Giá trị di tích địa đạo Củ Chi theo định hướng di sản văn hóa thế giới
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư NGUYỄN KHỞI
(Trường Đại học Văn Lang)
TÓM TẮT
Trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI có đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới đối với địa đạo Củ Chi. Bài viết đề cập đến những tiền đề các giá trị văn hóa thế giới và đi sâu phân tích một số giá trị cơ bản của di tích lịch sử địa đạo Củ Chi có khả năng đáp ứng được các tiêu chí của Công ước về di sản văn hóa thế giới được UNESCO thông qua ở Paris năm 1972.
Từ khóa: địa đạo Củ Chi; giá trị di tích; di sản văn hóa thế giới.
ABSTRACT
In the political report of the 11th Ho Chi Minh City Party Congress, there is a proposal recognition of Cu Chi Tunnels as a world cultural heritage. The article points out the premises of world cultural values and goes into depth analysis of some basic values of the historical Cu Chi Tunnels which is able to be matched with the criteria of Convention on World Cultural Heritage approved by UNESCO in Paris in 1972.
Key words: Cu Chi Tunnels; historical values; World Cultural Heritage.
x
x x
1. Đặt vấn đề
Trải qua quá trình phát triển trên 300 năm, từ một thành phố ban đầu chỉ có vài trăm ngàn dân, đến nay Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 10 triệu dân sinh sống, trở thành một trong những đô thị lớn, một trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa của cả vùng. Cùng với sự phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh có khối lượng di sản văn hóa đồ sộ, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia đặc biệt như di tích Dinh Độc Lập, di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, di tích Bến Nhà Rồng – bảo tàng Hồ Chí Minh, và rất nhiều di sản kiến trúc khác. Tuy nhiên cho đến nay Thành phố Hồ Chí Minh lại chưa có một di sản nào được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Vừa qua trong báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI có đề xuất công nhận di sản văn hóa vật thể thế giới đối với địa đạo Củ Chi [3].
2. Nội dung
2.1. Giá trị di sản văn hóa thế giới
Theo quy định của UNESCO hiện nay trên thế giới có hai loại di sản: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Trong luật di sản văn hóa của Việt Nam cũng có định nghĩa như sau: Di sản văn hóa là sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bao gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể [1].
Theo Công ước về di sản thế giới do UNESCO thông qua ở Paris ngày 16-11-1972 thì di sản văn hóa vật thể được phân ra thành ba loại: di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và di sản tổng hợp. Theo đó di sản văn hóa bao gồm các di tích, các công trình, quần thể kiến trúc hay các nhóm công trình xây dựng riêng lẻ hay quần thể có sự thống nhất trong cảnh quan, các hang động, di chỉ khảo cổ học có giá trị nổi bật toàn cầu về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học.
Hình 1. Một trong nhiều đường địa đạo ngầm dưới lòng đất. (Nguồn: gettyimages)
Để được ghi danh vào danh sách di sản văn hóa thế giới thì một di sản cần phải đáp ứng được một hoặc nhiều tiêu chí trong số 6 tiêu chí sau đây: 1) là một kiệt tác cho thấy thiên tài sáng tạo của con người; 2) biểu hiện sự giao lưu các giá trị của con người trong một thời gian dài hoặc trong một khu vực văn hóa của thế giới, về những bước phát triển trong kiến trúc, nghệ thuật, tượng đài hoặc quy hoạch thành phố và thiết kế cảnh quan; 3) là minh chứng độc đáo hoặc chí ít cũng là hiếm có cho truyền thống văn hóa hoặc cho một nền văn minh còn đang tồn tại hoặc đã mất; 4) là một mẫu hình nổi bật của một loại công trình xây dựng hoặc quần thể kiến trúc hay cảnh quan minh họa cho một (các) giai đoạn trong lịch sử loài người; 5) là một mẫu hình nổi bật về nơi sống truyền thống hoặc sử dụng đất đai của con người đại diện cho một (hoặc nhiều) nền văn hóa, đặc biệt khi nó trở nên dễ bị tổn thương do tác động của những biến đổi không cưỡng lại được; 6) liên quan trực tiếp hoặc đích thực tới các sự kiện hay truyền thống đang còn tồn tại, với những ý tưởng hoặc niềm tin, với các tác phẩm nghệ thuật hoặc văn học có ý nghĩa toàn cầu nổi bật (Tiêu chí này chỉ được xem xét trong những hoàn cảnh đặc biệt liên quan đến các tiêu chí văn hóa hoặc thiên nhiên khác khi Ủy ban xem xét có đưa vào danh sách di sản thế giới hay không) [2].
Hình 2. Không gian chuyển tiếp giữa các đường địa đạo. (Nguồn: vntrip.vn)
2.2. Giá trị di tích địa đạo Củ Chi
Địa đạo Củ Chi là một di tích quốc gia đặc biệt được Nhà nước công nhận từ năm 2015, là căn cứ địa cách mạng điển hình có giá trị vô cùng quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhất là trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ từ năm 1965 đến năm 1975. Là nơi các đồng chí lãnh đạo sống và làm việc, chỉ đạo công cuộc đánh Mỹ của nhân dân. Là quần thể giao thông hào chạy ngầm dưới mặt đất dài trên hàng trăm kilomet tạo thành một pháo đài kiên cố.
