GIỚI THIỆU NGƯỜI VIỆN TRƯỞNG Viện nghiên cứu Việt Nam học

Nguyễn Mạnh HùngPhó Giáo sư Tiến sĩ Sử học

    PGS TS Nguyễn Mạnh Hùng (hình 1), trước đây là sinh viên Đại học Văn Khoa, Luật Khoa Sài Gòn từ những năm 1963 – 1968. Từ năm 1969 -1975 – suốt thời gian 7 năm – Thầy đã tự giam hãm mình trong ngôi nhà nhỏ hẹp để biên soạn nên một số sách giáo khoa về ngôn ngữ văn hóa Nhật Bản, về chữ Hán trong tiếng Nhật, về loại hình dịch thuật sách văn học cổ điển Nhật – bên cạnh sự chỉ dạy của thầy Châm Vũ Nguyễn Văn Tần. Đặc biệt Thầy đã hoàn thành bộ KANJI Hán Nhật Việt từ điển (với bút danh Chính Văn) – xuất bản từ năm 1973 tại Sài Gòn. Nhật Việt Từ điển được viết bằng bút lông (bút danh Nguyễn Vũ Dũng),Việt Nhật thông thoại từ điển (bút danh Văn Vi Trình) xuất bản trước 1975. