Giáo dục Pháp-Việt ở Đồng Nai từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX và hiện nay
L’ENSEIGNEMENT FRANCO-VIETNAMIENNE DANS LA PROVINCE DE
DONG NAI, DE LA FIN DU XIXE JUSQU’AU MILIEU DU XXE SIECLE,
AVEC CONSTAT A L’HEURE ACTUELLE
Tác giả bài viết: LÊ QUANG CẦN
TÓM TẮT
Đồng Nai nói riêng, Nam Bộ nói chung sớm tiếp thu văn hóa, giáo dục của Pháp nhất cả nước. Từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, giáo dục Pháp-Việt được định hình, phát triển, làm thay đổi văn hóa xã hội đương thời ở nước ta. Những kết quả văn hóa, giáo dục của Pháp sau khi thâm nhập vào Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng như làn gió mới, làm thay đổi tư duy, cảm xúc, lối sống, ứng xử của giới trí thức Việt. Qua đó, hình thành lớp trí thức mới theo nền giáo dục phương Tây. Với tinh thần yêu nước, giới trí thức Tây học đã tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại từ nền giáo dục Pháp, trở về đồng hành và lãnh đạo nhân dân giải phóng dân tộc. Ngày nay, giáo dục Pháp-Việt tiếp tục có những đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung, Đồng Nai nói riêng. Bài viết khái quát giáo dục Pháp-Việt ở Đồng Nai cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX và hiện nay.
Từ khóa: Giáo dục Pháp-Việt, Đồng Nai.
RÉSUMÉ
A comparer avec ce qui se passait dans le reste du pays, la province de Dông Nai et, de manière générale, les provinces du Sud du Vietnam [“la Cochinchine” à l’époque coloniale], ont bénéficié de manière précoce des influences de la culture et de l’éducation à la française. De la fin du XIXè siècle jusqu’au milieu du XXè siècle, l’éducation franco-vietnamienne a joué son rôle de modèle de formation et de développement, ce qui a eu en effet des répercussions dans l’évolution socio-culturelle du pays d’alors. Les influences françaises en matière d’éducation et de culture étaient comme une “brise de fraîcheur” pour la société vietnamienne de l’époque, faisant évoluer les pensées et réflexions, les sensibilités et perceptions, les mœurs et coutumes chez les intellectuels vietnamiens. Ainsi a vu le jour une nouvelle génération d’intellectuels nationaux formés à l’occidental. Toujours animés par le patriotisme, ceux-ci ont assimilé, par le truchement de l’éducation française, la quintessence de la culture mondiale, puis sont revenus assumer leur rôle de compagnons ou de chefs de file au sein des mouvements de libération nationale. Aujourd’hui encore, un tel modèle d’éducation franco-vietnamien continue à contribuer de manière active à l’essor socio-économique tant au niveau national qu’au niveau provincial, pour ce qui concerne la province de Dông Nai. Notre intervention tient à donner les grandes lignes de l’école franco-vietnamienne, notamment celle dans la province de Dông Nai, durant la période fin du XIXè – début du XXè siècle.
Mots clés: Enseignement franco – vietnamien, province de Dông Nai.
x
x x
1. Khái quát giáo dục Pháp-Việt ở Nam Bộ từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Theo Từ điển Tiếng Việt: Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, để họ dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu đề ra (Thản và nnk, 2005, tr. 674). Giáo dục có thể hiểu là phương thức trao truyền văn hóa, trong đó diễn ra quá trình xã hội hóa cá nhân phù hợp với những định chế tư tưởng, chính trị, kinh tế, đạo đức và văn hóa của xã hội, dẫn đến kết quả là sự phát triển cá nhân của người học, của cả xã hội, sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia và nhân loại. Giáo dục thực hiện chức năng tái sản xuất, phát triển các giá trị xã hội thông qua quá trình cá nhân hóa những giá trị, kinh nghiệm của loài người để làm phong phú và không ngừng nâng cao những giá trị, kinh nghiệm đó tại những giai đoạn lịch sử tiếp sau của cộng đồng. Giáo dục mang tính lịch sử cụ thể; tính chất, mục đích, nhiệm vụ, nội dung, phương pháp và tổ chức giáo dục biến đổi theo các giai đoạn phát triển của xã hội, theo các chế độ chính trị – kinh tế của xã hội (Mai, 2019, tr. 36). Đồng thời, trong giáo dục, “cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ” (Hồ, 2011a, tr. 120). Do đó, trong giáo dục “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công” (Hồ, 2011b, tr. 186).
Như vậy, giáo dục Pháp-Việt là hoạt động giáo dục của người Pháp phối hợp cùng người Việt nhằm trao truyền các tri thức khoa học (ngôn ngữ, chữ viết, toán, lý, hóa, kỹ thuật…) một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của người Việt, để người Việt dần dần tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng yêu cầu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” trong trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày nay, giáo dục Pháp-Việt tiếp tục hợp tác đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa giữa hai nước Việt Nam – Pháp nói chung, tỉnh Đồng Nai và các địa phương, cơ quan của Pháp nói riêng trong xu thế hội nhập thế giới.
Từ năm 1897, sau khi cơ bản hoàn thành việc áp đặt bộ máy cai trị, người Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Song song các lĩnh vực đầu tư khai thác thuộc địa về kinh tế, chính quyền thực dân Pháp chủ động thâm nhập văn hóa, giáo dục, y tế…vào miền Đông Nam Bộ nhằm củng cố, xây dựng nền hành chính thuộc địa và cai trị lâu dài nước ta. Trong đó, lĩnh vực giáo dục được giới cầm quyền Pháp chủ động xúc tiến nhanh chóng với nhiều hình thức.
