vời được khách lạ dâng hoa. Đạo Đại thừa lại khiến cả người quê tiến quả. Nói lên sự mầu nhiệm của đạo Phật đối với dân ta thời bấy giờ. Chứng tỏ tác giả còn là người thấu hiểu và tín ngưỡng đạo Phật.

     Chùm thơ vịnh nhà cửa, lầu các, thủy tạ, hoa viên, giúp ta hiểu phần nào về kiến trúc phong cảnh Thăng Long thời này. Trong đó quần thể phủ chúa gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ, được xây dựng khá công phu, rất nghệ thuật, tọa lạc bên các hồ nước lớn, có nhiều dòng suối nhỏ, cây cối tốt tươi, hoa thơm cỏ lạ, chim kêu ríu rít. Tất cả đều đã bị đốt sạch năm 1786 không còn dấu tích. Qua tìm hiểu sử sách xưa người ta đoán định như sau: Quần thể phủ chúa là một khu hình vuông mỗi cạnh khoảng 500m, diện tích khoảng 250.000m2, trên khu đất phía Nam theo đường Nguyễn Du, phía Bắc theo đường Lý Thường Kiệt và góc hàng Bông Thợ Nhuộm. Phía Đông theo đường Quang Trung, phía Tây dọc theo đường Quán Sứ. Xung quanh có tường thấp bao bọc, có các cửa ra vào: cửa Chính môn mở ra hướng Nam, cửa Tuyên Vũ mở ra hướng Đông, cửa Diệu Công mở ra hướng Tây, còn một cửa nữa ở khoảng số nhà 78 phố Thợ Nhuộm mở ra hướng Bắc (ngoài cổng này có chùa Chân Tiên cách đây không lâu vẫn còn cây đa nhà chùa). Có sách viết: “Chúa Trịnh cho xây tiếp nhiều cung điện lớn, bao gồm 52 tòa”. Sử sách xưa còn ghi tên một số công trình kiến trúc trong phủ chúa như: Cổng phủ, điếm Hậu mã, nhà Chính đường, Nghị sự đường, nhà Thiết triều, Ngự lâu – nhà chúa ở, Đông cung, Trạch các, lầu Kính Thiên…

     Qua những vần thơ của Khang vương, người đời vẫn còn có thể nhận biết phần nào quy mô và cảnh trí thiên nhiên nơi đây. Chỉ qua mấy câu trong bài Vịnh Ngự lâu, nói lên công trình kiến trúc có quy mô rất to lớn, rộng mênh mông, tầng tầng lớp lớp thăm thẳm như mây giăng phủ:

Đùn đùn đống vũ tầng tầng thẳm,

Thơn thớn giai đình rộng rộng thênh”.

     Cảnh duyềnh nước cuồn cuộn chảy theo thủy triều lên xuống, lộ ra bãi cát, đàn chim nhạn sà xuống còn để lại dấu chân, cho biết Ngự lâu được xây bên bờ suối, các công trình kiến trúc trải ra đẹp như một bức tranh:

“Cuồn cuộn duyềnh quyên triều thảy thảy,

Chan chan bãi nhạn dấu rành rành.

Đường đường chính chính khi đồ mở.

Nức nức nhơn nhơn hiệu lệnh hành”.

(Thơ vịnh Ngự lâu)

     Cảnh trí thiên nhiên trong phủ chúa được thể hiện trong bài Vịnh viên trung kỳ lệ thi (Thơ vịnh cảnh đẹp trong vườn): Hoa trên núi đẹp như gấm, nước trong xanh phẳng lặng như tấm lụa trắng trải ra. Gió thơm lừng hây hẩy, trăng soi làu làu in bóng khắp nơi nơi, gợi lên cảnh đẹp trong vườn thật quyến rũ:

Non tạnh hoa phong phong tựa gấm,

Nước thanh sóng phẳng phẳng dường quyên.

Hương phong hẩy hẩy mùi lừng bén,

Thâu nguyệt làu làu bóng dõi in”.

(Thơ vịnh cảnh đẹp trong vườn)

     Bên ngoài phủ chúa cũng xây nhiều công trình rất nổi tiếng cả về quy mô cao lớn lẫn nghệ thuật kiến trúc như lầu Ngũ Long cao tới 300 thước ta, Hành cung Cổ Bi hiện vẫn còn tượng voi đá, hổ đá, sư tử đá… Ven hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (Hồ Hoàn Kiếm) dựng lên nào nguyệt đài, thủy tạ, phương đình… Qua thơ của chúa Trịnh Căn giúp chúng ta hình dung phần nào các di tích quanh đây:

“Thanh lạ khôn so biết mấy tầng,

Rộng thu thế giới hợp lâng lâng.

Oanh vần xuân vũ mây năm thức,

Ánh dãi trì đường nguyệt một vầng”.

(Thơ vịnh nhà Thủy Tạ)

     Hoặc:

Thanh vằng vặc mành châu nguyệt dải,

Ánh làu làu tuyền ngọc mây oanh.

Xao xao cá nhảy chiềng điềm thụy,

Rỡ rỡ ca xoang mở yến quỳnh”.

