Định chế tước phong thời Lê Sơ và vai trò của bộ lại trong việc ban phong tước vị
INSTITUTIONS OF THE CONFERMENT UNDER THE LATER LE DYNASTY
AND THE ROLE OF THE MINISTRY OF PERSONNEL
Tác giả bài viết: PHẠM HOÀNG MẠNH HÀ
(Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
TÓM TẮT
Tước vị là một tiêu chí để phân biệt đẳng cấp quan lại và người hoàng tộc, nhà Lê Sơ dựa trên tiêu chí “thân – sơ” của huyết thống hay nhiều – ít của công lao để ban phong và đặt ra những định chế nghiêm ngặt trong việc phong tặng. Một trong những chức năng của Lại Bộ là xem xét việc phong tước – điều này được Phan Huy Chú khẳng định trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, đây có thể xem là một trong những căn cứ chính để các nhà nghiên cứu sau Phan Huy Chú cũng như sử gia đương đại tìm hiểu về vai trò, nhiệm vụ của Bộ Lại. Tuy nhiên, căn cứ vào các hoạt động của Lại Bộ thời kì này, chúng tôi nhận thấy Bộ Lại thực chất chỉ là tổ chức thi hành việc ban phong tước vị mà vua Lê là đối tượng trực tiếp ban hành. Đặc biệt là từ năm 1470 trở về sau, định chế phong tước đã trở thành một trong những nội dung thuộc “luật nội bộ” của Hoàng triều.
Từ khóa: Tước vị, Lại Bộ, thời Lê Sơ.
ABSTRACT
In the monarchical era, the title is a criterion to distinguish the rank of mandarins and members of royalty. During the Later Le dynasty, the royal court established stringent institutions in conferring the title based on two basic criteria: the kinship and the merit for the dynasty. One of the functions of the Ministry of Personnel is to examine the conferment, which was affirmed by Phan Huy Chu with his famous work “Categorized Records of the Institutions of Successive Dynasties”. This can be considered as one of the main sources for successive historians to inquire the role of the Ministry. However, basing on the activities of the Ministry during this period, we found that this was just really the agency implementing the Emperors’ decision to grant the title. Especially from 1470 onwards, the institution of conferring noble titles became one of the contents of the “internal law” of the imperial court.
Keywords: The title, the Ministry of Personnel, the Later Le dynasty.
x
x x
1. Mở đầu
Tước phong và việc ban phong tước vị là một trong những đặc trưng, phản ánh yếu tố “quân chủ” của các triều đại Việt Nam trong lịch sử. Chủ đề này ít nhiều đã được tiếp cận và giải mã dưới một số góc độ, điển hình là các nghiên cứu sau đây:
Sử học bị khảo là một trong hai công trình sử học tiêu biểu của Đặng Xuân Bảng, khảo cứu về ba vấn đề: Thiên văn, Địa lí, và Quan chế. Quan chế được đề cập ở Quyển 4 [1; tr.475-607], tác giả tiếp cận và làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến quan chế từ thời Đinh tới “bản triều” (tức triều Nguyễn). Phần quan chế đời Lê tập trung vào các chức quan, nhân sự của các Bộ: Lại, Hộ, Lễ, Công cùng “lục khoa”, các cơ quan Ngự sử đài, Thông chính ty, “lục tự”, Hàn lâm viện, Thái y viện, Quốc tử giám, Tư thiên giám, Trung thư giám, Cung, Phủ… từ khi Lê Thái Tổ lên ngôi đến hết niên hiệu Hồng Đức (Lê Thánh Tông). Yếu tố “phẩm cấp” đã được Đặng Xuân Bảng giải mã trong tương quan với “chức quan”. Tuy nhiên, vấn đề tước phong được đề cập tương đối sơ lược. Đáng chú ý là tác giả Sử học bị khảo đã bác bỏ quan điểm Thượng trí tự, Đại trí tự, Trí tự là tước phong của Quế Đường Lê Quý Đôn. Chúng tôi sẽ đề cập quan điểm cá nhân về vấn đề này ở phần Nội dung.
