Diện mạo văn hóa đa tộc người – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã (Phần 1)
Tác giả bài viết: Tiến sĩ LÝ TÙNG HIẾU
(Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM)
TÓM TẮT
Báo cáo “Diện mạo văn hóa đa tộc người – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã” là kết quả của hai chuyến khảo sát điền dã mà chúng tôi tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn. Chuyến thứ nhất tiến hành trong tháng 11/2009 do Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, theo lộ trình từ Long Xuyên lên Châu Đốc, An Phú, sang Tịnh Biên, Tri Tôn, vòng xuống Thoại Sơn rồi trở về Long Xuyên. Chuyến thứ hai do chúng tôi tự thực hiện, diễn ra trong tháng 9/2011, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn của An Giang và một phần huyện Hòn Đất thuộc Kiên Giang.
x
x x
An Giang là một trong những địa bàn được khai phá sớm nhất nhưng kết thúc quá trình này muộn nhất ở miền Tây Nam bộ. Hiện nay, An Giang là một trong những tỉnh có diện tích đất canh tác lớn nhất vùng, với tổng diện tích đất nông nghiệp lên tới 246.821ha, trong đó đất trồng lúa chiếm hơn 82%, cung cấp một sản lượng lúa lớn nhất miền Tây. Đóng góp vào thành tựu đó là lực lượng cư dân tại chỗ và di dân từ các vùng lân cận, đưa dân số toàn tỉnh lên tới 2.142.709 người, đông nhất trong các tỉnh miền Tây (1/4/ 2009). Từ nhiều thế kỷ trước, lưu dân các tộc người Khmer, Hoa, Chăm, Việt và cả một số lưu dân gốc Ấn Độ, Mã Lai đã có mặt trên mảnh đất này. Trên một không gian văn hóa có cả đồng bằng bao la và núi non hùng vĩ, sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người đã đem lại cho vùng đất An Giang một diện mạo văn hóa đa tộc người và đa tôn giáo rất đặc biệt mà khó có vùng đất nào khác ở Việt Nam sánh được. Báo cáo “Diện mạo văn hóa đa tộc người – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã ” là kết quả của hai chuyến khảo sát điền dã mà chúng tôi tham gia với vai trò cố vấn chuyên môn. Chuyến thứ nhất diễn ra từ ngày 24 đến 27/11/ 2009 do Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho giảng viên, học viên cao học, sinh viên, theo lộ trình từ Long Xuyên lên Châu Đốc, An Phú, sang Tịnh Biên, Tri Tôn, vòng xuống Thoại Sơn rồi trở về Long Xuyên. Chuyến thứ hai do chúng tôi tự thực hiện nhằm giúp bạn Trần Trọng Lễ, học viên cao học do chúng tôi hướng dẫn, thu thập tư liệu cho luận văn thạc sĩ Văn hóa học. Chuyến đi này diễn ra từ 2 đến 4/9/2011, trên địa bàn huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn của An Giang và một phần huyện Hòn Đất thuộc Kiên Giang. Các cộng tác viên chủ yếu: ông Phan Thanh Nhàn, sinh năm 1973, cán bộ Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang; ông Trần Văn Nghiêm (Tư Nghiêm), sinh năm 1953, nông dân ở ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn.
1. Không gian văn hóa vùng đất An Giang
Trước hết xin giới thiệu những nét chính về không gian văn hóa. Về mặt địa hình, An Giang là địa bàn đặc biệt nhất trong các tỉnh thành Nam bộ: có tứ giác Long Xuyên trũng thấp mà diện tích chỉ đứng sau Đồng Tháp Mười, đồng thời lại có núi đồi nhiều và cao nhất miền Tây Nam bộ.
Tỉnh An Giang là nơi đầu tiên ở Tây Nam bộ tiếp nhận nguồn nước của sông Cửu Long (Mekong), nơi đầu tiên hưởng lợi từ nguồn tài nguyên phù sa và tài nguyên thủy sản khổng lồ của con sông. Nơi tiếp nhận nguồn nước sớm nhất là huyện An Phú và huyện Tân Châu. Khi vào địa phận Việt Nam, 79% lượng nước của sông Cửu Long đổ vào sông Tiền, chỉ có 21% chảy sang sông Hậu. Nhưng nhờ các kinh rạch trên đất An Giang như kinh Tân Châu, kinh Vĩnh An, rạch Vàm Nao…, lượng nước khổng lồ vào mùa lũ của sông Tiền đã được điều bớt sang sông Hậu. Tiếp đó, các kinh đào xuyên qua tứ giác Long Xuyên lại tiếp tục đưa nước lũ của sông Tiền – sông Hậu thoát ra vịnh Thái Lan, nhanh hơn nhiều so với tốc độ nước lũ tự chảy trên thủy trình tự nhiên dài 280km từ biên giới đến biển Đông. Sông Cửu Long với các chi lưu của nó đã đem lại cho An Giang khoảng 156.507ha đất phù sa, chiếm 44,27% tổng diện tích đất toàn tỉnh. Bên cạnh đó là khoảng 30.136ha đất phèn, phân bố ở Tri Tôn, Tịnh Biên và một phần Châu Phú [1].
