Đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê: Đặc trưng và quá trình phát triển

Tác giả bài viết: NGUYỄN HOÀNG BÁCH LINH
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ)

     Đồ gốm là di vật phổ biến nhất trong văn hóa Óc Eo với sự đa dạng về loại hình và chất liệu làm gốm. Chúng phát triển từ thời tiền sử ở Nam Bộ Việt Nam và đạt đỉnh cao vào giai đoạn văn hóa Óc Eo với sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và các yếu tố ngoại nhập thông qua giao lưu văn hóa và trao đổi kỹ thuật với khu vực và những vùng xa hơn. Tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê, đặc điểm cơ bản của đồ gốm là hầu hết đều được sản xuất theo hai tiêu chuẩn: dòng gốm cao cấp với chất liệu sét mịn sử dụng hạn chế cho các hoạt động mang tính lễ nghi và dòng gốm phổ thông từ các chất liệu sét pha cát hay bã thực vật dùng cho cuộc sống thường nhật. Phần lớn đồ gốm được làm với kỹ thuật bàn xoay, kỹ thuật khuôn hay bằng tay được sử dụng hạn chế. Tiến trình phát triển của đồ gốm diễn ra theo ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất từ thế kỷ III-II BC đến thế kỷ III AD, giai đoạn thứ hai từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI và giai đoạn thứ ba từ thế kỷ VII đến khoảng thế kỷ X.

Từ khóa: Óc Eo – Ba Thê, đồ gốm, loại hình, kỹ thuật, chất liệu, trang trí, giai đoạn, phát triển.

x
x x

1. Đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê: Những đặc trưng cơ bản

     Óc Eo là một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên trên nền tảng văn hóa bản địa kết hợp vớinhững ảnh hưởng từ thế giới bên ngoài, phân bố trên một không gian rộng lớn với nhiều tiểu vùng địa lý – văn hóa: vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng U Minh Thượng, vùng đồng bằng trung tâm Tây Nam Bộ, vùng Đồng Tháp Mười, vùng gò – giồng ven sông – biển, vùng thềm phù sa cổ Đông Nam Bộ và vùng chuyển tiếp giữa thềm phù sa cổ Đông Nam Bộ với vùng phù sa mới Tây Nam Bộ. Trên đó, hàng loạt di tích đã được phát hiện với niên đại từ sớm đến muộn, cho thấy tầm vóc và sự đa dạng của văn hóa Óc Eo.

     Khu di tích Óc Eo – Ba Thê được biết đến như là trung tâm lớn nhất và tiêu biểu nhất của văn hóa Óc Eo, bao gồm hai khu vực là cánh đồng Óc Eo (với các di tích Gò Óc Eo, Gò Cây Thị, Gò Giồng Cát…) và núi Ba Thê (điển hình là di tích Linh Sơn, Gò Tư Trăm, Trung Sơn, Gò Út Trạnh…). Cuộc khai quật đầu tiên tại đây của Louis Malleret năm 1944 đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị và là nền tảng cho các nghiên cứu tiếp nối của các nhà khảo cổ học Việt Nam. Trong một không gian liền khoảnh giữa núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo, hơn 60 năm qua, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích thuộc các loại hình khác nhau như di tích kiến trúc, mộ táng hay cư trú cùng với nhiều loại hình hiện vật độc đáo, cho thấy tầm vóc của một cảng thị thuộc loại sớm ở khu vực Đông Nam Á và những mối quan hệ giao thương đến nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

     Trong văn hóa Óc Eo, cũng là đặc điểm chung của các nền văn hóa cổ, đồ gốm là di vật có số lượng lớn nhất và là nguồn sử liệu quan trọng, một phần do chúng tồn tại bền vững qua thời gian, một phần do những thông tin mà chúng lưu giữ và truyền tải. Nếu như thành phần chất liệu giúp đánh giá trình độ sản xuất và mức độ chuyên hóa của kỹ thuật thì loại hình gốm có khuynh hướng phản ánh các đặc trưng văn hóa riêng biệt. Các nghiên cứu về trang trí và hoa văn, nếu đứng một mình có thể mang lại những nhận định sai lệch và vượt ra khỏi ranh giới văn hóa, đặc biệt khi các phong cách trang trí và hoa văn được sao chép. Do sự phức tạp ấy, nghiên cứu về gốm thường phải kết hợp cả kỹ thuật, chất liệu, loại hình và hoa văn trang trí (Carmen Sarjeant, 2008). Đồ gốm văn hóa Óc Eo là sự kế thừa những yếu tố “nội sinh” là kinh nghiệm và kỹ thuật làm gốm của văn hóa bản địa, kết hợp các yếu tố “ngoại sinh” là sự giao lưu, học hỏi từ bên ngoài, mà chủ yếu từ văn minh Ấn Độ. Chúng có sự khác biệt nhất định về số lượng, đa dạng về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác và cả về hoa văn trang trí, song lại là một tập hợp khá đồng nhất và mang những yếu tố tương quan giữa các di chỉ (Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải 1995: 383).

     – Về chất liệu

     Nguyên liệu chủ yếu là đất sét phù sa sẵn có, được pha trộn thêm các phụ liệu như cát (thô, mịn) hay bã thực vật với tỷ lệ khác nhau, tùy từng loại hình và mục đích sử dụng, nhằm tăng độ cứng chắc và giảm độ co ngót khi nung. Đồ gốm Óc Eo bảo lưu các chất liệu truyền thống vốn có từ thời kỳ tiền sử Nam Bộ như gốm pha cát, bã thực vật, đồng thời kế thừa các loại chất liệu trong giai đoạn chuyển tiếp như gốm thực vật đen mịn, gốm sét mịn vàng cam hoặc nâu đỏ, từ đó hoàn thiện trong kỹ thuật và thẩm mỹ để hình thành nên bộ sưu tập đồ gốm đạt trình độ cao và hết sức đa dạng. Đồ gốm khu di tích Óc Eo – Ba Thê phản ánh đầy đủ những đặc điểm của đồ gốm Óc Eo nói chung gồm hai dòng gốm với 4 nhóm chất liệu: dòng gốm mịn (sét mịn, sét pha cát mịn) và dòng gốm thô (sét pha cát thô và sét pha bã thực vật, vỏ trấu).