– Nguồn gốc, sự phát triển của tước vị bước đầu đã được Đỗ Văn Ninh giải mã trong cuốn Từ điển chức quan Việt Nam [10]. Đây là một trong những chuyên khảo tương đối đầy đủ về chức, tước, phẩm, trật, tuy nhiên, do tính chất của cuốn sách (dạng sách tra cứu) nên đối tượng nghiên cứu chỉ được khảo cứu sơ lược.
Tổ chức bộ máy Nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884) của Nguyễn Minh Tường có nhiều đóng góp lớn về mặt khoa học. Tước vị và định chế phong tước thời Lê Sơ được tác giả đề cập ở chương VIII (Cách tuyển bổ quan lại và lệ phong tước) qua các vấn đề: tiêu chí phong tước, tên gọi các tước phong, điều kiện để được phong tước, song có lẽ do đối tượng nghiên cứu quá rộng, lại trải dài suốt gần 10 thế kỉ nên Lệ phong tước thời Lê Sơ chỉ được tập trung vào hai vương triều: Lê Thái Tổ và Lê Thánh Tông [13].
Trong phạm vi hẹp – triều Lê Thánh Tông, tước phong được đề cập tương đối kỹ lưỡng trong cuốn Tổ chức chính quyền trung ương dưới triều Lê Thánh Tông (1460 – 1497) của Lê Kim Ngân [7; tr.101-168]. Ở góc độ cá nhân, một số nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về chức, tước Nguyễn Trãi. Đáng kể là bài viết Những chức tước của Nguyễn Trãi trong cuộc đời tận tụy vì nước vì dân của ông của Ngô Thế Long trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1980, [6; tr.33-41] và Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình nhà Lê của Đinh Khắc Thuân [12]. Đây là những nghiên cứu chuyên sâu về chức, tước của một nhân vật.
Về vai trò của Bộ Lại, những ghi chép trong Lịch triều hiến chương loại chí có thể xem là căn cứ xác đáng để Lê Kim Ngân khẳng định chức năng “phong tước cho quan lại” của tổ chức này. Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu về quan, lại và quan chế thời Lê Sơ đều ít nhiều đề cập đến hoạt động phong tước khi tìm hiểu về tổ chức, vai trò của Lại Bộ.
Nhìn chung, việc phong tước thời Lê Sơ đã được nghiên cứu ở các khía cạnh: tên gọi, tổ chức của bộ Lại; quyền lợi và ràng buộc đối với người được ban phong… nhưng chưa thực sự đầy đủ. Hệ thống tước vị thời Lê Sơ cần tiếp tục được tìm hiểu ở những góc độ khác như quy định, thể chế ban phong tước vị và quan trọng là xác định giới hạn của Bộ Lại đối với công việc này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tước phong và định chế phong tước thời Lê Sơ
Về khái niệm, căn cứ một diễn biến lịch sử năm 1427, sau khi ban phong cho công thần, Bình Định vương Lê Lợi có khuyên nhủ: “Chức, tước đã cao, sớm khuya chớ có lơ là, không được thỏa mãn mà xao nhãng lập công” – có thể thấy, “chức” và “tước” là hai tiêu chí để phân cấp quan lại thời kì này.
Thời Lê Sơ, để có “chức”, người ta phải trải qua ba hình thức chính là thi cử (lệ khoa cử), giới thiệu (lệ bảo cử) hoặc dựa vào ân đức của cha ông mà được bổ dụng (lệ ấm sung) [7; tr.115-123]. Chức gắn với quan trường, biểu thị cho “quyền lực”. Tước không gắn với quan trường (trừ trường hợp quan lại được phong tước), biểu thị cho “đẳng cấp”, danh vọng.
Ở khía cạnh khác, “tước” là một dạng phần thưởng, được ban phong cho hoàng tông, quan lại (và một số đối tượng khác) dựa trên tiêu chí “thân – sơ” của huyết thống (với người hoàng tộc) hay nhiều – ít của công lao (với công thần, quan lại). Điều này được minh chứng bằng một nội dung trong lời hịch Lương Đắc Bằng viết năm 1509 khi kể tội vua Lê Uy Mục: Quan tước đã hết rồi vẫn thưởng tràn không ngớt, dân chúng đã cùng khốn còn vơ vét chẳng thôi! [5; tr.528]. Có thể căn cứ vào tước vị để xác định đẳng cấp, vị thế của người được ban phong.
