Giá trị tư liệu văn bia Hán Nôm ở Hội An
Tác giả bài viết: TRẦN VĂN AN
I/ Tổng quan về văn bia Hán Nôm ở Hội An
Văn bia Hán Nôm là những lời văn, văn bản Hán Nôm được khắc trên bia đá hoặc trên một diện tích bằng đá. Trong ngôn ngữ Hán Việt loại văn bản này được gọi là bi văn hoặc bi ký được dịch sang tiếng Việt là văn bia. Đây là bộ phận quan trọng tạo nên di sản văn khắc Hán Nôm đồ sộ của các địa phương và cả nước. Do được hiểu là những văn bản được khắc trên đá nên văn bia không bao gồm trong nó những bia mộ đơn thuần hoặc những bia chỉ đường, bia đánh dấu địa điểm. Chỉ khi nào các bia này có khắc kèm theo những văn bản mang nội dung nào đó thì mới được xem là văn bia.
Văn bia Hán Nôm ở Hội An hiện tồn với số lượng khá lớn, nằm rải rác ở nhiều địa phương, nhiều di tích. Trong đó địa phương có số lượng văn bia hiện tồn nhiều nhất là phường Minh An, phường ở trung tâm của Khu phố Cổ Hội An, nơi có nhiều di tích Lịch sử – Văn hóa. Về số lượng, tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, chính xác nhưng qua khảo sát thực địa, đối chiếu với các nguồn tư liệu liên quan như Tổng tập Văn bia Việt Nam, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Tổng tập thác bản văn bia Hán Nôm Việt Nam… có thể xác định có khoảng trên 100 văn bia ở Hội An, trong đó đa số đang hiện tồn tại các địa phương, di tích và một số đã mất chỉ còn lại thác bản.
Về nội dung, các văn bia này chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến lịch sử – văn hóa Hội An, đến quá trình hình thành các làng xã, tộc họ, đến các nhân vật, sự kiện gắn với địa phương, đến quá trình tạo dựng, tu bổ các di tích v.v… Cũng giống như các địa phương khác, các văn bia Hán Nôm ở Hội An mang nhiều nội dung phong phú và đa dạng liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống xã hội trong lịch sử. Dựa vào nội dung chính của các văn bia có thể phân thành các loại như sau:
1/ Văn bia về việc xây dựng, tu bổ các di tích. Loại này chiếm số lượng nhiều nhất như văn bia Trùng tu Lai Viễn Kiều ký (ghi chép về việc trùng tu Chùa Cầu); các văn bia trùng tu Quan Công miếu, Văn bia Phước Duyên Thiện Khách ghi chép việc trùng tu hội quán Triều Châu; Văn bia trùng kiến hội quán Phúc Kiến; Văn bia trùng kiến chùa Viên Giác v.v… Ở loại văn bia này thường kèm theo danh sách họ tên, quê quán, chức tước những người được đóng tiền, xây dựng, tu bổ.
2/ Văn bia về các nhân vật gắn với lịch sử – văn hóa địa phương như Văn bia mộ Thượng thư Nguyễn Điển; Văn bia khai sơn hòa thượng hạnh thuật ghi chép về hành trạng của hòa thượng khai sơn chùa Phước Lâm, bia tiểu sử thiền sư Minh Giác v.v…
3/ Văn bia về thủy tổ các tộc họ như văn bia mộ tổ tộc Lê làng Thanh Châu, văn bia mộ tổ tộc Lê làng Cẩm Phô, tộc Trần làng Võng Nhi, tộc Nguyễn làng Đế Võng v.v…
4/ Văn bia về các quy định, điều lệ liên quan đến giao thương, buôn bán như văn bia Dương Thương hội quán công nghị điều lệ ghi các điều lệ đã được công nghị của thuyền trưởng các tàu buôn vùng Nam Trung Hoa khi đến Hội An.
