Đôi nét về tín ngưỡng thần linh ở làng xã Thừa Thiên Huế (Phần 1)
Tác giả bài viết: LÊ NGUYỄN LƯU
Văn tế (祭文 tế văn) hay văn chúc (祝文 chúc văn) là loại văn bản dùng để đọc trong các lễ cúng thần kỳ hay âm linh. Nó phát xuất từ tín ngưỡng cổ sơ của con người nói chung, mà trước hết là tổ tiên dân tộc Hán, rồi đến tổ tiên dân tộc Việt ở vùng Á Đông (kể cả Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, ta thường gọi là “đồng văn”, nghĩa là cùng dùng loại văn tự đồ họa phát sinh từ lưu vực Vị – Hoàng ở những mức độ khác nhau). Đã lâu đời, con người tin rằng ngoài thế giới hữu hình mà mình đang sống, còn có một thế giới vô hình ngay chung quanh mình, ở trên cao hay ở dưới thấp. Tuy “nhìn chẳng thấy, lắng chẳng nghe”, nhưng đó là một thế giới gồm các thần kỳ nắm giữ quyền năng siêu việt có thể can thiệp đến thế giới hữu hình với hai hướng phù trì hay trừng phạt; đó cũng là một thế giới gồm các âm linh do phần hồn của chính những con người đã chết vẫn còn ở lại phảng phất đâu đó vì “nghiệp chướng” chưa thể giải thoát. Người ta tin rằng tuy con người không nghe, không thấy được thế giới vô hình ấy, nhưng có thể tương thông với thần kỳ, âm linh bằng các cuộc hiến dâng vật phẩm và xưng tụng, cầu nguyện, an ủi họ bằng lời khấn vái, thể hiện qua bài văn đọc lên giữa cuộc lễ cúng. Như vậy, loại hình văn bản này xuất phát từ tín ngưỡng tôn thờ – tôn vinh thần kỳ và âm linh, cho nên chúng ta cần tìm hiểu vài nét về tín ngưỡng này.
I. Tín ngưỡng thần linh
1. Thần kỳ xuất hiện
Ở nước ta, trên bình diện thư tịch học, thì sách ghi lại danh tính, hành trạng các vị thần sớm nhất – có thể trước cả sách sử ký – là hai cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên và Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp, nhưng một là hai tác giả ấy không để lại tiểu sử, lý lịch rõ ràng và sách cũng đã được các nhà nho đời sau sửa chữa, bổ sung, hai là những truyện chép trong đó phần lớn đều thuộc loại “truyền kỳ”, nhân vật trung tâm phần lớn có quan hệ đến lịch sử, được các triều đại phong tặng danh hiệu để khẳng định quyền năng chính trị của mình, chỉ tôn xưng là đại vương, thiên vương, công chúa, phu nhân, rất ít vị chính thức mang nhãn hiệu thần, ba là chưa có những vị thần mang tính dân gian hoàn toàn tồn tại từ thời hồng hoang tối cổ. Nói chính xác thì đó là những nhân vật “thần hóa”.(1) Họ hoặc không có họ tên để lại như cậu bé làng Gióng (Xung Thiên Thần Vương, Phù Đổng Thiên Vương), chàng thanh niên ẩn cư núi Tản Viên làm rể vua Hùng (Sơn Tinh, Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Ứng Vương) hoặc có họ tên nhưng rất đáng ngờ như Cao Lỗ (người chế nỏ cho An Dương Vương Thục Phán), Lý Thân (hiệu Ông Trọng), hoặc có họ tên nhưng lại là người Trung Quốc như Thiên Tổ Địa Chủ Xã Tắc Đế Quân (Cơ Khí, làm chức hậu tắc trồng coi việc trồng trọt, nên cũng gọi là Hậu Tắc, tổ của nhà Chu), Gia Ứng Thiện Cảm Linh Vũ Đại Vương (Sĩ Nhiếp), Bảo Quốc Hiển Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng (Tô Lịch)… Khó tin được những họ tên viết bằng thứ chữ của dân tộc Hán ở một nơi xa xôi (lưu vực Vị Hoàng) là của người Việt khi hai bên chưa hề giao lưu với nhau… Những vị thần này, nhà nước dựng miếu, giao cho nhân dân thờ cúng; nếu quả có linh ứng (?), đến phiên nhân dân tự dựng miếu thờ… Số lượng thần như thế càng về sau càng phát triển đông đảo hơn, thu nhập cả nhân vật Champa (như cung phi Mỵ Ê)…
Nhưng thần chính thức của dân gian cổ nhất là loại nhiên thần, trong đó có các hiện tượng thời tiết như gió, mưa, sấm, sét và các loại hình địa dư như cây, đá, núi, sông. Bởi vì con người thời hoang sơ chưa có kiến thức khoa học, tin rằng trong vũ trụ có những thế lực bí hiểm và mạnh mẽ, hoặc làm lợi cho họ, hoặc gieo tai họa cho họ. Đó là những hung thần hay những phúc thần. Đằng nào họ cũng thờ để cầu xin các ngài tránh xa đừng gieo tai họa nữa, hay cầu các ngài tiếp tục rộng ban ơn đức để được nhờ. Ở mặt này, đến thời Bắc thuộc, dân ta tiếp thu thêm những thần gốc Trung Quốc. Dân tộc Hán thủ đắc một kho thần thoại được nhiều dân tộc khác tiếp nhận, như thần Lửa (Hỏa), thần Nước (Thủy), thần Đất (Thổ, Địa). Nói chung, các vị đều được dân ta gọi tôn là Ông hay Bà (Ông Trời, Ông Sấm, Ông Ầm, Ông Táo, Ông Bình Vôi, Bà Đá, Bà Hỏa, Bà Thủy…). Phải bắt đầu từ dân gian trước rồi sau thần mới được vua chúa cất nhắc để các ngài “hộ quốc tý dân”, bảo vệ cho triều đại lâu dài: “Khi nhận ra dòng tin tưởng bình dân của thời đại Lý Trần vươn lên đến tầng cấp tột đỉnh của xã hội đương thời như thế, ta không lấy làm lạ khi thấy các ông vua lưu tâm đến các thần linh được thờ phụng trong nước và các nho sĩ thì lại thu nhặt các chuyện truyền kỳ để ghi chép thành sách. Các vua cần đến một cõi thiêng liêng chưa được tập trung lắm vào tay một ông Thiên, cha của vua, nên phải cầu khấn các vị thần trong nước che chở mình chống người thù địch, chống kẻ xâm lăng…”.(2) Nhưng không phải thần nào của dân gian cũng được nhà nước “cất nhắc”. Phải là những ngài có gốc tích và có thành tích “hộ quốc tý dân”… Mặt khác, dù thần kỳ là thế giới vô hình, nhưng các ngài khi cần cũng có thể hiện ra với tướng mạo, y phục, trang bị như thể họ cũng là người vậy.
