Đô Thị Cổ Phố Hiến: Thư tịch và bi ký Hán Nôm

Tác giả: NGÔ ĐỨC THỌ

     Trong các thư tịch Hán Nôm, tư liệu viết về Phố Hiến không nhiều. Dù cho nơi đây đã trở thành một trung tâm buôn bán có danh tiếng ở thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII, nhưng điều đó hình như cũng không thu hút được nhiều sự chú ý của các sử gia. Sử ký tục biên có ghi đôi nét về Vạn Lai Triều, nhưng là quan tâm đến một sự kiện khác: “Dân phố trong Kinh kỳ và khách buôn ở Vạn Lai Triều (ở ngoài Hiến Dinh Sơn Nam) tình nguyện hiến [chì, diêm tiêu, lưu hoàng làm thuốc súng] để được trao cho quan chức(1). Địa điểm Hiến Dinh được chép trong Cương mục 1 lần khi Trịnh Doanh đi đánh dẹp cuộc phiến loạn của Vũ Đình Dung (11 – 1740)(2). Phan Huy Chú có lẽ đã chú ý nhiều hơn đến nơi đóng lỵ sở của trấn Sơn Nam đời Lê: “Dinh trấn ở huyện Kim Động là nơi trấn cũ, nhân vật nhiều, phong cảnh đẹp, bãi Xích Đằng là kho của các đời và là chỗ xung yếu then khóa”(3). Phải đến Đại Nam nhất thống chí (phần ghi về tỉnh Hưng Yên) mới có những ghi chép chi tiết hơn về một vùng đô thị cổ: “Cung cũ Hiến Nam” ở địa phận xã Nhân Dục, huyện Kim Bảng là lỵ sở trấn Sơn Nam đời Lê: “Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp. Đại đô hội ở Bắc Kỳ chỉ có Thăng Long và đây mà thôi, cho nên mới có câu: “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Ở mục Chợ và phố soạn giả có ghi thêm vài chi tiết: “Phố Bắc Hòa Thượng và Hạ đều ở phía tây nam huyện Kim Động. Đời Lê, Vạn Lai Triều và dinh Hiến Nam đều ở đây. Hai phố này nhà ngói như bát úp, là nơi người Trung Quốc tụ hội buôn bán. Lại có phố Nam Hòa người Trung Quốc ở, đối diện với phố Bắc Hòa”(4). Các nhà biên khảo đời sau, khi viết về Phố Hiến, thường dựa vào mô tả trên đây của ĐNNTC.