5/ Văn bia về một số sự kiện đáng nhớ của địa phương như văn bia ghi lại việc đắp đường quan lộ từ Điện Bàn đến Hội An, việc lập Nghĩa Thương ở Cẩm Phô; việc những người Nhật Bản ở Đông Dương tu bổ các ngôi mộ Nhật ở Hội An…
Về niên đại, văn bia ghi niên đại sớm nhất là văn bia mộ tổ tộc Trần Văn ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh kể về việc ông thủy tổ Trần Văn Lý theo đoàn quân bình Chiêm và ở lại địa phương lập nên làng Võng Nhi. Niên đại ghi ở bia là Cảnh thống Mậu Ngọ (1498). Tuy nhiên đây là bia mới khắc sau này. Nội dung văn bia được lấy từ những ghi chép trong gia phả của tộc do con cháu lập về sau. Vì vậy không thể xem năm 1498 là năm khắc tấm bia này. Niên đại phổ biến của các văn bia Hán Nôm ở Hội An là thế kỷ XVIII – XIX. Văn bia niên đại thế kỷ XVII rất hiếm. Tại Hội An chỉ mới tìm thấy văn bia Thanh Long Bửu Khánh có niên đại 1696 và liên quan đến Hội An có Văn bia Phổ Đà sơn Linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm, Non Nước có niên đại 1640.
Về chất liệu, đa số các văn bia được chạm khắc trên sa thạch hoặc cẩm thạch. Những văn bia có niên đại sớm, thế kỷ XVII – XVIII được khắc trên sa thạch. Những văn bia có niên đại muộn, thế kỷ XIX – XX được khắc trên cẩm thạch. Một số ít văn bia sớm được khắc trên loại đá phiến (phiến thạch). Những bia này bề mặt thường bị bong tróc nhiều do bị ẩm. Một số khác được khắc trên bia bằng xi măng, và tất nhiên đây là những văn bia có niên đại muộn hơn cả.
Về trang trí, phần lớn văn bia Hán Nôm ở Hội An được chú ý trang trí ở phần trán và diềm xung quanh. Đề tài trang trí khá phong phú. Phần trán thường trang trí đề tài lưỡng long triều nguyệt, mặt trời mây lửa, chim phượng; Phần diềm trang trí hoa cúc dây, cánh sen, mây cuộn, hồi văn… Một số bia có đế trang trí hình cánh sen. Một số bia, nhất là các bia gắn ở các di tích thường để trơn, không trang trí.
Về tác giả, hầu hết các văn bia đều ghi tên người lập bia. Đó là những người có học hành đỗ đạt hoặc là những chức sắc của làng xã. Một số văn bia do những người có danh vọng chấp bút như Văn bia văn chỉ Minh Hương do Giải nguyên Đặng Huy Trứ soạn, văn bia trùng tu Quan Công miếu do Huấn đạo, cử nhân Trương Đồng Hiệp soạn, văn bia mộ Nguyễn Điển do Hàn Lâm viện thị độc, tiến sĩ Phạm Văn Nghị soạn, bia trùng kiến chùa Viên Giác do Hàn Lâm viện thị giảng, phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh soạn v.v…
Về thư pháp, hầu hết các văn bia đều dùng chữ Hán, khắc lối chân phương. Chỉ có một vài bia, phần tên bia dùng lối chữ triện như bia Dương Thương hội quán Công nghị điều lệ, bia Phổ Đà sơn linh trung Phật… Chữ Nôm được dùng rất ít và không phổ biến, một số bia chỉ có một số chữ Nôm, thường là để ghi tên người, tên địa phương. Ở bia tu bổ mộ thương nhân Nhật Bản có kèm theo một số chữ Nhật bên cạnh chữ Hán.
II/ Giá trị tư liệu văn bia Hán Nôm ở Hội An
Tương tự văn bia Hán Nôm trên phạm vi cả nước, văn bia Hán Nôm ở Hội An chứa đựng giá trị về nhiều mặt. Có thể xem xét các giá trị này ở những khía cạnh sau:
1/ Giá trị về mặt tư liệu lịch sử
Trong điều kiện các nguồn tư liệu thư tịch, biên niên lịch sử chính thống về địa phương hiếm và hạn chế – một thực tế tất yếu vì chính sử chỉ có thể tập trung cho những sự kiện, nhân vật quan trọng có tầm cỡ quốc gia thì các văn bia chính là sự bổ khuyết cho khoảng trống này của chính sử. Văn bia Hán Nôm ở Hội An cũng vậy, chúng chính là nguồn sử liệu quan trọng của địa phương mà qua đó chúng ta có thể xác định được những bước đi lịch sử của từng làng xã, từng di tích, diện mạo của một số nhân vật địa phương, sinh hoạt văn hóa – tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng vào những thời điểm nhất định. Qua văn bia tại địa phương chúng ta có thể nắm bắt những sự kiện lịch sử rất chính xác mà không một pho chính sử nào có thể cung cấp được. Chính qua bia Phổ Đà sơn linh trung Phật ta có thể biết được tính xác thực của việc hình thành phố người Nhật và phố người Hoa ở Hội An, biết được cho đến năm 1640, danh xưng xã Hội An đã xuất hiện. Cũng vậy qua một số văn bia ta có thể xác định tương đối chính xác thời gian hình thành của các làng Võng Nhi, Đế Võng, Cẩm Phô, Minh Hương v.v… Qua các bia trùng tu Quan Công miếu ta có thể hình dung được một số diễn biến lịch sử của cuộc tranh chấp Nguyễn, Trịnh, Tây Sơn đã tác động đến phố Hội An như thế nào, cuộc tuần du đến Hội An của vua Minh Mạng vào năm 1825… Rất nhiều sự kiện liên quan đến địa phương mà không một bộ chính sử nào ghi lại đã được tạc vào các văn bia một cách sinh động và cụ thể.
