Giải pháp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ quốc tế phục vụ phát triển du lịch ở Việt Nam
Tác giả bài viết: Phó Giáo sư, Tiến sĩ PHẠM TRUNG LƯƠNG
(Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch – Tổng cục Du lịch)
1. Vị trí của khoa học công nghệ trong phát triển du lịch
Việt Nam được xem là quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú với nhiều cảnh quan đẹp, nhiều bãi biển nổi tiếng, hàng ngàn di tích lịch sử văn hóa, lễ hội trong đó nổi bật là hệ thống các di sản thế giới, các khu dự trữ sinh quyển, v.v…
Ở Việt Nam, ngành du lịch được hình thành và phát triển đã được hơn 50 năm, song hoạt động du lịch chỉ thực sự diễn ra sôi động với tư cách là một ngành kinh tế từ thập kỷ 90 gắn liền với chính sách mở cửa hội nhập của Đảng và Nhà nước. Vai trò và vị trí của du lịch đã sớm được xác định, theo đó “phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” (trích Chỉ thị 46/CT-TW Ban Bí Thư Trung ương Đảng khoá VII, 10/1994) và “phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn” (trích Văn kiện Đại hội Đảng IX).
Phát triển du lịch không chỉ tạo nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho đất nước, góp phần tích cực vào hoạt động xuất khẩu tại chỗ mà còn góp phần quan trọng tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho cộng đồng ở những vùng còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch và tổng thể nền kinh tế quốc dân; tạo sức “lan toả”, động lực và thị trường kéo theo nhiều ngành kinh tế có liên quan như giao thông vận tải, đặc biệt là hàng không, thương mại, xây dựng, nông nghiệp v.v… cùng phát triển.
Ngoài ý nghĩa về kinh tế-xã hội, phát triển du lịch còn góp phần quan trọng vào nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, phát triển giao lưu văn hoá và qua đó tăng cường hiểu biết, hữu nghị giữa các dân tộc.
Phát triển du lịch còn có những đóng góp tích cực trong việc tạo việc làm và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho người dân Việt Nam. Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, du lịch còn góp phần quan trọng vào nỗ lực xóa đói, giảm nghèo.
Kết quả thống kê cho thấy thời gian qua tỷ lệ đóng góp vào GDP của du lịch Việt Nam ngày một tăng: nếu như năm 1995, tỷ lệ này là 3,21% ; năm 2010 tăng lên 5,8% và năm 2012 tỷ lệ này đạt tới 6,1% và qua đó khẳng định vị thế quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Du lịch đã tạo ra trên 1,4 triệu việc làm, chiếm 3,8% tổng lao động xã hội, trong đó có trên 470.000 lao động trực tiếp. Hiệu quả kinh tế của du lịch còn lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực khi được tính toán chi tiết theo tài khoản vệ tinh du lịch; cùng với tác động về văn hóa, xã hội, môi trường, vai trò của ngành du lịch đang được nâng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thực tế cho thấy ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới, du lịch vẫn được đánh giá là “điểm sáng” của kinh tế Việt Nam. Những kết quả, đóng góp của du lịch luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Khóa XI theo đó “… tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp và du lịch...” như những lợi thế cần phát huy để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập đầy đủ hơn với khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, do đặc điểm của ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có định hướng tài nguyên rõ rệt, để du lịch có thể phát triển tương xứng với tiềm năng và vai trò của mình, nâng cao được năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững, nhiều vấn đề đặt ra cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc với hàm lượng khoa học và công nghệ (KHCN) cao bao gồm:
– Xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chuẩn ngành, bao gồm cả các tiêu chuẩn về “Sức chứa” (Carrying capacity) phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện đặc thù của Việt Nam.
– Nghiên cứu sự biến động của thị trường khách, đặc biệt đối với các thị trường trọng điểm đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch.
– Điều tra và theo dõi sự biến động của tài nguyên du lịch, đặc biệt là các dạng tài nguyên “nhạy cảm” dễ bị ảnh hưởng dưới tác động của tự nhiên và hoạt động phát triển kinh tế-xã hội như các bãi biển; các hệ sinh thái rừng; hệ sinh thái biển; các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di sản thế giới; v.v…
– Đánh giá các điều kiện môi trường cho phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Việt Nam đã và đang chịu tác tác động ngày một tăng của biến đổi khí hậu như các hiện tượng thời tiết cực đoan, biến động dòng chảy ven, chất lượng môi trường nước, v.v…
– Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc biệt là các sản phẩm hiện đại mang hàm lượng công nghệ cao như các khu vui chơi giải trí, nhà kính dưới biển, khám phá hệ sinh thái biển, v.v… gắn với phát triển thương hiệu du lịch.
– Xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch gắn với xóa đói giảm nghèo, v.v…
– Phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong điều kiện khắc nghiệt của môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
– Nghiên cứu đáp ứng nhu cầu năng lượng và nước sinh hoạt cho hoạt động du lịch ở vùng sâu, vùng xa như các khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống các đảo, v.v…, nơi cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn.
– Phát triển phương tiện du lịch hiện đại, chuyên dụng cho mục chuyên chở khách, phương tiện chuyên chở có lưu trú, du thuyền, thuyền thể thao, tàu thám hiển đáy biển, v.v…
– Ứng dụng công nghệ 3R bao gồm: tiết kiệm năng lượng, nước (Reduce), tái sử dụng các vật liệu (Reuse) trong hoạt động dịch vụ du lịch, và tăng cường tái chế các chất thải (Recycle) trong những điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Những vấn đề đặt ra trên đây cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của KHCN đối với phát triển du lịch.
Trong hoạt động nghiên cứu KHCN, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế là một cấu thành không thể thiếu bởi bản chất hoạt động nghiên cứu KHCN là hoạt động không thể thiếu tính kế thừa, nhất là kế thừa các kết quả được thừa nhận rộng rãi ở quy mô quốc tế. Điều này càng có ý nghĩa khi trình độ phát triển KHCN của Việt Nam nói chung và đặc biệt KHCN trong lĩnh vực du lịch nói riêng còn rất hạn chế. Việc đẩy mạng ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế sẽ cho phép nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KHCN, rút ngắn được thời gian thực hiện các nghiên cứu, tiếp cận được với trình độ nghiên cứu quốc tế và qua đó đáp ứng được tốt nhất yêu cầu phát triển ngành trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
2. Hiện trạng ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam
Tương ứng với những lĩnh vực/vấn đề lớn cần nghiên cứu cho phát triển du lịch trên, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khi năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế; tài nguyên và môi trường đang có sự suy giảm và du lịch Việt nam đang và sẽ phải đối mặt với những tác động ngày một tăng của biến đổi khí hậu, hoạt động nghiên cứu KHCN tập trung vào 03 nhóm cơ bản sau:
– Nhóm các nghiên cứu cơ bản: bao gồm những nghiên cứu liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn du lịch; hệ thống cơ sở dữ liệu, thống kê du lịch; đánh giá tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch; nghiên cứu năng lực cạnh tranh du lịch; nghiên cứu quan hệ cung – cầu du lịch trong từng giai đoạn phát triển; nghiên cứu tác động du lịch; nghiên cứu các mô hình liên kết du lịch; v.v…
– Nhóm các nghiên cứu ứng dụng: tập trung nghiên cứu triển khai các mô hình phát triển du lịch cụ thể trong điều kiện Việt Nam; nghiên cứu phát triển hệ thống sản phẩm gắn với thương hiệu du lịch; v.v….
– Nhóm nghiên cứu chuyển giao công nghệ: bao gồm những nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao những công nghệ phục vụ cho hoạt động nghiên cứu (công nghệ dự báo, công nghệ viễn thám và GIS, v.v…); công nghệ phục vụ cho phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu (công nghệ sản xuất năng lượng sạch; công nghệ tái sử dụng nước; công nghệ 3R, công nghệ vật liệu cho các công trình, phương tiện du lịch; v.v…).
Nhận thức được vai trò của KHCN đối với phát triển du lịch, trong những năm qua hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực du lịch đã được chú trọng triển khai và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với việc hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp Bộ. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được tham khảo ứng dụng trong xây dựng tiêu chuẩn ngành, trong xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển ngành, trong phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch, v.v…
Trong quá trình triển khai hoạt động nghiên cứu KHCN phục vụ yêu cầu phát triển du lịch, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế rất được chú trọng bởi đây là yếu tố quan trọng góp phần rút nhắn được thời gian, giảm chi phí để đạt tới những mục tiêu nghiên cứu đặt ra. Trong nhiều trường hợp nhiều vấn đề cần nghiên cứu còn khá mới và quan trọng được các cơ quan quản lý hoặc doanh nghiệp du lịch quan tâm song lại đã được thực hiện bởi các công trình nghiên cứu quốc tế. Chính vì vậy việc tìm hiểu, tổng quan và ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt trong những lĩnh vực còn mới phát triển như KHCN du lịch.
Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng thường được thực hiện dưới những hình thức chủ yếu sau:
– Sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong các công trình nghiên cứu: Đây là hình thức phổ biến nhất hiện nay bởi trong mỗi công trình nghiên cứu KHCN, đặc biệt là các đề tài nghiên cứu KHCN cấp Bộ, cấp Nhà nước việc tổng quan tình hình nghiên cứu và kinh nghiệm quốc tế là những nội dung không thể thiếu. Trong trường hợp này các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế không trực tiếp được ứng dụng trong thực tế quản lý hay hoạt động kinh doanh du lịch mà được sử dụng như thông tin “đầu vào” quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảm bớt được thời gian và đầu tư cho những nghiên cứu thuộc nhóm các nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng.
Như vậy việc ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong trường hợp này chỉ là “gián tiếp” thông qua các kết quả nghiên cứu trong nước khi được sử dụng trong thực tiễn. Mặc dù không được ứng dụng trực tiếp, tuy nhiên việc tham khảo kết quả nghiên cứu quốc tế rất có ý nghĩa và nâng cao đáng kể chất lượng của những nghiên cứu trong nước, đặc biệt trong những lĩnh vực còn nhiều “khoảng trống” như du lịch.
Hình thức sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong trường hợp này thường thấy trong các hoạt động KHCN thuộc nhóm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng
– Tham gia vào các công trình nghiên cứu do các tổ chức KHCN hoặc tư vấn quốc tế chủ trì: trong trường hợp này việc ứng dụng kết quả nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn bởi các nhà khoa học Việt Nam có cơ hội tham gia ngay từ đầu nên rất hiểu về bản chất của kết quả nghiên cứu, đồng thời việc sử dụng những kết quả nghiên cứu này sẽ với tư cách là đồng tác giả từ góc độ bản quyền.
Hiện nay hình thức ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN ở dạng này trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế. Cho đến nay phần lớn các trường hợp là cán bộ khoa học Việt Nam tham gia cùng các chuyên gia quốc tế thực hiện các dự án tư vấn phát triển du lịch do các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện ở Việt Nam như dự án “Quy hoạch phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010” (ADB – Nghiên cứu Quy hoạch phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng – GMS, 1997); dự án “Điều chỉnh QHTT phát triển du lịch Việt Nam 2001-2010” (UNDP/UNWTO-2001); dự án “Quy hoạch phát triển du lịch bền vững đảo Phú Quốc” (UNWTO-2006), dự án “Chiến lược phát triển du lịch bền vững Côn Đảo 2008-2012”(TRC-2007); v.v… Từ việc tham gia các dự án này, quy trình, phương pháp tiếp cận thực hiện các nội dung quy hoạch du lịch do các chuyên gia quốc tế thực hiện đã được ứng dụng có chọn lọc vào công tác quy hoạch du lịch ở Việt Nam.
Bên cạnh việc tham gia cùng các chuyên gia quốc tế thực hiện các dự án quy hoạch, thời gian qua các nhà khoa học trong nước cũng đã tham gia thực hiện một số công trình nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch như công trình nghiên cứu về “Xây dựng hướng dẫn hoạt động marketing và xúc tiến du lịch bền vững ở Việt Nam: trường hợp điển hình ở Cát Bà” (Saffron/VNAT/AECI/Fundeso-2004); công trình nghiên cứu “Hình ảnh – Sự hài lòng và Sự trung thành đối với điểm đến du lịch Việt Nam” (SRI-Chiang Mai University-2007).
– Tiếp nhận việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu KHCN: đây là trường hợp mà việc sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế do các tổ chức nước ngoài trao tặng hoặc chuyển nhượng lại bản quyền. Thông thường thì những kết quả này là quy trình hoặc sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh và việc sử dụng sẽ được đối tác hướng dẫn sau khi đã cài đặt hoặc lắp đặt trọn bộ.
Việc vận hành sử dụng quy trình quản lý doanh nghiệp du lịch theo các tiêu chuẩn quốc tế ISO; việc sử dụng hệ thống công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước trong các cơ sở dịch vụ du lịch; việc sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời, phong điện); sử dụng hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt nhập từ nước ngoài phục vụ nhu cầu du lịch; v.v. chính là hình thức ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế khá phổ biến hiện nay trong lĩnh vực du lịch ở hình thức này.
Như vậy có thể thấy hình thức sử dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong trường hợp này thường được tiến hành trong các hoạt động KHCN thuộc nhóm nghiên ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Mặc dù đã có sự quan tâm đối với hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng KHCN trong phát triển du lịch, tuy nhiên các kết quả đạt được còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập.
