Giáo dục cho phụ nữ: từ Pháp đến Việt Nam thế kỉ XIX-XX
ÉDUCATION DES FILLES: DE FRANCE AU VIETNAMAUX XIXE ET XXE SIÈCLES
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN HOA MAI
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Ở Pháp, năm 1850, Đạo luật Falloux ra đời thiết lập quyền tự do của giáo dục trung học, trong đó quy định bắt buộc phải có một trường nam sinh ở mỗi xã có 500 cư dân, đồng thời phải thành lập một trường nữ sinh ở mỗi xã có từ 800 cư dân trở lên. Tiếp thu tư tưởng đó, ở Đông Dương, từ năm 1861, chính quyền thuộc địa Pháp thiết lập nền giáo dục Tây học, ban đầu là Nam Kỳ rồi Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1917, nền giáo dục Pháp-Việt được xác lập ở Việt Nam qua việc Toàn quyền Albert Saraut ban hành Học chính Tổng quy (1917). Học chính quy định bên cạnh việc mở các trường tiểu học ở các xã cho con trai thì tại các tỉnh cũng có thể mở ít nhất một trường công cho nữ giới. Nội dung giáo dục như nam sinh và bổ sung thêm một số môn học dành riêng cho nữ. Nhờ đó, nhận thức của xã hội về phụ nữ, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội được thay đổi đáng kể. Nhiều phụ nữ tham gia viết văn, làm báo, dạy học, kinh doanh… sau này, tham gia hoạt động cách mạng.
Từ khóa: Giáo dục nữ, giáo dục thời thuộc địa, giáo dục cận đại, hậu thuộc địa.
RÉSUMÉ
En France, en 1850, la loi Falloux a été établie et a instauré les droits de liberté de l’enseignement secondaire dont la création obligatoire d’une école de garçons dans chaque commune de 500 habitants et à la fois une école de filles dans chaque commune de 800 habitants ou plus. Absorbant cette pensée, en Indochine, dès 1861, le gouvernement colonial français a mis en place une éducation occidentale, d’abord en Cochinchine, puis au Tonkin et à l’Annam. En 1917, l’enseignement franco-vietnamien a été créé au Vietnam par la promulgation de Règlement Général de l’Instruction Publique par le gouverneur Albert Saraut (1917). L’Instruction Publique règle d’ouvrir des écoles primaires pour les garçons dans les communes et il est possible d’ouvrir au moins une école publique pour les femmes dans les provinces. Le contenu de l’enseignement est comme celui pour les garçons en complétant certaines matières spécifiques pour les filles. Grâce à cela, la conscience de la société envers les femmes, le rôle des femmes dans la famille et dans la société ont été considérablement modifiés. Un grand nombre de femmes ont participé à l’écriture, au journalisme, à l’enseignement, aux affaires … plus tard, ont participé à des activités révolutionnaires.
Mots clés: Éducation des filles, éducation coloniale, éducation moderne, éducation postcoloniale.
x
x x
1. Giáo dục cho phụ nữ tại Pháp
1.1. Một số biến đổi căn bản về tư tưởng và giáo dục ở châu Âu thế kỉ XIX
Thế kỉ XIX đánh dấu sự ra đời của nhiều phát minh vĩ đại, làm thay đổi cuộc sống của con người trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những phát minh này tác động mạnh mẽ đến châu Âu, làm cho châu Âu phát triển nhanh chóng, lượng của cải vật chất được tạo ra trong sản xuất ngày càng nhiều, quy mô sản xuất được mở rộng. Nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh, đặt ra yêu cầu bức thiết về thị trường. Chủ nghĩa tư bản buộc phải tìm kiếm thuộc địa để tiêu thụ sản phẩm. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những cuộc chiến tranh xâm lược các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước phương Đông, biến các quốc gia này thành thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, mua bán nguyên vật liệu, khai thác sức lao động và xuất khẩu tư bản của các nước đế quốc. Đến năm 1914, các nước đế quốc Anh, Nga, Pháp, Đức, Mĩ, Nhật chiếm một khu vực thuộc địa rộng 65 triệu km2 với số dân 523,4 triệu người (so với diện tích các nước đó là 16,5 triệu km2 và dân số 437,2 triệu). Riêng diện tích các thuộc địa của Pháp là 10,6 triệu km2 với số dân 55,5 triệu (so với diện tích nước Pháp là 0,5 triệu km2 và dân số 39,6 triệu người) (Lênin, 1974). Các nước đế quốc thực hiện chính sách khai thác thuộc địa làm cho quan hệ xã hội của các nước thuộc địa biến đổi căn bản. Các nước thuộc địa bị lôi cuốn vào quỹ đạo tư bản chủ nghĩa. “Giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. […] Mà sản xuất vật chất đã như thế thì sản xuất tinh thần cũng không kém như thế. Những thành quả của hoạt động tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc” (Mác & Ăng-ghen, 1995). Chính bản thân chủ nghĩa đế quốc xâm lược, thống trị các thuộc địa lại tạo cho các dân tộc bị chinh phục những phương tiện và phương pháp để tự giải phóng. Sự thức tỉnh về ý thức dân tộc và phong trào đấu tranh dân tộc để tự giải phóng, giành lại độc lập của các nước thuộc địa chịu tác động sâu sắc của chính sách xâm lược và thống trị của chủ nghĩa thực dân.
