Đôi nét về các làng giấy ở miền Bắc Việt Nam

     Khi mới tới miền Bắc Việt Nam vào thế kỷ 19, người Pháp quan tâm đến kỹ thuật sản xuất giấy của người dân địa phương. Về cơ bản, mặc dù còn rất thủ công, các bước sản xuất giấy ở đây không khác mấy so với nơi khác. Nhưng ở đây người ta sử dụng nguyên liệu thô từ thực vật, trong khi đó ở phương Tây, giấy làm từ giấy loại chiếm lĩnh thị trường nhờ chất lượng tốt.

     Ở Việt Nam, giấy dó truyền thống vẫn là sản phẩm của riêng các làng chuyên sản xuất một loại mặt hàng, có làng chuyên về giấy bao bì hay giấy làm hàng mã, có làng chuyên làm giấy in hay giấy có hoa văn chìm dùng viết sắc phong của vua; mặt hàng đặc biệt này thường là sản phẩm thủ công duy nhất của làng. Không ai biết chính xác có bao nhiêu làng xưa kia sống hoàn toàn hoặc một phần bằng nghề này. Một số làng nằm ở gần nơi sản xuất nguyên liệu, nhất là ở vùng Phú Thọ, xung quanh những đồi cây giương (Broussonetia paperifera L.) và cây dó (Wikstroemia balansae Gilg.), trong đó dó là cây do người dân trồng. Crevost và Claverie đã miêu tả những điều kiện thu mua vỏ cây, chất lượng và số lượng thu được cũng như kỹ thuật làm giấy của làng Phi Đình (huyện Hạ Hòa, gần Thanh Ba). Tuy nhiên, quanh Hà Nội, nơi có những khách mua tiềm năng, mới là nơi tập trung nhiều làng làm giấy nhất. Vỏ cây được mang đến đây nhờ người khiêng hay xe bò chở từ Phú Thọ, hoặc Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên.

     Suy luận kinh tế về sự gần gũi địa lý dường như chiếm ưu thế trong sự chuyên môn hóa của các trung tâm sản xuất giấy, nhưng lại không đứng vững khi phân tích: đó là những tiêu chí lịch sử gắn liền với sự du nhập của một nghề mà xưa kia các bí mật được giữ kín và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến nay, khi một số công đoạn bị mất dần đến mức chỉ còn duy nhất một người biết được cách sản xuất một loại sản phẩm cụ thể nào đó, thì nếu không được truyền lại cho một thành viên trong gia đình, người duy nhất đủ tư cách tiếp nhận, thì kỹ thuật nghề sẽ bị mất đi mãi mãi.

     Chúng ta biết khá nhiều điều về các làng ở quanh Hà Nội. Con đường dẫn tới làng Bưởi, nay là phố Thụy Khuê, chạy dọc bờ nam của hồ Tây, vốn mang tên đường làng Giấy cho đến năm 1951. Đây là nơi du ngoạn cuối tuần ưa thích của người Pháp. Do đó, ngoài những miêu tả kỹ thuật, ngoài kho tranh ảnh tuyệt diệu, chúng ta còn có những hình vẽ của Henri Oger, Gustave Dumoutier, những bức ảnh trong thư viện của Viện Viễn Đông Bác cổ hay của tư nhân, chẳng hạn như thư viện của anh em nhà Imbert, được lưu giữ tại Evry (ECPAD). Với những tài liệu này, người ta dễ dàng tái tạo lại quy trình kỹ thuật và khung cảnh xã hội của việc sản xuất bằng cách hỏi chuyện người già ở làng Yên Thái.

     Nghề làm giấy ở đây có từ rất lâu. Từ 7 thế kỷ nay, Yên Thái nổi tiếng với giấy giống như Bát Tràng với đồ gốm và Ngũ Xã với đồ đồng. Năm 1921, 126 gia đình trong làng sống bằng nghề giấy, cả hai làng bên cạnh là Hồ Khẩu và Đông Xã cũng sống bằng nghề này. Sự chuyên môn hóa của các làng như sau: làng Yên Thái làm giấy viết và in, các làng Hồ Khẩu và Đông Xã làm giấy chất lượng cao hơn và khổ rộng hơn để in tranh dân gian. Xa hơn một chút về phía nam, gần Cầu Giấy, có ít xưởng giấy hơn, trong đó có xưởng của họ Lại, họ giỏi nghề nhất. Xưởng này chỉ sản xuất loại giấy rất đẹp để in sắc phong. Các làng nghề nối tiếp nhau từ hồ Tây đến sông Tô Lịch.

     Trong những năm 1920, quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, giấy báo, một sản phẩm công nghiệp đích thực, bắt đầu tràn ngập thị trường ở thuộc địa mới và làm suy yếu dần nền sản xuất địa phương. Người Pháp cho rằng cần phải xây nhà máy tại chỗ, nhằm chế biến gỗ địa phương để sản xuất sợi cellulose. Khi đó, Đông Dương đang trải qua cơn khủng hoảng giấy thực sự, dẫn đến những mất mát tài chính đáng kể vì giấy in phải nhập từ chính quốc. Pawlowsky tóm tắt tình trạng hỗn độn đó như sau: “chúng tôi nhập sợi cellulose từ những vùng phương Bắc lạnh giá, nơi thực vật phát triển chậm nhất, cứ như các vùng nóng không cung cấp cho chúng tôi”.

     Vả lại những cây gỗ đủ tiêu chuẩn còn lại rất ít. Tình trạng cũng như vậy ở một đất nước nơi mật độ rừng bị giảm nghiêm trọng. Nếu nhà máy Bãi Bằng do Thụy Điển giúp đỡ xây dựng cách đây 30 năm sản xuất giấy từ cellulose của cây bạch đàn mọc trên vùng đồi trung du, thì đất đang dần bị axít hóa và trở nên khô cằn vì giống cây được du nhập vào nhờ ưu điểm mọc rất nhanh này. Điều này nhấn mạnh rằng những lựa chọn trước đó của nghề giấy ở Việt Nam và Trung Quốc là rất có cơ sở; tuy nhiên, chúng chỉ thích hợp với một nền kinh tế ít sử dụng giấy, nền kinh tế của một đất nước ít người biết chữ.

     Hiện nay, sản lượng giấy vẫn thiếu hụt ở Việt Nam, chỉ đáp ứng được tối đa 1/3 nhu cầu trong nước, và do thiếu nguyên liệu, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào bột giấy nhập ngoại. Nguồn cung không đủ phong phú cùng với lượng giấy nhập ngoại lớn do Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới tạo nên một rủi ro lớn đối với ngành giấy đang gặp khủng hoảng. Ngoài một vài nhà máy hiếm hoi xứng đáng với tên gọi này, các cơ sở sản xuất chỉ là những xưởng ở làng quê với công nghệ lạc hậu, sản xuất ra loại giấy chất lượng thấp. Quy mô rất hạn chế buộc các xưởng này chỉ mua ít nguyên liệu với chi phí cao hơn. Vì thế, các xưởng lần lượt phải đóng cửa do không có đủ khả năng tài chính để xây dựng trạm xử lý nước thải như pháp luật yêu cầu.

     Phân khúc giấy chất lượng cao hội tụ các nguyên tắc của giấy truyền thống mà chúng tôi đã nói tới, có thể sản sinh ra giá trị gia tăng lớn hơn, nhưng không được phát huy đúng mức. Làng Yên Thái đã bỏ nghề truyền thống hoàn toàn thủ công này từ đầu những năm 1980. Do sử dụng quá nhiều nước và củi đốt lò, nó trở thành nạn nhân trong cuộc cạnh tranh với các nhà máy giấy công nghiệp. Để tìm lại các kỹ thuật cổ, chúng tôi đã tới tỉnh Bắc Ninh, cụ thể là đến làng Dương Ổ, xã Phong Khê, huyện Yên Phong, nơi sản xuất giấy vẫn còn là một nghề chính vì có tới gần 3.000 người làm nghề. Hiện nay, nghề làm giấy dó vẫn còn, nhưng chỉ đóng vai trò phụ bên cạnh nghề chế biến giấy loại và làm hàng mã. Kỹ thuật vẫn được giữ nguyên, nhưng có thêm vài cải tiến kỹ thuật, các công đoạn xưa như xeo giấy hay ngâm vỏ cây dường như không thay đổi, vẫn giống hệt như được miêu tả trong các bản in cổ.

Philippe Le Failler, Viện Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, 3/2008

 Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)