Văn bia cũng đã cung cấp tư liệu làm rõ hành trạng của một số nhân vật lịch sử địa phương mà các nguồn tư liệu thư tịch không đề cập đến được. Đáng nói hơn nữa, các văn bia đó còn cho biết thái độ đánh giá, sự ghi nhận của cộng đồng dân cư đối với người mà văn bia ghi lại. Bia tiểu sử thiền sư Minh Giác cho ta thấy rõ quá trình tu tập cũng như công đức “Bình Man, tảo thị lưỡng độ gian lao, xuất gia kỳ, phát nguyên vưu kỳ bát vật sanh thiên thành chánh quả; Tạo tự, trù chung nhị thung công đức cách cựu hảo, đảnh tân cố hảo thiên thu giác thế vĩnh truyền đăng” (Dẹp giặc, quét chợ đôi lượt gian lao, xuất gia khác thường phát nguyện cũng khác thường, tám mươi tuổi đường tu thành chánh quả; Dựng chùa, đúc chuông hai điều công đức thay cũ đã tốt, lập mới càng tốt hơn ngàn năm truyền mãi ánh đạo nhiệm màu). Bia mộ Nguyễn Điển cho ta biết lai lịch gia đình, cuộc đời học hành, làm quan của một vị thượng thư triều Nguyễn. Đặc biệt qua văn bia đã hé mở những thông tin về một vị quan liêm chính, thân dân thuộc phái chủ chiến và cái chết nhiều ẩn khúc (không đau ốm gì mà mất) của ông. Ngoài ra, qua một số văn bia khác cũng cung cấp cho ta những thông tin ít ỏi nhưng rất quan trọng về các nhân vật liên quan đến lịch sử phát triển của các làng xã ở Hội An như Thập Lão, Lục Tánh, Tam Gia của xã Minh Hương; ông Lê Duy Trì của tộc Lê ở Thanh Châu, các vị tiền hiền từng giữ các chức vụ quan trọng vào thời các chúa Nguyễn, triều Nguyễn của các tộc Trần Trung, Lê Công v.v… Qua các văn bia này chúng ta có thể xác định được các mốc thời gian liên quan đến quá trình định cư lập nghiệp, khai khẩn, khai cơ của các tộc họ ở Hội An vào thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng (thế kỷ XVI – XVII) và các giai đoạn về sau:
Một số vấn đề liên quan đến quá trình giao thương buôn bán ở thương cảng Hội An trong quá khứ cũng đã được đề cập đến trong một số văn bia, qua đó giúp người đời sau có thể hình dung, xác định tình hình thương mãi – ngoại thương lúc bấy giờ ở địa phương. Cùng với các nguồn tư liệu thư tịch, các ghi chép của các giáo sĩ, tăng sĩ, thương nhân khi đến Hội An, văn bia là một số nguồn tư liệu thực địa phản ảnh sinh động sự phát triển thịnh đạt một thời ở phố Hội. Bia trùng tu Lai Viễn Kiều năm 1817 cho biết cây cầu này nguyên trước đó do người Nhật Bản xây dựng nên và quan cảnh buôn bán nhộn nhịp của thương cảng Hội An lúc bấy giờ: “Phố Hội An là cảnh trí đẹp của xứ Quảng Nam. Sông giáp 3 mặt, ghe thuyền buôn bán tấp nập, sản vật núi biển dồn về…”. Bia Phổ Đà sơn linh trung Phật cho biết có hơn 10 gia đình thương nhân Nhật Bản đã lập dinh thự, nhà cửa ở Hội An để buôn bán, sinh sống, trong đó có nhiều người lấy vợ người Việt. Văn bia ở hội quán Hải Nam cho biết việc quyên góp của các thương khách các vùng thuộc Hải Nam để xây dựng hội quán tại Hội An, qua đó cho thấy quy mô giao thương, buôn bán của các thương nhân Hải Nam thời bấy giờ. Văn bia Dương Thương hội quán Công nghị điều lệ lập năm 1741 khắc 10 điều lệ liên quan đến việc đi lại, định cư buôn bán tại Hội An của các chủ thuyền buôn các vùng Nam Trung Hoa gồm Phúc Kiều, Triều Châu, Gia Ứng, Quảng Đông… Đây là tư liệu quý liên quan đến hoạt động ngoại thương trên biển tại Hội An của thương nhân Trung Hoa trong các thế hệ trước, qua đó góp phần làm sáng tỏ quá trình buôn bán trên biển của thương nhân Trung Hoa và mạng lưới mậu dịch ven biển Đông vào các thế kỷ trước đây, trong đó Hội An là một tụ điểm quan trọng.