Giai đoạn này, các trào lưu tư tưởng ra đời ở phương Tây từ trước đó (triết học Khai sáng) có điều kiện kiểm chứng và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, một số tư tưởng triết học mới ra đời làm thay đổi nhận thức và thế giới quan của con người. Những cuộc cách mạng tư sản đã tạo điều kiện giải phóng con người khỏi những sự kiềm chế độc đoán của chế độ phong kiến. Con người ngày càng có ý thức về quyền tự do của các cá nhân và quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Trong điều kiện như vậy, những học thuyết về quyền tự do cá nhân và quyền của các dân tộc đã được hình thành. Theo đó, cá nhân có thể làm bất cứ điều gì miễn là không hại tới người khác, không ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác. Quyền của các dân tộc có hai quan điểm trái ngược nhau: (1) mỗi dân tộc đều có quyền chọn cách sống riêng cho dân tộc mình, không dân tộc nào khác có quyền xâm phạm. (2) có dân tộc siêu đẳng hơn, có sứ mệnh phải giúp các dân tộc khác khai hóa văn minh, chỉ bảo cho các dân tộc kém hơn cách sống hợp lí. Từ đó, họ nảy sinh tư tưởng xây dựng một xã hội hạn chế bóc lột, hạn chế sự cách biệt giàu nghèo, khắc phục những mặt tiêu cực của xã hội tư bản. Tiêu biểu cho các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng của thế kỉ XIX là Saint Simon, Charles Fourrier và Robert Owen. Học thuyết của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng đầy tính nhân văn nhưng đều thất bại trên thực tế. Tuy nhiên, những tư tưởng của họ đã ảnh hưởng quan trọng tới sự ra đời học thuyết về chủ nghĩa xã hội khoa học sau này do C. Mac (1818-1883) và Ph. Ăngghen (1820-1895) xây dựng. Đến đầu thế kỉ XX, V.I. Lênin đã phát triển thêm lý luận của Mác – Ăngghen và vận dụng lí luận đó vào hoàn cảnh nước Nga, chỉ đạo phong trào đấu tranh giai cấp ở Nga đi tới thắng lợi mà tiêu biểu nhất là cuộc Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.
Giai đoạn này, giáo dục châu Âu chuyển dần sang hiện đại. Nhiều lý luận về giáo dục mới xuất hiện, như: giáo dục thực dụng chủ nghĩa, giáo dục công dân, giáo dục thực nghiệm… Tư tưởng hiện đại coi giáo dục là vạn năng, có vai trò to lớn trong thay đổi xã hội; yêu cầu giáo dục con người phát triển toàn diện, đạo đức, trí tuệ, thể chất và kỹ năng lao động; coi trọng khoa học tự nhiên – kỹ thuật và chú trọng đến các phương pháp dạy học tích cực, coi trọng thực hành… Mặt khác, giáo dục được coi là nhu cầu chính đáng của mọi công dân, đề cao lý luận sư phạm, tôn trọng nhân cách của học sinh xuất hiện trong tư tưởng của các nhà giáo dục hiện đại. Thí dụ như: “Nhà trường mới” của Reddie (Anh); “Nền giáo dục công dân” và “Nhà trường lao động” của Kerschensteiner (Đức); “Giáo dục thực nghiệm” của Alfred Binet (Pháp); “Giáo dục thực dụng” của Jonh Dewey, William James (Mĩ)… Theo đó, nội dung giáo dục được chú trọng nhiều mặt: đức dục, trí dục, thể dục,… Giáo dục cũng cần chú ý giáo dục con người mới, có phẩm chất và năng lực cần có của người lao động trong một nền công nghiệp hiện đại.
