Giá trị văn hóa của Thăng Long Tứ trấn

Tác giả bài viết: NGUYỄN DOÃN MINH
(Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TÓM TẮT

     Thăng Long “Tứ trấn” (bốn ngôi đền bảo vệ) không chỉ là niềm tự hào của người dân vùng đất Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội nay, mà còn là điểm tựa tinh thần trong quá trình dựng nước và giữ nước của cả dân tộc suốt nhiều thế kỷ. Bốn ngôi đền với vai trò “tứ trấn” chưa xuất hiện ngay từ buổi đầu quy hoạch kinh đô Thăng Long mà lần lượt được hình thành qua thời gian. Chúng ta cần nhận thức rõ giá tri ̣văn hóa của Thăng Long tứ trấn và để hiểu rõ thêm về lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Từ khóa: Thăng Long, Tứ trấn, văn hóa, truyền thống.

Phân loại ngành: Văn hóa học.

ABSTRACT

     Thang Long’s four defending temples, which were aimed to protecting the royal city, are not only the pride of people of the ancient Thang Long and those of the capital city of Hanoi now, but also a mental support during Vietnam’s process of national construction and defense over many centuries. The four temples did not appear altogether immediately during the early planning of the imperial city of Thang Long, but were one by one formed over time. It is necessary to be well aware of their cultural values to understand more of the nation’s history and culture.

Keywords: Thang Long, four defending temples, culture, tradition.

Subject classification: Cultural studies.

x
x x

1. Mở đầu

     Năm 1975, thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” được Trần Quốc Vượng đề cập đến. Khi viết về Thăng Long thời Lý, ông viết rằng: ngôi đền Bạch Mã là nơi thờ “thần Chính khí Long Đỗ, hay Tô Lịch giang thần, hay Thành Hoàng Hà Nội gốc” [15, tr.142-143]. Đồng thời ông cũng đề cập đến Ngựa trắng (Bạch Mã). Ông viết: “phía đông là đền Bạch Mã, phía tây là đền Voi Phục, phía bắc là đền Trấn Võ, phía nam là đền Cao Sơn (đình Kim Liên nay). Đó là Thăng Long Tứ trấn trong quan niệm cổ truyền”; “Vua quan (và dân chúng) thời Lý đã làm nhiệm vụ “quy hoạch” kinh thành Thăng Long nhưng lại quy công cho thần thánh để nhằm mục đích thần thánh hóa mảnh đất kinh thành” [13, tr.142-144].

     Năm 2001, một phần của khu vực Thành cổ Hà Nội được Bộ Quốc phòng bàn giao cho Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Một cuộc hội thảo khoa học với nội dung xoay quanh về tòa thành cùng tên đã thu hút được những bài viết của các tác giả hàng đầu Việt Nam. Trần Quốc Vượng cho rằng: “Đất kinh thành thời xưa được coi là đất thiêng, không gian thiêng. Đó là tính cách tôn giáo trong việc xây dựng đô thành. Vì thế mà có “Tứ trấn” với 4 đền Long Đỗ – Bạch Mã (Đông), Linh Lang – Voi Phục (Tây), Chấn Vũ – Bắc Đế (Bắc), Cao Sơn – Quý Minh (Nam). “Tứ trấn” này trên đại thể đều nằm trên “vòng thiêng” thành Đại La hay “Thăng Long ngoại thành”” [1]. Hoàng Giáp mặc dù không đề cập đến “Thăng Long Tứ trấn”, nhưng cho rằng thành Hà Nội hiện nay được xây dựng dựa theo tư tưởng ngũ hành của Trung Quốc cổ đại. Ông phân tích về vị thần trấn cửa Bắc như sau: “Cửa Bắc còn gọi là cửa Thần Vũ nên tường xây bằng đá hay chất liệu màu xám… Màu đen màu xám tượng thủy khắc hỏa tránh mọi hỏa tai cho cung điện. Vùng ngoại ô cửa bắc kinh thành thường lập đền thờ Trấn Vũ, thần bảo vệ phương bắc, thần biểu tượng Nhâm Quý Thủy – Nguyên thủy nguồn nước vô tận mà không có lửa nào chiến thắng được. Chính vì vậy thần sẽ giúp kinh thành ngăn hỏa tai. Ngoài ra thần còn giúp ngăn ngừa giặc giã, thiên tai dịch bệnh khác. Hiện phía ngoài cửa Bắc thành Hà Nội vẫn còn đền thờ Trấn Vũ” [1]. Kiều Thu Hoạch tuy không trực tiếp nói đến cấu trúc Tứ trấn, nhưng cũng góp phần biện giải vai trò của các vị thần đối với kinh đô Thăng Long và ngai vàng nhà Lý. Ông viết: “cùng với hai sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn: đổi quốc hiệu là Đại Việt, dời đô từ vùng rừng núi Hoa Lư về Thăng Long, vương triều Lý đồng thời cũng kéo luôn một số nhân vật truyền thuyết quan trọng về kinh sư của mình để phong thần, lập miếu cho họ biến thành các thần trấn giữ Thăng Long, trấn giữ ngai vàng nhà Lý” [7, tr.21- 22]. Đỗ Thị Minh Thúy cho rằng: “Mô hình quan liêu trong trật tự bách thần Thăng Long – Hà Nội biểu thị theo hình tháp mà đỉnh là thần Đại Thành Hoàng – thần Tô Lịch, Long Đỗ, Bạch Mã – các vị thần cai quản kinh thành. Kết cấu dưới một bậc là bốn vị thần đứng chủ tế bốn phương của kinh thành trong Thăng Long Tứ trấn: thần Bạch Mã phía đông, thần Linh Lang phía tây, thần Cao Sơn phía nam, thần Huyền Thiên phía bắc” [13, tr.22].

     Đỗ Quang Hưng nhận định: “Thăng Long Tứ trấn” như là một hiện tượng văn hóa tâm linh độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa, phản ánh sự thống nhất giữa ý thức quốc gia độc lập chủ quyền của nước Đại Việt, với ý thức xây dựng một không gian thiêng biểu trưng cho sự trường tồn của “hồn nước” Đại Việt. Theo quan niệm của người Đại Việt lúc đó, trời đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc thì thành Thăng Long cũng phải có “Tứ trấn”, được xây dựng với bốn ngôi đền, trong đó đều có một vị thần đầy quyền uy canh giữ cho kinh thành từ Thăng Long xưa đến Đông Đô và Hà Nội hiện thời [1, tr.517]; “Một hệ thống kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng vừa có ý nghĩa biểu trưng về tâm linh của Thăng Long – Hà Nội, vừa có ý nghĩa khẳng định những giá trị của quyền lực xã hội. Nhưng trên hết Thăng Long Tứ trấn còn vật thể hóa những giá trị tinh thần, được gọi là “hồn nước” của thành phố này cũng như một biểu tượng của sự bền vững “nước non một thuở vững âu vàng” [1, tr.525].

     Thăng Long tứ trấn có giá tri ̣lớn về văn hóa như các nhận xét ở trên. Bài viết này làm rõ thêm giá trị văn hóa đó.

2. Sự hình thành Thăng Long tứ trấn

     Tứ trấn gồm bốn đền. Đền Bạch Mã trấn phía đông. Theo Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, Đức thần Long Đỗ đã có công giúp vua Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô Thăng Long và được ban phong là Thăng Long thành hoàng đại vương. Trước đó, Đức thần còn có công trong việc đập tan sự trấn yểm của viên quan đô hộ nhà Đường là Cao Biền, khiến Biền phải kinh sợ. Như vậy, muộn nhất thì ngôi đền này đã được xây dựng dưới đời vua Lý Thái Tổ (1010).

     Đền Voi Phục trấn phía tây xuất hiện vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, con của Long Vương, thác sinh vào làm con một bà phi của vua Lý Thánh Tông, bà này tên là Hạo nương. Đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Trinh Vĩnh (có thuyết cho là giặc Tống). Sau khi mất, ngài còn hiển thánh giúp chúa Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc. Bản thần tích về việc này được Đông các Đại học sĩ ở Hàn Lâm viện soạn vào năm 1572 (niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên).

     Những dấu tích vật chất khẳng định niên đại khởi dựng ngôi đền đến nay không còn, hoặc khó có thể truy nguyên. Những trang dòng phản ánh mối liên hệ của ngôi đền dưới thời Trần, Lê trung hưng thì quá ít. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, đền Voi Phục có một vị trí xác định và quan trọng vào thế kỷ XV khi hiện diện trên tấm bản đồ có niên hiệu Hồng Đức (1490).

