Thành Tân sở từ sử liệu đến thực địa

Tác giả bài viết: HỒ VĨNH
(Năm 1996)

     Vua Tự Đức băng hà ngày 19-7-1883, hai quan Phụ chính có quyền hành Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bắt giam Ưng Chân (Dục Đức) được vua Tự Đức để lại di chiếu nối ngôi. Lợi dụng việc phế lập các vị vua kế tiếp, quân đội Pháp đã gây khó khăn cho triều đình Huế. Ngày 20-8-1883, cửa Thuận An thất thủ là một mối quan ngại, buộc triều đình Huế phải đề nghị hưu chiến. Phía Pháp cử Tổng ủy Harmand tới Huế thương lượng và một hòa ước được ký kết ngày 25-8-1883 gọi là Hòa ước Quý Mùi. Trước những sự kiện ấy, phái chủ chiến phải dùng “kế hoãn binh” bằng cách nhượng bộ miễn cưỡng.

     Thành Tân Sở được xây dựng từ năm 1883, với mục đích phồng khi có sự cố trong trường hợp quân đội Pháp tấn công Kinh thành Huế. Khi xây thành Tân Sở, Nguyễn Văn Tường đã huy động trên 1.000 binh lính, dân phu giúp sức. Cả dã sử lẫn chính sử sau này đều khen địa cuộc Tân sở và cho rằng hai ông Tường và Thuyết sành địa lý, dịch học và binh pháp. Tân Sở có mạch đất thể hiện tính biểu tượng của “con rồng có ngà”, chữ Hán gọi là “Long cầu”. Điều này cũng giống như đất Thừa Thiên có địa danh Thanh Long và Bạch Hổ(1) và cũng trong kế hoạch để đối phó có tính chất lâu dài với đội quân viễn chinh Pháp, ông Tôn Thất Thuyết tổ chức những bản doanh lưu động trong miền núi hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vì những tỉnh này có nhiều sĩ phu và quan lại tỏ thái độ chống Pháp, từ khi triều đình Huế ký các Hòa ước Giáp Tuất (15-3-1874). Quý Mùi (25-8 1883) và Giáp Thân (6-6-1884).

     Chính biến xảy ra đêm 22 rạng ngày 23-5 năm Ất Dậu (5-7-1885). ông Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, rồi lên chiến khu Tân Sở. Đồng bào địa phương ủng hộ nhiệt tình, đón rước Ngài đi từng bước đường. Ngài ghé lại nhà ông Nguyễn Vạn (nay thuộc xóm Cây Đa, xã Cam Chính, huyên Cam Lộ). Ở đó không lâu, xa giá rời Tân Sở qua Xóm Độn(2) thuộc làng Bảng Sơn, cách Tần sở 2 km về mạn Tây Bắc. Ông Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi từ Tân Sở lên đường ra Bắc vào này 19 hoặc 20-7, với 500 người hộ vệ, nhưng các đội lính này tan rã dần dần và những hòm đựng kho tàng mang theo bị vất bỏ đó đây trên đường đi, quân đội Pháp đến Tân Sở và chiếm lấy một cách dễ dàng vào này 19-9 năm Ất Dậu (1885). Họ cho nổ các kho thuốc súng, phá bỏ các nhà cửa và phá hủy các hào lũy, chỗ này chỉ còn là một bãi đất bằng trơ trụi với vài mô đất, những mảnh vỡ của gạch ngói(3).

     Theo A.Laborde: “Cũng như một biến cố khác đáng nêu ra, tỉnh Quảng Trị với hành động của mình đã giúp ích cho cuộc bôn tẩu của vua Hàm Nghi sau sự kiện ngày 5-7- 1885… phải nói thêm rằng, nơi này (Tân sở) đã được chọn cách đây 2-3 năm mà triều đình An Nam tiên đoán rằng sớm muộn chính phủ An Nam cũng sẽ rút lui về đó khi cực kỳ hiểm nghèo, và điều này giải thích rằng, vua Hàm Nghi đến đó đã cảm thấy đây là một cái thành thực thụ mà tường thành đắp bằng đất đã có bố trí hệ rào vững chắc, xây cất lên nhiều dinh thự, nhiều kho tàng và trại lính. Thành mới lấy tên: Tân Sở”(4).

