Giáo dục trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ

ENSEIGNEMENT SECONDAIRE FRANCO-VIETNAMIEN EN ANNAM

Tác giả bài viết:  Phó Giáo sư, Tiến sĩ  TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ
(Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)

TÓM TẮT

     Bài viết đề cập đến quá trình thiết lập hệ thống giáo dục trung học công lập Pháp-Việt ở Trung Kỳ đặt trong mối quan hệ so sánh với vấn đề này ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Ở Trung Kỳ, quá trình từ bỏ Hán học và xác lập giáo dục Pháp-Việt (Pháp – bản xứ) nói chung, bậc trung học nói riêng diễn ra muộn hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Qui mô trường, lớp, số lượng học sinh và giáo viên cũng nhỏ và ít hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ, ngay cả từ sau năm 1919, chính quyền Nam triều giao cho chính quyền Pháp quyền quản lí và điều hành giáo dục. Nguyên nhân bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử, chính trị, văn hóa, dân cư, kinh tế,… quy định. Ngoài chính sách cai trị của Pháp còn do tác động của các yếu tố bản địa: sự tồn tại của triều đình nhà Nguyễn và ảnh hưởng sâu sắc của giáo dục Nho học, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kinh tế không phát triển, sự phản kháng của nhân dân với chế độ thuộc địa…

Từ khóa: Quá trình, giáo dục Pháp-Việt, Trung Kỳ, nguyên nhân.

RÉSUMÉ

     L’article évoque le processus de mise en place du système d’enseignement secondaire public franco-vietnamien en Annam, mis en relation avec cette problématique au Tonkin et en Cochinchine. Le processus de renoncement à la sinologie et d’instauration de l’enseignement franco-vietnamien (Franco-Indigène) dans l’enseignement en général et dans l’enseignement secondaire en particulier, s’est déroulé, en Annam, plus tard qu’au Tonkin et en Cochinchine. Même si c’était après l’année 1919 où la Cour de l’empereur d’Annam a délégué au gouvernement colonial français les pouvoirs de gérer et d’administrer l’éducation, la taille de l’école, de la classe, le nombre d’élèves et d’enseignants en Annam restaient toujours inférieurs à ceux du Tonkin et de la Cochinchine. La raison est alors dérivée de facteurs historiques, politiques, culturels, populaires, économiques, …. En outre, à côté des politiques de domination coloniale de la France, il existe également des facteurs indigènes: l’existence de la dynastie des Nguyen et la profonde influence de l’éducation confucéenne, les conditions naturelles inclémentes, le sous-développement de l’économie ainsi que la résistance du peuple au régime colonial, etc.

Mots clés: Processus, éducation franco-vietnamienne, Trung Ky, raisons.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Sau khi áp đặt được ách thống trị, Pháp đã tiến hành nhiều biện pháp để có thể nắm lấy độc quyền ở Đông Dương và cai trị lâu dài. Giáo dục là được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu với mục tiêu hạn chế ảnh hưởng của Nho học và xác lập vị thế chủ đạo của hệ thống giáo dục mới của Pháp tại Việt Nam. Giáo dục Pháp-Việt (Pháp-bản xứ) ra đời vào cuối thế kỉ XIX đánh dấu một bước tiến về mặt khoa học giáo dục ở Việt Nam. Do tác động của nhiều nhân tố nên giáo dục ba xứ Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ cũng có những nét khác nhau về thời gian xác lập, quy mô, hệ thống…., trong đó có hệ thống giáo dục trung học. Bài viết đề cập đến quá trình thiết lập hệ thống trường trung học công lập, quy mô, số lượng học sinh và đội ngũ giáo viên của hệ thống này ở Trung Kỳ thời Pháp thuộc đặt trong mối quan hệ so sánh với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Từ đó, tìm hiểu nguyên nhân thực trạng của vấn đề này.

2. Sự hình thành và phát triển hệ thống trường trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ

     Giáo dục Pháp-Việt được thực dân Pháp áp dụng ở Việt Nam đầu tiên là sự ra trường các trường thông ngôn, sau đó là tiểu học, rồi trung học ở các xứ và cao đẳng, đại học tại Hà Nội. Gắn liền với quá trình này là quá trình từng bước cải hóa chương trình Hán học (đến 1919 thì xóa bỏ hệ thống này) và xác lập hệ thống giáo dục Pháp-Việt (hay còn gọi là Pháp – bản xứ) và Pháp. Sự ra đời trước, sau các bậc học và loại hình trường lớp thuộc hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ có khác nhau là do các điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa, dân cư, kinh tế,… quy định. Đặc điểm của xứ Trung Kỳ thời Pháp thuộc là sự tồn tại đồng thời hai hệ thống quyền lực, trong đó chính quyền thuộc địa Pháp chi phối nhưng chính phủ Nam triều cũng muốn thể hiện vai trò của mình trong một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Điều này cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển hệ thống giáo dục Pháp-Việt ở Trung Kỳ.

     Trường Trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ hình thành và phát triển trên cơ sở giáo dục phổ thông (đại cương) và giáo dục nghề nghiệp. Tại Trung Kỳ, rút kinh nghiệm từ âm mưu đồng hóa, xóa bỏ nền giáo dục bản xứ của các thống đốc Nam Kỳ thất bại, Tổng Trú sứ Trung và Bắc Kỳ – Paul Bert (1886-1890) đã thực hiện một chính sách thỏa hiệp, xích lại gần với triều đình Huế và giới nho sĩ đông đảo ở các xứ có truyền thống giáo dục Nho học rất mạnh. Ngay từ năm 1886, để phát triển hệ thống giáo dục ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, Paul Bert cho thành lập Ban Thanh tra Giáo dục Pháp-Việt và ban hành một số nghị định triển khai nền giáo dục mớinhằm nhanh chóng thiết lập mối quan hệ trực tiếp giữa giáo dục Việt Nam với Pháp. Tiếp đó, ngày 6/9/1886, Paul Bert, ra nghị định quy định nhân sự cho giáo dục tiểu học ở Trung – Bắc Kỳ. Tuy vậy đối diện với vùng đất mà giáo dục Nho học còn sức sống, tình hình chính trị chưa ổn định vào cuối thế kỉ XIX, giáo dục Pháp-Việt xứ Trung Kỳ tự hạn chế ở một vài trường tiểu học tại các lị sở của những tỉnh lớn hoặc các trung tâm chính trị, kinh tế ở khu vực.