Định chế tước phong thời Lê Sơ: Việc ban phong tước vị thời Lê Sơ chủ yếu được áp dụng với hai nhóm đối tượng: Hoàng thân và công thần, quan lại (thời Lê Sơ còn có hiện tượng ban thưởng tư cho “bách tích” – người già hơn 70 tuổi, nhưng không phổ biến).
– Tước Vương là tước vị cao nhất áp dụng với đối tượng thuộc hoàng tộc, thậm chí phải là trực hệ bề dưới của Hoàng đế. Ở đợt ban phong đầu tiên dưới thời vua Lê Thái Tổ, Hoàng tử nhà Lê Sơ chỉ được phong tước Quận công (Lương quận công, Khai quận công). Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tháng 7 Khai Quận công Lê Tư Tề mới được lập làm Quốc vương “giúp coi việc nước” (cũng thời gian này, Lương quận công Nguyên Long được lập Hoàng thái tử) [5; tr.355] – một thể thức theo chúng tôi là khác biệt so với các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê khi Hoàng tử không được lập tức phong Vương mà phải trải qua quá trình thăng tước.
Bước sang giai đoạn trị vì của Lê Nguyên Long thì định chế phong Vương cho người hoàng tộc từng bước được hoàn chỉnh. Sau khi lập rồi phế Nghi Dân, tháng 11 năm 1441, Lê Thái Tông lập Bang Cơ làm Hoàng thái tử. Cùng năm, người đứng đầu triều đình quân chủ đương thời phong Nghi Dân tước Lạng Sơn vương, phong hoàng tử Khắc Xương phong làm Tân Bình Vương. Đây có thể xem là sự kiện đặt nền móng cho định chế phong vương cho người hoàng tộc dưới thời Lê Sơ. Kể từ thời Lê Thái Tông trở về sau, tất cả hoàng tử của nhà Lê Sơ đều được phong tước vương.
Đến niên hiệu Quang Thuận, sau sự kiện Lê Thánh Tông xưng Quốc hoàng, định chế phong vương cho hoàng thân, quốc thích được văn bản hóa. Ngày 26 tháng 6 năm 1471, Hoàng đế Lê Thánh Tông hiệu định Hoàng triều quan chế, qua đó, việc phong Vương (tước) cho hoàng tộc tuân theo tiêu chí:
+ Hoàng tử (thân vương) được phong vương, lấy phủ làm hiệu như phủ Kiến Hưng thì hiệu là Kiến Hưng vương (Phan Huy chú chép là Kiến Xương vương [2; tr.627]).
+ Thế tử (Thân tự vương – con của Hoàng tử) lấy huyện làm hiệu, như huyện Hải Lăng thì hiệu là Hải Lăng vương [16; tr.369].
Quan chế cho hoàng tộc cùng với những quy định, cải cách của Lê Thánh Tông trở thành chuẩn mực để các đời vua sau áp dụng.
Dưới Vương (tước) là hệ thống “ngũ đẳng” gồm 5 tước phong, lần lượt từ cao xuống thấp là: Công 公, Hầu 侯, Bá 伯, Tử 子, Nam 男.
Ở Trung Quốc, hệ thống “ngũ đẳng” này đã định hình từ thời Đông Chu (770-221 TCN), còn tại Việt Nam, các vương triều nhà Ngô – Đinh – Tiền Lê bắt đầu sử dụng tước vị Vương, Công để ban phong. Đến thời Lê Sơ, đặc biệt là thời điểm vua Lê Thánh Tông đặt quy định về quan chế hoàng triều, việc phong tước thuộc “ngũ đẳng” tuân thủ những định chế sau:
– Tước Quốc công: chỉ xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông trở về sau, được dùng để ban phong cho hai đối tượng: công thần và người hoàng tộc với những định chế nghiêm ngặt về đối tượng, hiệu:
+ Với công thần, phải là người “công to, đức lớn”. Người được ban phong lấy phủ, huyện làm hiệu nhưng chỉ dùng một chữ (chữ đầu tiên của phủ, huyện). Ví dụ Thường quốc công – chữ “Thường” để chỉ phủ Thường Tín. Tuyên quốc công – chữ “Tuyên” tức phủ Tuyên Quang
+ Hoàng tộc: các con của Hoàng thái tử và Thân vương, dùng mỹ tự làm hiệu như Triệu Khang công.