     Mấy chục năm sau, trong một chuyên khảo đầu tiên về địa chí tỉnh Hưng Yên, cuốn Hưng Yên nhất thống chí(5) mới có thêm một ít tư liệu nói về đô thị cổ Phố Hiến. Soạn giả HYNTC cho biết rõ hơn dinh cũ Hiến Nam là nơi đóng hành dinh của cả ty Thừa Chính và ty Hiến sát. Soạn giả cũng phân biệt rõ Phố Bắc và Phố Hòa, chứ không gọi chung là Phố Bắc Hòa, hoặc là Phố Bắc Hòa Thượng, Bắc Hòa Hạ như ĐNNTC. Tác giả viết: “Phố Bắc và Phố Hòa, một phố thì ở dinh cũ của ty Hiến sát trấn Sơn Nam xưa, một phố thì ngày nay gọi là phố Bắc Hòa. Tương truyền rằng đời Lê, người Thanh (Trung Quốc) đi thuyền sang buôn bán ở nước ta không được phép đến thẳng Kinh đô Thăng Long, mà phải đậu thuyền ở nơi đây; họ bèn xuất tiền mua đất làm nhà để thuận lợi cho việc cư trú và buôn bán. Vì thế nên gọi là (…). Ngày nay dân phố phần lớn đều có cháu người Thanh. Ở đây có bến tàu, nay tức là sông Bảo Châu, tục gọi là Nhổ Tàu, đó là nơi bốc đỡ, vận chuyển hàng hóa”. Địa danh Bảo Châu ngày nay ít người biết, nhưng chúng ta còn có thể thấy trong tấm biển tên chùa ốp bằng mảnh sứ “Bảo Châu Linh ứng tự” của ngôi chùa cổ ở ngoài đê thuộc địa phận xã Quảng Châu huyện Phù Tiên ngày nay. Soạn giả HYNTC có thực hiện việc sưu tập thêm những tư liệu liên quan đến Phố Hiến, như về Thổ sản có ghi đậu Hòa Lan trồng nhiều ở xã Nễ Châu, huyện Tiên Lữ nay là thôn Hà, xã Hồng Nam, huyện Phù Tiên (cách Phố Hiến 2km). Soạn giả cũng ghi nghề làm bánh mật ở phố Hàng Chè huyện Kim Động, cách ghi như thế, phải chăng trong danh mục các phường, phố ở Phố Hiến xưa có tên phố Hàng Chè ? Lệ thu thuế các thuyền buôn ở Phố Hiến thời Lê như thế nào, hiện chưa khảo được rõ, nhưng cũng trong HYNTC chúng ta có thể phần nào hiểu được cách thu thuế bến đò ở đây vào thời Nguyễn Tự Đức: “Các hạng thuế hàng năm tính chung là 8.400 quan, một nửa cho tính theo giá bạc, mỗi lạng bạc 6 quan, nửa còn lại tính theo giá một lạng 8 quan, cộng là 1225 lạng”. Số thuế đó giao cho một người Trung Quốc đứng ra thu, được hưởng theo tỷ lệ 40 phần lấy 1 phần (tức 2,5%). Lệ thu thuế như vậy có lẽ được ổn định một thời gian dài, về sau vì có tình trạng người thu tự tăng thêm mức thuế mà soạn giả ghi là “Chỉ có quan thu thế và người thầu thuế châm chước nặng nhẹ không thống nhất”, cho nên đến năm Tự Đức 36 (1883) mới bỏ lệ khoán đó. Đặc biệt theo nhận xét của chúng tôi thì HYNTC là tài liệu ghi chép được rất nhiều tên các chợ: khoảng 44 chợ trong toàn tỉnh Hưng Yên, trong khi đó ĐNNTC chỉ ghi 11 tên phố và chợ. Số đó vượt hơn nhiều lần tên chợ của các tỉnh khác. Phải chăng đó cũng là dấu vết của sự phân rã thị trường sau khi đô thị cổ Phố Hiến điêu tàn ?

     HYNTC cũng ghi lại cho chúng ta những thông tin quý báu về các di tích lịch sử môi trường văn hóa liên quan đến đô thị cổ Phố Hiến, như đền thờ sứ quân Phạm Phòng át ở xã Xích Đằng (Nay thuộc xã Lam Sơn), có chi tiết cho biết “mộ của sứ quân táng ở xã Ngọc Vấn, tương truyền mộ chôn áo quan bằng đồng dài hơn 1 trượng” (khoảng 3,33m) chưa rõ ngôi mộ cổ này đến nay có còn hay không ? Chùa Kim Chung, tức chùa Chuông, (ở xã Nhân Dục nay là xã Hiến Nam) được xây dựng trong niên hiệu Vĩnh thịnh (1705-1719) đời Lê Dụ Tông. Đền Quan Thánh (thường gọi là Miếu Quan Võ, cũng có ngời gọi là Võ Miếu) và hai đền Thiên Hậu ở phố Bắc Hòa Thượng và Bắc Hòa Hạ do người Thanh sang buôn bán lập nên, riêng đền Quan Thánh được quan Tuần phủ Trần Vân Chuẩn cho trùng tu năm Tự Đức 33 (1880).

     Đến nay chưa có tư liệu gì để xác định ai là soạn giả của tập HYNTC, chỉ biết công trình được biên soạn vào khoảng không lâu sau năm Đồng Khánh ất Dậu (tức là nửa sau của năm 1885). Vì đó là năm có sự kiện muộn nhất được ghi chép. Qua sơ bộ đối chiếu với phần tỉnh Hưng Yên trong Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí, chúng tôi nhận thấy đây là hai tác phẩm khác nhau. Nhưng có khả năng sách này đã được một người cộng sự của Tuần phủ Hưng Yên Hoàng Chiếp biên soạn ra trong khi chuẩn bị tư liệu khai trình lên triều đình về nội dung phần Hưng Yên của bộ Đồng Khánh ngự lãm địa dư chí (1887).

