Diện mạo đô thị Huế thế kỷ XVII-XVIII qua sự mô tả của một số nhân chứng người nước ngoài (Phần 2)

Tác giả bài viết: Thạc sĩ PHAN THANH HẢI
(Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)

3. Đô thành Phú Xuân (1738-1775)

    Mùa Hạ năm 1738, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát sau khi kế thừa ngôi chúa đã quyết định bỏ dinh phủ bên bờ sông Bồ (tức phủ Bác Vọng) để quay trở lại đất Phú Xuân xây dựng thủ phủ mới. Đây cũng là địa điểm cuối cùng trong 8 lần dời dựng thủ phủ ở Đàng Trong của các chúa Nguyễn. Phủ Phú Xuân lần thứ hai này nhanh chóng được kiến thiết trở thành một đô thị trung tâm của vương quốc. Năm 1754, Võ vương nâng cấp Phú Xuân từ “phủ” trở thành “Đô thành” và mở rộng quy mô xây cất đô thị đầu não này.

     Trong thời kỳ này đã có nhiều người nước ngoài đã đến Phú Xuân và những mô tả của họ về kinh đô vương quốc Đàng Trong cũng hết sức phong phú. Năm 1740, Giáo sỹ Favre, thư kí của giám mục De la Baume đã có một chuyến du hành đến Đàng Trong cùng vị giám mục này. Những ghi chép của ông về Đàng Trong, đặc biệt là đất Phú Xuân sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát tái lập thủ phủ được khoảng hơn 2 năm:

     “Đàng Trong… chỉ có một thành phố, mà người ta gọi theo tiếng địa phương là Huế và theo tiếng Latinh Bồ Đào Nha là Sinoa: tuy nhiên không phải là trong các dinh khác không có những thị trấn có thể được gọi là thành phố nếu chỉ tính đến số lượng lớn những người sống trong đó. Nhưng vì sự quan trọng hay vì sự tôn kính đối với triều đình mà người ta muốn chỉ có một thành phố. Tôi đã đến thành phố, tức là đến Huế, hay đến Triều Đình. Thành phố duy nhất này là một tập hợp những công trình kiến trúc được phân chia thành khu phố tạo thành như những thôn và làng. Thành phố được xây dựng trong một bình nguyên dẹp, được phân chia từ phía mặt trời mọc đến phía mặt trời lặn bằng một con sông lớn. Nước sông chảy nhẹ nhàng, trên sông có một số thuyền chiến, những thuyền lớn và thuyền nhỏ. Trên bờ sông người ta thấy những cung điện đẹp nhất, vài cái lợp ngói, những cái khác lợp bằng rơm hay tranh, những cửa hàng giàu có nhất và những quảng trường rộng lớn nhất.

     “Phủ của chúa nằm ở phía Bắc của sông lớn, trên một hòn đảo dài khoảng 1 dặm, tạo thành do một con kênh hình vòng cung. Các quan lớn và các vương công của triều đình cũng ở trên hòn đảo nhỏ này. Đảo được gọi là Vương đảo. Phủ của chúa chỉ có một tầng, tất cả đều được làm bằng gỗ, những chiếc cột làm bằng gỗ mun đen bóng và để tự nhiên. Phủ được xây đắp gần như là một cái thành không có hào, được bao vây chung quanh bằng những trại lính hình vuông. Bên ngoài còn có những lối đi chung quanh cách 4 bước lại đặt một khẩu súng đại bác bằng gang có hình cỡ bình thường với 6 người lính canh giữ. Vị trí phủ rất rộng và có thể có đến hơn 100 khẩu đại bác được đặt ở hai phía, hưởng mặt trời mọc và hướng Nam, nơi có những cổng vào dẫn đến những trạm gác đầu tiên. Người nước ngoài, nếu không có một ân huệ đặc biệt thì không bao giờ được vào bên trong phủ. Trong số các người châu Âu, hiện nay chỉ có một người được phép đi vào khắp nơi ngay cả vào khu dành cho các cung phi. Đó là Đức cha Siebert, Giáo sĩ Dòng Tên, thầy thuốc, quan triều đình, nhà toán học và là người trông nom các con chó nuôi của chúa’’(ll).