* Về chương trình giáo dục
Năm 1861, hoàn thành chiếm Gia Định, đô đốc Charner đã ký nghị định mở Trường Bá Đa Lộc (Collège d’Adran) ở đây, sau đó ở nhiều địa phương Nam Bộ, mạng lưới trường học được thành lập nhằm “dạy chữ Việt La tinh hóa cùng tiếng Pháp cho học sinh người Việt để đào tạo thông ngôn và thư ký làm việc trong các cơ quan hành chính. Lần đầu tiên, chữ Quốc ngữ đã vượt khỏi phạm vi giáo hội để thâm nhập vào đời sống xã hội người Việt Nam. Nhờ đó, chữ Quốc ngữ ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, giáo dục Việt Nam. Người Việt Nam mà trước hết là các trí thức dân tộc đã nhanh chóng tiếp nhận, cải biến, sử dụng rộng rãi, tuyên truyền trong nhân dân” (Mai, 2019, tr. 141) đáp ứng nhu cầu nâng cao tri thức của người dân thời bấy giờ.
Cơ sở đặt nền móng giáo dục Pháp-Việt sớm nhất ở Việt Nam là Quyết định số 283, ngày 17/11/1874 của Thống soái Nam Kỳ Krantz gồm 4 chương, 23 điều về chương trình giáo dục công cộng tại Nam Kỳ. Theo đó, bậc tiểu học gồm có tập đọc, tập viết chữ Quốc ngữ; học tiếng Pháp, toán Pháp sơ cấp, hình học sơ cấp, khái niệm về đo đạc sơ cấp; tổng quát về lịch sử, địa lý. Ở bậc trung học, nghiên cứu tiếng Pháp, văn học Pháp, chữ Quốc ngữ, lịch sử cổ đại và hiện đại, địa lý tổng quát, tổng quát về vũ trụ, toán học, đại số, hình học, đo diện tích và thể tích, đo đạc và lập bản đồ, vật lý và hóa học sơ cấp… (Dẫn theo Tư, 2016, tr. 292, 293).
Việc xây dựng tài liệu phục vụ giảng dạy trong trường học được chính quyền Pháp ở Nam Kỳ quan tâm. Vì vậy, “ngày 05/6/1868, Phó Đô đốc G.Ohier – Quyền Thống soái quyết định thành lập Hội đồng giáo dục gồm có Giám mục Miche ở Sài Gòn làm chủ tịch, các hội viên là L Philastre – Thanh tra bản xứ sự vụ; Jourdain, Legrand de la Lyraye, Le Mée, Colombert đều là giáo sĩ; Pétrus Trương Vĩnh Ký – Hiệu trưởng Trường Interprètes với nhiệm vụ nghiên cứu các quy tắc văn phạm tiếng Việt bậc tiểu học, đơn giản và chính xác có thể dạy cho trẻ em người Việt, giúp chúng dễ học tiếng Pháp. Sau khi cuốn sách ấy hoàn chỉnh, Ủy ban có thể tiến hành soạn một cuốn từ điển với mục đích đó bao gồm những từ phổ thông mà người Việt thường dùng” (Tư, 2016, tr. 288). Đồng thời, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ còn thành lập Hội đồng nghiên cứu tài liệu, dịch sách Trung Hoa ra chữ Quốc ngữ phục vụ giảng dạy tiếng Pháp. Do đó, “ngày 13/01/1873, Thống soái Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập Hội đồng do viên Tổng thư ký Nha Nội chính làm Chủ tịch, với các thành viên gồm có Philastre – Thanh tra hạng nhất; Robert – Hiệu trưởng trường Sư phạm; Pétrus Trương Vĩnh Ký – Giáo viên trường sư phạm làm Ủy viên thư ký. Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề liên quan đến giáo dục công cộng, chẳng hạn tìm những điều căn bản theo đó có thể lập các trường, ấn định chương trình giáo dục, tuyển chọn sách của Trung Hoa có thể dịch ra Quốc ngữ phổ biến rộng rãi” (Tư, 2016, tr. 288) đến người học.
Để tạo điều kiện giáo dục phát triển ở Nam Kỳ, khuyến khích việc học chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, “chính quyền thực dân Pháp mở trường, cấp học bổng, cho ở nội trú, cung cấp mọi tiện nghi ăn ở, quần áo, sách vở cho học sinh” (Tư, 2016, tr. 286,287). Chính quyền Pháp ở Nam Kỳ vừa thiết kế, xây dựng chương trình giảng dạy tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ, vừa rút kinh nghiệm và có sự điều chỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục thời bấy giờ. Vì vậy, “ngày 17/3/1879 Thống soái Nam Kỳ J. Lafont ban hành nghị định mới về giáo dục công cộng chi tiết hơn gồm 7 chương, 47 điều ấn định chương trình giáo dục Pháp-Việt mới tại Nam Kỳ để thay thế các văn kiện về giáo dục đã ban hành từ trước” (Tư, 2016, tr. 294). Đến năm 1906, chính quyền Pháp thành lập ở mỗi xứ thuộc Liên bang Đông Dương một Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ nhằm nghiên cứu các lĩnh vực giáo dục. Đến “năm 1913 Hội đồng đã quyết định bãi bỏ việc học chữ Hán trong các trường Pháp-Việt bậc tiểu học và bậc cao tiểu… Mỗi xã có thể lập một trường công bậc tiểu học Pháp-Việt cho con trai… Mỗi tỉnh lỵ có thể mở ít nhất một trường công bậc tiểu học cho con gái” (Tư, 2016, tr. 306-308).
Để thống nhất chương trình giáo dục, ngày 21/12/1917, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh quy định giáo dục áp dụng chung trên toàn cõi Đông Dương và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1934 và năm 147.
Bậc tiểu học có 5 khối lớp (học 5 năm): Lớp Đồng ấu thường gọi là lớp Năm (tương đương lớp 1 hiện nay); lớp Dự bị gọi là lớp Tư (lớp 2); lớp Sơ đẳng gọi là lớp Ba (lớp 3); lớp Trung đẳng tiểu học gọi là lớp Nhì (lớp 4); lớp Sơ đẳng tiểu học gọi là lớp Nhất (lớp 5).
