Giáo dục Pháp-Việt và quá trình hiện đại hóa giáo dục Việt Nam
ÉDUCATION FRANCO-ANNAMITE ET MODERNISATION
DE L’ÉDUCATION AU VIETNAM
Tác giả bài viết: Tiến sĩ TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA
(Viện Sử học Việt Nam)
TÓM TẮT
Bài viết tập trung làm rõ một số thời điểm bước ngoặt trong quá trình phát triển của giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam, tìm hiểu một số điểm mới trong nội dung giáo dục Pháp-Việt qua đó làm rõ quá trình hiện đại hóa giáo dục Việt Nam. Những thời điểm quan trọng được đề cập đến trong bài là việc vua Thành Thái thông qua Bản Quy chế giáo dục năm 1906 nhằm tiến hành cải cách các trường Nho học; việc áp dụng Học chính Tổng quy năm 1918; việc quy định về bằng Sơ học yếu lược và quy định về trường tư năm 1924. Một số nội dung trong giáo dục Pháp-Việt được xem xét là vai trò của chữ quốc ngữ, việc giảng dạy chữ Hán và tiếng Pháp, vấn đề giáo dục công dân trong trường Pháp-Việt.
Từ khóa: Giáo dục Pháp-Việt, hiện đại hóa giáo dục, cải cách Nho học, chữ quốc ngữ, giáo dục công dân.
RÉSUMÉ
Cet article consiste à identifier les grandes étapes dans le processus de développement de l’éducation franco-annamite, à déterminer ensuite les nouveautés dans ses contenus d’enseignement et à en déduire enfin les caractéristiques de la modernisation de l’éducation au Vietnam. Ainsi, les dates les plus importantes étaient évoquées: adoption du Règlement de l’éducation en 1906 par le roi Thanh Thai en vue de la réforme des écoles confucéennes, application du Règlement général de l’Instruction publique en 1918, promulgation des règlements sur le Certificat d’études primaires élémentaires et les écoles privées en 1924. D’autres points étaient également examinés: rôles du quôc ngu, enseignement du han ngu (chinois classique) et du français, éducation civique dans les écoles françaises au Vietnam.
Mots-clés: Éducation franco-annamite, modernisation de l’éducation, réforme des écoles confucéennes, quôc ngu, éducation civique.
x
x x
Đề dẫn
Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam trong khoảng thời gian nước Pháp hiện diện là một Đế chế (Empire), ráo riết mở rộng quy mô xâm chiếm thuộc địa lần thứ hai (1830-1870). Nam Kỳ của Việt Nam bị Napoleon III thôn tính (năm 1862 chiếm ba tỉnh miền Đông và năm 1867 chiếm ba tỉnh miền Tây). Khi đã mang danh Cộng hoà (nền Cộng hoà thứ III từ 1870 đến 1940), Pháp vẫn tiếp tục triển khai xâm chiếm Bắc Kỳ (1873-1884). Thật mỉa mai, sự khởi đầu của nền Cộng hòa thứ ba của Pháp lại gắn liền với việc xâm lược Bắc Kỳ. Nổi bật trong chính trị thời kỳ đầu của nền Cộng hoà thứ 3 là Jules Ferry, từng hai lần là Bộ trưởng Giáo dục, một người cổ vũ nhiệt tình cho việc mở rộng thuộc địa, đã quyết tâm chiếm bằng được Bắc Kỳ. Bản thân Jules Ferry đồng thời là nhà thiết kế hệ thống giáo dục mới cho nền Cộng hòa thứ ba với mục tiêu xây dựng một nền giáo dục tập trung do nhà nước quản lý. Đối với Jules Ferry, giáo dục sẽ là một trong những tiền đề củng cố vững chắc thể chế chính trị của đệ tam Cộng hòa “Giáo dục chính là công cụ của nền Cộng hòa nhằm tạo ra những công dân bình thường; là công cụ tạo ra những công dân phục vụ cho nền Cộng hòa”[2].
Trong việc chuyển từ một đế chế (empire) sang nền cộng hoà (republic), giáo dục đóng vai trò then chốt khi nó đào tạo nên những con người đủ phẩm chất và năng lực để bảo vệ và xây dựng nền cộng hoà. Điều này đã được Napoleon nhận thức sâu sắc khi ông giành quyền kiểm soát các trường học, đặc biệt là các trường đại học khỏi tay nhà thờ. Học sinh trong các nhà trường đại học lớn được đào tạo theo chế độ hà khắc của quân đội. Đến thời kỳ Jules Ferry làm thủ tướng, nền giáo dục công lập (giáo dục nhà nước) được định hình, mang tính thế tục, bắt buộc và miễn phí. Các trường công lập không được phép thuyết giảng về giáo lý tôn giáo [3].
Chính quyền Pháp đã dành mối quan tâm đặc biệt cho giáo dục, như Dumoutier, thanh tra giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ nhận định năm 1887: “Trường học là công cụ có hiệu lực nhất, vững chắc nhất và có khả năng chinh phục nhất”. Đặc biệt, thực dân Pháp muốn xoá bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Trung Hoa đối với người Việt Nam nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng thông qua một hệ thống giáo dục kiểu mới, mang tính khoa học và thực dụng hơn, đào tạo ra những người gắn bó với giáo dục kiểu Pháp, từ đó chịu ảnh hưởng và gắn bó với văn hóa văn minh Pháp. “Khi đã chinh phục được con người rồi thì việc chinh phục đất đai không có gì là khó khăn”.