     Đáng tiếc là chúng ta không có (hoặc chưa tiếp cận được) những ghi chép của cha Siebert về Phú Xuân. Bù lại, chúng ta lại có được những thông tin rất quý của cha Koffler, người đã từng sống ở Đàng Trong từ năm 1740-1755. Năm 1747, vị thầy tu này đã được Võ Vương chọn làm ngự y riêng. Những mô tả của Koffler về Phú Xuân rất phong phú, tỉ mỉ và điều đáng chú ý nhất là Phú Xuân ở giai đoạn này đã chính thức trở thành Đô thành của Đàng Trong. Vì vậy, dù mô tả của Koffler khá dài dòng nhưng vẫn có sức hấp dẫn rất lớn.

     “Phủ chúa được bố trí theo hình vuông, với 3 lớp thành bao bọc. Có bảy cổng, cổng chính là cổng đẹp nhất mở ra sông, làm thành mặt tiền của công trình, ở trên có một tháp canh. Cách đó không xa, ở bờ trái, có 3 khẩu đại bác lớn không bao giờ được dùng nếu không gặp những dịp vui chẳng hạn như sinh hạ được một hoàng thái tử. Một trăm năm mươi khẩu đại bác khác nhỏ hơn, bằng sắt hoặc bằng đồng, được đặt chung quanh phủ, cứ giữa hai cái cột thì có một khẩu. Sau khi đã vượt qua cổng chính, ta thấy mình đang đứng trong một cái sân rộng nơi 25 đội quân đứng gác thay phiên nhau. Các đội quân này xếp thành hai hàng vào các dịp thiết triều mà theo luật lệ của vương quốc, chúa cho tổ chức mỗi tuần hai lần. Sau đó, có một phòng lớn nơi các quan đứng, các quan võ đứng bên phải, các quan văn bên trái, mỗi người xếp hàng theo phẩm tước của mình. Chúa được đưa đến trên một chiếc ngai, rồi ông ngồi trước một cái bàn trên đó người ta đã bày bút, ấn và một tấm gạc thấm thần sa màu đỏ. Trong bộ máy như thế, ông tiếp những người muốn nói chuyện với ông.

     Khi đi vào bằng các cửa bên, người ta thấy ở một bên có các chuồng, những nơi nuôi gia súc và chủ yếu là những con gà đá to lớn… phía bên kia, là nhà của các ca nhân của chúa” (l 2).

     Cùng ở khu vực này Koffler còn mô tả có một khu vườn rất đẹp, trồng rất nhiều loại hoa, trong đó có không ít các loại hoa đưa từ nước ngoài về. Hoa không chỉ được trồng trong bồn mà còn được đặt trong các chậu gốm, chậu sứ đắt tiền và được xếp đặt rất công phu và đẹp mắt.

     Tại đây còn có nhiều bể lởớn nuôi các loại cá quý hiếm, các bể chứa nưóc mưa để tưới hoa, các bể đặt những non bộ cầu kỳ v.v…

     “Chúng ta đến vòng thành thứ hai, nhỏ hơn lớp thành đầu tiên. Nó được bao chung quanh bằng một hành lang lát gạch, có trang trí cột và lợp mái để có thể đi dạo ở đây mà không bị bất tiện khi trời mưa. Tại đấy có 4 cái cửa cao bằng tường thành và được các binh lính dân miền núi da ngăm đen canh giữ. Khi đi qua bên kia, người ta đến một cái sân rộng. Những nhân vật chủ chốt của vương quốc chiếm chỗ những căn nhà đầu tiên. Những căn tiếp theo được dành cho bà con của chúa, về phần những người có họ hàng xa với chúa, họ đều ở bên ngoài phủ.