Tuy không giáp biển, nhưng An Giang lại có hẳn một hệ sinh thái rừng tràm phong phú, đã được quy hoạch để bảo tồn. Đó là rừng tràm Trà Sư, tọa lạc ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, cách biên giới Việt Nam – Campuchia 10km, tiếp giáp với kinh Trà Sư. Trung tâm của rừng tràm cách tỉnh lộ 948 chỉ 3,5km đường xe hơi. Xưa kia, đây là khu vực của rừng tràm tự nhiên và đồng lúa một vụ năng suất thấp, nhưng nay đã chuyển thành rừng tràm toàn bộ. Rừng tràm có tổng diện tích 845ha vùng lõi và 643ha vùng đệm, được chia thành hai tiểu khu, mỗi tiểu khu gồm 6 ô diện tích bằng nhau. Bên trong các ô, người ta đào kinh, đắp đường, trồng thêm giống tràm của Úc, sen, súng để tạo thêm môi sinh cho các loài cò, cồng cộc, giang sen, dơi quạ… Theo ban quản lý rừng tràm Trà Sư, hiện nay rừng tràm có 11 loài thú, 70 loài chim (trong đó có 2 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam là cò lao Ấn Độ tức giang sen và cổ rắn tức điêng điểng), 22 loài bò sát, 5 loài ếch nhái, 23 loài cá bao gồm 10 loài cá đen xuất hiện quanh năm (lóc, trê, rô…) và 13 loài cá trắng xuất hiện trong mùa nước nổi (mè vinh, linh, lăng…), và 140 loài thực vật trong đó có 79 loài dược liệu. Riêng thực vật thân gỗ thì chỉ có cây tràm. Đây là rừng tràm thuần nhất, với giống tràm bản địa, mọc dày, lớn chậm, thấp cây, thân cong vẹo, gỗ chắc. Vì mục đích bảo tồn để làm môi sinh cho chim, cá chứ không lấy gỗ, nên ban quản lý không tỉa thưa loại tràm này. Còn giống tràm của Úc mau lớn, cây cao, thân thẳng, gỗ mềm, thì được trồng ở ven bờ để giữ đất và được thu hoạch sau ba năm để lấy gỗ làm cừ, làm bột giấy. Lá tràm khô rụng thì được dân địa phương gom vào bao lớn, chở về làm chất đốt nấu đường thốt nốt. Rừng tràm Trà Sư đã được xếp vào hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, và vào ngày 25/7/2005 đã được công nhận là “Khu bảo vệ cảnh quan”.
Tương phản với sông rạch chằng chịt là rừng núi bao la. Đồi núi ở An Giang phân bố theo hình cánh cung, dài gần 100km, với đầu trên là núi Sam (thị xã Châu Đốc), đầu dưới là núi Sập (huyện Thoại Sơn), ở giữa là cụm núi Thất Sơn (huyện Tịnh Biên, huyện Tri Tôn). Tuy vậy, trong khi núi Sập được xem là một bộ phận của Thất Sơn thì núi Sam chỉ được xem là cửa ngõ đi vào khu vực Thất Sơn. Và tuy được gọi là Thất Sơn nhưng tổng cộng có đến 37 ngọn núi trong khu vực. Vì vậy, chính xác tên gọi “Thất Sơn” xuất phát từ bảy ngọn núi nào, là vấn đề vẫn chưa ngã ngũ. Nhà văn Hồ Biểu Chánh cho rằng Thất Sơn bao gồm: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghịch, núi Tượng, núi Thốt, núi Ca Âm, núi Nam Sư, núi Khe Lập. Một tác giả nước ngoài lại cho rằng Thất Sơn gồm có: núi Cấm, núi Dài, núi Két, núi Tượng, núi Trà Sư, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô. Nhưng một người địa phương cao niên là ông Lương Văn Phụng, ở xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, lại cho biết Thất Sơn bao gồm: núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài (Ngũ Hổ Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn). Đi trên quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Tịnh Biên, nhìn bên trái sẽ thấy núi Két, nhìn bên phải sẽ thấy núi Trà Sư, núi Dài Năm Giếng (Ngọa Long Sơn)… Trong đó, núi Cấm tức Thiên Cấm Sơn, ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, có độ cao 705m, là ngọn núi cao nhất miền Tây. Đứng trên vồ Bồ Hong, đỉnh cao nhất của núi Cấm, lúc trời trong có thể nhìn thấy tận vùng biển Hà Tiên. Quá trình phong hóa, xâm thực của các đồi núi đã đem lại cho An Giang khoảng 29.320ha đất đồi núi, chiếm 8,6% tổng diện tích đất của tỉnh, chủ yếu phân bố tại 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, một phần nhỏ ở huyện Thoại Sơn (vùng Ba Thê) [1].