Một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên bao gồm:
– Nhận thức chưa đầy đủ của các cấp quản lý du lịch về vai trò của KHCN nói chung và KHCN quốc tế nói riêng đối với phát triển du lịch. Điều này thể hiện ở việc sau khi sát nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ VHTTDL, Hội đồng Khoa học Công nghệ của Tổng cục Du lịch đã không còn tồn tại và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KHCN, bao gồm cả ứng dụng KHCN quốc tế cho công tác quản lý và kinh doanh phát triển du lịch.
– Chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các nhà khoa học, các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế vào thực tiễn quản lý và kinh doanh du lịch;
– Chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng bản quyền kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế cũng như kết quả nghiên cứu các công trình KHCN mang tính quốc tế (do các tổ chức quốc tế tài trợ thực hiện tại Việt Nam). Điều này là cản trở không nhỏ đến khả năng ứng dụng kết quả KHCN quốc tế ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng.
– Khả năng tiếp cận các công trình nghiên cứu KHCN quốc tế trong lĩnh vực du lịch còn rất hạn chế do cơ chế và khả năng tài chính. Rất nhiều tài liệu KHCN hoặc thông tin có giá trị cho nghiên cứu có được bởi sự tham gia/đóng phí của Việt Nam được tiếp nhận và lưu trữ tại các đầu mối Hợp tác quốc tế mà không được chuyển đến các tổ chức KHCN, các nhà khoa học trong khi các tổ chức KHCN và các nhà khoa học không đủ năng lực tài chính để có được những kết quả nghiên cứu KHCN/thông tin quốc tế này.
– Năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong hoạt động phát triển du lịch ở Việt Nam còn rất hạn chế cả về đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật và về hợp tác quốc tế.
– Năng lực ngoại ngữ của đội ngũ các cán bộ làm công tác khoa học và quản lý khoa học trong lĩnh vực du lịch còn rất hạn chế. Đây là nguyên nhân khá quan trọng hạn chế khả năng ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế.
– Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách.
– Sự hợp tác giữa các tổ chức KHCN nói chung, của Viện NCPT Du lịch nói riêng với các cơ quan QLNN về KHCN, các tổ chức KHCN ở các lĩnh vực có liên quan và các doanh nghiệp du lịch còn nhiều hạn chế vì vậy việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN nói chung và quốc tế nói riêng là rất hạn chế.
– Chưa có sự quan tâm tạo điều kiện để các nhà khoa học, các cán bộ quản lý khoa học trong lĩnh vực du lịch được tham gia đầy đủ và chủ động vào hoạt động nghiên cứu KHCN, các hội nghị/hội thảo khoa học về du lịch mang tầm khu vực và quốc tế. Thông thường các nhà khoa học sẽ là đối tượng ưu tiên thấp khi xem xét nhân sự tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế, kể các các hoạt động mang thuần túy tính chất khoa học. Đây là tình trạng phổ biến ở Việt Nam trong đó có lĩnh vực du lịch.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong phát triển du lịch ở Việt Nam
Trên cơ sở phân tích hiện trạng ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế và nguyên nhân và để đẩy mạnh hơn việc ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu KHCN phục vụ phát triển du lịch trong giai đoạn phát triển tới, một số nhóm giải pháp chính cần được quan tâm triển khai thực hiện bao gồm:
– Nâng cao nhận thức của các cấp quản lý đối với vai trò của KHCN nói chung và KHCN quốc tế nói riêng đối với phát triển du lịch
Cần nhận thức đầy đủ vai trò của KHCN đối với quản lý tài nguyên, môi trường du lịch; quy hoạch và xây dựng sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch hiện đại; bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch bền vững; thích ứng và hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch biển; đảm bảo nhu cầu điện, nước phục vụ du lịch ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; v.v…
Trong bối cảnh năng lực hoạt động KHCN trong lĩnh vực du lịch hiện còn hạn chế thì việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế trong hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch cần được xem như một yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Việc đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế sẽ cho phép nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu KHCN, rút ngắn được thời gian thực hiện các nghiên cứu, tiếp cận được với trình độ nghiên cứu quốc tế và qua đó đáp ứng được tốt nhất yêu cầu phát triển ngành trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Việc nâng cao nhận thức này cần có sự chuyển biến từ các cấp quản lý ngành, quản lý doanh nghiệp du lịch.
– Hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế
Với việc nhận thức được nâng cao, cần thiết phải bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là chính sách khuyến khích kèm theo các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ khi sử dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế phục vụ hoạt động phát triển du lịch.
Khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao khả năng tiếp cận các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế, trước hết là các kết quả ở các nước trong khu vực trong lĩnh vực du lịch.
Xây dựng các chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ “xanh” đã thành công ở khu vực và quốc tế vào hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam.