     “Cuối cùng, trướ mắt là ngôi nhà dành cho các cung phi, nó không khác hơn một tu viện nữ tu sĩ bao nhiêu. Nó gồm một hàng cột chung quanh nhà và một tầng lầu. Bên ngoài chẳng có gì ngoại trừ tường, các cửa và một hành lang có mái với cột đỡ. Nhà của từng cung phi đều có mỗi bức tường ngăn cách. Tất cả các cửa đều mở ra phía hành lang và chỉ được đóng bằng một cái chốt duy nhất để cho chúa không phải gõ cửa. Trong một khoảng không gian chừng 8 bước chân nằm tiếp giáp với nhà và ở bên phải có một cái giường được trang hoàng rất tuyệt dành cho trường hợp chúa muốn nghỉ ban ngày. Chỉ có một cửa sổ duy nhất mở ra một cái vườn nhỏ có tường vây quanh, để cho không ai có thể nhìn thấy ông chúa (đây là một điều cấm kị, nếu phạm vào sẽ đáng bị tội chết), các cung phi trồng nhiều loại hoa trong vườn này và họ sẽ mang dâng cho chúa của mình khi được ông cho gọi đến. Ở bên trái là phòng ngủ của cung phi. Một tấm màn che bằng vải lanh mịn rải rác có những bông hoa bằng vàng, được treo trước giường. Sau đó đến phòng ngủ của những cô hầu, nhà bếp v.v… Tất cả những căn phòng của các bà vợ mà chúa chung sống được xây đại loại như thế, tuy nhiên các bà có chức vị cao hơn thì được hưởng những chỗ ở rộng rãi hơn và được trang hoàng nhiều hơn.

     “Từ vòng thành thứ hai này người ta đi vào vòng thành thứ ba nơi có phủ chúa nói theo đúng ý nghĩa nơi ông chúa ở. Nó gồm 5 công trình mà công trình quan trọng nhất có 3 tầng bên trên còn có một cái tháp đế quan sát thiên, tượng. Từ bên trên cái tháp này, người ta không những nhìn thấy tất cả kinh thành, mà cả những vùng phụ cận cũng như nhiều chỗ uốn khúc của sông trải ra trong một khung cảnh tuyệt vời. Trong những công trình uy nghiêm này, người ta không thấy vôi, cũng không thấy tường, cũng không thấy đá. Tất cả đều bằng gỗ quí, được đẽo gọt, chạm, đánh bóng rất tinh xảo. Những cây cột chẳng hạn, đều bằng một loại gỗ màu chanh được sơn son. Người ta cứ tưởng mình đang ở trong một nhà hát tuyệt mỹ có sàn lát bóng lộn như pha lê. Ở mỗi cửa lớn của các căn nhà có treo các màn trướng rất đẹp, được vẽ rất thẩm mỹ. Ở trên nóc và ở các góc mái nhà có những con rồng bằng đất sét trắng ngậm trong miệng những cái chuông bằng vàng đung đưa theo gió và kêu leng keng rất ăn nhịp với nhau. Nói tóm lại, tất cả đều được bài trí, không phải để nhằm mục đích duy nhất để ở, mà là nhằm vào sự phô trương và tráng lệ, và điều đó thật sự xứng đáng với một vị chúa.

     Ngoài chỗ ở này của ông chúa, còn có 3 cái phủ khác. Cái phủ xưa nhất là kho tàng với những tường thành rất chắc chắn trong đó cất giữ những của cải của tất cả các chúa Đàng Trong. Nó được dựng cách cái phủ mà chúng ta vừa mô tả khoảng 200 bước chân. Cái phủ thứ hai, dùng làm nhà mùa Đông cho chúa, được xây dựng trên bờ đối diện của sông. Cuối cùng, cái phủ thứ ba là khuê phòng nơi các bà vợ góa các chúa tiền nhiệm, khóc cảnh góa bụa của mình cho đến chết. ”(13)

     Những mô tả tỉ mỉ của Koffler khiến chúng ta khá dễ dàng hình dung được diện mạo của đô thành Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đặc biệt là khu vực trung tâm nằm trên Vương đảo. Chúng ta cần nhớ rằng, năm 1755, Koffler đã rời khỏi Đàng Trong, trong khi đó mãi đến năm 1754, Võ Vương mới “bắt đầu sửa sang đô ấp”’. Chỉ trong hơn một năm, việc xây dựng chỉnh trang toàn bộ Đô thành chắc chắn chưa thể hoàn tất được. Tuy nhiên, bộ mặt của Phú Xuân lúc đó theo lời của Koffler đã tráng lệ lắm rồi. Và về đại thể, chúng ta thấy nó không khác bao nhiêu so với sự mô tả của Lê Quý Đôn hơn 20 năm sau đó (tức năm 1776).