Bậc trung học có 4 khối lớp (học 4 năm): Lớp Đệ nhất niên (tương đương lớp 6 hiện nay), Lớp Đệ nhị niên (lớp 7), Lớp Đệ tam niên (lớp 8), lớp Đệ tứ niên (lớp 9). Thời lượng Chương trình giáo dục được quy định “mỗi tuần có 27 giờ 30 phút lên lớp; trong đó, có 12 giờ chuyên học tiếng Pháp. Còn tiếng Việt và chữ Hán không được dạy quá 3 tiếng trong một tuần… Học sinh học hết năm Đệ tứ thì thi tốt nghiệp lấy bằng Cao đẳng Tiểu học” (Tư, 2016, tr. 306,307,311).
Bậc tú tài có 3 khối lớp (học 3 năm): Lớp Đệ tam niên (tương đương lớp 10 hiện nay), lớp Đệ nhị niên (lớp 11), lớp Đệ nhất niên (lớp 12). Học sinh hoàn thành Đệ nhị niên dự thi lấy bằng tú tài phần 1 và phần 2 (tú tài toàn phần). Như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông của nước ta hiện hành có kết cấu 3 cấp học tương tự Chương trình giáo dục của chính quyền Pháp xây dựng năm 1917 – Hiện thân sự tiếp nối quan hệ giáo dục Pháp-Việt đã hơn trăm năm nay.
Về tổ chức thi tốt nghiệp: Sau khi học sinh hoàn thành chương trình học cuối cấp sẽ tham gia thi tốt nghiệp. Vì vậy, “ngày 17/3/1879 Thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định giáo dục Pháp-Việt trên đất Nam Kỳ để thay thế cho tất cả các văn bản đã ban hành liên quan đến vấn đề giáo dục công cộng… Các kỳ thi gồm có 2 phần, phần thi viết và phần thi vấn đáp. Các câu hỏi thi viết thống nhất cho tất cả các trung tâm và áp dụng cùng một ngày cho mỗi kỳ thi và cho mọi cấp đều do Ủy ban giáo dục công cộng gửi từ Sài Gòn bằng phong bì gắn xi” (Tư, 2016, tr. 331). Các giai đoạn về sau, hình thức thi cử của học sinh ở Nam Kỳ không có sự thay đổi lớn trong hoạt động giáo dục Pháp-Việt đáp ứng yêu cầu học tập, nâng cao trình độ văn hóa, tiếp cận khoa học và tri thức nhân loại của người dân Việt Nam.
* Nội dung giáo dục
Ngày 17/3/1879, Thống soái Nam Kỳ J.Lafont ban hành nghị định mới về giáo dục công cộng. Theo đó, nội dung giáo dục về tiếng Pháp: Cấp 1 (hệ 3 năm sau đó là 5 năm), cấp 2 (hệ 3 năm sau đó là 4 năm), cấp 3 (hệ 3 năm) gồm ngữ pháp, văn phạm, tập đọc, tường thuật, luận văn và luận văn theo chủ đề, dịch ngược và xuôi, đặc biệt dịch từ Việt văn ra Pháp văn…; toán gồm cộng, trừ, nhân, chia, phân số, quy tắc tam suất, phép chiết khấu…; đo diện tích và thể tích, hình học phẳng, phương trình bậc 2, phép lượng giác, chứng minh tam giác phẳng, đo lường Pháp-Việt, đo đạt, lập bản đồ các dụng cụ thông dụng; địa lý khái quát 5 châu, sông núi quan trọng, khí hậu, sản vật chính, đặc biệt là địa lý nước Pháp; vũ trụ học đại cương; hóa học về tố chất, khái niệm đại cương về các chất thông dụng; vật lý về khái niệm đại cương, áp dụng vào một số công nghệ như điện tín… Lịch sử tự nhiên bao gồm khái niệm đại cương về động, thực vật học, địa chất học…
Về chữ Hán và chữ Quốc ngữ: Mặc dù chú trọng dạy chữ Pháp nhưng chính quyền Pháp ở Nam Kỳ tiếp tục sử dụng giáo trình chữ Hán và chữ Quốc ngữ phục vụ giảng dạy ở 3 cấp học 1, 2, 3. Người học tiếp tục học các sách Tứ thư, áp dụng diễn tả bằng câu văn chữ Hán, tường thuật bằng chữ Hán hay chữ Quốc ngữ, học lịch sử và địa lý Việt Nam. Mỗi tuần, người học 2 buổi chữ Hán và chữ Quốc ngữ, còn lại học tiếng Pháp.
Như vậy, cùng với quá trình bình định, khai thác thuộc địa nước ta, nội dung giáo dục Pháp-Việt tại Nam Kỳ bước đầu được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa nội dung giáo dục Pháp và Việt Nam. Nội dung giáo dục Pháp-Việt là mô hình giáo dục hoàn toàn mới so với nền giáo dục trước kia về nhiều phương diện nhưmục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, tổ chức. Đây là bước tiếp xúc đầu tiên của giáo dục Việt Nam với giáo dục Pháp; là tiền đề cho các thử nghiệm và biến đổi mô thức giáo dục Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo (Mai, 2019, tr. 59) đáp ứng nhu cầu không ngừng tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại của người Việt Nam.