     Đền Quan Thánh trấn phía bắc. Một số nguồn tư liệu cho biết ngôi đền Quan Thánh được khởi dựng từ thời Lý. Sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Lúc đầu thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028), người ta dựng một cái đền rất thiêng ở gần đầm Thây Cáo hồ Tây để thần trị yên loài tinh cáo trắng chín đuôi đã gây nhiều tai họa cho dân cư một vùng” [10, tr.8]. Còn sách Đại Việt sử lược (thế kỷ XIV) (khuyết danh) ghi: “Năm Nhâm Ngọ (năm 1102) là năm Long Phù Nguyên Hóa thứ 2 [thời vua Lý Nhân Tông (1072- 1127)], xây cất nhà chùa ba ngôi là: Khai Nguyên, Thái Dương và Bắc Đế” [3, tr.61]. Sách Hà thành linh tích cổ lục viết: “Huyền Thiên thượng đế linh trấn Bắc phương, lũ trưng hiển ứng, Thăng Long tứ quán chi nhất dã, thương tự Lý triều” [6] – cho biết quán Trấn Vũ được lập từ triều Lý, để trấn phương Bắc.

     Đền Kim Liên trấn phía nam. Ngôi đền thờ Đức thần Cao Sơn đại vương. Những tư liệu có thể giúp khảo cứu về quy mô mặt bằng kiến trúc, niên đại khởi dựng dường như không có. Tấm bia đá dựng ngày 01 tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) (hiện đặt bên trái đền) khắc nội dung một văn bản có niên đại vào năm 1510, đưa ra giả thiết mong manh về sự hiện diện của ngôi đền cùng với niên đại của văn bản. Bản đồ về Trung Đô (kinh thành Thăng Long) có niên hiệu Hồng Đức (thế kỉ XV), bên cạnh việc vẽ lại quy mô đặc điểm của thành Thăng Long (bao gồm vị trí giáp ranh, các chiều cạnh Đông, Tây, Nam, Bắc, đặc điểm thành Thăng Long, các địa danh như: điện Kính Thiên, Đoan môn, Đông cung, Thái Miếu…). Ở bản đồ đó , đền Bạch Mã, đền Linh Lang (Voi Phục) và quán Chân Vũ được định vị lần lượt vào 3 phương (Đông, Tây, Bắc) theo thành Thăng Long. Dù không phản ánh trấn phía nam, hay đề cập đến thuật ngữ “Tứ trấn” của thành Thăng Long, nhưng theo chúng tôi, cùng với niên đại của văn bản văn bia lưu giữ tại đền Kim Liên, bản đồ vẽ Trung Đô là bằng chứng có niên đại sớm nhất phản ánh về vị trí những ngôi đền, quán tạo thành Tứ trấn bảo vệ thành Thăng Long.

     Đề cập đến Tứ trấn như một cấu trúc bảo vệ của kinh đô Thăng Long là tập sách chữ Hán viết tay Hà thành linh tích cổ lục (thời Nguyễn). Phần mục lục của sách này đề cập đến các di tích trong đó có Tứ trấn: “Tứ trấn từ. Đông trấn Hàng Buồm phố Bạch Mã đại vương từ; Tây trấn Thủ Lệ trại Linh Lang đại vương từ; Nam trấn Kim Liên phường Cao Sơn đại vương từ; Bắc trấn Tây Hồ Chân Vũ quán” [6]. Tập sách Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ liệt kê: “Thăng Long Tứ trấn. Đông trấn Hàng Buồm Bạch Mã đại vương từ. Tây trấn Thủ Lệ Linh Lang đại vương từ. Nam trấn Kim Liên Cao Sơn đại vương từ. Bắc trấn Tây Hồ Trấn Vũ đại đế từ” [12].

     Như vậy, trong những tài liệu hiện còn, khái niệm “Thăng Long Tứ trấn” được xuất hiện dưới dạng văn bản chữ Hán sớm nhất vào năm 1956. Có thể nhận thấy cách diễn giải về “Thăng Long Tứ trấn” của tài liệu này là sự tương đồng hay làm rõ thêm cho thuật ngữ “Tứ trấn từ” đã xuất hiện trong văn bản Hà thành linh tích cổ lục có niên đại thời Nguyễn đã được đề cập trước đó. Năm 1802, kinh đô đã được vua Gia Long chuyển vào Huế. Thăng Long vốn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước lúc này trở thành trấn thành miền Bắc. Tên gọi Thăng Long (昇龍) với ý nghĩa “rồng bay lên” nay phải đổi thành Thăng Long (昇隆) với chữ “long” (隆) mang nghĩa “thịnh vượng”.