     Trường Pháp-Việt đầu tiên ở Trung Kỳ là các trường thông ngôn ở Huế. Trường Hoàng Gia được thành lập vào tháng 11/1886 với nhiệm vụ dạy tiếng Pháp cho các gia đình hoàng tộc, con em các quan lại cao cấp của triều đình nhà Nguyễn nhằm mục đích nắm chắc bộ phận vua quan và sĩ phu phong kiến Trung Kỳ (Báu, 2006, tr. 59). Song trường này nhanh chóng bị đóng cửa vào cuối năm 1886. Tháng 4/1887, chính quyền thuộc địa cho mở trường “Đại Pháp tự thoại học đường” ở Huế có chức năng như Trường Thông ngôn ở Nam Kỳ. Trường này tồn tại một thời gian ngắn do Diệp Văn Cương giữ vai trò Chưởng giáo, Nguyễn Hữu Mẫn là Trợ giáo (Quốc sử quán Triều Nguyễn, 2006, tr.120). Đến năm 1889, ở Trung Kỳ xuất hiện những trường tiểu học Pháp-Việt đầu tiên bậc sơ đẳng. Theo Niên giám thống kê Đông Dương năm 1889, ở Trung Kỳ có 2 trường tiểu học Pháp-Việt ở tỉnh lị Bình Định và Quy Nhơn (Partie-Annam et Tonkin, 1890, tr. 270), trong chương trình chú trọng dạy tiếng Pháp, quốc ngữ và kiến thức khoa học phương Tây. Chữ Hán vẫn lưu giữ trong trường học.

     Để tiếp tục phát triển hệ thống giáo dục mới, ngày 17/2/1890, Toàn quyền Piquet ra Nghị định số 248 thành lập Ban Học chính Trung-Bắc Kỳ thay thế cho Ban Thanh tra Giáo dục Pháp-Việt do Dumoutier lúc đó đang là Tổng Thanh tra giáo dục, được chỉ định làm Giám đốc.

     Trường trung học Pháp-Việt đầu tiên ở Trung Kỳ là Trường Quốc học Huế. Ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896), vua Thành Thái ban hành dụ thành lập Trường Quốc học Huế – [Quoc hoc (Collège national) à Hue] và được Toàn quyền Đông Dương- Rousseau chuẩn y bằng nghị định ngày 18/11/1896 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 61-62). Một qui chế được thiết đặt cho trường này, đặt dưới sự giám sát tối cao của Khâm sứ Trung Kỳ.

     Trường Quốc học là ngôi trường trung học Pháp-Viêt thứ ba tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc sau Collège Chasseloup-Laubat (thành lập năm 1874) và Collège de Mỹ Tho (thành lập năm 1879). Mục đích đào tạo của Trường là để cung cấp cho chính phủ Nam triều cũng như chính quyền Bảo hộ các viên chức hiểu biết về phương Tây, tiếng Pháp, chữ Quốc ngữ và chữ Hán để thực thi chức trách. Chương trình giảng dạy ở đây gồm các yếu tố thiết yếu về các khoa học hiện đại, về quản lý hành chính, về kế toán, về trắc địa, chữ Hán và tiếng Pháp là ngôn ngữ chính (Xứ An Nam, 2003). Đây là một biến thể “thuộc địa” của Quốc Tử Giám và Trường Hành Nhân trong điều kiện lịch sử mới, thể hiện sự thỏa hiệp giữa hai nền giáo dục Pháp-Việt. Trường Hành Nhân bị bãi bỏ thay bằng Trường Quốc học. Trường thu nhận nhiều thành phần học viên. Thứ nhất, làcựu học sinh Trường Quốc Tử Giám và Trường Hành Nhân cũ tuổi từ 15 đến 20; con em thuộc tầng lớp trên (công tử, tôn sinh, ấm tử), trẻ em có độ tuổi từ 8 đến 15 có quyền học ngoại trú tại một lớp đặc biệt với sự nhất trí của Chưởng giáo; toàn bộ kinh phí hoạt động do triều đình Huế đảm nhận. Mặt khác, trường thu nhận những người có bằng tốt nghiệp tiểu học vào lớp đào tạo Cao đẳng tiểu học của trường Pháp – bản xứ và những người đã đỗ kỳ thi Hương để bổ túc về tiếng Pháp và trở thành những viên chức tương lai (Gouvrnement Général de L’Indochine, Direction Generale de L’Instruction Publique, 1931). Ngoài ra, trường còn làm nhiệm vụ bổ túc tiếng Pháp cho quan lại tập sự do Phòng Khoa mục đảm nhiệm. Một tài liệu lưu trữ ở hải ngoại (CAOM 5921) năm 1903 nói về nguồn gốc xã hội của học sinh Quốc học (12 người đỗ thi Hương, 36 hoàng thân, 120 con tư nhân). Nghề nghiệp của 93 người tốt nghiệp năm 1903: 1 hậu bổ, 23 thông ngôn, 8 thầy giáo, 6 nhà nho, 18 nhân viên, 10 điện báo viên, 4 học sinh canh nông, 5 học sinh ngành y và 8 nhân viên công chính (Thảo, 2019, tr. 63-64).

     Theo một tài liệu chính thức từ Phủ Toàn quyền Đông Dương, Trường Quốc học Huế còn nhận 147 học sinh hệ sư phạm, 281 học sinh hệ EPS (Cao đẳng tiểu học PhápViệt) và 180 học sinh tiểu học (Gouvrnement Général de L’Indochine, Direction Generale de L’Instruction Publique, 1931). Với sự ra đời của Trường Quốc học, diện mạo giáo dục Pháp-Việt ở Trung Kỳ dần hình thành rõ nét hơn. Nhưng rõ ràng Trường Quốc học không phải là một trường phổ thông thuần túy (từ bậc sơ học đến cao đẳng tiểu học, năm 1906 bãi bỏ bậc sơ học) mà còn đào tạo quan lại, viên chức và nhân viên kỹ thuật cho các ngành nghề. Khi mới thành lập, Trường Quốc học đặt dưới quyền Giám sát của viên Khâm sứ Trung Kỳ, mọi nhân sự đều do viên Khâm sứ bổ nhiệm (khoản 1), mọi chủ trương hoạt động của nhà trường do viên Kham sứ phê chuẩn (khoản 12). Ngoại trừ Ngô Đình Khả làm Hiệu trưởng thời gian đầu, từ 1902 trở về sau đều do người Pháp nắm giữ.