2. Lịch triều quản lý thần linh
Thần hiện diện trong xã hội người Việt Nam từ rất sớm, từ thời Hùng Vương hay trước nữa, vì đã có người tất cũng có thần, thần với người như hình với bóng, và tất nhiên cũng được thờ phụng dưới nhiều hình thức khác nhau để cầu các ngài phù hộ cho mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp. Các chính quyền phong kiến Việt Nam muộn nhất là thời Lý – Trần đã xem thần như là một lực lượng đáng kể để bảo vệ vương quyền. Và vì vậy, họ chủ động dựng đền thờ tại lãnh địa của thần hay tại kinh đô, rồi ban phong và gia phong những danh hiệu tốt đẹp để các ngài vui lòng ra sức lập công đáp đền ơn huệ. Tuy không có văn bản di lưu, nhưng đọc Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, chúng ta thấy các tác giả ghi lại những mỹ hiệu ấy của mỗi vị thần. Ví dụ truyện Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng) chép: “Trùng Hưng năm đầu triều ta [1285] sắc phong Phu Hựu Đại Vương; năm thứ mười bốn [1298](1) thêm hai chữ Chương tín; năm Hưng Long hai mươi [1312], thêm hai chữ Sùng nghĩa. Đến nay, anh linh càng vững mạnh, hương lửa không dứt”; truyện Nhị Trưng phu nhân chép: “Vua (Lý Anh Tông) cảm ngộ, sắc sai sửa sang đền miếu, sắm đủ lễ vật tế một tuần, ít lâu sai sứ rước về phía bắc trong thành, lập đền Vũ Sư để thờ. Về sau dân xin vua lập đền tại xã Cổ Lai, vua đồng ý, sắc phong Trinh linh phu nhân; năm Trùng Hưng thứ tư [1288], phong bà chị là Chế thắng phu nhân; năm Hưng Long hai mươi mốt [1313] thêm hai chữ Thuần trinh, lại thêm cả chị lẫn em hai chữ Bảo thuận, linh ứng rõ rệt.”(2) Chẳng những thần “nội”, các thần “ngoại” vốn gốc Trung Quốc, kể cả những kẻ từng là quan chức đô hộ nước ta, cũng phải tuân mệnh những hoàng đế Đại Việt, phải “nhập gia tùy tục” thôi. Chẳng hạn thần Xã Tắc: Các triều đại thờ (thần Xã) với Trời ở đàn Giao, khi có hạn hán hay hoàng trùng, cầu đảo thì ứng nghiệm; Trùng Hưng năm đầu [1285] truy phong Hậu Tắc Tư Đế Quân, năm thứ tư [1288] đổi phong Thiên Tổ Xã Tắc Đế Quân…
Trong chế độ quân chủ, vua là con trời (thiên tử), nắm quyền uy tuyệt đối chẳng những đối với dân gian, mà còn đối với thần linh nữa. Nhà Nguyễn cũng không khác. Nguyễn Phúc Ánh trong thời kỳ chống nhau với Tây Sơn, gặp không ít gian nan, nhiều lần thoát nạn trong gang tấc, cho rằng mình có “chân mệnh đế vương” nên được Trời và Thần phù hộ độ trì. Vì vậy, ngay khi chiếm được Gia Định, ông đã sai xây dựng miếu Hội Đồng để thờ Thành Hoàng khắp trong cõi. Rồi tiếp tục, chiếm được đến đâu, lập miếu đến đó, và khi đã khôi phục kinh đô Phú Xuân, thì miếu Hội Đồng ở Huế là nơi thờ Thành Hoàng kinh đô và Thành Hoàng cả nước. Không chỉ có thế, ông còn sai các địa phương đều dựng miếu thờ Thành Hoàng bản địa. Ngoài ra, nhân dân thờ thần nào, đều phải được “con trời” công nhận, từ đó nẩy sinh chủ trương vua ban sắc phong mỹ hiệu cho thần trong cõi, làng xã rước về thờ tại đình, miếu để thần vâng mệnh vua mà “hộ quốc tý dân”. Đợt ban sắc phong đầu tiên vào thời Gia Long. Rồi triều đình phân biệt tà thần, dâm thần (không được nhà nước công nhận và cho thờ) với chính thần (đã được nhà nước công nhận, ban sắc phong và cho thờ); tuy nhiên nhiều tà thần, dâm thần vẫn được nhân dân tôn kính thờ phụng, chả sao cả !