* Về giáo viên
Việc lựa chọn giáo viên phục vụ giảng dạy ở mạng lưới trường học Nam Kỳ được chính quyền Pháp đặc biệt quan tâm nhằm đào tạo đội ngũ cầu nối đắc lực thực hiện chương trình giáo dục Pháp-Việt. Theo nghị định ngày 22/4/1869 và quyết định ngày 31/7/1871: Mỗi năm có một kỳ thi tuyển vào cuối năm học để cấp bằng năng lực cho thí sinh làm giáo viên. Nội dung thi viết gồm: Viết chính tả tiếng Pháp và chính tả chữ Quốc ngữ; viết chữ đẹp và suôn sẻ; một bài toán về số học và hình học. Thi vấn đáp gồm các môn: Văn phạm tiếng Pháp và phân tích; toán học có 4 phép tính, nguyên tắc tam suất, lợi tức và hiệp hội, hệ thống mét, tỉ lệ và lũy tiến, tìm căn số bậc 2; hình học sơ đẳng có đo diện tích và khối; phép trắc lượng. Lịch sử và địa lý đại cương; địa lý hình thể và hành chính xứ Nam Kỳ; khái niệm về khoa học vật lý và tự nhiên áp dụng vào đời sống; dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và ngược lại. Các bài thi viết đều tập trung chấm tại Ủy ban giáo dục (Tư, 2016, tr. 329) đạt kết quả tốt sẽ được tuyển dụng giáo viên giảng dạy tại mạng lưới trường học ở Nam Kỳ.
* Về trường học
Năm 1864, Đô đốc De La Grandièren ban hành Lệnh số 60 về việc thành lập một số trường tiểu học tại Nam Kỳ để dạy tiếng Pháp cho người bản xứ. Theo đó, tổ chức ở các tỉnh một số trường tiểu học để dạy chữ Quốc ngữ và dạy toán nhưng số học sinh tham gia rất ít. Năm 1866, chính quyền Pháp lập trường Trung học Adran (Collège d, Adran – nay ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) để đào tạo cấp tốc một số người biết chữ Quốc ngữ và chữ Pháp đáp ứng nhu cầu giáo viên giảng dạy ở mạng lưới trường học Nam Kỳ. Một trong những trường thành lập sớm nhất Sài Gòn và Nam Kỳ là trường Trung học Chasseloup Laubat (nay là trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP. Hồ Chí Minh), thành lập theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ngày 14/01/1874 [1].
Một trong hai ngôi trường dành riêng cho giới nữ học tập được chính quyền Pháp thành lập thời bấy giờ là Trường nữ Trung học Bản xứ (Collège des Jeunes Filles Indigènes – nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Ngày 06/11/1913, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut dự lễ xây dựng trường nữ Trung học Áo tím[2]. Ngày 19/10/1915, Toàn quyền Đông Dương Doumer và Thống đốc Nam Kỳ Courbei khánh thành nhà trường và đi vào hoạt động; đến năm 1922, trường này đổi tên là trường nữ Trung học bản xứ (Collège des Jeunes Filles Indigènes); đến năm 1940, đổi tên trường nữ trung học Gia Long; sau năm 1975, đổi tên trường là THPT Nguyễn Thị Minh Khai đến nay. Ngôi trường này là nơi học tập, trưởng thành của nhiều nữ trí thức nói chung, nhà hoạt động cách mạng nói riêng[3]. Ngoài ra, năm 1915 chính quyền Pháp xây dựng trường Cao đẳng tiểu học Nữ sinh người Pháp (Ecole Primaire Supérieure des Jeunes Filles Francaises) đến năm 1918 hoàn thành. Đến ngày 01/01/1948, trường này mang tên mới trường trung học Marie Curie (nay là trường THPT Marie Curie quận 3, TP. Hồ Chí Minh).
Bên cạnh hệ thống trường cấp 1, 2, 3 chính quyền Pháp còn thành lập các trường dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực thực hiện chương trình khai thác thuộc địa. Ngày 20/02/1906, Trường Cơ khí Á châu được thành lập (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh) nhằm đào tạo các ngành nghề cơ khí như nguội, mộc, đúc loại nhỏ… Xuất phát từ nhu cầu phát triển các ngành nghề thủ công, Mĩ nghệ theo kiểu phương Tây, “năm 1901 người Pháp cho mở trường Mĩ nghệ đồ mộc ở Thủ Dầu Một, đào tạo thợ có khả năng đóng bàn, ghế, tủ… gồm 4 bộ môn: sơn nhựa, làm đồ danh mộc; chạm gỗ, chạm ngà, cẩn xà cừ và trang trí. Năm 1907, người Pháp tiếp tục mở trường Mĩ nghệ đồ gốm (Céramique) và đúc đồng (Fonderie) ở Biên Hòa, hướng dẫn học sinh làm những lọ, bình, tượng nhỏ bằng gốm theo kiểu cũ của Trung Hoa mà người Tây rất thích. Hai trường này chủ yếu là thực hành, học lý thuyết rất ít” (Tư, 2016, tr. 386,387). Nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng, kiến trúc theo kiểu phương Tây, năm 1913, chính quyền Pháp thành lập trường Mĩ thuật bản xứ Gia Định (Ecole d’Arts Indigènes de Gia Dinh); đến năm 1917 đổi tên thành trường Mĩ thuật Trang trí Gia Định (Ecole d’Arts Dé coratifs de Gia Dinh)[4].
Trên lĩnh vực đào tạo nông, lâm nghiệp; ngày 10/12/1917, Toàn quyền Đông Dương thành lập trường thực hành Nông, Lâm nghiệp Bến Cát tại Thủ Dầu Một. Chính quyền Pháp thành lập trường này nhằm “đào tạo các cán bộ thực hành trẻ, biết các kiến thức về trọt ở bản xứ thuộc địa và đặc biệt để trở thành những đốc công, giám thị cho các đồn điền nông nghiệp, nghề làm vườn cảnh, nghề nuôi tằm, các công trường khai thác lâm nghiệp” (Tư, 2016, tr. 357).