Trong tham luận này, chúng tôi mong muốn làm rõ quá trình hiện đại hóa giáo dục Việt Nam qua sự hình thành và phát triển của nhà trường Pháp-Việt. Để làm rõ điều này, chúng tôi khảo sát một số mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp-Việt, một số nội dung học tập trong nhà trường cũng được xem xét nghiên cứu.
Một số mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của giáo dục Pháp-Việt
Sau khi chiếm đồn Kỳ Hoà, đội quân viễn chinh Pháp do Phó Đô đốc Charner chỉ huy tiến vào Sài Gòn. Trong khoảng thời gian chưa tới một năm từ tháng 2/1861 đến tháng 11 cùng năm, Charner đã kịp thực hiện một số hoạt động tổ chức dân sự, trong đó có chủ trương mở lớp dạy tiếng Việt cho người Pháp và tiếng Pháp cho người Việt. Charner ban hành nghị định ngày 29/9/1861 cấp 30 học bổng cho college d’Adran, mà ông ta gọi là trường Pháp-Việt, để thu hút thanh niên Việt Nam đến học. Đồng thời, một giáo sĩ trẻ tuổi đảm nhiệm các khóa tiếng Việt dành cho các phiên dịch người Pháp. Để giúp cho các khóa học này, chỉ trong vòng 4 tháng ông Aubaret đã soạn cuốn từ vựng Pháp-Việt và Việt-Pháp để làm công cụ tra cứu cho cả người Pháp lẫn người Việt, chủ yếu là nhân viên và phiên dịch[4]. Trong khi đó, ở Bắc Kỳ, các trường Pháp-Việt đầu tiên được mở từ đầu năm 1885. Năm 1886, khi được chỉ định làm thanh tra giáo dục Pháp-Việt Trung Bắc Kỳ, ông Dumoutier báo cáo rằng ở đây đã có hơn 100 trường Pháp-Việt, nơi học sinh đủ mọi độ tuổi được học tiếng Pháp, chữ quốc ngữ, các môn toán và khoa học đơn giản. Ở Trung Kỳ, việc mở các trường dạy tiếng Pháp và quốc ngữ ban đầu chủ yếu nhờ vào các giáo sĩ người Pháp, đặc biệt các sư huynh dòng La San đã sớm lập trường học ở một số thành phố lớn Trung Kỳ. Năm 1895, ở Trung Kỳ, đã có khoảng 1200 trẻ em học các trường dòng. Trước năm 1906 có 2 trường Pháp-Việt công lập lớn nhất Trung Kỳ là trường Quốc học Huế lập năm 1896 và trường Dạy nghề (trường Bách Nghệ) Huế, lập năm 1899.
Có một số thời điểm mang tính bước ngoặt trong quá trình phát triển hệ thống giáo dục Pháp-Việt, trong bối cảnh chuyển đổi từ giáo dục Nho học sang nền giáo dục kiểu mới. Thời điểm thứ nhất là khi vua Thành Thái phê chuẩn bản Quy chế Giáo dục năm 1906; thời điểm thứ hai là việc áp dụng Học chính Tổng quy trên toàn Đông Dương từ năm 1918; thời điểm thứ ba là khi Toàn quyền Merlin ra Nghị định về Bằng Sơ học yếu lược năm 1924 và sau đó là Nghị định về trường Tư thục năm 1924.
Năm 1906, Vua Thành Thái phê chuẩn bản Quy chế Giáo dục và tiến hành cải cách trường Nho học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong cùng năm, Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ (Conseil de Perfectionnement de l’Enseignement Indigène) được thành lập. Phiên họp đầu tiên của Hội đồng, họp tại Hà-Nội, đã được toàn quyền Paul Beau long trọng khai mạc ngày 11/4/1906, với sự chứng kiến của vua Thành Thái. Sau các buổi họp kéo dài suốt tháng 4 năm 1906, Hội đồng đã soạn thảo được một bản qui chế giáo dục, là cơ sở căn bản cho công cuộc cải cách mà chính quyền lập kế hoạch áp dụng cho nền giáo dục Việt Nam. Với việc phân chia giáo dục Nho học thành ba cấp ấu học, tiểu học, trung học và với sự chú trọng tới chữ quốc ngữ, Pháp văn cùng các môn khoa học, bản qui chế này đưa Nho học vào quá trình cải cách đổi mới toàn diện. Các kỳ thi Hương thi Hội cũng cải cách, thêm môn quốc ngữ và khoa học, tiếng Pháp vào bài thi.
