Giáo dục và tuyên truyền nâng cao Ý THỨC dân tộc để GIỮ GÌN BẢN SẮC VĂN HOÁ trong hội nhập quốc tế

     1. Hội nhập quốc tế đang là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đại hội X, Đảng ta đã xác định Việt Nam cần phải “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Hội nhập quốc tế không chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế mà mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác, kể cả chính trị, văn hoá – xã hội, quốc phòng, an ninh,… Trong đó, hội nhập văn hoá là hệ quả tất yếu đang diễn ra. Việc hội nhập văn hoá quốc tế một mặt mang lại những cơ hội cho chúng ta tiếp cận những giá trị văn hoá tiến bộ của nhân loại nhưng mặt khác cũng làm cho văn hoá dân tộc gặp nhiều thách thức trong vấn đề giữ gìn bản sắc. Đảng ta đã xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vì vậy việc phát triển và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong hội nhập quốc tế cần được quan tâm sâu sắc. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là “giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và chúng ta “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để vừa phát triển vừa giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện nay. Trong khuôn khổ báo cáo này, tác giả chỉ xin đưa ra một vài ý kiến về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong hội nhập quốc tế.

     2. Như chúng ta đã biết, văn hoá là sản phẩm do con người sáng tạo ra trong quá trình tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Bản sắc văn hoá chính là những nét văn hoá riêng biệt mà dựa vào đó chúng ta phân biệt được sự khác nhau giữa các dân tộc. Hội nhập văn hoá quốc tế giúp các nền văn hoá xích lại gần nhau để làm cho các nền văn hoá đó trở lên phong phú hơn. Nhiều thành tựu văn hoá được cộng đồng này sáng tạo ra có thể phổ biến rộng ra toàn thế giới. Ví như điệu nhảy ngựa Gangnam Style là sáng tác của ca sĩ Hàn Quốc Psy đã nhanh chóng lan truyền ra khắp các châu lục. Tuy nhiên, mặt trái của nó là hiện tượng xoá nhoà bản sắc văn hoá riêng của mỗi quốc gia. Việc hội nhập với thế giới là tất yếu sẽ diễn ra đối với nhiều quốc gia không riêng gì Việt Nam. Nền văn hoá của chúng ta không thể “bế quan toả cảng” nếu không muốn bị lạc hậu so với thời đại. Song, hội nhập như thế nào để hoà nhập nhưng không hoà tan là một điều thật khó bởi ranh giới giữa nhập với tan thật mong manh. Để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong quá trình hội nhập văn hoá toàn cầu nhất thiết phải có một chiến lược mềm dẻo và khôn khéo.

     Quy luật giao lưu văn hoá cho thấy những nền văn hoá mạnh sẽ lấn át những nền văn hoá yếu. Khi giao lưu văn hoá quốc tế chúng ta phải đối mặt với nhiều cạm bẫy bởi không phải yếu tố văn hoá ngoại lai nào cũng lành mạnh. Vì vậy, để không bị các làn sóng ngoại lai hủy hoại thì cần phải tăng cường sức mạnh và bản lĩnh cho nền văn hoá dân tộc.