Văn bia Hán Nôm ở Hội An ngoài việc cung cấp những thông tin về các sự kiện, nhân vật của địa phương còn là những tư liệu ghi chép một cách cụ thể về tên người, tên đất, về môi trường, cảnh quan văn hóa của một số làng xã, di tích, qua đó thể hiện quan niệm của người xưa về phong thủy, về chọn thế đất để xây dựng các công trình, tạo dựng làng xã. Bia trùng tu chùa Bà Mụ năm 1922 của làng Minh Hương ghi: “Theo phong thủy tỉnh Quảng Nam thì làng ta đẹp hơn cả. Của quý tự trời, vật đẹp ở đất đều có đủ. Đã từ lâu, dân được ở an cũng nhờ sức thần giúp. Người xưa đã có ý, lập nhiều miếu, từ ở đất này từ hướng Cấn Hợi khởi tổ đến hướng Quý Chấn rồi Quý Mão thì được cuộc đất tốt. Cái vòng đất quanh bên tả làm thành cuộc lớn, giống như một gốc cây có hoa, cành cành nở rộ mà người xưa đã lấy nơi đây làm cành hoa thứ nhứt”. Hoặc như văn bia trùng kiến chùa Viên Giác năm 1842 đã mô tả cảnh quan nơi chùa tọa lạc như sau: “Chùa này thiền sư làng ta lập nên. Phía Nam có sông lớn thường trong sạch. Bắc có bãi cát trải rộng. Đông tiếp thông với bến sông nơi ghe thuyền xe cộ tụ tập. Tây hướng thấy đường sá qua lại của thành ấp. Đây là thắng cảnh của một làng” Tuy vật đổi sao dời, đất đai sông nước ngày nay đã khác xa với trước nhưng qua mô tả này ta có thể hình dung lại được quang cảnh của khu vực nơi chùa Viên Giác tọa lạc vào năm 1842, qua đó góp phần làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến lịch sử phát triển của vùng đất này.
Các văn bia Hán Nôm ở Hội An cũng là nguồn tư liệu ghi chép về sinh hoạt văn hóa tôn giáo – tín ngưỡng của các cộng đồng dân cư sinh sống trên đất Hội An. Các văn bia ở chùa Viên Giác, Chúc Thánh, Phước Lâm cung cấp nhiều thông tin quan trọng về quá trình du nhập, phát triển của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An vào các thế kỷ XVII, XVIII đến đầu thế kỷ XX, qua đó giúp làm rõ hơn quá trình phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong vào thời các chúa Nguyễn. Bia trùng kiến hội quán Phước Kiến cho biết lý do thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, một vị nữ thần gốc Nam Trung Hoa; bia trùng tu chùa Bà Mụ cho biết các hình thức thờ tự trước đây của làng Minh Hương như Bảo Sinh Đại Đế, Tam Thập Lục Tướng, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Mười hai bà mụ v.v… Các bia ở miếu ngũ hành Cẩm Phô, đình ấp Xuân Lâm ghi chép về việc thờ tự Thiên – Y – A – Na Chúa Ngọc, bia ở miếu Thái Giám Nam Diêu cho biết việc thờ tự vị thần Thái Giám Bạch Mã… Các văn bia này như một cuốn sử địa phương ghi chép về hoạt động tín ngưỡng của từng cộng đồng dân cư, người Việt có, người Hoa có, từng xóm thôn, làng xã qua đó giúp người đời sau có thể xác định được bức tranh sinh hoạt văn hóa tôn giáo – tín ngưỡng phong phú và sâu sắc của cha ông.