     Hà Nội có tên từ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng mang đặc trưng của một thành phố sông, hồ (thành phố trong sông như tên gọi khi chiết tự). Từ năm 1802 đến năm 1945 là thời kỳ trị vì của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Ngay từ thế kỷ XVI, sự xuất hiện của người phương Tây cùng sự hình thành các thương điếm của các công ty Đông Ấn đã thúc đẩy nền thương nghiệp phát triển. Những khám phá về một vùng đất An Nam giàu tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược là tiền đề cho Pháp từng bước xâm lược và thôn tính đất nước An Nam nhỏ bé. Việt Nam lúc này là một quốc gia bị lệ thuộc vào sự bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp. Đó là xã hội thuộc địa nửa phong kiến với triều đình nhà Nguyễn và chế độ thực dân của Pháp.

     Những chính sách cai trị về chính trị, kinh tế, văn hóa đã tác động đến đời sống của người dân An Nam. Tôn giáo tín ngưỡng của người dân một mặt kế thừa những luật tục, lệ làng vốn có, mặt khác chịu sự tác động từ những chính sách quản lý tôn giáo của chính quyền thực dân. Vì thế nên đã dần hình thành những hương ước “cải lương” (thiết chế văn hóa mới) phù hợp với bối cảnh xã hội mới.

3. Cơ sở văn hóa truyền thống của Thăng Long tứ trấn

     Thứ nhất, “không gian thiêng” Thăng Long đã được tạo lập từ hơn 800 năm trước. Mùa thu năm 1010, miền đất có tên Đại La dưới thời thuộc Đường, chính thức có tên là Thăng Long với ý nghĩa “rồng bay lên”: “Mùa thu, tháng 7, vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long” [4, tr.81].

     Hình ảnh rồng vàng gợi lên điềm lành và sự linh thiêng. Với cách đặt tên Thăng Long cho một vùng đất mới định đô, hẳn là vua Lý Thái Tổ cùng triều thần cũng hàm ý linh thiêng hóa vùng đất này.

     Sau khi đã định đô, thành Thăng Long bắt đầu được quy hoạch. Hệ thống cung điện lầu gác được xây dựng. Bốn mặt thành mở 4 cửa mang những tên gọi hàm nghĩa tốt đẹp: phía đông là cửa Tường Phù, phía tây là cửa Quảng Phúc; phía nam cửa Đại Hưng; phía bắc là cửa Diệu Đức. Bên cạnh đó nhiều vị thần đã được triều đại Lý tạo lập nhằm tôn vinh công lao (như lập đền đắp tượng thần Lý Phục Man vào năm Thuận Thiên thứ 7 (1016); rước thần Đồng Cổ từ Thanh Hóa ra lập bên hữu thành Đại La, sau chùa Thánh Thọ vào năm 1020). Năm 1028, thần Đồng Cổ được gia phong là “Thiên hạ minh chủ” vì có công báo cho vua biết việc làm phản của ba người em. Hội thề với lời “làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết” hình thành từ đây. Việc trấn yểm các danh sơn, đại xuyên cũng được các vua triều Lý thực hiện. Và “không gian thiêng – Thăng Long” đã định hình.

     Thứ hai, các đức thần ở bốn ngôi đền đều có công giúp các triều đại đương thời dẹp giặc, trừ tà, củng cố vương triều. Bốn đức thần ở bốn di tích có lý lịch công trạng khác nhau nhưng tựu trung đều có công bảo vệ cho quốc gia dân tộc trường tồn. Đức thần Long Đỗ – Bạch Mã trấn phía đông có công trong việc đánh tan mưu mô xảo quyệt của viên đô hộ nhà Đường muốn trấn yểm vượng khí của dân tộc và giúp vua Lý Thái Tổ quy hoạch, xây dựng thành Thăng Long.

     Khi nhận xét về Truyện sông Tô Lịch và Truyện Thần chính khí Long Đỗ, Kiều Thu Hoạch có nhận xét: “Mấy truyện này tuy có khoác cái vỏ hoang đường của Đạo giáo, song vẫn phản ánh khá rõ nét tinh thần bất khuất kiên cường của nhân dân ta, nhằm chống lại mọi sự uy hiếp của bọn phong kiến phương Bắc” [8, tr.677-678].