3. Thần kỳ xứ Huế
Cư dân Huế ngay từ khi đặt chân đến đất mới, đã mang theo tín ngưỡng thần linh từ tổ quán vào, rồi dần dần, hệ thống thần linh nơi đây trở nên phong phú, đa dạng, bao gồm những vị vốn hiện diện trong tín ngưỡng lâu đời của dân tộc từ Bắc chí Nam, đã rất phổ biến, như Đông Trù Tư Mạng Táo Quân (chủ về việc bếp núc), Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (đều chủ về đất đai, vườn tược), Thành Hoàng (chủ về bảo hộ cư dân trong cõi), Nam Hải Ngọc Lân (cá voi, chủ về biển cả), Liễu Hạnh công chúa (thuộc Nội đạo tràng) v.v… Nhưng đặc biệt là có những vị mà miền Bắc, đôi khi cả miền Nam đều vắng bóng. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số thần linh “hàng đầu”, được nhân dân xứ Huế thờ phổ biến theo lối “xưa bày nay làm”, nhưng nhiều khi lại không biết rõ nguyên ủy.
3.1. Thiên Y A Na,
là hóa thân của Uma, nữ thần Champa cổ gốc Ấn Độ. Trong thế giới thần linh Ấn Độ, ba vị Brahma (bốn mặt, chúa tể của tất cả thần, có năng lực sáng tạo vũ trụ), Vishnu (có lòng nhân ái, hóa thân thành Krishna để làm mọi việc thiện cứu giúp con người) và Shiva, hợp thành một bộ “tam vị nhất thể”, nắm giữ quyền uy tối thượng, năng lực phi thường, sức mạnh tràn ra ngoài cơ thể biểu trưng bằng những bộ phận được nhân lên gấp đôi, gấp ba… Riêng Shiva là vị thần hủy diệt với ba đầu, tàn phá ghê gớm; nhưng muốn hủy diệt, tàn phá thì phải có cái để hủy diệt, tàn phá, nên Shiva cũng biểu trưng cho sự sinh sản, và chức năng này thuộc về nữ thần Uma (hay Kali, Parvati, Durga), vừa là vợ, vừa là hóa thân của Shiva. Truyền vào Champa, Uma trở thành Po Inư Nagar, một nữ thần phúc hậu, bảo hộ cho vương quốc và nhân dân, được thờ trong nhiều đền tháp. Đến lượt người Việt vượt Đèo Ngang vào, tiếp thu vị thần này theo đạo thờ Mẫu truyền thống, thay thế cả Tiên Dung công chúa lẫn Liễu Hạnh công chúa, và đưa lên hàng chí tôn bằng cái tên rút gọn Y Na (theo Ô Châu cận lục), rồi Thiên Y A Na, cuối cùng, các vua triều Nguyễn sắc phong danh hiệu khá dài: Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Dực bảo Trung hưng Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi thượng đẳng thần, gọi tắt Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi hay Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Xứ. Đồng thời, cư dân xứ Đàng Trong cũng Việt hóa luôn nguồn gốc của ngài bằng sự tích được Phan Thanh Giản ghi lại trong văn bia đặt tại Tháp Bà (Nha Trang). Ở xứ Huế, nữ thần này được thờ khắp nơi, bất kỳ đình, chùa, miếu, điện nào cũng tôn trí bài vị.
3.2. Tứ vị thánh nương,
có hai sự tích khác nhau. Sự tích thứ nhất xuất xứ từ Trung Quốc, kể rằng cuối thời Nam Tống, nhà Tống bị giặc Nguyên Mông xâm lược, tướng Trương Hoằng Phạm hội quân tại Nhai Sơn chống cự, bị giặc tiêu diệt, hơn mười vạn người nhảy xuống biển chết. Tả Thừa tướng Lục Tú Phu cũng ôm vua Bính Đế (1278-1279) nhảy xuống biển tự trầm. Bà thái hậu, vợ vua Đoan Tông (1276-1278), mẹ Bính Đế, cùng hai con gái bị đắm thuyền, bám vào cột buồm, trôi dạt, được một nhà sư ở bờ biển Quảng Đông vớt lên, thương tình che chở. Nhưng rồi thấy công chúa út xinh đẹp, nhà sư thoắt động lòng trần, giở trò ép liễu nài hoa. Công chúa cố giữ mình chống cự quyết liệt. Nhà sư chợt tỉnh ngộ, hổ thẹn, nhảy xuống biển chết. Mẹ con thái hậu nghĩ ơn cứu vớt cưu mang của nhà sư, thương khóc thảm thiết. Bà nói: “Mẹ con ta nhờ sư mà sống, sư lại vì mẹ con ta mà chết, lòng ta há yên được sao?”. Rồi cũng ôm nhau tự vẫn. Thi hài của họ trôi dạt vào Cửa Cờn (Càn Hải, tại xã Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), dân chài vớt lên thấy nhan sắc vẫn tươi tỉnh như còn sống, lấy làm lạ, bèn mai táng và lập miếu thờ cúng (theo Việt điện u linh), sau được các đời phong tặng.
Thần còn được Việt hóa bằng một sự tích khác. Bà hoàng hậu là vợ vua Hùng thứ mười ba, đã sinh được hai công chúa và đang có thai. Các quan lo vua đã già, xin lập con bà vợ thứ làm hoàng thái tử; vua bảo đợi hậu sinh sẽ hay. Bà vợ thứ sợ con mình mất ngôi, nhờ bà mụ giúp… Khi vương hậu sinh, đúng là con trai, bà mụ ngầm cắt mất bộ phận sinh dục, rồi tâu vua là đứa bé “nam nữ bất cụ”. Vương hậu oán hận, bị đày cùng ba con ra ngoài đảo, đi đến Cửa Cờn thì đều chết. Một dân chài mộng thấy bà bảo được Thượng Đế cho làm thần, bèn lập miếu thờ và nhờ đó đánh được nhiều cá. Có lẽ sự tích này khớp hơn, vì có đủ bốn người “Tứ vị thánh nương”, còn sự tích trên chỉ có ba người. Như vậy, nữ thần này được cư dân mang từ Nghệ An vào khá sớm, về sau được triều Nguyễn sắc phong đến Đại càn Quốc gia Nam Hải Hàm hoằng Quang đại Chí đức Phổ bác Hiển hóa Trang huy Dực bảo Trung hưng tứ vị thánh nương thượng đẳng thần.
