Dinh Trấn Thanh Chiêm với công cuộc mở cõi và mở cửa của các chúa Nguyễn

Tác giả bài viết: HUỲNH VĂN MỸ
(Nhà báo)

     Đến Quảng Nam, kề sát bờ bắc cầu Câu Lâu – cây cầu dài gần ngàn mét bắc qua sông Thu Bồn trên Quốc lộ 1A – du khách sẽ ấn tượng ngay với một thị tứ nổi tiếng với các nhà hàng bê thui đặc sản lúc nào cũng nườm nượp khách. Đây chính là mặt tiền của làng Thanh Chiêm – thủ phủ của dinh Quảng Nam, nơi hơn hai trăm năm trước ngay sát cổng thành là đoạn sông rợp bóng thuyền của đoàn thủy quân hùng hậu của chúa Nguyễn cùng các thương thuyền của nước ngoài. Hơn 400 năm trôi qua với gần 200 năm tồn tại, tiếng tăm về đô lỵ Thanh Chiêm của một Quảng Nam dinh từng được người nước ngoài gọi là “Quảng Nam quốc” vẫn đọng lại nơi ký ức cư dân. Không chỉ là cánh cổng mở đất nước rộng về Nam cả từ đất liền đến biển đảo, dinh trấn Thanh Chiêm còn là cửa ngỏ mở ra sự giao thương, hội nhập với bên ngoài cho một công cuộc kinh dinh, khai phóng kịp thời của dân tộc từ một tư duy chiến lược của cha ông…

Dinh trấn cho sách lược mở

     Nơi đặt đô lỵ – lớn là của một quốc gia, nhỏ là của một tỉnh, huyện luôn đóng vai trò trọng yếu với sự thịnh/suy, tiến/thoái của đất nước hay của vùng đất đó ở nhiều phương diện. Bởi vậy, từ xa xưa, việc chọn đất để “đóng đô” luôn được các vua chúa, các thủ lĩnh điều nghiên cẩn trọng, bên cạnh thuật phong thủy có khi các yếu tố ngoại cảm cũng được vận dụng vào.

     Nói đến công cuộc mở cõi về phương Nam, về sự ra đời của vương triều Nguyễn, có lẽ không thể không nhắc tới lời chỉ báo kín nhiệm mà chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) nhận được từ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân sau khi người anh ruột của ông là Nguyễn Uông bị người anh rể Trịnh Kiểm ám hại. Việc Nguyễn Hoàng được Trịnh Kiểm “chuẩn thuận” để vua Lê cho phép “vượt Hoành Sơn” vào trấn thủ đất Thuận Hóa năm Mậu Ngọ – 1558 là một mốc lịch sử quan trọng, từ đó mở ra một vận hội lớn cho dân tộc trong việc mở mang bờ cõi về Nam, tiếp cận, giao lưu với nền văn minh mới phương Tây. Có thể nói biến chuyển đầu tiên tạo thế và lực cho Nguyễn Hoàng là việc ông được kiêm quản đất Quảng Nam vào năm 1570 với vai trò tổng trấn đất Thuận Quảng (Thuận Hóa – Quảng Nam), bởi trước đó Quảng Nam là một trấn riêng, vẫn do các trấn thủ là người thân tín với Trịnh Kiểm nắm giữ. Từ dinh trại ở Ái Tử (Triệu Phong, Quảng Trị) Nguyễn Hoàng cai quản cả một cương vực kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Định ở miền xuôi, và cả đến Gia Lai, Kon Tum ở mạn ngược – một lợi thế lớn cả về kinh tế lẫn quân sự cần được phát huy để có thực lực khi phải đối địch với Trịnh Kiểm ở phía Bắc – điều khả dĩ sẽ xảy đến vốn đã được ông tiên liệu. Và Nguyễn Hoàng đã phát huy được những thế mạnh này – nhất là về kinh tế – trong một thời gian không dài. “Vượt Hoành Sơn” vào vùng đất mới, chỉ trong 40 năm, Nguyễn Hoàng đã tạo được một vùng kinh tế khá giả nhờ biết đẩy mạnh việc chiêu dân khẩn hoang lập ấp, tạo cuộc sống no đủ cho dân cư với nền chính sự khoan dung, độ lượng. Ngoài đóng góp vượt mức vào quốc khố của vua Lê, Nguyễn Hoàng còn mang quân ra Bắc giúp nhà vua dẹp trừ dư đảng của nhà Mạc, những việc làm vừa để thể hiện được vai trò một tôi trung, tướng giỏi, vừa để nuôi dưỡng tiềm lực cần thiết cho tham vọng của mình nơi vùng đất mới. Và mãi đến năm 1600 Nguyễn Hoàng mới tách hẳn khỏi sự thống thuộc triều Lê vốn do chúa Trịnh nắm thực quyền và khuynh loát mọi việc để mở đầu cho việc xây đắp giang sơn phía Nam của mình.

     Phải nhìn lại như vậy, để thấy sự ra đời của dinh trấn Thanh Chiêm sau hơn 40 năm Nguyễn Hoàng “vào Nam” và sau 38 năm trấn Quảng Nam được thống thuộc vào sự quản lĩnh của Tổng trấn Thuận Quảng – Nguyễn Hoàng là “kịp thời” chứ không là chậm trễ. Và, chuyến thị sát kéo dài từ đèo Hải Vân đến đất Điện Bàn của Quảng Nam để ra quyết định thành lập dinh lỵ Thanh Chiêm cho Quảng Nam dinh của Nguyễn Hoàng vào năm 1602 được xem là một mốc lịch sử quan trọng kế tiếp, mở ra sự phát triển đa diện của “vương quốc Đàng Trong” – một danh xưng vốn được người nước ngoài lúc bấy giờ quen dùng. Đây là sự chín muồi sau những thao thức vực dậy đúng mức tiềm lực vùng đất này của Nguyễn Hoàng, bởi ông đã nhận ra sự đắc địa của một Thanh Chiêm hậu cứ cho chính dinh ở phía Bắc nhưng lại là tiền trạm cho cuộc mở cõi chỉ có thể nghĩ đến ở phía Nam. Thanh Chiêm nằm kề ngay bên đoạn đường thiên lý Bắc – Nam, đi ngang qua vùng đất mới vốn được nhà Hồ xây đắp khi Hồ Hán Thương đưa di dân từ miền Bắc đến vùng này khởi từ năm 1402. Nó lại cũng nằm sát bên đoạn cuối của đại giang Thu Bồn, nơi chỉ cách hải khẩu Đại Chiêm (Cửa Đại) dưới mươi cây số về hướng Đông. Nối dinh trấn với hải lộ, điểm tối ưu về lợi thế quân sự của Thanh Chiêm được tỏ rõ bởi thủy quân được coi là thế mạnh của chúa Nguyễn Hoàng.

