Giá trị lịch sử – kiến trúc di tích cầu ngói Thanh Toàn và giải pháp khai thác phục vụ du lịch

Tác giả bài viết: Thạc sĩ LÊ THỊ NHƯ KHUÊ
(Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế)

1. Mở đầu

     Di tích lịch sử văn hóa là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của địa phương, quốc gia hay của toàn nhân loại; là nguồn tài nguyên du lịch đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Ngược lại, phát triển du lịch cũng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa nhờ nguồn lực tài chính thu được từ hoạt động này cũng như sự quảng bá di sản văn hóa địa phương đến du khách trong nước và quốc tế. Vì vậy, du lịch có ý nghĩa to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hóa.

     Cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1990. Trong những năm qua, hoạt động du lịch ở làng Thanh Toàn đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc khai thác các di tích lịch sử văn hóa để phát triển du lịch trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hoạt động du lịch tại các điểm di tích còn đơn lẻ, rời rạc, chưa gắn kết với nhau nên chưa phát huy hiệu quả; các di tích chưa thực sự trở thành điểm du lịch, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, hoạt động du lịch chưa tạo ra nguồn thu để góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích.

     Bài viết nhận diện các giá trị lịch sử văn hóa, giá trị kiến trúc nghệ thuật của cầu ngói Thanh Toàn, đồng thời, đề xuất một số giải pháp khai thác du lịch hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương cũng như công tác bảo tồn di tích trong bối cảnh hiện nay.

2. Vài nét về làng Thủy Thanh và cầu ngói Thanh Toàn

     2.1. Lịch sử hình thành làng Thanh Toàn/Thủy Thanh

     Người Việt khi đặt chân đến vùng đất mới, khai phá lập làng bao giờ cũng lấy tên làng cũ hoặc lấy một từ tên làng cũ ghép với từ mới dùng để đặt tên làng nhằm tưởng nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Ví như làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) xuất phát từ gốc làng Nguyệt Nỗ ở Thanh Hóa,…Tương tự, nguyên lai làng Thủy Thanh mang tên là làng Thanh Toàn. Làng Thanh Toàn được thành lập dưới thời Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng), thế kỷ thứ XVI. Phần đất chính trong làng thì chỉ cao hơn ruộng đồng từ 1 đến 2 mét, vì làng được lập trên một dải đất pha cát, vốn trước đây là đáy cao của phần đầm phá được bồi đắp từ 4 thế kỷ này1. Đến đầu thế kỷ XVIII, tên làng Thanh Tuyền được Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ biên tạp lục:

Tổng sư Lỗ huyện Phú Vang có 15 xã, 8 phường: sư lỗ thượng, sư lỗ hạ, Thanh Tuyền Thượng, Thanh Tuyền Hạ, Đồng Di, Văn Giang, Hương Khê, Thần Phù, Lương Văn, Phú Bài, La Chức, Tô Đà, An Long, Thủy Bạn và các phường Phú An, Phú Xuân, An Thạch, La Sơn, Hòa An…2.

     Căn cứ vào gia phả của các dòng họ và sắc phong của các triều vua Duy Tân, Khải Định đã tiếp cận được, chúng tôi cho rằng tên làng Thanh Tuyền xuất hiện vào thế kỷ XVI cùng với sự định hình của làng Thanh Toàn. Các dòng họ khai canh đã chung lưng đấu cật, khai phá làm ăn, xây dựng làng. Càng về sau, đất đai ở đây đã được khai phá hết, dân số ngày càng tăng, làng trở nên chật hẹp3. Mặt khác, làng Thanh Toàn nằm giữa vùng đồng bằng trũng, không có gò đồi, không có đất trồng hoa màu phụ, chỉ độc canh cây lúa. Do vậy, các dòng họ khai canh đã di dời con cháu của mình lên khai phá vùng đất phía Tây Nam của làng. Theo thời gian, vùng đất mới này ngày càng phát triển và người dân Thanh Toàn đã định cư hẳn ở đây. Song, các dòng họ vẫn chia một nửa con cháu ở lại quê cũ, còn một nửa chuyển lên định cư ở vùng đất mới. Từ đó, ngôi làng mới vẫn dùng tên của làng cũ nhưng thêm chữ Thượng (chỉ vùng đất ở phía trên núi), làng cũ thêm chữ Hạ hoặc Chánh (tức là dưới đồng, hoặc làng gốc).

