“Địa giới Long An” từ năm 1859 đến năm 1875
“LONG AN BOUNDARY” FROM 1859 TO 1875
Tác giả bài viết: NGUYỄN MINH ĐẢO
(Trường Trung học cơ sở Qui Đức)
TÓM TẮT
Bài viết tập trung nghiên cứu về những thay đổi địa giới Long An buổi đầu Pháp thuộc, khái quát phần nào diện mạo địa giới Long An ngày nay dưới sự cai trị của thực dân Pháp. Qua đó, cho ta cái nhìn rõ nét hơn về chính sách cai trị của người Pháp mà điển hình là việc phân chia địa giới để tổ chức bộ máy cai trị một cách bài bản. Bài viết còn là nguồn tư liệu bổ sung cho Lịch sử địa phương Long An trong giai đoạn Pháp thuộc phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, biên soạn Lịch sử địa phương cũng như nghiên cứu về Long An thời Pháp thuộc dưới khía cạnh địa giới.
Từ khóa: Long An; địa giới; hạt Tân An; hành chính; thời Pháp thuộc.
ABSTRACT
The writing focuses on the changes on Long An boundary as well as provides an overview of this in the early of France colonial period. So we can have an in-depth knowledge about the France’s policies, particularly, about the boundary separation law in order to establish a well-ordered government. This writing is also a fundamental source for Long An’s history documentary in the French colonial period which directly serves the teaching, editing the history materials of the region and studying Long An in terms of boundary.
Keywords: Long An; boundary; Tan An palace; administration; French colonial period.
x
x x
1. Mở đầu
Trước thế kỉ XIX, vùng đất Long An hiện nay thuộc Phủ Gia Định, huyện Tân Bình với hai tổng là Phước Lộc và Thuận An. Sang thế kỉ XIX, dưới thời Gia Long vùng đất Long An tồn tại trong địa giới 2 huyện là Thuận An và Phước Lộc. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) thành lập phủ Tân An (tiền thân sau này là tỉnh Long An) lĩnh hai huyện Cửu An và huyện Phước Lộc. Đến thời Tự Đức, vùng đất Long An nhập thêm 2 huyện là Tân Thạnh và Tân Hòa nguyên là đất thuộc phủ Hòa Thạnh đến năm 1852 bị bãi bỏ, nâng số huyện của phủ Tân An lúc bấy giờ lên thành bốn huyện đó là Cửu An, Phước Lộc, Tân Thạnh và Tân Hòa. Như vậy, trước khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ thì vùng đất Long An ngày nay đã có một hình thể dù chưa trọn vẹn như bây giờ nhưng ít ra cũng có một vùng đất rộng lớn với tên gọi là “phủ Tân An” trong nền hành chính Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
2. Nội dung
2.1. Vài nét về quá trình thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ
Sau nhiều lần khiêu khích lấy cớ bảo vệ đạo Gia Tô, liên quân Pháp-Tây Ban Nha đã chuẩn bị mọi thứ cho việc đánh Đà Nẵng, xâm lược Việt Nam. Chọn Đà Nẵng để tấn công đầu tiên cũng có nguyên do, về mặt quân sự cảng này có vị trí chiến lược quan trọng hải cảng sâu và rộng thuận tiện cho tàu chiến của Pháp neo đậu và triển khai tác chiến; về mặt địa lý Đà Nẵng là cổ họng của Huế, chỉ cách kinh thành Huế khoảng 100km về phía Nam. Kế hoạch của địch là “đánh nhanh thắng nhanh” với mục đích chiếm lấy Đà Nẵng làm căn cứ bàn đạp từ đó đánh vào nội địa vượt đèo Hải Vân rồi tấn công chiếm kinh thành Huế, sớm kết thúc chiến tranh. Đó chính là con đường ngắn nhất, nhanh chóng nhất, ít hao tốn tiền của và nhân lực nhất để thực hiện được ý đồ của Pháp và Tây Ban Nha. Rạng sáng ngày 01-9-1858 liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào các đồn lũy của nhà Nguyễn trên bán đảo Sơn Trà và nhanh chóng chiếm được cứ điểm này. Thực dân Pháp chủ trương thực hiện phương án đánh nhanh thắng nhanh nhưng bất thành vì vấp phải sự chống trả của quân triều Nguyễn dưới sự trực tiếp chỉ huy của danh tướng Nguyễn Tri Phương. Sau nhiều lần đánh sâu vào