Đô thị cổ Việt Nam (Phần 2)

Tác giả: Giáo sư TRẦN QUỐC VƯỢNG

II. Thăng Long – Đông Đô – Kẻ Chợ (Thế kỷ XI-XVI)

     Không thể dồn nén bề dày thời gian của một “mảnh đất ngàn năm văn vật” như thủ đô Hà Nội vào trong một bài viết ngắn.

     Dưới đây, tôi sẽ dừng lại chủ yếu ở quy hoạch tổng thể của Kẻ Chợ – Thăng Long và mang chợ búa ở nội đô và vùng ven đô của nó, và cũng chỉ dừng lại trước thế kỷ XV-XVI, với Thăng Long – Đông Đổ của một thời đại Phục Hưng Dân Tộc (Lý Trần – đầu Lê) để hẹn một dịp khác sẽ nói về Kinh kỳ – Phố Hiến của một nền quân chủ Châu Á khi bước đầu tiếp xúc với các “chủ lái” (thương nhân) phương Tây, từ Hà Lan, Bồ Đào Nha đến Anh, Pháp, Y Pha Nho…

     A.

     1.

     Nhà khoa học địa lý hôm nay bảo ta rằng: Hà Nội là thủ đô thiên nhiên của miền Bắc, của lưu vực sông Hồng, mọi mạch núi sơn văn từ Tây Bắc và Đông Bắc đến tụ về đây, mọi dòng chảy thuỷ văn cũng nương theo đường sơn văn mà dồn nước về đây, đây là nơi hội tụ rồi toả lan của các đường giao thông thuỷ bộ.

     Vua sáng nghiệp nhà Lý năm xưa thì bảo: Thành Đại La “Ở vào giữa bốn phương Đông Tây Nam Bắc, tiện hình thế núi sông sau trước… ngẫm khắp nước Việt ta, đây là nơi thắng địa, quả là nơi bốn phương tụ hội, đáng làm nơi thượng đô của đế vương muôn đời” (Chiếu về việc dời Đô). Vua ban cho mảnh đất thắng địa này một cái tên mới: Thăng Long thành (thành phố Rồng Bay), vừa mang ý nghĩa “trở lại cội nguồn” (cội nguồn con Rồng cháu Tiên) vừa mang ý nghĩa “vươn tới tương lai” như dáng rồng bay lên trên vòm trời thu cao rộng… Lần đầu tiên nước Việt hiên ngang cắm đất dựng đô ngay giữa đồng bằng và tự tổ chức, tự đảm nhiệm lấy công việc bảo vệ kinh thành…

     2.

     Lý thuyết về đô thị học dạy ta rằng: Số phận một thành thị gắn liền với đường xá và phương tiện giao thông. Ai cũng biết ở một Đại Việt, một Thăng Long truyền thống, mạng lưới cơ bản là đường thuỷ, phương tiện giao thông cơ bản là thuyền. Với lưới sông thông thương với nhau, giao thông thuỷ rất thuận lợi, ngày đó thuyền bè có thể từ sông Đáy vào sông Nhuệ rồi “lên Kinh” bằng sông Tô hoặc ngược lại từ “quân cảng” Đông Bộ Đầu (mé trên cầu Long Biên cuối dốc Hàng Than hiện nay) và “thương cảng” (của sông Tô, khoảng nhà tắm công cộng cuối phố Chợ Gạo hiện nay) trên sông Nhị, qua sông Tô, sang sông Nhuệ rồi xuống sông Đáy mà ra biển vào Nam, hay xuôi sông Đuống, sông Dâu xuống Lục Đầu Giang mà ra Hải Đông, Hạ Long biển Bắc…

     3.

     Nói đôi câu về thương cảng của Thăng Long. Thuở dòng sông Tô còn sống động.

Sông Tô nước chảy trong ngần

Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa…

     Nó được nuôi dưỡng bởi nước sông Hồng, sông Nhuệ, sông Thiên Phù… và nước nội đồng sau mưa, giao thông thuận lợi.

Nước sông Tô vừa trong vừa mát

Em ghé thuyền em lại sát thuyền anh…

     Cửa sông thương cảng, trên bến dưới thuyền, cứ ngày mồng một và ngày rằm tròn trăng là phiên chợ chính của Kẻ Chợ – Thăng Long thì khu vực ngã ba Tô-Nhị này chật ních đò giang, đậu san sát che kín mặt sông. Khu vực thương mại hay có thể gọi là thành thị dân cư để đổi lại với thành thị quân vương mà ta sẽ nói đến ở sau – của Kẻ Chợ lấy khu vực ngã ba sông này làm trung tâm mà thành lập. Phường Giang Khẩu với chợ Đông Bạch Mã (đền Bạch Mã nay ở 76 Hàng Buồm) thời Lý Trần Lê và các bạn hàng khác: Hàng Tre, Bến Nứa, Hàng Bè, Hàng Chính, Hàng Mắm, Hàng Muối v.v… lần lượt mọc dựng bên sông, ven sông.

