Đô thị cổ Việt Nam (Phần 1)
Tác giả: Giáo sư TRẦN QUỐC VƯỢNG*
I. Thế kỷ X trở về trước
1.
Ai cũng biết rằng những xã hội ở Đông Nam Á và Việt Nam cổ truyền, đều dựa trên nền tảng nghề trồng lúa nước, và do vậy chúng có những nhân tố văn hoá tương tự nhau.
Cái mẫu số chung lớn nhất về văn hoá của những xã hội này là: Cơ cấu xã hội nền tảng, đơn vị tự cư, quản lý và phân phối đất đai là làng.
Những xã hội như thế thuộc phạm trù văn minh nông nghiệp và văn hoá xóm làng, khác hẳn những xã hội thuộc phạm trù văn minh thương nghiệp và văn hoá đô thị, chẳng hạn như khu vực Địa Trung Hải thời cổ đại hay khu vực Tây Âu thời hiện đại. Nó cũng khác cái hợp thể văn minh đô ấp (đô thị – nông thôn) Trung Hoa cổ.
Nghề nông trồng lúa và xóm làng, hai mặt kinh tế – xã hội đó biểu hiện nét trường tồn và tính liên tục của lịch sử các xã hội Đông Nam Á và Việt Nam.
2.
Thế nhưng các xóm làng trồng lúa ở Việt Nam và Đông Nam Á không phải là những “công xã đóng kín” như ở Ấn Độ, là những “bầu trời riêng” như Các Mác đã gọi khi bàn về công xã Ấn Độ.
Làng Việt Nam cổ truyền là những làng “mở”, nhiều thôn đồng bằng sông Cửu Long, dọc đôi bờ kênh rạch hay dọc dài những con lộ, hay chí ít cũng là những công xã “nửa mở” như nông thôn đồng bằng sông Hồng, mỗi làng có luỹ tre xanh vây nhưng vẫn “mở” xuống bến nước bến sông, vẫn mở qua các chợ làng, chợ bến, chờ đường cái hay chợ đình, chợ chùa…
Thế nghĩa là, giữa các làng, căn bản là tự cung tự cấp của nền kinh tế tự nhiên dựa trên nền tảng nghề trồng lúa, vẫn tồn tại những quan hệ liên hàng về kinh tế, xã hội, văn hoá… trong đó có những quan hệ thương mại. Có như vậy là do:
a) Các làng phân bố trên các dạng địa hình, cảnh quan địa lý, sinh thái khác nhau: Có làng trên núi (bản Mèo, Cà Tu), có làng cao nguyên (buôn Thượng), có làng thung lũng (bản Tày, Thái, Nùng, Mường…), có làng đồi gò (thềm cổ), có xóm bãi ven sông, có làng châu thổ, có làng sông, làng biên (vạn chài). Ngay trong các làng châu thổ Bắc Bộ thì cũng lại cần phân biệt làng đồng mùa (chân ruộng cao) làng đồng chiêm (ở ô trũng) v.v… Tính đa dạng của xóm làng, vốn dựa trên khung cảnh tự nhiên, lại càng nổi bật hơn do tính đa dạng về kinh tế – xã hội – văn hoá. Tuy mẫu số chung của cả nước là lúa, nhưng từng vùng vẫn có những sản phẩm khác nhau, của nền kinh tế khai thác (rừng và lâm sản, sông nước và thuỷ sản, biển và hải sản), của nền kinh tế trồng trọt (các loại gạo nếp, tẻ, chiêm, mùa…). Các nông phẩm khác (ngô, khoai, sắn, đỗ, lạc, mía…) của nền kinh tế chăn nuôi (trâu bò ở miền núi, dâu tằm ở các xóm ven bãi sông, vịt ở đồng trũng…), của nền kinh tế thủ công (cái khéo tay khác nhau và truyền thống thủ công của mỗi vũng, về nghề gốm, nghề dệt, nghề đan v.v…).