     Văn hoá là sản phẩm do con người sáng tạo ra, nên muốn bản sắc văn hoá không bị mai một cần phải giáo dục ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân về việc giữ gìn bản sắc văn hoá của cộng đồng mình. Một khi ý thức giữ gìn của cộng đồng đó được đề cao thì không một yếu tố nào có thể thủ tiêu được bản sắc của nền văn hoá đó. Nói một cách rộng hơn đó là việc chúng ta cần tăng cường nhận thức của người dân về ý thức về cộng đồng người Việt. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử phát triển văn hoá Việt Nam thời kì Bắc thuộc và chống Bắc thuộc. Trong suốt hơn 1.000 năm các triều đại phong kiến phương Bắc thay nhau cai trị nước ta chúng luôn thực hiện chính sách đồng hoá văn hoá nhằm đồng hoá dân tộc. Trên mảnh đất nước ta bấy giờ cùng một lúc diễn ra hai quá trình vận động, đó là quá trình Hán hoá và chống Hán hoá. Với ý thức về cộng đồng người Việt và chủ quyền đất nước luôn được đề cao mà quá trình chống Hán hoá đã thành công. Hiện nay, nền văn hoá Việt Nam đang có cuộc tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau trên mọi phương diện với mức độ mạnh mẽ. Quá trình tiếp xúc lần này diễn ra một cách hoà bình và liên tục. Sự tiếp xúc giữa nền văn hoá nước ta với các nền văn hoá khác đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên mọi lĩnh vực qua nhiều kênh khác nhau như: truyền hình, internet, giao lưu trực tiếp,… Tuy nhiên, lần hội nhập văn hoá này là chúng ta tiếp xúc với những sản phẩm văn hoá của xã hội tư bản, trong khi đó chủ nghĩa dân tộc mà Việt Nam xem là ưu việt là chủ nghĩa dân tộc xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, hệ quả của quá trình tiếp xúc này vừa tích cực vừa tiêu cực. Nếu chúng ta biết lựa chọn những yếu tố văn hoá tốt đẹp thì sẽ làm giàu thêm cho văn hoá dân tộc. Và ngược lại, nếu hấp thu không chọn lọc sẽ khiến cho môi trường văn hoá của mình ngày càng bị vẩn đục bởi những yếu tố văn hoá tiêu cực, không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt. Đặc biệt, người Việt vốn có tâm lí sính ngoại nên thường sẵn sàng đón nhận hoặc lấy những cái gì có mang yếu tố nước ngoài làm tiêu chuẩn. Ví dụ, đôi khi thấy một số phụ nữ phương Tây không mặc áo ngực khi ra ngoài đường thì nhiều bạn trẻ Việt lại lấy đó làm “cái chung” để biện minh cho sự hở hang hay cố ý khoe thân của mình; các biển hiệu quảng cáo sử dụng đan xen quá nhiều tiếng nước ngoài ngay trên đất Việt cho thấy ý thức về ngôn ngữ quốc gia dân tộc đang dần bị mai một. Lối sống thực dụng, vị kỉ khiến ngày càng nhiều người có thái độ thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Việc một số nhà xuất bản in sách có hình lá cờ của Trung Quốc, bản đồ Việt Nam thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là minh chứng điển hình cho thấy sự thiếu trách nhiệm với việc khẳng định ý thức dân tộc và chủ quyền đất nước. Nhiều bạn trẻ hâm mộ các ban nhạc Hàn Quốc đến mức đã có những hành động và phát ngôn thiếu suy nghĩ khiến chúng ta không khỏi đau lòng. Ví như một số bạn trẻ thể hiện sự hâm mộ ban nhạc Hàn Quốc với những phát biểu gây sốc: “Em sẵn sàng ‘từ mặt’ bố mẹ nếu không cho em đi xem Suju biểu diễn. Thật vui vì ông bà cuối cùng đã biết điều và để mình đi…” “Gia đình là phù du, Suju là tất cả” (Suju là cách gọi tắt của ban nhạc Super Junoir),… Đặc biệt, việc thể hiện tình cảm của một số bạn trẻ với thần tượng âm nhạc Bi Rain (Hàn Quốc) bằng cách quỳ xuống và hôn chiếc ghế mà anh chàng ca sĩ này ngồi, đó là những hành động làm băng hoại lòng tự tôn dân tộc;… Có thể kể ra vô số những ví dụ về sự tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế đến văn hoá của Việt Nam. Và tất cả đều có một đặc điểm chung đó là sự nhận thức về ý thức dân tộc còn chưa sâu sắc của một bộ phận người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