     Chọn Thanh Chiêm làm đô lỵ cho Quảng Nam dinh, Nguyễn Hoàng đã hiện thực hóa được sách lược kinh tế xuất phát từ một tầm nhìn đầy viễn kiến của mình. Trước khi dinh trấn Thanh Chiêm được thành lập, các hoạt động giao thương giữa cư dân với thương nhân nước ngoài đến từ các tàu viễn dương đã diễn ra lác đác ở các cửa khẩu chính trong vùng. Để đẩy mạnh, làm phát đạt loại hình giao thương mới mẻ nhưng hứa hẹn sẽ làm lợi cho vùng đất mở này cần phải có một bến càng chính cho các thương thuyền nước ngoài cập bến giao thương – một cảng thị; phải có một cơ chế quyền lực quản lý các hoạt động giao thương theo những khuôn khổ quy định, trong đó có quy chế thuế quan, quy chế bảo hộ, giám sát các hoạt động giao thương… Dinh trấn Quảng Nam, với dinh lỵ Thanh Chiêm với cảng thị Hội An – nơi chỉ cách Thanh Chiêm chừng 7 – 8 cây số đường thủy cũng như đường bộ – được thành lập chính là để đáp ứng cho chiến lược mở mang, phát triển vùng đất rộng lớn này. Quảng Nam dinh có vai trò, sứ mệnh trọng yếu như vậy nên ngay sau khi thành lập – 1602, chúa Nguyễn Hoàng đã chọn người con thứ 6 – người con lớn nhất – là Nguyễn Phúc Nguyên (1563 – 1635) theo mình “vượt Hoành Sơn” làm trấn thủ. Quản nhiệm một vùng đất lớn với trọng trách bao trùm cả về quân sự lẫn nội trị, nhất là về hoạt động kinh tế đối ngoại, dinh trấn Thanh Chiêm/Quảng Nam là môi trường đào luyện, thử thách năng lực của người đứng đầu dinh trấn để qua đó sẽ nối nghiệp chúa sau này. Cách đào tạo người nối nghiệp này của chúa Nguyễn Hoàng đã được các vị chúa về sau noi theo triệt để, nhờ vậy, tạo được sự ổn cố cho nghiệp chúa, bảo đảm cho sự phát triển không ngừng của vùng đất Đàng Trong.

     Viếng cảnh phố cổ Hội An – di sản văn hóa thế giới hôm nay, nghĩ về xuất phát điểm, về sự dẫn khởi của di sản này thật cảm kích về tư duy chiến lược của chúa Nguyễn Hoàng. Cái tầm nhìn chiến lược đó của ông có thể nói gọn bằng một từ mở. Khái niệm mở với một nhà lãnh đạo bao hàm nhiều yếu tố trên nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói gọn ấy là khi nhà lãnh đạo có những đường lối mới, thoáng rộng, cấp tiến, dám phá bỏ, vượt qua những gì được coi là khuôn mẫu nhưng không còn phù hợp cho nhu cầu phát triển, tiến bộ của xã hội. Trên tất cả, cái mở ấn tượng nhất của chúa Nguyễn Hoàng là đã thiết lập nền giao thương hay đúng hơn là một chính sách kinh tế đối ngoại đầy mới mẻ cho nước ta mà nổi bật là việc mở ra cảng thị Hội An. Sẽ khó nhận ra hết tầm nhìn thời đại của chúa Nguyễn Hoàng, nếu thiếu những dữ liệu được ghi nhận về thực trạng ngoại thương của nước ta cũng như các nước trong vùng trong các giai đoạn liên quan từ các nguồn bên ngoài.

     Từ những thư tịch sưu tầm được ở nhiều nước quan hệ, TS. Li Tana cho biết Nguyễn Hoàng coi ngoại thương là thế mạnh kinh tế quốc gia, mà với ông là vùng đất dưới quyền mình quản lĩnh. Bởi vậy, cho việc giao thương với nước ngoài vì mục tiêu hưng quốc lợi dân, từ 1601 đến 1606, hàng năm chúa Nguyễn Hoàng và Mạc phủ Tokugawa (chính quyền quân sự của nước Nhật) đều có trao đổi thư từ với nhau, trong đó chúa luôn tỏ ra là “người bạn hàng” hăm hở hơn và luôn đóng vai chủ động. Trong khi đó, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài không có quan hệ chính thức với chính quyền Nhật Bản cho đến lần tiếp xúc vào năm 1624, nhưng lần này cũng chỉ với một cách miễn cưỡng! “Nhà nước Đại Việt thường tỏ ra không mấy có thiện cảm đối với việc buôn bán nói chung và đối với ngoại thương nói riêng. Chư phiên chí, cuốn sách của một du khách người Trung Hoa xuất bản vào thế kỷ XIII đã tóm tắt thái độ đặc biệt này của nước Đại Việt đối với việc buôn bán trong một câu ngắn gọn: Xứ này không buôn bán (với người nước ngoài). Và mãi đến giữa thế kỷ XV, Việt Nam và vùng Luzon (Philippines) vẫn chưa giao thương với nước ngoài, trong khi Xiêm (Thái Lan) và Malacca đã có nền ngoại thương khá mạnh…”. Vậy mà… “Số thương thuyền tới buôn bán với Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII đã vượt xa số thương thuyền tới buôn bán với Xiêm, Cao Miên. Vương quốc của chúa Nguyễn được đặt ở đầu danh sách các nước ở lục địa Đông Nam châu Á có thương mại với Nhật Bản…”. Những so sánh trên đây của nhà sử học Li Tana đã cho thấy sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của nền ngoại thương Đàng Trong, được chúa Nguyễn Hoàng khai mở khi dinh trấn Thanh Chiêm và cảng thị Hội An ra đời.

