Giá trị lịch sử – văn hóa chùa Hội Khánh ở Bình Dương

Tác giả bài viết: LÊ THỊ HÀ CHI

TÓM TẮT

     Chùa Hội Khánh là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia, gắn liền với quá trình khai phá khu vực Bình Dương của người Việt trong lịch sử. Đặc biệt, chùa còn là nơi hoạt động của Hội Danh dự trong khoảng những năm 1923- 1926, mà cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một thành viên sáng lập.

Từ khóa: Chùa Hội Khánh, Bình Dương, Nguyễn Sinh Sắc.

ABSTRACT

     Hội Khánh pagoda is a national historical and cultural heritage site. It is attached to the exploration of Bình Dương province of Viet people in history. Especially the pagoda was an action place of Hội Danh dự (Honor Association) during 1923 – 1926 that established by Nguyễn Sinh Sắc – father of President Ho Chi Minh.

Key words: Hội Khánh pagoda, Bình Dương, Nguyễn Sinh Sắc.

x
x x

     Chùa Hội Khánh (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) – một kiến trúc Phật giáo, kết cấu gỗ lớn nhất tỉnh Bình Dương, được khởi dựng vào năm 1741. Năm 1861, chùa đã bị giặc Pháp thiêu hủy. Năm 1868, chùa được xây dựng lại với quy mô hiện nay, với tổng diện tích khoảng 1.211m2.

     Từ khi khởi dựng đến nay, chùa đã được tu bổ tôn tạo nhiều lần, vào các năm: 1891, 1906, 1917, 1991, 1999, 2004, 2006, 2007 và trải qua 10 đời trụ trì, gồm Thiền sư Đại Ngạn (? – 1812); Hòa thượng Chân Kính – Minh Huệ (1741 – 1839); Thiền sư Toàn Tánh – Chánh Đắc (1789 – 1869); Hòa thượng Chương Đắc (1817 – 1884); Hòa thượng Ấn Long (1837 – 1906); Hòa thượng Từ Văn (? – 1931); Giáo thọ Ấn Bửu (1861 – 1941); Hòa thượng Thị Huê – Thiện Hương (? – 1971); Hòa thượng Đồng Bửu – Quảng Viên (? – 1988); Thượng tọa Huệ Thông (trụ trì chùa từ năm 1988 đến nay). Đặc biệt, chùa còn là cơ sở tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước và gắn với hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Tại đây, trước khi có các tổ chức chi bộ Đảng đầu tiên tại mảnh đất Thủ Dầu Một thì vào năm 1923 tại chùa Hội Khánh, cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng với cụ Tú Cúc (Phan Đình Viện) và Hòa thượng Từ Văn đã sáng lập ra Hội Danh dự. Tiêu chí của Hội là tuyên truyền những tư tưởng yêu nước và bốc thuốc cứu người nghèo. Nhưng Hội chỉ hoạt động trong thời gian khá ngắn, đến năm 1926 do sự truy sát của thực dân Pháp nên cụ Nguyễn Sinh Sắc về Đồng Tháp và Hội cũng tan rã từ đó.

     Kiến trúc chùa gồm 5 hạng mục chính: tiền điện, chính điện, hậu tổ (nơi thờ tổ), giảng đường và hành lang Đông – Tây. Chính điện và giảng đường được bố trí theo kiểu “sấp đội”, nối liền nhau theo thức “trùng thềm điệp ốc”, một dạng thức kiến trúc phổ biến đối với đình, chùa ở Đàng Trong. Điểm đặc biệt của kiến trúc chùa là kiểu thức kết cấu của bộ khung. Hệ khung của tiền điện, chính điện và giảng đường đều không tuân theo kết cấu tứ trụ1. Đây là một kiểu thức đặc trưng của kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng gọi là Stupa2 mà chúng ta thường thấy tại các đình, chùa, miếu ở Nam Kỳ.

     Năm 2008, khuôn viên chùa được bổ sung 4 kiến trúc mang tên 4 thánh tích gắn với Đức Phật, gồm vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh); Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo), vườn Lộc Uyển (nơi Đức Phật giảng kinh Chuyển pháp luân) và Câu Thi Na (nơi Đức Phật nhập niết bàn). Xung quanh sân chùa là 9 ngôi tháp của 9 vị trụ trì đã viên tịch. Ngoài ra, bên trái chùa còn có ngọn tháp 7 tầng, mới được phục dựng – Tầng dưới của tháp là nơi trưng bày các văn hóa phẩm của chùa, như băng đĩa, tượng Phật kỷ niệm, chuông mõ…

     Điểm nổi bật của chùa Hội Khánh là những giá trị về mặt lịch sử – văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, cùng các di vật, cổ vật còn được bảo tồn đến ngày nay.

     Nội thất kiến trúc, tranh, tượng, đồ thờ tự trong chùa đều được điêu khắc, chạm trổ rất tinh vi, với những đề tài quen thuộc, như tứ linh, cửu long, dây nho, lá lấp, hoa phù dung… Trong chùa còn giữ được bộ mộc bản in kinh, khắc năm 1885. Có lẽ, đây là bộ mộc bản có niên đại sớm nhất ở Thủ Dầu Một – Bình Dương. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ được một số bộ kinh Phật, như kinh A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương, Phổ môn (những bộ kinh được ấn tống cho các chùa Nam Bộ khá sớm).

     Trong chùa có gần 100 pho tượng gỗ, mang giá trị tạo hình rất cao. Đa phần, các tượng trong chùa đều có niên đại cụ thể, có nguồn gốc rõ ràng, do chính tay những người thợ, nghệ nhân đất Thủ – Bình Dương thực hiện. Qua đây, có thể thấy được phần nào truyền thống điêu khắc của vùng đất Thủ Dầu Một trong qúa trình mở cõi của lưu dân Việt. Bộ tượng Thập Bát La Hán3, gồm 18 vị, có kích thước cao trung bình từ 87cm đến 90cm, đường kính chân đế (36 x 36)cm, tạc năm 1925. Qua tay nghề tài hoa của những người thợ thủ công của địa phương, thần thái các tượng toát lên vẻ đẹp tươi vui, phóng khoán, hoan hỉ, gần gũi mà linh thiêng.

     Bộ tượng Thập Điện Diêm Vương gồm 10 pho (được bài trí trên hai ban thờ), có kích thước trung bình từ 89cm đến 90cm, đường kính đế (32 x 42)cm, với dáng ngồi, thân khoác áo nhiều nếp, phủ kín chân, đầu đội mũ, râu dài, hai tay chấp trước ngực, chân đi hài. Mỗi ban thờ Thập Điện đều có hai tượng hầu, đứng đối diện nhau…

     Trải qua gần 2 thế kỷ, lịch sử đã để lại trên tượng nhiều dấu ấn thời gian. Một số tượng gỗ trong chùa đều bị nứt, hư hỏng, mục rỗng nhiều chỗ, bị bong tróc các lớp sơn phết bên ngoài, ngay cả lớp mạ thếp vàng cũng bị rộp,… nhưng nhìn chung, thân tượng vẫn bền chắc như thách thức với thời gian… Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1993, chùa đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử quốc gia./.

     Chú thích:

     Tứ trụ: vuông vức và phát triển đều ra 4 phía Stupa: phù đồ = tháp.

     Bộ tượng này đã được chọn triển lãm tại Marseille – Pháp năm 1920.

Nguồn: Di sản văn hóa vật thể, số 3 (48) – 21/8/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giá trị lịch sử – văn hóa chùa Hội Khánh ở Bình Dương (Tác giả: Lê Thị Hà Chi)