     Nhìn chung, dòng gốm mịn có nguồn nguyên liệu được sàng lọc kỹ, xương và bề mặt mịn đều, gốm mỏng, thường dùng cho những loại hình cần tính thẩm mỹ và chất lượng cao như bình, tô, ly cốc, nắp dạng đĩa và dạng tháp… Với dòng gốm thô, nguyên liệu chính là đất sét trộn thêm tỷ lệ khác nhau giữa cát hạt lớn và bã thực vật, vỏ trấu, có đặc điểm xương gốm thô, thành gốm dày, rắn cứng nhưng không chắc, bề mặt thô ráp, phổ biến trong các vật dụng sinh hoạt như nồi, vò, chum, cà ràng…

     – Về loại hình

     Khu di tích Óc Eo – Ba Thê vẫn tồn tại các loại hình đồ gốm mang dấu ấn văn hóa từ thời kỳ tiền sử thuộc lưu vực sông Đồng Nai, lưu vực sông Vàm Cỏ và vùng Tứ giác Long Xuyên, đó là đồ đựng có thân hình cầu hay bầu dục (bát đĩa nông lòng, nồi nấu kim loại, cà ràng…), miệng loe xiên, vành miệng bẻ lật ra ngoài hay gập nhẹ vào trong, miệng cong khum, phủ các loại văn kỹ thuật đơn giản (văn chải và thừng với nét thô/mịn khác nhau) kín thân hoặc phần đáy đồ đựng theo chiều dọc, đôi khi đan xiên dạng hình thoi hoặc kết hợp với các dạng trang trí khác (đắp nổi, khắc vạch, tô màu).

     Giai đoạn chuyển tiếp từ tiền sử muộn sang văn hóa Óc Eo tiêu biểu với các đồ đựng kích thước lớn từ gốm thô pha cát (nồi, vò, bình gốm thân hình cầu), miệng loe xiên khum và vuốt tạo gờ trong và ngoài mép, bình có vòi ngắn hình nón cụt với dáng xiên thẳng đơn giản, tô sâu lòng, cà ràng… Đồng thời, để thích nghi với môi trường sống và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, đồ gốm trở nên đa dạng với sự xuất hiện nhiều loại hình mới thể hiện tính chất độc đáo ở các giai đoạn phát triển (Óc Eo sớm, điển hình và muộn) cũng như sự giao lưu văn hóa với Ấn Độ, như nắp đậy dạng đĩa và dạng tháp, ly cốc, chai gốm, kendi, kundika… Đồ gốm được trang trí theo các motif khác nhau với các kỹ thuật phổ biến: chải, đập thừng, khắc vạch, tô màu, đắp nổi, cắt – trổ lỗ, in văn. Trong đó, mỗi kỹ thuật cũng như motif thường gắn với một số loại hình ở một giai đoạn nhất định, chẳng hạn, kỹ thuật cắt – trổ lỗ thường chỉ gặp ở loại nắp hình tháp bằng gốm mịn trong giai đoạn Óc Eo điển hình; kỹ thuật đắp nổi, thường được kết hợp với kỹ thuật cắt tạo viền hay ngấn lõm, chủ yếu sử dụng trên phần vai của nồi, vò thân hình cầu hay kỹ thuật in văn thường thể hiện trên thân các bình gốm và phổ biến trên mép của cà ràng trong giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển.

     – Về kỹ thuật làm gốm

     Đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê làm bằng tay (có sự hỗ trợ của bàn đập hòn kê), bàn xoay và khuôn để tạo hình và trang trí sản phẩm. Tùy vào loại hình và điều kiện thực tế mà người thợ gốm có thể sử dụng các kỹ thuật khác nhau. Công đoạn cuối trong quy trình sản xuất gốm là nung sản phẩm theo hai phương thức cơ bản là nung ngoài trời và nung trong lò. Căn cứ vào số lượng phế phẩm để lại và so sánh các truyền thống nung gốm ở vùng Đông Dương xưa và vùng đồng bằng miền núi Campuchia nay, L. Malleret (1960: 104) cho rằng, với phương pháp nung đồ gốm ngoài trời, tỷ lệ thành phẩm có được sau mỗi lần nung chỉ 5 – 10%, do vậy để lại rất nhiều phế phẩm. Nghiên cứu độ cứng của xương gốm, màu sắc trên bề mặt, trọng lượng, độ gõ kêu, chất lượng sản phẩm… cho thấy hai hình thức nung trên đều được áp dụng trong quá trình làm đồ gốm của cư dân Óc Eo – Ba Thê.

2. Quá trình phát triển của đồ gốm tại khu di tích Óc Eo-Ba Thê

     Khi nghiên cứu về một nền văn hóa hay một di tích khảo cổ thì một trong những vấn đề được quan tâm nhất, bên cạnh đặc trưng cơ bản, là niên đại và phân kỳ giai đoạn phát triển. Với khu di tích Óc Eo – Ba Thê, từ sau năm 1975, hàng loạt địa điểm khảo cổ và sưu tập di vật mới được phát hiện cùng với các kết quả phân tích niên đại tuyệt đối đã cho thấy một quá trình liên tục với những sự biến đổi mạnh mẽ về không gian phân bố, mật độ dân cư, tính chất xã hội, sự xuất hiện và phát triển của các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp…

     2.1. Nền tảng cho việc hình thành và phát triển của đồ gốm

     2.1.1. Tiếp nối truyền thống gốm bản địa

     Vùng đất Nam Bộ đã hình thành một truyền thống gốm tồn tại lâu dài từ hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau với các đặc điểm cơ bản: 1) Về chất liệu: gồm ba loại là sét pha cát mịn, sét pha cát thô và sét pha bã thực vật với tỷ lệ thay đổi qua từng giai đoạn cụ thể và trong từng vùng văn hóa khác nhau. Chẳng hạn, vùng cao Đông Nam Bộ là sự chiếm ưu thế tuyệt đối của dòng gốm sét pha cát mịn và thô từ thời hậu kỳ đá mới cho đến tận sơ kỳ đồ sắt. Trong khi đó, các di tích trên vùng đất xám phù sa mới lưu vực sông Vàm Cỏ lại tồn tại song song hai loại gốm pha cát và gốm pha bã thực vật ngay từ giai đoạn hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồng thau. Đối với vùng ngập mặn ven biển lại là sự áp đảo của dòng gốm pha bã thực vật (đôi khi pha trộn thêm vỏ nhuyễn thể) ở giai đoạn đầu; sang giai đoạn đồng thau phát triển có thêm dòng gốm pha cát hạt mịn với xu hướng lấn át dòng gốm pha bã thực vật; 2) Về loại hình là sự phổ biến của các vật dụng sinh hoạt như: nồi thân hình cầu có miệng loe hay vai gãy, vò, bát bồng dạng chân cao và chân choãi, âu, chum vò kích thước lớn (làm quan tài), thố chậu… 3) Trang trí trên đồ gốm chủ yếu là các văn kỹ thuật (văn thừng và văn chải) vốn là các dấu vết để lại trong quá trình gia công và hoàn thiện; văn trang trí nếu có chủ yếu là vạch trên nền chải với các motif khá đơn giản, thường là vạch hình sóng nước, khuông nhạc, đường gấp khúc, uốn lượn hay in chấm… Văn trang trí chỉ thực sự phát triển ở giai đoạn sơ kỳ đồ sắt với sự phong phú của các motif như vạch tam giác, dãy hình thoi kết hợp các chấm dải, dãy hình chữ S, V, J, văn hình hoa thị hay hình sin bên trong có các chấm tròn nhỏ…