Nguyên bản Hán văn của Bản qui chế này còn được lưu trữ trong văn khố của Nam triều, trong tập Châu bản số 55 triều Thành Thái, tờ 179-193. Bản Quy chế này đã được Nguyễn Thế Anh dịch từ Mộc bản Triều Nguyễn và đăng trên tạp chí Nghiên cứu Việt Nam, Sài Gòn, năm 1973. Theo đó, bản Quy chế được phê chuẩn ngày mùng 6 tháng 7 năm Thành Thái thứ 18 (tức ngày 15/5/1906). Sau đó, Thống sứ Bắc Kỳ thông qua chương trình cải cách Nho học cho Bắc Kỳ vào tháng 11 cùng năm.
Ở Bắc Kỳ, thi Hương cải cách được tiến hành năm 1909; ở Trung Kỳ, phải đến năm 1912 mới tổ chức kỳ thi Hương cải cách. Cùng với cải cách thi Hương là cải cách các trường Nho học. Trong khoảng thời gian từ năm 1913 đến 1917, trong bối cảnh tàn lụi của Nho học, các trường Nho học làng xã (trường Ấu học) phát triển mạnh, theo đúng như tinh thần của Bản Quy chế giáo dục “làng nào cũng phải mở trường học”. Năm 1915, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, có khoảng hơn 3 ngàn trường Ấu học với số học sinh khoảng 50 ngàn; trong khi đó vào năm này, số trường Tiểu học Pháp-Việt ở Bắc Kỳ là 45 trường với khoảng 7 ngàn học sinh; ở Trung Kỳ là 30 trường và số học sinh xấp xỉ 5 ngàn.
Thời điểm quan trọng tiếp theo là năm 1918, Học chính Tổng quy (Luật Giáo dục do toàn quyền Albert Sarraut phê duyệt) bắt đầu có hiệu lực. Chính quyền Pháp lập ra Tổng Nha Thanh tra Giáo dục (Inspection générale de l’Instruction publique), là cơ quan giám sát xem các trường học và giáo viên có thực hiện đúng các quy định trong Luật Giáo dục không. Luật Giáo dục này gồm 558 điều, quy định rất cụ thể về nội dung học tập của từng môn học ở từng lớp học. Giáo viên cứ chiểu theo quy định trong Luật để giảng dạy. Ở Bắc Kỳ, Luật được áp dụng từ năm 1918; Ở Trung Kỳ áp dụng từ năm 1919. Ngày 26/10/1918 (theo Tây lịch) bộ Học dâng triều đình kiến nghị bãi thi cử. Ngày 14/7/1919, Vua Khải Định phê chuẩn việc chấm dứt thi cử Nho học và giao lại tất cả việc học cho chính quyền Pháp quản lý. Đến năm 1919, kỳ thi Hội cuối cùng cũng chấm dứt, khép lại chế độ khoa cử và nền Nho học đã tồn tại gần ngàn năm, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho giáo dục ở Việt Nam.
Sau khi Học chính Tổng quy được ban hành và có hiệu lực, tất cả các trường Nho học đều chuyển thành trường Pháp-Việt. Vì có sự chuẩn bị từ năm 1906 nên việc chuyển đổi diễn ra thuận lợi. Trở ngại lớn hơn cả có lẽ là cho những vị chỉ có bằng cấp Nho học (Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ) và vì quá tuổi nên không thể học lại từ đầu để lấy bằng của trường Pháp-Việt (bằng Cơ thuỷ (bậc Tiểu học), Thành Chung (bậc Cao đẳng Tiểu học), Tú tài (bậc Trung học). Tuy nhiên, những vị này vẫn có thể làm việc trong hệ thống chính quyền Nam triều sau khi bổ sung thêm một số chứng chỉ cần thiết và chỉ được tuyển dụng nếu vượt qua được các kỳ thi tuyển dụng được tổ chức theo định kỳ.
Năm 1924, sau khi Toàn quyền Varenne ban hành Nghị định về bằng Yếu lược bản xứ, nền giáo dục Pháp-Việt có 4 loại bằng cấp: 1) bằng Sơ học yếu lược (sau khi học xong 3 năm Sơ học); 2) bằng Tiểu học Pháp-Việt (sau khi xong 6 năm Tiểu học); 3) bằng Cao đẳng Tiểu học (sau khi xong 4 năm Cao đẳng Tiểu học); 4) bằng Tú tài (sau khi xong 3 năm Trung học).
Một trong những Nghị định ít được nhắc đến nhưng lại gây tranh cãi nhiều nhất, đó là Nghị định về trường tư thục ban hành năm 1924. Theo Nghị định này, người dân muốn mở trường tư phải xin phép và phải đủ điều kiện về trường lớp, vệ sinh mới được mở. Nghị định này gây nhiều phản ứng trong dư luận xã hội vì ở Việt Nam theo truyền thống, việc mở trường vốn được hoàn toàn tự do, không phải xin phép. Khi chính quyền ra quy định về trường tư thục, việc mở trường trở nên khó khăn. Trong bối cảnh số lượng trường công không đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, quy định về trường tư bị coi là một động thái muốn kìm hãm việc học tập của người Việt. Nhiều chỉ trích cho rằng chính quyền Pháp theo đuổi “chính sách ngu dân” đối với người bản xứ.