b) Do vậy, mà giữa các làng vẫn có nhu cầu trao đổi, tạo nên những quan hệ liên làng. Ở đây, ta sẽ không nói tới quan hệ liên làng nảy sinh do nhu cầu trị thuỷ và thuỷ lợi, do nhu yếu tự vệ, do nhu cầu hôn nhân, nhu cầu văn hoá, tôn giáo. Ở đây chỉ nói tới quan hệ liên làng về trao đổi kinh tế, thông qua chợ búa.
c) Ngay trong nội bộ một làng, vốn là một thứ “liên hiệp các hộ tiểu nông” (tế bào kinh tế xã hội văn hoá của các xã hội trồng lúa) cũng có sự đa dạng nhất định về kinh tế. Một làng thuần tuý nông nghiệp cũng có những hộ giàu, hộ nghèo, hộ nhiều sản phẩm này (vườn cây trái), hộ nhiều sản phẩm khác (ruộng khoai, mía), có hộ thiên về thủ công (phó rèn, phó cối, phó may), có hộ giỏi nuôi cá ao v.v… Do đó cũng có nhu cầu trao đổi giữa các bộ trong cùng làng và điều đó làm nảy sinh các chợ chiều, ngày nào cũng họp không đông lắm và một thoáng đã tan…
d) Giữa các làng, đặc biệt giữa các vùng khác nhau, như trên đã nói, có nhu cầu trao đổi, rộng hơn và sâu hơn, phức tạp hơn về kinh tế. Do vậy, mà nảy sinh các chợ phiên, không gian chợ cố định, thời gian chợ cố định.
e) Để tiến tới việc xác lập Hệ phân loại về các chợ quê cổ truyền (và còn tồn tại cho đến nay), ta có thể dựa vào các chuẩn mực khác nhau để phân chia:
+ Theo không gian hẹp: Chợ núi (Yên Phụ, Yên Thái…), chợ sông (chợ bến sông), chợ đường (họp trên trục giao thông) v.v…
+ Theo không gian rộng: Chợ làng, chợ tổng (vùng hẹp), chợ huyện, chợ tỉnh (chợ thương mại tựa vào hệ thống phân cấp hành chính, họp ở huyện lỵ gọi là chợ huyện, họp ở tỉnh lỵ gọi là chợ tỉnh…).
+ Theo thời gian: Chợ họp thường xuyên (họp hằng ngày), chợ phiên (họp theo phiên, có phiên chính, phiên xép v.v…). Có chợ mỗi năm chỉ họp có một kỳ vào đầu năm hay cuối năm, mang tinh thần xã hội – văn hoá nhiều hơn kinh tế chợ Đồng.
+ Theo mặt hàng trao đổi ở chợ: Đa số chợ quê là chợ trao đổi thực phẩm – lương thực, phục vụ việc ăn hằng ngày hoặc những kỳ tết nhất. Thí dụ:
Chợ Bưởi ngày chín ngày tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm
(phiên rằm để phục vụ tết Trung thu)
Đó là chợ thông thường. Song bên cạnh đó, trong quan hệ liên làng, liên vùng, có các loại chợ đặc sản: chợ gạo, chợ trâu bò, chợ vải, chợ nón, chợ cá v.v…
Nếu ta lưu ý đến các chợ quê một chút, ta có thể thấy ngay trong mạng lưới chợ quê có sự phân tầng, phân cấp, với mức độ đông đúc nhộn nhịp khác nhau. Cứ tạm gọi là chợ to, chợ nhỏ.
Tại sao một cái chợ, như chợ Bến, chợ Ba, chợ Dâu, chợ Bưởi v.v… lại là chợ to ?
– Hoặc là nó nằm ở trung tâm một vùng nông nghiệp – thủ công nghiệp phát triển, chỗ hội tụ của những trục giao thông thuỷ bộ quan trọng như vùng Từ Sơn Bắc Ninh cũ, đó là chợ Giầu – Đình Bảng.