     Một điểm nhấn quan trọng và đầy ấn tượng trong sách lược kinh tế đối ngoại mở của chúa Nguyễn Hoàng và các chúa tiếp theo ấy là việc các chúa cho phép thương nhân người Nhật Bản, người Trung Hoa được mua đất để làm nhà, làm cơ sở kinh doanh, xây chùa chiền, hội quán để định cư lâu dài tại cảng thị Hội An. Từ cơ chế thông thoáng đó, một số thương nhân hai nước này đã lập nên hai phố buôn riêng biệt cho mình: phố người Hoa, phố người Nhật. Không muốn lập phố buôn, các thương nhân phương Tây chỉ lập thương điếm, cũng rất thuận lợi cho việc buôn bán của họ tại cảng thị Hội An. Quả là từ chúa Nguyễn Hoàng, từ Thanh Chiêm – Hội An bầu khí thời đại thương nghiệp đã tỏa lan đến mọi miền trong vùng, chia sẻ được cho cư dân phần nào những thành tựu của trào lưu thương nghiệp mang tính thế giới này.

     Hơn 200 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh, tư liệu về Thanh Chiêm được lưu lại từ người nước ngoài vẫn có thể cho người hôm nay có được một cái nhìn khá cận cảnh về vai trò, uy thế của dinh trấn này đối với hoạt động ngoại thương ở cảng thị Hội An và cả khu vực Đàng Trong. Về hình ảnh, đơn cử là bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ (vượt biển đến buôn bán với người Giao Chỉ), do Nhật kiều Chaya Shinroku ở Hội An thời đó vẽ, được lưu giữ ở chùa Jomyo-ji tại Nagoya, được các nhà khảo cổ Nhật Bản tặng cho huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hồi năm 2000. Một phần của bức tranh là tòa hành dinh Thanh Chiêm với vẻ uy nghi, những thương nhân nước ngoài vào đây liên hệ công việc tỏ dáng điệu hết sức cung kính, nghiêm cẩn.

     Về biên khảo, một tác giả người Hoa hồi thế kỷ XVII đã mô tả quyền lực của vị trấn thủ Quảng Nam tại dinh lỵ Thanh Chiêm trong tác phẩm Đông Tây dương khảo của mình khá cụ thể: “Viên trấn thủ Quảng Nam đứng đầu hết tất cả các tiểu địa hạt trong vùng, còn mạnh hơn cả Đàng Ngoài. Tân Châu (Quy Nhơn) và Đề Gi (hải cảng Đề Gi) tất cả đều triều cống cho Quảng Nam. Tàu đến Xinchou và Ti-yi để buôn bán phải bỏ ra nhiều ngày để đến Quảng Nam nộp thuế ở đó. Trấn thủ Quảng Nam cũng ban thẻ gỗ cho các thương gia. Trước tấm thẻ gỗ này người ta phải luôn luôn cúi chào rồi mới được đi. Danh tiếng Quảng Nam quả gây ấn tượng thực sự…”. Kể ra, cũng không gì quá đáng bởi chính uy lực bao trùm của vị “vua trẻ” của “Quảng Nam quốc” tại dinh lỵ Thanh Chiêm đã bảo hộ cho toàn bộ hoạt động giao thương của các thương nhân nước ngoài trong cõi Đàng Trong.

Nơi mở màn chữ Quốc ngữ

     Cánh cửa hội nhập thời đại thương nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng không chỉ góp phần đưa nền kinh tế Đàng Trong thăng tiến, tạo nguồn lực cần có cho việc mở rộng cõi bờ về phương Nam, mà còn đón nhận những giá trị văn hóa mới từ phương Tây, làm giàu thêm cho nền văn hóa truyền thống dân tộc. Chữ Quốc ngữ – tức chữ Việt – kịp thời xuất hiện trên bản đồ chữ viết thế giới là sản nghiệp to lớn từ cuộc mở cửa giống như một cuộc đại khai phóng từ hơn 400 năm trước của ông cha.

     Như đã biết, chữ Quốc ngữ được tạo lập từ mẫu tự Latinh do các giáo sĩ Dòng Tên đến nước ta truyền đạo Công giáo hồi đầu thế kỷ XVII “chế tác” ra với sự trợ lực của một số người Việt bản địa. Các giáo sĩ Dòng Tên đến Hội An lập cư sở truyền đạo hồi năm 1615, rồi sau mới đó đến lập thêm cư sở ở dinh trấn Thanh Chiêm. Để sứ vụ truyền giáo của mình được thuận lợi lâu dài, các giáo sĩ phải học tiếng Việt, phải tìm cách để ghi lại tiếng Việt bằng mẫu tự Latinh vốn có của mình. Với việc làm này, họ đã có được kinh nghiệm tự thân hay học hỏi từ các giáo sĩ đồng môn qua việc truyền giáo ở Nhật Bản trước đó từ việc chế tác nên chữ Nhật Latinh hóa – tức chữ Nhật mới romaji.

     Chuyến tàu buôn chở ba tu sĩ Dòng Tên, gồm: hai giáo sĩ Francesco Buzomi (người Ý), Diego Carvalho (người Bồ Đào Nha) cùng tu huynh Antonio Dias (người Bồ Đào Nha) từ Ma Cao (Áo Môn) cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18.01.1615 được cho là sự mở màn cho việc “gieo trồng” chữ Quốc ngữ ở nước ta. Từ Cửa Hàn, giáo đoàn Buzomi đã đến Hội An để tìm cách lập cư sở, bởi đây là trung tâm thương mãi lớn nhất ở Đàng Trong và cũng cả ở Đông Nam Á – như nhà sử học Li Tana nhận định, có hai khu phố buôn của người Hoa, người Nhật cùng các thương điếm của các thương nhân người Bồ Đào Nha. Riêng Nhật kiều ở đây, hầu hết là tín đồ Công giáo, họ cần các vị giáo sĩ vốn biết ít nhiều tiếng Nhật này giúp đỡ cho sinh hoạt tôn giáo của mình, đối lại, họ sẽ giúp làm thông ngôn tiếng Việt cho các giáo sĩ giao tiếp với cư dân.