     Một đặc điểm quan trọng của thời tiền sử là mỗi khu vực, trong một giai đoạn nhất định, thường gắn với một số loại hình đặc trưng và tồn tại lâu dài bên cạnh sự xuất hiện của một số loại hình mới. Điển hình là tô, đĩa có miệng dạng lượn sóng (wavy rim) rất tinh tế với độ dày thành gốm có khi dưới 0,1cm – trở thành loại hình đặc trưng, phản ánh sự phát triển cao và sự phân công, chuyên hóa nhất định trong sản xuất gốm (tại các di tích An Sơn, Lộc Giang, Bà Đao và cả di tích đất đắp dạng tròn An Phú); hay như các đồ án hoa văn trang trí tinh xảo trên chân trụ và vành đế của loại bát bồng chân cao (An Sơn, Cù Lao Rùa, Gò Ô Chùa…). Điều này thể hiện sự sáng tạo, tiến bộ về kỹ-mỹ thuật, sự thiết lập và mở rộng các mạng lưới giao thương giữa các khu vực gần gũi về không gian địa lý từ 4.000 – 3.500 năm trước.

     Như vậy, nghề gốm đã hiện diện lâu dài trên nhiều tiểu vùng địa lý – văn hóa ở Nam Bộ. Quá trình đó đã định hình một truyền thống làm gốm phát triển, thể hiện ở việc làm chủ nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế tạo, sự đa dạng trong loại hình và sự phong phú về motif hoa văn trang trí.

     2.1.2. Giao lưu và tiếp thu các yếu tố ảnh hưởng từ bên ngoài

     Vào thiên niên kỷ I trước Công nguyên, khu vực Nam Bộ tiếp tục diễn ra hoạt động giao thương mạnh mẽ, không chỉ với các nền văn hóa đồng đại của Việt Nam lúc đó (Đông Sơn, Sa Huỳnh) mà còn với các vùng khác của Đông Nam Á (Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, khu vực hải đảo) và thế giới (Ấn Độ, Địa Trung Hải), hình thành các quan hệ thương mại trên một bình diện rộng thông qua các cửa biển kết nối với mạng lưới sông ngòi chằng chịt dẫn sâu vào nội địa. Các cảng thị sơ khai như khu vực Cần Giờ, Long Sơn trở nên nhộn nhịp trong bối cảnh đó, thể hiện qua những loại hình sản phẩm ngoại nhập mới và phong phú. Có thể nói, những nhân tố mới này, cùng với nội lực bản địa, đã tạo nên bước đột phá mạnh mẽ, căn bản và toàn diện về kinh tế, văn hóa và đời sống xã hội, là nền tảng cơ bản để hình thành nên văn hóa Óc Eo và nhà nước Phù Nam vào những thế kỷ đầu Công nguyên.

     Thời kỳ văn hóa Óc Eo, sự giao thương trong khu vực và thế giới càng trở nên nhộn nhịp, đậm nét và mở rộng hơn. Cảng thị Óc Eo – Ba Thê đã trở thành một trung tâm giao thương, kinh tế, chính trị và tôn giáo của vương quốc Phù Nam hùng mạnh. Văn minh Ấn Độ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến văn hóa Óc Eo, được phản ánh sinh động qua các nghề làm thủy tinh, làm đồ trang sức và làm gốm. Xét riêng với hiện vật gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê thì thành tố ngoại nhập được giới nghiên cứu nhắc đến với hai hệ thống: (1) trực tiếp du nhập (các sản phẩm chế tác ở bên ngoài) và (2) được sản xuất tại chỗ phỏng theo sản phẩm bên ngoài. Tại khu di tích này đã tìm thấy nhiều mảnh gốm “dường như đã thực sự được nhập khẩu từ Ấn Độ (khác với gốm địa phương làm theo kỹ thuật Ấn Độ): chúng là đồ gốm miết láng với hình dáng, màu sắc (đen hoặc cam) và sự chế tác tinh tế có thể so sánh trực tiếp với những hiện vật thuộc thế kỷ II-IV sau Công nguyên ở những di chỉ ở Ấn Độ như Arikamedu” (Bùi Phát Diệm 2011: 359); đồng thời ở đây cũng tìm thấy nhiều loại hình gốm có chất lượng tương đương như bình kendi, bình kundika, nắp đậy dạng tháp, ly cốc chân caoj được sản xuất bằng nguồn sét mịn gạn lọc kỹ, số lượng và mục đích sử dụng hạn chế. Bên cạnh đó, dòng gốm bình dân, với chất liệu là gốm pha cát hoặc pha bã thực vật, được sử dụng đại trà để sản xuất các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như nồi, vò, chum, tô, bát, cà ràng… (Bùi Chí Hoàng, 2013). Phân tích thành phần khoáng sét cho thấy, các loại gốm được sản xuất tại chỗ với nguồn nguyên liệu sẵn có.

     Sự xuất hiện của hai dòng gốm nói trên, một mặt phản ánh quá trình giao lưu và tiếp nhận những yếu tố từ văn minh Ấn Độ, mặt khác phản ánh sự phân cấp xã hội đã và đang diễn ra một cách sâu sắc tại trung tâm quan trọng nhất của vương quốc Phù Nam ở miền Tây Nam Bộ. Kiểu thức Ấn Độ với kỹ thuật chế tác được du nhập và kế thừa bởi những người thợ gốm địa phương đã có mặt trong cả dòng sản phẩm cao cấp lẫn bình dân của đồ gốm Óc Eo (Bùi Chí Hoàng, 2013). Những sản phẩm phảng phất yếu tố ngoại nhập này đã được bản địa hóa qua loại hình, kỹ thuật và motif trang trí với những nét độc đáo riêng. Đơn cử, nếu so sánh loại hình gốm tiêu biểu là bình kendi của văn hóa Óc Eo với nguyên mẫu Ấn Độ và với kendi trong văn hóa Champa hay văn hóa Dvaravati, dễ dàng nhận thấy giữa chúng có sự khác nhau rõ rệt: kendi Óc Eo có dáng mềm mại, hài hòa và đầy đặn với vòi nhô dài vừa phải; kendi Champa lại có hình dáng đậm nét kỷ hà, vòi ấm nhỏ, hẹp; kendi Dvaravati có thân dẹt, vòi dài, nhọn. Điều này cho thấy tính sáng tạo và địa phương hóa các yếu tố ngoại sinh để trở nên nét đặc sắc riêng có của văn hóa Óc Eo.