     Về văn bia, trong kho bản rập do Viện Viễn đông Bác cổ sưu tập trước đây (nay do viện Hán Nôm quản lý), văn bia tại các di tích ở vùng Phố Hiến chưa có mấy, chỉ mới có một ít bia ở chùa Chuông và chùa Xích Đằng. Bia chùa Chuông (Kim Chung tự thạch bi ký, No3765 – 3766) là tấm bia có giá trị, dựng năm Vĩnh Thịnh 7 (1711) là năm trùng tu ngôi chùa này. Mặt sau bia có ghi tên đề: Nhân Dục xã Cổ Tích truyện, ghi công đức của những người góp tiền sửa chùa, đắp tượng. Sau khi kể tên rất nhiều người ở các xã Xích Đằng, Đằng Man, Đằng Châu, Đinh Xã, Đoan Vĩ v.v. Có một dòng ghi chung số tiền đóng góp của các phường ở Phố Hiến (Bản xã đô vạn…) như: phường Hàng Bè, phường Hàng Sũ (bán quan tài, tiểu sành v.v.), phường Nhiễm Tác (Thợ nhuộm), phường Cựu Đê (Đê cũ), phường Hậu bi (sau Bia), phường Hàng Thịt (nguyên văn ghi: Hàng Nhục phường), phường Hàng Cá; Thủy Giang Nội (phường ?), Thủy Giang Ngoại, phường Cau Gỗ (Mộc lang phường: cau và gỗ). Với dòng ghi nói trên, tấm bia chùa Chuông đã lưu lại tên gọi của một số phường ở Phố Hiến hồi đầu thế kỷ XVIII.

     Để bổ sung tư liệu văn bia về Phố Hiến, vừa qua một nhóm công tác thuộc Ban Văn bản học Viện Hán Nôm được sự giúp đỡ của Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hải Hưng tiến hành một đợt sưu tầm bi ký trên thực địa. Nhóm công đã làm được 66 thác bản văn bia ở 19 di tích lịch sử văn hóa ở khu vực Phố Hiến. Chùa Hiến (Thiên ứng tự) là ngôi chùa cổ đã chứng kiến sự hưng suy của đô thị này. Tấm bia bên trái sân chùa ghi về đợt trùng tu năm Vĩnh Tộ 7 (1625), ca ngợi rằng: “Nhân Dục, Hoa Dương là miền đất tiêu biểu của phủ Khoái Châu, địa giới ở phía nam huyện Kim Động. Hình thế nghìn dặm rồng chầu, là nơi dê đàn tụ hội, gộp muôn nhánh về nguồn; dồn lớp sẻ bay, ấy là phía ngoài dinh Trấn, ôm giải đất trong sông… Có người nói thôn Hoa Dương danh tiếng là nơi đóng trị sở Ty Hiến sát của Sơn Nam thừa tuyên mà miền Phố Hiến nổi danh là một chốn đô hội Tiểu Trường An của bốn phương”.

     Mặt sau bia dày đặc những dòng chữ nhỏ ghi công đức của khoảng 500 người đóng góp tiền sửa chùa, đúc chuông, căn cứ vào đó có thể kể thêm được 2 phường Phú Lộc và Phúc Lộc.

     Tấm bia thứ hai ở chùa Thiên ứng khắc dựng năm Vĩnh Thịnh 5 (1709) chủ yếu cũng để ghi công đức thập phương đóng góp đúc chuông, tô tượng thờ, nhưnglại có chi tiết đáng chú ý ở hai mặt cạnh: ở cạnh bia bên trái, nhng địa danh mà ở bia chùa Chuông ghi là “phường” thì ở mặt cạnh bên trái của bia này ghi là “thị” như: cựu Đê thị, Ngoại Đê thị, Hậu Bi thị, v.v. Ngoài những tên phường đã biết, bia này ghi thêm được 5 tên “thị” (tức phường) khác, là: Hàng giường 行 床 市, Hàng Nồi đất 土 埚 市 (Thổ Oa thị); Hàng Chén 行 戰 市 , Hàng Nón 花 笠 市 (Hoa Lạp thị), Phường (chợ) Hà Khẩu 河 口 市. Mặt cạnh bên phải có mục riêng ghi tên người Hoa thuộc 2 tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, như Lâm Thiên Đằng, Thái Yếu Lãng v.v. tất cả 66 người. Việc ghi tên một số khá đông người Hoa đóng góp tiền công đức cho chùa Hiến trên bia này có thể cho thấy một mức độ hòa đồng về tập tục, tín ngưỡng tôn giáo của người Việt và người Hoa ở Phố Hiến khoảng đầu thế kỷ XVIII.