     Nhưng việc truyền đạo ở cư sở Hội An vẫn còn khó khăn bởi trình độ tiếng Việt của các Nhật kiều thông ngôn này vẫn còn khá hạn chế. Đã vậy, một bất trắc lại ập đến với giáo đoàn vào năm 1617: cho rằng các giáo sĩ này mang đến một tôn giáo “sai trái đạo lý” khiến trời làm hạn hán, một số sư sãi và cư dân đã yêu cầu chính quyền trục xuất họ ra khỏi địa phương. Dù không tin là vậy, nhưng để yên lòng dân, thế tử Nguyễn Phúc Kỳ – trấn thủ Quảng Nam, đành buộc các giáo sĩ tạm lùi về Ma Cao một thời gian. Nhưng trong rủi có may, giữa lúc giáo đoàn Buzomi đang trú sóng gió ở một bãi hoang ở biển Đà Nẵng, một vài người lại đang gặp bệnh, họ lại được tri phủ Hoài Nhơn là Cống quận công Trần Đức Hòa – em kết nghĩa của chúa Nguyễn Hoàng – giang tay đón nhận giáo đoàn này. Ông đưa giáo đoàn vào địa hạt của mình, cho họ lập cư sở tại cảng Nước Mặn – 1618 (nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) và dành cho nhiều giúp đỡ lớn lao.

     Thêm một cơ duyên cho sự hình thành chữ Quốc ngữ: năm 1617 cũng là thời điểm Francisco de Pina (1585 – 1625) – vị giáo sĩ người Bồ Đào Nha giỏi về ngôn ngữ học từ Ma Cao đến Hội An. Thật may mắn, sau những ngày phải lẩn trốn ở khu phố Nhật, khi vào cư sở Nước Mặn, Pina được thỏa lòng giao tiếp, học hỏi ngôn ngữ Việt từ những Nho sĩ, những sư sãi cải đạo, những người trẻ tinh tấn mới tòng đạo. Nhờ vậy, khi việc trục xuất các giáo sĩ của nhà cầm quyền Thanh Chiêm đã nguôi ngoai, khi trở lại cư sở Hội An rồi đến Thanh Chiêm lập cư sở kề bên tòa hành dinh của dinh trấn vào năm 1623, giáo sĩ Pina đã gần như tạo được một “giáo trình” nói – viết tiếng Việt ở giai đoạn phôi thai. Từ vốn liếng ban đầu đó, tiếp tục học hỏi tiếng Việt tại cư sở mới do mình lập nên với khá nhiều thuận lợi có được, chẳng bao lâu Pina đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt mà không cần thông ngôn, trở nên là vị giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên làm được điều này.

     Những cơ duyên tạo điều kiện ắt cần và đủ cho việc Latinh hóa tiếng Việt – tức tạo lập chữ Quốc ngữ, dường như luôn đến đúng lúc, kịp thời. Đó là sự có mặt tiếp theo của giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1591 – 1660, được quen gọi là Alexandre de Rhores). Biên niên về lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ, bên cạnh tên tuổi của Pina, có lẽ là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, người đến Hội An – Thanh Chiêm vào năm 1624. Có thể nói cuộc gặp gỡ giữa hai vị giáo sĩ Pina – Alexandre de Rhodes tại cư sở Thanh Chiêm là sự may mắn cho cả hai người: Alexandre de Rhodes có được người thầy, còn Pina có được người học trò, cả hai cùng toàn tâm trong việc dạy/học tiếng Việt cho mục tiêu truyền giáo và Latinh hóa Việt ngữ.

     Dường như là một sắp đặt vô hình, một ân khải được chuẩn nhận, “nhà bác học ngôn ngữ” – giáo sĩ Alexandre de Rhodes kịp đến để thọ giáo tiếng Việt từ đồng huynh Pina hầu tiếp tục sự nghiệp Latinh hóa tiếng Việt mà Pina đang theo đuổi dang dở. Pina chết đuối trong một tai nạn đầy thương tâm ở bờ biển Hội An ngày 16.12.1625! Sau hơn một năm học hỏi/nghiên cứu tiếng Việt với Pina và với người Thanh Chiêm, rồi sau đó trải rộng ra với cư dân ở các vùng miền khác ở nước ta, Alexandre de Rhodes đã có được nguồn vốn cần thiết cho sở nguyện của mình và cũng là của thầy Pina: Latinh hóa Việt ngữ. Thật khó ngờ, chỉ 27 năm sau ngày Alexandre de Rhodes đến Thanh Chiêm, và 26 năm sau ngày Pina mất, việc học hỏi/nghiên cứu ngôn ngữ trong sứ vụ đầy gian nan, bất trắc của mình, từ những luống cày, những hạt giống đầu tiên của người thầy đồng huynh của mình, Alexandre de Rhodes đã cho ra hai sản phẩm căn bản trên cánh đồng Quốc ngữ – chữ Việt: Từ điển Việt – Bồ – Latinh (có cả phần ngữ pháp) và sách Phép giảng tám ngày. Có thể nói thời điểm hai sách này được xuất bản tại Rome, Tòa thánh Vatican, năm 1651 là lúc chữ Việt chính thức xuất hiện trên bản đồ chữ viết thế giới.