     2.2. Các giai đoạn phát triển của đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê

     Hiện vật gốm phát hiện tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê phản ánh quá trình phát triển qua nhiều giai đoạn từ sớm đến muộn, gắn liền với tiến trình lịch sử của vương quốc Phù Nam và văn hóa Óc Eo. Tuy nhiên, việc phân kỳ các giai đoạn phát triển của đồ gốm chỉ mang tính tương đối và dựa vào các phân tích định tính là chủ yếu, vì: (1) đồ gốm có sự đa dạng về đặc điểm cũng như quá trình diễn tiến hết sức phức tạp, từ đó làm cho phương pháp và cơ sở phân loại (loại hình, chất liệu), có sự khác nhau tùy thuộc vào các quan điểm nghiên cứu; (2) đồng thời, địa tầng của các di chỉ cư trú thường là sự đan xen giữa tầng văn hóa cư trú, các lớp kiến trúc, dấu tích các lớp đất đắp của cư dân cổ trong quá trình sinh sống và tác động của điều kiện tự nhiên, do vậy gây không ít khó khăn trong việc phân tách các lớp văn hóa, thậm chí nhiều trường hợp còn dẫn đến nhận thức không đầy đủ về diễn tiến phát triển của di tích.

     2.2.1. Giai đoạn thứ nhất (từ thế kỷ IIIII BC đến thế kỷ III AD)

     Các kết quả nghiên cứu kết hợp với các phân tích niên đại C14 cho thấy những cư dân đầu tiên của khu di tích Óc Eo – Ba Thê đã sinh sống trên các thế đất cao (gò, giồng) nổi trên mực nước lũ thường niên ở cánh đồng Óc Eo (Giồng Xoài: 200±90 BC; Gò Cây Da: 170±40 BC, 200±50 AD và 430±40 AD; Gò Óc Eo: 10±80 BC và 20±60 AD; Gò Cây Thị B: 110±60 AD; Gò A3: 200±50 AD) và khu vực sườn, chân núi Ba Thê (tầng văn hóa Linh Sơn Nam: 40±50 AD và 70±50 AD; Gò Tư Trăm: 80±80 BC và 70±40 AD) với các dấu vết cư trú để lại là đồ gốm, chì lưới, xương động vật… Những thế kỷ tiếp theo, phạm vi cư trú mở rộng, mật độ cư dân đông hơn, thể hiện tính chất của một thị tứ với một số ngành nghề như làm gốm, luyện kim (sắt, chì, thiếc), làm trang sức (thủy tinh, vàng, mã não). Đồng thời, cư dân đã có mối quan hệ trao đổi với thế giới bên ngoài, đặc biệt là Ấn Độ và vùng Địa Trung Hải (trang sức khắc chữ Phạn, 2 hiện vật vàng tượng trưng của hai hoàng đế La Mã trị vì 138-161 AD và 161-180 AD…). Đây là những cư dân có truyền thống cư trú trên nhà sàn, mái lợp ngói với vết tích cọc gỗ dọc theo các dòng sông, lung cổ hay nằm sâu trong tầng văn hóa của các di tích. Khu vực này còn tồn tại dòng gốm pha cát (hạt mịn và thô, kích cỡ khá đều) và dòng gốm thô pha bã thực vật (dạng thân thảo), lớp áo bên ngoài có màu hồng, xám, nâu vàng hay đen bóng mang đặc trưng của đồ gốm thuộc lưu vực sông Đồng Nai và Vàm Cỏ với các vật dụng quen thuộc như nồi, vò, bình, bát đĩa nông lòng, nồi nấu kim loại, cà ràng, bát tộ… Số liệu thống kê tại hố 08.GTT.H2 cho thấy, hai dòng gốm này chiếm 61,5% trên tổng số 244 mảnh gốm trong tầng văn hóa thuộc giai đoạn thứ nhất (lớp 13- 12) với tỷ lệ gần tương đương (gốm pha cát thô 32%, gốm pha bã thực vật 29,5%). Tại hố 07.GTT.TS2, trong cùng giai đoạn (lớp 10-8), chúng chiếm 45,7% trên tổng số 245 mảnh gốm với tỷ lệ hai loại lần lượt là 14,7% và 31%(1).

     Trong giai đoạn đầu tiên này, khu di tích Óc Eo – Ba Thê còn phổ biến hai dòng gốm: (1) gốm bã thực vật dạng thân thảo được cắt rất nhỏ, xương khá mịn và đặc sít, cứng, bề mặt nhẵn với lớp áo đen bóng mà tiêu biểu là các dạng bát bồng chân cao và (2) gốm sét mịn gạn lọc kỹ, xương gốm màu vàng nhạt, lớp áo màu vàng cam hoặc đỏ hồng. Dòng gốm sét mịn vàng cam này chủ yếu dùng làm các vật dụng có tính thẩm mỹ cao như nồi, vò, bình gốm thân hình cầu, tô sâu lòng, nắp đậy dạng đĩa có gờ móc tròn và điển hình là ly-cốc chân cao với kỹ thuật bàn xoay, hình dáng cân đối, bề mặt có dấu vết một lớp láng bóng màu thổ hoàng (L. Malleret 1960: 192). Hai loại chất liệu mới được tìm thấy trong một số di tích “tiền Óc Eo”, tiếp tục phổ biến ở giai đoạn Óc Eo sớm (thế kỷ I-III AD) và trở thành một trong những hiện vật đặc trưng của khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Tại di tích Gò Tư Trăm, hai loại gốm nói trên chiếm 38,5% tổng số mảnh gốm trong lớp 13-12 của hố 08.GTT.H2 và 42,5% tổng số mảnh gốm lớp 10-8 của hố 07.GTT.TS2. Nếu xét riêng trong từng loại chất liệu, tại hố 08.GTT.H2 ở giai đoạn thứ nhất tìm thấy 96,5% (55/57) trên tổng số gốm bã thực vật đen mịn và 73,6% (39/53) trên tổng số gốm sét mịn vàng cam. Tại hố 07.GTT.TS2, tỷ lệ này là 72,6% (45/62) và 72,9% (59/81)(2).

     Bên cạnh những loại hình tồn tại và sẽ trở nên phổ biến vào giai đoạn văn hóa Óc Eo điển hình thì cũng có một số chỉ xuất hiện ở khung niên đại I-III AD, chẳng hạn, bình hình con tiện với phần vai gãy, trang trí những đường vạch song song với chất liệu sét mịn vàng cam; thố chậu với chất liệu sét pha cát thô, xương có nhiều cát to và sạn laterite nâu đỏ hay tô sâu lòng chỉ tìm thấy ở các lớp văn hóa sâu nhất của các di tích cư trú.

     Đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê được trang trí không nhiều. Trong chương trình thám sát và khai quật vào năm 1983, hoa văn trang trí chiếm 12,55% tổng số hiện vật gốm thu được (Ban Khảo cổ học, 1983). Đợt khai quật di tích Gò Tư Trăm năm 2002, tỷ lệ mảnh gốm có hoa văn chỉ chiếm 7,8% (Đào Linh Côn 2010). Ở giai đoạn Óc Eo sớm là sự phổ biến của loại văn kỹ thuật, xuất phát từ yêu cầu của quá trình gia công, gồm văn thừng và văn chải, không chỉ góp phần tạo dáng sản phẩm, hỗ trợ hấp thu nhiệt, hạn chế nứt vỡ khi nung mà còn đỡ trơn tuột và dễ cầm hơn, thuận lợi trong việc bưng bê hay di chuyển. Văn thừng xuất hiện phổ biến nhất trên cả chất liệu mịn và thô. Văn thừng mịn (chiếm đa số, tỷ lệ 3-6 vết thừng/1cm) và văn thừng thô tập trung ở thân dưới và đáy của các loại nồi, vò lớn nhỏ, tuy nhiên cách thể hiện không đều và không sắc nét bằng văn thừng in dập thời tiền sử ở vùng đồng bằng Nam Bộ (Đào Linh Côn 2010). Trong khi đó, văn chải có số lượng ít nhất, chủ yếu là những nét xiên đứng ngang hoặc đan chéo ở phần đáy của các loại đồ đựng.

     Hoa văn trang trí thể hiện sự sáng tạo và tư duy thẩm mỹ của những người thợ gốm, là khâu kỹ thuật thể hiện rõ hơn cả tính giai đoạn và đặc thù địa phương khó lẫn của các khu vực, các trung tâm gốm khác nhau (Phạm Lý Hương 2004: 443). Ở giai đoạn Óc Eo sớm, kiểu trang trí bằng kỹ thuật khắc vạch trên vai và thân trên của các loại bình trong hầu hết các loại chất liệu rất phổ biến với motif điển hình là các dạng đường vạch song song theo nhóm từ 2-10 đường chỉ chìm sắc nét hoặc các văn răng sói nối tiếp nhau trong các băng khuông nhạc song song trên dưới. Văn đắp nổi trên vai nồi, vò gốm thô hình cầu với xương dày, vốn đã tồn tại từ các thời kỳ trước, cũng được bảo lưu và có sự kết hợp với kỹ thuật cắt tạo ngấn cùng với các đồ án khắc vạch ở phần vai bên trên. Một số motif hoa văn hiếm gặp cũng được tìm thấy trong giai đoạn sớm này, điển hình là văn in hình nan chiếu trên gốm thô, áo màu xám nâu tìm thấy tại Giồng Xoài (2001) và Gò Tư Trăm (2002). Hoa văn này phổ biến trong các di chỉ tiền sử Đông Nam Bộ, điển hình là Dốc Chùa. Văn in dấu vải cũng tìm thấy tại Giồng Cát, Giồng Xoài với vết in sắc nét giống mảnh vải rất mịn.

     Về kỹ thuật chế tác, điểm khác biệt nổi bật giữa giai đoạn văn hóa Óc Eo sớm so với các giai đoạn sau thể hiện qua: (1) sự phổ biến của gốm làm bằng tay với kỹ thuật con trạch kết hợp bàn đập hòn kê trên các loại hình gốm thô; kỹ thuật bàn xoay chỉ áp dụng trên một vài sản phẩm như tô bát, nắp đậy, ly cốc từ gốm sét mịn vàng cam; (2) công đoạn nung sản phẩm với sự hiện diện của những hiện vật có xương gốm không cứng chắc, màu sắc áo gốm không đồng đều thường thấy trên các kiểu nồi, bình vò, tô bát, chum,… là những biểu hiện của sản phẩm được nung ngoài trời.

     2.2.2. Giai đoạn thứ hai (từ thế kỷ IV đến VI)

     Từ thế kỷ III-IV, châu thổ sông Cửu Long được định hình hoàn chỉnh, quá trình chiếm cư diễn ra mạnh mẽ trên các vùng đồng bằng miền tây sông Hậu, vùng U Minh và cả vùng trũng Đồng Tháp Mười. Xã hội Óc Eo bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng. Trong đó, khu di tích Óc Eo – Ba Thê vẫn giữ vị trí trung tâm của đồng bằng Nam Bộ nói chung, thể hiện qua sự “nở rộ” các kiến trúc tôn giáo lớn bằng gạch – đá trên sườn đông núi Ba Thê và hơn 30 gò trên cánh đồng Óc Eo (chùa Linh Sơn, Linh Sơn Nam, Gò Cây Trôm, Gò Cây Thị, Gò Giồng Cát), gắn liền với những khu vực cư trú quy mô lớn, các xưởng thủ công, tường bao, lung nướcj Phân tích niên đại và so sánh tương quan về di tích – di vật cho thấy, thế kỷ III-IV cũng là giai đoạn bắt đầu phát triển toàn diện của cảng thị Óc Eo và tiền cảng Nền Chùa. Những loại hình hiện vật đặc trưng của Óc Eo được phát hiện phần lớn thuộc thời kỳ này như đồ gốm, đất nung, trang sức (vàng, đá quý, thủy tinh, chì thiếc), đồng tiền, con dấu, tượng thờ, vật dụng bằng đá, gỗ…

     Ở giai đoạn thứ hai, gốm bã thực vật đen bóng cùng gốm sét mịn vàng cam gần như biến mất hoặc chỉ còn rải rác (tỷ lệ lần lượt của hai dòng gốm này là 0,2% – 1,35% trên tổng số 1.034 mảnh gốm của hố 08.GTT.H2 từ lớp 11 – 5 và 2,4% – 3% trên tổng số 723 mảnh gốm tại hố 07.GTT.TS2 từ lớp 7-4)(3), thay vào đó là loại gốm sét mịn có xương màu xám đen, xám trắng với lớp áo phổ biến màu vàng nhạt hay trắng ngà, tiêu biểu cho trình độ cao nhất trong chế tác gốm của văn hóa Óc Eo nói chung, từ việc xử lý nguyên liệu, tạo hình đến trang trí thẩm mỹ, chủ yếu dùng cho các sản phẩm nghi lễ tôn giáo, đặc trưng bởi loại bình có vòi (kendi) với dáng miệng loe xiên, thành miệng bẻ lật ra ngoài, mép miệng vuốt tạo gờ nổi đẹp mắt và loại bình nước thiêng (kundila) với cổ dạng trụ tròn thu nhỏ dần và loe rộng ở phần vai, lỗ rót rộng khoảng 0,5-0,7cm, giữa miệng và cổ ngăn cách bởi một vành hình đĩa dẹt, thân phình tròn hình cầu. Một loại gốm khác cũng trở nên phổ biến là gốm sét pha cát mịn với đất sét được lọc kỹ có pha thêm tỷ lệ cao cát hạt rất mịn và đều, xương cứng chắc, mỏng, màu sắc gần như đồng nhất với lớp áo, thường có màu nâu vàng, nâu đỏ hay xám trắng. Dòng gốm mịn chiếm khoảng 38,29% tổng số mảnh gốm của giai đoạn này (hố 08.GTT.H2)(4). Đồng thời, dòng gốm thô ghi nhận sự thay đổi về chất liệu: gốm pha cát thô có thêm đá nghiền nhỏ, hạt không đều; gốm pha bã thực vật xương đen, thân khá dày và có thêm rất nhiều vỏ trấu hoặc chỉ toàn vỏ trấu. Về số lượng, trong giai đoạn thứ hai, tỷ lệ gốm pha cát thô chiếm 52,71% và gốm pha bã thực vật chỉ chiếm 7,45% trên tổng số mảnh gốm của hố 08.GTT.H2 từ lớp 11-5; tại hố 07.GTT.TS2, từ lớp 7-4, tỷ lệ giữa hai loại gốm lần lượt là 38,2% và 8%(5). Hai loại hình này được tìm thấy trong hầu hết các di tích nổi bật của văn hóa Óc Eo ngoài khu Óc Eo – Ba Thê như Nền Chùa, Đá Nổi, Nhơn Thành, Gò Tháp… phổ biến với các loại hình đặc trưng như nồi, vò, cà ràng.