2. Giao lưu tiếp biến văn hóa trên vùng đất An Giang
Trong các tỉnh thành Nam bộ, An Giang là nơi lưu giữ nhiều nhất những chứng tích rực rỡ của văn hóa Óc Eo, nền văn hóa tiền sử đầu tiên của địa bàn Tây Nam bộ. Đây là nền văn hóa có niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VIII, do người Indonesian và nhiều lớp người ngoại nhập (Thiên Trúc, Nguyệt Thị, Nam Dương…) tạo lập ở đồng bằng Nam bộ và Đông Campuchia, trên địa bàn trung tâm của vương quốc Phù Nam. Mặc dù không còn tồn tại khi người Việt đến, nhưng văn hóa Óc Eo vẫn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng dưới dạng một số cốt tượng được lưu dân dựng chùa miễu để thờ. Hiện nay trên đỉnh núi Ba Thê ở huyện Thoại Sơn có nhà trưng bày văn hóa Óc Eo, chủ yếu trưng bày các hình ảnh và một ít hiện vật phục chế. Toàn bộ tòa nhà được tạo hình như một khối Linga to lớn. Trên mi cửa trước có hình mặt trống đồng, vành ngoài cùng của trống là những bông lúa. Xung quanh tòa nhà, có nhiều tượng thần voi Ganesha đắp bằng xi măng, tay phải cầm Linga, tay trái cầm Yoni.
Rất lâu sau khi nền văn hóa Óc Eo tàn lụi, mới có những lưu dân Việt, Chăm, Hoa, Khmer đến vùng đất này để khai khẩn, định cư. Sau khi vương quốc Chân Lạp bị người Xiêm tấn công, phải dời đô đến Phnom Penh vào năm 1434, rồi dời đến Lovek vào năm 1539, người Khmer đã chuyển trọng tâm đất nước từ tây bắc xuống đông nam Biển Hồ, và tìm đến Nam bộ định cư ngày một đông hơn. Khi đến Nam bộ, theo truyền thống, nơi người Khmer chọn để định cư là các vùng đất cao, tạo thành các khu vực cư trú tập trung ở Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang và rải rác ở các nơi khác. Trong khoảng cuối thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVII, đã có những người Việt đầu tiên vượt biển tới khai phá vùng đất này. Đồng hành với họ là những người Hoa Minh Hương. Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần cho các tướng “phản Thanh phục Minh” Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên và 3.000 người tùy tùng tới Mỹ Tho, Biên Hòa và Sài Gòn để khai khẩn, định cư. Năm 1680, Mạc Cửu và những người Hoa tùy tùng đến Chân Lạp, chiêu tập lưu dân lập ra 7 thôn xã từ Vũng Thơm (Kompong Thom) đến Cà Mau (Tưk Khmau), đến năm 1708 cũng xin thần phục chúa Nguyễn. Người Chăm ở Nam bộ nguyên là di dân người Chăm ở Chân Lạp, sử gọi là người Côn Man. Năm 1756, sau khi người Côn Man bị quân Chân Lạp đuổi đánh, Nguyễn Cư Trinh đã tâu xin chúa Nguyễn và đưa họ về định cư ở Châu Đốc, Tây Ninh. Về sau, người Chăm ở Châu Đốc (An Giang) tiếp tục di dân đến Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương…
Tóm lại, vào khoảng đầu thế kỷ XVI, ngoại trừ vùng thềm cao nguyên ở miền Đông, phần còn lại của vùng đất Nam bộ, tức là toàn bộ không gian của vùng văn hóa Nam bộ hôm nay, trong đó có An Giang, đều là hoang hóa. Kể từ thời điểm đó, các cộng đồng lưu dân người Khmer, người Việt, người Hoa, người Chăm mới nối tiếp nhau tiến vào Nam bộ, chia nhau khai khẩn, đào kinh, canh tác, định cư, buôn bán, dần dần biến một vùng đất hoang vu rộng lớn thành những vùng nông nghiệp trù phú và những đô thị sầm uất. Nền văn hóa Nam bộ nói chung, của vùng đất An Giang nói riêng, từ đó mới hình thành như một kết quả dung hợp giữa cái nền là văn hóa Việt với những yếu tố tiếp biến từ văn hóa Chăm, Hoa, Khmer… và cả phương Tây sau này. Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa đã khiến cho trong văn hóa của các tộc người Khmer, Chăm, Hoa ở An Giang đều có các yếu tố của văn hóa Việt. Người Khmer An Giang không còn theo chế độ mẫu hệ đơn thuần mà đã có xu hướng chuyển sang phụ hệ. Một bộ phận người Hoa tiếp tục quá trình đồng hóa tự nhiên thành người Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông chung của các tộc người. Ngược lại, trong văn hóa của người Việt ở An Giang, đã có sự hiện diện của các yếu tố văn hóa Khmer, Hoa, Chăm. Các lễ hội dân gian của người Khmer, Hoa, người Việt đều tham dự.
3. Diện mạo văn hóa đa tộc người ở An Giang
Theo kết quả tổng điều tra dân số 1/4/2009, tỉnh An Giang có 2.142.709 người, thuộc 30 tộc người, cư trú trong 11 huyện thị. Trong đó, bốn tộc người đông dân nhất vẫn là Kinh (2.029.887 người), Khmer (90.271 người), Chăm (14.209 người), Hoa (8.075 người) [5]. Cho nên, nếu nói rằng đồng bằng sông Cửu Long là nơi cộng cư và hòa trộn văn hóa của các tộc người Việt, Khmer, Hoa, Chăm, thì An Giang chính là địa bàn tiêu biểu nhất của toàn vùng. Tuy khác nhau về ngôn ngữ, tín ngưỡng, phong tục, các tộc người ở An Giang từ bao đời nay vẫn chung sống hòa bình; mỗi tộc người gắn bó với một môi trường sinh thái và văn hóa mưu sinh nhất định, không xâm phạm lẫn nhau. Có thể vì vậy mà những tính cách dễ thấy nhất của cư dân nơi đây là sự cởi mở và lòng hiếu khách.