– Hoặc là nó nằm ở nơi giáp ranh giữa các miền: núi – trung du: chợ Đồng Mỗ; trung du – châu thổ: chợ Bến, chợ Việt Trì; châu thổ – biển: chợ Đồ Sơn, Sầm Sơn, chợ Cồn…
– Hoặc là nó nằm ở giáp ranh hai vùng mùa – chiềm: chợ ven các ô trũng: chợ Sật, Quán Hải, chợ Hồ… hay ở nới giáp ranh ngoại thành – nội thành: chợ Bưởi, chợ Dừa, chợ Cầu Giấy…
3.
Thế nghĩa là, chỉ do những nguyên nhân thuần tuý nội tại của những xã hội trồng lúa, như xã hội Việt Nam cổ truyền, cũng đã nảy sinh những nhu cầu trao đổi, những nhu cầu thương mại.
Nhưng khi xét về đô thị và thương nghiệp Việt Nam cổ, ta còn phải đặt nó trong một bối cảnh rộng hơn, về những nhu cầu liên quốc gia, liên miền.
Việt Nam nằm trong bối cảnh Đông Nam Á.
Có Đông Nam Á lục địa như Lào, Miến Điện…
Có Đông Nam Á hải đảo như Indonésia, Miến Điện…
Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương, lại chiếm trọn phần Đông của bán đảo này, nên tính chất bán đảo của Việt Nam lại càng nổi bật.
a) Có nhu cầu giao lưu với miền nội địa Á Châu. Động lực dịch chuyển dân cư Á Châu là từ bắc xuống nam, từ núi xuống đồng bằng, dựa theo các lưu vực sông ở Đông Nam Á.
b) Có nhu cầu giao lưu với miền biển và giữa các miền ven biển. Ở Đông Nam Á có di dân ra hải đảo và di dân từ hải đảo vào… Từ trước sau công nguyên, đã hình thành những tuyến giao thông quan trọng ở Đông Nam Á:
– Tuyến dọc theo lưu vực sông Hồng: Từ cao nguyên Vân Qui (trung điểm: Côn Minh) qua các trung tâm cổ đại Việt Nam: Việt Trì, Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên( Hà Bắc) ra vịnh Bắc Bộ. Đá ngọc bích và nê-phrít ở thượng Miến Điện đã tìm thấy ở Tiên Sơn (Hà Bắc), Tràng Kênh (Hải Phòng) và Nam Mỹ, từ 1, 2 thiên niên kỷ trước công nguyên (có con đường biển xuyên Thái Bình Dương).
– Tuyến dọc theo lưu vực sông I-a-raoát từ Đại Lý (Vân Nam) qua Miến Điện đến vịnh Ben-gal. Đường này, cũng như đường trên là con đường vận chuyển của các vỏ sò-tiền (tiền vỏ sò, Trung Hoa gọi là “bối tiền”, đã tìm thấy đựng trong thùng đồng hình trống đồng ở Điền – Côn Minh). Người Khơ-mú ở Lào và tây bắc Việt Nam gần đây còn dùng loại tiền vỏ sò này, ít nhất là trong việc cưới xin.
– Tuyến ven biển, từ bờ biển đông nam Trung Hoa hiện nay (Thượng Hải – Phúc Kiến – Quảng Đông) qua vịnh Bắc Bộ, dọc theo bờ biển miền Trung (Chămpa cổ) đến vịnh Hà Tiên và vịnh Thái Lan.
c) Ở hai tuyến đường bộ nói trên, từ trước sau công nguyên đã hình thành các đô thị – trạm dịch cùng đồng thời là các nhà nước cổ đại, như nước Điền ở Côn Minh (thế kỷ III-II trước công nguyên), nước Thiện (Shan) ở trung lưu I-a-ra-uát-đi (thế kỷ I-II sau công nguyên), đặc biệt là hai nhà nước Văn Lang ở vùng Việt Trì và Âu Lạc ở vùng Cổ Loa trong 5-7 thế kỷ trước công nguyên.
4.