     Cách chùa Hiến không xa, cũng trong địa phận xã Hồng Châu, có khu đất nguyên là vườn trong dinh Trấn thủ xứ Sơn Nam xưa. Nơi đây, ngày trước có đền thờ Tước quận công Lê Đình Kiên. Đền ấy ngày nay không còn, nhưng bên cạnh đường đi còn có một tấm bia lớn (190 x 97cm) khắc năm Bảo Thái thứ 4 (1723) với dòng tên bia chạm nổi bằng chữ triện: Đỉnh kiến Tả đô đốc Thiếu bảo Tước quận công tặng Thái bảo Anh Linh vương Lê công từ bi ký. Người soạn văn bia là Trần Đế Đào (quê huyện Tấn Giang tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) nguyên là tàu trưởng tàu Hải Nam đến cư trú ở Vạn Lai Triều đã lâu năm. Văn bia chủ yếu ca ngợi công lao sự nghiệp của Thái bảo Anh Linh vương Lê Đình Kiên, đồng thời cũng là áng văn có giá trị của một người Hoa thuộc thế hệ đầu tiên đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng Phố Hiến. Với tình cảm tốt đẹp, tác giả viết: “Người ta thường nói: có núi cao ắt có sông lớn, có núi cao sông lớn tất có bậc kỳ vĩ tuấn kiệt sinh ra để cho đầy đủ khí chất bay bổng trong sáng. Điều đó không cứ ở trong nước (Trung Quốc) hay ngoài nước, dẫu ở đâu cũng thế. Bọn chúng tôi đáp thuyền biển sang làm việc ở nước Nam cũng thấy được điều đó. Những khi rỗi rãi chúng tôi từng du lãm các nơi núi sông cảnh đẹp ở chốn đô ấp đây để mở rộng tầm hiểu biết. Thấy non sông này văn nhân tài giỏi, võ sĩ siêu quần, quốc thể âu vàng bền vững, bọn chúng tôi thường cùng nhau tấm tắc ca ngợi. Về chỗ tàu thuyền ra vào tấp nập thì Vạn Lai Triều là nơi thuyền buôn dừng đậu, người Bắc quốc sang buôn bán đến nay đã mấy chục năm được an cư lạc nghiệp, không kể xa gần đều vui đến quần tụ nơi đây. Ơn trạch của Thái bảo Anh Linh vương Lê Tướng công thật lớn lao, không ghi hết được”. Tác giả văn bia không viết nhiều về tiểu sử hành trang của Lê Thái bảo, vì cho rằng những điều đó tất đã có sử sách của triều đình ghi chép. Tác giả ghi nhận sự đánh giá cao của người đương thời và tình cảm biết ơn sâu sắc của người Hoa ở Phố Hiến đối với vị đại thần giữ chức Trấn thủ xứ Sơn Nam trong 46 năm: “Tướng quân yêu dân như con, ngăn giặc có phép, dè xẻn tiêu dùng, công lao trung quân ái quốc của Tướng công, dẫu đứa trẻ lên ba cũng biết ca tụng… Bọn chúng tôi là thương khách từ xa tới, đâu dám điểm tên kể số nhân sự của bản quốc. Chỉ nghĩ rằng, chúng tôi kiều ngụ ở nước Nam đã lâu, được thấm nhuần công đức ơn trạch của Lê Tướng công, có nguyện vọng chân thành thôi thúc, lòng cảm nhớ da diết, không ngày nào khuây nguôi”.