     Một số loại hình đồ gốm về cơ bản có sự thay đổi so với thời kỳ trước. Ví dụ: bình thân hình cầu (có vòi và không có vòi), nếu như ở giai đoạn Óc Eo sớm, có dáng hơi thấp, miệng xiên khum nhẹ, cổ thắt eo hoặc gãy góc, vòi bình dạng nón cụt hay hình trụ đơn giản, thì sang giai đoạn Óc Eo phát triển, miệng bình có xu hướng thu nhỏ tạo dáng thắt eo mạnh, miệng loe cong, thành miệng bẻ lật, vành mép được vuốt tạo nhiều kiểu đa dạng, phần vai nở tròn, thân thuôn nhỏ dần, các kiểu vòi được tạo hình đẹp mắt với gờ nhẫn ở đầu hay dáng chữ S mềm mại; loại hình nắp đậy dạng đĩa thuộc gốm mịn vàng cam từ kỹ thuật bàn xoay có gờ móc được thay thế bằng loại nắp dạng đĩa với núm cầm mũ đinh chế tác bằng kỹ thuật ép khuôn và nặn tay; loại hình ly-cốc sét mịn vàng cam phổ biến ở giai đoạn sớm được thay thế bằng gốm sét mịn và chỉ tìm thấy ở đầu giai đoạn này với số lượng khiêm tốn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các loại hình gốm mới và trở thành sản phẩm đặc trưng của giai đoạn Óc Eo phát triển, điển hình là nồi gốm pha cát mịn hình con tiện với vai rộng, gãy góc nhọn và sâu lòng; các loại nắp hình chuông, hình tháp hay hình nấm từ gốm sét mịn gạn lọc rất kỹ, chế tác tinh xảo và trang trí cầu kỳ; ly-cốc với phần thân dạng hình chuông lật ngược, vành miệng loe cong ra ngoài, đế trụ tròn thấp (tìm thấy tại di tích Gò Óc Eo, khai quật năm 2001); chung cốc nhỏ (cao 4-5cm, đường kính miệng 3-4cm) chủ yếu từ sét pha cát mịn hay pha bã thực vật, nặn bằng tay, dáng thô, thân loe xiên hay thẳng đứng, đế dày bằng hoặc lồi nhẹ với độ nung không cao, tìm thấy khá phổ biến trong lớp văn hóa của di tích Gò Tư Trăm, Trung Sơn thuộc giai đoạn Óc Eo phát triển và muộn hơn.

    Hoa văn trang trí trong giai đoạn Óc Eo điển hình rất đa dạng với nhiều kỹ thuật trang trí khác nhau, phổ biến là khắc vạch, tô màu, đắp nổi, khắc vạch kết hợp tô màu được phát huy mạnh mẽ và tạo nên bản sắc đặc trưng của đồ gốm Óc Eo. Văn vạch vẫn là loại hình chủ đạo thể hiện dạng các nhóm đường song song, đồ án tam giác, cung tròn, sóng nước cùng các biến thể phong phú. Văn đường chỉ nổi xuất hiện và duy trì đến giai đoạn muộn hơn, gồm những đường nhỏ, mịn, thể hiện duy nhất trên kiểu miệng có vành hơi cong khum của nồi hoặc bình gốm có lớp áo đen bóng, xám đen hoặc đỏ tại di tích Gò Tư Trăm. Văn đường chỉ chìm với 2-3 hàng, mỗi hàng có từ 3-6 đường song song cách đều nhau, thường thể hiện trên đồ gốm có lớp áo màu đen tuyền hay xám đen (Đào Linh Côn 2010: 150- 151). Văn đắp nổi ở giai đoạn sớm tiếp tục phát triển trong giai đoạn này với kỹ thuật tạo ngấn lõm đa dạng và sắc xảo hơn. Văn in xuất hiện và phổ biến từ giai đoạn văn hóa Óc Eo phát triển, được tạo bởi những khuôn in được khắc chìm hoa văn hoàn chỉnh, đặc trưng nhất là đồ án hoa sen trong lòng những chiếc nắp vung lõm hoặc trên vành miệng cà ràng với các đồ án phức tạp. Ngoài ra còn có trang trí văn in nổi hình hai hàng cánh sen nối tiếp nhau trên một mảnh bình gốm nhỏ. Văn tô, vẽ màu tìm thấy khá phổ biến trong di tích Óc Eo – Ba Thê ở giai đoạn phát triển trên cả chất liệu gốm mịn và thô, thể hiện thành những băng màu chạy quanh vai, cổ hay phần vành miệng của bình, vò, hoặc được kết hợp với những đường chỉ chìm có tác dụng làm nổi bật các đồ án trang trí, đôi khi bị nhầm lẫn với loại gốm mịn có lớp áo màu vàng cam thuộc thời kỳ sớm của văn hóa Óc Eo. Văn cắt và trổ lỗ xuất hiện chủ yếu trên nắp đậy dạng tháp bằng gốm mịn với những nét cắt, vạch, trổ lỗ hình tam giác kết hợp những đường chỉ chìm và chấm dải…