     Chữ Quốc ngữ được tạo lập – một sản nghiệp văn hóa cực kỳ to lớn mà dân tộc ta có được. Và đâu là đóng góp của người nước ta vào quá trình hình thành sản nghiệp này?  Thật đáng nói, và cũng đáng trân trọng, hai trong số một số người được coi “những ông tổ” của chữ Quốc ngữ, Pina và Alexandre de Rhodes đã ghi lại phần nào những đóng góp này. Bằng chứng xác thực cho điều này chỉ mới được tỏ rõ qua công bố của tác giả người Pháp Roland Jacques. Trên mười năm tìm đọc hàng vạn trang bản thảo lưu trữ tại các thư khố ở một số nước liên quan ở châu Âu, đầu thập kỷ 1990, Roland Jacques đã tìm thấy được ở Thư viện Quốc gia Lisbon một bức thư dài 7 trang, một tập bản thảo 22 trang cho cuốn sách dự trù “Nhập môn tiếng Đàng Ngoài” (bằng chữ Latinh và chữ Quốc ngữ) của giáo sĩ Pina. Nguồn tư liệu chuẩn xác này đã cho phép Roland Jacques hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học mà điểm chính là chỉ ra công sức của Pina trong việc mở đầu việc tạo tác chữ Việt bằng mẫu tự Latinh.

     Với lòng công chính của một giáo sĩ, Pina luôn đề cao công sức của người Việt trong lĩnh vực Việt ngữ học mình đang theo đuổi. “Về vấn đề học ngôn ngữ thì luôn luôn ở Kẻ Chàm (tức dinh trấn Thanh Chiêm – HVM) chính là nơi tốt nhất. Ở đây người ta nói hay. Nhiều người trẻ quy tụ về đây. Họ là sinh viên. Gần họ, những người mới bắt đầu học ngôn ngữ có thể được giúp đỡ...”. Đoạn trích trên trong bức thư vừa nói của Pina gởi Khâm mạng Jerónimo Rodríguez Senior ở Ma Cao cũng cho thấy sự năng động của Pina khi ông chọn lập cư sở ở Thanh Chiêm (1623) cho việc truyền giáo và cũng là để thuận lợi cho việc Latinh hóa tiếng Việt dù nơi đây chỉ cách cư sở Hội An chừng bảy cây số.

     Phần mình, Alexandre de Rhodes cũng kể, ngoài học với Pina, thêm một may mắn nữa đến với ông là một thiếu niên Thanh Chiêm 13 tuổi đã giúp ông nhanh học được tiếng Việt. “Thật kỳ diệu – ông kể, chỉ trong ba tuần cậu bé này đã giúp tôi phân biệt được các dấu thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Cũng trong ba tuần này, cậu bé này hiểu được những gì tôi nói, cả Pháp ngữ và Latinh ngữ”. Theo ghi chép của Alexandre de Rhodes, vì yêu quý ông nên thiếu niên này xin lấy tên ông đặt kề tên thánh của mình, Raphael Rhodes. Rồi Raphael Rhodes trở thành thầy giảng, năm 1642 đến Lào truyền đạo, đến năm 1655 lại trở về Đàng Ngoài, nghỉ làm thầy giảng và lập gia đình, lập cơ sở kinh doanh ở Thăng Long và Phố Hiến. Bởi thông lệ của những người Việt tòng đạo và làm thầy giảng, làm tu sĩ (Công giáo) lúc bấy giờ thường dùng tên thánh mà ít khi kèm theo tên họ Việt, nên khó tìm ra tung tích của Raphael Rhodes. Theo lão làng Thanh Chiêm Đinh Trọng Tuyên – một nhân sĩ dày công nghiên cứu về dinh trấn Thanh Chiêm, Raphael Rhodes là người tộc Lê ở làng Thanh Chiêm, từ ngày tòng đạo rồi đi làm thầy giảng là đi luôn mãi không về, gia phả tộc Lê của Raphael Rhodes cũng không còn vì trải qua chiến tranh, loạn lạc. Thật đáng tiếc!

     Chính nhờ sự cộng tác nhiệt tình của người Việt với các giáo sĩ Dòng Tên cho việc Việt ngữ hóa tiếng Việt buổi đầu, nhờ sự hăm hở đón nhận để học tập/sử dụng loại chữ viết mới này của đại chúng, chữ Quốc ngữ đã sớm trở thành chữ viết chính thức, vô cùng tiện dụng cho dân tộc ta. Đây chính là một thành tựu văn hóa lớn và quý giá mà dân tộc ta sớm có được. Bởi, như nhận xét của TS. Roland Jacques, cả Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Nam Á khác, tuy vẫn được các giáo sĩ Dòng Tên Latinh hóa cho ngôn ngữ của họ nhưng cuối cùng tất cả đều không thành công, người dân những nước này vẫn quay lại dùng lối chữ viết tượng hình cố hữu của mình.

Thủy quân Thanh Chiêm đánh thắng hai đoàn tàu chiến Hà Lan

     Nhìn đoạn sông từ trước nền dinh trấn Thanh Chiêm kéo dài về hướng Đông chừng một cây số dọc theo đường Thanh Chiêm – Hội An nay là bãi bồi um tùm cỏ dại khó hình dung đây từng là thủy lộ dinh trấn Thanh Chiêm – cảng thị Hội An. Và hơn thế nữa, đây cũng là căn cứ thủy quân lớn của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thuộc sự thống lĩnh của trấn thủ Quảng Nam dinh. Theo nghiên cứu của ông Đinh Trọng Tuyên, căn cứ thủy quân Thanh Chiêm thuộc làng Văn Đông – một ngôi làng nằm kề sát làng Thanh Chiêm, chỉ cách tòa hành dinh Thanh Chiêm chừng năm – sáu trăm mét về hướng Đông. Sau khi dinh trấn Thanh Chiêm không còn, vùng sông là căn cứ thủy quân ngày trước dần biến thành vạn ghe, có tên là Vạn Đông, cư dân vẫn quen gọi chỗ thủy quân đóng ngày trước là căn cứ Vạn Đông. Ngày dinh trấn Thanh Chiêm mới được thành lập (1602), chúa Nguyễn Hoàng đã cho đặt tạm hành dinh tại làng Văn Đông, sau mới xây dựng ở làng Thanh Chiêm.