     Vào đầu thế kỉ XX, phong trào “Châu Á thức tỉnh” lan rộng, xu hướng kết hợp cứu nước với duy tân theo con đường tư bàn chủ nghĩa diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Từ 1903, phong trào Duy Tân hình thành và phát triển sôi nổi với yêu cầu cấp bách phải học theo văn minh tư sản phương Tây (về khoa học kỹ thuật, những môn học thực dụng, những nghề nghiệp thiết thực…, nền dân chủ), cải tạo xã hội Việt Nam cũ, xây dựng nước Việt Nam mới theo hình ảnh các nước phương Tây tiên tiến. Các biện pháp để đạt mục tiêu đó là phải học chữ Quốc ngữ, hiệu đính sách vở, sửa đổi phép thi, đào tạo nhân tài, đổi chấn hưng công nghệvà thương mại, xuất bản báo chí,…Hàng loạt trường học dạy theo lối mới ra đời bắt đầu từ Quảng Nam lan tỏa ra các tỉnh Trung Kỳ, Bắc Kỳ, đến 1907 xuất hiện Đông Kinh Nghĩa thục đánh dấu nhu cầu phát triển văn hóa giáo dục theo văn minh phương Tây ở Việt Nam. Từ năm 1905, phong trào thanh niên sang Nhật du học cũng diễn ra mạnh mẽ. Từ tình hình trên, thực dân Pháp thấy rằng cần phải tiếp tục cách tân và mở rộng giáo dục. Năm 1905, trên địa bàn Trung Kỳ xuất hiện thêm một số trường tiểu học Pháp-Việt. Đó là Trường Pháp-Việt ở Vinh, Trường Pháp-Việt Đông Ba ở Huế, nâng tổng số trường Pháp-Việt bậc tiểu học ở Trung Kỳ lên 10 trường với tổng số học sinh khoảng 1.595 người (Thắng, 2005, tr. 172).

     Đến trước cải cách giáo dục năm 1906, toàn xứ Đông Dương có 12 trường chuyên nghiệp, riêng Trung Kỳ có 2 trường chuyên nghiệp và 10 trường tiểu học Pháp-Việt. Giáo dục Pháp-Việt chưa đi vào quy cũ, hệ thống, vẫn còn rải rác ở một số tỉnh với cơ cấu tổ chức chưa hoàn chỉnh gồm hai hệ thống nhưng trường dạy chữ Hán vẫn chiếm ưu thế. Tình hình này cũng giống ở Bắc Kỳ. Trong khi đó, vào năm 1905, ở Nam Kỳ, nền giáo dục Pháp đã được tổ chức hoàn chỉnh với hệ thống 3 cấp học và một chương trình giáo dục với ưu thế của chữ Pháp.

     Sự phát triển của tiểu học ở Trung Kỳ dù rất hạn chế cũng đặt ra việc phải nâng cao hệ thống giáo dục Pháp-Việt. Tuy nhiên việc cách tân vẫn nằm trên giấy vì không có cơ sở hạ tầng thích ứng: đào tạo giáo viên, phổ biến những sách giáo khoa bằng tiếng Pháp và Quốc ngữ về những môn học mới như toán, địa lí, luật, kinh tế, sư phạm…Trong khi chờ đợi, chỉ có kiến trúc hệ thống giáo dục truyền thống được xây dựng lại theo mô hình Pháp với ba cấp: Ấu học (tiểu học), Thiếu học (trung học) và Trung học (đại học). Chương trình học nêu ra hai ban: Ban Hán học nhằm vào luân lí Khổng giáo; ban Quốc ngữ học toán, khoa học, lịch sử, địa lí. Các môn học mới do những người Pháp-bản xứ dạy. Người học ở đây được chuẩn bị đi thi Hương. Những môn học dạy bằng Quốc ngữ (khoa học, dịch ngược xuôi Pháp-Việt) có mặt trong các kỳ thi sơ khảo và thi tuyển sinh.

     Được Giám đốc học chính Henri Goudon thúc đẩy, với sự đồng thuận của Toàn quyền Paul Beau và vua Thành Thái, cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất ở Đông Dương được tiến hành từ 1906. Theo Nghị định ngày 30/10/1906, Chương trình giáo dụctrung học Pháp-Việt được thực hiện ở bậc Cao đẳng tiểu học tại Trường Trung học Quốc học Huế dành cho nam gồm 4 ban đào tạo: giáo dục phổ thông, sư phạm, địa chính, khắc độ[2].

     Đến 1913, bậc Tiểu học Pháp-Việt ở Trung Kỳ có 28 trường, 74 giáo viên và 1903 học sinh, bậc Cao đẳng Tiểu học Pháp-Việt có 1 trường (Trường Quốc học Huế), với 8 giáo viên và 120 học sinh. Trong khi đó, giáo dục bản xứ theo Hán học, bậc Tiểu học và trung học có số học sinh đông gấp 6 lần (11.000 học sinh) so với bậc này ở hệ Pháp-Việt.

     “Bản Quy chế giáo dục 1906” cũng chú trọng đến việc mở trường cho học sinh nữ. Đến năm 1917, thực hiện bình đẳng giới, và để nâng cao vị thế của trường nữ ở Trung Kỳ ngang bằng Bắc Kỳ và Nam Kỳ, phục vụ nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực nữ cho chính quyền thuộc địa, vua Khải Định được sự đồng ý của Toàn quyền Albert Sarraut, quyết định thành lập Trường trung học dành cho nữ, lấy tên là Trường Đồng Khánh (Quốc sử quán Triều Nguyễn, 2012, tr. 154). Lúc đầu mới thành lập, trường chỉ đào tạo bậc tiểu học. Trường Nữ sinh Đồng Khánh dạy các môn thuộc các lĩnh vực: Văn – Thể – Mĩ – Hạnh và lao động kỹ thuật. Ngoài học văn hóa và nữ công gia chánh (may vá, thêu thùa, làm bánh, làm mứt, nấu ăn…), y tế sơ giản, nữ sinh Đồng Khánh còn học cách nuôi con, quản lí gia đình, được rèn luyện phong cách người con gái có học thức, có giáo dục, giản dị, trang nhã, lịch sự, khiêm tốn, tế nhị trong giao tiếp (Báu, 2006, tr. 260).