     Kỹ thuật chế tạo gốm đã đạt đến trình độ cao thể hiện qua bộ sưu tập hiện vật tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Người thợ gốm đã làm chủ được kỹ thuật, quy trình làm gốm và tạo ra những loại hình mới với độ tinh tế và thẩm mỹ cao. Đồ gốm của văn hóa Óc Eo đến giai đoạn này nói chung thường được tạo dáng bằng ba kỹ thuật, tùy vào loại hình cũng như tính chất của sản phẩm được sử dụng: (1) kỹ thuật nặn tay với sự hỗ trợ của bàn đập hòn kê, phổ biến trên gốm thô với dấu vết là những đường sóng chạy quanh cùng với dấu ngón tay theo chiều xiên hoặc hằn lên khớp nối ở mặt trong của đồ gốm; (2) kỹ thuật bàn xoay áp dụng cho nhóm gốm mịn với xương mỏng, đều đặn hơn và chỉ áp dụng để tạo ra một số sản phẩm nhất định, dấu vết để lại là những dấu ngón tay hình xoắn ốc, dấu tay ấn theo vòng quay, từ điểm tâm ra chu vi (L. Malleret 1960: 113); (3) kỹ thuật ép khuôn được sử dụng chủ yếu trong sản xuất nắp đậy dạng đĩa với núm cầm mũ đinh điển hình của giai đoạn Óc Eo phát triển (thế kỷ IV-VI AD), hình dáng cân đối và đẹp, không có các vết rãnh xoắn điển hình của kỹ thuật bàn xoay, có hoặc không có đồ án trang trí. Tại di tích Gò Tháp trong cùng khung niên đại đã tìm thấy 3 chiếc khuôn với một mặt khuôn cong lồi là mặt chính tạo hình nắp đậy, mặt khuôn có trang trí hình hoa sen, giữa có lỗ tròn là phần thân của núm cầm và núm sẽ được nắn thêm vào, cho thấy hoàn toàn có khả năng cư dân Óc Eo – Ba Thê đã sử dụng khuôn để tạo ra sản phẩm cùng loại hình.

     Công đoạn cuối cùng khi làm đồ gốm là nung sản phẩm. Tại di tích Nền Vua (Kiên Giang, đợt thám sát 1997 và 2002) đã phát hiện dấu vết của lò nung gốm dạng bầu hình chữ nhật nằm theo hướng bắc nam dài 9m, rộng từ 3,8m ở đầu nam đến 4,4m ở đầu bắc, cao từ 0,5-0,7m, vách đắp bằng đất sét dày từ 0,45-0,55m, cao từ 0,55-0,70m. Lòng lò có hai ngăn, cách nhau bởi bờ vách dày 0,8m, ngăn phía bắc hình tứ giác, diện tích 2,5×2,7m, sâu 0,7m, có lối thông ra bên ngoài lò ở cạnh đông rộng 0,7m. Hố thám sát còn tìm thấy nhiều thỏi đất nung hình trụ, các vỉa đất sét, than tro và các phế phẩm. Mẫu than trong phạm vi lò cho niên đại 630±60 AD (Đào Linh Côn, 2004). Với cấu trúc của lò nung tương đối hoàn chỉnh, được tu sửa nhiều lần và tồn tại trong thời gian dài cho phép đặt ra giả thuyết vững chắc về sự tồn tại của các lò nung tương tự tại một trung tâm lớn như Óc Eo – Ba Thê. Đồng thời, sự hiện diện phong phú các sản phẩm thuộc dòng gốm mịn, xương gốm đanh cứng, lớp áo đẹp đồng nhất và chất lượng cao cũng là bằng chứng cho sự hiện diện của lò nung gốm.

     2.2.3. Giai đoạn thứ ba (từ thế kỷ VII đến khoảng thế kỷ X)

     Từ cuối thế kỷ V, vị trí trung tâm thương mại trong khu vực Đông Nam Á đã dịch chuyển từ cảng thị Óc Eo sang vùng biển Malacca (phía Nam bán đảo Mã Lai) đã làm suy yếu vị thế của vương quốc Phù Nam, cộng thêm những cuộc tiến công của Chân Lạp từ giữa thế kỷ VI, có thể xem là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Phù Nam vào nửa đầu thế kỷ VII, gây ra những biến động to lớn đến đời sống xã hội của cư dân văn hóa Óc Eo. Cơ tầng văn hóa vẫn tiếp tục tồn tại trên những địa bàn quen thuộc tuy rằng mật độ suy giảm và thay vào đó là sự phát triển của hàng loạt các di tích ở những vùng xa trung tâm Óc Eo với những đặc điểm vừa mang truyền thống Óc Eo vừa mang tính khu vực.

     Cho đến nay, các dấu vết của di chỉ cư trú thuộc giai đoạn này tại vùng Óc Eo – Ba Thê rất mờ nhạt, chủ yếu phát hiện cùng với các di tích kiến trúc có niên đại sau thế kỷ VII trên chân – sườn núi Ba Thê và ở di chỉ cư trú Gò Tư Trăm. Đó là lớp vô sinh dày 0,3-0,4m tại Linh Sơn Nam, ngăn cách giữa kiến trúc điển hình của Óc Eo với kiến trúc muộn hơn bằng một loại gạch có đặc điểm khác (niên đại C14 cho kết quả 880±50 AD); tại Gò Út Nhanh, một tấm đá hoa cương dày 0,6-0,8m ngăn cách lớp kiến trúc thuộc giai đoạn hai với hai lớp kiến trúc muộn bên trên mà niên đại muộn nhất vào khoảng thế kỷ XII; tại tầng văn hóa trên cùng của Gò Tư Trăm (từ bề mặt đến độ sâu 1,3m) đã tìm thấy nhiều loại hình đồ gốm giống tầng văn hóa ở giữa, đồng thời cũng ghi nhận một lớp kiến trúc được xây trên nền cư trú thuộc giai đoạn thứ hai (từ 1,3 đến 2,4m) (Võ Sĩ Khải 2008: 45).

     Truyền thống gốm Óc Eo giai đoạn trước vẫn được bảo lưu nhưng nhìn chung chất liệu gốm đơn giản, số lượng và loại hình giảm sút, kỹ thuật chế tác thụt lùi. Ở giai đoạn ba của Gò Tư Trăm, gốm pha cát với thành phần hạt rất thô, xương cứng chắc, bề mặt nhám, thành gốm dày hơn (từ 0,8 đến 1,2cm) (Nguyễn Thị Hà 2012: 108) vẫn tiếp tục tồn tại và chiếm ưu thế. Số liệu thống kê cho thấy, tại hố 08.GTT.H2 (lớp 4 – lớp mặt), gốm pha cát thô chiếm 72,54% trên tổng số 3.518 mảnh; tỷ lệ này là 53,8% trên tổng số 1954 mảnh của hố 07.GTT.TS2 (lớp 4 – lớp mặt). Trong khi đó, gốm bã thực vật gần như biến mất (0,14% trên tổng số gốm thuộc giai đoạn ba tại hố 08.GTT.H2 và 0,67% trên tổng số gốm cùng giai đoạn tại hố 07.GTT.TS2). Dòng gốm mịn (sét mịn và sét pha cát mịn) kiểu Óc Eo vẫn được sử dụng khá phổ biến, tuy rằng đã có sự thay đổi về xương gốm (xám đen/xám trắng chuyển sang nâu đỏ/nâu vàng) và màu áo (vàng nhạt chuyển sang đỏ gạch). Trong giai đoạn này, tại hố 08.GTT.H2 gốm mịn chiếm 27,32% tổng số mảnh, còn tại hố 07.GTT.TS2 tỷ lệ này là 45,53%(6).