     Thanh Chiêm được đặt làm căn cứ thủy quân lớn bởi đây là vùng cửa khẩu trọng yếu, lượng thương thuyền nước ngoài thường ra vào cảng thị Hội An và các cảng nhỏ ở vùng lân cận khá nhiều. Các chúa Nguyễn cũng tiên liệu việc phải đối phó với các tàu chiến nước ngoài là điều có thể xảy ra, bởi hải phận Đàng Trong, nhất là từ vùng Đà Nẵng trở vào là vùng quan yếu về phương diện quốc phòng. Đó là chưa kể việc thủy quân Thanh Chiêm, trong chừng mực, còn phải đối ứng với những hoạt động xâm lấn, quấy nhiễu của các thế lực đối địch ở hai phía Nam – Bắc.

     Những dự liệu của các chúa Nguyễn về việc có thể phải chạm trán, đánh nhau trên biển với một thế lực mới đến từ phương Tây trong thời đại thương mại thế giới phát triển là đúng. Và việc các chúa vun đắp cho sức mạnh thủy quân nhằm ứng phó với “mối lo mới” này đã được chứng minh qua hai lần đánh thắng hai đoàn tàu chiến Hà Lan.

     Chiến thắng đầu tiên của thủy quân Đàng Trong ở Thanh Chiêm là đánh bật đoàn tàu chiến Hà Lan 5 chiếc với quân số trên 170 người ở cửa biển Hội An hồi tháng 6.1642. Thuyền trưởng Jacob Van Liesvelt cùng 10 binh sĩ tử trận, cả đoàn chiến thuyền cùng tháo chạy trước sức tấn công dũng mãnh của thủy quân Thanh Chiêm do trấn thủ Quảng Nam – thế tử Nguyễn Phúc Tần (1619 – 1687) chỉ huy. Đây là chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là trận thủy chiến đầu tiên của người Việt Nam đối với các thế lực bên ngoài đến từ phương Tây mãi cho đến thế kỷ XIX – như TS. Li Tana nhấn mạnh.

     Chiến thắng này không chỉ biểu hiện sức mạnh quân sự, mà còn nói lên ý chí kiên định của các chúa Nguyễn trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền thương mại vì lợi ích, vì danh dự dân tộc. Mở rộng cửa đón nhận giao thương với các nước Á – Âu với tinh thần cầu thị, hòa nhập vào thời đại thương mại từ trong đêm dài của nền kinh tế nông nghiệp, nhưng chúa Nguyễn Phúc Lan (1601 – 1648) và thế tử Nguyễn Phúc Tần vẫn không chấp nhận việc coi thường luật pháp bản địa của các thương nhân Hà Lan. Phản ứng việc chủ thương điếm Hà Lan Abraham Dujecker tại Hội An đánh chết một người Việt làm công vì nghi ăn cắp hàng hóa từ thương điếm (1641), từ dinh trấn Thanh Chiêm, trấn thủ Nguyễn Phúc Tần liền cho bắt Dujecker cùng những người Hà Lan khác ở thương điếm này tống giam, đốt hết hàng hóa của họ. Sự bất hòa giữa hai bên – chính quyền Thanh Chiêm/Đàng Trong và các thương nhân Hà Lan từ Công ty Đông Ấn dưới sự bảo trợ của Toàn quyền Hà Lan ở Batavia (Indonesia) ngày càng lên cao. Cũng trong năm 1642, trấn thủ Nguyễn Phúc Tần đã hai lần cho tịch thu hàng hóa, lấy tàu thuyền cùng bắt giam cả người trên 4 chiếc tàu bị đắm ở bờ biển Quảng Nam vì nghi là hải tặc. Cũng trong năm 1642, các tàu chiến Hà Lan đã bắt giữ 120 người Việt ở Touran (Đà Nẵng), lại bố ráp từ vịnh Quy Nhơn trở ra, đốt 400 – 500 ngôi nhà và các kho gạo, bắt đi 49 cư dân ven biển. “Phải trừng trị quân Ô Lan (Hà Lan) ngang ngược!” Trận thắng quân Hà Lan ở cửa biển Hội An chính là từ ý chí đó của trấn thủ Nguyễn Phúc Tần cùng binh sĩ.

     Chiến thắng thứ hai tiếp theo là việc thủy quân Đàng Trong – mà chủ yếu là thủy quân Thanh Chiêm – đánh bật đoàn tàu chiến Hà Lan ngày 07.7.1643 ở vùng biển Cửa Eo (gần cửa Thuận An ngay nay).

     Trận chiến này xảy ra cũng là từ ý chí phục hận của người Hà Lan sau lần thua trận hồi năm 1642 cùng những mâu thuẫn tồn tại giữa hai bên từ trước. Để chuẩn bị cho trận đánh phục thù này, tháng Giêng năm 1643, sau khi lên kế hoạch phối hợp với chúa Trịnh, phía Hà Lan cho một đoàn tàu mới gồm 5 chiếc tới Đàng Ngoài, do Johannes Lamotius chỉ huy để tấn công Đàng Trong. Tháng 6.1943, họ lại gởi thêm một đoàn tàu gồm 3 chiếc, dưới quyền chỉ huy của Pieter Baeck. Nhưng khi đến cách sông Gianh khoảng 5 dặm về phía Nam, quân Hà Lan đã sững sờ khi thấy 50 chiến thuyền của quân Nguyễn đang tiến về phía họ. Quả là họ không ngờ đây là đoàn chiến thuyền đến từ dinh trấn Thanh Chiêm do trấn thủ Nguyễn Phúc Tần thống lĩnh đã ra tận đây để “nghênh đón” họ. Chiến thuyền quân Nguyễn lao vùn vụt rượt đuổi thuyền giặc, xông vào thuyền chỉ huy Wijdenes vốn cũng đang hốt hoảng cùng hai tàu chiến khác tháo chạy. Nhưng dễ đâu thoát được. “Trận chiến hoàn toàn là một thảm họa. Tàu De Wijdenes (đô đốc) bị phá hủy, Baeck (Pieter Baeck, chỉ huy đoàn tàu chiến ba chiếc – HVM) bị giết, hai chiếc tàu khác phải vất vả lắm mới thoát được…Cả dám thủy quân gan dạ nhảy lên tàu (Wijdenes) đẵn cột buồm, chặt bánh lái, khiến cho thuyền trưởng và thủy thủ bên địch phải kinh hoàng, thất tán như đứng trước một đoàn âm binh từ đâu dưới thủy cung đột hiện. Túng thế, quân địch phải phá tàu bằng thuốc súng. Đô đốc Pieter Baeck cùng 200 thủy thủ phải thịt nát xương tan. Âm mưu cấu kết giữa quân Trịnh và quân Hà Lan tan vỡ…” – GS. Lê Thành Khôi đã mô tả trận chiến.