Tạ Chí Đại Trường cho rằng gốc của thần có thể là thần Pô Riyak (hay Pô Rayak, thần sông biển của người Chăm!). Theo các sử liệu, năm 1311, vua Trần Anh Tông đi đánh Champa, thuyền quân đến Càn Hải (Cửa Cờn) dừng nghỉ, đêm vua mộng thấy một vị nữ thần khóc nói: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp sóng gió trôi dạt đến nơi này. Thượng Đế phong cho làm thần biển ở đây đã lâu, nay thấy bệ hạ đem quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Lần ấy, sóng yên biển lặng, cuộc thân chinh thắng lợi, khi trở về, vua cho lập đền thờ và phong Quốc gia Nam Hải Đại càn tứ vị thánh nương, đời sau tiếp tục thờ ở 12 cửa biển từ Nghệ An ra Thanh Hóa với mỹ hiệu Nam Hải Đại càn Quốc gia tứ vị hồng nương thượng đẳng tôn thần. Như vậy, thần này có nguồn gốc rất rõ ràng, sách Việt điện u linh thời nhà Trần cũng đã ghi chép, quyết không thể nhầm với thần của Champa được.
3.3. Thai Dương phu nhân,
theo Dương Văn An, vốn là người Champa, có hai anh em. Bà là em gái, thủa bé mồ côi, bơ vơ nghèo khổ. Vì một việc, anh em cãi cọ nhau; anh tức giận, cầm con dao đang chặt mía khía vào gáy em đổ máu, hoảng sợ bỏ đi, bèn mỗi người một ngả. Anh ra nước ngoài đi buôn, dần dà trở nên giàu có, đi thuyền vượt biển trở về. Họ ngẫu nhiên gặp nhau, bèn kết duyên vợ chồng, tình yêu đằm thắm, gia đình hạnh phúc. Rồi bà có thai. Một hôm, nhân gội đầu cho vợ, chồng thấy một vết sẹo, hỏi nguyên do. Bà kể lại chuyện cũ. Anh sợ hãi, lẳng lặng chia nửa gia tài để lại, đang đêm bỏ đi biệt tích. Bà ra bờ biển mong chờ mãi, chết, cái thai hóa thành khối đá. Một dân chài gối đầu lên khối đá ngủ, mơ thấy một người đàn bà bảo: “Chớ động đến cái thai của ta!”. Anh ta tỉnh dậy, lấy làm lạ, khấn xin phù hộ, quả nhiên đánh được nhiều cá, bèn rủ bạn chài lập miếu thờ. Triều Nguyễn sắc phong Thai Dương Linh ứng Đoan thục Nhu thuận Trinh ý Từ huệ Ý đức Cẩn hạnh phu nhân Thánh mẫu Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần. Sự tích trên đây phần lớn theo mô-típ “Đá vọng phu” phổ biến từ Trung Quốc đến Việt Nam. Đoạn đầu tích truyện giống với chuyện Hòn Vọng Phu.
3.4. Thần Thạch Cảm Đương,
hiện vẫn chưa biết rõ thần tích. Ở Thừa Thiên Huế, tên thần Thạch Cảm Đương (石敢當) thường được khắc vào những tảng đá lớn dùng để trấn tà khí, giữ gìn sự yên ổn cho làng xóm và tên thần cũng được đưa vào văn tế của làng. Đây có lẽ là một hình thức thờ đá có từ xa xưa của người Việt, bên cạnh những loại đá thần khác, như đá mốc giới (thường gọi là ông Mốc), đá bùa… được thờ cúng.
3.5. Kỳ Thạch phu nhân,
là một phù điêu bằng đá khắc cảnh thần Shiva đang thể hiện điệu múa vũ trụ, có lẽ gắn với một đền thờ Champa nào đó rồi sau bị đổ nát, được phát hiện bên bờ Sông Bồ, gần nơi có bia Chàm cổ Phú Lương. Với ý thức bảo tồn di vật thiêng liêng, cư dân làng Thanh Phước (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) lập miếu đưa vào thờ gọi là miếu Bà Đá,(1) rồi triều đình Huế thường cử quan đến miếu đảo vũ (cầu mưa), có kết quả (?), sắc phong Kỳ Thạch Trinh thục phu nhân, gia tặng Kiên giới Phương khiết Thận chính Nhàn uyển Dực bảo Trung hưng Hộ quốc Tý dân Trai tĩnh thượng đẳng thần.