Việt Trì (và vùng chung quanh, ta gọi là Đất Tổ) là đô thị cổ nhất ở bắc Việt Nam, nó xuất hiện khoảng thế kỷ thứ VII trước công nguyên với thời đại các vua Hùng, thời đại mở nước của Việt Nam.
a) Nghề nông trồng lúa, xuất hiện cách ngày nay 5-6000 năm, ban đầu phát sinh ở miền thung lũng và bồn địa giữa núi, với hệ thống thuỷ lợi mương – khai kiểu Tày Thái và hệ thống xã hội bản (làng) – mường (liên làng) và cơ cấu quyền lực thủ lĩnh (châu mường, lang cum, phìa tạo…) mang tính chất tiền nhà nước.
b) Với thời đại Đông Sơn (đồng thau và sắt sớm) phát triển rực rỡ trong suốt thiên niên kỷ I trước công nguyên, văn hoá lúa nước đã phát triển mạnh nhất và sớm nhất Đông Nam Á xuống miền châu thổ sông Hồng, cho tới tận miền ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Không chỉ có lúa nếp mà đã có lúa tẻ mùa. Không chỉ có “hoả canh – thuỷ nậu” (đốt cỏ ruộng, cho nước vào ruộng ngâm cỏ rồi dùng trâu và người dẫm cho mềm đất để cấy lúa) mà đã biết cày bừa rồi mời cấy (hàng trăm lưỡi cày đồng tìm thấy ở Sơn Tây, Phú Thọ cũ, đặc biệt ở Cổ Loa và Đông Sơn (trên lưu vực sông Mã)).
Nông nghiệp phát triển, thủ công nghiệp, đặc biệt nghề đúc đồng, rèn sắt, làm đồ gốm, dâu tằm phát triển và bước đầu tách khỏi nghề nông (phân công lao động xã hội theo quy mô lớn lần II, theo F. En-Ghen). Nhu cầu trao đổi phát triển mạnh: Miền núi cần muối, hải sản, gạo…, miền xuôi cần quặng mỏ (thiếc, đồng, chì, kẽm, sắt…) và lâm sản… Trong bối cảnh đó, miền trung du trở thành trạm dịch: Việt Trì, thành phố cổ ngã ba sông, nơi tụ hội của 3 lưu vực sông (Đà, Hồng, Lô) cũng là 3 vùng núi có quặng mỏ và lâm sản, ở vùng thung lũng cấy lúa nếp và toả rộng xuống châu thổ ven biển, trở thành đô thị – trạm dịch đầu tiên của người Việt cổ, trở thành trung tâm của nhà nước Văn Lang. Một hình thái nhà nước cổ đại đầu tiên đã phát triển cao hơn bản (làng) mường (liên làng) tới mức liên mường và siêu làng. Ngã ba Việt Trì, bản thân nó là một vùng (bộ hay bộ lạc của sử cũ) trồng lúa (liên làng), nhưng được khoác thêm chức năng trạm dịch, cái gạch nối của miền núi – miền xuôi, do đó đã siêu việt lên trên nông nghiệp mà trở thành đô thị – dịch trạm với hệ thống thuyền mảng dưới sông và hệ thống voi – gùi trên đường bộ xuyên sơn, xuyên dọc thung lũng.
5.
Việt Nam không chỉ nằm trong bối cảnh Đông Nam Á mà còn là gạch nối giữa thế giới Đông Á (Trung Hoa) và thế giới Nam Á (Ấn Độ). Những nhu cầu bành trướng chính trị (Hoa), văn hoá (Ấn), những nhu cầu giao lưu trao đổi kinh tế – văn hoá giữa hai nền văn minh lớn nhất châu Á này, đã tác động – như một yếu tố ngoại sinh – đến vùng châu Á gió mùa trồng lúa nước (Việt Nam Đông Nam Á), lôi cuốn vùng này vào những luông thương mại quốc tế ở phương Đông.