Người Việt bắt đầu đến vùng đất An Giang từ lúc nào, không được sử sách ghi chép rõ, nhưng khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, đã thấy có người Việt ở vùng Bình Mỹ (Châu Phú), vùng Châu Đốc và vùng cù lao Cây Sao (cù lao Ông Chưởng). Tương truyền khi thuyền quân xuôi dòng Cửu Long (1700), Nguyễn Hữu Cảnh ghé lại những nơi có người Việt ở để thăm hỏi và khích lệ mọi người giữ tình thân thiện dù không cùng chủng tộc. Ông cũng cho phép một số binh phu được ở lại theo ven sông vùng Châu Phú, Châu Đốc, Tân Châu, Chợ Mới cày cấy làm ăn. Thời gian sau, có thêm những tín đồ Thiên Chúa lánh nạn từ miền ngoài đến ở cù lao Giêng (1778), Bò Ót (1779), Năng Gù (1845). Sang thế kỷ XIX, việc di dân lập ấp ở An Giang được đẩy mạnh, nhờ công sức đóng góp của Nguyễn Văn Thoại và Nguyễn Tri Phương. Năm 1818, theo lệnh triều đình, Nguyễn Văn Thoại đốc suất đào kinh Đông Xuyên (sau được vua ban tên là Thoại Hà) dài 30km từ núi Sập (Thoại Sơn) đến Rạch Giá, tạo điều kiện canh tác thuận lợi cho dân khẩn hoang hai bên bờ kinh. Những năm 1819-1824, ông lại vâng mệnh đốc suất đào kinh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Hà) dài hơn 90km nối từ Châu Đốc đến sông Giang Thành rồi chảy ra vịnh Thái Lan, đến năm 1826-1827 lại cho đắp con đường dài 5km từ Châu Đốc đến núi Sam (Vĩnh Tế Sơn), nhờ đó mà dân từ Châu Đốc vào núi Sam khẩn ruộng, lần hồi tiến đến khai phá vùng Tịnh Biên. Dưới đời vua Minh Mạng, tội phạm lưu đày phần lớn gom về vùng Vĩnh Tế để lập các xóm dọc bờ kinh. Đầu thế kỷ XIX, nhiều lần quân Xiêm xâm lấn nước ta, tàn phá Hà Tiên, Châu Đốc. Năm 1833, giặc Xiêm tàn phá dọc kinh Vĩnh Tế, chiếm Châu Đốc và tràn qua Tân Châu. Nhưng chỉ 5 năm sau dân cư đã quy tụ trở lại, thành lập hàng chục thôn rải rác dọc hai bờ kinh Vĩnh Tế. Nguyễn Tri Phương khi làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ đã có sáng kiến lập đồn điền biên giới nhằm ngăn giặc, yên dân, tập trung ở vùng Châu Đốc, Hà Tiên. Năm 1854, Nguyễn Tri Phương báo cáo đã thành lập được 21 cơ đồn điền. Hai năm sau, tỉnh An Giang và Hà Tiên đã chiêu mộ được 1.646 dân đinh, lập 159 thôn ấp [2]. Sau vài đời, di dân đã trở thành thổ dân, không về quê cũ nữa, chỉ lưu lại chút dấu tích quê xưa qua tín ngưỡng và giọng nói. Hiện nhiều nơi trong khu vực tứ giác Long Xuyên, cư dân phát âm TR thành CH tắc, R thành J tắc, tương tự cư dân Nam bộ ở địa bàn Long An – Tiền Giang… Đôi khi mới có người phát âm R thành G, giống như cư dân ở Bạc Liêu – Cà Mau – Rạch Giá… là địa bàn có đông người Việt Minh Hương và người Hoa gốc Triều Châu, Quảng Đông.