     Sau khi Lê Tướng công qua đời, người Hoa ở Vạn Lai Triều xin triều đình cho họ được dựng đền trên khu đất của dinh Trấn Ty cũ để thờ ngài. Được triều đình cho phép, người Hoa ở Vạn Lai Triều bèn góp tiền thuê thợ xây dựng đền thờ Lê Thái bảo với quy mô to lớn, ai nấy đều thỏa lòng, nhưng việc dựng bia thì chưa tính đến. Sau được Trấn quan kế nhiệm là Đặng Tướng công (tức Đặng Đình Tướng) khuyến khích, việc đó mới thực hiện vào năm đã ghi trên. Cuối bia ghi tên các thương nhân người Hoa góp tiền dựng đền và khắc bia. Tất cả khoảng 150 nghìn, nhưng chữ khắc cỡ nhỏ, nhiều mảnh đã mờ mòn, nay chỉ đọc rõ được một số khoảng hơn 80 người (như Lâm Đức Trung, Quách Chính Thụy v.v…).

     Vì kiêng huý của Anh Linh vương nên trong bia không ghi tên thật của ngài. Nhưng danh tính vị Tả Đô đốc họ Lê quê ở làng Bái Trại, huyện Yên Định, giữ chức Trấn thủ xứ Sơn Nam trong 46 năm mà văn bia nói đến thì có thể tìm thấy trong hầu hết các bộ quốc sử có danh tiếng. Toàn thư chép: “Lấy Tước quận công Lê Đình Kiên làm Đề đốc (10-1669). Bây giờ Đình Kiên làm Lưu thủ Sơn Nam, chính sự liên bình, giặc cướp không có, nhân dân được yên, cho nên được đặc cách thăng 2 bậc”(6). Tháng 2 năm Giáp Thân (3-1704) niên hiệu Chính Hòa 25 ông mất. Sử ký tục biên viết: “Trấn thủ Sơn Nam là quận công Lê Đình Kiên chết. Đình Kiên làm Nội thị trong cung cấm nhiều lần theo chúa đi chinh phạt, có công lao, ở trấn trước sau đến 40 năm. Làm việc chính sự chuộng nghiêm khắc, cứng rắn, vì vậy trộm cướp năm im không dám hoạt động. Kiên nổi tiếng về cai trị. Đến đây chết, thọ 82 tuổi, truy tặng Thái bảo, truy phong phúc thần”(7). Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng đề cao chính tích của Thiếu bảo Lê Đình Kiên và có ghi lại mấy mẩu chuyện về tài xử kiện của ông”(8). Cương mục và các sử sách đời Nguyễn cũng đều ghi về ông với ngôn từ ca ngợi tương tự như vậy(9).

     Ngày nay đọc bài văn bia của Trấn Đế Đào, chúng ta cảm kích nhận ra rằng: Một viên quan cai trị như Thái bảo Lê Đình Kiên với tấm lòng “Yêu dân như con”, biết thi hành đường lối nhân chính, bảo đảm an ninh xã hội cho dân chúng được yên cư lạc nghiệp, quả đã góp phần không nhỏ đem lại phồn vinh một thời cho đô thị cổ Phố Hiến.

     Người kế nhiệm Lê Đình Kiên là Hữu đô đốc ứng quận công Đặng Đình Tướng(10). Ông làm Trấn thủ xứ Sơn Nam (trấn doanh ở Phố Hiến) hơn 10 năm cũng được tiếng khen “là người giản dị, rộng rãi, ôn hòa nên dân cũng được yên”(11). Tuy vậy, đối với vấn đề Thiên chúa giáo, cách ứng xử của ông có thể chưa được tế nhị. Trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, đệ tử của Thiền sư có thuật lại một sự việc: “Khoảng năm Giáp Tí (1714), Đặng Tướng công cho mời ba giáo sĩ Hòa Lân (Hoa Lang tam sư) có tên phiên âm là Tài Gia, Tại Hựu và Tài Chi đến chùa Nguyệt Đường để cùng với Hương hải thiền sư đối đáp hơn thua về giáo lý của hai đạo. Ba giáo sĩ Hòa Lan mỗi người chỉ trả lời 1 câu rồi đành chịu ngồi im bị Đặng Tướng công đánh giá là “Đạo không bằng Thích” ! Sau đó Tướng công tâu việc ấy với triều đình, cách tám tháng phủ chúa sai quan về trục xuất các giáo sĩ Hòa Lan về nước, không cho cư trú ở vùng Phố Hiến nữa”(12). Phải chăng sự ra đi của các nhà truyền giáo Hòa Lan cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự thưa vắng dần các tàu biển phương Tây đến buôn bán, khiến cho Phố Hiến không còn sầm uất như xưa ?