3.6. Phi Vận tướng quân,
là người thật, tiểu sử rõ ràng. Ông nguyên tên Nguyễn Phục, người xã Đoàn Tùng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (nay xã Thanh Tùng, huyện Ninh Thành, tỉnh Hải Hưng), nhà ở bên Sông Tùng, bến đò Thông. Ông đỗ Hoàng giáp năm Quý Dậu (1453), không rõ vì sao sắc phong triều Nguyễn đề nhầm năm Kỷ Mùi, làm Chuyển vận sứ kiêm Hành khiển đạo Thanh Hoa (Thanh Hóa), rồi về kinh làm sư phó dạy các hoàng tử, trong đó có Tư Thành. Năm 1460, Tư Thành lên ngôi (tức Lê Thánh Tông), cất nhắc ông trải các chức Hàn Lâm Viện Tham tướng, Đại Lý Tự Khanh, Thẩm Hình Viện sứ, rồi Cẩm Y vệ Chỉ huy sứ, ba lần đi sứ Trung Quốc, nhưng vua lại không ưa ông vì khi trước ông từng khen ngài “có chân mạng đế vương”.(1) Khi vua đi đánh Champa (1470), ông giữ chức Phi Vận tướng quân, phụ trách tán lý đội chuyển thâu (vận tải). Thuyền đến cửa Tư Dung (nay là Tư Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) gặp bão, ông cho neo lại, mặc dù bộ binh đã vào sâu đất địch. Mọi người sợ vi phạm quân pháp, giục đi liều, ông bảo: “Đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt búa rìu, chứ không nỡ đem của nông sản hữu hạn mà để chìm xuống biển, đưa bọn người vô tội mà làm mồi cho cá”. Khải hoàn, vua tức giận giam ông vào ngục, rồi nghe lời dèm, sai giết đi. Sau biết rõ sự việc, vua ân hận, xuống chiếu tha tội và truy phục. Vua Lê Hiển Tông (1497-1504) phong tặng Văn trung Chính nghị, triều Mạc cũng phong tặng Minh đạo Hiển ứng. Nhân dân cảm ơn đội đức, lập miếu thờ. Triều Nguyễn sắc phong đến Kỷ Mùi (?) khoa Tiến sĩ Hiển văn Chiêu tiết Phương du Tuấn vọng Quang ý Trác vĩ Phi Vận tướng quân Tùng giang Văn trung Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần. Ngôi miếu lớn nhất ở vùng Huế thờ riêng Phi Vận tướng quân được xây dựng tại cửa Tư Hiền.
3.7. Phục Hy Thần Nông Đại Đế,
thấy kê trong văn chúc làng Vinh Hòa, không rõ tên một vị hay hai vị Phục Hy và Thần Nông. Theo huyền sử Trung Quốc, Phục Hy hay Bào Hy là ông vua chế tạo ra lửa còn Thần Nông là Hậu Tắc, tổ của nhà Chu, họ Cơ, tên Khí, làm quan coi việc trồng trọt, đời sau tôn làm vị thần nông nghiệp, gọi là Thần Nông. Đây “là vị thần bảo hộ nông nghiệp, được thờ phụng rộng rãi khắp nước, cùng phối thờ các thần sấm, chớp, gió, mưa, thần thời gian… cùng với các yếu tố tự nhiên và khách quan khác tác động đến quá trình sản xuất như sâu rầy, chuột bọ, bệnh tật… tất cả đều tập trung thờ phụng ở miếu Thần Nông hoặc đàn Tiên Nông. Do ảnh hưởng đậm nét của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước nên việc thờ phụng, cúng tế Thần Nông thường gắn với quy trình sản xuất”.(2) Đầu vụ mùa, nông dân làm lễ xuống ruộng, cúng cầu thần giúp; cuối mùa, làm lễ cúng cơm mới tạ ơn thần. Vì vậy, làng tế cũng phải rước thần về dự.
3.8. Bạch Mã Thái Giám
(hay Thái Giám Bạch Mã), là một vị thần được thờ nhiều nơi thuộc phạm vi kinh thành Huế, trong các đình và chùa; trước đây chỉ có một ngôi miếu riêng ở bên bờ sông Tả Hộ Thành, cỡ nhỏ, dạng gác, ba gian, tầng trên bài trí phụng tự đơn giản, tầng dưới để ở, nay không còn. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì xưa kia, vua Lý Thái Tổ theo vết chân ngựa trắng mà xây đền thờ thần Thành Hoàng ở phía đông kinh đô Thăng Long, gọi là đền Bạch Mã.(1) Vua Lý Thái Tổ vốn là con Phật, gặp cơ hội lên ngôi hoàng đế, lập đền thờ Phật để báo ân thì cũng phải, nhưng sao lại lấy tích Phật làm thần, mà là thần Thành Hoàng? Không ai biết tông tích vị thần này như thế nào. Trong tạp chí Nguồn sáng dân gian, Trần Văn An viết: “Trong văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, ngựa trắng là biểu tượng của việc truyền bá đạo Phật và hộ trì Phật pháp, bảo vệ các chùa tháp Phật giáo. Người Trung Hoa có câu: “Trâu xanh qua Đông phương, ngựa trắng sang Tây thổ” để chỉ việc phổ biến Đạo giáo sang Ấn Độ và truyền bá Phật giáo sang Trung Hoa. Hình tượng những con ngựa trắng lưng thồ những hòm kinh sách là biểu tượng của việc phổ biến kinh sách Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa”.(2) Người Ấn Độ gọi đất Trung Hoa là Đông Thổ hay Chấn Đán; người Trung Hoa cũng vui vẻ nhận những danh xưng ấy.