Khi tỉnh An Giang mới thành lập, dọc theo hữu ngạn sông Tiền, đất dễ canh tác, dân cư đã khá đông, tập trung ở cù lao Ông Chưởng, cù lao Giêng… Tuy nhiên, phía hữu ngạn sông Hậu, đất khó canh tác, dân cư vẫn còn thưa thớt. Đó chính là vùng đất trũng tứ giác Long Xuyên, trải dài từ kinh Vĩnh Tế đến kinh Rạch Giá – Long Xuyên, và từ sông Hậu đến bờ biển phía tây. Ngày nay, đi bằng đường bộ vào khu vực này, có thể theo tỉnh lộ 941 (từ An Châu đến Tri Tôn), tỉnh lộ 943 (từ Long Xuyên đến Núi Sập, Tri Tôn), nhưng tuyến đường tốt nhất là quốc lộ 91 từ Long Xuyên đến Châu Đốc, Tịnh Biên. Tuyến đường này vừa được sửa chữa, rải đá tráng nhựa, nhằm kết nối thị trường nội địa với khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên. Khởi hành từ Châu Đốc thì bên trái quốc lộ là khu vực rừng tràm, bên phải là cánh đồng trải dài tít tắp đến tận biên giới Việt-Miên. Con kinh Vĩnh Tế nằm ở bên tay phải, song song với con đường, nhưng nếu đi vào mùa lũ thì không thể nhận ra, vì lúc bấy giờ phần lớn cánh đồng bị ngập nước mênh mông, xuồng máy chạy băng băng như chạy trên sông. Nơi đây, mỗi năm có đến bốn tháng nước lụt tràn đồng. Bản thân quốc lộ 91 vừa là tuyến giao thông vừa là con đê ngăn lũ, mặt đường cao hơn mặt ruộng xung quanh đến vài ba mét, nhưng vẫn bị nước tràn qua trong cơn lũ lịch sử hồi năm 2000. Câu tục ngữ “Tháng bảy nước nhảy khỏi bờ” hoàn toàn phù hợp để nói về mùa nước lụt ở nơi đây. Muốn giảm thời gian và mức độ ngập lụt thì chỉ có cách đào thêm kinh để rút ngắn quãng đường và tăng lưu lượng thoát lũ từ sông Cửu Long ra biển.
Nhằm hoàn chỉnh mạng lưới kinh đào kết nối sông Hậu với vịnh Thái Lan, năm 1987 “Dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long” đã ra đời, với sự đỡ đầu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Được triển khai trong những năm 1987-2003, Dự án này đã giúp hoàn chỉnh mạng lưới các tuyến kinh đưa nước lũ thoát ra vịnh Thái Lan, tháo chua, ngăn mặn cho tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang, Kiên Giang. Có nước ngọt, có phù sa, nông dân khắp vùng đã đẩy mạnh việc khẩn hoang, trồng lúa. Chính vì vậy, sau khi khơi đào con kinh chủ lực T5 vào năm 1996, Hội đồng Nhân dân tỉnh An Giang đã chính thức đề nghị Trung ương cho đặt tên kinh T5 là kinh Võ Văn Kiệt để tỏ lòng tri ân vị Thủ tướng đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho công cuộc đào kinh, khai phá tứ giác Long Xuyên. Hiện nay, việc canh tác, mưu sinh trên các cánh đồng trũng từ biên giới đến hết tứ giác Long Xuyên bao gồm ba mùa vụ: đầu mùa mưa là vụ lúa hè thu; mùa nước nổi thì dùng xuồng ghe, đăng, đó, vó, câu, nơm… đi đánh bắt thủy sản (cá rô, cá lóc, cá trê, cá mè vinh, lươn, rắn…); khi nước rút thì làm vụ lúa đông xuân. Vào cuối mùa lũ, trên đường đi xuyên qua huyện Tịnh Biên, chúng tôi đã bắt gặp nhiều chỗ ruộng lúa chín vàng, đang được gặt bằng tay hoặc bằng máy gặt đập liên hợp, máy suốt lúa. Về phía nam của tứ giác Long Xuyên, thậm chí nông dân còn làm tới ba vụ lúa/năm. Tiêu biểu là ông Trần Văn Nghiêm, một lão nông tri điền ở xã Thoại Giang huyện Thoại Sơn, người tiên phong chuyển từ canh tác một vụ lúa/năm lên 2 vụ/ năm ở huyện Thoại Sơn. Ông cho biết đang canh tác 100 công ruộng (mỗi công bằng 12 tầm x 12 tầm, mỗi tầm là 3m). Trong số đó, có 70 công đã canh tác 3 vụ lúa/năm từ năm 2011, năng suất đạt đến 60 giạ lúa mỗi công. Không chỉ có ý thức học hỏi, cải tiến kỹ thuật để làm giàu bằng lao động, ông còn tỏ ra rất vị tha, sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm cho láng giềng, nông dân trong vùng. Nhờ những thay đổi lớn lao như vậy, hiện nay sản lượng lúa của khu vực tứ giác Long Xuyên đã lên tới khoảng 7 triệu tấn mỗi năm, riêng An Giang là trên 3 triệu tấn/năm, cao nhất Nam bộ và cả nước. Lúa gạo dư thừa, đời sống nông dân An Giang khá lên thấy rõ.