     Cả hai trận thủy chiến thắng lợi này của Đàng Trong cũng đã được TS. Li Tana quan tâm nghiên cứu. “Những người Hà Lan sống sót đã chỉ trích nặng nề viên chỉ huy của họ là đã không lường trước được cuộc tấn công của kẻ địch. Trong cả hai trận chiến, các cuộc tấn công bất ngờ của họ Nguyễn đã đặt người Hà Lan vào thế thủ ngay từ giây phút đầu. Theo Tiền biên, họ Nguyễn đã chuẩn bị kỹ lưỡng vì đã nhận được báo cáo từ một đội đặc biệt gọi là tuần hải, thêm vào là các trạm gác dọc bờ biển...”, những dòng viết của Li Tana đã cho thấy sự tổ chức chặt chẽ, sự điều binh thần tốc, sự tuần phòng nghiêm ngặt của thủy quân Đàng Trong đã khiến kẻ địch phải thất bại dù họ là quốc gia có lực lượng hải quân hùng mạnh. Điều đáng nói là giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã sớm “phổ biến” thất bại cay đắng này của người Hà Lan đến phương Tây qua tác phẩm Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài từ 1627 – 1646 được in và xuất bản ở Lyon năm 1651.

     Có lẽ cũng nên nhắc lại âm mưu câu kết của chúa Trịnh Tráng với người Hà Lan nhằm mưu lợi cho mình bất chấp đất nước, dân tộc. Âm mưu đen tối này cũng là phần động lực thúc đẩy chúa Nguyễn cùng quân sĩ dốc lòng đánh bại kẻ địch. Bằng chứng này – bức thư của Trịnh Tráng gởi cho Toàn quyền Công ty Đông Ấn Hà Lan năm 1637 – chỉ được lật lên mới đây qua sưu tầm công phu của TS. Li Tana. Thật đáng buồn, nhưng có lẽ không thể bỏ qua phần chính của bức thư này: “…Các ông có thể cho chúng tôi 2 hoặc 3 chiếc tàu, hoặc 200 lính thiện xạ… Thêm vào đó, xin gởi cho chúng tôi 50 chiến thuyền cùng với số lính tuyển chọn và những khẩu súng mạnh, và chúng tôi sẽ gởi một số lính tin cậy đến hướng dẫn các chiến thuyền của các ông tới Quảng Nam. Đồng thời, đạo quân của chúng tôi sẽ tấn công Thuận Hóa… Sau khi chiến thắng, chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị. Các ông có thể chọn một số lính để xây dựng và canh gác thành, chúng tôi sẽ truyền lệnh cho người dân ở đó làm lao dịch cho các ông. Các ông có thể thu hoạch các sản phẩm trong vùng và gởi một phần cho triều đình chúng tôi, như thế cả hai đều được hưởng lợi...”.

Mở rộng cõi bờ từ dinh trấn Thanh Chiêm

     Như đã biết, danh xưng Quảng Nam với địa giới từ Nam Hải Vân đến phủ Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định ngày nay) có từ sau cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông hồi năm 1471. Đất Quảng Nam lúc bấy giờ là đạo Thừa tuyên thứ 13 – đơn vị hành chính cuối cùng của Đại Việt ở phía Nam. Quảng Nam, cái tên được vua Lê Thánh Tông định đặt với hàm ý rộng về phía Nam từ thực tế địa hình của vùng đất này khi bước qua khỏi Hải Vân quan, cũng là mong muốn của nhà vua rằng cương vực của đất nước sẽ được rộng mở hơn nữa về phía này qua cái nhìn của vị quân vương am tường về chiến lược và thời thế.

     Và chính chúa Nguyễn Hoàng là người tiên khởi mở đầu cho hiện thực mở rộng giang sơn ấy để rồi các vị chúa tiếp theo tiếp tục. Thật hấp dẫn khi nhìn lại phương cách, hay nói cách khác là sách lược thu nhận đất đai từ bên ngoài vào giang sơn của mình một cách chính danh của các chúa Nguyễn.

     Năng lực quốc phòng của Đàng Trong khá mạnh. Những dữ liệu được ghi nhận từ các tác giả nước ngoài thời bấy giờ cho phép xác tín điều này. “…Người Đàng Trong bây giờ đã thành thạo trong việc sử dụng chúng (trọng pháo trên thuyền chiến – HVM) đến độ họ đã vượt người châu Âu chúng ta: hàng ngày họ tập bắn bia và rồi họ trở nên hung hãn và dễ sợ và tự cao đến độ khi thấy có tàu châu Âu chúng ta tiến vào cảng của họ, những người pháo xạ của nhà vương dàn quân với thái độ thách thức…”, những dòng được giáo sĩ Cristoforo Borri viết trong bản Tường trình về Khu truyền giáo Đàng Trong năm 1621 đệ lên Đức Giáo hoàng Urbanô VII. Qua chiến thắng hai đoàn tàu chiến Hà Lan của thủy quân chúa Nguyễn hồi năm 1642, 1643 rõ là những nhận xét trên đây của tác giả không có gì quá đáng. TS. Li Tana cũng đã mô tả khá chi tiết về tổ chức quân đội chặt chẽ, về phiên chế và năng lực trỗi vượt của thủy quân, đặc biệt là thế mạnh về trọng pháo trên thuyền của quân lực chúa Nguyễn.

     Quốc phòng vững mạnh là để tự vệ. Việc mở rộng bờ cõi của các chúa Nguyễn đều từ những sách lược mềm, vũ lực chỉ được dùng khi đối phương xâm lấn đất đai của ta. Cuộc ra quân theo lệnh của chúa Nguyễn Hoàng hồi năm 1611 là đáp trả việc vua Pô Nit của tiểu quốc Hoa Anh của người Chăm thường cho quân xâm lấn, giết chóc, và xua đuổi người Việt ở vùng biên của Đại Việt giáp với Hoa Anh. Pô Nit thua trận, rút quân về bên kia đèo Cả. Và phủ Phú Yên (nay là tỉnh Phú Yên) được thêm vào bản đồ Đàng Trong bắt đầu từ đó.

     Cũng vậy, việc chúa Nguyễn Phúc Tần cho động binh đánh vua Chăm là Bà Tấm vào năm 1653 cũng là do vị vua này đem quân xâm lấn, quấy nhiễu đất Phú Yên. Bị thua trận, Bà Tấm lui về phía nam sông Phan Rang, tiếp tục trị vì phần đất còn lại, giữ lệ triều cống hàng năm. Rồi việc chúa Nguyễn Phúc Tần cho quân vào Chân Lạp năm 1658 cũng là để giải cứu người trong hoàng tộc nước này theo yêu cầu của họ khi quốc vương Nặc Ông Chân giết chóc trái đạo người thân trong hoàng gia của mình.

     Nhưng ấn tượng nhất, có lẽ là việc chúa Nguyễn Hoàng gả công chúa Ngọc Vạn cho Quốc vương Chân Lạp Chey Chettha II làm hoàng hậu hầu nâng đẩy mối giao hảo giữa hai nước. Với cái nhìn có viễn kiến của mình, chúa biết sự kết thông sẽ giúp Đàng Trong đưa di dân đến khai khẩn vùng đất không người, đầy sình lầy, sông rạch, rừng rậm và thú dữ nơi vùng biên địa được gọi Thủy Chân Lạp của vị quốc vương là chàng rể của mình. Vượt cả mong đợi của chúa, vua Chettha II còn tạo thêm điều kiện cho những người chủ mới đến từ Đàng Trong có được nguồn thu ở vùng đất được nới rộng thêm ra, nay là vùng Sài Gòn – Chợ Lớn! Và đây chính là địa danh quan trọng được thêm vào trên bản đồ thương nghiệp của Đàng Trong.

     Thế đó, việc thu nạp đất đai bên ngoài vào cương vực Đàng Trong của các chúa Nguyễn đều không mấy nhuốm máu lửa, binh đao, mà phần lớn chỉ bằng sự lao tụy, bằng những xuất xử quyền biến, và bằng cả ân tình.

     Đàng Trong, với dải đất tận về phía Nam mới có được chứa đựng những lợi thế kinh tế cần được khai thác, phát huy, với chính sách cởi mở của các chúa Nguyễn là một hấp lực đối với những người muốn tiến thủ, muốn tìm cơ vận mới, nhất là với người nước ngoài muốn có một vùng trời mới rộng mở, thoáng đạt. Một đoàn di dân người Hoa đặc thù được chúa Nguyễn Phúc Tần tiếp nhận, được sử gia Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành thông chí đã nói lên sự năng động, quyền biến của vị chúa này cho việc thu dụng nhân lực nhằm kinh dinh vùng đất mới giàu tiềm năng kinh tế nhưng còn hoang vắng. Đó là việc chúa đã cho phép đoàn di dân người Hoa với 3.000 binh lính đi trên 50 chiếc thuyền do hai cựu tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên cập cảng Cửa Hàn (Đà Nẵng) vào năm 1679 được định cư ở Đàng Trong. Dẫu biết những di dân này là những người trung thành với nhà Minh, bất mãn với tân triều Mãn Thanh, nhưng với số người vốn là binh lính, lại quá đông, chúa Nguyễn Phúc Tần không khỏi phân vân. Nhưng rồi… “Danh dự khuyên bảo chúa nên chấp nhận họ, nhưng có thể là thiếu khôn ngoan khi tiếp nhận chừng ấy người với vũ khí hẳn hoi vào đất nước của mình. Chúa cuối cùng đưa họ tới định cư tại vùng đất phía Nam nơi chúa vùa tạo được ảnh hưởng…”, GS. Lê Thành Khôi đã viết.

     Lòng độ lượng, sự khôn ngoan của chúa Nguyễn Phúc Tần vừa tạo được ân huệ lớn với “binh đoàn” di dân nước ngoài, vừa làm lợi cho đất nước mình. Được phép của chúa, đoàn thuyền di dân này đến cửa sông Mê Kông tìm đất định cư lập nghiệp. Để tiện việc làm ăn sinh sống, họ chia thành hai đoàn. Đoàn theo Dương Ngạn Địch theo một cửa sông đến lập nghiệp tại Mỹ Tho, đoàn theo Trần Thượng Xuyên vượt sông Đồng Nai đến vùng Biên Hòa lập nghiệp. Hân hoan trước vùng đất mới với nhiều triển vọng tốt lành, ra sức làm lụng, chỉ một thời gian những di dân này đã tạo được làng mạc ổn cố nơi vùng đất mới. Với tài dẫn dắt của mình, cựu tướng Trần Thượng Xuyên cùng các di dân tùng thuộc đã ra sức kinh dinh, khai thác vùng đất họ chọn định cư thành thị tứ Cù Lao Phố thịnh đạt, trở thành cảng thị của nhiều thương thuyền nước ngoài, góp phần cho sự thịnh đạt của nền thương mại Đàng Trong.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đinh Trọng Tuyên, Đinh Bá Truyền (2011). Dinh trấn Thanh Chiêm, bản tự in của tác giả.

2. Li Tana (1999). Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18, Nguyễn Nghị dịch. TPHCM: Trẻ.

3. Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20. Thế giới +
Nhã Nam. 2014.

4. Đỗ Quang Chính (1972). Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659. Sài Gòn: Tủ sách Ra Khơi.

5. Roland Jacques (2007). Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học. Viện Ngôn ngữ học dịch. Hà Nội: Khoa học xã hội.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dinh Trấn Thanh Chiêm và Chữ Quốc ngữ”

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)