2. Giáo dục Pháp-Việt ở Biên Hòa (Đồng Nai[5])
Năm 1861, sau khi chiếm tỉnh Biên Hòa, thực dân Pháp nhanh chóng xác lập quản lý hành chính, kinh tế, xã hội. Một trong các vấn đề quan tâm phục vụ chính sách cai trị ở tỉnh Biên Hòa của chính quyền Pháp là giáo dục.Ban đầu, chính quyền Pháp đầu tư phát triển giáo dục nhưng với quy mô nhỏ, “ở địa hạt Biên Hòa, đến năm 1897 gồm 16 tổng và 183 làng nhưng chỉ có 01 trường địa hạt đặt ở làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Trung, có thể khẳng định Trường Tiểu học Nguyễn Du (Thành phố Biên Hòa) xưa vốn là trường địa hạt, rồi một thời gian dài sau đó là trường tiểu học tỉnh lỵ, đã được hình thành chậm nhất là năm 1897 và 4 trường tổng đặt ở các làng khác: Bình Trước, Bình Mĩ (tổng Phước Vĩnh Trung), An Hòa (tức Bến Gỗ, thuộc tổng Long Vĩnh Thượng) và Tân Uyên”(Sển, 1993, tr. 158-179). Mặc dù, chính quyền thực dân Pháp chú trọng phát triển giáo dục ở tỉnh Biên Hòa nhưng kết quả còn hạn chế, “toàn tỉnh Biên Hòa hồi đầu thế kỉ XX chỉ có 387 học sinh ở trường công. Bình quân 272 người dân mới có 1 học trò sơ cấp” (Nhiều tác giả, 2001, tr. 453). Vì vậy, cả tỉnh “chỉ có một trường tiểu học hoàn chỉnh (École primaire de plein exercise) đặt ở tỉnh lỵ dạy đến lớp nhất (cours supérieur), tương đương lớp 5 bây giờ. Tất cả các trường còn lại đều là trường sơ học (École Elémentaire), gồm 3 lớp: Đồng Ấu (cours enfantin), Dự bị (cours Préparatoire), Sơ đẳng (cours Elémentaire) và các trường làng (École Communale) ở những làng dạy đến lớp Dự bị” (Nhiều tác giả, 2001, tr. 453,454).
Ngôi trường duy nhất ở tỉnh Biên Hòa đặt dưới sự quản lý của chính quyền Pháp là Ecole Primaire Complémantaire de Bien Hoa được thành lập năm 1897 – Biểu tượng giáo dục Pháp-Việt trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai (nay toạ lạc tại số 209, đường Cách mạng tháng Tám, Phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Năm 1954, trường chính thức được mang tên Trường Nguyễn Du đến ngày nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi về lịch sử của Trường Nguyễn Du: Trước năm 1930, Hiệu trưởng là người Pháp, từ năm 1933, các thầy giáo người Việt làm hiệu trưởng. Các thầy giáo làm hiệu trưởng của trường là Lê Hữu Vĩnh, Huỳnh Văn Giỏi, Lâm Văn Huê, Phan Khóai Hượt, Nguyễn Văn Phát, Hồ Văn Tam, Nguyễn Thành Dợt, Nguyễn Tấn Hưng, Nguyễn Văn Trình, Huỳnh Anh…
Trên cơ sở hạt giống Ecole Primaire Complémantaire de Bien Hoa, sau năm 1945 ở Biên Hòa lần lượt các trường cấp 1 được thành lập và hoạt động đến ngày hôm nay như Trường Sơ cấp Đồ Chiểu (nay trường THPT Chu Văn An, Phường Quyết Thắng, TP. Biên Hòa); Trường Sơ cấp Trịnh Hoài Đức (nay là Trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, Phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa); Trường Sơ cấp Nguyễn Khắc Hiếu (nay Trường Tiểu học Nguyễn Khắc Hiếu, Phường Thanh Bình, TP. Biên Hòa), trường tiểu học tư thục của người Hoa thành lập năm 1947 (nay là Trường THCS Hùng Vương, Phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở địa phương.
Một trong những dấu ấn giáo dục Pháp-Việt khá sâu đậm ở Biên Hòa – Đồng Nai là sự hình thành, phát triển của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Trang trí. Trở về quá khứ đầu thế kỉ XX, trên đất Nam Kỳ có 03 trường Bá Nghệ ở Sài Gòn, Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Ngày 24/9/1902, Hội đồng tỉnh Biên Hòa ra nghị quyết mở trường dạy nghề Biên Hòa đáp ứng nhu cầu đào tạo các ngành nghề thủ công ở địa phương, đặc biệt nghề làm gốm đã tồn tại khá lâu đời ở nơi này. Sự kết hợp hài hòa khoa học của thầy trò Trường Bá Nghệ Biên Hòa và kinh nghiệm làm gốm của các nghệ nhân Biên Hòa đã tạo ra nhiều sản phẩm gốm Biên Hòa độc đáo vang danh trong và ngoài nước. Khi trường mới thành lập có 4 bộ môn: Thứ nhất, là vẽ trên giấy, trên gỗ, tô chữ trang trí sách, vẽ hình họa; thứ hai, là điêu khắc gỗ, khảm, khắc trổ, làm đàn, nữ trang; thứ ba, là đan lát đồ vật làm bằng cây cọ, song mây, cói và tre và thứ tư là làm thủy tinh, đồ sành, đồ gốm.
Sau 6 tháng thành lập, ngày 15/3/1903, trường dạy nghề Biên Hòa khai giảng năm học đầu tiên. Đến tháng 8/1903, trường có 55 học sinh, nhỏ nhất 12 tuổi, lớn nhất 18 tuổi; kinh phí hoạt động của trường do ngân sách tỉnh và các làng chi trả. Thời gian học ở trường 4 năm, ngoài học chuyên môn Mĩ nghệ, học sinh phải học thêm tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán. Đến năm 1906, nhà trường tuyển sinh thêm ngành gốm. Năm 1907, mở thêm ban nữ công gia chánh với các môn cắt, may, đan, thêu, dệt thảm, giặt ủi và nội trợ, và nhà trường có 118 học sinh theo học, nhỏ tuổi nhất 13, lớn nhất 17.