nội địa không thành, Đô Đốc Rigault de Genouilly quyết định kéo quân vào đánh thành Gia Định chiếm toàn bộ Nam Kỳ. Sự chuyển hướng chiến lược của Pháp với lý do Nam Kỳ là vùng kinh tế giàu có, nhiều lúa gạo có khả năng xuất khẩu mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho Pháp; bên cạnh đó nơi đây lực lượng quân triều đình mỏng, xa kinh thành Huế nên chiếm đánh sẽ dễ hơn; mặt khác chiếm được Nam Kỳ thì sẽ chiếm luôn Cao Miên và ngược sông Mê Kông lên Vân Nam (Trung Quốc); đánh Nam Kỳ lúc này ít gặp sự phản ứng của nhà Thanh, lại có thể phòng khi quân Anh khi họ chiếm xong Hương Cảng và Xingapo. Với ý đồ như vậy, ngày 02-02-1859 phó Đô Đốc – Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Rigault de Genouilly “dẫn đoàn quân viễn chinh Pháp – Tây Ban Nha gồm 9 tàu chiến Pháp, 1 tàu chiến Tây Ban Nha và 4 chiếc thương thuyền, với quân số 2.176 người rời Đà Nẵng vào Gia Định”[1, tr. 338]. Ngày 9-2-1859 liên quân Pháp – Tây Ban Nha vào đến cửa biển Cần Giờ và đồng thời bắt đầu tấn công các đồn trú quân của nhà Nguyễn dọc sông Sài Gòn. Được tin này, trấn giữ Gia Định là Võ Duy Ninh biết quân Pháp mở cuộc tấn công Nam Kỳ nên liền báo tin về kinh thành Huế và động viên quân lính các tỉnh gấp rút về phòng thủ thành Gia Định. Nhận tin cấp báo từ Gia Định, triều đình Huế liền cử “Thượng thư hộ Bộ Tôn Thất Cáp (tức Tôn Thất Hiệp) làm Thống đốc tiễu bộ quân vụ đại thần, Bố chánh Quảng Ngãi là Phạm Tĩnh làm Tham tán, Vệ úy hiệp lĩnh thị vệ là Hoàng Ngọc Chung làm Tán tương, đem theo Lĩnh binh quan là Nguyễn Văn Thăng, Vệ úy là Tôn Thất Điển đi đến Gia Định để đánh giặc” [2, tr. 26] phối hợp cùng với quân của Trương Văn Uyển – Tổng đốc Vĩnh Long; Lê Đình Đức-Tuần vũ Định Tường, Nguyễn Đức Hoan-Tuần vũ Biên Hòa để lập kế hoạch phòng thủ, nhưng khi quân Tôn Thất Cáp đến Biên Hòa thì quân Pháp đã chiếm thành Gia Định. Sáng 17-02-1859 sau khi bắn phá 12 đồn dọc hai bờ sông và 3 cảng trên sông Sài Gòn, quân Pháp tấn công thành Gia Định đến trưa cùng ngày “quan quân tan chạy cả, thành bèn bị vỡ. Quyền Đề đốc là Trần Tri, Bố chính là Vũ Thực, Lãnh binh là Tôn Thất Năng chạy đến bảo Tây Thái huyện Bình Long; Hộ đốc là Vũ Duy Ninh chạy ra huyện Phước Lộc, thắt cổ chết ở thôn Phước Lý; Án sát là Lê Từ rồi cũng tự tử. (Từ trước cùng với Trần Tri đi Tả Định, Hữu Bình để phòng ngự, rồi không giữ được, đều về tỉnh, Từ vẫn ở bên tả ngoài thành đánh giặc và ngăn chặn)” [3, tr. 594] và thành Gia Định thất thủ. Sau khi Pháp chiếm được thành Gia Định nhận thấy do thành quá lớn không đủ lực lượng để trấn giữ “sự chiếm giữ một thành quách rộng lớn như thành này đòi hỏi phải có một đạo quân trấn thủ, mà quân số ít ỏi hiện có không cung cấp nổi và đòi hỏi một sự trang bị bằng đại bác và thủy binh mà ta cũng không đủ sức cung cấp. Hơn nữa, nếu đóng giữ lấy thành thì ta bị lôi kéo vào những cuộc hành binh liên tiếp trên bộ mà phương tiện thủy quân ta không cho phép”[4, tr. 93] nên Rigault de Genouilly quyết định “bắn phá thành tỉnh Gia Định, đốt cháy dinh thự kho tàng, rồi rút lui đóng ở mạn dưới bảo Hữu Bình”[3, tr. 598]. Về phía triều đình nhà Nguyễn, sau khi quân Pháp hạ thành Gia Định vua Tự Đức sai Nguyễn Tri Phương lĩnh chức Tổng thống quân vụ đại thần ở quân thứ Gia Định vào Nam thay cho tướng Tôn Thất Cáp. Vào tới Gia Định với kinh nghiệm chống Pháp ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương tập trung lực lượng xây dựng củng cố lại hệ thống phòng thủ được Tôn Thất Hiệp xây dựng trước đó và lấy tên là Đại đồn Chí Hòa. Sang đầu năm 1861 sau khi cũng cố và được chi viện thêm lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Trung Quốc, qua