     Năm 1765, một nhân viên thuộc Công ty Đông An thuộc Anh (London East India Company) là James Bean đã theo đoàn đến yết kiến “vua xứ Đàng Trong” (lúc bấy giờ là chúa Nguyễn Phúc Khoát-PTH) tại Phú Xuân. Sau chuyến đi này ông đã để lại một tập “nhật ký hành trình” với những mô tả rất thú vị về kinh đô Đàng Trong hồi bấy giờ. Đặc biệt là James Bean còn cho chúng ta biết đôi nét về phủ An Cựu-hay “phủ Mùa Đông” – nằm ở bờ Nam sông Hương, một công trình lịch sử mà chúng ta rất thiếu thông tin để tìm hiểu:

     “Ngày thứ 7:…

     Chúng tôi khởi hành bằng đường thủy xuống bờ sông, cũng với con đường chúng tôi đã đến, và phía dưới chiếc cầu gỗ nhỏ trên một hòn đảo, bên hữu ngạn đã có một sứ giả trực sẵn để báo cho nhà vua biết chúng tôi đã đến nơi. Người sứ giả trở ra và các Linh mục Lorrairo, Petrena muốn làm hướng đạo. Đi bộ trên một con đường mới hoàn thành để đến một cung môn có nhiều lính gác. Tại đây, các linh mục đã tiếp đón chúng tôi. Cánh cửa mở ra và chúng tôi bước vào sân rất rộng và đẹp, dưới rải sỏi, trên trang trí rất tráng lệ. Ở một phía kia là tàu tượng, nơi voi của vua ở, đối diện là tàu ngựa. Những bức tường cao 3 bộ (feet) đối nhau. Bên phải là một sảnh khá rộng giống như chỗ ngồi của quan tòa, cuối nơi này nhìn ra con kênh lớn và lù lù vài khẩu trong số những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy. Dọc theo lối đi rải sỏi, chúng tôi được đưa đến một cửa khác, ở đây cũng có lính gác. Chính tại nơi này, chúng tôi bị khám xét rất kỹ vì sợ chúng tôi có mang theo vũ khí. Một cánh cửa khác mở ra cho chúng tôi tiến vào một cung điện lộng lẫy, đồng thời 6 cận vệ của nhà vua cũng theo sát chúng tôi để giới thiệu lên đức vua. Điện vua ngự là một tòa chống đỡ bởi 5 hàng cột, ngồi ngay giữa chiếc ngai là đức vua, xung quanh có 50 lính ngự túc trực…

     Chúng tôi xin phép được quan chiêm cung điện của vua. Ngài trả lời rằng đây không phải là cung điện nguy nga mà chỉ là “phủ mùa Đông”; ở đây cũng có cung phi mỹ nữ…

     “Ngày thứ 9: Thứ tư … Buổi chiều đi thăm linh mục và ra bờ sông xem những bức tường thành của Đại cung môn, rất đẹp, rất rộng! Quang cảnh tráng lệ, kiến trúc đối xứng hài hòa. Dọc bờ sông có nhiều bến, thuyền buồm (galleys) đậu san sát.

     “Ngày 10-1-1765, tôi đi dạo ra ngoài, hàng ngàn người vây quanh lấy tôi. Một cậu bé chèo chở tôi xuống bờ sông, đám đông cổ vũ mạnh mẽ. Một quảng trường rất rộng, đặt những khẩu thần công vĩ đại yên nghỉ trên những chiếc xe súng cực lớn, kiên cố. Bên trong hoàng thành có từ 800 đến 1000 khẩu súng, hầu hết là những khẩu súng đồng (copper) xinh xắn” (14).