Đặc biệt 500 năm trước công nguyên, thời đại của Khổng Tử (Hoa) và Phật Thích Ca (Ấn), nền văn hoá đô thị phát triển mạnh ở Trung Hoa (thời Xuân Thu Chiến Quốc) và Ấn Độ (cả Bắc Ấn và ven biển Nam Ấn). Xuất hiện nhu cầu hương liệu, đường mía, đường phèn, vải bông (cát bá) và sau người Hoa mới biết trồng bông và mía, hoa quả nhiệt đới và thực phẩm quý hiếm cho người thành phố sành ăn, mặc (con buôn Trung Hoa thời Lã Bất Vi – Tần Thuỷ Hoàng đã mò xuống Bách Việt, biết được các món măng khô và mắm ngon của người Lạc Việt. Ngay đầu Bắc thuộc, người Việt phải cống lông chim trĩ, ngà voi, sừng tê, vải nhãn v.v… cho các hoàng đế Trung Hoa…).
Tình hình thương nghiệp Hoa – Ấn như trên vừa sơ phác đã kích thích thêm sự ra đời của các đô thị – trạm dịch và đô thị – cảng ở miền ven biển Đông Nam Á và Việt Nam.
6.
Ở lưu vực sông Hồng, tiếp theo đô thị Việt Trì là sự xuất hiện và phồn thịnh trong khoảng thế kỷ III-II trước công nguyên của đô thị Cổ Loa, trung tâm của nước Âu Lạc và vua Thục Phán.
Đấy cũng là một đô thị – trạm dịch, nằm giữa vùng giáp ranh trung du và vùng cao châu thổ, có nghề nông trồng lúa phát triển, nằm trên trục sông Hồng – Đuống, lại là nơi giao hội của 3 tuyến đường bộ dọc thung lũng xuống: Thung lũng sông Thương (sau là quốc lộ 1), thung lũng sông Cầu (sau là quốc lộ 3), thung lũng sông Hồng (sau là quốc lộ 2). Cổ Loa có nhiều mặt ưu tiên hơn Việt Trì: Ở giữa châu thổ cổ, nơi hội tụ của mọi thung lũng và đường sông, đường bộ từ Tây Bắc – Đông Bắc (Việt Bắc) xuống, lại gần biển hơn Việt Trì.
Ở Cổ Loa đã đào khảo cổ được nhiều đồ đồng Đông Sơn mang dáng vẻ nhiều địa phương trong nước, từ Đào Thịnh (Yên Bái), Vạn Thắng (Vĩnh Phú), Làng Cả (Việt Trì) đến Đông Sơn (Thanh Hoá). Ở Cổ Loa đã khai quật được chứng tích một trung tâm luyện kim, đúc mũi tên đồng, đúc lưỡi cày bằng đồng để buôn bán đổi trao, ở Cổ Loa cũng đã tìm thấy đồ gốm dáng vẻ Chiến Quốc (Hoa) và tiền đồng Ngũ Thủ (Hán), Cổ Loa vừa là một quận trấn vừa là một đô thị cổ, có giang cảng (đầm cả) có thể đậu vài trăm chiến thuyền và buôn. Cũng đào được ở Cổ Loa nhiều xương voi cổ. Voi là con vật vận tải chủ yếu của người Việt cổ.
7.
Cũng trong bối cảnh lịch sử giao dịch Ấn – Hoa, giao dịch Đông Tây bằng đường ven biển nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và trên nền tảng phát triển của nghề nông trồng lúa, trồng dâu tằm, ở hạ lưu các sông miền Nam Trung Bộ đã ra đời một loạt đô thị – cảng mà nổi tiếng nhất là Chiêm cảng ở hạ lưu sông Thu Bồn, tiền thân của cảng Hội An ngày sau.