quá trình khảo sát, nghiên cứu tình hình Đại đồn Chí Hòa, thực dân Pháp lên phương án bố trí lực lượng xung quanh Đại đồn. Rạng sáng ngày 24-2-1861 Léonard Victor Joseph Charner ra lệnh tấn công Đại đồn Chí Hòa, sang ngày hôm sau thì Đại đồn thất thủ Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương phải lui về cố thủ ở thôn Tân Tạo huyện Tân Long phủ Tân Bình. Sau khi quân Pháp hạ Đại đồn Chí Hoà chúng tổ chức lực lượng đánh chiếm toàn tỉnh Gia Định, tiến đánh và chiếm tỉnh Định Tường (12-4-1861), Biên Hoà (16-12-1861). Ngày 20-3-1862, Trung tá Reboul dẫn 1000 quân với hơn 10 chiếc tàu chiến đến trước thành Vĩnh Long; ngày hôm sau cuộc chiến diễn ra, sách Đại Nam thực lục ghi chép lại trận đánh thành Vĩnh Long như sau “đến nay (ngày 20), hơn 10 chiếc tàu Tây dương đến đỗ ở mạn trên đồn Vĩnh Tòng, cho hơn 1.000 quân lên bộ đắp đồn lũy. Văn Uyển biết là họ muốn gây chuyện quấy rối. Lập tức nghiêm sức cho Lãnh binh là Tôn Thất Tuấn, quyền sung Phó lãnh binh là Nguyễn Thai, Lê Đình Cửu (đều phái đến đóng ở đồn Vĩnh Tòng). Nguyên Lãnh binh quan An Giang là Hồ Lực, Phó lãnh binh là Ngô Thành, Trương Văn Thành (đều phái đến đóng đồn Thanh Mỹ) phải hết lòng phòng giữ chống đánh; mà Văn Uyển và Bố chính là Lê Đình Đức thì sắp sửa binh dõng để phòng tiếp ứng (khi đó Duy Quang hiện đi Định Tường hội tiễu). Quân Tây Dương liền 2 ngày (ngày 21, 22), đường thủy đường bộ đánh phá bắn vào các đồn sở Thanh Mỹ, Vĩnh Tòng, quan quân chống lại không được, nối nhau tan về. Tàu Tây dương bèn thẳng tiến đến bến sông tỉnh thành, dùng súng xung tiêu hướng vào thành phóng bắn, lính dõng phần nhiều bị thương, chết, chạy trốn tan cả. Bọn Văn Uyển biết thế khó giữ được, nhân đêm phóng lửa đốt các dinh thự, kho, đạn ở trong thành rồi dẫn quân đi theo lui ra đóng ở bảo Vĩnh Trị. Rồi nghe tin quân Tây dương đuổi theo; lại đi ra đóng ở huyện Duy Minh” [3, tr. 762] và ngày 23-3-1862 thành Vĩnh Long rơi vào tay thực dân Pháp. Như vậy, sau 3 năm liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công thành Gia Định chinh chiến trên vùng đất Nam Kỳ thì 3 tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa rơi vào tay Pháp; Vĩnh Long một tỉnh thuộc Tây Nam Kỳ cũng rơi vào tay Pháp, hai tỉnh còn lại hoàn toàn bị cô lập với triều đình nhà Nguyễn. Việc 4 tỉnh Nam Kỳ rơi vào tay Pháp trong đó một phần không nhỏ là trách nhiệm thuộc về nhà Nguyễn. Ngày 5-5-1862, Bonard sai trung tá Simon ra Huế chuyển thư đề nghị đàm phán cho nhà Nguyễn sau khi bàn bạc với triều thần về những điều khoản mà Pháp đưa ra ngày 22-5-1862. Lúc này vua Tự Đức quyết định cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ toàn quyền và Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ lên tàu vào Gia Định tiến hành đàm phán với Alphonse Bonar. Ngày 26-5-1862 phái đoàn đàm phán tới Gia Định, ngày hôm sau Alphonse Bonard tổ chức một buổi đón tiếp với những nghi lễ trang trọng dành cho phái đoàn do Phan Thanh Giản dẫn đầu và cuộc hội đàm chính thức bắt đầu. Sau gần một tuần đàm phán tranh cãi gây go cuối cùng phái đoàn Phan Thanh Giản cũng phải chấp nhận các điều kiện do Alphonse Bonard đưa ra. Sáng ngày 5-6-1862 tại trường thi Sài Gòn, Chánh sứ toàn quyền Phan Thanh Giản đại diện cho triều đình Nguyễn cùng Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp tại Nam Kỳ Chuẩn đô đốc Alphonse Bonnard đại diện cho Pháp và Carlos Palanca Gutierrez đại diện cho triều đình Tây Ban Nha đã cùng nhau ký hiệp ước hòa bình và hữu nghị (sau này hay gọi là hiệp ước Nhâm Tuất) với 12 điều khoản mở ra một giai đoạn đầy đau thương cho nhân dân 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ.