     Thứ ba, những cứ liệu liên quan đến sự hình thành quan niệm “Tứ trấn”. Các nguồn tài liệu đó bao gồm thư tịch đã tồn tại trước Hà thành linh tích cổ lục. Sự định vị ba trong bốn ngôi đền (Bạch Mã phía đông, đền Voi Phục phía tây, quán Chân Vũ phía bắc trên bản đồ vẽ Trung đô có niên hiệu Hồng Đức) cùng tấm bia Cao Sơn đại vương thần từ bi minh tịnh tự (được sử thần Lê Tung soạn năm 1510), giúp chúng ta liên tưởng đến một cấu trúc Tứ trấn hoàn chỉnh bảo vệ cho kinh đô Thăng Long. Về sau, một số tư liệu đã dần hình thành những quan niệm về Tứ trấn như: “Vua Lê Thế Tông (1573-1599) lên ngôi, gia phong cho thần, gọi đền Linh Lang là một trấn che chở cho kinh đô. Hàng năm, cứ đầu mùa xuân lại sai các quan đến làm lễ tế” [6, tờ 10]. Thêm nữa Bài ký trên bia ghi việc sửa quán Trấn Vũ (1857) đã khẳng định: “Quán Trấn Vũ ở phía bắc thành là để trấn giữ phương Bắc” [14, q.1, tr.56].

     Thứ tư, niềm tin vào yếu tố phong thủy. Theo đó, kinh đô Thăng Long có Tứ trấn bảo vệ. Mỗi lần kinh đô dời khỏi Thăng Long, đất nước lại rơi vào tình thế lệ thuộc, mất chủ quyền. Thế kỷ XV, vua Hồ Quý Ly cho chuyển kinh đô vào Thanh Hóa, rồi mất nước vào tay giặc Minh. Nhân dân trong cảnh lầm than suốt 20 năm. Thế kỷ XIX vua Gia Long cho chuyển kinh đô vào Huế, dần dần đất nước trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Có lẽ các trí thức nho học thời Nguyễn đã xâu chuỗi những sự kiện lịch sử trên để khẳng định tính chất tâm linh, phong thủy của Tứ trấn.

     Có thể vì cơ sở trên nên các nho sĩ triều Nguyễn cho bốn ngôi đền Bạch Mã, Linh Lang, Quan Thánh, Cao Sơn môt ̣ ý nghĩa trấn yểm cho kinh đô Thăng Long ngay từ khi được đặt tên vào năm 1010.

4. Ý nghĩa văn hóa của Thăng Long tứ trấn

     Thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” khiến phần lớn những nhận định về tứ trấn ít nhiều liên hệ ngay đến kinh đô Thăng Long được đặt tên từ hơn 1.000 năm trước có bốn ngôi đền trấn giữ bảo vệ. Nhưng thuật ngữ này lại xuất hiện trong văn bản Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ đề niên đại 1956. Văn bản này là sự kế thừa từ văn bản Hà thành linh tích cổ lục có niên đại đầu thế kỷ XIX dưới triều Nguyễn, sớm nhất cũng từ khi Thăng Long có tên là Hà Nội vào năm 1831 như tên gọi “Hà thành” của tài liệu đã phản ánh.

     Mặc dù “Tứ trấn từ” đã được tạo dựng cho Thăng Long Tứ trấn có vẻ truyền thống cổ xưa, nhưng bối cảnh lịch sử giai đoạn này lại là nguyên nhân chính khiến cho sự sáng tạo truyền thống không được phát huy. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (triều Nguyễn) quy định những nghi thức tế tự tại các đền miếu tại kinh đô, cũng như các trực tỉnh (Hà Nội thời kì này là trực tỉnh): “việc tế tự chia làm 3 bậc: Đại tự, Trung tự và Quần tự” [11, tr.222]. Những ngôi đền thuộc Tứ trấn Thăng Long, tỉnh Hà Nội thuộc vào bậc thứ 3 là Quần tự. Và việc thờ phụng bốn ngôi đền trên tương đương với những nghi thức thờ các vị thần hàng tỉnh khác.