Khoảng 500 năm trước công nguyên, khi văn minh Đông Sơn phát sáng ở lưu vực sông Hồng thì văn hoá Sa Huỳnh cũng phát triển ở hạ lưu ven biển Quảng Nam, Nghĩa Bình, Nha Trang, Phan Rang… với lúa, tơ tằm và lụa, vải cát ba, với đồ sắt, đồ gốm tô màu ánh chì, đặc biệt với các hạt chuỗi, khuyên tía bằng ngọc mã não và thuỷ tinh nhân tạo nấu từ cát biển. Hàng loạt nước nhỏ của người Chàm cổ ra đời: a) Với một cảng biển hay cảng hạ du sông: Trà Kiệu, Đại Chiêm (Hội An), Sa Huỳnh, Thị Nại (Quy Nhơn), Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết… nghề cá biển rất phát triển. b) Với một đồng bằng hạ du sông, nhỏ thôi nhưng đã thâm canh 2 vụ lúa nhờ những công trình tưới nước và đào giếng quanh các “bàu” nước ngọt ven sông. c) Từ đó vươn lên kiểm soát và khai thác sản vật rừng Tây Nguyên (gỗ, trầm hương, voi, ngọc…) để tập trung xuống cảng xuất khẩu cho các thương nhân Ấn Hoa, Ba Tư, Ả Rập… Những quốc gia cảng – thị qui mô nhỏ này dần dần được hợp nhất thành phức hệ Chămpa sau công nguyên vài thế kỷ, với các tháp Chàm và hàng trăm hàng ngàn thuyền chiến, thuyền buôn hai tầng (lâu thuyền) kiểm soát cả một vùng biển Đông mà trên bản đồ của thương nhân Ả Rập gọi là biển Chămpa, với mặt hàng xuất khẩu trầm hương nổi tiếng có giá trị nhất trên thị trường phương Đông, với rất nhiều vàng (mỏ vàng Bồng Miêu) và ngọc (khai thác trên khe suối Tây Nguyên và ven Trường Sơn).
8.
Sau cuộc xâm lược và bành trướng của Hán Vũ Đế (111 trước công nguyên) hai cảng – thị lớn nhất ven biển Đông của bọn đô hộ Trung Hoa đã ra đời: Phiên Ngung (Quảng Châu) và hạ lưu Châu Giang và Luy Lâu rồi Long Biên (Giao Châu) ở hạ lưu sông Hồng, Lạch Trường ở hạ lưu sông Mã. Đây là những đô thị – cảng sông ở gần ven biển (nay thuộc nam phần Bắc Ninh cũ) nơi tập kết của những tàu thuyền Trung Hoa sang thu mua vơ vét sản phẩm nhiệt đới đưa về các thành phố ôn đới Trung Hoa (sừng tê, ngà voi, lông trả, đồi mồi, ngọc trai, hoa quả nhiệt đới). Đặc biệt từ sau thế kỷ thứ II, những người đi biển quốc tế đã lợi dụng được gió mùa để đi về giữa hai thế giới Hoa – Ấn ngang qua Đông Nam Á. Vì vậy mà các cảng – thị Luy Lâu, Lạch Trường, Chămpa càng phồn thịnh.
9.
Cũng vào thời điểm đó đã xuất hiện cảng – thị Óc Eo ở miền Tây đồng bằng Cửu Long (nay thuộc An Giang) và phức hệ quốc gia Phù Nam, kiểm soát việc giao dịch quốc tế ở vịnh Hà Tiên và vịnh Thái Lan.
Đào khảo cổ ở Óc Eo, người ta đã tìm thấy tiền đồng La Mã in hình hoàng đế Rô-Ma Antonius (năm 182), tìm thấy cây đèn đồng La Mã, ngọc Ba Tư, tượng Phật mang phong cách nghệ thuật Ấn Độ cùng nhiều đồ trang sức vàng bạc khác… (nay trưng bày ở Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh). Với vị trí Óc Eo, có thể quản lý mọi tàu thuyền ra vào vịnh Thái Lan và bởi vậy đại bộ phận cảng – thị ở ven vùng biển này và bờ biển bán đảo Mã Lai phải thuộc bá quyền của Phù Nam có hậu phương kinh tế lúa nước ở đồng bằng sông Hậu, sông Tiền và hậu phương lâm thỏ sản xuất khẩu ở mặt rừng Đông Nam Bộ và Căm Pu Chia ngày nay. Phù Nam có thể coi là liên bang, liên minh của các cảng thị ở bờ biển Nam Bộ và vịnh Thái Lan. Cũng như Chămpa, Phù Nam có liên kết với các trung tâm đô thị – dịch trạm ở miền nội địa Đông Nam Á và Trung Á. Những vùng này, trong suốt 10 thế kỷ đầu công nguyên, trở thành các quốc gia Ấn Độ hoá (về mặt văn hoá, tôn giáo). Trong khi đó Bắc Bộ là miền ảnh hưởng Hoa hoá và giải Hoa hoá, để đến thế kỷ X trở thành quốc gia độc lập, tự chủ, tự cường.