2.2. Diên cách địa giới Long An (1859-1875)
Trước khi Pháp bắt đầu xâm lược Nam Kỳ (năm 1859) tỉnh Gia Định phân làm 3 phủ, 9 huyện trong đó phủ Tân An (tiền thân sau này là tỉnh Long An) “lĩnh 4 huyện, 18 tổng, 217 xã, thôn” [5, tr. 1668] trong 4 huyện thuộc phủ Tân An thì có ba huyện Cửu An và huyện Phước Lộc, huyện Tân Thạnh mà sau này là một phần hành chính của tỉnh Long An hiện nay. Sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ người Pháp muốn sử dụng chính sách “trực trị” ở Nam Kỳ nên bãi bỏ các cấp huyện, phủ, tỉnh theo lối hành chính của nhà Nguyễn và chia 3 tỉnh miền Đông thành 10 hạt thanh tra. Trong đó, tỉnh Gia Định chia ra thành 4 hạt thanh tra là:
– Hạt thanh tra Sài Gòn bao gồm địa bàn huyện Bình Dương và huyện Bình Long thuộc phủ Tân Bình cũ.
– Hạt thanh tra Chợ Lớn nguyên là đất huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình cũ.
– Hạt thanh tra Tây Ninh gồm địa giới huyện Quang Hóa và huyện Tân Ninh thuộc phủ Tây Ninh cũ.
– Hạt thanh tra Tân An được lập bao gồm đất của huyện Cửu An, huyện Phước Lộc, huyện Tân Thạnh và huyện Tân Hòa thuộc phủ Tân An cũ. Dưới chế độ “trực trị” của thực dân Pháp tỉnh Gia Định chia thành 4 hạt thanh tra và hạt thanh tra Tân An được hình thành trên vùng đất phủ Tân An thuộc tỉnh Gia Định cũ. Ngày 3-6-1863 Soái phủ Nam Kỳ ra quyết định tách “toàn bộ địa bàn tổng Hưng Long và 9 thôn thuộc tổng Hưng Nhượng trên bờ sông Vàm Cỏ và kinh Bưu Điện đến vàm rạch Bà Lý là Trường Khánh, Nhơn Hậu, Bình Cư, Nhơn Thượng, Bình Yên Đông, Nhơn Lý Tây, Xuân Sanh, Bình Quân, Bình Lợi tách khỏi huyện Kiến Hưng nhập vào huyện Cửu An và huyện Tân Thạnh hạt Tân An”[6, tr. 374] nâng số tổng hạt này lên 19 với 223 xã thôn. Do địa bàn hạt thanh tra Tân An rộng lớn khó cho việc quản lý trị an nên ngày 14- 10-1865 tạm quyền Thống đốc Pierre Gustave Roze ban hành quyết định tách địa bàn hạt thanh tra Tân An, lấy đất nguyên là huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định cũ thành lập hạt thanh tra Phước Lộc. Hạt này đến ngày 16-8- 1867 thì đổi tên thành hạt thanh tra Cần Giuộc và đến ngày 6-6-1871 thì giải thể nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn. Tách các tổng thuộc huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định cũ thành hạt thanh tra Tân Hòa, sau này đổi thành hạt thanh tra Gò Công vào ngày 16-8-1867. Cùng thời gian này đã tách tổng Cửu Cư Thượng nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn. Đến cuối năm 1865 hạt thanh tra Tân An về mặt địa giới chỉ còn lại đất của huyện Cửu An (trừ tổng Cửu Cư Thượng nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn) và huyện Tân Thạnh cũ với 8 tổng 90 thôn như sau: tổng An Ninh Thượng có 17 thôn, tổng An Ninh Hạ với 12 thôn, tổng Cửu Cư Hạ có 13 thôn, tổng Thạnh Hội Thượng với 8 thôn, tổng Thạnh Hội Hạ có 7 thôn, tổng Thanh Mục Thượng có 7 thôn, tổng Hưng Long có 18 thôn, tổng Thanh Mục Hạ với 8 thôn.