– Tước Quận công: sau Khởi nghĩa Lam Sơn (tháng 2 năm 1428), tước vị này được dùng để ban cho Hoàng tử (Khai quận công Lê Tư Tề, Lương quận công Lê Nguyên Long). Trải suốt ba triều đại sau (Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân) lệ này vẫn được duy trì và phải đến niên hiệu Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông mới phong Quận công cho một số bề tôi có công lớn trong việc đưa Lê Tư Thành lên ngôi: Quỳ quận công Nguyễn Xí, Lân quận công Đinh Liệt.
Nguyên tắc ban phong tước Quận công tương đồng với Quốc công, cụ thể như sau:
+ Công thần: lấy phủ, huyện làm hiệu nhưng chỉ dùng một chữ, ví dụ Sùng quận công, chữ “Sùng” tức huyện Sùng An.
+ Hoàng tộc: áp dụng cho các con của Hoàng thái tử và Thân vương, dùng mỹ tự làm hiệu như Triệu Khang công.
– Tước hầu: Thời vua Lê Thái Tổ đa số quan lại, tướng sỹ có công lớn trong Khởi nghĩa Lam Sơn đều được phong hầu, gồm 9 cấp bậc: Huyện thượng hầu (Lê Vấn, Lê Sát, Lê Văn Xảo), Á thượng hầu (Lê Ngân), Hương thượng hầu (Lê Lý, Lê Văn Linh, Lê Quốc Hưng), Đình thượng hầu (14 người), Huyện hầu (14 người), Á hầu (26 người), Quan nội hầu (16 người), Quan phục hầu (16 người) và Trước phục hầu.
Thời Lê Nghi Dân, dù không giữ tất cả 9 tên gọi này nhưng định chế phong hầu bằng cách phân cấp vẫn được áp dụng. Nhiều quan lại nhà Lê Sơ được thăng hoặc ban tước hầu như: Á quận hầu (Nguyễn Xí, Đinh Liệt), Á thượng hầu (Lê Lăng), Đình thượng hầu (Lê Niệm), Á hầu (Lê Nhân Thuận), Quan nội hầu (Lê Nhân Khoái), Quan phục hầu (Trịnh Văn Sái).
Đến thời Lê Thánh Tông, việc ban phong hầu tước được “luật hóa”, theo đó thành tước phong cho trưởng nam của người có tước Công (Thân tự vương). Tước hầu của công thần và vương hầu, quý tộc được Lê Thánh Tông phân biệt bằng hiệu:
+ Nếu là công thần có công, đức sẽ lấy tên xã làm hiệu, dùng cả hai chữ: Nam Xương hầu (xã Nam Xương).
+ Với người hoàng tộc, tước hầu được ban cho Con trưởng của Thân tự vương hay Thân công, lấy mỹ tự (chữ đẹp) làm hiệu, ví dụ: Vĩnh Kiến hầu.
– Tước bá: không xuất hiện ở các triều đại trước Lê Thánh Tông, năm 1971, niên hiệu Hồng Đức, người đứng đầu nhà nước quân chủ Đại Việt đặt ra những quy định cụ thể trong việc phong bá tước, gồm hai đối tượng: quan lại và người hoàng tộc.
+ Công thần có công, đức được phong bá tước sẽ lấy tên xã làm hiệu, dùng cả hai chữ (giống như hầu tước): Diên Hà bá (xã Diên Hà).
+ Các đối tượng được phong bá tước của hoàng tộc gồm: Hoàng thái tôn, các con của Tự thân vương, Tự thân công và con trưởng của Thân công chúa. Hiệu là chữ đẹp (mỹ tự), ví dụ như Tĩnh Cung bá.
– Tước tử và tước nam: chỉ xuất hiện từ thời Lê Thánh Tông trở về sau, là tước phong tập ấm trong hoàng tộc – không áp dụng với quan lại [3; tr.149]. Vai trò của đối tượng được phong tử, nam rất nhạt nhòa, hầu như không xuất hiện trên vũ đài chính trị.
Định chế phong tử, nam được quy định năm 1471, cụ thể như sau:
+ Tước tử: Các con của Thân công chúa, và con trưởng của người có tước “hầu”, tước “bá” được phong, lấy mỹ tự làm hiệu (ví dụ Diên Xương tử).