     Cũng như bậc tiểu học, có thể nói bậc trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ ra đời muộn hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Tính đến trước cải cách giáo dục lần thứ 2 vào cuối năm 1917, ở Trung Kỳ chỉ duy nhất có một trường trung học là Trường Quốc học Huế với 67 học sinh. Cùng thời điểm này, ở Nam Kỳ có 3 trường trung học lớn: Mỹ Tho, Gia Định và Chasselop Laubat (Pháp) với 353 học sinh. Bắc Kỳ có Trường Trung học Bảo hộ với 600 học sinh (Tiến, 2006, tr. 260). Cũng trong năm này, tỉ lệ người thi tốt nghiệp lấy bằng Bổ túc (bậc Cao đẳng Tiểu học) ở Trung Kỳ rất thấp, chỉ có 23 người dự thi và có 7 người tốt nghiệp; trong khi đó ở Nam Kỳ có 82 học sinh dự thi và có 47 thí sinh đỗ tốt nghiệp.

     Tình hình giáo dục Trung Kỳ trên đây do nhiều nhân tố tác động, trước hết là sự kháng cự của tầng lớp trí thức Nho học, của Chính phủ Nam triều. Tuy bị lệ thuộc, nhưng triều đình Huế vẫn muốn thể hiện vai trò của mình trong thực tế, trong đó giáo dục cũng là một mệnh hệ sinh tồn. Do đó, đã diễn ra cuộc chiến học đường giữa Nam triều và chính quyền thuộc địa trong việc duy trì giáo dục Nho học theo hướng cách tân.

     Trung Kỳ nói riêng, Việt Nam nói chung chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa truyền thống dựa trên nền tảng Nho học, nên không thể từ bỏ ngay được. Điều này thể hiện rất rõ trong phong trào canh tân cải cách ở Việt Nam đầu thế kỉ XX: chú trọng tân học, phê phán khoa cử và Nho học, nhưng vẫn bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, chú trọng dạy luân lí và lịch sử dân tộc, hiệu đính sách vở Nho học chọn những điều tinh hoa, khuyến khích học chữ Pháp những vẫn dạy chữ Hán. Đối với những người thuộc trường phái duy tân này, họ nhận thức sự bất lực của chế độ phong kiến, xem điều kiện lịch sử hiện tình như một cơ hội để nắm lấy, tranh thủ lề đường chật hẹp của chế độ thuộc địa tạo ra để đổi mới toàn bộ đất nước, nhằm tạo ra thực lực đi đến giành độc lập tự do được thể hiện trong Văn minh tân học sách (1904) – được xem là cương lĩnh của những người theo xu hướng duy tân lúc bấy giờ. Tác phẩm đã thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, thái độ đoạn tuyệt với học thuật phong kiến cổ hủ, thật sự tha thiết với cải cách xã hội, cải cách học thuật, tha thiết với tự do tư tưởng và độc lập dân tộc và mong muốn đất nước phát triển theo văn minh phương Tây.Vua Thành Thái và một số quan lại tại Triều đình Huế cũng tán thành xu hướng này. Tuy chấp thuận Tây học và Nho học cùng tồn tại, nhưng mâu thuẫn giữa cựu học và tân học vẫn nảy sinh. Nhiều nhà nho vẫn cấm con em đến trường Tây học. Một số chấp nhận Tây học nhưng không phải quy phục mà để chống Tây. Nguy cơ bị đe dọa từ các nhà nho vẫn hiện hữu, nhất là sau các phong trào Đông Du (1905-1909), phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ (1908), vụ Hà Thành đầu độc (1908), hoạt động của Việt Nam Quang phục Hội (1912-1917)… Chính vậy, thực dân Pháp nhận thấy rằng cần phải duy trì giáo dục Hán học bên cạnh tân học Pháp – bản xứ với cuộc cải cách giáo dục lớn năm 1906. Mặc dù có hai hệ thống tồn tại, giáo dục Nho học vẫn phát triển mạnh. Theo thống kê của chính quyền thuộc địa, vào thời điểm trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, ở miền Nam chỉ còn 487 trường học chữ Hán nhưng ở miền Trung và miền Bắc con 15.000 trường hàng xã, thu nhận 200.000 học sinh, chuẩn bị cho 10.000 thí sinh dự kỳ các kỳ thi ra làm quan; có 239 học quan điều khiển hoạt động này. Con số này này cao hơn nhiều so với số học sinh đến trường Pháp-bản xứ năm 1924 (Thảo, 2019, tr. 41). Đây là điều bất lợi cho sự phát triển của giáo dục Pháp-Việt. Tuy vậy, người Pháp cũng có thuận lợi là Tây học dần có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống giáo dục Việt Nam nhờ thiết lập được một hệ thống trường đa cấp từ bậc tiểu học đến bậc đại học, đào tạo đa ngành, đa nghề và bình đẳng nam nữ. Số học sinh đến trường Pháp-Việt ngày càng đông. Văn minh phương Tây ngày càng có ảnh hưởng rộng trong dân chúng. Triều đình Huế do Khải Định (1916-1925) đứng đầu tỏ ra quy phục thực dân Pháp. Do đó, chính quyền thuộc địa nhận thấy rằng cần phải nhanh chóng thanh toán dứt điểm nền giáo dục Nho học cũ-vốn là nền tảng sản sinh ra những người đi đầu trong công cuộc kháng chiến chống Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

     Đến cuối năm 1917, để xóa bỏ nền Nho học và xác lập vị trí chủ đạo và chi phối nền giáo dục Pháp, chính quyền thuộc địa ban hành chính sách cải cách tổng thể và toàn diện nền giáo dục Đông Dương (cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2) với việc Toàn quyền Đông Dương – Albert Sarraut ban hành “Quy chế chung về ngành giáo dục ở Đông Dương”, đương thời gọi là “Học chính Tổng quy” (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016, tr. 335- 486). Quy chế này quy định giáo dục Pháp-Việt ở Đông Dương bao gồm giáo dục phổ thông và thực nghiệp (dạy nghề). Giáo dục phổ thông chia làm ba cấp: đệ nhất cấp (tiểu học), đệ nhị cấp (trung học) và đệ tam cấp (cao đẳng và đại học). Giáo dục thực nghiệp tương đương với bậc tiểu học và trung học. Bậc đệ nhị cấp (Trung học) Pháp-Việt gồm 2 bậc: Bổ túc (Cao đẳng tiểu học) và Trung học Pháp-Việt (chuyên khoa). Bậc Cao đẳng tiểu học (Enseignement Primaire Supérieur) có thời gian học 4 năm tương ứng 4 lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ; Bậc Trung học (Enseignement Secondaire) thời gian học 2 năm, thi lấy bằng Tú tài bản xứ.