– Nâng cao năng lực ứng dụng và phổ biến kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế phục vụ phát triển du lịch
Thành lập và tăng cường năng lực Hội đồng KHCN ngành du lịch làm nòng cốt tham mưu các định hướng phát triển và ứng dụng KHCN, trong đó có ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế cho hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch ở Việt Nam.
Tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của các tổ chức KHCN trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch. Các lĩnh vực cần được ưu tiên tăng cường năng lực là trao đổi thông tin KHCN với các tổ chức KHCN khu vực và quốc tế; hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật (trang WEB phổ biến thông tin KHCN, thư viện); năng lực đội ngũ, đặc biệt là các cán bộ khoa học đầu ngành du lịch.
Đây là yếu tố quan trọng để KHCN thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu quản lý và ứng dụng đối với các vấn đề đặt ra cho phát triển du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, cần chú trọng hợp tác và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ quốc tế thông qua các dự án, trước mắt là dự án của Cộng đồng Châu Âu (EU) đối với ngành du lịch giai đoạn 2011-2015.
Tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức KHCN và các cán bộ khoa học, đặc biệt là các bộ khoa học đầu ngành được tiếp cận với tài liệu KHCN hoặc thông tin có giá trị cho nghiên cứu có được bởi sự tham gia/đóng phí của Việt Nam được tiếp nhận và lưu trữ tại các đầu mối Hợp tác quốc tế. Điều này sẽ giúp cho việc nghiên cứu, ứng dụng kết quả KHCN quốc tế vào thực tiễn quản lý, kinh doanh du lịch ở Việt Nam thuận lợi và có hiệu quả hơn.
Quan tâm và tạo điều kiện đầy đủ để các cán bộ khoa học được tham gia tích cực vào các hoạt động nghiên cứu KHCN, các hội nghị/hội thảo mang tầm khu vực và quốc tế qua đó việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế sẽ nâng cao được tính cập nhật và hiệu quả.
Tạo điều kiện để các cán bộ khoa học nâng cao năng lực ngoại ngữ, qua đó có thể tự tin hơn trong hoạt động KHCN ở tầm khu vực và quốc tế cũng như nghiên cứu chọn lọc các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế ứng dụng vào hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch ở Việt Nam.
Tăng cường ngân sách cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, bao gồm cả ngân sách cho hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN, tạo cơ hội tự chủ cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng kết quả KHCN quốc tế.
Tăng cường năng lực hệ thống phổ biến thông tin KHCN bao gồm cả các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế. Trước mắt đó là nâng cao tính hiệu quả của các WEBSITE của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch trở thành những địa chỉ tin cậy thông tin về các kết quả nghiên cứu KHCN quốc tế.
– Tăng cường hợp tác quốc tế, liên kết trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tổ chức KHCN khu vực và quốc tế Đây là định hướng quan trọng để tăng cường hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu KHCN trong thực tiễn phát triển du lịch ở Việt Nam. Điều này cũng sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch Việt Nam ngày một hội nhập sâu hơn với du lịch khu vực và quốc tế.
Để thực hiện được giải pháp này, trước hết cần có một chiến lược hợp tác KHCN giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế; ưu tiên hợp tác với các tổ chức KHCN quốc tế về du lịch.
Tạo điều kiện về cơ sở pháp lý và ngân sách cho việc thực hiện các kế hoạch mời các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế về du lịch sang Việt Nam trao đổi và giảng dạy các vấn đề KHCN trong lĩnh vực du lịch.
Tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các dự án nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch mang tính khu vực và quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Trung Lương, Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học trong du lịch: Những vấn đề đặt ra. Tuyển tập Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học trong du lịch”, Hà Nội, 15/6/2006.
2. Phạm Trung Lương, Khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch biển. Tuyển tập Hội thảo “Khoa học công nghệ phục vụ quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở Việt Nam”. Đồ Sơn, Hải Phòng, 2-3/12/2010.
3. Phạm Trung Lương, Khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch: Hiện trạng và giải pháp”. Tuyển tập Hội thảo “Hoạt động KHCN của Bộ VHTTDL: Thực trạng và định hướng phát triển đến năm 2020”. TP. HCM, 31/3/2012.
4. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch: Chặng đường 25 năm phát triển 1998-2013. Kỷ yếu Kỷ niệm 25 năm thành lập Viện NCPT Du lịch. Hà Nội, 2013.
Nguồn: Bộ văn hóa, thể thao và du lịch “Hội nghị –
Hội thảo tập huấn về công tác nghiên cứu khoa học năm 2013”
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giải pháp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ quốc tế phục vụ phát triển du lịch ở Việt Nam (Tác giả: PGS. TS. Phạm Trung Lương) |