(Thơ vịnh nhà Phương tạ Dao Trì)

     Cảnh trí Thăng Long thanh cao, nào hoa thơm cỏ lạ, tô điểm cho hàng nghìn tòa nhà cao ngất tận trời xanh, chẳng khác cung Dao Trì nơi Tây thiên mẫu ở:

“Chốn này chẳng khác chốn Dao Kinh,

Tiêu sái yên vui dưỡng tính tình.

Muôn khóm cỏ hoa khoe thức tốt,

Nghìn tòa cung các sực trời xanh.

Dập dìu rạng có điềm lân phượng,

Chao chát thông chi lũ yến oanh”.

(Vịnh cảnh)

     Khang vương còn ghi lại ngày “Khai bảo”, cho ta biết đầu năm triều đình chọn ngày tốt lành, nhà vua mở tỷ thư trên Phượng Các, ban ra chính sự trước Dao Đình, trăm quan tụ hội lắng nghe mà thi hành gìn giữ phép công, cho muôn việc đều thỏa dân tình:

“Rộng mở tỷ thư trên Phượng Các,

Sơ ra quốc chính trước dao đình.

Trăm quan mây họp gìn cồng pháp,

Muôn việc giềng bền phỉ chúng tình”.

(Vịnh Khai bảo thi)

     Lễ tế cờ thường được khai vào chính Xuân, lá cờ Long mao – cờ rồng của vua chúa được trương lên trong cuộc lễ, để mọi người trông vào đó mà đua sức, chúa kính cẩn tôn kính thân làm lễ, rất tôn nghiêm, uy phong chấn động khắp xa gần, giặc giã nghe thấy phải run sợ, mọi miền xa gần đều kính phục. Âm vang khắp chốn thời đất nước yên bình:

“Hây hây vừa thuở chính xuân dung,

Dương diệu lề nay chỉn hợp dùng.

Lễ ghín sẵn bày thân kính ý,

Phép dùng nghiêm thửa chấn uy phong.

Long mao thẳng chỉ người đua sức,

Thiên lệch xa nghe giặc rét lòng.

Khắp cả Nhĩ Hà đều ám phục,

Vang vang rộng mở trị bình công”.

(Thơ vịnh tế cờ, bài I)

     Đến cung miếu nơi thờ phụng tổ tiên, Khang vương nhớ tới lời giáo huấn còn văng vẳng bên tai: Xem văn hay mà chuộng đức trung thuần, xét tế tự mà truy nguồn tìm ngọn. Có thể hiểu là “xem văn biết người”, xem thờ cúng tế tự biết rõ ngọn nguồn tiên tổ. Trong lời dẫn thơ vịnh cung miếu Khang vương nhận thấy công ơn to lớn của các Tiên vương: “Định vạc rồng lấy lại kinh đô, mở cõi đất dấy lên thế đạo. Hiệu lệnh ầm ầm như gió rung chớp giật; cương trù vằng vặc tựa trăng dọi trời soi. Công nghiệp lớn lao vẫn rực sáng trong sử sách, mưu mô tốt lành, còn soi bóng ở gương răn”. Nền trung hưng ngày càng vững vàng thịnh vượng. Với tấm lòng cảm kích khiêm tốn cho mình chưa có công lao đền đáp, làm thơ ca tụng tỏ lòng chí kính:

“Trung hưng đem lại vững nền vương,

Sửa đẹp nhiều thu sức đảm đương.

Dõi truyền tin xã muôn đời thịnh,

Sáng để huân danh bốn bể vang.

Ngỡ thế đức càn càng cảm kích,

Nỗi lòng truy viễn bức văn chương”.

(Thơ vịnh Cung miếu, bài I)

Kính bày dờn dợn đồ khuê bích,

Ghín giữ khăng khăng phép đế thường.

Nhớ phúc trùng trùng so địa hậu,

Tưởng ơn dằng dặc sánh thiên trường”.

(Thơ vịnh Cung miếu, bài II)

     Khang vương còn làm nhiều thơ ca ngợi thắng tích, di vật văn hóa dân tộc độc đáo của đất nước.

     Nhân kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, qua lời thơ, ta hình dung phần nào cảnh trí thiên nhiên, công trình kiến trúc Thăng Long xưa. Nào lâu đài, cung các, lộng lẫy huy hoàng đâu còn thấy; chỉ còn ghi dấu ấn trên thơ, lòng ta cảm khái nhớ tới lời tâm sự của Nguyễn Du về Thăng Long, sau hơn 20 năm xa cách, vào năm 1813.

“Bạc đầu rồi còn được thấy Thăng Long,

Dinh thự lớn ngàn năm nay thành đường cái.

Một tòa thành mới xây lấp cả cố cung

Thâu đêm nghĩ lại buồn không ngủ”.

(Thăng Long – nhị thủ)

     Chú thích:

(1) Biểu: Tốt đẹp.

(2) Lãng uyển: nơi tiên ở.

(3) Vân tiêu: nơi thiên đình.

(4) Cấu: gây dựng. Đức dầy: náo nức.

(5) Thanh huyền: trong sạch huyền diệu.

(6) Uyển nhiên: xinh đẹp uốn éo.

(7) Bàng nhân: người xung quanh, ý chỉ người đến vãng cảnh chùa./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (89)2008; Tr.32-37

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)