     Chúng ta đã nói nhiều đến việc tiếp thu có chọn lọc những yếu tố văn hoá ngoại lai hay chủ động hội nhập để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc,… nhưng cái quan trọng nhất ở đây đó là việc giáo dục, tuyên truyền đầy đủ để người dân có tình yêu, thái độ tôn trọng và ý thức giữ gìn văn hoá của quốc gia mình trước khi tiếp nhận nền văn hoá của một quốc gia khác thì chưa được quan tâm thích đáng. Có thể nói đây chính là liều vắc xin phòng ngừa để bản sắc văn hoá Việt không bị mai một trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hiện nay, việc tuyên truyền và giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc của chúng ta chưa thực sự mạnh mẽ. Hệ thống giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội thường chú trọng vào việc truyền bá kiến thức chuyên môn để học sinh có thể vượt qua được các kì thi bắt buộc. Các hoạt động gắn liền với việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc chưa được quan tâm đúng mức. Đơn giản như lễ chào cờ và hát Quốc ca ở các trường học, các hội thảo, hội nghị chưa được quan tâm hoặc chưa thực sự trang nghiêm. Việc phát các băng, đĩa ghi âm lời các ca sĩ trong buổi lễ chào cờ là điều minh chứng. Do vậy, cần phải có sự kết hợp hài hoà giữa truyền thụ những kiến thức chuyên môn với giáo dục ý thức về quốc gia dân tộc. Có thể xây dựng các chương trình hoạt động ngoại khoá giúp học sinh – sinh viên nhận thức được những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Hoạt động giáo dục ý thức dân tộc không chỉ thực hiện ở các trường học mà phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

     Hoạt động truyền bá thông tin của các phương tiện truyền thông về việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc còn yếu. Đặc biệt là các trang báo mạng thông tin ở các mục văn hoá thường đăng tải các tin về đời tư, những phát ngôn gây sốc của những người nổi tiếng để kích thích sự tò mò, hấp dẫn người đọc. Việc đăng tải quá nhiều những thông tin này vô hình chung đã làm lu mờ các giá trị văn hoá đích thực. Đối với các chương trình giải trí trên truyền hình thì ngày càng bị lấn át bởi các bộ phim nước ngoài, ca nhạc nước ngoài, trò chơi theo bản quyền nước ngoài,… Có thể thấy rằng, các làn sóng văn hoá ngoại du nhập vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ chủ yếu là nhờ sự góp sức của truyền thông. Như chúng ta đã biết, truyền thông chính là một công cụ hữu hiệu trong hoạt động tuyên truyền giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Tăng cường các thông tin, các cuộc thi, các chương trình tuyên truyền về những giá trị văn hoá của dân tộc. Truyền thông cần phải là đầu tàu trong nhiệm vụ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Ngoài ra, truyền thông cũng cần phải làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường văn hoá bằng cách sàng lọc các thông tin sao cho phù hợp với chủ trương của Đảng, thuần phong mĩ tục của người Việt và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến nhận thức của thế hệ trẻ.

     3. Giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong hội nhập văn hoá thế giới là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia. Việc tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền về ý thức và trách nhiệm dân tộc sẽ là sức đề kháng tốt nhất cho văn hoá Việt Nam hội nhập với văn hoá thế giới với phương châm phát triển văn hoá dân tộc, hoà nhập nhưng không hoà tan.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Nguyễn Thế Cường, Giao lưu, tiếp biến văn hoá và bảo tồn bản sắc văn hoá Việt Nam trong toàn cầu hoá, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, 2008.

2. Thành Duy, Toàn cầu hoá, chủ nghĩa dân tộc và tiến trình phát triển văn hoá Việt Nam, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, 2008.

3. http://dantri.com.vn

4. http://petrotimes.vn

5. http://www.mofahcm.gov.vn

ĐẶNG HOÀNG GIANG 1

__________

1. ThS, Khoa Quản trị lữ hành – Hướng dẫn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.