Năm 1867, sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Tây và Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp từ đó. Chúng đã bắt tay vào thiết lập bộ máy cai trị, chia lại địa giới hành chính nhằm biến Nam Kỳ lục tỉnh thành thuộc địa theo kiểu “quy cũ” của Pháp như ở một số nơi Pháp đã từng cai trị “sau khi người Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, địa bàn được chia làm 23 hạt thanh tra” [2, tr. 244]. Đến ngày 01-8-1867 thành lập hạt thanh tra Hà Tiên, nâng tổng số hạt toàn xứ Nam kỳ lúc bấy giờ (tính đến ngày 16-8-1867) là 24 hạt thanh tra cụ thể như sau: Thủ Dầu Một, Gò Công, Vĩnh Long, Thủ Đức, Cai Lậy, Bến Tre, Biên Hòa, Mỹ Tho, Trà Vinh, Long Thành, Chợ Gạo, Sóc Trăng, Bà Rịa, Tây Ninh, Sa Đéc, Cần Giuộc, Trảng Bàng, Châu Đốc, Chợ Lớn, Sài Gòn, Hà Tiên, Cần Lố, Tân An, Rạch Giá. Ngày 4-12-1867 thành lập hạt thanh tra thứ 25 là Long Xuyên, sau đổi tên thành Bắc Trang. Rồi thành lập hạt thanh tra thứ 26 là Cần Thơ, hạt thanh tra thứ 27 là Mỏ Cày. Và đến ngày 27-5-1868 thành lập hạt thanh tra thứ 28 là Long Xuyên, cụ thể đây là các hạt thanh tra của Nam Kỳ lục tỉnh lúc này:
– Tỉnh Gia Định cũ nay chia thành 7 hạt thanh tra đó là: Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Gò Công, Tân An, Tây Ninh Và Trảng Bàng.
– Tỉnh Biên Hòa cũ chia ra 5 hạt thanh tra đó là các hạt: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Thủ Đức, Bà Rịa và Châu Thành.
– Tỉnh Định Tường cũ nay là địa giới của 4 hạt thanh tra: Mỹ Tho, Chợ Gạo, Cai Lậy và Cần Lố.
– Tỉnh Vĩnh Long cũ nay chia thành 5 hạt thanh tra đó là: Vĩnh Long, Bến Tre, Mõ Cày, Bắc Trang và Trà Vinh.
– Tỉnh An Giang cũ nay là đất của 5 hạt thanh tra: Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc và Sóc Trăng.
– Tỉnh Hà Tiên cũ được tách ra thành làm hai đặt làm hạt thanh tra Hà Tiên và hạt thanh tra Rạch Giá.
Ngày 23-2-1869, hạt thanh tra Chợ Gạo nhập vào hạt thanh tra Mỹ Tho. Ngày 30-12-1869 giải thể hạt thanh tra Thủ Đức nhập vào hạt thanh tra Sài Gòn và ngày 20-9-1870 giải thể hạt thanh tra Cần Lố với việc tách 2 tổng Phong Phú và Phong Hòa vào hạt thanh tra Cái Bè, chuyển 2 tổng Phong Nẫm và Phong Thạnh qua hạt thanh tra Sa Đéc. Đến đây (cuối năm 1870) cả Nam Kỳ lúc này chỉ còn 25 hạt thanh tra đó là: Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Gò Công, Tân An, Tây Ninh, Trảng Bàng, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Châu Thành, Mỹ Tho, Cai Lậy, Vĩnh Long, Bến Tre, Mõ Cày, Bắc Trang, Trà Vinh, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Hà Tiên, Rạch Giá. Vùng đất Long An hiện nay vào lúc bấy giờ (năm 1870) về địa giới là gồm một phần hạt thanh tra Chợ Lớn, cả hạt thanh tra Cần Giuộc và hạt thanh tra Tân An. Ngày 5-6-1871 Thống Soái Nam Kỳ ban hành quyết định “điều chỉnh địa giới các hạt thanh tra trên toàn quản hạt, hạ 25 hạt thanh tra xuống còn 18 hạt”[2, tr. 246] cụ thể 18 hạt thanh tra đó là: Bà Rịa, Tây Ninh, Mỹ Tho, Biên Hòa, Gò Công, Châu Đốc, Thủ Dầu Một, Mỏ Cày, Hà Tiên, Sài Gòn, Vĩnh Long, Long Xuyên, Chợ Lớn, Sa Đéc, Rạch Giá, Tân An, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Theo đó hạt thanh tra Tân An được duy trì, sáp nhập một phần địa bàn hạt thanh tra Trảng Bàng giải thể và tổng Mộc Hóa tách khỏi hạt thanh tra Mỹ Tho. Hành chính hạt thanh tra Tân An năm 1871 nằm trong giới hạn “chiếm trọn từ bờ Đông sông vàm Cỏ Tây đến bờ Tây sông vàm cỏ Đông” [7, tr. 31] có 9 tổng 108 thôn cụ thể như sau:
– Tổng An Ninh Hạ có 12 thôn là Bình Cang, Bình Lãng, Bình Khuê, Bình Trung, Bình Tịnh, Lạc Bình, Mỹ Đạo, Nhơn Thạnh, Phong Thạnh, Quảng Phú, Triêm Đức, Tân Trụ.