Nghề mưu sinh thứ hai của người Việt An Giang là đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Theo xuồng máy đến thăm làng bè Châu Đốc, bên cạnh cồn Tiên, thuộc xã Đa Phước, huyện An Phú, chúng tôi đã có dịp quan sát cách sinh hoạt, làm ăn của một nhà bè. Dưới bè nuôi hai loại cá: cá tra và cá mè vinh. Thức ăn gồm hai loại: thức ăn nuôi cá làm sẵn dạng viên, và bột cá gồm đầu và xương cá tra xay mịn. Phần nội thất của căn nhà bè này là của một gia đình cỡ trung lưu, với phòng khách, bàn thờ, phòng ngủ… Giữa khoảng sân trước nhà, trổ hai ô vuông làm chỗ rắc thức ăn cho cá ở lồng bè bên dưới. Nhà bè này nằm ở ngoài cùng, khoảng giữa sông. Từ nhà bè này vào tới bờ sông là san sát những nhà bè nối tiếp nhau, liên kết với nhau bằng những cầu ván, cầu cây, tạo thành một khu làng nổi. Vào năm 2003 là lúc hưng thịnh, Châu Đốc có đến hơn 2.000 bè cá. Hiện nay, nghề nuôi cá bè đang lúc tiêu điều. Sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên cá da trơn nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2003, để vinh danh thương hiệu, tỉnh An Giang đã chi 2 tỷ đồng xây dựng một bức tượng cá ba sa rất lớn đặt tại Châu Đốc, do nhà điêu khắc Trần Thanh Phong thực hiện. Nhưng điều đó vẫn không ngăn cản được việc rất nhiều người đã phải bán bè để lên bờ. Một số biến nhà bè thành nhà ở. Số còn lại chuyển sang nuôi cá tra, rất ít người còn nuôi cá ba sa. Hiện nay, trong ba giống cá da trơn của An Giang là cá ba sa, cá tra, cá bông lau, thì chỉ mới nuôi được cá ba sa và cá tra. Hình thức hai giống cá này có khác nhau: cá ba sa mập mạp, còn cá tra thon thả. Riêng cá bông lau thì thịt ngon hơn, nhưng vẫn chưa nuôi được, chỉ có thể đánh bắt theo mùa, khi bắt lên được thì thường là đã chết. Chỉ ở khu vực An Giang mới còn cá bông lau, cá hô cỡ lớn. Mùa đánh bắt là từ tháng 11 âm lịch cho đến tháng 3. Giá cá bông lau ở An Giang khi ấy là 60.000 đồng một ký, trong khi cá tra chỉ 16.000 đồng một ký.
Chúng tôi cũng có dịp quan sát khu nhà bè cạnh cù lao Ông Hổ trên sông Hậu, thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên. Cù lao này nền đất khá thấp. Xưa kia, đây là nơi có nhiều hổ sống, còn lưu lại truyền thuyết về hổ có nghĩa rất cảm động, vì vậy mà mang tên cù lao Ông Hổ. Cặp theo bờ cù lao là vô số nhà bè, nuôi các loại cá chim, cá điêu hồng. Đây cũng là một loại nhà nổi, vừa làm chỗ ở cho chủ bè và nhân công, vừa làm “trang trại” chăn nuôi, canh giữ cá. Rải rác hai bờ sông Hậu, còn có một loại nhà nổi khác: những chiếc ghe mà phía trên, thay cho chiếc mui là một căn nhà hoàn chỉnh hẳn hoi, vách và mái bằng tôn hoặc ván và tôn. Hai bên bờ sông, nơi lục bình tấp vô dày đặc, có rất nhiều chà tôm: người ta cắm nọc, giăng lưới tạo thành những ô vuông, chính giữa bỏ chà cho tôm tụ tập, khi nước xuống thì dỡ chà, bắt tôm.
Nghề mưu sinh thứ ba của cư dân Việt nơi đây là nghề buôn bán, bao gồm buôn bán trên thị tứ và buôn bán trên sông. Khu buôn bán thị tứ tiêu biểu là chợ Long Xuyên, cấu trúc trên bộ dưới thuyền đúng kiểu chợ búa ở Tây Nam bộ. Trên bờ là các dãy gian hàng, quầy hàng lợp tôn hoặc che dù lớn. Mặt quay ra sông Hậu là nơi xuồng ghe cặp vào bốc dỡ rau trái, cá tôm. Cạnh chợ là khu nhà lồng mới xây rất tráng lệ, cũng dựa bờ sông Hậu.
Chúng tôi cũng có dịp vào thăm chợ Tịnh Biên ở bên cạnh cầu Kinh Vĩnh Tế, nơi quốc lộ 91 và kinh Vĩnh Tế giao nhau, thuộc thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên. Chợ Tịnh Biên chủ yếu cung cấp hàng hóa cho nhu cầu dân cư ở địa phương. Mặt tiền chợ nhìn thẳng ra kinh, phản ánh vai trò không thể thay thế của giao thông đường thủy trong hoạt động giao thương ở vùng này.
Đặc sắc nhất trong hoạt động giao thương ở An Giang vẫn là các khu chợ nổi. Khi ngồi xuồng máy đi tham quan chợ nổi Châu Đốc, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu những cách thức mưu sinh trên môi trường sông nước. Ngay giữa dòng sông Hậu, cả trăm ghe xuồng đang neo đậu, mũi hướng về phía thượng nguồn, gối lên dòng nước lũ cuối mùa. Mũi ghe nào cũng dựng một cây sào dài làm “cây bẹo” để treo hàng mẫu là những mặt hàng nông sản bán trên ghe. Rải rác ven bờ là những chiếc xuồng chèo ngược nước, phía mũi đặt vó để vớt cá linh. Ở gần bờ là khu vực bãi bồi của dòng sông Hậu, nơi các làng cá bè toạ lạc. Đang lúc nước xuống, nên nhiều cồn bãi nhô lên, phủ đầy lau lách, điểm xuyết bằng những cây điên điển đang trổ bông vàng. Ở đây, dân địa phương phân biệt rất rõ giữa “cồn” với “cù lao”. Cù lao là những cồn cao, vượt khỏi mực nước lớn, nước rông. Còn cồn là những bãi phù sa trên sông chỉ nhô lên khi nước xuống; khi nước lớn, nước rông, các cồn bãi này đều bị lấp.