     Như vậy, đến thế kỷ XVII làng Thanh Tuyền được phân chia thành hai làng: Thanh Tuyền Hạ và Thanh Tuyền Thượng. Sau năm 1776 gọi là Thanh Toàn Hạ và Thanh Toàn Thượng; năm 1841 gọi là Thanh Thủy Hạ (hay Chánh) và Thanh Thủy Thượng; năm 1945 cũng gọi là Thanh Thủy Hạ (hay Chánh) và Thanh Thủy Thượng và cùng trong một xã Hồng Thủy. Đến năm 1954, Thanh Thủy Hạ (Chánh) thuộc xã Thủy Thanh với Vân Thê, Lang xá Bầu, Lang xã cồn; còn Thanh Thủy Thượng hợp với làng Xuân Sơn, Phường Chánh và một phần đất làng Dương Phẩm thuộc xã Thủy Dương. Tuy thành hai làng, nhưng Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Chánh vẫn gắn kết với nhau. Điều này được thể hiện qua hai câu đối trong bia thờ Ngài thủy tổ khai Canh họ Ngô như sau: “Vạn cổ lưu truyền tam huynh đệ. Thiên thu kế thế nhị Hương thôn4.

     Đặc biệt, ở Thanh Toàn (Thanh Thủy Chánh) có bao nhiêu họ thì ở Thanh Thủy Thượng có bấy nhiêu họ. Nhìn chung, các dòng họ ở Thanh Thủy Thượng vẫn giữ nguyên gốc cũ nhưng cũng có một vài họ chuyển chữ lót như họ Lê Đình đổi thành họ Lê Viết, Nguyễn Quang đổi thành Nguyễn Thanh5, Lê Đắc đổi thành Lê Trọng,… Trong mối quan hệ giữa hai làng cũng có một số quy định cụ thể: làng Thanh Thủy Chánh được chôn mồ mả ở phía gò đồi của làng Thanh Thủy Thượng; ngược lại làng Thanh Thủy Thượng có nhiệm vụ giữ đất nghĩa địa cho làng Thanh Thủy Chánh (Thanh Toàn). Những quy định này được vua Thành Thái phê chuẩn trong châu bộ của hai làng, được lưu giữ cho đến ngày nay. Điều này được ghi rõ trong bản quy ước văn hóa làng xã Thủy Dương tháng 3 năm1999: “Riêng với bà con làng Thanh Thủy Chánh xuất phát từ một nguồn gốc, nên được chôn cất tại nghĩa địa của xã, nhưng trước khi chôn cất phải có đơn xin phép và được UBND xã đồng ý mới được mai táng”.

     2.2. Về người phụ nữ xây cầu

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Cho em về với một đoàn cho vui”.

     Cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng và đã đi vào câu ca dao quen thuộc của người dân xứ Huế. Được xây dựng vào thế kỷ XVIII gắn với vai trò của một người phụ nữ.

     * Giai thoại về lăng Phạm Bà (bà không có quan hệ với cầu ngói?, nếu không liên quan thì không nên đưa vào)

     Vào năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), một bà quý phái tên là Trần Thị Đạo, vợ quan đại thần Cần Chánh điện Đại học sĩ đã có lòng tốt xây cầu bằng tiền riêng. Ngày 17 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 37 (27 tháng 11 năm 1776), bà được ban sắc chiếu, có nội dung như sau: Vua Cảnh Hưng, Hoàng đế Chiếu chỉ: Bà Trần Thị Đạo, chánh quán làng Thanh Toàn, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong là vợ của Khâm sai, Chủ sự Hoàng cung, Tổng chỉ huy bộ binh và thủy binh. Tổng đốc của ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền, Nhất trụ Triều đình và tước Hầu.

     Bà này làm phước đức còn hơn các bà trong Đại Nội. Đời bà được mọi người khen. Danh tiếng của bà không lời ca tụng nào xứng. Bà không ngần ngại vượt qua bao mệt nhọc để đeo đuổi cuộc hành trình cùng với đoàn của vua. Bà đã dũng cảm làm trọn ba nhiệm vụ của phái nữ. Bà còn để lại cho làng bà nhiều ơn huệ mà người ta cần lưu niệm.