     Bên kia sông Cả, cách Phố Hiến khoảng 5km theo đường chim bay có một tấm bia liên quan đến việc tìm hiểu địa điểm đóng trị sở của ty Hiến sát xứ Sơn Nam. Chúng tôi đã được ông Tăng Bá Hoành Giám đốc Bảo tàng Hải Hưng hướng dẫn đến thôn Tường Lân, xã Tường Thụy (thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà ngày nay) để làm thác bản tấm bia đó. Bia dựng trong nhà bia kiểu cổ xây bằng gạch, tình trạng bia còn tương đối tốt, mặc dầu ở gần chân bia có vết vỡ ngang đã được gắn lại. Nhưng thực ra cả hai mặt đều khắc cùng một lần vào năm Chính Hòa 3 (1644) không phải là năm khắc bia, mà chỉ là năm ghi trong tờ lệnh chỉ của Thanh vương (Trịnh Tráng). Nội dung lệnh chỉ tái xác nhận cho dân bản thôn được hưởng quy chế của thôn thủ lệ: có trách nhiệm thực hiện các việc tạp vụ cho nha môn trị sở Hiến ty xứ Sơn Nam, vì vậy được miễn trừ sưu sai và các tạp dịch khác. Vũ Công Đạo (13) viết bài ký này có lẽ vào dịp dân thôn Tường Lân tổ chức khắc tờ lệnh chỉ của Trịnh Tráng vào bia để công bố và lưu truyền. Vì có việc khắc lại đó nên ở mặt sau mới có dòng tên bia đề Trùng San trị sở bi ký trong khi thực ra bài ký của họ Vũ chỉ mới khắc bia lần đầu. Bài ký cho biết vào năm Kỷ Mùi Vĩnh Trị 4 (1679) hai ông Phan Tự Cường(14) và Trần Công Cổn(15) bổ nhậm giữ chức Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ ty Hiến sát xứ Sơn Nam. Không lâu sau khi nhận chức, hai ông đã cho xây dựng nha môn Hiến ty ở thôn Tường Lân. Bài ký của Vũ Công Đạo viết: “Hai vị cùng nhau bàn bạc, xem khắp hình thế, bèn nhận di tích cũ cho dựng trị sở mới ở phía trước bản thôn. ở giữa xây công đường để coi việc, hai bên dựng các dãy nhà để yên chỗ ở cho các quan. Dân chúng trong vùng đổ xô đến giúp công việc, các thợ đều có tài khéo léo. Sau một thời gian trù liệu làm lụng, tường bao xây xong, cổng chính uy nghiêm, hiên vách rộng lớn. Giờ đây trống nổi vang lừng, mây đùn cổng chợ. Giữa cổng phủ, áo mũ kỷ án oai nghiêm; trước sân dinh, chuột sẻ phơi bày thật giả. Trong cõi gió lồng nhạn lớp, vườn tược an toàn. Nhà nhà xây đắp nền giàu thịnh, chốn chốn chấn hưng nếp lễ nghi. Chính sự yên bình, kiện tụng được xét quyết. Quan lại xứng chức dân chúng yên vui”. Cũng như tấm bia Anh Linh vương, bài ký Bia trị sở Dinh trấn Hiến Nam của Vũ Công Đạo là một áng văn nồng nhiệt ca ngợi tài năng cai trị của hai vị Chánh Phó Hiến ty Sơn Nam: “Hai vị làm quan liêm khiết giữ mình, nhân đức yên dân, dùng thế dẹp gian, lấy phép công xét việc, thi hành chính sự khoan mới để thể đức bề trên, để thỏa lòng dân mong muốn…”

     Có được viên quan như vậy, cho nên “Nhà nhà xây đắp nền giàu thịnh (…) dân chúng yên vui”. Có thể coi đó như vài nét chấm phá phác họa quang cảnh thái bình thịnh vượng của vùng đô thị cổ Phố Hiến cả bên này và bên kia sông Hồng.