Thần Thái Giám Bạch Mã xứ Đàng Trong chắc chắn có nguồn gốc Phật giáo như Trần Văn An nói. Ông đã dẫn hai Phật thoại để minh họa. Thứ nhất, “trong Đại thừa trang nghiêm báo vương kinh, một bộ kinh chữ Phạn của Ấn Độ về cuộc đời của bồ tát Avalokitesvara (Quan Thế Âm bồ tát) có một đoạn kể về một tiền kiếp của Quan Thế Âm lúc đó là một con ngựa thần màu trắng có cánh tên là Bahala đã giải cứu hoàng tử Sinhgala, tiền thân của Phật Thích Ca, khi ngài cùng các khách thương bị nạn trên biển”. Thứ hai, “tiền kiếp của Phật Thích Ca, khi đó là Sinhgala con một lái buôn giàu có. Sinhgala đã dẫn 500 lái buôn ra khơi và gặp nạn trên biển, nhờ một con ngựa màu trắng bay được tên là Bahala mà Sinhgala thoát khỏi nanh vuốt của bọn quỷ Dạ Xoa và trở về đất liền”.(3) Hai chuyện ấy xem ra cũng chỉ là một, dùng để kể sự tích hai vị khác nhau. Có lẽ sự tích này là đúng, vì ở Thuận Hóa nói riêng, xứ Đàng Trong nói chung, Phật giáo rất phát triển, nhiều ngôi chùa tạc hay đắp tượng ngựa trắng thờ riêng ở bên gian chái. Danh hiệu cao nhất mà nhà Nguyễn phong tặng cho thần là Dương uy Ngự vũ Bảo chướng Kiên thuận Hòa nhu Hà quang Dực bảo Trung hưng Thái Giám Bạch Mã thượng đẳng thần.(4)
3.9. Ngũ Hành tôn thần,
thần trông coi các vật liệu, nguyên là năm yếu tố cơ bản của vũ trụ vạn vật theo tư tưởng nhà nho thông qua kinh Thư, kinh Dịch cổ đại, gồm thủy, hỏa, mộc, kim, thổ. Tất cả những gì trong vòng sinh hóa đều hàm chứa chúng, như vật chất thì có nước, lửa, gỗ, kim loại, đất (thủy, hỏa, mộc, kim, thổ); phương hướng thì có bắc, nam, đông, tây, giữa; màu sắc thì có đen, đỏ, xanh, trắng, vàng (hắc, xích, thanh, bạch, hoàng); giác quan thì có mắt, tai, mũi, lưỡi, da chủ nhận năm thứ cảm xúc (hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, nóng lạnh)… Ngũ hành nằm trong quỹ đạo hình thành và phát triển vô cùng của vạn vật vạn sự theo nguyên tắc hòa hợp và mâu thuẫn (tương sinh, tương khắc), thật là kỳ diệu, thiêng liêng dưới mắt người xưa, nên được tôn làm thần linh. Thực chất thuyết ngũ hành của Trung Quốc là một thứ tư tưởng duy vật thô sơ, nhằm “tìm hiểu bản thể thế giới, bản thể các hiện tượng trong vũ trụ… cụ thể hóa và bổ sung cho thuyết âm dương thêm hoàn bị”,(1) và được dùng để giải thích nhiều vấn đề về sử học, y học, địa lý học… Người Việt Nam tiếp thu học thuyết này và cũng vận dụng trong nhiều lĩnh vực. Riêng về mặt tín ngưỡng dân gian, người ta tôn thờ thành thần nhằm mong mỏi vật chất có lợi luôn luôn sinh sôi nảy nở theo quy luật tự nhiên, tạo điều kiện thuận tiện cho đời sống nghề nghiệp, đời sống xã hội. Mỗi yếu tố trong ngũ hành là một vị thần với những tên Thủy Đức, Hỏa Đức, Mộc Đức, Kim Đức, Thổ Đức, ví dụ một sắc phong ghi: Dương trạch Hiển linh Hoằng triêm Bác nhuận Linh súy Dực bảo Trung hưng Thủy Đức tôn thần, hoặc Ôn hậu Quảng ứng Chiêu cảm Lệ minh Linh súy Dực bảo Trung hưng Hỏa Đức tôn thần… Thần này cũng thuộc phái nữ, cho nên dân gian gọi là Bà Thủy (Thủy Đức nương nương), Bà Hỏa (Hỏa Đức nương nương)…
3.10. Cao Các Quảng Độ,
là vị thần của đồng bằng Bắc Bộ, có lịch sử lâu đời, chính hiệu Tản Viên Sơn Thần, gốc tích là một thanh niên ẩn cư tại núi Tam Đảo (có ba chỏm núi nên nhân dân gọi là Ba Vì, hình dáng tròn như cái lọng, nên cũng gọi là Tản Viên), một danh sơn của đô thành Phong Châu cổ đại. Sách Việt điện u linh, trong phần Hạo khí anh linh có chép truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Sách Lĩnh Nam chích quái lại nói rõ thần là một trong năm mươi người con trai theo mẹ Âu Cơ lên Phong Châu. Chàng từ cửa biển Thần Phù, men Sông Cái tìm nơi cao thoáng thanh u, tục dân thuần hậu mà ở, chọn được thế đất long đỗ (rốn rồng), tức sau là thành Long Biên (Thăng Long, Hà Nội); chưa vừa ý, chàng lại men Sông Lô lên đến bờ sông Phúc Lộc, thấy núi Tản Viên ba ngọn cảnh trí tú lệ, nhân dân quanh chân núi phong tục chất phác. Chàng bèn mở đường sá, lập đền đài cư trú, giúp dân giải hạn, tránh lụt, trừ tai. Về sau, nhân dân nhớ ơn, lập miếu thờ. Đoạn cuối mới kể thêm tục truyền Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh cưới con gái vua Hùng, gây nên cái nạn mưa lũ vào tháng Chín hàng năm… Thần theo chân di dân mà vào Thuận Hóa, và được nhà Nguyễn đổi tính danh thành thần Cao Các, sắc phong thời Tự Đức của xã Hiền Lương ghi danh hiệu Hồng mô Vĩ lược Đôn hậu Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Cao Các thượng đẳng thần.