Cũng họp chợ trên sông Hậu, bên phía hữu ngạn, là chợ nổi Long Xuyên, nằm cách chợ Long Xuyên trên đất liền chừng một cây số về phía hạ lưu. Giờ cao điểm của chợ nổi Long Xuyên là giấc bốn – năm giờ sáng. Quan sát vào ban ngày, chúng tôi thấy vẫn có hàng chục ghe tàu đang neo lại, nghỉ ngơi.
Một hoạt động giao thương tương đối mới mẻ là thương mại cửa khẩu. Tại khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên ở xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, có nhiều siêu thị và cửa hàng miễn thuế, giá rẻ hơn nội địa, nhất là các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như bia, rượu… Đối tượng chính của khu thương mại cửa khẩu Tịnh Biên là các khách hàng ở bên kia biên giới. Chỉ qua khỏi khu thương mại cửa khẩu 100 mét là đến cầu Xuân Tô, dài 345m, nằm ở Km 140 + 980 quốc lộ 91, hoàn thành ngày 19/8/2000, thuộc Dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long. Đi thêm một quãng là đến Km 142, nơi kết thúc quốc lộ 91, có đặt hai trạm kiểm soát biên giới của Việt Nam và Campuchia.
Mưu sinh thế nào thì ẩm thực thế ấy. Văn hóa ẩm thực của vùng đất An Giang vì vậy vô cùng phong phú. Nhưng có lẽ đáng chú ý đối với khách phương xa vẫn là các loại mắm và các sản phẩm của cây thốt nốt. Từ Long Xuyên đến Châu Đốc, Tịnh Biên, đâu đâu cũng thấy các loại mắm cá và trái thốt nốt, nước thốt nốt, đường thốt nốt bày bán đầy trong các chợ, siêu thị, quầy sạp. Tuy nhiên, mắm Châu Đốc đang mất khách vì được cho vào quá nhiều đường. Vì vậy, Hiệp hội thương hiệu mắm Châu Đốc gồm hơn 70 doanh nghiệp đang vận động bảo vệ thương hiệu, chấn chỉnh cách chế biến mắm để khôi phục danh tiếng của mắm Châu Đốc. Còn thốt nốt thì tỉnh An Giang hiện có khoảng 60.000 cây, mỗi cây cho 12 lít nước mỗi ngày. Người khai thác thốt nốt thường là người thuê lại của chủ cây, và họ phải leo lên tận ngọn cây mới có thể lấy nước từ bông thốt nốt. Nước lấy được để bán cho du khách, còn dư thì thắng làm đường thốt nốt. Tuy nhiên, chất lượng nước thốt nốt vào cuối mùa rất kém. Một chủ quán nước ở mặt tiền chợ Tịnh Biên cho biết vào cuối mùa, trái thốt nốt tuy lớn nhưng ít nước. Do đó, những chai đựng nước thốt nốt cuối mùa bày bán ở chợ Long Xuyên, chợ Tịnh Biên, trước các lăng đền khu vực núi Sam…, hầu như đều là nước thốt nốt pha đường, uống vô đau bụng. Còn đường thốt nốt thì có thể mua về để ăn và nấu chè, vì có hương vị thơm ngon đặc trưng, nhưng phải hỏi kỹ để tránh mua loại đường thốt nốt của Thái Lan, màu sáng hơn đường thốt nốt An Giang, nhưng hương vị kém hơn vì có pha đường mía. Ngoài ra, đặc sản ẩm thực mùa lũ nơi đây còn có chuột đồng và rắn. Vào mùa lũ, người ta chọn một mô đất cao giữa đồng, vun cành lá che kín cho chuột vào làm ổ, sau đó cắm lưới xung quanh, bắt chuột để bán hoặc làm món ăn, món nhậu. Chuột ngon nhất là chuột cống nhum, lớn hơn chuột lắt. Còn rắn các loại thì vây bắt ở các lùm bụi, cồn cao, nơi chúng tụ lại để tránh lụt. Rắn ngon nhất có lẽ là rắn chun, con lớn.
Dư thừa cá mắm, nên cái tinh túy của ẩm thực An Giang là những món ăn có mắm. Vào mùa nắng, những người đi bắt cá ở rừng tràm thường mang theo mắm sặc, ăn với cơm nắm. Nhiều món mắm đã đi vào các thực đơn cao cấp của nhà hàng. Tại nhà hàng Vườn Trầu trên đường Nguyễn Văn Nhung, thành phố Long Xuyên, chúng tôi đã có dịp dùng qua món lẩu mắm ăn với cơm và bún. Một món mà thực chất tổng hợp từ nhiều món: mắm cá linh nấu nhừ lọc lấy nước, kho với cá lóc bông còn tươi, thịt ba rọi, thịt ốc bươu, thêm xả, ớt. Cá tốt nhất phải là cá lóc đồng, có đuôi dựng đứng như thân (cá lóc nuôi có đuôi lật ngang vì mềm oặt); khi nấu vẫn còn tươi, khứa cá có một bên lõm, một bên lồi. Ăn với một hỗn hợp rau sống gồm bông điên điển, bạc hà, cà tím, đậu rồng, rau ngổ, tai tượng, cọng súng… Mặc dù được nấu trong nồi lẩu nhưng món này ít nước, vị khá mặn và khá cay, giống món mắm kho hơn là lẩu mắm. Rất ngon, nhưng nếu lỡ tay chan nhiều nước thì rất khó ăn.