     Dân làng được miễn các dịch vụ như sau: miễn cung cấp nhân công để bảo tồn lăng tẩm vua chúa và đền miếu; miễn động viên lính thủy, lính bộ; miễn trưng dụng thuyền bè; tuyển nài, cắt cỏ cho voi ngựa ăn, tiều phu, thợ mộc đóng thuyền. Nói tóm lại, họ không phải đóng góp gì về các dịch vụ bắt buộc nào cả. Họ chỉ lo chăm sóc cầu, con suối chảy qua và các con đường dẫn đến.

     Chiếu sắc này nhằm mục đích nêu lên khen ngợi của triều đình đối với người đã xây dựng nên cầu này và để khuyến khích người khác nên tỏ lòng rộng lượng như bà.

     Làng này sẽ biết bao sung sướng và tự hào là xứ sở của người đàn bà đáng kính trọng cao cả!6.

     Vua Khải Định, bằng một đạo sắc phong ngày 26 tháng 6 năm Khải Định thứ 10 (16 – 7 – 1925) đã phong cho Quý phu nhân Trần Thị Đạo tước hiệu “Dực bảo trung hưng linh phù” và ra lệnh cho dân làng phải tế tự bà để bà phù hộ cho dân, sự thờ cúng bà được con cháu trong dòng họ Trần hương khói. Một nhà thơ địa phương không rõ tên, cảm kích công ơn của bà Trần Thị Đạo đã làm bài thơ ca ngợi bà nhân dịp trùng tu cầu năm 1956:

Trần Thị phu nhân xã chúng ta

Tiếng tăm vang dội khắp gần xa

Cúng dâng ruộng đất dân cày cấy

Xây đắp cầu Kiệu khách lại qua

Khăn yếm khoe khoang ngời khí tiết,

Phấn son tô điểm rạng sơn hà.

Sắc phong ân tứ ngời công đức.

Hương khói nghìn thu kỷ niệm bà”.

     Công đức của Bà Trần Thị Đạo đã đi vào lòng người dân ở làng quê này. Do đó, người dân Thanh Toàn tổ chức lễ cúng tế Bà vào ngày Rằm tháng Tám hằng năm như là một lễ hội truyền thống của địa phương và lập nhiều miếu thờ nhằm tưởng nhớ đến Bà. Miếu thờ của Bà không chỉ được đặt ở giữa cây cầu mà còn được đặt trong khuôn viên nhà thờ họ Trần, và vườn của một nhà sư đang sống ở làng.

3. Giá trị kiến trúc và nghệ thuật của cầu ngói Thanh Toàn

    Cầu ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật có lịch sử hàng trăm năm, được xây dựng trước khi có kinh đô triều Nguyễn. Theo mô tả của H. Le. Breton (1917), cầu được xây theo kiểu kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” (bên trên là nhà, bên dưới là cầu; một cái nhà trên một cái cầu). cây cầu này gồm có ba gian hoặc ba “vài”. Vài ở giữa được nâng cao lên so với hai vài hai bên, hai vài này đi xuống, chiều dốc nhẹ nhàng về phía hai bờ của con lạch. Cây cầu được đặt trên 18 cột gỗ lim, sắp thành ba hàng, đóng sâu vào lòng sông. Một mái cầu lợp ngói nửa hình ống bao bọc ở bên trên. Trên một phía ở vài giữa, xây mặt về hướng đông; có một cái khám nhỏ dành để thờ bà Trần Thị Đạo. Trên hai gian cầu hai bên, hơi nghiêng về phía hai bờ có đặt những cái ghế dài, trên đó người ta có thể ngồi hóng gió mát thật êm ái, ngay trong những ngày nắng gắt trong mùa hè. Chiều rộng của sàn nhà 4,70m và chiều cao của mái nhà có thể đi qua cầu bằng xe hơi, nắp đầu xe mở dựng đứng lên được. Toàn thân cầu có chiều dài đến 17m7. Cầu được làm theo kiểu kiến trúc này chúng ta có thể gặp ở miền Bắc như cầu Phú Khê ở Nam Định, cầu Choi ở Hà Bắc, cầu Phát Diệm, cầu Nhật Thiên, cầu Nguyệt Tiên ở Hà Tây, hay ở Hội An (Quảng Nam) có cầu “Lai Viễn kiều”.

     Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), cầu bị hư hỏng nặng vì một trận lũ lớn. Mãi đến năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), cầu mới được sửa chữa xong, dân làng có khắc ngày sửa chữa vào trụ cầu. Đặc biệt, cơn bão năm Giáp Thìn (11 – 9 – 1904) đã làm cho mái cầu bị bay đi. Cầu được trùng tu nhờ sự đóng góp của dân làng Thanh Thủy, họ đã làm lại cầu theo mẫu cũ, nhưng thu hẹp bớt kích thước chút ít8, đồng thời chính phủ Nam Triều đã chi thêm một ngân khoản trợ cấp là 250 đồng9. Năm 1906 việc trùng tu lại cầu ngói Thanh Toàn được hoàn thành, gian giữa cầu có đặt bàn thờ để thờ bà Trần Thị Đạo. Sau đó vào các năm 1956, 1971, 1991 cầu ngói Thanh Toàn lại một lần nữa tiếp tục được trùng tu và sửa chữa. Do vậy, diện mạo, dáng vẽ, kích thước của cầu có những thay đổi như theo bức ảnh do Hocquand (người Pháp) chụp năm 1883, cầu có 9 gian, chân trụ cầu choãi ra hai bên, mái lợp ngói liệt, bờ nóc, bờ quyết trang trí đơn giản. Nhưng đến lần trùng tu vào năm 1991, cầu chỉ còn 7 gian, dài 20m18; rộng 4m49, chân trụ cầu tương đối thẳng đứng, xây thêm đầu hồi ở hai đầu để chịu lực, mái lợp ngói tráng men xanh (ngói lưu ly), trang trí phong phú và khắc chạm tinh xảo10.

      Có thể nói rằng, cầu ngói Thanh Toàn – một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở Thừa Thiên Huế, cùng với tấm lòng nhân hậu của bà Trần Thị Đạo đã tạo nên nhiều cảm xúc trong tâm hồn của nhiều thế hệ. Vì thế đến nay đã có trên 50 bài thơ ca ngợi về cây cầu này. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khúc ca dao với những lời tình tứ của người dân khi nói về niềm vui, nỗi buồn từ cây cầu:

“Qua cầu than thở với cầu

Cầu bao nhiêu cột, dạ em sầu bấy nhiêu”.

     Hoặc nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, một lần đến thăm cầu Ngói Thanh Toàn với niềm xúc cảm của mình đã viết nên bài thơ “Ngõa Kiều” (Cầu Ngói) theo thế thất ngôn bát cú như sau11:

Phiên âm:

Ngõa Kiều, kiều hạ thủy sàn sàn,

Y hạm nga thi nhỉ tự nhàn.

Lão cảnh nan vong duy hãn mặc,

Thế duyên bất yếm thị khê san.

Thanh phong tiêu sát giang thiên chuyển,

Quả phụ chưng thường miếu bán gian.

Hà ỷ tế nhân tâm nhược bối,

Lâm lưu vô hạn thảng suy nhàn.

Ngô Ngọc Linh dịch:

Dịch nghĩa:

Cầu ngó trên sông dòng chảy xiết

Dựa ngẫm ngợi khách mơ nhàn

Bút nghiên nợ mãi thân già cổi

Non nước duyên dài cỏi thế gian

Sông hứng gió trong dồn uốn lượn

Miếu thờ “bà Ngóa” ngút đèn nhang.

Thẹn mình chẳng sống cho người khác

Dòng nước buồn soi mặt vỏ vàn

Dịch thơ:

Dưới cầu nước chảy lững lờ

Tựa cầu thi khách ngâm thơ thư nhàn.

Bút nghiên đeo đẳng thân mòn.

Duyên đời chưa chán bởi còn nước non

Hây hây gió thổi sông vờn

Miếu thò quả phụ chập chờn khói hương

Sống riêng ta, nghỉ thẹn thuồng

Mặt soi dòng nước buồn tuôn theo dòng12.

     Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích văn hóa nghệ thuật quý hiếm ở Huế, một nét đặc sắc của làng Thanh Toàn. Vào năm 1990, cầu ngói Thanh Toàn đã được nhà nước công nhận là di tích quốc gia.