     Nhân chứng thứ 4 đã từng mô tả về Đô thành Phú Xuân mà chúng tôi muôn đề cập là Đại úy hải quân Pháp Le Floch de la Carrière, người đã đến đây vào khoảng các năm 1755-1756 và sau đó đã để lại một tư liệu độc đáo – tấm bản đồ Vịnh Đà Nẵng và bờ biến Trung Kỳ, từ Hội An đến Huế. Đúng như tên gọi, đây là tấm bản đồ thể hiện dải bờ biển từ miền Trung (Việt Nam hiện nay), đặc biệt là đoạn từ Hội An đến Huế. Tấm bản đồ này cũng dành riêng một phần để đặc tả khu vực Kinh đô Huế với phần chú thích bằng chữ viết khá cụ thể. Năm 1997, trong cuộc hội thảo kỷ niệm 310 năm Phú Xuân-Huế (1687-1987), tác giả Vũ Hữu Minh đã từng công bố một tham luận về tấm bản đồ này; dưới đây, chúng tôi chỉ xin dẫn lại một số thông tin quan trọng được trích nguyên từ các chú thích trên bản đồ (Xem bản đồ dẫn kèm):

     Chú thích “2.a”: Mặt đứng mặt trước, nhìn ra sông, của một hành lang hay một hàng hiên bao quanh phủ chính của vua.

     Chú thích “3” (các vị trí được thể hiện trên bản đồ-PTH): a-Phủ chính nơi vua ở; b-Phủ dành cho mùa đông hay để vua chơi; C-Phủ cũ, nơi cất giữ kho tàng của vua; d- Chỗ của khu phố nơi chúng tôi đã ở vào năm 1755 và 1756; e-Mô dùng làm đích tập bắn cho các thuyền chiến …

     Chú thích”6″:… Các hàng hiên bao quanh vòng la thành, vây quanh những công trình khác nhau của vương phủ có 4 mặt bằng nhau, khoảng 280 toires mỗi mặt (khoảng 545m), tức là 1120 toires suốt chiều dài hàng hiên này, giữa một cột của mặt tiền nhìn ra sông có một khấu đại bác bằng đồng có nòng trung bình mà phần lớn dùng để vũ trang cho các tàu chiến…(15)

     Có thế nói tấm bản đồ của Le Floch de la Carrière là nguồn bổ sung hết sức bổ ích cho các loại tư liệu viết về Đàng Trong. Nhờ tấm bản đồ này, người ta dễ dàng hơn rất nhiều trong việc hình dung về Huế trong nửa cuối thế kỷ XVIII. Căn cứ vào các tư liệu chúng ta có thể thấy, cho đến nửa sau thế kỷ XVIII, qui hoạch đô thị của Đô thành Phú Xuân đã khá hoàn chỉnh và về cơ bản, nó đã tương tự như qui hoạch Kinh đô Huế đầu thế kỷ XIX. Dĩ nhiên, mức độ tập trung và qui mô đô thị của hai thời kỳ này chắc chắn là đang còn chênh lệch nhau rất nhiều.

     Trên đây là những mô tả về đô thị Huế trong các thế kỷ XVII-XVIII của một số nhân chứng người nưởc ngoài. Tuy chưa thật đầy đủ, nhưng có thể khẳng định rằng, những mô tả này là sự bổ sung vô cùng quý báu cho nguồn sử liệu để nghiên cứu về Đàng Trong thời các chúa Nguyễn nói chung và Huế (với tư cách là một đô thị- thủ phủ) nói riêng. Do khuôn khổ một bài viết nên chúng tôi chỉ chọn một vài nhân chứng mang tính tiêu biểu. Rất mong các nhà nghiên cứu cùng độc giả góp ý bổ sung thêm.

     Chú thích:

     (1)Năm 1645, ngôi nhà nguyện này bị chính người con trai bà Maria, hoàng tử Khê-chú của chúa Nguyễn Phúc Lan – phá bỏ do mâu thuẫn giữa chúa Nguyễn với Ky tô giáo. L. Cadière cho rằng, ngôi nhà này được làm theo lối kiến trúc nhà Rường truyền thống Huế, có thể chứa được ba trăm người (Alexandre de Rhodes, Hành Trình và Truyền Giáo. Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ, Nxb. Tp. Hổ Chí Minh, 1994. tr. 284- 285).

     (2), (4). Alexandre de Rhodes, Hành Trình và Truyền Giáo, sđd, tr 48, 177-182.

     (3) Phái đoàn người Tây Ban Nha này đi trên một chiếc tàu chiến có trang bị đầy đủ vũ khí. Năm 1645, trên đường từ Ma Cao đi Phi Luật Tân, do gặp bão nên thuyền của họ bắt buộc phải ghé vào Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Lan đã tiếp đón họ một cách rất trọng thể. Điều này thể hiện thái độ đối ngoại rất tích cực của vị chúa Nguyễn này.

     (5) Sự kiện này diễn ra trong lần cuối cùng Alexandre de Rhodes trở lại Đàng Trong, năm 1645. Dĩ nhiên, mỗi lần đến nhà “bà dì của chúa” này, giáo sĩ phải đi lén lút vào ban đêm nhưng quân lính canh gác thường trực trong phủ chúa có cả hàng ngàn người mà vẫn không hề hay biết gì. Điều này chứng tỏ các phủ đệ bên trong Kim Long có quy mô lớn và khá cách biệt nhau.

     (6), (7). Bút ký của Bénigne Vachet về Đàng Trong, lưu giữ tại Kho lưu trữ trường Dòng của Hội Thừa sai Paris, cuốn 729, sđd, tr.23-24.

     (8) Bút ký của Bénigne Vachet về Đàng Trong, lưu giữ tại Kho lưu trữ trường Dòng của Hội Thừa sai Paris, cuốn 729, sđd, tr.24-25.

     Những mô tả của Bénigne Vachet rất phù hợp với lời kể của Hòa thượng Thích Đại Sán trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Khi vị hòa thượng này đến Huế năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu đã huy động một lực lớn binh lính để xây dựng thêm chùa Thiền Lâm, làm nơi ăn ở cho vị cao tăng Trung Hoa này. Vì thế, chỉ trong 3 ngày, người ta đã hoàn tất việc xây cất ngôi chùa trên với rất nhiều hạng mục công trình.

     (9) Thích Đại Sán, Hải Ngoại kỷ sự, bản dịch của ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xuất bản, 1963, tr.34.

     (10) Jean Koffler, Những mô tả về lịch sử Đàng Trong, dẫn theo L.Cadière trong “Dinh phủ các chúa Nguyễn trước Gia Long”, BEFEO, 1914-1916, tr.173. Bản dịch của Thúy Vi.

     (11) Những bức thư hấp dẫn kỳ lạ về chuyến viếng thăm Đàng Trong của Giám mục De la Baume, năm 1740. Dẫn theo L.Cadière trong “Dinh phủ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong trước thời Gia Long”. B.E.F.E.O, 1914-1916, tr. 169. Bản dịch của Thúy Vi.

     (12) Jean Koffler, Những mô tả về lịch sử Đàng Trong, dẫn theo L.Cadiêre trong “Dinh phủ các chúa Nguyễn trước Gia Long”, BEFEO, 1914-1916, tr. 173-174. Bản dịch của Thúy Vi.

     (13) Jean Koffler, Những mô tả về lịch sử Đàng Trong, dẫn theo L.Cadière trong “Dinh phủ các chúa Nguyễn trước Gia Long”, BEFEO, 1914-1916, tr. 174-175. Bản dịch của Thúy Vi.

     (14) Nguyễn Sinh Duy, Nhật ký hành trình của James Bean. Huế Xưa và Nay, số 21/1997, tr. 45-48.

      (15) Vũ Hữu Minh, Tấm bản đồ của Le Floch De La Carrière năm 1787. Tham luận tại Hội thảo khoa học 310 năm Phú Xuân- Huế. In trong sách Huế-từ đô thị cổ đến hiện đại. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1999, tr. 100-111.

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử, số 4, năm 2006

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)