Xét dưới khía cạnh là nguồn tư liệu lịch sử mang tính thực địa, địa phương, các văn bia Hán Nôm ở Hội An nói riêng, các địa phương khác trong cả nước nói chung chứa đựng một khối lượng thông tin liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ các sự kiện đến các nhân vật, từ kinh tế cho đến văn hóa. Nguồn tư liệu này là sự bổ khuyết cần thiết cho sự thiếu vắng thông tin của chính sử về các địa phương, trên nhiều phương diện, lĩnh vực mà chúng ta không thể nêu hết được.
2/ Giá trị về văn học
Các văn bia Hán Nôm ở Hội An ngoài giá trị về tư liệu lịch sử còn là những tác phẩm văn học có giá trị được khắc trên đá. Những văn bia này đa phần do những tác giả có tên tuổi soạn nên như phó bảng Nguyễn Tử Tu, Giải nguyên Đặng Huy Trứ, Cử nhân Trương Đồng Hiệp, Tiến sĩ Phan Văn Nghị, Phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh. Đây là những người hay chữ và trong số họ có những người là tác giả văn học có tên tuổi, do vậy những văn bia do họ soạn nên luôn mang giá trị cao về văn học. Đọc những văn bia như trùng tu Lai Viễn Kiều ký của Đinh Tường phủ, đốc học dinh Quảng Nam; Trùng kiến Viên Giác tự của phó bảng Nguyễn Tường Vĩnh, bia Thanh Minh đình của phó bảng Nguyễn Tử Tu, bia trung tu chùa Bà Mụ của Cử nhân Trương Đồng Hiệp… chúng ta không khỏi khâm phục trước nghệ thuật sử dụng ngôn từ một cách hình tượng, bóng bẩy, các câu chữ nhịp nhàng đối nhau chặt chẽ tạo nên một hiệu quả cao về cảm xúc khi đọc văn bản. Có thể nói, các văn bia Hán Nôm ở Hội An là những tác phẩm văn học có giá trị, đặc biệt là về thể loại bia ký. Chúng được viết theo những quy định chung về thể loại nhưng lại mang một giọng điệu riêng, văn phong riêng gắn với từng tác giả.
Cùng với giá trị văn học, các văn bia này cũng cho ta những thông tin liên quan đến thói quen sử dụng ngôn ngữ của người xưa, đến các từ địa phương, từ cổ, qua đó giúp cho việc tìm hiểu về ngôn ngữ văn học và ngữ âm địa phương.
Ngoài các tác giả Việt Nam, một số văn bia chữ Hán ở Hội An còn do các tác giả là người Trung Hoa soạn nên. Đó là trường hợp văn bia tạo lập hội quán Quỳnh Phủ (Nam Hải) do Cống sinh Tạ Thừa Tuyên soạn; bia trùng kiến Kim Sơn tự (hội quán Phúc Kiến) do Thi Trạch Hoằng soạn… Điều này góp phần làm phong phú, đa dạng thể loại bia ký ở Hội An, ít ra là về tác giả và thói quen sử dụng ngôn ngữ – cách hành văn.
3/ Giá trị về nghệ thuật
Đây cũng chính là một giá trị của các văn bia Hán Nôm nói chung, văn bia Hán Nôm ở Hội An nói riêng. Chúng là những trang sách đã được gia công tạo tác sao cho mỹ thuật kể cả về cách khắc và trình bày chữ, cách trang trí và tạo dáng. Ở một số văn bia, phần trán và diềm xung quanh được tạo tác rất mỹ thuật với các đồ án trang trí truyền thống như hoa dây, mặt trời mây lửa, chim phụng, hoa sen, hồi văn v.v… Qua cách thể hiện các đồ án trang trí này ta có thể xác định được niên đại của từng tấm bia và ngược lại do các tấm bia có xác định niên đại nên các đồ án trang trí này sẽ là đồ án mẫu để đổi chiếu, so sánh tìm ra những nét chung về phong cách trang trí ở các đối tượng khác nhau. Đây cũng chính là một giá trị của văn bia Hán Nôm về mỹ thuật.
Văn bia Hán Nôm ở Hội An là di sản tư liệu quý giá về nhiều mặt cần phải được bảo tồn tốt hơn và được xúc tiến khảo sát, nghiên cứu một cách có hệ thống để giải mã những vấn đề quan trọng liên quan đến lịch sử – văn hóa của địa phương.
Ghi chú:
Hình ảnh minh họa bài viết: Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Bản tin bảo tồn di sản, số 03(27) – 2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giá trị tư liệu văn bia Hán Nôm ở Hội An (Tác giả: Trần Văn An) |