4. Một số giải pháp phát huy giá trị di tích kiến trúc cầu ngói Thanh Toàn

     Từ thực tiễn hoạt động du lịch tại cầu ngói Thanh Toàn, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp để khai thác tốt hơn điểm di tích này như sau:

     – Đổi mới cơ chế chính sách để đẩy mạnh khai thác di sản văn hóa trong du lịch

     Hiện nay, hầu hết các di tích lịch sử văn hóa ở làng Thanh toàn đều mang tính chất bảo tồn văn hóa, chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư khai thác trong du lịch. Các di tích lịch sử văn hóa do nhà nước quản lý vẫn còn mang nặng cơ chế “bao cấp” vào nguồn ngân sách nhà nước. Mặt khác, các di tích thuộc sở hữu tư nhân cũng chưa có cơ chế thích hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho chủ sở hữu tham gia hoạt động kinh doanh du lịch hoặc phối hợp với ngành du lịch để tổ chức thành điểm tham quan du lịch.

     Do đó, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia vào phát triển du lịch. Có như vậy mới tạo điều kiện bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Bởi vì giá trị của di tích chỉ thực sự trở thành giá trị khi được nhiều người biết đến.

     – Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch

     Mặc dù, di tích lịch sử trên địa bàn làng Thanh Toàn đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí khá lớn nhưng vẫn thiếu các điều kiện phục vụ khách du lịch như bãi đậu xe, khu dịch vụ ăn uống, khu bán hàng lưu niệm, khu vệ sinh công cộng, khu vui chơi giải trí,… Vì vậy, cần chú trọng đầu tư các công trình phục vụ khách du lịch tại điểm di tích để phục vụ du khách được tốt hơn.

     – Hình thành và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên tại chỗ

     Hiện nay, trên địa bàn làng Thanh Toàn đã hình thành lực lượng thuyết minh viên của cộng đồng du lịch xã Thủy Thanh nhưng chưa được đào tạo bài bản13 và chưa năng động. Các hướng dẫn viên tại điểm có chức năng nhiệm vụ chính là tổ chức hướng dẫn cho khách tham quan ở các điểm du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đội ngũ hướng dẫn viên này cũng có nhiệm vụ thiết kế các tuyến điểm du lịch trên địa bàn và kết nối với các điểm du lịch lân cận một cách linh hoạt, đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch theo nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

     – Đẩy mạnh thông tin quảng bá du lịch gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến

     Để khách du lịch biết đến các di tích lịch sử văn hóa ở làng Thanh Toàn, cần phải đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thông tin quảng bá du lịch, không nên chỉ tập trung vào các kỳ Festival. Hiện nay, tại các điểm di tích ở đây đều rất thiếu các ấn phẩm du lịch dưới dạng các tờ gấp hoặc các sách chuyên khảo, hệ thống hình ảnh, băng đĩa,… để giới thiệu đến khách du lịch về các giá trị của các di tích lịch sử văn hóa nơi đây. Đồng thời, cần chú trọng hơn việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng internet về du lịch khám phá tại cầu ngói Thanh Toàn. Các hoạt động thông tin quảng bá du lịch phải gắn với mục tiêu xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch cho làng Thanh Toàn.

5. Kết luận

     Làng Thanh Toàn là một trong những địa bàn nổi bật ở thị xã Hương Thủy về hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, có giá trị để phát triển các loại hình du lịch văn hóa và du lịch trải nghiệm ruộng, vườn,… Các di tích này phân bố tập trung và gắn với các trục giao thông thủy, bộ trên địa bàn nên rất thuận tiện để tổ chức thành cụm, tuyến du lịch phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hầu hết những giá trị di tích ở đây còn dưới dạng tiềm năng, việc khai thác du lịch để biến tiềm năng thành hiện thực còn
nhiều hạn chế.