1.2. Sự hình thành nền giáo dục mới tại Pháp
Nước Cộng hòa Pháp được thiết lập từ sau cuộc Cách mạng 1789. Mục tiêu của nhà nước tư sản kiểu mới này là “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Tháng 8/1789, Quốc hội lập hiến thông qua “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” gồm 17 điều khoản và có ba nội dung lớn sau:
– Khẳng định quyền tự do của công dân;
– Khẳng định những nguyên tắc dân chủ quan trọng nhất trong xã hội: quyền được tồn tại, lập nghiệp, tự do tín ngưỡng, tự do lựa chọn chính thể;
– Phủ nhận toàn bộ pháp chế phong kiến, đề cao tinh thần dân chủ trong quyền lực.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp và châu Âu, chủ quyền tối cao được tuyên bố thuộc về nhân dân (Chiến, 1997). Nhà nước thực hiện dân chủ hóa mọi hoạt động giáo dục, văn hóa để tất cả trẻ em, thanh niên và mọi công dân Pháp có cùng điều kiện phát triển về thể chất và tinh thần.
Trong bối cảnh đó, giáo dục có nhiều thay đổi tích cực, đưa nước Pháp lên hàng những quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất châu Âu thời bấy giờ với nhiều nhân tố hiện đại. Trước thế kỉ XIX, giáo dục tại Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo hội và chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Chỉ trẻ em trong các gia đình giàu có mới được đi học. Do đó, phần lớn dân số không biết chữ. Trẻ em trong các gia đình công nhân thay vì đến trường thì hầu như phải đi làm trong các công xưởng nên không có cơ hội phát triển văn hóa. Sự bất bình đẳng về cơ hội thụ hưởng giáo dục do sự bất bình đẳng xã hội gây ra đã không còn duy trì khi nhà nước cải tổ giáo dục và quyết tâm xóa bỏ lao động trẻ em.
Khởi đầu cho quá trình đó là Đạo luật Guizot (tháng 6/1833) yêu cầu mỗi xã trên 600 dân phải có một trường tiểu học cho nam. Những xã ít hơn có thể gộp lại để duy trì ít nhất một trường tiểu học chung (Louis-Philippe, 1833). Giáo dục tiểu học có hai loại hình là tư nhân và công lập. Bên cạnh đó, mỗi đô thị phải có một trường cao đẳng đào tạo giáo viên. Luật cũng quy định giáo viên cần có chứng chỉ tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm mới được dạy học (Louis-Philippe, 1833). Nhờ đó, hơn 300 trường học đã được mở vào năm 1834. Điều kiện làm việc cũng như vị thế của giáo viên được cải thiện đáng kể. Họ được trang bị nhà ở và trả lương theo quy định, ít nhất là 100 france mỗi năm. Tuy nhiên, trường tiểu học vẫn là trách nhiệm của địa phương và trường vẫn chỉ dành cho nam sinh; giáo dục nữ chưa được nhắc tới (Louis-Philippe, 1833).
Năm 1850, Đạo luật Falloux ra đời, bổ sung và thay thế một số điều của Đạo luật 1833. Luật này thiết lập quyền tự do của giáo dục trung học; giáo dục giáo phái vẫn tiếp tục được vận hành. Luật Falloux bắt buộc phải có một trường nam sinh ở mỗi xã có 500 cư dân, đồng thời phải thành lập một trường nữ sinh ở mỗi xã có từ 800 cư dân trở lên (Jules Ferry, 1881). Nội dung giáo dục bao gồm: đạo đức và tôn giáo; đọc sách; viết; các yếu tố của ngôn ngữ Pháp; tính toán, hệ thống pháp lý; số học áp dụng cho các hoạt động thực tiễn; lịch sử, địa lý; khoa học vật lý và lịch sử tự nhiên; hướng dẫn cơ bản về nông nghiệp, công nghiệp và vệ sinh; khảo sát, san lấp mặt bằng, vẽ tuyến tính; ca hát và thể dục dụng cụ… Luật Falloux chính thức hóa tính hai mặt của các hệ thống giáo dục, bên cạnh giáo dục công lập do nhà nước tài trợ có thể phát triển một nền giáo dục tư thục “miễn phí” trong các trường Công giáo. Luật Falloux trao cho Giáo hội Công giáo quyền kiểm soát đối với tổ chức, chương trình và bổ nhiệm giáo viên giáo dục công.
Giáo dục Pháp thời cận đại thay đổi đáng kể khi Đạo luật Jules Ferry được thiết lập trong năm 1882. Luật đặt yêu cầu thiết lập nền giáo dục miễn phí, bắt buộc và phi tôn giáo /thế tục. Luật này quy định: Giáo dục tiểu học được cung cấp miễn phí cho tất cả trẻ em mà gia đình không thể trả tiền. Mỗi thành phố phải duy trì một hoặc nhiều trường tiểu học. Với các nơi không thể lập trường do dân số ít, có thể lập một trường cho nhiều xã. Giáo dục cho nữ bao gồm các môn học như nam sinh nhưng bổ sung thêm môn khâu vá. Sự thay đổi này có ảnh hưởng đến quan niệm tổ chức giáo dục ở Đông Dương và Việt Nam. Nhiều trường cho nữ sinh được mở; nền giáo dục từ dành cho một số ít tinh hoa, cho nam sinh và mang tính tôn giáo đã mở rộng sang giáo dục cho đại chúng. Bên cạnh đó, việc phi tôn giáo hay thế tục là bắt buộc đối với các trường học được thể hiện trong nội dung, chương trình giáo dục. Trong hệ thống giáo dục, họ chấp nhận các trường học của các tôn giáo nhưng chương trình học, ngôn ngữ dạy học bắt buộc phải thực hiện giống các trường thế tục. Mở rộng nội dung giáo dục ra các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật bên cạnh các môn truyền thống là ngữ văn (Pháp), tiếng La tinh và toán (Jules Ferry, 1881).
Đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, sau nhiều lần thay đổi và điều chỉnh, nền giáo dục Pháp chia làm 5 cấp: mầm non, tiểu học, trung học đệ nhất cấp, trung học đệ nhị cấp, cao đẳng – đại học. Học sinh bắt buộc phải đi học hết năm 16 tuổi, sau đó có thể lựa chọn học nghề hay tiếp tục học tập, nghiên cứu ở cấp học cao hơn.
Như vậy, đến cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, nền giáo dục tại Pháp nói chung và giáo dục cho phụ nữ nói riêng đã cơ bản hình thành. Nhiều chính sách giáo dục cho phụ nữ được quan tâm và làm thay đổi diện mạo giáo dục của quốc gia này. Chính điều này ảnh hưởng đến giáo dục Pháp thiết lập ở các quốc gia thuộc địa nói chung và Đông Dương nói riêng, trong đó có Việt Nam.
2. Giáo dục cho phụ nữ tại Việt Nam
2.1. Giáo dục phụ nữ trước thế kỉ XX
Thời phong kiến, ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, “Duy nữ tử dữ tiểu nhân, vi nan dưỡng dã, cận chi tắc bất tốn, viễn chi tắc oán” (Chỉ có phụ nữ và tiểu nhân là khó dạy, gần nó thì nó vô phép, xa nó thì nó oán hận); “đàn bà chẳng khôn khéo gì… là giống phụ thuộc đàn ông” (Báu, 2011, tr. 23-25, 36-37) và “vì tin vào thuyết âm dương, đàn bà là nhu phải thuận cương, phải tam tòng nên không chú ý đến dạy dỗ” (Nam Phong tạp chí, 1924) nên phụ nữ Việt Nam không được đi học. Bộ luật Hồng Đức được coi là tiến bộ hơn cả trong bảo vệ quyền lợi của phụ nữa cũng chỉ đề cập đến hôn nhân và điền sản; quyền giáo dục không được nhắc đến. Việc phụ nữ đi học, đi thi là phạm tội nặng, bản thân bị phạt tội, thầy dạy và cha mẹ cũng bị phạt theo. Những nhà có điều kiện sẽ thuê thầy dạy về nhà dạy học cho con gái để biết đọc, biết viết, làm thơ không để ứng thí làm quan. Do đó, trong 844 năm tồn tại khoa cử Nho giáo (tính từ khoa thi đầu tiên của nhà Lý năm 1075 đến khoa thi Hán học cuối cùng năm 1919), lịch sử Nho giáo chỉ ghi nhận sự tồn tại của 01 tiến sĩ[2]. Một số nữ sĩ, như: như Nguyễn Thị Lộ – nữ nhà giáo đầu tiên dạy học trong cung đình, được Lê Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ; Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh quan) là nữ nhà giáo nổi tiếng đất Thăng Long, được vua phong là Cung trung giáo tập; Đoàn Thị Điểm nổi tiếng giỏi Hán Nôm và diễn Nôm nhiều tác phẩm chữ Hán; Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm, học rộng tài cao… là những trường hợp hiếm hoi trong suốt thời kỳ quân chủ phong kiến Việt Nam. Điều này càng góp phần làm cho giá trị “bình đẳng” của văn hóa phương Tây nói chung và văn hóa Pháp nói riêng có dịp được tiếp nhận, chào đón tại Việt Nam.