     Cuối thế kỷ XIV, quân Chiêm Thành xâm lược Thăng Long đã đưa thuyền chiến vào đến bến Thái Tổ trên sông Tô Lịch (khoảng Hàng Đào, Hàng Cân), dĩ nhiên thời đó sông Tô phải khá sâu và rộng.

     4.

     Sông Nhị, sông Tô (với nhánh Kim Ngưu của nó) là những đường trục chủ đạo của mạng sơ đồ Hà Nội cổ.

Nhị Hà quanh bắc sang đông

Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này

     Nội thành Hà Nội là cái bãi lớn được bao quanh bởi ba con sông nói trên, với chu vi sấp sỉ 30km. Đường chu vi tức là đường vành đai thành thị cổ và đường dân lại đồng thời là luỹ thành mà ngoại hào là sông thiên nhiên. Đường La Thành là sự kết hợp tuyệt hảo giữa giao thông, thuỷ lợi, trị thuỷ và quốc phòng quân sự.

     Thăng Long – Kẻ Chợ là một đô thị có quy hoạch kiểu bàn cờ:

Phồn hoa thứ nhất Long Thành

Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ

     Các đường phố song song với đường bờ sông hoặc cắt góc với đường bờ sông – đường đi ra sông, ra bến sông. Cho nên có thể gọi Hà Nội là thành phố sông. Nói đúng hơn, Hà Nội cổ là một thành phố sông hồ: Hồ Tây, Hồ Gươm, Thuyền Quang, Bảy Mẫu v.v…

     5.

     Đường đê La Thành là đường vành đai của nội thành Hà Nội cổ được mở một số cửa, ngày xưa là cổng gỗ, có quân lính canh gác và xét hỏi ngày đêm. Đó là các cửa ô, cái ngưỡng cửa nội thành và ngoại thành, giữa thành thị cổ và các làng ven đó thuộc các xứ Đông Nam Đoài Bắc. Kể từ tây sang đông từ nam lên bắc ta có các cửa ô sau đây, theo ghi chép của sử cũ, phần nhiều mang tên thực vật (Dừa, Bưởi, Muống, Dền…).

(a) Ô Cầu Giấy (cửa thành Tây Dương)

(b) Ô Chợ Dừa

(c) Ô Cầu Muống (tức ô Đồng Lâm, nay là Kim Liên)

(d) Ô Cầu Dền

(e) Ô Đông Mác (thực tên là phường Ông Mạc)

(f) Ô Yên Hoa (sau đổi tên là Yên Phụ)

(g) Ô Hồng Tân (Bưởi)

     Dọc đê sông Hồng còn có một số cửa ô khác đi ra bến sông. Bên ngoài mỗi cửa ô đều hình thành một cái chợ: chợ ô. Đó là mạng chợ ven đô, địa điểm giao lưu các mặt hàng lương thực – thực phẩm giữa khu vực nội thành của thị dân và xóm làng ngoại thành của thôn dân, nông dân…

     6.

     Vành đai đường đê La Thành hay Đại La Thành bao bọc nội thành. Bên trong nội thành và ở trung tâm nội thành, nơi có cột đất cao nhất (trung bình 5-6 mét) có một toà thành tức hoàng thành hay Long thành hay Long Phượng thành. Đó là vòng thành bao quanh các cung, nơi vua và hoàng gia sinh sống, và các điện, các toà nhà cơ quan làm việc của triều đình trung ương, cùng một số doanh trại của lính cận vệ.

     Hoàng thành từ đời Lý mở 4 cửa:

(a) Cửa Diệu Đức – tức cửa Bắc soi bóng của dòng Tô, là ngoại hào (sau bị lấp làm thành đường Phan Đình Phùng ngày nay).

(b) Cửa Đại Hưng – tức cửa Nam, ở bên trong vườn hoa Cửa Nam và chợ Cửa Nam ngày nay.

(c) Cửa Quảng Phúc – tức cửa Tây, mở về phía đi ra chùa Một Cột (dựng năm 1049), quãng quảng trường Ba Đình ngày nay.

(d) Cửa Tường Phù – tức cửa Đông, mở về phía đi ra chợ Đông, Bạch Mã (Hàng Buồm). Nằm ở khoảng đình Đông Môn (38b Hàng Đường). Cửa Đông (với phố Cửa Đông) mà ta thấy như hôm nay đã bị xây lùi lại vào đời Nguyễn vì các ông vua Nguyễn không cho phép thành Hà Nội to hơn thành Huế là kinh đô nhà Nguyễn.

     Cũng như từ thời Lý, bên ngoài 4 cửa hoàng thành đã mở 4 chợ chính của nội thành, gọi là chợ (cửa) Đông, Tây, Nam, Bắc.

     Chợ cửa Đông là chợ Bạch Mã (Hàng Buồm) sau này mới dời lên địa điểm Đồng Xuân hiện nay và được coi là “cái bụng của thành phố”.

     Chợ cửa Tây là chợ Ngọc Hà. “Bán mít Chợ Đông, bán hồng Chợ Tây…” là câu ca dao dân gian quen thuộc.