3.11. Bổn thổ Thành Hoàng,
hay Bổn cảnh Thành Hoàng ở xứ Thuận Hóa thường được thờ miếu riêng, ít khi “sống chung” với các thần khác tại đình như miền Bắc hay miền Nam. Tục thờ Thành Hoàng nguyên phát xuất từ Trung Quốc, vào cuối đời Hán – đầu đời Đường: “Những thần linh địa phương có trú sở trên vùng đất với tín đồ thờ cúng, như đã nói, đã là một thứ thần Đất, tuy ta không biết tên xưa cũ riêng biệt gọi là gì. Chuyển sang từ Hán, là những Thổ Địa, Thổ thần mà cấp bực ở quận, huyện từ các triều đại Hán, Lục Triều được hưởng tế lễ, có tên là Thành Hoàng. Vị Thành Hoàng được chính thức cúng tế đầu tiên năm 555 là của thành Dĩnh, khi Mộ Dung Nghiễm giữ ngôi thành ở Vũ Xương này. Đến đời Đường thì mỗi lần lập cơ cấu hành chánh mới là người ta xây đền thờ Thành Hoàng nơi ấy. Thần Đất ở làng, khu phố, cầu đường, cánh đồng, đền đài, công thự… là của dân chúng, ngang tầm dân chúng nên đành chịu lép vế, không có chức tước. Thứ bực Thành Hoàng – Thổ Địa thành hình từ đó”.(1) Hóa ra thần cũng có cấp bậc, có quý tiện (sang hèn), cho nên nhân dân cũng tìm cách “sang hóa” thần của mình theo lối xin nhà nước sắc phong.
Vị Thành Hoàng đầu tiên được thờ ở nước ta là do bọn đô hộ phương Bắc đưa vào thờ, được ghi chép trong Việt điện u linh, về sau được triều Lý phong là Bảo quốc Hiển linh Định bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương. Thần nguyên tên Tô Lịch, nhà không giàu nhưng có đức hạnh, thời Tấn đỗ hiếu liêm, được vua ban chiếu tinh biểu gia đình, nhân đó, đặt tên làng là Tô Lịch; ông được cử làm lệnh ở huyện Long Độ, Giao Châu, dựng nhà tại đấy. Năm Trường Khánh 2 (822) thời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Hỷ làm An Nam đô hộ sứ, thấy cửa bắc thành Long Biên có nghịch khí, tìm chỗ mới cao ráo hơn xây dựng phủ lỵ, quy mô to lớn đẹp đẽ. Đây chính là nơi nhà cũ của Tô Lịch, nên Nguyên Hỷ mời các bậc kỳ lão trong làng quanh vùng đến, đặt lễ xin mời ông làm Thành Hoàng. Tiếp đó, xây dựng miếu thờ, gọi là Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, lại phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương, sau lần lượt được gia phong các mỹ tự Bảo quốc, Hiển linh, Định bang. Kể từ khi nước ta độc lập, tục thờ Thành Hoàng, vị thần chủ đất, phát triển lên. Ban đầu chỉ có Thành Hoàng quốc đô, về sau mới có Thành Hoàng các địa phương, xưa nhất là Thổ Lệnh Trưởng ở ngã ba Hạc, gọi là thần Bạch Hạc. Nhìn chung, Thành Hoàng là vị thần “biểu hiện của lịch sử, phong tục, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chịa”.(1) Phần đất do ngài cai quản đạt đến đời sống “dân khang vật phụ” (dân yên khỏe, vật dồi dào), nên ngài tượng trưng cho thôn ấp cũng như sự trường tồn của thôn ấp, và bởi thế, ngài được coi như một vị phúc thần. Từ khoảng Lý – Trần, người Việt Nam đã tiếp thu tục thờ Thành Hoàng một cách rộng rãi. Riêng Thành Hoàng xứ Huế khá đặc biệt, không giống Thành Hoàng Bắc Bộ và cũng khác Thành Hoàng Nam Bộ.
Thành Hoàng ở Bắc Bộ rất đa dạng, có thể là một thiên thần như Tản Viên Sơn Thần, Tô Lịch Giang Thần, Bạch Hạc Thạch Thần, một nhân vật huyền sử như Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử, một anh hùng dân tộc có công với nước như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, và đặc biệt có khi là một người “xuất thân” khá kỳ quặc như tên ăn trộm, kẻ ăn mày, thậm chí một “chú Cẩu”, một “ông Ba Mươi”… cũng có thể trở thành thần Thành Hoàng! Rồi khi tế lễ, dân làng tổ chức những trò diễn tả gốc tích của ngài. Trong Tập án cái đình, Ngô Tất Tố viết: “Chúng ta đã thường thấy trong sách Tàu: chú cai phu có thể làm vua nhà Hán, anh bợm bạc có thể làm vua nhà Tống, thằng nhỏ của chùa Hoàng Giác có thể làm vua nhà Minh, và vô số những ông cắn cơm không vỡ chỉ nhờ cái tài đẻ vào nhà vua mà nghiễm nhiên ngồi trên ngai vàng, cố nhiên chúng ta không lấy làm lạ khi thấy những ông chết đói, chết rét, những ông ăn cướp ăn trộm ngang nhiên được làm thượng đẳng phúc thần. Nhưng đến cái ông “bốn cẳng” mà cũng được làm thành hoàng, thì thật là việc gia ân rất đặc cách!”(2)