     Các loại hình đặc trưng của văn hóa Óc Eo như ly cốc, nắp vung có lỗ cầm, nồi gốm thô có miệng rộng đáy thấp… gần như không còn; cà ràng cũng suy giảm về số lượng. Loại hình phổ biến là các bình gốm pha cát mịn với cổ thắt eo, miệng loe ưỡn hoặc loe gãy, mép miệng phẳng hoặc lõm nhẹ, vai xuôi và nở rộng ở gần hông, trang trí các đường khắc vạch song song; hay nồi sét pha cát thô, nhiều sạn laterite với vành miệng ngắn, loe ưỡn, vai nở mạnh, đáy lồi, vai trơn hoặc vạch những đường song song, đôi khi được khoan một lỗ sau nung; thố chậu, các kiểu chum cốc nhỏ… Ngoài ra, ở giai đoạn này còn có một số đồ gốm không thấy ở giai đoạn trước như dọi xe chỉ, gốm ghè, bi gốm, tượng động vật. Phần lớn đồ gốm được làm bằng tay với kỹ thuật dát bản hoặc kỹ thuật con trạch kết hợp với thủ pháp cạo bề mặt sản phẩm (Nguyễn Thị Hà 2012: 112).

     Di tích Gò Tư Trăm trong giai đoạn thứ ba cũng ghi nhận sự hiện diện của một số mảnh gốm không men có gờ nổi ở phần tiếp giáp cổ và vai kiểu Chân Lạp, đồ sành sứ men celadon, men nâu, men trắng có nguồn gốc ngoại nhập. Ngoài ra, giai đoạn này cũng thể hiện sự nghèo nàn trong trang trí với đa số là các dạng văn vạch, văn đường chỉ nổi, văn đắp nổi tương tự giai đoạn trước. Tuy vậy, giai đoạn này cũng ghi nhận ít nhiều thay đổi, chẳng hạn, văn đường chỉ chìm thường gồm 3-10 đường vạch chìm lớn, nét khá sâu và dạng các đường uốn lượn (từ 3-5 đường), cong tròn (3-6 đường) hay cánh cung (2-3 đường) (Đào Linh Côn 2010: 150-151).

Kết luận

     Khu di tích Óc Eo – Ba Thê với tính chất là đô thị cảng và là một trung tâm kinh tế – xã hội – tôn giáo quan trọng nhất của vương quốc cổ Phù Nam đã để lại một khối lượng di tồn vật chất hết sức đa dạng và phong phú, trong đó có đồ gốm. Đây là vật dụng phổ biến và gần gũi nhất với đời sống cũng như phục vụ cho các lễ nghi tôn giáo của cư dân đương thời và là một trong những thành tựu quan trọng, minh chứng cho sự tồn tại của truyền thống bản địa và văn hóa ngoại nhập. Đồng thời đồ gốm Óc Eo cũng thể hiện sự tinh tế và sáng tạo của người thợ gốm thời cổ xưa, làm cho “xét về tổng thể, gốm Óc Eo là một phức hợp gốm riêng biệt, có tính địa phương rõ rệt” và “gốm Óc Eo không giống bất kỳ phức hợp gốm nào ở Đông Nam Á” (Hà Văn Tấn 1997: 838).

     Bên cạnh đó, việc xác lập các giai đoạn phát triển của đồ gốm Óc Eo – Ba Thê với những đặc trưng cơ bản về loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tạo và hoa văn trang trí sẽ cung cấp cơ sở quan trọng trong việc ước định niên đại và phân kỳ các giai đoạn phát triển của các di tích thuộc văn hóa Óc Eo thông qua phương pháp so sánh loại hình học, kết hợp với nghiên cứu loại hình di tích và các di vật khác, góp phần nhận diện một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về bức tranh xã hội thời kỳ này.

    Chú thích:

     (1),(2),(3) Các phân tích tỷ lệ dựa trên bảng thống kê của Nguyễn Thị Hà, 2012, phần phụ lục, tr. 158-159.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1. Ban Khảo cổ học. 1983. Báo cáo kết quả chương trình điều tra, khảo sát, khai quật tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     2. Bùi Chí Hoàng. 2013. “Khu di tích Óc Eo – Ba Thê (An Giang), những giá trị nổi bật”. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM, số 5(177).

     3. Bùi Phát Diệm. 2011. “Văn hóa Óc Eo – nhận thức về sự phát triển buổi đầu, trao đổi với Ấn Độ, những nỗ lực kiểm soát đồng bằng ngập nước và sự phát triển thành thị”. In trong Một số vấn đề khảo cổ học ở miền Nam Việt Nam (tập 4). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     4. Carmen Sarjeant. 2008. Northeast Thailand Ceramic Technology from the Bronze to Iron Ages. Master of Arts (Archaeology). New Zealand: University of Otago, Dunedin.

     5. Đào Linh Côn. 2004. “Lò Gốm cổ Nền Vua (Vĩnh Thuận, Kiên Giang)”. In trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     6. Đào Linh Côn. 2010. Giá trị văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ (qua tư liệu hiện có). Đề tài cấp Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     7. Hà Văn Tấn. 1997. Óc Eo – Những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. In trong Theo dấu vết các văn hoá cổ. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     8. Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải. 1995. Văn hóa Óc Eo – những khám phá mới. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     9. Louis Malleret. 1960. Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập II. Hà Nội: Bản dịch của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 1970.

     10. Nguyễn Thị Hà. 2012. Di tích Gò Tư Trăm (An Giang). Luận văn Thạc sĩ Khoa học Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     11. Phạm Lý Hương. 2004. “Nghiên cứu gốm tiền sử – sơ sử Việt Nam trong thế kỷ XX: những hiểu biết căn bản”. In trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam (tập I). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     12. Trung tâm Khảo cổ học. 2012. Hồ sơ xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt Khu di tích Óc Eo – Ba Thê. Tư liệu Trung tâm Khảo cổ học.

     13. Võ Sĩ Khải. 2005. “Xã hội Ba Thê – Óc Eo mười thế kỷ đầu Công nguyên – nhìn từ góc độ khảo cổ học”. In trong Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam (tập II). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

     14. Võ Sĩ Khải. 2008. “Văn hóa Óc Eo – sáu mươi năm nhìn lại”. In trong Văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

     15. Yuko Hirano. 2005. Earthenware in Mekong Delta, South Vietnam: Mainly in Spouted Vessels and Roof Tiles. Research Fellow, lnstitute of Asian Cultures, Sophia University.

     Ghi chúHình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Qúy độc giả xem ở tệp PDF.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội, số 10 (218), 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Đồ gốm tại khu di tích Óc Eo – Ba Thê: Đặc trưng và quá trình phát triển
(Tác giả: Nguyễn Hoàng Bách Linh)