+ Tước bá: Con trưởng của Thân công chúa được truy tặng và các con của tước “hầu”, tước “bá” được phong, lấy mỹ tự làm hiệu (ví dụ: Quảng Trạch nam).
Bên cạnh hệ thống 6 tước vị này đó, nhà Lê Sơ lại định thêm những hiệu khác nhau, tùy theo tính chất sự việc và đối tượng được ban phong, đáng kể là một số tước vị sau:
– Tước Trí tự: xuất hiện từ triều vua Lê Thái Tổ, được ban phong “cho những hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai”. Theo đó, có 52 người được ban tước Thượng trí tự, 72 người được ban tước Đại trí tự và 94 người được ban tước Trí tự.
Về tước phong này, hầu hết các nhà nghiên cứu đương đại đều khẳng định: Trí tự là tước nhưng không chứng minh hay đưa ra kiến giải cụ thể. Trong công trình Sử học bị khảo, Đặng Xuân Bảng lại đưa ra luận điểm trái ngược: Trí tự là huân, đồng thời khẳng định: Thượng trí tự Quan nội hầu (tước phong năm 1428 thời vua Lê Thái Tổ) bao gồm Huân – Thượng trí tự và Tước – Quan nội hầu [1; tr.595].
Tuy nhiên, căn cứ vào minh văn của Thụy Cung Vũ chi thạch bi (bia đá về nhân vật có tên thụy Cung Vũ – tức Lê Lộng), đặc biệt là chi tiết: Quang Thuận lục niên Ất Dậu lục nguyệt, thăng Nhập nội Kiểm hiệu Đại đô đốc, Bình chương sự; nhưng chưởng Nam đạo Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, Thượng Trí tự tước, tự Quan nội hầu lũy gia chí Huyện thượng hầu, viết Thượng trí tự tòng kim chế kì niên [14; tr.335-340].
Dịch nghĩa: Cuối tháng 6 năm Ất Dậu niên hiệu Quang Thuận thứ 6 thăng chức (cho Lê Lộng) Nhập nội kiểm hiệu Đại Đô đốc Bình chương sự. Lại được thăng Chưởng Nam đạo Đô đốc phủ, Tả Đô đốc, tước Thượng Trí tự. Từ tước Quan Nội hầu nhiều lần gia phong đến Huyện Thượng hầu, rồi đến Thượng Trí tự
Thụy Cung Vũ chi thạch bi đặt Quan nội hầu – Huyện thượng hầu – Thượng trí tự trong “tương quan thăng tiến” nên chúng phải tương đương về nội hàm, ý nghĩa (cùng là tước vị). Do đó, chúng tôi cho rằng chữ Trí là một tước phong đặc biệt dưới thời vua Lê Thái Tổ. Điều này có nghĩa giai đoạn đầu của nhà Lê Sơ có hiện tượng song tước. Một cá nhân được phong hầu nhưng nếu thuộc “hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết đột” sẽ được ban thêm tước Trí tự.
Trong Kiến văn tiểu lục [3; tr.149], khi khảo sát về 12 tước vị thời vua Lê Thái Tổ, nhà sử học Lê Quý Đôn thống kế từ Trí tự đến Huyện thượng hầu, không rõ đây là cách thống kê từ tước vị thấp nhất (Trí tự) đến cao nhất (Huyện thượng hầu) hay chỉ là những ghi chép ngẫu nhiên (?) bởi nếu căn cứ thông tin của Thụy Cung Vũ chi thạch bi (Từ tước Quan Nội hầu nhiều lần gia phong đến Huyện Thượng hầu, rồi đến Thượng Trí tự) thì Trí tự cao hơn hầu tước, Thượng trí tự là tước vị cao nhất.
– Tước Minh tự: được Lê Thái Tông ban phong cho Đạo Miện châu Nam Mã năm 1439 với hàm ý khen ngợi sự “sáng suốt” của người đứng đầu vùng đất trước đây thuộc Ai Lao nhưng tình nguyện quy thuận Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép sự kiện Lê Nhữ Tổ được ban tước Minh tự tháng tư năm 1434 nhưng không cung cấp thông tin về tước phong này [5; tr.367].