2.2. Giáo dục cho nữ giới trong nhà trường thời Pháp
Xuất phát từ yêu cầu của việc cai trị, chính quyền thuộc địa thiết lập nền giáo dục Tây học ở Việt Nam, ban đầu là Nam Kỳ rồi Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Ở Nam Kỳ, vì sự hỗn loạn của tình hình chiến sự và thái độ bất hợp tác của dân chúng, nền giáo dục được định hình và tiến dần đến sự ổn định từ khi Quy chế 1874 và sau đó là Quy chế 1879 của nhà cầm quyền Pháp được ban hành. Bắc Kỳ từ khi có Hiệp ước Patenôtre (1884), trải qua nhiều đời Toàn quyền Đông Dương, giáo dục dần ổn định. Khởi xướng cho công cuộc này là Paul Bert (năm 1886) rồi Paul Beau cải cách giáo dục năm 1906. Klobokowsky và Albert Sarraut tiếp tục công việc này. Theo đó, chính quyền thực dân đã chấp nhận tình trạng song hành tồn tại của hai nền giáo dục: Nho học và Tây học. Năm 1917, khi nhậm chức Toàn quyền Đông Dương (lần thứ 2), Albert Sarraut xác lập nền giáo dục ở Việt Nam qua việc ban hành Học chính Tổng quy (1917). Từ đó, nền giáo dục Bắc Kỳ và Trung Kỳ tương đối ổn định, Nam Kỳ chủ yếu vẫn theo Quy chế 1874 và 1879. Sau đó, Martial Merlin và Alexandre Varenne điều chỉnh một số nội dung về hệ thống tổ chức và chương trình học để phù hợp với đối tượng tiếp nhận là người bản xứ. Quá trình chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Nho học sang Tây học đã phản ánh sự tiếp xúc, ảnh hưởng, tiếp thu và biến đổi các yếu tố văn hóa Pháp trong nền giáo dục ở Việt Nam.
Cùng nằm trong chính sách thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây là “có sự trùng khớp giữa chinh phục tinh thần và chinh phục quyền lực” (Thảo, 2009, tr. 99) nên giáo dục cũng chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng thời bấy giờ mà tiêu biểu là tư tưởng nhân văn của thời Phục hưng và Ánh sáng. Bản chất của tư tưởng này là giải phóng con người, giải phóng cái tôi trong đó có tri thức. Và do đó, tư tưởng giáo dục tiến bộ được đề cao. Đó là: giáo dục được coi là vạn năng, có thể thay đổi được xã hội, cần thực hiện giáo dục toàn diện: đạo đức, trí thuệ, thể chất và kỹ năng lao động; coi trọng khoa học tự nhiên và khả năng thực hành… Có thể khái quát đặc điểm của giáo dục thế tục thế kỉ XVIII – XIX là: dùng tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ địa phương hay ngôn ngữ dân tộc làm quốc ngữ thay thế cho tiếng La-tinh; việc giảng dạy các môn khoa học được xây dựng thành chương trình, nhất là khoa học tự nhiên, kỹ thuật; phương pháp sư phạm khoa học hơn bằng việc chú trọng đến tâm sinh lý người học, áp dụng phương pháp dạy học tích cực và chú ý tới trực quan sinh động (Oánh, 2004, tr. 138).
Năm 1917, Học chính Tổng quy được ban hành đã quy định bên cạnh việc mở các trường tiểu học ở các xã cho con trai thì tại các tỉnh cũng có thể mở ít nhất một trường công cho nữ giới. Trong trường hợp chưa có trường riêng cho con gái, thì con trai, con gái có thể học chung một trường, nhưng phải tổ chức dạy riêng cho con gái. Chỉ các tỉnh lỵ lớn mới có trường Sơ học hay Tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Trường Cao đẳng tiểu học chỉ có ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, còn bậc trung học (Tú tài bản xứ) không có trường riêng cho nữ sinh. Tuy tỉ lệ nữ sinh so với nam sinh còn thấp nhưng so với nền giáo dục trước đó là một bước tiến bộ không tưởng. Điều đó được thể hiện qua một số số liệu sau:
Bảng 1. Số nữ sinh từ năm 1929-1942
Năm | Số nữ sinh | Tổng số học sinh | Tỉ lệ |
1929 | 30.000 | 112.920 | 24% |
1930-1931 | 38.984 | 319.792 | 12% |
1938-1939 | 72.000 | 524.322 | 13% |
1941-1942 | 85.447 | 616.975 | 13% |
Số học sinh chủ yếu ở các thành phố lớn và các thị trấn, ở các làng quê, số học sinh không nhiều (Xem thống kê Bảng 2).
Bảng 2. Số nữ sinh nông thôn
Năm | Số nữ sinh nông thôn/ tổng số nữ sinh | Số học sinh nông thôn/ tống số học sinh |
1929 | 965/30.000 | 25.502/112.920 |
Số lượng nữ sinh càng ở các bậc cao càng thấp (Xem thống kê Bảng 3).
Bảng 3. Nữ sinh các cấp học năm học 1941-1942 (Thảo, 2009)
Năm | Tổng số | Nữ sinh sơ học và Tiểu học | Nữ sinh Cao đẳng tiểu học | Nữ sinh Trung học |
1941-1942 | 85.447 | 90.996 | 1096 | 37 |
Tuy nhiên, nhiều người trong số họ đã tiếp tục vào học ở Đại học Đông Dương (chưa kể nhiều người đi du học tại Pháp). Các Trường Cao đẳng Y khoa, Trường cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Nông lâm cũng nhận các sinh viên nữ. Trong các trường dạy nghề năm 1941-1942 cũng có khoảng 900 nữ sinh (Thảo, 2009). Nữ giáo viên khoảng 1000 người (Ký, 1995, tr. 138). Số lượng nữ sinh tuy chiếm tỉ lệ nhỏ trong dân số, nhưng thực sự là thay đổi đáng kể trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung. Đó là một bước chuyển tiếp quan trọng trong nhận thức xã hội về nữ giới.