Năm 1912, Ban nữ công gia chánh tách thành trường dạy nghề riêng. Năm 1913, Chánh Tham biện Krautheimer ra quyết định tổ chức lại nhà trường phát triển các ngành nghề: Đúc đồng, chạm trổ đồng, các kim loại khác, nghề gốm, nghề mộc dân dụng, mộc xây dựng và điêu khắc gỗ. Thời gian đó, nhà trường gồm có 3 ban (khoa): Ban đúc đồng và chạm trổ, ban Gốm và ban Gỗ. Mỗi ban có 15 học sinh, với thời gian học 3 năm; trong đó, học sinh phải học 2 môn chung là vẽ và nặn. Đồng thời, trong thời gian học tập ở trường, học sinh được học văn hóa phổ thông tương đương với chương trình trường làng xã, đặc biệt chú ý đến chữ Quốc ngữ và số học.
Năm 1913, trường dạy nghề Biên Hòa đổi tên thành Trường Mĩ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art Indigène de Bien Hoa) được Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt ngày 22/9/1913. Hàng năm, nhà trường đều có sản phẩm gốm trưng bày ở Hội Mĩ thuật Sài Gòn, tham dự triển lãm tại Hà Nội, các nơi trong nước và quốc tế.
Năm 1923, chính quyền Pháp bổ nhiệm ông Balick làm Hiệu trưởng nhà trường, bà Marietle làm phụ tá đã mở ra bước ngoặt mới sự phát triển của gốm Biên Hòa. Sau khi Balick phụ trách nhà trường, ông đã thành lập hợp tác xã thủ công thợ đúc và thợ gốm vừa giúp học sinh có điều kiện nâng cao năng lực thực hành việc học nghề, vừa có sản phẩm bán tăng thêm thu nhập cho thợ thủ công và giáo viên giảng dạy. Vì vậy, mô hình Hợp tác xã này từng bước quy tụ được nhiều nghệ nhân lành nghề, sản phẩm về đồng, gốm chất lượng tốt, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Khi sản phẩm gốm của nhà trường được thị trường ưa chuộng, chính quyền Pháp tỉnh Biên Hòa quan tâm hơn việc dạy nghề ở trường này. Sản phẩm gốm của nhà trường đã vượt khỏi phạm vi tiêu dùng thông thường ở địa phương, lần lượt tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, đạt nhiều kết quả ấn tượng. Theo đó, sản phẩm gốm của nhà trường được tặng thưởng nhiều huy chương, bằng khen khi tham gia các cuộc triển lãm như Paris ở Pháp (năm 1925 và 1933), Batavia ở Indonesia (1934), Nayoga ở Nhật (1937), Saint Denis ở đảo Réunion (1938), Hà Nội (1939)…
Năm 1944, trường đổi tên thành Trường Mĩ nghệ Thực hành Biên Hòa (École des Arts appliqués de Bien Hoa). Theo Nghị định số 1607-GD/BC/NĐ ngày 17/9/1964 của Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn, trường đổi tên thành Trường Kỹ thuật Biên Hòa. Trong thời kỳ này, nhà trường mời những chuyên gia nước ngoài có chuyên môn liên quan giúp đỡ, cố vấn nhằm đẩy mạnh sự phát triển trong công tác đào tạo, giảng dạy nghề ở địa phương. Trường có các ban chuyên môn chủ lực như Gốm, Điêu khắc và Đúc đồng; ngoài ra, còn có các ban Điện kỹ nghệ, kỹ nghệ Sắt, kỹ nghệ Gỗ… Sau năm 1975, trường tiếp tục đào tạo học sinh kỹ thuật cho địa phương. Năm 1977, trường được đổi tên thành Trường Phổ thông Công nghiệp Đồng Nai, thuộc Ty Giáo dục Đồng Nai. Năm 1978, Bộ Văn hóa – Thông tin tiếp quản trường để thành lập Trường Trung học Mĩ thuật Trang trí Đồng Nai. Ngày 09/7/1998, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 119/1998-QĐ phê duyệt đề án nâng cấp Trường Trung học Mĩ thuật Trang trí Đồng Nai thành Trường Cao đẳng Mĩ thuật Trang trí Đồng Nai ở Phường Trung Dũng, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Sau khi được nâng cấp hệ cao đẳng, quy mô đào tạo của trường từng bước được mở rộng. Hiện nay, Trường Cao đẳng Mĩ thuật Trang trí có các khoa đào tạo bao gồm Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất, Thiết kế Thời trang, Kiến thức cơ bản, Điêu khắc ứng dụng, Gốm Mĩ nghệ, Nhiếp ảnh, Truyền thông đa phương tiện.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giáo dục Pháp-Việt trên vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai đã góp phần “cung cấp nhân lực cho bộ máy kinh tế và hành chính của Pháp. Nhưng trong thực tế, nó đã có nhiều tác dụng ngược lại: một phần khá đông những người được đào tạo lại có tinh thần chống Pháp… Giáo dục Pháp-Việt có đóng góp trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ người Việt Nam, bao gồm: Cán bộ quản lý (Cán bộ làm việc trong các công sở của Pháp năm 1914 là 12.200 người, 1929 là 23.600); Chuyên gia khoa học và kỹ thuật: bác sỹ, kỹ sư thuộc các ngành y tế, canh nông thú y, cán bộ kỹ thuật cơ khí, hóa chất, bưu điện, nhà nghiên cứu; Công nhân lao động lành nghề (dù chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong công nhân các kỳ)” (Phong, 2002, tr. 88-89)
3. Hợp tác Giáo dục Pháp-Việt ở Đồng Nai hiện nay
Năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Pháp đứng thứ 12/47 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, tổng vốn đăng ký trên 144,8 triệu USD. Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã thiết lập quan hệ hợp tác với 02 địa phương của Pháp, là vùng Rhône-Alpes và vùng Bretagne. Trong lĩnh vực giáo dục, Đồng Nai được chọn đưa chương trình giảng dạy tiếng Pháp vào trường học từ năm học 2002-2003, hiện tại có 3 trường trên địa bàn tỉnh đang triển khai chương trình này là Trường tiểu học Nguyễn Du, Trường THCS Thống Nhất và Trường THPT Trấn Biên. Trải qua 17 năm triển khai, việc dạy và học tiếng Pháp luôn được duy trì, phát triển và đạt được những thành quả nhất định, nhiều em học sinh đã trưởng thành và sử dụng tiếng Pháp như là một công cụ trên con đường lập thân, lập nghiệp của mình.
Thời gian học tập chương trình song ngữ tiếng Pháp, các trường đã được sự quan tâm chỉ đạo giúp đỡ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, của Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Biên Hòa, của Ban điều hành Chương trình song ngữ tiếng Pháp. Ngoài ra, còn có sự quan tâm đầu tư trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, giúp đỡ trao đổi về phương pháp giảng dạy tiếng Pháp ở bậc Tiểu học của các chuyên gia người Pháp. Chương trình song ngữ tiếng Pháp được triển khai tại tỉnh Đồng Nai bắt đầu từ năm học 2002-2003 với sự tài trợ của Văn phòng Pháp ngữ AUF. Những lớp học đầu tiên của chương trình được đặt ở những trường lớn và có uy tín tại Thành phố Biên Hòa.
Năm học 2019-2020, trường Tiểu học Nguyễn Du – Ngôi trường được xây dựng từ thời Pháp với lịch sử hơn 100 năm có 150 học sinh tham gia chương trình học tập song ngữ tiếng Pháp ở 5 khối lớp[6].
Trường Tiểu học Nguyễn Du, tọa lạc tại phường Quyết Thắng, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Năm học 2019-2020, trường có 150 học chương trình song ngữ tiếng Pháp ở 5 khối lớp.
Trường Trung học cơ sở Thống Nhất, tọa lạc tại phường Thống Nhất, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Năm học 2019-2020 trường có 113 học sinh theo học chương trình song ngữ tiếng Pháp ở 4 khối lớp 6, 7, 8, 9. Tài liệu giảng dạy theo Bộ sách Triangle và Iciet Ailleursc 6,7,8,9.
Trường THPT Trấn Biên có quy mô 45 lớp với 1.800 học sinh tại phường Tân Hòa, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong đó, có 3 lớp 10, 11, 12 song ngữ tiếng Pháp với 76 em.
Trong suốt 17 năm phát triển số học sinh từ cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông đăng ký tham gia các kỳ thi Delf do Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp (IDECAF) tổ chức với số lượng khá đông và hơn 90% các em đều đạt kết quả tốt. Trong đó, có 10 em học chương trình song ngữ tiếng Pháp tại các trường Đại học của Pháp và ở Châu Âu.
Hiện nay, Chương trình song ngữ tiếng Pháp ở địa phương đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Hàng năm, tỉnh Đồng Nai đều tổ chức khảo sát đầu vào lớp 1 chương trình song ngữ tiếng Pháp. Chương trình song ngữ tiếng Pháp đang được duy trì và phát triển. Qua chương trình song ngữ tiếng Pháp, các em học sinh giao tiếp trong học tập và sinh hoạt tốt hơnvề tiếng Pháp, giúp các em cảm thấy yêu thích bộ môn tiếng Pháp mà mình đã được học.
4. Một vài nhận xét
Trong giai đoạn từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, giáo dục Pháp-Việt “đã từng bước đổi mới và cuối cùng đã khẳng định sự tồn tại của nó bằng cách đã làm cho bộ mặt xã hội ta thay đổi theo hướng đi lên. Rõ ràng, nền giáo dục mới là một chuyển biến quan trọng, một bước ngoặt trong lịch sử giáo dục của đất nước ta” (Báu, 2015, tr. 238).
Nói chung, Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng. Nền giáo dục mới có nhiều ưu thế về phương pháp sư phạm khoa học, nội dung học tập phong phú, đa dạng, toàn diện, cả khoa học tự nhiên và xã hội, nhất là kết quả vượt lên hơn hẳn nền giáo dục Nho giáo. Tuy nhiên, “người Pháp đã không thành công trong việc dùng trường học để thực hiện ý đồ “đồng hóa” dân tộc ta”, “người Pháp đã thất bại trong ý đồ Pháp hóa trí thức cũng như đồng hóa dân tộc ta” (Báu, 2015, tr. 241,243) nói chung, ở Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng.
Mục đích cuối cùng của giáo dục Pháp là “để phục vụ cho lợi ích lâu dài của nhà cầm quyền Pháp trong khai thác thuộc địa, truyền bá văn minh, văn hóa Pháp dưới cái vỏ khai hóa, nhằm duy trì quyền lợi lâu dài của họ ở Việt Nam. Nhưng vấn đề ở đây không phải là chúng ta tiếp thu tất cả các nội dung của nền giáo dục đó, mà là tiếp thu có chọn lọc trên cơ sở truyền thống dân tộc” (Báu, 2015, tr. 12). Qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Qua đó, những ảnh hưởng của tri thức, kỹ năng tiếp thu được từ nhà trường Pháp-Việt đã góp phần hình thành nhân cách người lao động chân chính, chiến sĩ cách mạng của giới trí thức Tây học có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Mặc dù giáo dục Pháp-Việt ở “các trường nghề có số lượng học sinh ít hơn nhiều so với các trường phổ thông nhưng đã sớm cung cấp cho cách mạng một lực lượng thanh niên tiến bộ làm nòng cốt cho quá trình phát triển Đảng Cộng sản từ những bước đi đầu tiên” (Hoa, 2016, tr. 275-287,279) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cả nước nói chung, ở Biên Hòa – Đồng Nai nói riêng. Bên cạnh hàng ngàn học sinh phổ thống dưới nền giáo dục Pháp-Việt ở Biên Hòa, trường dạy nghề Biên Hòa đã “đào tạo thợ thủ công, công nhân có tay nghề phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của chính quốc, giai đoạn 1903-1944, trường đã đào tạo được 562 học sinh. Đây là nguồn cung cấp thợ lành nghề, có trình độ tham gia vào hoạt động sản xuất thủ công nghiệp ở Biên Hòa nói riêng và Nam Kỳ nói chung” (Dung, 2019, tr. 100).