     Hơn ba thế kỷ đã đi qua, biết bao nhiêu biến động, dấu tích xưa mất mát khá nhiều. Tuy vậy, chúng tôi vẫn hy vọng rằng những tư liệu thư tịch, bi ký Hán Nôm viết về Phố Hiến trong lịch sử sẽ còn được phát hiện sưu tập ngày càng đầy đủ hơn để có thể giúp cho chúng ta những hiểu biết mới về đô thị cổ này.

     Chú thích:

1. Đại Việt sử ký tục biên,Nxb. KHXH, 1991, tr.163.

2. Khâm định Việt sử thông giám cương mục(Cương mục), Nxb. Sử Địa, 1960, tr.1707.

3. Lịch triều Hiến chương loại chí(Dư địa chí). Nxb, Sử học, 1960.T.1, tr. 80.

4. Đại Nam nhất thống chí(ĐNNTC), Nxb. KHXH, 1971. T.3, tr. 285-286.

5. Hưng Yên tỉnh nhất thống chí(HYNTC), sách chép tay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Ký hiệu A.963.

6. Đại Việt sử ký toàn thư,Nxb. KHXH, 1968, IV, tr.316.

7. Đại Việt sử ký tục biên,Sđd, tr. 56.

8. XemKiến văn tiểu lục,bản dịch, Nxb. Sử học.1962, tr. 332.

9. Về tên tước Lê Đình Kiên:Nhóm từ quan hàm chức tước của ông đã được thể hiện ở trên bia: “…Tả Đô đốc Thiếu bảo tước quận công…”, có thể hiểu: vị Tả Đô đốc này được phong hàm Thiếu bảo, được phong tước quận công, nhưng không có hoặc không rõ tên tước là gì. Như vậy “tước quận công” được hiểu theo kết cấu ngữ pháp tiếng Việt. Bản dịch Kiến văn tiểu lục (tr.332) hiểu theo cách đó. Bản dịch Đại Việt sử ký tục biên lướt qua không thể hiện từ “tước”. Riêng bản dịch Toàn thư (Bd, IV, tr.316) đã thể hiện: “… lấy Tước quận công Lê Đình Kiên làm Đề đốc”. Khó xác định cách hiểu nào là đúng. Tìm thêm cứ liệu khác, thấy trong Hương Hải thiền sư ngữ lục (bản in năm 1747, tờ 13a): “Tái khuyến Trấn thủ quan Tước quận công hỉ xã cổ tiền thập quán” (Lại quyên góp thêm, được quan Trấn thủ Tước quận công vui lòng bố thí 10 quan tiền cổ). Đến đây có thể tin chắc tên tước của Lê Đình Kiên là Tước quận công, như cách hiểu của bản dịch Toàn thư.

10. Đặng Đình Tướng(1649-1735), người làng Lương Xá huyện Chương Đức, nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ tỉnh Hà Tây; Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Tuất niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670), trước khi về trí sĩ được thăng hàm Thái phó quốc lão, tước ứng quận công.

11. ĐVSKTB, Sđd, tr.57.

12. Hương Hải thiền sư ngữ lục,nguyên bản chữ Hán, in năm Cảnh Hưng 8 (1747).

13. Vũ Công Đạo(1629 – ?): người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là xã Tân Hồng huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Hưng; 31 tuổi đỗ đồng Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi, Vĩnh Thọ 2 (1659) làm quan đến chức Thượng thư Bộ Công, tước bá.

14. Phan Tự Cường(1633 – ?): người làng Cương La, huyện Yên Lãng, nay thuộc huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phú, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất Cảnh Trị 8 (1670), làm quan đến chức Thiêm đô ngự sử.

15. Trần Công Cổn:chưa rõ tiểu sử.

Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam –
Viện Nghiên cứu Hán Nôm (http://www.hannom.org.vn)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)