2.3. Ba trường nữ sinh tiêu biểu
Trường Đồng Khánh (Hà Nội), được thành lập năm 1917, chỉ dành cho nữ sinh. Từ mái trường này, nhiều học sinh đã trưởng thành, trở thành những người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Đó là bà Lê Thi, giáo sư chính trị, con gái học giả Dương Quảng Hàm, một trong hai thiếu nữ được cử kéo cờ ngày 2-9-1945; bà Hoàng Xuân Sính, giáo sư toán học, nữ tiến sĩ khoa học ngành Toán đầu tiên của Việt Nam, sáng lập Trường đại học Thăng Long.
Trường Đồng Khánh (Huế) được thành lập năm 1917, lúc đầu chỉ có bậc tiểu học và chỉ tiếp nhận nữ sinh. Sau đó trường mở các lớp trung học đến lớp đệ tứ, trở thành trường trung – tiểu học, mang tên là “Collège Đồng Khánh”. Năm 1920, trường tuyển khóa trung học đầu tiên. Năm học 1922-1923 số học sinh sơ học là 358 học sinh, học sinh bậc trung học là 35 người (Thảo, 2009, tr. 130). Khóa đầu tiên tốt nghiệp năm 1924 gồm có 8 bà. Năm 1930, số học sinh nữ ở Trung Kỳ là 1986 người, trong đó có 47 người học lớp Sư phạm và 494 người học lớp Cao đẳng tiểu học (Vỹ, 2006, tr. 92).
Trường Nữ sinh Áo Tím (Sài Gòn), chính thức mở cửa tiếp nhận nữ sinh vào năm 1915, lúc đầu chỉ có bậc tiểu học. Đồng phục của nữ sinh là màu tím, nên trường mang tên là Trường Áo Tím. Tháng 9-1922, trường thành lập ban trung học, đặt tên là Collègedes Jeunes Filles indigènes nhưng trường vẫn được gọi là trường Áo Tím. Đây là trường nữ công lập duy nhất trong hệ thống các trường Pháp-Việt của Nam Kỳ có ban Thành chung. Năm học đầu tiên có 42 nữ sinh chủ yếu ở khu vực thành phố, cũng có một số nữ sinh đến từ các tỉnh lân cận. Trường có các lớp từ Đồng ấu đến lớp Cao đẳng. Tốt nghiệp, học sinh được cấp bằng sơ học. Đến tháng 9/1922, trường có 226 học sinh sơ học và có thêm Nữ học đường với 24 học sinh (Thảo, 2009). Lúc đầu, học sinh vào học chia làm hai ban: ban Sư phạm (học ra làm giáo viên) và ban Phổ thông. Tốt nghiệp, học sinh được nhận bằng Thành chung. Năm 1940, Nha Học Chính Nam Kỳ đổi tên trường là Collège Gia Long – trường Gia Long. Sau này, khi lập các lớp Trung học đệ nhị cấp (tương đương THPT ngày nay) và bãi bỏ các lớp tiểu học, tên trường được đổi thành Lycée Gia Long.
Học sinh phải qua một kỳ thi tuyển rất gắt gao vào lớp đệ nhất niên, trường tiếp nhận có giới hạn. Trong các môn thi tuyển có toán và Pháp văn. Năm 1939, học sinh thi vào Đồng Khánh (Huế) rất đông, nhưng chỉ tuyển 2 lớp, mỗi lớp 40 học sinh.
2.4. Nội dung chương trình giảng dạy
Các lớp của chương trình Pháp-Việt được áp dụng thống nhất cả nước. Học sinh học bằng tiếng Pháp tất cả các môn. Nhưng điểm khác biệt với chương trình Pháp là có một số giờ tiếng Việt, từ 1 đến 2 giờ/tuần. Chương trình bậc cao đẳng tiểu học, gọi là thành chung, gồm những môn thuộc các lĩnh vực chuyên môn như sau: Khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, vạn vật); khoa học xã hội và nhân văn (Pháp văn, sử – địa, luân lý, Việt văn. Học sinh học sử – địa của Pháp và của Việt Nam); các môn năng khiếu hoặc được xem là phụ (vẽ, nhạc, họa, thể dục, nữ công, gia chánh, dưỡng nhi); các hoạt động ngoại khóa (du ngoạn, cắm trại, văn nghệ).