– Tư/Thông tư: Nhà Lê Sơ còn áp dụng thể lệ ban Tư. Lê Kim Ngân lí giải chữ tư xuất phát từ “tư cách” [5; tr.144]. Đại Việt sử ký toàn thư cho chúng ta thông tin, dù sơ lược nhưng rất quan trọng để hiểu Tư, đó là năm 1429 khi Lê Lợi về bái yết sơn lăng, các tướng và quân nhân theo hầu “mỗi người được thăng 1 tước bậc” [5; tr.359], những cá nhân đang có tước Thượng trí tự và Đại trí tự được thăng tước 1 tư.
Như vậy, phải chăng “tư” chưa phải tước mà chỉ là một bậc/ngạch của tước. Mỗi tước vị bao gồm nhiều bậc (tư), khi đủ tư sẽ thăng tước cao hơn?
2.2 Vai trò của Lại Bộ trong việc ban phong tước vị
Đề cập đến vai trò của Bộ Lại (Lại Bộ) trong bộ máy chính quyền quân chủ Việt Nam, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định, đại ý: đây là cơ quan chuyên trách trong công tác tổ chức quan lại. Nhận định này không sai nếu dựa vào những ghi chép của tác giả Lịch triều hiến chương loại chí:
– Chức vụ Lại bộ là cân nhắc nhân tài, tuyển bổ, khảo hạch, thăng giáng chức ty… (niên hiệu Dương Đức thứ ba – 1674).
Điều này tiếp tục được Phan Huy Chú khẳng định khi khảo cứu về quan chế nhà Lê Trung hưng sau đấy một năm (niên hiệu Đức Nguyên thứ hai, tức năm 1675): định sự lệ về chức vụ của sáu bộ, ba ty. Bộ Lại giữ công việc quan tước, chọn bổ, xét hạch, thăng giáng và các việc điền bổ, cấp cho (bổng lộc).
Lịch triều hiến chương loại chí còn ghi chép về chức năng của Lại Bộ những triều đại sau như:
– Năm Cảnh Hưng thứ 12 (năm 1751): cân nhắc nhân vật, bổ dùng các quan chức trong ngoài.
– Năm Chiêu Thống thứ nhất (1787), Chức vụ Lại bộ là chuyên giữ công việc trao quan phong tước, chọn bổ, xét hạch, thăng giáng và các việc điền bổ (chức khuyết), cấp cho (bổng lộc) [2; tr.574, 576, 584, 597].
Từ thông tin của Lịch triều hiến chương loại chí, Lê Kim Ngân khái quát ba chức năng chủ đạo của Lại Bộ: Tuyển bổ và lựa chọn, khảo xét và thăng giáng, phong tước cho quan lại [7; tr.54-56].
Với hai chức năng đầu (tuyển bổ và lựa chọn, khảo xét và thăng giáng quan lại): Trên thực tế, việc Lại Bộ phụ trách công tác thăng – bổ quan chức đã được khẳng định từ tháng 7 năm 1461 với sự kiện “Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Như Đổ cùng Nguyễn Thiện đề cử Đỗ Bất Một làm Tổng tri vệ Bắc Bình” [5; tr.428]. Đến năm 1467, dấu ấn của Lại Bộ trong công tác quan lại càng trở nên rõ nét, qua một số dẫn chứng sau:
– Đầu tháng 4 năm 1467, (Lê Thánh Tông) “hạ lệnh cho quan Lại bộ rằng: các chức quan văn võ, người nào chân trắng mới bổ và những người bị giáng chức hay đã nghĩ việc, đều làm bằng ban cấp cho”.
– Năm 1467, Lại bộ Thượng thư Nguyễn Như Đổ tâu rằng: Những người thi hội đỗ kì thi thứ hai và kì thi thứ ba, sung bổ lại viên các nha môn, nay thi đỗ giáo chức, nên bổ vào các chức kinh lịch.
Kể từ đây đến hết thời Lê Sơ, công tác quan lại được giao hẳn cho Bộ Lại. Tổ chức này trở thành cơ quan chuyên trách trong tuyển bổ, thăng giáng, khảo xét, sa thải, điều chuyển quan lại.
Tuy nhiên, ở chức năng thứ ba (phong tước cho quan lại), câu hỏi đặt ra là: giới hạn của Lại Bộ trong công tác quan lại ở mức độ nào?