     Từ cuộc cải cách giáo dục năm 1917, giáo dục trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ mới có bước phát triển mới với sự nâng cấp trình độ đào tạo các trường Tiểu học Pháp-Việt ở Quy Nhơn, Vinh, Thanh Hóa và Trường Quốc học…Đến năm 1920, Trường Đồng Khánh mới có bậc trung học nhưng cũng chỉ đào tạo bậc Cao đẳng tiểu học. Theo Nghị định ngày 22/9/1923 của Toàn quyền Đông Dương quyết định chuyển Trường Trung học Đồng Khánh tại Huế thành trường trung học kiêm bị. Kinh phí duy trì trường học này (gồm cả tiền lương của giáo viên) do ngân sách Trung Kỳ chi trả (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016, tr. 618).

     Năm 1920, theo đề nghị của Khâm sứ Trung Kỳ, Toàn quyền Đông Dương ra quyết định thành lập Collège de Vinh (Trường Trung học Vinh) trên cơ sở Trường Tiểu học Vinh thành lập năm 1905, thường gọi Trường Quốc học Vinh, còn gọi là Trường Cao đẳng Tiểu học Vinh dành cho học sinh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Trường Quốc học Vinh đào tạo bậc Cao đẳng tiểu học, học sinh phải vào Huế thi tốt nghiệp (Hồng. N.Q. (2003, tr. 175). Ngày 26/11/1923, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định về việc chuyển Trường Quốc học Vinh thành trường trung học kiêm bị (toàn cấp). Mọi chi phí liên quan đến hoạt động của trường (gồm cả tiền lương của giáo viên) do Ngân sách Trung Kỳ chi trả (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016, tr. 619).

     Năm 1921, trên cơ sở Trường Pháp-Việt Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chính quyền thuộc địa mở thêm lớp đệ nhất niên bậc Cao đẳng tiểu học, đổi tên trường thành Ecole Plein Exercice de Quy Nhơn. Học xong lớp đệ nhất niên, học sinh phải ra Huế học tiếp. Đến năm 1924, trường chính thức lấy tên Collège de Quy Nhơn, hay được gọi là Trường Quốc học Quy Nhơn hay Trường Cao đẳng Tiểu học Quy Nhơn. Học sinh của Trường chủ yếu từ Đà Nẵng đến Phan Thiết, Tây Nguyên, số lượng khoảng 400 học sinh, gồm người Kinh và các dân tộc thiểu số (Vinh, 2016). Đến năm 1926, College de Quy Nhơn hoàn chỉnh bậc cao đẳng tiểu học, có đủ hệ thống 10 lớp gồm 3 bậc học. Bậc Sơ học gồm 3 lớp: Lớp năm (Đồng ấu), Lớp tư (Dự bị), lớp ba (Sơ đẳng); Bậc Tiểu học gồm 3 lớp tiếp theo: lớp Nhì đệ nhất, lớp Nhì đệ nhị, lớp Nhất. Bậc Cao đẳng tiểu học gồm 4 lớp đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Học sinh thi tốt nghiếp Cao đẳng tiểu học phải trải qua nhiều bước hơn Trường Quốc học. Đầu tiên phải thi hai môn thi viết trong các môn thi viết, sau đó gửi ra Huế chấm. Nếu đậu, thí sinh được ra Huế thi tiếp các môn còn lại và các môn thi vấn đáp (Trường Quốc học Quy Nhơn, 1996, tr. 5-8).

     Ngoài 4 năm chương trình giáo dục cao đẳng tiểu học, cứ 3 năm một ở Trường Quốc học Huế và 2 năm một ở Trường Quốc học Vinh, mỗi trường có một trường tiểu học kiêm bị dùng làm trường thực hành cho các học viên sư phạm nam và nữ.

     Đến trước năm 1930, ở Trung Kỳ chưa có trường trung học toàn cấp (đệ nhị cấp). Học sinh sau khi tốt nghiệp Bổ túc (Cao đẳng tiểu học), muốn học tiếp bậc trung học thi lấy bằng Tú tài phải ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn.

     Vào những năm đầu thập kỷ 1930, chính quyền thuộc địa tiếp tục cải cách giáo dục, trong đó có cấp trung học. Để ngăn chặn học sinh ở Trung Kỳ du học nước ngoài gây bất lợi, chính quyền thuộc địa cho mở thêm trường học và nâng cấp trình độ đào tạo Trường Quốc học Huế. Năm học 1931-1932, để ngăn ngừa học sinh Thanh Hóa vào Vinh học trung học sẽ bị ảnh hưởng của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, chính quyền thuộc địa cho mở thêm Collège de Thanh Hóa, nâng tổng số trường trung học ở Trung Kỳ lên 5 trường. Trường Collège de Thanh Hóa cũng chỉ đào tạo bậc Cao đẳng tiểu học như ở Vinh và Quy Nhơn, đến năm 1935 mới đủ 4 lớp.

     Đến năm 1936, Trường Quốc học Huế có đầy đủ hệ thống lớp của bậc Trung học (đệ nhị cấp), trường mang tên Lycée Khải Định. Theo Nghị định ngày 28/8/1936 của Toàn quyền Đông Dương, quy định bậc Trung học gồm 3 năm tương đương với chương trình ở các trường chính quốc; năm thứ 3 chia thành 2 ban: Toán học và Triết học.

     Ngày 31/9/1941, Toàn quyền Đông Dương kí nghị định thành lập ban Cổ điển Pháp ở ba trường trung học Bảo Hộ, Khải Định và Pétrus Ký, tuyển học sinh đã đỗ tiểu học học thẳng từ năm thứ 6 đến năm thứ 2 và thi tú tài phần 1. Năm sau, khi học chương trình tú tài phần 2, ngoài chương trình chung của phần hiện đại như Toán, Lí, Hóa, Sử, Địa…, mỗi tuần học sinh còn học 5 tiết chương trình cổ điển Hy Lạp và La Mã.

     Ngày 5/5/1942, Toàn quyền Đông Dương lại quyết định thành lập ban Trung học cổ điển Viễn Đông, cách thức tổ chức, chương trình, thời gian học như ban Cổ điển Pháp nhưng thay cổ học Hy La bằng Hán học. Trừ năm đầu là năm vỡ lòng, từ năm thứ 5 trở đi, học sinh phải học xen kẽ cả chương trình cổ văn Việt Nam và cổ văn Trung Quốc.