     Trong sách “Việt Nam – Pháp thuộc sử”, tác giả Phan Khoang mô tả thành Tân Sở gồm 3 lớp thành đất, đều trồng tre làm rào, mỗi bên để những khoảng trống làm cửa, gọi là cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu, cửa Ngọ môn. Tân sở choán 2-3 mẫu tây, hình chữ nhật, bề dài 548 mét, ngang 418 mét, có mấy ngôi nhà lợp tranh và có mấy hành cung(5). Nhưng theo H.De Pirey (Hội truyền giáo ở Quảng Trị) thành có dạng hình vuông, cạnh 780 mét, với hai vòng thành bằng đất bao bọc chung quanh, vòng thành ngoài được tạo nên bằng những cọc gỗ và những bụi tre, với hào rộng. Vòng thành trong bằng đất, mỗi cạnh 420 mét(6). Song, trong sách ‘”Thành cổ Việt Nam” tác giả Đỗ Văn Ninh, theo bản vẽ của Linh mục A. Delvaux, lại cho rằng thành hình chữ nhật, dài 5(X) mét, rộng 350 mét. Mở 4 cửa chính giữa 4 mặt tường thành. Cửa Tiền, cửa Hậu ở mặt tường chiều rộng; cửa Tả, cửa Hữu ở mặt tường chiều dài(7). Trong bài “Những ngày cuối cùng của Vua Hàm Nghi” đăng trên báo ’’Người Hà Nội”, cụ Nguyễn Hải Âu cung cấp thêm chi tiết: chiều dài mỗi bề của thành Tân Sở chừng 500 thước(8).

     Cả 4 tác giả trên đều có chung một ý kiến là ở 4 mặt thành có các cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu. Nhưng về kích thước mỗi mặt thành giữa các tác giả có sự dị biệt, vì chúng tôi căn cứ vào hai bản vẽ thành Tân Sở của Pirey là hình vuông và của A.Delvaux hình chữ nhật.

     Trong một chuyến nghiên cứu thực tế, chúng tôi có dịp mục kích thành Tân sở. Trải qua hơn 100 năm, di tích Tân Sở đã trở thành phế tích lịch sử. Chỉ còn lại cảnh hoang tàn, cây cối xơ xác, bên trong Thành nội trống rỗng với những ụ đất và lau lách. Đứng ở Thành nội, Tân Sở là trung tâm của đường vòng cung, phía nam có những núi cao; Động Voi Mẹp (l,701m), Tây Nam: đỉnh 303, Động Nam: đỉnh 365, Tây Bắc: đồi 241, Đông Bắc có đèo Cùa án ngữ, chính Bắc có độn Chóp Bụt. Như vậy, vị thế Tân Sở bốn mặt đều có núi đồi che chắn làm thành lũy thiên nhiên. (Hiện Tân Sở theo địa giới hành chính thuộc xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị). Thực tế, căn cứ theo dấu vết hiện còn, thành nội, chiều dài đo được 187 mét, nếu tính theo đường thẳng ngoại tiếp cả những góc thành thì chu vi của nó 561 mét, thành ngoại không xác định được vì đắp đất, do thiên nhiên tác động và chiến tranh tàn phá, đến nay chỉ còn nhìn thấy những bụi tre và những đoạn thành lẻ tẻ. Ngoài ra về phía khác chỉ còn trơ lại những nền đất, có lẽ là những công trình phụ: Nhà bếp, kho lương, trại lính, kho thuốc súng…