Các môn học trong trường Pháp-Việt, vai trò của chữ quốc ngữ
Học chính Tổng quy quy định tất cả nội dung giảng dạy cho từng lớp. Theo đó, trong 3 năm đầu Tiểu học, học sinh lớp Đồng ấu phải học 11 môn (Đạo đức, thể dục, quốc ngữ, làm tính, hình hoạ, khoa học thường thức, địa lý, vẽ, thủ công, chữ Hán, môn tiếng Pháp tự chọn); lớp Dự bị và lớp Sơ đẳng học 12 môn (tương tự như lớp Đồng ấu nhưng có thêm môn Lịch sử). Lớp Trung đẳng (moyen) học 15 môn. Từ bậc học này, giáo viên được khuyến khích sử dụng tiếng Pháp tối đa trong giờ học. Nội dung tiếng Pháp được chia thành 4 môn riêng biệt gồm đọc hiểu và đọc to (chú trọng đến từ vựng và phát âm), luyện viết chữ đẹp, ngữ pháp, viết luận tiếng Pháp; tiếng Việt là môn học phụ. Chương trình lớp Cao đẳng Tiểu học tương tự như chương trình Trung đẳng nhưng với nội dung khó hơn. Như vậy, kể từ bậc Trung đẳng (tương đương lớp Bốn), tiếng Pháp được sử dụng làm ngôn ngữ giảng dạy. Muốn học lên cao, học sinh bắt buộc phải thạo tiếng Pháp vì kể từ lớp Bốn (moyen) đã phải sử dụng tiếng Pháp thành thạo để hiểu bài giảng của thày. Cũng từ bậc học này, chữ quốc ngữ mất dần vai trò trong trường học.
Môn học Công dân giáo dục
Khái niệm “công dân” đã được đưa vào các trường Pháp-Việt ở Việt Nam. Trong nền học vấn Nho học, tri thức xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng nhất đối với nhà Nho vì qua tri thức thức về con người, nhà nho có thể hiểu về trời đất để hoàn thiện khối nhận thức mang tính tổng thể về “thiên, địa, nhân”. Vào đầu thế kỉ XX, các môn khoa học được đưa vào dạy trong trường Nho học. Năm 1909, lần đầu tiên kỳ thi thơ, phú đã bị bỏ trong các bài thi Hương, thay vào đó là bài thi quốc ngữ với các câu hỏi về địa lý, khoa học, toán học; chẳng hạn như “Khí giời – Khí giời có những chất gì ? Gió ?- Bởi làm sao mà có gió (nội dung bài thi Hương năm 1909). Trong kỳ thi Hương ở Nam Định, trường thi còn lại duy nhất ở Bắc Kỳ, khoảng 200 người được lấy đỗ, trong đó có 50 Cử nhân. Số này có khả năng cao được bổ tri huyện. Để chuẩn bị cho những người đỗ đạt kỹ năng “làm quan”, các kỳ thi Hương trong giai đoạn cải cách đều có câu hỏi cho thí sinh thể hiện khả năng “làm quan”, chẳng hạn đề thi năm 1909 có câu hỏi “Một ông quan đại thần về hưu trí, có một người con cả mới được bổ làm tri phủ trong một hạt công việc khó. Trước khi ông ấy đi nhận việc, thì ông cụ dạy bảo cách cư xử, dưới là với dân sự, trên là với quan trên, nhất là với quan Đại- Pháp, và dạy phải giữ phận sự làm quan mà làm thế nào để cho hạt mình được yên ổn, và dân sự lại được thịnh vượng thêm hơn ra” (bài thi Hương Nam Định năm 1909).
Nội dung Nho học truyền thống cung cấp cho nhà nho tri thức, kỹ năng để làm bài thi và kỹ năng để “làm quan”, nhà nho không đồng nhất mình với khái niệm “dân”. Theo truyền thống Nho giáo, các Nho sĩ đã thiết lập một mục tiêu đầy tham vọng – học tập để trở thành một “người quân tử”. Thông qua việc học, Nho sĩ hướng tới hoàn thiện bản thân và từ đó có thể “đứng trên thiên hạ”, bắt đầu từ “tu thân”, tới “tề gia”, “trị quốc” và “bình thiên hạ”.
Trong chương trình học mới xuất hiện môn học “công dân giáo dục”, trong đó khái niệm “giáo dục công dân” được nhìn nhận như một mục tiêu của giáo dục. Bản thân người học là đối tượng của môn học “giáo dục công dân”, nó khác với khái niệm “dân” trong nội dung Nho học- dân như là đối tượng gián tiếp, là những người cần được dạy dỗ và bảo ban. Trong khi đó, môn học “giáo dục công dân” trước hết dạy cho người học “biết cách làm một người dân”.
Khái niệm “Công dân giáo dục” (“notions d’instruction civique”) đã từng xuất hiện bằng tiếng Pháp trong Môn học “Morale et Politesse” trong chương trình Tiểu học Nam Kỳ năm 1917. Trong khi đó, khái niệm này không được nhắc đến trong bộ Học chính Tổng quy, Bộ Luật Giáo dục cho toàn Đông Dương được Albert Sarraut thông qua ngày 21/12/1917. Năm 1938, lần đầu tiên môn học “Công dân giáo dục” được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường Sơ học yếu lược (Nghị định ngày 18/1/1938). Các trường Sơ học yếu lược là những trường chỉ có 3 lớp gồm Đồng Ấu, Dự bị, Sơ đẳng, là kiểu trường phổ biến nhất ở Đông Dương và có mặt ở những vùng nông thôn xa xôi nhất. Nghị định ngày 18/1/1938 quy định môn học “Công dân giáo dục” cho những trường này, kể từ lớp Dự bị và Sơ đẳng. Sau khi Chương trình được ban hành, sách giáo khoa “Công dân giáo dục” cũng được biên soạn và phổ biến.