10.
Từ thế kỷ III (thời Tam Quốc ở Trung Hoa) đến thế kỷ VI (thời Bắc Triều ở Trung Hoa), nền văn minh đô thị ở Hoa Nam rất phát triển với trung tâm Kiến Nghiệp (Nam Kinh và vùng quanh vịnh Hàng Châu của Trung Hoa ngày nay). Đây cũng là thời kỳ đạo Phật phát triển mạnh ở Trung Quốc và hình thành các giáo phái Thiền Tông. Nhu cầu hương liệu tăng nhanh. Hàng trăm nước nhỏ ở Nam hải qua Chămpa, qua Giai Châu để giao dịch với Trung Quốc, với các sản vật rừng biển nhiệt đới. Các cảng thị càng vươn lên kiểm soát và liên kết với những vùng ở thượng lưu các sông nằm sâu trong lục địa. Ở Luy Lâu và Long Biên, Sĩ Nhiếp và những viên quan đô hộ tiếp theo đặt quan hệ chặt chẽ với các thủ lĩnh, tù trưởng miền Tây Bắc và Vân Nam để khai thác sản phẩm rừng xuất khẩu qua vịnh Bắc Bộ vè đất Mãn (Phúc Kiến) rồi về triều đình Nam Triều Trung Hoa. Đến thế kỷ VII trở đi, sau thời kỳ độc lập tạm thời của nước Vạn Xuân (của Lý Nam Đế) với 3 đô thị: Long Biên, Cổ Loa, O Diên (Từ Liêm, Đan Phượng) (Lhong Biên, Cổ Loa là đô thị cổ, O Diên là đô thị mới mọc lên ở thế kỷ VI trên cơ sở một toà thành). Tuỳ Đường chinh phục lại nước ta, lập An Nam Đô Hộ Phủ (năm 679) với trung tâm là Tống Bình (nội thành Hà Nội) nổi bật lên hàng đầu của lịch sử, ở miền Bắc, lưu vực sông Hồng. Từ Tống Bình – Đại La, đã mở tuyến đường lên Đông Bắc (quốc lộ 1 và 3), lên Tây Bắc (quốc lộ 2) thông với Vân Nam, Miến Điện, vào Ái Châu, Hoan Châu (Thanh – Nghệ – Tĩnh), sang Chân Lạp (Thượng Lào ngày nay), xuống Chiêm Thành (Nam Trung Bộ). Với An Nam Đô Hộ Phủ và Tống Bình – Đại La, nhà Đường muốn kiểm soát và quản lý thống nhất hệ thống giao dịch quốc tế ở Đông Nam Á. Đô thị cổ tiền thân của Hà Nội trở thành trung tâm kiểm soát mọi tuyến đường bộ và đường sông nội địa.
11.
Nước Đại Việt ta giành lại quyền tự chủ từ tay nhà Đường. Sau một thời gian quá độ ở thế kỷ X, trung tâm chính trị dịch chuyển từ Cổ Loa với Ngô Quyền, Hoa Lư với Đinh Lê (đây là một căn cứ quan trọng hơn là một đô thị cổ) đến đầu thế kỷ thứ XI (1010) đã trở lại vùng đô thị cổ Đại La và phát triển thành một kinh đô lớn: Thành Phố Rồng Bay (Thăng Long).
Lịch sử đô thị và thương nghiệp cổ Việt Nam cũng được lật sang trang mới…
Nguồn: Trích từ quyển Trong Cõi. Nxb. Trăm Hoa, California, Mỹ, 1993.
Trích dẫn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)