Ở Nam Bộ, Thành Hoàng được thờ ở đình hay miếu, những vị có gốc tích kỳ quặc bị gạt bỏ hẳn (cũng như Huế). Theo Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường và Hồ Tường, thì Thành Hoàng trên địa bàn Nam Bộ muộn nhất của nước ta trước hết là các vị chúa Nguyễn, kể cả Nguyễn Phúc Côn, cha của Gia Long; điều này giải thích tại sao người Nam Bộ kiêng hèm phổ biến nhất tên của họ (“huỳnh” thay “hoàng”, “ngươn” (nguơn) thay “nguyên”, “thới” thay “thái”, “châu” thay “chu”…). Kế đến là một số nhân vật lịch sử như Dực Thánh Vương (không rõ tên) và Đông Chinh Vương Lục (đều là hoàng tử con vua Lý Thái Tổ), Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục. Cuối cùng là một số vị không rõ gốc tích hay thiên thần, như Tống Thiên Quốc Sư, Thành Cảnh Đại Vương, Cao Các Đại Vương, Bạch Hạc Đại Vương…
Thành Hoàng xứ Huế theo một dòng riêng. Trừ một ít làng xã thờ vị khai canh hay tổ nghề, còn đại bộ phận các ngài đều chỉ mang tính cách biểu trưng, là vị thần bảo hộ lãnh thổ, và theo đúng chủ trương của triều đình từ đầu thế kỷ XIX. Kinh sư có Đô Thành Hoàng và Thành Hoàng các trực tỉnh, do triều đình lập miếu thờ, xây dựng từ năm 1809 (miếu gồm án giữa thờ Đô Thành Hoàng, năm án ở hai chái đông tây thờ Thành Hoàng các tỉnh), đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho các tỉnh thờ Thành Hoàng ở miếu Hội Đồng và đổi gọi là miếu Thành Hoàng (miếu Hội Đồng nguyên thờ một “tập thể thần linh” gồm dương thần, âm thần như Thổ Địa, Long thần, Ngũ phương, Hà Bá Thủy Quan, Tiên Sư, Thổ Công, Táo Quân, Trụ Trạch…). Các làng xã có Bổn thổ Thành Hoàng, thường được cấp sắc phong với danh hiệu Bảo an Chính trực Hựu thiện Đôn ngưng Tĩnh hậu Dực bảo Trung hưng Bổn thổ Thành Hoàng trung đẳng thần. Phụ giúp Thành Hoàng chăm lo cho sự phồn vinh của cư dân là thần Bạch Mã Thái Giám và các vị thần Đất khác, gọi là Thổ Công, Thổ Địa….
__________
(1) Tức là nhân thần, nhiều vị được đời sau tôn làm Thành Hoàng của từng địa phương.
(2) Tạ Chí Đại Trường (2006), Thần, người và đất Việt, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr. 14.
(1) Thật ra không có năm Trùng Hưng 14, có lẽ nhầm, phải là năm Trùng Hưng 4 (1288).
(2) Dịch từ bản nguyên văn chữ Hán của Việt điện u linh và Lĩnh Nam chính quái.
(1) Miếu Bà Đá ở làng Thanh Phước quy mô nhỏ hẹp. Sách Ô Châu cận lục, mục Danh lam, đoạn kể về chùa Sùng Hóa có nói đến bia Sùng Phúc (Bùi Lương dịch): Linh Giang quanh phía trước, chằm lớn bọc đằng sau, phía nam có sông Hoài Tài, phía bắc có bia Sùng Phúc. Cung tiên rực rỡ; tượng Phật tôn nghiêm. “Bia Sùng Phúc” đúng ra là “bia Hoằng Phúc”, tên cũ của làng Thanh Phước. Ngôi miếu được dựng muộn lắm cũng từ thế kỷ XVIII, vì trong một bản kê khai dân đinh năm Quang Trung 1 (1788) đã thấy một người (Phan Văn Khoan) lo việc hầu tự Bà Đá, nhưng quy mô hiện nay thì mới được làm lại không lâu, chỉ một gian, kiểu vuông, mỗi bề 1,5m, có hiên trước, mở một cửa hai cánh, ba mặt kia xây bít, tọa lạc phía tây đình Khai canh, gần cửa Sông Bồ, cũng quay hướng nhìn ra Sông Hương. Không có khuôn viên, la thành.
(1) Nguyên khi bà Ngô Ngọc Dao đang mang thai Tư Thành, đã bị bà Nguyễn Thị Anh (mẹ của Bang Cơ) ganh ghét, nghi ngờ bà muốn tranh ngôi vị cho con mình (dù chưa biết thai nhi sẽ là trai hay gái), nên tìm cách hãm hại. May nhờ Nguyễn Thị Lộ (thiếp của Nguyễn Trãi) can thiệp, Ngọc Dao chỉ bị đẩy ra khỏi cung rồi sinh Tư Thành. Sau khi Bang Cơ lên ngôi (tức Nhân Tông), bà Anh yên tâm mới sai người tìm về, cho Tư Thành học tập trong cung cùng các thân vương, hoàng tử. Tư Thành hết sức giữ ý để tránh tai vạ, mà Nguyễn Phục cứ thật thà khen ngợi, làm sao ông không tức bực cho được!
(2) Huỳnh Đình Kết (1998), Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 34.
(1) Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí, bản dịch: Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa, Huế, tập 3, tr. 210-211.
(2) Trần Văn An, “Tục thờ Thái Giám Bạch Mã ở Hội An”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1, 2004, tr. 56.
(3) Trần Văn An, tcđd, tr. 56-57.
(4) Bạch Mã thì có thể hiểu được, nhưng chúng tôi chưa rõ vì sao lại thêm từ “thái giám”?
(1) Trần Thị Huyền, “Sự hình thành và phát triển học thuyết âm dương ngũ hành trong tư tưởng cổ đại Trung Quốc”, Tạp chí Triết học, số 5, 1996, tr. 33.
(1) Tạ Chí Đại Trường, Thần, người và đất Việt, sđd, tr. 84-85.
(1) Đào Duy Anh (1961), Việt Nam văn hóa sử cương, Bốn phương, Sài Gòn, tr. 232.
(2) Ngô Tất Tố (1977), Tập án cái đình, trong: Ngô Tất Tố – Tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội, tập 2, tr. 147.
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp:
Đôi nét về tín ngưỡng thần linh ở làng xã Thừa Thiên Huế (Phần 2) — đang được cập nhật —
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 7 (141), 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)