Trường có nội trú cho học sinh ở tỉnh. Cha mẹ học sinh phải đóng tiền cho con vào nội trú. Một số học sinh ở ngay tại Huế cũng xin vào nội trú được. Trường Đồng Khánh (Huế) bố trí các dãy giường cho học sinh, chia ra theo khối lớp. Ngoài nơi ngủ và phòng học, còn có nhà chơi khá rộng, phòng ăn, nhà bếp, nhà giặt. Có một phòng y tế. Học sinh nội trú tuân thủ một nội quy rất rõ ràng, có giờ học, giờ chơi, giờ ngủ. Có tổng giám thị và các giám thị quản lý khá chặt chẽ. Cuối tuần học sinh được gia đình hoặc người bảo trợ đón về nhà. Chiều thứ năm nữ sinh được các giám thị đưa đi dạo, thăm các thắng cảnh của thành phố (Dư và nnk., 2014).
Bảng 4. Số lượng giáo viên và học sinh bậc cao đẳng tiểu học nữ năm 1922-1923
(Thảo, 2009, tr. 154)
Trường/1922-1923 |
Đội ngũ giáo viên |
Học sinh |
||
Người Âu |
Người bản xứ |
Bậc sơ học |
Bậc trung học |
|
Trung học Đồng Khánh |
5 |
7 |
358 |
35 |
Trung học Nữ Sài Gòn |
28 |
12 |
226 |
24 |
Trung học Nữ Hà Nội |
10 |
6 |
129 |
|
Trường Sư phạm Hà Nội |
|
|
|
46 |
Tổng cộng |
43 |
23 |
713 |
105 |
Bảng 5. Số lượng trung học và cao đẳng tiểu học nữ năm 1941-1942 (Thảo, 2009, tr. 156)
Trung Kỳ | Cao Miên | Nam Kỳ | Lào | Bắc Kỳ | 1941- 1942 | 1940- 1941 | |
Trung học (hỗn hợp) | |||||||
Số học sinh | 10 | 6 | 11 | – | 10 | 37 | 49 |
Cao đẳng tiểu học | |||||||
Số trường | 1 | – | 1 | – | 1 | 3 | 3 |
Số học sinh | 147 | 62 | 404 | 24 | 359 | 1096 | 1035 |
Số học sinh chủ yếu ở các thành phố lớn và các thị trấn, ở các làng quê, số học sinh không nhiều. Số lượng nữ sinh càng ở các bậc cao càng thấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều người trong số họ đã tiếp tục vào học ở Đại học Đông Dương (chưa kể nhiều người đi du học tại Pháp). Các Trường Cao đẳng Y khoa, Trường cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng Nông lâm cũng nhận các sinh viên nữ. Trong các trường dạy nghề năm 1941-1942 cũng có khoảng 900 nữ sinh (Thảo, 2009, tr. 152). Nữ giáo viên khoảng 1.000 người (Aditiany, Savitri, 2016, p.761-771). Số lượng nữ sinh tuy chiếm tỉ lệ nhỏ trong dân số, nhưng thực sự là thay đổi đáng kể trong đời sống của người phụ nữ Việt Nam nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung. Đó là một bước chuyển tiếp quan trọng trong nhận thức xã hội về nữ giới – một sự thay đổi về chất đối với một nền giáo dục, một nền văn hóa. Người Việt Nam đã tiếp nhận tinh thần nhân văn ấy nên đã tích cực tham gia, hưởng ứng nền giáo dục do người Pháp tổ chức.
Nữ sinh được học toàn diện như các nam sinh: văn hóa, dạy tiếng Pháp và bổ sung các môn học dành riêng cho nữ. Đó là: vệ sinh thân thể và và các quy tắc vệ sinh nhà cửa cần thiết; những khái niệm cơ bản về y học thực hành; sơ cứu người bị chất đuối, sét đánh, hô hấp nhân tạo; giữ sạch quần áo và đồ lót; giữ môi trường xung quanh nhà sạch sẽ; hướng dẫn dọn dẹp các phòng trong nhà; việc chiếu sáng, mối nguy hiểm từ việc dung dầu hỏa; dụng cụ nấu ăn, cách nấu cơm, gọt hoa quả, nhóm bếp; chuẩn bị bữa ăn theo kiểu bản xứ; đi chợ, chọn thực phẩm, cách tiết kiệm chi tiêu; kháiniệm sơ đẳng về nuôi trẻ: chăm sóc trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng, tránh một số thói quen của người bản xứ, chăm sóc các giác quan của trẻ; tắm gội và giặt quần áo sạch sẽ (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 382).