Xét các sự kiện:
– Tháng 2 năm 1428, Lê Thái Tổ tiến hành “Đại hội các tướng và các quan văn võ để định công, ban thưởng (trong có có ban phong tước vị).
– Năm 1435, vua Lê Thái Tông quyết định thưởng tư cho quan lại, theo tiêu chí “thâm niên, siêng năng, tài cán” [5; tr.351,380].
Chứng tỏ ban phong tước vị là đặc quyền của người đứng đầu nhà nước quân chủ Lê Sơ. Hoàng đế trực tiếp xét định công lao và ban thưởng, cũng là người định ra tiêu chí (không có vai trò của Lại Bộ trong các sự kiện này).
Tiến thêm một bước, đến niên hiệu Quang Thuận, Lê Thánh Tông đã “luật hóa” việc phong tước bằng những quy chuẩn nghiêm ngặt khi hiệu định quan chế hoàng triều (đặt ra quy định phong Vương tước – Công tước – Hầu tước – Bá tước – Tử tước – Nam tước, Trí tự, Minh tự, Thông tư… mà chúng tôi đã đề cập). Ở góc độ biện pháp trừng phạt, các hình thức bãi tước, biếm tư cũng do đích thân vua Lê ra quyết định.
Định chế phong tước trở thành một trong những nội dung của Quốc triều hình luật (như Điều 22, 27, 45 chương Danh lệ, Điều 4, 42 chương Vệ cấm; Điều 2, 43, 51 chương Vi chế…) cho thấy, bất kì đối tượng nào tự ý ban phong (thậm chí chỉ là thêm bớt phẩm, trật) đều bị trừng trị đồ hoặc lưu (Điều 106, chương Vi chế) [15; tr.93]. Nói cách việc, chỉ duy nhất người đứng đầu nhà Lê Sơ mới được ban phong tước vị. Sắc dụ hiệu định quan chế ngày 26 tháng 9 năm 1471 (niên hiệu Hồng Đức) khẳng định: “Kẻ nào dám viện dẫn tiền chế, càn rỡ nghịch bàn một chức quan, thay đổi một chức vụ đấy là kẻ bề tôi phản nghịch, làm loạn hiến pháp, sẽ phơi thây ngoài chợ!” [16; tr.367-368].
Vậy thì nhận định “Bộ Lại giữ công việc quan tước, chọn bổ, xét hạch, thăng giáng và các việc điền bổ, cấp cho” của Phan Huy Chú [2; tr.597] nên chăng cần hiểu và giới hạn “công việc quan tước” của Lại Bộ trong phạm vi thi hành lệnh vua và từ ngày 26 tháng 9 năm 1471(Thiên Nam dư hạ tập chép là năm 1470) trở về sau là thực thi theo quan chế mà vua Lê Thánh Tông ban hành (Hoàng triều quan chế).
Việc thực thi này chỉ được áp dụng trong một số trường hợp nhất định và tiến hành theo trình tự như sau:
+ Với quan lại, quý tộc đương chức: Từ những thông tin của quan Chính đường đưa sang, Lại Bộ sẽ căn cứ vào Hoàng triều quan chế để ra sắc mệnh công nhận.
+ Với quan lại, quý tộc đã khuất: chiếu theo văn bản của Bộ Lễ gửi sang, Lại Bộ dựa trên chức, tước, phẩm hàm được triều đình truy tặng (cho người quá cố) để ra sắc mệnh (phê duyệt) rồi chuyển về cho Bộ Lễ để Bộ Lễ chính thức ban hành (đây thực tế là quy định cho Lại Bộ dưới thời Lê Chiêu Thống (1786-1789). Tuy nhiên, Phan Huy Chú có chú thích: Nhà vua ra lệnh tham chiếu quan chế cũ đời Hồng Đức, chúng tôi hiểu quan chế thời Chiêu Thống tương đồng với quan chế thời Hồng Đức [2; tr.549].
3. Kết luận
Tước vị là một tiêu chí để phân biệt đẳng cấp quan lại và người hoàng tộc, nhà Lê Sơ. Tùy theo công trạng hay huyết thống mà đối tượng ban phong sẽ được thụ hượng các tước phong (từ cao xuống thấp), lần lượt là: Vương tước, Công tước (Quốc công và Quận công), Hầu tước (được chia thành nhiều bậc), Bá tước, Tử tước và Nam tước – đây là những tước phong truyền thống, ít nhiều đã xuất hiện ở các triều đại quân chủ trước Lê Sơ.
Với những đối tượng đặc biệt như công thần, nghĩa sĩ tham gia và có đóng góp lớn trong Khởi nghĩa Lam Sơn, quan lại về hàng… nhà Lê Sơ còn định thêm một số tước phong khác như tước chữ: Trí tự, Minh tự. Ngoài ra, trong từng cấp bậc tước phong, người đứng đầu nhà nước Lê Sơ còn sử dụng tiêu chí Tư để phân định cao thấp.
Mọi chuyển động liên quan đến tước vị được ban phong, từ đối tượng, điều kiện, thời điểm đều do người đứng đầu nhà nước Lê Sơ quyết định. Kể từ sau cải cách của vua Lê Thánh Tông, với sự xuất hiện và được kiện toàn về nhân sự, cơ cấu, nhiệm vụ, Lại Bộ trở thành cơ quan chuyên trách về tuyển bổ, lựa chọn cũng như khảo xét và thăng – giáng nhưng chỉ ở góc độ chức vụ, quyền hạn của quan lại.
Căn cứ và nhiều diễn biến thời kì này, bước đầu có thể khẳng định: Bộ Lại không có vai trò trong việc ban phong cũng như ra hình phạt với người có tước vị mà chỉ là tổ chức thừa hành những định chế của người đứng đầu nhà nước quân chủ Lê Sơ về tước phong.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đặng Xuân Bảng, 1997. Sử học bị khảo, bản dịch. Viện Sử học & Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997.
[2] Phan Huy Chú, 1960. Lịch triều hiến chương loại chí (bản dịch của Viện Sử học). Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Lê Quý Đôn, 2007. Kiến văn tiểu lục, (bản dịch của Viện Sử học). Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
[4] Nguyễn Duy Hinh, Thử tìm hiểu quan chế phong kiến Việt Nam so sánh với quan chế Trung Quốc, trích tập Văn minh nhà nước. Đề tài Khoa học mã số 06-03.
[5] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, 1272 – 1697. Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 – 1992). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993 (phiên bản điện tử của tác giả).
[6] Ngô Thế Long, 1980. Những chức tước của Nguyễn Trãi trong cuộc đời tận tụy vì nước vì dân của ông, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1980, tr.33-41.
[7] Lê Kim Ngân, 1963. Tổ chức chính quyền dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn.
[8] Đặng Kim Ngọc, 2011. Chế độ đào tạo và tuyển dụng quan chức thời Lê Sơ. Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc tử giám, Hà Nội.
[9] Lê Trọng Ngoạn, Ngô Văn Ban, Nguyễn Công Lý, 1997. Lược khảo và tra cứu về học chế quan chế ở Việt Nam từ năm 1945 trở về trước. Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.
[10] Đỗ Văn Ninh, 2002. Từ điển chức quan Việt Nam. Nxb Thanh niên, Hà Nội.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, 2007. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập 1. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[12] Đinh Khắc Thuân, 2002. Chức quan của Nguyễn Trãi và vị thế của ông trong triều đình nhà Lê. Tạp chí Hán Nôm, số 4 năm 2002.
[13] Nguyễn Minh Tường, 2015. Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ Việt Nam (từ năm 939 đến năm 1884). Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[14] Phạm Thị Thùy Vinh – Ch.b, 2014. Văn bia Lê Sơ tuyển tập. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[15] Viện nghiên cứu Hán – Nôm, 2006. Quốc hình triều luật, trong cuốn Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập I: Từ thế kỉ XV đến XVIII. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[16] Viện nghiên cứu Hán – Nôm, 2006. Thiên Nam dư hạ tập, trong cuốn Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam, Tập I: Từ thế kỉ XV đến XVIII. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[17] Viện sử học, 2007. Lịch sử Việt Nam, tập 3. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguồn: HNUE JOURNAL OF SCIENCE
DOI: 10.18173/2354-1067.2019-0013
Social Sciences, 2019, Volume 64, Issue 2, pp. 111-119
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Định chế tước phong thời Lê Sơ và vai trò của bộ lại trong việc ban phong tước vị (Tác giả: Phạm Hoàng Mạnh Hà) |