Trong khuôn khổ đối tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai nước, Hội Hữu nghị Việt Nam – Pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi giao lưu, trao đổi văn hóa giữa hai nước, mà giáo dục là một trong các lĩnh vực được ưu tiên nhất. Sau khi ra đời, các hoạt động của Hội ngày càng đi vào chiều sâu trong việc củng cố, tăng cường giao lưu và tuyên truyền cho thế hệ trẻ về mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Pháp nói chung, giữa nhân dân tỉnh Đồng Nai với các địa phương Pháp nói riêng. Qua đó, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giáo dục Pháp-Việt được hình thành, bồi đắp hàng trăm năm qua giữa hai quốc gia Việt Nam – Pháp nói chung, tỉnh Đồng Nai và các địa phương, cơ quan của Pháp nói riêng trong thời gian tới.
_________
[1] Đến năm 1966, trường này đổi tên thành trường THPT Lê Quý Đôn đến ngày nay. Ngôi trường này trở thành nơi học tập của các thế hệ học sinh Nam Bộ với nhiều học giả, nhà hoạt động cách mạng tên tuổi như Trần Đại Nghĩa, Trần Văn Giàu, Vương Hồng Sển…
[2] Tên gọi trường nữ Trung học Áo tím xuất phát từ ngày khánh thành ngôi trường này, ban tổ chức chọn áo dài màu tím cho nữ sinh mặc. Màu tím tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của người thiếu nữ Việt Nam. Từ đó, người dân quen gọi trường áo tím.
[3] Trong đó, không ít người đã vinh danh trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa, khoa học, giáo dục như bà Nguyễn Ngọc Dung (nguyên Vụ trưởng Vụ báo chí của Bộ Ngoại giao, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên hiệp quốc), bà Bùi Thị Mè (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng), bà Trương Mĩ Lệ (nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh), bà Võ Thị Thắng (Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), bà Đoàn Lê Hương (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TW), bà Lê Tú Cẩm (Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin), bà Vũ Thị Nhung (Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương), bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Giám đốc BV Phụ sản, Anh hùng Lao động), Lê Thị Ngọc Nga (Dũng sĩ, nay là Bác sĩ BV Nhi đồng)…
[4] Năm 1940, đổi tên thành Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (Ecole des Arts Appliqués de Gia Dinh); đến năm 1961, đổi tên thành trường Trung học Mỹ thuật trang trí Gia Định; năm 1970, đổi tên thành Trường Quốc gia Mỹ thuật trang trí Gia Định; sau năm 1975, đổi tên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; đến năm 1981 làTrường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đến này nay.
[5] Tỉnh Đồng Nai thành lập năm 1976, tiền thân từ tỉnh Biên Hòa thành lập năm 1832.
[6] Theo đó, khối lớp 1 có 32 học sinh, lớp 2 có 38 học sinh, lớp 3 có 27 học sinh, lớp 4 có 19 học sinh, lớp 5 có 34 học sinh. Tài liệu giảng dạy khối Khối 1, 2: La Petite grenouille1, 2 (NXB Cle International); Khối 3,4,5: DELFA 1.1, A2, A 2(NXB Hachette). Có 4 giáo viên giảng dạy tiếng Pháp môn toán, khoa học xã hội gồm Huỳnh Thị Ngọc Lan, Đặng Thị Thủy Trang, Tạ Ngọc Thủy và Trần Xuân Nhã.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báu, P.T. (2015). Giáo dục Việt Nam thời cận đại (Tái bản lần 2, có sửa chữa, bổ sung). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.
2. Dung, T.T.T. (2019). Trường dạy nghề Biên Hòa thời Pháp thuộc (1903-1944). Tạp chí khoa học – Đại học Đồng Nai, số 15.
3. Hoa, T.T.P. (2016). Tri thức, kỹ năng và cách mạng – đóng góp của học sinh trường dạy nghề trong việc hình thành phong trào vô sản ở Việt Nam thời Pháp thuộc, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, tập 2, (3).
4. Mai, N.H. (2019). Tiếp biến văn hóa Pháp-Việt trong nền giáo dục Việt Nam giai đoạn 1884-1945, (Luận án tiến sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội).
5. Minh, H.C. (2011a). Toàn tập, tập 5. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
6. Minh, H.C. (2011b). Toàn tập, tập 15. Hà Nội: Nxb Chính trị quốc gia.
7. Nhiều tác giả. (2001). Địa chí Đồng Nai, tập V, Nxb Đồng Nai.
8. Phong, Đ. (2002). Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập 1: 1945-1954. Hà Nội: Nxb Khoa học Xã hội.
9. Sển, V.H. (1993). Tự vị tiếng Việt miền Nam. Nxb Văn hóa Sài Gòn.
10. Thản, N.K., Thụy, H.H., & Dương, N.Đ. (2005). Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
11. Tư, N.Đ. (2016). Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859-1954, tập 2. Nxb Tổng hợp Tp. HCM.
12. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài
liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt
cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, nhà xuất bản Đại học Huế, 2021
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne
fin du xixè – début du xxè siècle
Download file (PDF): Giáo dục Pháp-Việt ở Đồng Nai từ cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX và hiện nay (Tác giả: Lê Quang Cần) |