Địa đạo Củ Chi rất nổi tiếng trong và ngoài nước, khách quốc tế khi đến đây tham quan đều bày tỏ lòng khâm phục về chủ nghĩa anh hùng của nhân dân ta. Phân tích các giá trị của địa đạo Củ Chi theo hệ thống tiêu chí văn hóa thế giới cho thấy chúng có khả năng đáp ứng được một số tiêu chí sau đây:
Tiêu chí 1, hệ thống địa đạo Củ Chi là một minh chứng hùng hồn cho sức lao động sáng tạo độc đáo của con người nơi đây. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, chỉ bằng những dụng cụ thô sơ như lưỡi cuốc, xẻng xúc đất bằng tre mà người dân Củ Chi đã tạo nên một công trình chưa từng có, lên tới 250km đường hầm ngang dọc có các ngóc ngách, với vô số cửa thông hơi lên mặt đất được ngụy trang kín đáo, có đoạn được đào thành nhiều tầng trong lòng đất nối liền các điểm xung yếu tạo thành một mạng lưới ngầm kỳ diệu bủa vây quân thù. Không giống như các hang động thiên nhiên đồ sộ, hùng vĩ, các đường hầm địa đạo tuy bé nhỏ nhưng lại có cấu trúc rất linh hoạt, có thể đóng mở bất cứ lúc nào, quân du kích dễ dàng ẩn náu mà cũng dễ dàng xuất hiện làm cho kẻ thù luôn bị động, bất ngờ.
Tiêu chí 4, Địa đạo Củ Chi là minh chứng hùng hồn cho thể loại công trình khoa học quân sự được tổ chức như một làng chiến đấu ngầm dưới mặt đất. Đó là nghệ thuật lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ để thắng lớn, “lấy trí nhân thay cường bạo” của cuộc chiến tranh nhân dân chống lại một kẻ thù hùng mạnh được trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại. Theo các nhân viên hướng dẫn chuyên trách tại khu di tích, địa đạo Củ Chi được tổ chức rất khoa học. Những đường ngầm có thể chịu được sự công phá của bom đạn, xe tăng thiết giáp trên mặt đất, dưới hầm còn có các hố chông, có nút chống độc, có lỗ thông hơi, lối thoát lên mặt đất tạo thành các ụ chiến đấu. Quanh các cửa hầm lên xuống còn bố trí các hầm chông, cạm bẫy, mìn chống tăng… tổng hợp thành một pháo đài bất khả xâm phạm, thấm đượm tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng của quân và dân, cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương. Là minh chứng cho việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, thể hiện sự độc đáo sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của Việt Nam, đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân: chính quy, du kích và đấu tranh chính trị, tạo nên một sức mạnh tổng hợp.
Tiêu chí 5, Địa đạo Củ Chi là một ví dụ tuyệt vời về một không gian sống mặc dù chỉ là bất đắc dĩ của một quần cư đại diện cho một dân tộc bất khuất, không cam chịu làm nô lệ. Nơi đây một môi trường sống được hình thành, ngoài các đường giao thông hào, còn có hàng trăm ngóc ngách nối liền các không gian ăn uống, sinh hoạt, nghỉ ngơi, kho tàng. Đặc biệt còn có trạm cứu thương, giải phẫu nuôi dưỡng bệnh nhân, bên cạnh còn có giếng nước, bếp không khói “Hoàng Cầm”, nơi trú ẩn của người già, phụ nữ và trẻ em rất đầy đủ không khác gì một không gian sống của một ngôi làng truyền thống trên mặt đất của các vùng quê Nam Bộ.
Không chỉ thế, để góp phần làm cho cuộc sống thêm phong phú, nơi đây còn xây dựng được không gian đa năng theo kiểu bán hầm, mái lợp ngụy trang khéo léo, dùng để hội họp, chiếu phim hoặc biểu diễn văn nghệ, tạo nên một cuộc sống vui tươi, thoải mái. Tuy vậy, với những không gian ngầm dưới mặt đất như thế cũng chịu tác động không nhỏ của khí hậu nhiệt đới nắng mưa, lụt lội thất thường làm cho hệ thống địa đạo rất dễ bị tổn thương hư hỏng, điều đó đặt ra vấn đề là cần có một chính sách bảo tồn căn cơ nhằm gìn giữ lâu dài di tích.
3. Kết luận
Điểm qua một số tiêu chí trên đây cho thấy địa đạo Củ Chi có được một giá trị nổi bật toàn cầu với các tính chất độc đáo, sáng tạo của một cấu trúc ngầm dưới mặt đất, có tính khoa học quân sự sâu sắc trên cơ sở phát huy được truyền thống đánh giặc của cha ông trong công cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng giá trị tổ chức một không gian sống trong lòng đất với đầy đủ các tính chất của một làng ấp vùng quê Nam Bộ. Với tất cả các giá trị đặc sắc đó chúng ta vững tin và có quyền hy vọng là hồ sơ di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sẽ được các cơ quan chuyên môn của thành phố nghiên cứu kỹ với các minh chứng đầy đủ để khi trình lên UNESCO xem xét sẽ đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của Công ước về di sản và sẽ được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Quốc hội (2001), Luật số 28/2001/QH10 về Luật Di sản văn hóa, Hà Nội.
[2] Đỗ Vũ (2016), Tìm hiểu tiêu chí di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, thegioidisan.vn, ngày truy cập: 20-12-2020.
[3] Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố – Bản hoàn chỉnh mới nhất ngày 04-12-12 trên trang tin của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh,
https://images.hcmcpv.org.vn/uploads/file/04122020DCE8BF40/vankienthanhphohoanchinhbaocaochinhtri.pdf
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Văn Lang, Số 25, Tháng 01 – 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giá trị di tích địa đạo Củ Chi theo định hướng di sản văn hóa thế giới (Tác giả: PGS.TS.KTS Nguyễn Khởi) |