3. Tình hình học sinh và giáo viên

     Cũng với quá trình phát triển hệ thống trường lớp, số lượng học sinh và giáo viên trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ cũng có sự tăng tiến nhưng ít hơn Nam Kỳ và Bắc Kỳ.

     3.1. Học sinh

     Từ năm 1919, chấm dứt thi Hương, triều đình Huế giao toàn bộ quyền quản lí giáo dục cho chính quyền thuộc địa. Từ đó, số lượng học sinh tăng trưởng liên tục, đồng thời nhờ “truyền thống có học”, học sinh tập trung đông trong các trường phía Bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, bỏ khá xa Huế và Đà Nẵng.

     Số học sinh bậc trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ có tăng tiến từ 1921. Đến năm 1931 số học sinh trung học Pháp-Việt ở Việt Nam có bước nhảy thực sự, từ con số 1.814 học sinh năm 1921 lên đến 4.898 học sinh năm 1931, tăng gấp 2,7 lần. Nhưng số lượng học sinh Trung Kỳ vẫn thấp hơn Bắc Kỳ và Nam Kỳ vào năm 1931, Trung Kỳ chỉ có 1245 học sinh so với 1.629 học sinh của Bắc Kỳ và 1.622 học sinh của Nam Kỳ (Thảo, 2019, tr. 172).

     Số lượng trường, lớp, học sinh bậc cao đẳng tiểu học ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Anh, 1967, tr. 31-42)

Năm học

Bắc Kỳ

Trung Kỳ

Nam Kỳ

 

Trường, lớp

Học sinh

Trường, lớp

Học sinh

Trường, lớp

Học sinh

1922-1923

2 trường

481

2 trường

335

3 trường

515

1929-1930

67 lớp

1703

27 lớp

930

60 lớp

1912

1936-1937

8 trường

1792

5 trường

885

4 trường

1532

1941-1942

8 trường

2160

5trường

1683

4 trường

1668

     Bảng số liệu trên cho thấy đến những năm 30 của thế kỉ XX, giáo dục ở Trung Kỳ mới có sự chuyển biến mạnh hơn trước. Số trường lớp và học sinh tăng nhưng không số học sinh không bằng Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Năm học 1936-1937, cả ba xứ có 17 trường trung học chủ yếu đào tạo trình độ cao đẳng tiểu học, Trung Kỳ có 5 trường với 885 học sinh. Tỉ lệ học sinh học Cao đẳng tiểu học chỉ chiếm 0,01 % dân số Trung Kỳ.

     Đến những năm 1941-1942, cả khu vực Trung Kỳ cũng chỉ có 5 trường trung học, phần lớn tập trung ở Bắc và Trung Trung Kỳ. Cụ thể, ở Huế có 2 trường, ở Thanh Hóa có 1 trường, ở Nghệ An: 1 trường. Từ Đà Nẵng cho đến Bình Thuận và Tây Nguyên rộng lớn chỉ có Trường Quốc học Quy Nhơn với 145 học sinh. Chỉ duy nhất Trường Quốc học Huế đào tạo đủ hai bậc: Cao đẳng tiểu học và Trung học, các trường còn lại chỉ đào tạo ở bậc Cao đẳng tiểu học.

     Số học sinh tốt nghiệp và có bằng cấp bậc trung học ở Trung Kỳ cũng khiêm tốn ở ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ vào năm 1931-1932:

     Bằng Tú tài bản xứ: Trung Kỳ (0), Nam Kỳ (24 người), Bắc Kỳ (54 người) Bằng Cao đẳng Tiểu học bản xứ: Trung Kỳ (129 người), Nam Kỳ (208 người), Bắc Kỳ (200 người) (Thảo, 2019, tr. 170).

     Số học sinh viên tốt nghiệp Tú tài 1, Tú tài 2, Cao đẳng tiểu học Pháp –bản xứ ở các xứ học ở các trường thuộc Đại học Đông Dương năm học 1941-1942 như sau:

     Tú tài 2: Trung Kỳ (62 sinh viên), Nam Kỳ (103 sinh viên), Bắc Kỳ (194 sinh viên)

     Tú tài 1: Trung Kỳ (69 sinh viên), Nam Kỳ (127 sinh viên), Bắc Kỳ (248 sinh viên)

     Cao đẳng tiểu học Pháp-bản xứ: Trung Kỳ (131 sinh viên), Nam Kỳ (436 sinh viên), Bắc Kỳ (520 sinh viên) (Thảo, 2019, tr. 190).

     3.2. Giáo viên

     Về đội ngũ giáo viên trung học ở Trung Kỳ cũng ít hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Năm học 1922-1923: Quốc học Huế có 11 giáo viên người Âu và 11 giáo viên bản xứ; Trung học Bảo hộ Hà Nội: có 13 giáo viên người Âu và 26 giáo viên bản xứ; … Ở Trung và Bắc Kỳ, giáo viên chủ yếu là người bản xứ, ở Nam Kỳ: giáo viên người Pháp đông đảo hơn. Năm học 1930-1931, số giáo viên người Pháp ở các trường Cao đẳng tiểu học nam như sau: Trung Kỳ: 19, Nam Kỳ: 47, Bắc Kỳ: 28. Giáo viên người bản xứ, Trung Kỳ: 57, Nam Kỳ: 24, Bắc Kỳ: 62.

     Năm học 1941-1942, số giáo sư bậc Cao đẳng tiểu học ở Trung Kỳ có 52 nam và 2 nữ; ở Nam Kỳ: 49 nam và 1 nữ, Bắc Kỳ: 51 nam và 7 nữ (Thảo, 2019, tr. 181).

     Trình độ bằng cấp của giáo viên như sau:

     Năm 1931-1932, giáo viên người Âu có bằng Thạc sĩ: Trung Kỳ (0), Nam Kỳ (9 giáo viên), Bắc Kỳ (8 giáo viên).

     Năm 1931-1932, đội ngũ giáo viên người bản xứ có bằng cử nhân: Trung Kỳ (20 người), Bắc Kỳ (0), Nam Kỳ (0).

     Giáo sư bậc 2 (EPS): Trung Kỳ (25 người), Nam Kỳ (46 người), Bắc Kỳ (53 người).