     Vì vậy, nhằm phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trong khu du lịch trên địa bàn làng Thanh Toàn cần sự hợp lực từ nhiều phía: nhà nước – nhà doanh nghiệp – cộng đồng địa phương. Trước hết, các cấp chính quyền thị xã Hương Thủy và làng Thanh Toàn cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khai thác các di tích để phát triển du lịch với phương châm “Biến di sản thành tài sản”. Cần tăng cường thông tin, quảng bá du lịch và liên kết với các doanh nghiệp lữ hành để tạo nguồn du lịch trong nước và quốc tế đến các di tích lịch sử văn hóa ở làng Thanh Toàn; đồng thời, cần nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; trong đó, ưu tiên các sản phẩm quà lưu niệm, dịch vụ cung cấp thông tin giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, dịch vụ ăn uống, thưởng thức nghệ thuật truyền thống,… Với những tiềm năng và thế mạnh vốn có, nếu có cơ chế chính sách hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa một cách đồng bộ, hiệu quả thì chắc chắn làng Thanh Toàn sẽ trở thành một trong những trọng điểm du lịch của thành phố Huế trong một tương lai không xa.

___________
1. H. Le. Breton (2006), “Cầu ngói và vườn Huế”, trong Những người bạn cố đô Huế (1933), tập XX, do Hà Xuân Liêm dịch, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 383.

2. Lê Quý Đôn (1977), Phủ Biên tạp lục, H.: Nxb. KHXH, tr. 79 – 80.

3. Thông tin có thể tìm thấy trong gia phả các dòng họ ở làng Thanh Toàn: Gia phả họ Trần – lưu lại nhà thờ họ Trần; Gia phả họ Lê Diên – lưu lại nhà thờ họ Lê Diên; Gia phả họ Nguyễn Quang – lưu lại nhà thờ họ Nguyễn Quang; Gia phả họ Ngô – lưu lại nhà thờ họ Ngô; Gia phả họ Lê Đình – lưu lại nhà thờ họ Lê Đình; Gia phả họ Phan – lưu lại nhà thờ họ Phan; Gia phả họ Đặng – lưu lại nhà thờ họ Đặng; Gia phả họ Nguyễn Ngọc – lưu lại nhà thờ họ Nguyễn Ngọc; Gia phả họ Lê Văn – lưu lại nhà thờ họ Lê Văn; Gia phả họ Lê Đắc – lưu lại nhà thờ họ Lê Đắc, làng Thanh Toàn; Gia phả họ Nguyễn Viết – lưu lại nhà thờ họ Nguyễn Viết; Gia phả họ Phạm – lưu lại nhà thờ họ Phạm.

4. Theo gia phả họ Ngô lưu giữ tại làng Thanh Toàn và theo bài viết Về hai làng nghề truyền thống Phú Bài và Hiền Lương, (Bùi Thị Tân (1999), Huế: Nxb. Thuận Hóa), thì “Bổn thổ khai canh” của làng Phú Bài là ông Ngô Thù gốc Thanh Hóa. Ông Ngô Thù có 3 người con trai, người con cả là Ngô Tôi ở lại làng kế tục sự nghiệp của cha. Người con thứ là Ngô Lực đến khai canh lập làng tại Thanh Toàn, còn người con thứ ba là Ngô Điêu khai canh lập làng Lang Xá Bầu, cạnh Thanh Toàn. Bởi vậy, tại làng Thanh Toàn còn lưu truyền câu thơ này, và ông Ngô Lực được thừa nhận là “Bổn thổ khai canh” của làng, giữ chức “Đặc Tấn Phủ Quốc Thượng Tướng Quân Cẩm Y Vệ Chánh Dinh Chưởng Cơ Lực Tài Hầu Ngô phủ quân tôn thần”. Vua Duy Tân phong tặng: “Dực bảo Trung Hưng linh phò chi thần”; vua Khải Định gia phong: “Đoan Túc tôn thần”, đến nay có 16 đời con cháu.

5. Ở Thủy Dương (Thanh Thủy Thượng) có các dòng họ như sau: Lê Diên, họ Ngô, Lê Bá, Lê Viết, Nguyễn Thanh, họ Phụng, họ Phan, họ Đặng, họ Trần, họ Phạm, họ Hồ, họ Lê Trọng, Ngô Viết…

6. R. Orband (1998), “Cầu ngói thanh toàn”, trong Những người bạn cố đô Huế (1917), tập IV, Đặng Như Tùng dịch, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tr. 222 – 229.