– Tổng An Ninh Thượng với 16 thôn là An Hòa Trung, Bình Phú, Bình Lương Đông, Đạo Thạnh, Bình Lương Tây, Hướng Bình, Long Thạnh Đông, Hòa Lạc, Long Thạnh Tây, Hội Ngãi, Mỹ Hòa, Mỹ Thuận, Nhơn Phú, Ninh Thạnh, Thọ Cang, Bình Thạnh.
– Tổng Cửu Cư Hạ gồm 15 thôn là An Lái, Bình Chánh, Bình Ninh, Bình Nhựt, Bình Trinh Đông, Đăng Mỹ, Bình Trường Đông, Đới Nhựt, Bình Trường Tây, Nhựt Tảo, Tấn Đức, Tân Ninh, Tân Phước Tây, Nhựt Chương, Tân Đức.
– Tổng Hưng Long với 25 đó là thôn Bình Chánh, Đông An, Ngãi Lợi, Phú Khương, Phú Thượng, Tân Đông, Thủy Đông, Thân Hòa Đông, Trường Thạnh, Thân Hòa Tây, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Đông Phước, Tân Long, Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Tân Lập, Hưng Điền, Trường Khánh, Nhơn Hậu, Bình Cư, Nhơn Thượng, Bình Yên Đông, Xuân Sanh, Bình Quân.
– Tổng Mộc Hóa gồm 10 thôn là Bình Định, Thuận Nghĩa Thượng, Bình Doãn, Bình Nguyên, Phong Hòa, Nghi Thạnh, Phong Thoại, Thái Bình Trung, Thạnh Hòa, Thuận Bình Đông.
– Tổng Thạnh Hội Hạ có 7 thôn như sau Ái Ngãi, Bình Thạnh, Phú Xuân, Bình Công Tây, Bình Hạp, Gia Thạnh, Vĩnh Bình.
– Tổng Thạnh Hội Thượng gồm 8 thôn là An Tự, Bình Lập, Bình Quới, Bình Tâm, Đa Phú, Bình Nguyên, Hòa Ngãi, Vĩnh Phú.
– Tổng Thạnh Mục Hạ có 8 thôn là An Tập, Chí Mỹ, Phú Tây, Vĩnh Thới, Tân Lục, Thanh Thủy, Thạnh Xuân Đông, Thuận Lễ.
– Tổng Thạnh Mục Thượng gồm 7 thôn là Bình Lục, Bình Phước, Đồng Hưng, Dương Xuân, Gia Hội, Long Trì, Tân Nho. Năm 1872 giải thể thôn Tân Long nhập vào thôn Ngãi Lợi, cả hai thôn đều thuộc tổng Hưng Long. Quyết định ngày 22-7-1873 cho phép tách 8 thôn là Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Thủy Đông, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Trường Thạnh, Tân Lập, Hưng Điền của tổng Hưng Long Nhập vào tổng Mộc Hóa, nâng số thôn ở tổng này lên 18 cụ thể là các thôn Bình Định, Thuận Nghĩa Thượng, Bình Doãn, Bình Nguyên, Phong Hòa, Nghi Thạnh, Phong Thoại, Thái Bình Trung, Thạnh Hòa, Thuận Bình Đông, Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Thủy Đông, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Trường Thạnh, Tân Lập, Hưng Điền. Ngày 3-10-1873 lập thôn mới Vĩnh Trị thuộc tổng Mộc Hóa trên phần đất hoang của thôn Vĩnh Thạnh.