Ngay từ bậc Dự bị (lớp 2) học sinh đã được làm quen với sinh hoạt trong làng, vai trò của Đình làng; đặc biệt tổ chức và bộ máy hành chính cấp xã được giới thiệu khái quát. Ở bậc Sơ đẳng (lớp 3) nhà trường giới thiệu với học sinh về tổ chức hành chính cấp tổng, huyện, tỉnh, xứ, Đông Dương, luật pháp, cách viết đơn trình lên quan chức các cấp. Có thể thấy ngay từ ở bậc học thấp nhất, học sinh đã được học về hệ thống quản lý hành chính và cách ứng xử của cá nhân đối với hệ thống đó. Nhà trường đã chuẩn bị cho các cá nhân tâm thức của một “công dân” trong nền cộng hoà. Tuy nhiên, tri thức dừng lại ở việc giáo dục cho “công dân” những bổn phận cần phải thực hiện hơn là những quyền mà họ được hưởng.
Các sách “Công dân giáo dục” cung cấp một khối lượng từ vựng mới liên quan đến “chính trị làng xã”, chẳng hạn các từ chính trị, quản trị, hội đồng hương chính, hội đồng kỳ mục, hội đồng tộc biểu, lý trưởng, phó lý, bầu cử, ứng cử…Bên cạnh đó, còn có các bài giảng về pháp luật, về toà án của Pháp, toà án của Nam Triều, về quyền bầu cử. Sau khi học xong bài, học sinh phải trả lời các câu hỏi để nắm được cơ cấu quyền lực trong làng xã, và so sánh được sự khác về cơ cấu hành chính làng xã ở ba kỳ, hiểu về các toà án và một số quyền của người dân.
Ngay từ bậc Dự bị (lớp 2) học sinh đã được làm quen với sinh hoạt trong làng, vai trò của Đình làng; đặc biệt tổ chức và bộ máy hành chính cấp xã được giới thiệu khái quát. Ở bậc Sơ đẳng (lớp 3) nhà trường giới thiệu với học sinh về tổ chức hành chính cấp tổng, huyện, tỉnh, xứ, Đông Dương, luật pháp, cách viết đơn trình lên quan chức các cấp. Có thể thấy ngay từ ở bậc học thấp nhất, học sinh đã được học về hệ thống quản lý hành chính và cách ứng xử của cá nhân đối với hệ thống đó. Nhà trường đã chuẩn bị cho các cá nhân tâm thức của một “công dân” trong nền cộng hoà. Tuy nhiên, tri thức dừng lại ở việc giáo dục cho “công dân” những bổn phận cần phải thực hiện hơn là những quyền mà họ được hưởng. Các sách “Công dân giáo dục” cung cấp một khối lượng từ vựng mới liên quan đến “chính trị làng xã”, chẳng hạn các từ chính trị, quản trị, hội đồng hương chính, hội đồng kỳ mục, hội đồng tộc biểu, lý trưởng, phó lý, bầu cử, ứng cử…Bên cạnh đó, còn có các bài giảng về pháp luật, về toà án của Pháp, toà án của Nam Triều, về quyền bầu cử. Sau khi học xong bài, học sinh phải trả lời các câu hỏi để nắm được cơ cấu quyền lực trong làng xã, và so sánh được sự khác về cơ cấu hành chính làng xã ở ba kỳ, hiểu về các toà án và một số quyền của người dân. Vấn đề bầu cử và ứng cử các chức vụ Lý trưởng và Chánh Tổng cũng được đưa vào chương trình học từ bậc Tiểu học.