Văn hóa cư trú của người Việt An Giang cũng tương đối đa dạng hơn những vùng lân cận, do địa hình đa dạng nơi đây. Đặc biệt nhất là loại hình nhà bè đã nói ở trên và loại hình nhà sàn, phổ biến ở khắp các vùng chịu lũ. Quan sát các gia cư trên cù lao Ông Hổ thuộc thành phố Long Xuyên, trên đường từ bến phà Ô Môi đến khu lưu niệm Tôn Đức Thắng, chúng tôi thấy hai bên đường đều là nhà sàn, chỉ một số ít đã đắp nền cao, chuyển thành nhà đất. Con đường hẹp chạy thẳng đến khu lưu niệm cũng đã được trải nhựa, tôn nền cao chống lũ. Trong khuôn viên rộng lớn của khu lưu niệm Tôn Đức Thắng (khánh thành vào năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Tôn 20/8/1888), có nhà trưng bày những hình ảnh và hiện vật liên quan đến hoạt động của Bác Tôn, như chiếc xe hơi dùng để chở Bác Tôn đi công tác ở thủ đô Hà Nội, chiếc chuyên cơ Yak đã đưa Bác Tôn từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ mừng chiến thắng 15/5/1975… Nhưng chúng tôi chú ý nhất là ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn: một căn nhà sàn bằng gỗ, lợp ngói âm dương, mặt sàn cách mặt đất khoảng 1,2m. Nội thất căn nhà là của một ngôi nhà Việt Nam bộ điển hình: ở nhà trước, ngay chính giữa đặt một bàn thờ khảm xà cừ, thờ đất nước ông bà. Hai bên bàn thờ là hai cửa buồng trổ xuống nhà sau. Phía trước bàn thờ đặt một bộ bàn ghế gỗ và một bộ ván gõ tiếp khách. Còn ngôi nhà của ông Trần Văn Nghiêm ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn nơi chúng tôi lưu trú trong chuyến điền dã thứ hai, là một ngôi nhà trệt vì nằm ngoài vùng lũ, chỉ tôn nền cao, bên trong chia thành các gian đặt bàn thờ và tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn.
Nhìn chung, sau hơn 20 năm Đổi mới, văn hóa cư trú của người Việt An Giang đã có đổi thay, ở nông thôn nhiều gia đình đã xây nhà gạch, nhà đúc thay cho nhà lá. Ở những nơi thủy bộ đều thuận lợi thì khi xây nhà, dân cư phần đông đã chọn đường bộ làm mặt tiền, đường thủy làm mặt hậu.
Do sông rạch chằng chịt, xây cầu làm đường quá tốn kém, nên giao thông đường bộ ở An Giang còn kém cỏi. Trong khi chờ đợi dự án xây cầu, người và xe từ thành phố Hồ Chí Minh đến An Giang vẫn buộc phải qua bắc Vàm Cống trên sông Hậu. Tương tự, từ nội thành thành phố Long Xuyên, muốn sang cù lao Ông Hổ, phải qua bến phà Ô Môi, nơi xưa kia là một bến đò, đến năm 2006 bến phà mới được đưa vào sử dụng, với hai chiếc phà hạng nhẹ, chở được các loại xe lôi, xe tải nhỏ, xe du lịch. Cư dân và du khách từ Châu Đốc đến vùng Chăm thì phải đến Bến phà Châu Giang, để qua sông Hậu. Ở thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu vẫn là những chiếc xe lôi đạp chở hàng kiêm chở khách. Xe tắc xi thì có chi nhánh của hãng Mai Linh, nhưng số lượng xe không nhiều, muốn đi phải gọi điện đặt xe. Giao thông đường thủy ở An Giang cũng không hoàn toàn tiện lợi vì phụ thuộc vào dòng chảy và con nước. Gần đây, tỉnh An Giang đã xây dựng Bến tàu Du lịch Châu Đốc, nằm trên đường Lê Lợi ở ven sông Hậu. Bến tàu này có sân đậu xe rộng rãi, có nhà hàng cà phê ngoài trời nhìn ra sông Hậu, chính giữa là cầu tàu nổi làm chỗ cặp bến cho các tàu ghe du lịch từ nội địa lên và từ Campuchia xuống.
Nhìn chung, An Giang vẫn còn nghèo nàn về phương tiện giao thông đường bộ. Mặc dù bất tiện, nhưng trên một địa bàn sông rạch chằng chịt với bốn tháng nước lụt hằng năm, phương tiện vận chuyển đường sông rõ ràng vẫn còn quan trọng đối với đời sống con người hơn là phương tiện giao thông đường bộ.
Kính mời Quý độc giả xem tiếp phần 2.
Diện mạo văn hóa đa tộc người – đa tôn giáo ở An Giang qua khảo sát điền dã
(Phần 2)
Trích dẫn tệp PDF từ: http://qlkh.hcmussh.edu.vn/
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)