Việc mở các trường nữ sinh thể hiện sự thay đổi căn bản trong quan niệm xã hội về vai trò, vị trí trong gia đình xã hội của phụ nữ; góp phần quan trọng giải phóng phụ nữ, đấu tranh bình quyền và nâng cao đời sống nhân dân. Một số quan điểm tích cực cho rằng: “Dạy học cho nữ giới là vô cùng quan trọng bởi vì nữ giới sẽ là những bổ trợ tuyệt vời trong việc giáo dục trẻ thơ” (Dẫn theo Thảo, 2009, tr. 113) hay “giáo dục sẽ nâng cao tinh thần và trình độ đạo đức cho nữ giới, tăng sự đánh giá và tôn trọng cần thiết đối với họ” (Dẫn theo Thảo, 2009, tr. 113). Đặc biệt, trường học đã góp phần quan trọng thay đổi nhận thức của xã hội nói chung và nữ giới nói riêng về vai trò của giới nữ trong gia đình và xã hội. Nữ giới được bình quyền với nam giới, có quyền và có khả năng tham gia vào các không gian xã hội khác nhau vốn thuộc về nam giới. Họ không còn bị giới hạn trong không gian gia đình như trước đây. Người phụ nữ cảm nhận được sự tự do và nỗ lực thực hiện sự tự do của mình. Có thể nói, vai trò của giáo dục mới và vai trò của chính những cô giáo Pháp trong các trường học giữ vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, trường học cũng góp phần quan trọng tạo ra một thế hệ nữ trí thức, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đương thời và về sau.
___________
[2] Nguyễn Thị Duệ (1573-1654), quê Chí Linh, Hải Dương. Bà lấy tên giả là Nguyễn Du cải nam đi thi và đã đỗ đầu kỳ thi Hội năm vào đời nhà Mạc (ở Cao Bằng). Vua Mạc Kính Cung đã phát hiện nhưng không khép tội mà còn khen ngợi tinh thần hiếu học và tài cao học rộng của bà. Sau đó, Nguyễn Thị Duệ được mời vào cung để dạy học cho các phi tần. Đến khi Lê – Trịnh tiêu diệt nhà Mạc, chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Aditiany, Savitri. (2016). The influence of French Colonialism on Vietnam’s culture,
I J A B E R (Vol. 14, (2)), pp.761-771.
2. Báu, P.T. (2011). Trần Trọng Kim với bộ sách giáo khoa bậc sơ học. Tạp chí Xưa & Nay (Số 381 (6)), tr. 23-25, 36-37.
3. Chiến, N.Q. (1997). Cộng hòa Pháp: bức tranh toàn cảnh, Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật.
4. Dư, T.T.N., Rolland, D., Nhận, N.T., & Phượng, B.T. (2014). Trường học PhápViệt trong thời kỳ 1920-1945 và sự hình thành tầng lớp nữ tri thức, trường hợp hai trường nữ trung học Đồng Khánh và Áo Tím. Trung tâm Nghiên cứu Giới và xã hội (Trường Đại học Hoa Sen) và INALCO Paris.
5. Ký, N.V. (1995). La societe’ vietnamienne face a` la modernite. le Tonkin de la fin du XIXe sieccle a` laseconde guerre mondiale, Paris: L Harmattan, ell, Recherches asatiques.
6. Louis-Philippe. (1833). La loi Guizot. Truy cập ngày 29/3/2019 từ
http://www.education.gouv.fr/cid101161/loi-sur-l-instruction-primaire-loi-guizot-du-28-
juin-1833.html&xtmc=rapport&xtnp=7&xtcr=125
7. Jules Ferry. (1881). La loi Ferry. Truy cập ngày 29/3/2019 từ
http://www.education.gouv.fr/cid101161/loi-sur-l-instruction-primaire-loi-ferry-du-28-juin-1833.html&xtmc=rapport&xtnp=7&xtcr=125
8. Lênin, V.I. (1974). Toàn tập, t.27. Mátxcơva: Nxb Tiến bộ.
9. Mác, C., & Ăng-ghen, Ph. (1995). Toàn tập, t.4. Hà Nội: Nxb Chính trị Quốc gia –
Sự thật.
10. Nam Phong tạp chí, số ra tháng 4/1924.
11. Oánh, Đ.H. (2004). Sơ lược lịch sử giáo dục. TP Hồ Chí Minh: Nxb.Đại học Quốc
gia TP Hồ Chí Minh.
12. Thảo, T.V. (2009). Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Hà Nội: Nxb.Tri thức.
13. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016), Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Hà Nội: Nxb.Thông tin và Truyền thông.
14. Vỹ, N. (2006). Tuấn – Chàng trai nước Việt. Hà Nội: Nxb.Văn học.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giáo dục cho phụ nữ: từ Pháp đến Việt Nam thế kỉ XIX-XX (Tác giả: Nguyễn Hoa Mai) |