Việc dạy tiếng Pháp và chữ Hán
Ở các trường công, theo quy định, học trò có 1 tiếng rưỡi học chữ Hán một tuần (giờ chữ Hán được bố trí vào thứ Năm ở tất cả các trường). Ở Trung Kỳ, gần như tất cả các trường Sơ học duy trì việc học chữ Hán với số giờ cao hơn so với mặt bằng chung. Theo Nha Học chính Đông Dương, cho đến năm 1930, các trường Trung Kỳ duy trì 3 giờ chữ Hán một tuần, nhiều trường tăng lên 5 giờ chữ Hán vì nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, với sự thắng thế của nền học Pháp-Việt, trong đó chữ quốc ngữ phổ biến ở bậc Sơ học (3 lớp đầu Tiểu học) và chữ Pháp phổ biến từ lớp Nhì, vào cuối những năm 1930 việc học chữ Hán trở nên trì trệ, học sinh không muốn học môn này, đặc biệt ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Năm 1937, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định bãi bỏ toàn bộ việc học chữ Hán trong trường Sơ học. Có thể thấy vào năm 1935, gần như toàn bộ các trường làng xã Trung Kỳ vẫn duy trì việc học chữ Hán nhưng thống kê năm 1937 và năm 1940 cho thấy không có trường làng xã nào học chữ Hán. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi từ năm 1940, kể từ khi Pháp thất thủ ở châu Âu và Nhật Bản đưa quân xâm chiếm Đông Dương. Trong bối cảnh quân đội Nhật chiếm đóng, chính quyền Pháp vẫn quản lý các trường học ở Việt Nam. Năm 1941, Nha Học chính và Bộ Quốc gia giáo dục của triều Nguyễn (Thượng thư Phạm Quỳnh) bàn việc đưa nền học cổ điển trở lại. Theo ý ông Phạm Quỳnh thì Tây học đem lại nhiều lợi ích cho dân nhưng cũng đem lại “cái độc dân chủ”, là “di hại cho loài người”. Những giá trị cốt lõi của đạo Khổng với chữ Hiếu, chữ Trung cần phải được bảo tồn, như ông Phạm Quỳnh chỉ ra “Bổn phận của mỗi người đối với cha là hiếu, bổn phận của mỗi người đối với vua là trung. Đó là hai mối tình cảm mà sự giáo dục phải khải phát ra trong lòng người, vì đó chính là nền tảng của gia đình, tổ quốc”. Kể từ năm 1942, việc học chữ Hán được lập lại, đặc biệt ở các trường tư.
Vấn đề phổ cập tiểu học
Phổ cập giáo dục có nghĩa là giáo dục miễn phí và bắt buộc. Là xứ thuộc địa, Nam Kỳ ban hành chính sách phổ cập tiểu học năm 1927. Trong khi số trường làng xã ở Nam Kỳ ít hơn nhiều so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì số trường Sơ học nhà nước ở đây lại cao hơn hẳn so với hai xứ còn lại. Năm 1930, Nam Kỳ có 1400 trường Sơ học nhà nước (ecoles elementaires officieles) với gần 80 ngàn học sinh nam và hơn 25 ngàn học sinh nữ, cao hơn nhiều so với bậc học tương đương ở Bắc Kỳ. Có lẽ chính nhờ chính sách giáo dục bắt buộc ở Nam Kỳ nên số học sinh nữ được đi học cao hơn nhiều so với các xứ khác. Tuy nhiên, con số này là nhỏ hơn nhiều so với số trẻ em ở tuổi đi học. Điều đó có nghĩa chính sách giáo dục bắt buộc ở Nam Kỳ đã thể hiện hiệu quả nhất định nhưng vẫn chưa được thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, chính sách này không được thực thi trên thực tế vì chính quyền không đủ kinh phí để cung cấp giáo dục miễn phí, bắt buộc cho tất cả trẻ em đến tuổi đi học. Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, giáo dục tiểu học là miễn phí nhưng do không đủ trường cho học sinh, chính quyền lập ra các kỳ thi khó để hạn chế số lượng trẻ em đến trường.
Giáo dục “bình dân” và “giáo dục tinh hoa”
Chính quyền Pháp thể hiện rõ định hướng về một hệ thống giáo dục mang tính “nhị phân”, gồm giáo dục bình dân và giáo dục tinh hoa. Nền giáo dục mà chính quyền thực dân xây dựng ở Việt Nam mang tính “nhị phân” rõ nét: một hệ thống trường đầy đủ gồm ba bậc học: Tiểu học (6 năm); Trung học (4 năm Cao đẳng Tiểu học và 3 năm Trung học để lấy bằng Tú tài); Đại học (4 hoặc 5 năm tuỳ từng chuyên ngành) hướng tới đào tạo đội ngũ tinh hoa; một hệ thống trường dành cho bình dân (chỉ có 3 năm, chủ yếu dạy hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ). Các trí thức tinh hoa sử dụng chữ quốc ngữ và tiếng Pháp thành thạo; tuy nhiên có xu hướng thích sử dụng tiếng Pháp trong giao tiếp chính thức; giới bình dân chỉ cần biết đọc biết viết chữ quốc ngữ.
“Giáo dục bình dân bản xứ” (enseignement populaire indigene), gồm ba năm học, cung cấp cho học sinh kiến thức cần thiết tối thiểu (minimum de connaissances indispensables). Sau ba năm, học sinh có thể thi lấy bằng Sơ học yếu lược (bắt đầu được thực hiện từ năm 1925). Chính quyền thực dân đã đánh vào tính hiếu danh của người dân khi cho rằng họ có thể thoả mãn với một tấm bằng, chỉ cần họ biết đọc biết viết, biết làm tính và họ sẽ không đòi hỏi gì nữa.
Từ năm 1907, để đào tạo đủ giáo viên cho các trường Ấu học đặt tại làng xã, Sở Học chính Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã cấp tốc tổ chức các khóa Sư phạm 6 tháng, ở Bắc Kỳ có hai địa điểm là Hà Nội và Nam Định; Trung Kỳ có ba địa điểm Phủ Diễn, Huế, Quy Nhơn; Khi được tuyển dụng, số hương sư này được gọi tên chung là giáo-sư hoặc tổng sư. Kể từ năm 1918, khi các trường Nho học chuyển thành trường Pháp-Việt, số hương sư/tổng sư này vẫn tiếp tục được sử dụng và dần được thay thế bởi các giáo viên có bằng cấp của trường Pháp-Việt. Những giáo viên này không được xếp vào ngạch bậc nào trong hệ thống ngạch bậc giáo viên Đông Dương. Có nghĩa họ hưởng một mức lương cố định suốt đời và không hy vọng được thăng ngạch.
Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, chi phí cho “bậc học bình dân” do làng xã đảm nhiệm và việc chi tiêu cho trường làng xã được thực hiện với những cách thức khác nhau. Ở Trung Kỳ, tiền cho hoạt động trường làng được trích từ tiền thuế (khoảng 5-6%) và nộp vào ngân sách Trung Kỳ với tên tài khoản là fonds de concours (chúng tôi tạm dịch là Quỹ học đường). Số tiền này được chuyển về cho các tỉnh ở Trung Kỳ để duy trì trường làng (còn được gọi là trường Dự bị vì đa phần các trường này chỉ có hai lớp là Đồng Ấu và Dự bị). Tuy nhiên sau đó Quỹ này đã bị bãi bỏ (năm 1933) vì những hạn chế trong việc sử dụng. Chất lượng các trường làng xã, chiếm khoảng 50% tổng số trường học, không đồng đều và đa phần đều không đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy. Các gia đình có điều kiện thường gửi con học ở trường huyện, nơi có cơ sở vật chất tốt hơn, thày giáo có trình độ hơn. Các gia đình nghèo cũng không muốn con đi học trường làng vì việc nhà nông bận rộn, nếu con đi học, gia đình lại phải chi phí về sách vở, quần áo và đôi khi mất đi lao động trong gia đình (trẻ em phải phụ bố mẹ làm việc nhà); bên cạnh đó nhiều học sinh không thể đảm bảo đúng giờ giấc trên lớp nên hiện tượng bỏ học giữa chừng diễn ra phổ biến.
Có nhiều vấn đề “khúc mắc” trong việc tổ chức “giáo dục bình dân”, đặc biệt là trong quan hệ giữa chính quyền làng xã (hào lý) với giáo viên được Sở học chính tuyển dụng và bổ nhiệm. Theo truyền thống Nho học, trường học do làng xã quản lý, bao gồm cả việc tuyển dụng giáo viên (thày đồ). Nay giáo viên do Sở Học chính bổ nhiệm và được chính quyền phê duyệt. Trong nhiều trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hào lý trong làng với giáo làng. “Khúc mắc” thứ hai là thái độ của phụ huynh đối với trường làng. Thông thường, cơ sở vật chất của trường làng còn xập xệ, tiêu điều, được bố trí trong đình, chùa, hoặc chỉ gồm một gian nhà tranh, nơi chỉ có một lớp học với học sinh rất nhiều lứa tuổi. Mỗi trường học thường chỉ có 1 giáo viên, dạy chương trình của hai đến ba lớp. Một số trường có số học sinh lên tới 60-70, một số trường lại rất thưa học sinh. Trình độ giáo viên không đồng đều. Nhiều cha mẹ không muốn cho con học trường làng vì không tin vào chất lượng của nhà trường. Giáo viên phản ánh tình trạng học sinh bỏ học là rất phổ biến. Thậm chí, vào những dịp làng có lễ hội hoặc vào mùa gặt các học sinh tự ý bỏ học kéo dài khiến cho chương trình không được bảo đảm. Nhìn chung, mục tiêu của chính quyền đặt ra là các trường làng đảm bảo cho trẻ em ở tuổi đến trường biết đọc biết viết và các tri thức khoa học cơ bản nhất. Nhiều phụ huynh không thoả mãn với mục tiêu như vậy. Mặt khác, việc phải đảm bảo đúng giờ giấc và lịch học làm ảnh hưởng đến công việc gia đình nên phụ huynh khuyến khích con cái phải duy trì kỷ luật cần thiết. “Khúc mắc” thứ ba là thái độ của giáo làng. Họ bị đối xử bất công với đồng lương quá thấp, bị “hào lý” coi thường; phải chịu sự kiểm tra giám sát từ chính quyền. Từ năm 1940 trở đi, các trường làng xã đi vào hoạt động quy củ hơn; số trường và số học sinh tăng nhanh hơn.
Bên cạnh bậc học bình dân là hệ thống trường lớp đào tạo đội ngũ tinh hoa gồm 12-13 năm học phổ thông và 4-5 năm cao đẳng/đại học. Hệ thống này là một hình chóp nhọn với những đòi hỏi hết sức khắt khe để tuyển lựa ra một số ít các trí thức đỉnh cao. Năm 1944, cả ba xứ Việt Nam có 3 trường Trung học công lập với số học sinh bậc Trung học (Tú tài) là hơn 1000; gần 6000 học sinh bậc Cao đẳng Tiểu học; khoảng 65 ngàn học sinh Tiểu học; khoảng 300 ngàn học sinh trường Sơ học nhà nước; hơn 600 ngàn học sinh trường làng xã[5]. Như vậy, số học sinh Trung học chiếm 0,1%; số học sinh Cao đẳng Tiểu học (tương đương THCS hiện nay) chiếm 0,6% trong tổng số gần 1 triệu học sinh. Để tuyển chọn giới tinh hoa, Nha Học chính đã đặt ra các kỳ thi hết sức khó khăn, trong đó tiếng Pháp đóng vai trò chủ đạo trong chuyển tải nội dung học tập và giảng dạy. Trên thực tế, việc đào tạo giới tinh hoa ban đầu không nằm trong kế hoạch của chính quyền Pháp nhưng trí tuệ và năng lực tư duy của một bộ phận người Việt Nam đã khiến họ phải khâm phục. Nhiều trí thức Việt Nam đã đạt được trình độ theo đúng chuẩn mực hàn lâm được Pháp công nhận. Một điều thú vị là đa phần những tinh hoa được đào tạo trong nhà trường Pháp-Việt lại tích cực tham gia vào phong trào chống Pháp, hưởng ứng cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc. Cùng với sự thay đổi từ Nho học sang giáo dục hiện đại, đội ngũ lãnh đạo cách mạng cũng đã thay đổi từ các Nho sĩ sang các nhà mác xít được trang bị đầy đủ tri thức và kỹ năng, hội nhập với phong trào chống thực dân và gỉai phóng dân tộc trên thế giới, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi.
Kết luận
Tham luận này chắc chắn không bao quát hết được những vấn đề của giáo dục Pháp-Việt, một nền giáo dục được hình thành và chỉ thực sự phát triển từ sau chiến tranh Thế giới I (1918). Nền giáo dục này đã thay thế hoàn toàn cho giáo dục Nho học truyền thống và đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo các trí thức kiểu mới cho Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các trường Pháp-Việt chấm dứt sứ mệnh của nó. Khi mới thành lập, Chính phủ Việt Nam DCCH một mặt phải khắc phục hậu quả về nạn “giặc dốt” mà giáo dục thực dân để lại; mặt khác, tiếp tục kế thừa di sản của giáo dục Pháp-Việt: đó là hệ thống nhà trường, giáo viên, phương thức biên soạn sách giáo khoa, phương thức quản lý tập trung.
___________
[2] Pascale Bezancon, 2002, Une colonization educatrice? L’experience Indochinoise (1860-1945), L’Harmatlan, Paris. tr. 24.
[3] Jules Ferry làm Bộ trưởng Giáo dục Pháp từ năm 1879 đến 1883 (bị ngắt quãng từ tháng 11/1881 đến tháng 1/1882). Năm 1881-1882, Jules Ferry soạn bộ luật Giáo dục mới cho nước Pháp, quy định về giáo dục thế tục, phi tôn giáo và bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 7 đến 13 tuổi. Kể từ năm 1882, “cấm các trường học nhà nước không được giảng dạy tôn giáo và chương trình học mang tính thế tục hoàn toàn”; xem W.D. Halls, Edmund J. King, 1976, Education, Culture and Politics in Modern France, Elsevier Ltd, Pergamon Press, tr.8. Khái niệm “thế tục hóa” giáo dục (education laïque, laïcisation) có thể hiểu: 1)tách rời giáo dục công khỏi nhà thờ; 2) chấp nhận sự truyền giảng của mọi tôn giáo chứ không riêng gì Cơ đốc giáo; 3) ngăn cấm, trừng phạt mọi nội dung có yếu tố tôn giáo trong giáo dục công lập. Theo quan điểm của Jules Ferry giáo dục có vai trò quan trọng trong việc khẳng định diện mạo và sức mạnh quốc gia.
[4]. Paulin Vial, 1872, L’Instruction publique en Cochinchine…. tr.8.
[5] Thống kê Đông Dương năm 1943-1946;
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Bản quy chế giáo dục năm 1906” (2008), Parcours d’un historier du Vietnam- Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh, Les Indes savants, Paris, tr. 847-853.
2. Bezancon P., 2002, Une colonization educatrice? L’experience Indochinoise (1860- 1945), L’Harmatlan, Paris. tr.24.
3. Đề cương về văn hóa Việt Nam của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương” (1943), Văn kiện của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ (từ năm 1943 đến năm 1968), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970.
4. Phạm Tất Dong (1995), Trí thức Việt Nam thực tiễn và triển vọng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5. Trần Thị Phương Hoa, 2012, Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ, Khoa học xã hội.
6. Trần Thị Phương Hoa, 2018, “Đóng góp của triều Nguyễn trong cải cách trường học ở Trung Kỳ, 1896-1919”, Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Tập 4, Số 1, 2018.
7. Trần Thị Phương Hoa, 2018 “Giáo dục Nam Kỳ từ năm 1861 đến năm 1904 nhìn từ vấn đề thế tục hóa”, NCLS, số 10 (510).
8. Nguyễn Văn Khánh (cb) (2004), Trí thức với Đảng, Đảng với trí thức trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
9. Trịnh Văn Thảo (2009), Nhà trường Pháp ở Đông Dương, NxbThế giới, Hà Nội.
Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Giáo dục Pháp-Việt và quá trình hiện đại hóa giáo dục Việt Nam (Tác giả: TS Trần Thị Phương Hoa) |