     * Về số lượng giáo viên tại các trường Nữ Trung học cũng thể hiện một tình trạng tương tự vào năm 1931-1932:

     + Trung học Đồng Khánh: 5 người Âu, 7 người bản xứ

     + Trung học Nữ Sài Gòn: 28 người Âu, 12 người bản xứ

     + Trung học Nữ Hà Nội:10 người Âu, 6 người bản xứ

     Có thể khẳng định rằng, ở Trung Kỳ, việc từ bỏ Hán học và quá trình xác lập giáo dục Pháp-Việt (Pháp – bản xứ) diễn ra muộn nhất so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Qui mô trường, lớp, số lượng học sinh và giáo viên cũng ít hơn so với Bắc Kỳ và Nam Kỳ, ngay cả từ sau năm 1919, chính quyền Nam triều giao cho chính quyền Pháp quyền quản lí và điều hành giáo dục. Nguyên nhân bắt nguồn từ nhiều nhân tố. Ngoài các yếu tố đã trình bày trên đây, còn bắt nguồn từ chính sách giáo dục, đó là đào tạo viên chức chứ không đào tạo đốc công hay nhân viên kỹ thuật ở Trung Kỳ. Người Pháp vẫn lo ngại nếu phát triển một nền giáo dục đầy đủ cho người bản xứ thì khác nào trao vào tay họ một thứ vũ khí lợi hại để chống lại mình nhưng lại bị giằng xé bởi sứ mệnh khai hóa văn minh, một sứ mệnh tạo cớ cho người Pháp xâm lược Việt Nam. Tuy vậy, trong quá trình này, thực dân Pháp buộc phải đối phó với quá nhiều khó khăn, tồn tại nhiều bất đồng quan điểm, nảy sinh nhiều bất cập, nên thực dân Pháp phải thường xuyên điều chỉnh chính sách giáo dục, thậm chí tiến hành những đợt cải cách lớn để phù hợp với thực tiễn.

     Tình hình phát triển giáo dục ở Trung Kỳ còn phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế ở địa phương: “An nam là một xứ nông nghiệp, ít sẵn sàng để phát triển thành kỹ nghệ lớn: đường giao thông còn ít, nhân công ở đây không nhiều và ít khéo léo như ở Bắc Kỳ, các sản phẩm mỏ phân tán mỏng và không phong phú” (Xứ An Nam, 2003, tr. 327).

     Ở Trung Kỳ, công cuộc thực dân hóa của người Pháp ở Trung Kỳ có quy mô nhỏ hơn Bắc Kỳ và Nam Kỳ và hướng vào lĩnh vực nông nghiêp có thể thu nhiều lợi nhuận: “Nỗ lực sản xuất của những người canh tác Châu Âu ở An Nam hướng nhiều nhất về nông nghiệp. Các dịch vụ về hầm mỏ và kỹ nghệ ở đây không quan trọng bằng dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ này bao hàm một nguồn vốn đầu tư vượt trội so với hai loại dịch vụ đầu tiên” (Xứ An Nam, 2003, tr. 312). Kinh tế Trung Kỳ không phát triển, nhu cầu nhân lực ít hơn Bắc và Nam Kỳ. Do đó: “Nền giáo dục An Nam đào tạo viên chức, không đào tạo thợ chuyên môn hoặc đốc công” (Xứ An Nam, 2003, tr. 237).

     Vùng đất Trung Kỳ nghèo, không được đầu tư phát triển, trong đó có giáo dục. Về ngân sách chi cho ngành Trung học vào năm 1942, ngân sách phân bổ dành cho bậc trung học ở Trung Kỳ: 430.000 đồng, Nam Kỳ: 1.294.000 đồng; 1.026.000 đồng (Thảo, 2019, tr. 192). Điều này cũng ảnh hưởng đến việc phát triển giáo dục trung học ở Trung Kỳ.

     Thực dân Pháp còn hạn chế việc phát triển giáo dục. Điều 69 Luật giáo dục công cộng quy định: “mỗi làng xã phải có một trường tiểu học công lập”, đến năm 1930 còn chưa thực hiện được. Ở làng xã, giáo dục tư thục chiếm ưu thế. Nguồn dự tuyển cho bậc trung học ở Trung Kỳ cũng hạn chế hơn Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Năm 1913, tổng số trường Pháp-Việt ở Bắc Kỳ là 51 với hơn 6.000 học sinh, Trung Kỳ có 23 trường Pháp-Việt với chưa đến 1000 học sinh. Số trường Pháp-Việt ở Nam Kỳ là 737 trường với hơn 43 ngàn học sinh, chiếm hơn 90% tổng số trường Pháp-Việt ở Việt Nam. Trường tiểu học toàn cấp chỉ có ở tỉnh lỵ. Trường trung học ở xa, chỉ có ở Huế, Quy Nhơn, Vinh, Thanh Hóa. Muốn học cao đẳng, đại học phải ra Hà Nội. Học sinh muốn học hết cấp Tiểu học Pháp-Việt, gia đình cũng phải có điều kiện kinh tế, chưa nói đến bậc trung học, đại học sự tiêu tốn gấp nhiều lần. Chế độ học tập và thi cử khắc nghiệt. Chương trình học bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao với nhiều ngoại ngữ (Pháp, Hán, Anh, La tinh, Hy Lạp…). Ví như Chương trình bậc tiểu học Pháp-Việt rất nặng và khó theo lối giáo dục tinh hoa của Pháp như lớp Đồng ấu phải học 11 môn như luận lý (morale), thể dục, tiếng Việt, tiếng Pháp, học số và hệ thống mét, địa dư, chữ Hán… Nhiều học sinh ở ba lớp cuối (nhì 1, nhì 2, lớp nhất) của tiểu học bỏ học rất nhiều do không theo nổi chương trình này. Một thống kê năm 1923 trên toàn Việt Nam cho thấy tổng số học sinh lớp đồng ấu là 90.000 (trong tổng số 187.000) thì lớp nhì và nhất chỉ có 17.000. Vào năm 1927, đại diện của Bộ Thuộc địa cử sang Đông Dương để tiến hành một cuộc khảo sát, đã chỉ trích chính sách giáo dục của Pháp tại Đông Dương: “Quá đào thải vì chỉ có không quá một phần ba học sinh tiếp tục học lên tiểu học, […] rõ ràng là không đủ vì chỉ chiếm một phần tư số trẻ em đến tuổi đi học, […] chất lượng “xoàng” một phần vì quá Pháp và vì đào tạo đội ngũ giáo viên không đủ” (Phương, 2019). Năm 1924, chính quyền thuộc địa buộc phải điều chỉnh bậc học tiểu học vì học sinh không thâu lượm được kiến thức vững chắc, rút cuộc sẽ không thông thạo cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Pháp. Khi đó, lớp nhì được chia thành lớp nhì năm thứ nhất và lớp nhì năm hai nên bậc tiểu học có sáu lớp. Tuy nhiên, vấn đề không được giải quyết, bình quân cứ 40 em học lớp đồng ấu thì chỉ còn một em đậu bằng tốt nghiệp sơ học Pháp-Việt. Chương trình giáo dục trung học cũng khắc nghiệt tương tự…Do đó số người thành đạt trên đường học vấn hạn chế. Sau 10 năm (1922-1932), số người Trung Kỳ đỗ đạt các bậc đào tạo như sau:

Trình độTrung KỳNam KỳBắc Kỳ
Tú tài bản xứ2454
Cao đẳng tiểu học Pháp-bản xứ129208200
Tiểu học Pháp – bản xứ9392.2371.539

4. Kết luận

Giáo dục trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ là một bộ phận trong hệ thống giáo dục Pháp-Việt thời thuộc địa, sự hình thành và phát triển của nó xuất phát từ ý đồ đồng hóa của thực dân Pháp và từ nhu cầu tự thân của xã hội Việt Nam, bắt đầu manh nha từ nửa sau thế kỉ XIX ở Nam Kỳ và phát triển vào nửa đầu thế kỉ XX sau hai cuộc cải cách vào năm 1906 và 1917.

     Giáo dục Pháp-Việt ở Trung Kỳ nói chung và giáo dục trung học Pháp-Việt nói riêng hình thành và phát triển hầu như muộn hơn, quy mô trường lớp, số lượng học sinh và giáo viên nhỏ và ít hơn các xứ Nam Kỳ và Bắc Kỳ, nhưng tại đây đã diễn ra cuộc chiến học đường giữa cựu học và tân học tiêu biểu nhất, buộc chính quyền thuộc địa Pháp phải nghiên cứu điều chỉnh và áp dụng một chính sách tương đối phù hợp có thể.

     Giáo dục trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ nói riêng, giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế trên nhiều mặt, không tương xứng với tiềm lực của nhân dân Việt Nam, nhưng Trung Kỳ phải chịu nhiều hạn chế hơn cả. Thế nhưng trong điều kiện một nước thuộc địa, thì sự phát triển này, về mặt khách quan đã tạo điều kiện cho nhân dân Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục phương Tây hiện đại dù có mức độ, đồng thời tạo ra cho Việt Nam một tầng lớp trí thức trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, góp phần vào công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, xây dựng xã hội tiến bộ, làm rạng danh đất nước Việt Nam. Tại Trung Kỳ, chỉ riêng Trường Quốc học, đã có hàng trăm nhân sĩ, trí thức, những nhà hoạt động chính trị tiêu biểu làm thay đổi diện mạo đất nước Việt Nam: Nguyễn Sinh Cung (Hồ Chí Minh), Trần Phú, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn, Tạ Quang Bửu, Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Thúc Hào, Võ Liêm Sơn, Lê Trí Viễn, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Đào Duy Anh, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nam Trân….

__________
[2] Theo Nội quy của Trường Bảo hộ Hà Nội năm 1916, bậc Trung học học 4 năm gồm các lớp đại cương (phổ thống) và chuyên ngành. Trong 3 năm đầu, học sinh được học chung chương trình. Năm thứ 4, đối với các lớp chuyên ngành, học sinh chia thành 4 ban tùy theo ngành nghề mà họ lựa chọn. Ban Sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học; Ban Hành chính đào tạo thư ký cho các cơ quan công và tư; Ban Thương nghiệp đào tạo nhân lực kinh doanh buôn bán; Ban Kỹ thuật đào tạo nhân viên cho các sở kỹ thuật và công nghiệp

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Anh, N. (1967). Vài nét về giáo dục Việt Nam từ sau đại chiến thế giới thứ nhất đến
trước Cách mạng tháng Tám, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 102), tr. 31-42.

     2. Partie-Annam et Tonkin. (1890). Annuaire de l’Indochine pour l’anneé1889, II-e.

     3. Báu, P.T. (2006). Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

     4. Gouvrnement Général de L’Indochine, Direction Generale de L’Instruction Publique. (1931). L’Annam Scolaire: de l’enseignement traditionnel annamite à l’enseignement moderne franco-indigène, IMPRIMERIE D’EXTRÊME-ORIENT, HANOI.

     5. Hoa, T.T.P. (2012). Giáo dục Pháp-Việt ở Bắc Kỳ. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.

     6. Hồng. N.Q. (2003). Thành phố Vinh-quá trình hình thành và phát triển, Nxb. Nghệ An.

     7. Phương, N.T. (2009). “Huyền thoại đỏ và huyền thoại đen về giáo dục thuộc địa Đông Dương (Kỳ 2 “Huyền thoại đen”)”. Tạp chí Tia sáng.

     8. Quốc sử quán Triều Nguyễn. (2006). Đồng Khánh, Khải Định chính yếu. Hà Nội: Nxb. Thời đại.

     9. Quốc sử quán Triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục chính biên, đệ thất kỷ. TP. Hồ Chí Minh: Nxb.Văn hóa – Văn nghệ.

     10. Thảo, T.V. (2019). Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Hà Nội: Nxb. Tri Thức. Hà Nội.

     11. Thắng, N.Q. (2005). Khoa cử và giáo dục Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp.

    12. Tiến, N.Đ. (Chủ biên). (2006). Khoa cử và Giáo dục Việt Nam. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

     13. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016). Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Hà Nội: Nxb. Thông tin và Truyền thông.

     14. Trường Quốc học Quy Nhơn (1996). Quốc học Quy Nhơn, tập san kỷ niệm 75 năm thành lập trường (1921-1996). Quy Nhơn.

     15. Vinh, H. (2016). Trường Quốc học Quy Nhơn. Truy cập ngày 15/9/2020, từ http://www. Baobinhdinh.com.vn.

     16. Xứ An Nam. (2003). Những người bạn cố đô Huế, tập XVIII, 1931. Huế: Nxb. Thuận Hóa, Huế.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle, 2021

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Giáo dục trung học Pháp-Việt ở Trung Kỳ (Tác giả: PGS TS Trương Công Huỳnh Kỳ)