7. H. Le. Breton (2006), Tlđd, tr. 383.

8. R. Orband (1998), Tlđd: Cầu cũ có chiều dài 18m75; rộng 5m82. Cầu mới có chiều dài: 16m85; rộng 4m63.

9. H. Le. Breton (2006), Tlđd, tr. 387.

10. Phan Thuận An (1995), Tlđd, tr. 43.

11. Phan Thuận An (1995), “Cầu ngói Thanh Toàn”, tlđd.

12. Nguyễn Thanh Thọ (1992), “Cầu ngói Thanh Toàn món quà của một tấm lòng hào hiệp”, Hương Thủy đất nước con người, Huế: Phòng Văn hóa thông tin.

13. Bà Nguyễn Thị Kiệm cho biết: “Đã nói hai tiếng cộng đồng thì chủ yếu người dân làm du lịch. Bước đầu thì cũng còn nhiều khó khăn do mới lạ quá, mới thực hiện từ tháng 11-2015 đến nay. Lúc đầu thì người dân không biết gì về làm du lịch cả, sau thì dần dần họ được tập huấn, giao lưu, trao đổi nên họ cũng mở các hoạt động du lịch trải nghiệm ở ruộng, vườn, các cơ sở làng nghề để khách đến thăm. Khách muốn trải nghiệm ở làng nghề hay các điểm sinh thái thì mình đưa họ đi. Họ muốn nghỉ đêm thì mình lo chỗ cho họ nghỉ” (http://vovworld.vn/viVN/chuyen-cua-lang/lang-que-thua-thien-hue-phat-trien-du-lich-655622.vov).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Cao Xuân Dục (1993), Quốc triều đăng khoa lục, [Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Tâm dịch, Tp. HCM: Nxb. Văn học.

     Đỗ Bang [chủ trì] (1997), Tổ chức bộ máy chính quyền cấp cơ sở triều Nguyễn, Đề tài cấp nhà nước (KX- DL 94 – 16), Đại học Huế.

     Dương Văn An (1962), Ô Châu cận lục, Sài Gòn: Nxb. Á Châu.

     H. Le. Breton (2006), “Cầu ngói và vườn Huế”, trong Những người bạn cố đô Huế (1933), tập XX, Hà Xuân Liêm dịch, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Lê Quý Đôn (1977), Phủ Biên Tạp Lục, H.: Nxb. KHXH.

     Nguyễn Đình Cát (1998), Vân Thê hương Sử, lưu tại UBND xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.

     Nguyễn Mạnh Cường (1983), Làng Thanh Toàn từ khi thành lập đến năm 1945, Luận văn tốt nghiệp cử nhân, Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế.

     Nguyễn Thanh Thọ (1992), “Cầu Ngói Thanh Toàn – món quà của một tấm lòng hào hiệp”, trong Hương Thủy đất nước con người, phòng VHTT.

     Nhiều tác giả (1998), Địa chí Hương Thủy, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Nhiều tác giả (2001), Ai về cầu ngói thanh toàn, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Phan Đăng (1998), “Tôn giáo Hương Thủy”, trong Địa chí Hương Thủy, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Phan Thuận An (1995), “Cầu ngói Thanh Toàn”, Tạp chí Kiến trúc, số 3.

     QSQ triều Nguyễn (1998), Đại Nam nhất thống chí (Thừa Thiên phủ), Tập 1, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Richard Orband (1917), “Cầu ngói Thanh Thủy”, tập IV, BAVH, Đặng Như Tùng dịch, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Sắc phong thủy tổ các dòng họ khai canh làng Thanh Toàn của triều vua Duy Tân, Khải Định, lưu tại Đình làng Thanh Toàn.

     Sự tích làng Dạ Lê Chánh, Hồ sơ tư liệu 30 trang vi tính lưu tại làng Dạ Lê Chánh.

     Sự tích làng Dạ Lê Thượng, Hồ sơ tư liệu 28 trang, lưu tại làng Dạ Lê Thượng.

     Trần Đại Vinh (1995), Tín ngưỡng dân gian Huế, Huế: Nxb. Thuận Hóa.

     Trần Quốc Vượng (1994), “Bản sắc văn hóa dân tộc qua sắc thái Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 5.

Nguồn: Nghiên cứu văn hóa miền Trung 2022
Chuyên đề Di sản kiến trúc truyền thống

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giá trị lịch sử – kiến trúc di tích cầu ngói Thanh Toàn và giải pháp khai thác phục vụ du lịch (Tác giả: Lê Thị Như Khuê)