     Từ trước đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu thành Tân Sở. Nhưng có một điều, các tác giả trên chưa thống nhất về mặt trắc đạc hiện hữu một cách chính xác. Dĩ nhiên, trước đây thành nguyên thủy đắp bằng đất, trồng cây, chủ yếu là tre, vì gốc của nó nhiều cây, rễ xoắn và cỏ rậm để giữ, đó là cách giữ đất trên thành khỏi lở, trụt. Thành nội hiện nay còn chỗ cao 2,5m, dày 2m. Theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất của xã Cam Chính: Diện tích tự nhiên 2.600 ha, trong đó có diện tích đất canh tấc là 350 ha, diện tích đất có khả năng lâm nghiệp là 600 ha (hiện nay đã trồng rừng bạch đàn cao sản khoảng 250 ha) và 1.600 đất lâm nghiệp (phần lớn đất trống đồi trọc, riêng Tân sở chiếm 22,9 ha). Muốn xác định đúng vị trí của Thành nội và thành ngoại (theo bản vẽ của Pirey) gồm có: tường thành, rào tre, giếng, cột cờ, kho thuốc súng, khu doanh trại, cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Tả, cửa Hữu … thì phải mở một cuộc khảo sát cho tường tận; đành rằng chỉ biết Tân sở, đó là một cái thành được đắp bằng đất một cách chắc chắn, trên cơ sở lợi dụng địa hình, địa vật của vùng này.

     Tưởng nhớ vua Hàm Nghi, buộc chúng ta liên tưởng đến thành Tân Sở, chiến khu kháng Pháp đầu tiên cổ súy phong trào Cần vương. Nhưng hiện nay, khu di tích Tân Sở đang phó thác cho nắng mưa và bị phá hủy một cách nghiêm trọng, làm cho Tâm Sở ngày càng tiều tụy, hoang phế. Không lẽ cứ để di tích lịch sử ngày càng mai một. Thiết nghĩ, cần nên tiến hành tôn tạo, phục chế từng phần, nhằm bảo vệ nguyên dạng thành Tân Sở. khu di tích “vang bóng một thời” lẽ nào bị rơi vào quên lãng.

___________
1. Lê Quảng Sơn, Tân Sở một thời náo động, Báo Quảng Trị số chuyên đề tháng 10.1992, trang 16.

2. Theo lời kể của cụ Nguyễn Công Đàm là người địa phương (thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).

3. Le Bulletin des Amis du Vieux Hue (1914-1923), Hà Nội Imprimerie d’Extrême – Orient; 1925, page 235.

4. A.Laborde – La province de Quang Tri, Bulletin des Amis vieux Hue, 1921, p. 118,119.

5. Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, in lần II, Sài Gòn 1971, trang 350.

6. A,V,H, Loc. CiL .235.

7. Đỗ Văn Ninh – Thành cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, trang 156-157. A.Delvaux. Le Camp Tân Sở, Bulletin des Amis du Vieux Hue 1942, p405-l 14. Xem thêm Phạm Văn Sơn. Tìm hiểu thái độ của Nguyễn Văn Tường, Văn hóa nguyệt san, Nha Văn hóa – Bộ Quốc gia, Giáo dục, Cơ quan nghiên cứu và phổ thông, Sài Gòn tập XII, quyển 3, số 79 (tháng 3/1963) trang 401-403.

8. Hồi ức của Nguyễn Hải Âu: Những ngày cuối cùng của Vua Hàm Nghi, báo Người Hà Nội số 17 (Bộ mới) 163, ngày 29-7-1990 trang 16.

*** Hình ảnh trong bài viết: Kính mời quý độc giả xem hình ảnh trong tệpPDF đính kèm bên dưới.

NguồnDấu tích văn hóa thời Nguyễn (tác giả: Hồ Vĩnh),
NXB Thuận Hóa, 1996

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Thành Tân sở từ sử liệu đến thực địa (Tác giả: Hồ Vĩnh)