     “Thăng Long Tứ trấn” được tạo dựng “nhằm thiết lập biểu trưng về sự gắn kết” [5, số 1, tr.93] bốn ngôi đền vào trong một cấu trúc hoàn chỉnh với ý nghĩa thiêng hóa. Ý nghĩa đó dành trước là cho bốn ngôi đền (bốn điểm mốc giới hạn), sau dành cho không gian kinh đô Thăng Long. Truyền thống tứ trấn cho Thăng Long được tạo dựng từ hình ảnh rồng bay lên (Thăng Long). Thông qua truyền thuyết, thần tích, người ta đã tạo dựng nên các vị thần cùng ý nghĩa biểu tượng thờ trong các ngôi đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quan Thánh, với các nghi lễ phụng thờ các đức thần hàng năm. Sự tạo dựng trên gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam từ thời Lý đến bắt đầu triều Nguyễn (đầu thế kỷ XIX). Đó là những tạo dựng cơ bản, nòng cốt, truyền thống. Dù cho bối cảnh xã hội đã nhiều lần thay đổi thì ý nghĩa về tục thờ ở Tứ trấn từ những tạo dựng ban đầu đó vẫn bất biến.

     Kinh thành Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, vẫn giữ nguyên tính chất của không gian thiêng. Đó là nơi tập trung của các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ. Trong không gian thiêng đó còn có những di tích lịch sử mang điểm nhấn của thời đại (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu di tích Phủ Chủ tịch…). Sự phục hồi trở lại tục thờ ở “Tứ trấn Thăng Long” hiện nay là sự tiếp tục của việc tạo dựng truyền thống tục thờ trong bối cảnh mới khi mà vị thế Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng được nâng cao trên trường quốc tế. Tứ trấn Thăng Long với tính chính trị của nó, một mặt khẳng định uy linh các vị thần sông núi, một mặt phản ánh sức mạnh đoàn kết tinh thần tự hào về hồn thiêng sông núi của Thăng Long Hà Nội từ ngàn xưa…

5. Kết luận

     “Tứ trấn Thăng Long” về mặt hình thức, đã tạo ra được một liên kết giữa bốn ngôi đền với nhau. Thăng Long tứ trấn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Sáng tạo truyền thống “Tứ trấn Thăng Long” dưới thời Nguyễn cơ bản mới dừng lại ở hình thức ngôn thuyết. “Tứ trấn Thăng Long” hiên nay ̣ đã được đầu tư trên cả hai phương diện vật chất (kiến trúc, cảnh quan, quy mô mặt bằng) và tinh thần (khôi phục lễ nghi phụng thờ, đặc biệt là lễ hội). Sự phục hồi giá tri ̣văn hóa của “Tứ trấn Thăng Long” sẽ góp phần làm rõ thêm giá tri ̣lịch sử và văn hóa của Thăng Long nói riêng và Việt Nam nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (2010), Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

     [2] Nguyễn Đức Dũng (2000), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Hán Nôm, Khảo sát Hệ thống văn bản khắc Hán Nôm đền Quán Thánh, Hà Nội.

     [3] Đại Việt sử lược, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1993.

     [4] Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.

     [5] Eric Hobsbawm và Terence Ranger (2012), “Sáng tạo truyền thống”, Tạp chí Văn hóa học, số 1, 2.

     [6] Hà thành linh tích cổ lục, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nôị.

     [7] Đỗ Thị Hảo (Chủ biên) (2014), Dấu xưa chuyện cũ Thăng Long Hà Nội, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

     [8] Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt – Góc nhìn thể loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [9] Kiều Thu Hoạch (2014), Văn học dân gian người Việt – Góc nhìn so sánh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [10] Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, Hà Nội, 1990.

     [11] Nội các quan bản (2005), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, t.4A, q.69-102, Nxb Thuận Hóa.

     [12] Thăng Long Cổ tích khảo tịnh hội đồ, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

     [13] Đỗ Thị Minh Thúy (2010), Tín ngưỡng dân gian Hà Nội trong đời sống văn hóa đô thị hiện nay, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

     [14] Ủy ban Khoa học xã hội (1978), Tuyển tập văn bia Hà Nội, q.1, q.2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [15] Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán (1975), Hà Nội nghìn xưa, Sở Văn hóa thông tin Hà Nội, Hà Nội.

     [16] https://duonghanoi.wordpress.com/2015/02/01/ban-do-thang-long-theo-hong-duc-dia-du1490-plan-de-thang-long-2/

     [17] http://www.spnttw.edu.vn/Pages/ArticleDetail.aspx?siteid=1&sitepageid=138&articleid=3106

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 8 – 2017

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giá trị văn hóa của Thăng Long Tứ trấn (Tác giả: Nguyễn Doãn Minh)