     Chợ cửa Nam thì vẫn còn tên gọi đó đến hôm nay. Còn chợ Cửa Bắc, thì là chợ Yên Quang (Yên Ninh).

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

     Sau này chợ Cửa Bắc được chuyển dịch lên chợ Châu Long. Đó vẫn là 4 chợ lớn ở 4 phương Đông Tây Nam Bắc của nội thành Hà Nội.

     7.

     Lấy toà thành nội đô (hoàng thành) – tứ là cái thành mà các cơ quan Bộ Tổng Tư Lệnh đóng hiện nay, làm điểm quy chiếu, ta thấy quy hoạch truyền thống của nội thành Hà Nội cổ là như sau:

(a) Khu Tây – tức là khu vực lõi của quận Ba Đình ngày nay là khu vực triều đình “thành thị quân vương” theo cách gọi của môn đô thị học, khu vực hành chính trung ương ở sát cạnh Hồ Tây (Lý Trần gọi là Dâm Đàm – hồ mù sương) là một thắng cảnh của kinh thành, nơi triều đình dựng nhiều chùa, quán nổi tiếng, nơi giải trí, vui chơi của vua quan (xem đánh cá, đua thuyền, hóng mát, mở hội…).

(b) Khu Đông – tức là khu vực lõi của quận Hoàn Kiếm ngày nay, khu điển hình (36 phố phường) là khu thương mại hay là “thành thị dân cư”.

(c) Khu Nam – tức là khu vực quận Hai Bà và quận Đống Đa ngày nay, còn nhiều hồ đầm lầy lội, là khu vực “thôn dã” của nội thành, nơi trồng “rau – hoa – quả”: Dừa, vải, nhãn Thịnh Quang, Thịnh Hào. Rau muống, Cầu Muống (Trung Phụng) “Ổi Định Công, nhãn lồng làng Quang”…

(d) Khu Bắc cũng vậy, Nghi Tàm nuôi tằm, Quảng Bá trồng ổi, Nhật Tân trồng đào, Tây Hồ đánh cá, Yên Hoa trồng quất, trồng hoa…

     8.

     Đan xen vào khu “rau hoa quả” của nội thành là sự xâm canh của các cơ quan văn hoá giáo dục cấp trung ương: Văn Miếu, Quốc Tử Giáo, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường… và các phủ đệ của một số bậc công hầu, đại quan muốn sống xa cái huyên náo của cung đình và phố chợ…

     B.

     Thăng Long – Đông Đô – Kẻ Chợ là một thành thị cổ bao gồm nhiều chức năng:

     1) Chức năng thủ đô, trung tâm chính trị và quân sự mà tiêu biểu là toà thành xây 4 cửa.

      2) Chức năng trung tâm kinh tế (thị, kẻ chợ): Tiêu biểu là 4 chợ chính nội đô và mạng chợ lớn ven đô cùng các phường phố nội thành.

Hà Nội 36 phố phường

Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh.

     Cái tên “hàng” của một loạt phố nội đô truyền thống nói lên sự sản xuất (Hàng Mành, Hàng Buồm, Hàng Bồ…) các mặt hàng chuyên doanh của mỗi ngõ phố, từng đường phố…

     3) Trung tâm văn hoá, giáo dục: Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, Giảng Võ Đường… quy hoạch giản dị mà sáng rõ:

     Trong ngoài thành thị.

     Thành là đô thị quân vương, dựng ngay trên bờ sông, lấy sông làm hào, luỹ thành cũng là đê.

     Thị là đô thị dân gian, lấy sông hồ, toà thành và các cửa thành làm hướng nhắm mà gióng theo:

Phố ngoài bao bọc thành trong

Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.

     Khu chính trị quân sự ở trung tâm, khu đông là khu thủ công – thương nghiệp, khu bắc và nam là khu nông nghiệp chuyên canh. Hồ Tây là khu thắng cảnh; dọc dải đất bãi ven sông Nhị từ Sù Gạ (Phú Xá, Phú Gia) tức Nghi Tàm xuống đến Đồng Nhân (Hai Bà) là ngàn dâu xanh ngắt một màu, lọc nắng gió cho toàn thành phố. Và đó đây trong cả 4 phố nội thành, là những công trình kiến trúc tôn giáo: Tam giáo Nho, Phật, Đạo và tôn giáo dân gian…

     Đó là một sự quy hoạch thông minh, độc đáo của một đô thị phương Đông cổ, một đô thị đậm đà sắc thái dân tộc – dân gian và không quá cách bức với các biển xóm làng thôn dã bao quanh…

Nguồn: Trích từ quyển Trong Cõi. Nxb. Trăm Hoa, California, Mỹ, 1993.
Trích dẫn: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
   

CÁC BÀI VIẾT CÓ LIÊN QUAN:
1. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 1: Thế kỷ X trở về trước

2. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 2: Thăng Long – Đông Đô – Kẻ Chợ (Thế kỷ XI-XVI)

3. Đô thị cổ Việt Nam – Phần 3: Xứ Huế và vị thế lịch sử của nó