Tổng Thạnh Mục Hạ nhận thêm làng Vĩnh Thới của hạt Gò Công chuyển qua ngày 5-12- 1873. Năm 1875 thôn Tân Lục thuộc tổng Thạnh Mục Hạ bị giải thể nhập vào làng An
Tập cùng tổng.
Như vậy, từ năm 1871 đến năm 1875 thông qua quá trình chia tách, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn Long An về cơ bản số lượng tổng và thôn vẫn giữ nguyên là 9 tổng 108 thôn nhưng số thôn trong các tổng có sự thay đổi cụ thể như sau:
– Tổng An Ninh Hạ năm 1871 có 12 thôn đến năm 1875 thêm một thôn là Vĩnh Thới tổng cộng có 13 thôn cụ thể là các thôn: Bình Cang, Bình Lãng, Bình Khuê, Vĩnh Thới, Bình Trung, Bình Tịnh, Lạc Bình, Mỹ Đạo, Nhơn Thạnh, Phong Thạnh, Quảng Phú, Triêm Đức, Tân Trụ.
– Tổng An Ninh Thượng không thay đổi với 16 thôn là An Hòa Trung, Bình Phú, Bình Lương Đông, Đạo Thạnh, Bình Lương Tây, Hướng Bình, Long Thạnh Đông, Hòa Lạc, Long Thạnh Tây, Hội Ngãi, Mỹ Hòa, Mỹ Thuận, Nhơn Phú, Ninh Thạnh, Thọ Cang, Bình Thạnh.
– Tổng Cửu Cư Hạ không thay đổi gồm 15 thôn là An Lái, Bình Chánh, Bình Ninh, Bình Nhựt, Bình Trinh Đông, Đăng Mỹ, Bình Trường Đông, Đới Nhựt, Bình Trường Tây, Nhựt Tảo, Tấn Đức, Tân Ninh, Tân Phước Tây, Nhựt Chương, Tân Đức.
– Tổng Hưng Long lúc đầu có 25 thôn đến năm 1872 còn 24 do nhập thôn Tân Long vào Ngãi Lợi; tháng 7 năm 1873 tách 8 thôn Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Thủy Đông, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Trường Thạnh, Tân Lập, Hưng Điền nhập vào tổng Mộc Hóa. Như vậy, đến năm 1875 còn 16 thôn đó là Bình Chánh, Đông An, Ngãi Lợi, Phú Khương, Phú Thượng, Tân Đông, Thân Hòa Đông, Thân Hòa Tây, Đông Phước, Trường Khánh, Nhơn Hậu, Bình Cư, Nhơn Thượng, Bình Yên Đông, Xuân Sanh, Bình Quân.
– Tổng Mộc Hóa năm 1871 có 10 tổng đến năm 1873 nhập thêm 8 thôn của Hưng Long tổng cộng gồm 18 thôn là Bình Định, Thuận Nghĩa Thượng, Bình Doãn, Bình Nguyên, Phong Hòa, Nghi Thạnh, Phong Thoại, Thái Bình Trung, Thạnh Hòa, Thuận Bình Đông, Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Thủy Đông, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Trường Thạnh, Tân Lập, Hưng Điền. Đến ngày 3-10-1873 lập thôn mới Vĩnh Trị thuộc tổng Mộc Hóa trên phần đất hoang của thôn Vĩnh Thạnh. Đến năm 1875 tổng Mộc hóa có 19 thôn là Bình Định, Thuận Nghĩa Thượng, Bình Doãn, Bình Nguyên, Phong Hòa, Nghi Thạnh, Phong Thoại, Thái Bình Trung, Thạnh Hòa, Thuận Bình Đông, Hưng Nguyên, Vĩnh Lợi, Thủy Đông, Tuyên Thạnh, Vĩnh Thạnh, Trường Thạnh, Tân Lập, Hưng Điền, Vĩnh Trị.
– Tổng Thanh Hội Hạ không thay đổi vẫn có 7 thôn như sau Ái Ngãi, Bình Thạnh, Phú Xuân, Bình Công Tây, Bình Hạp, Gia Thạnh, Vĩnh Bình.
– Tổng Thạnh Hội Thượng như hồi 1871 gồm 8 thôn là An Tự, Bình Lập, Bình Quới, Bình Tâm, Đa Phú, Bình Nguyên, Hòa Ngãi, Vĩnh Phú.
– Tổng Thanh Mục Hạ năm 1871 có 8 thôn đến năm 1875 thì thôn Tân Lục bị giải thể nhập vào làng An Tập cùng tổng. Số thôn lúc này là 7 cụ thể là An Tập, Chí Mỹ, Phú Tây, Vĩnh Thới, Thanh Thủy, Thạnh Xuân Đông, Thuận Lễ.
– Tổng Thanh Mục Thượng như hồi năm 1871 gồm 7 thôn là Bình Lục, Bình Phước, Đồng Hưng, Dương Xuân, Gia Hội, Long Trì, Tân Nho.
3. Kết luận
Sau khi chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ người Pháp chia thành 10 hạt thanh tra để thực hiện chính sách cai trị. Lúc này, tỉnh Gia Định chia thành 4 hạt đó là Sài Gòn, Chợ
Lớn, Tây Ninh và Tân An; trong đó hạt Tân An được lập nguyên là đất của huyện Cửu An, huyện Phước Lộc, huyện Tân Thạnh và huyện Tân Hòa thuộc phủ Tân An thời nhà Nguyễn. Như vậy, về cơ bản địa giới Long An thời kỳ này chưa có sự thay đổi, có chăng chỉ là đổi về tên gọi đơn vị hành chính còn về địa giới vẫn giữ như cũ. Do địa bàn hạt Tân An rộng lớn với 19 tổng 223 thôn khó trong công tác quản lý trị an nên ngày 14-10-1865 tạm quyền Thống đốc Pierre Gustave Roze ban hành quyết định tách địa bàn hạt thanh tra Tân An. Theo đó, lấy đất nguyên là huyện Phước Lộc tỉnh Gia Định cũ thành lập hạt thanh tra Phước Lộc, tách các tổng thuộc huyện Tân Hòa tỉnh Gia Định cũ thành hạt thanh tra Tân Hòa đồng thời tách tổng Cửu Cư Thượng nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn. Đến cuối năm 1865 hạt thanh tra Tân An về mặt địa giới chỉ còn lại đất của huyện Cửu An (trừ tổng Cửu Cư Thượng nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn) và huyện Tân Thạnh cũ với 8 tổng 90 thôn. Đến năm 1870 địa giới Long An gồm một phần hạt thanh tra Chợ Lớn và cả hạt thanh tra Tân An. Ngày 5-6-1871 Thống đốc Nam Kỳ ban hành quyết định điều chỉnh địa giới các hạt thanh tra trên toàn quản hạt, hạ 25 hạt thanh tra xuống còn 18 hạt lúc này hạt thanh tra Tân An nằm trong giới hạn chiếm trọn từ bờ Đông sông Vàm Cỏ Tây đến bờ Tây sông Vàm cỏ Đông với 9 tổng 108 thôn. Từ năm 1871 đến cuối năm 1875 về cơ bản số tổng cũng như số thôn trong hạt Tân An không thay đổi, có thay đổi chăng chỉ là sự sát nhập, chia tách các thôn trong tổng. Đến năm 1875, địa giới tỉnh Long An ngày nay gồm một phần hạt thanh tra Chợ Lớn, cả hạt thanh tra Tân An. Một phần hạt thanh tra Chợ Lớn ngày nay là huyện Cần Giuộc, huyện Cần Đước, một phần huyện Bến Lức của tỉnh Long An, hạt thanh tra Tân An gồm huyện Cửu An và huyện Tân Thạnh; huyện Cửu An ngày nay là một phần huyện Bến Lức, một phần huyện Thạnh Hóa và cả huyện Đức Huệ, huyện Thủ Thừa của tỉnh Long An; Huyện Tân Thạnh nay là huyện Châu Thành và một phần Thành phố Tân An của tỉnh Long An ngày nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Trần Đức Cường, Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thủy đến năm 1945), Nxb Khoa học xã hội, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
[2]. Nguyễn Đình Tư, Chế độ Thực dân Pháp trên đất Nam kỳ 1859-1945, tập 1, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2016.
[3]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2002.
[4]. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng, Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2017.
[5]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Lao Động, TP. Hồ Chí Minh, 2012.
[6]. Nguyễn Đình Tư, Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1945), Nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, 2017.
[7]. Thạch Phương – Lưu Quang Tuyến, Địa chí Long An, Nxb Long An, Long An, 1989.
Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Thái Nguyên,
205(12): 135 – 142, 09/2019
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): “Địa giới Long An” từ năm 1859 đến năm 1875 (Tác giả: Nguyễn Minh Đảo) |
Kính mời Quý độc giả xem tiếp: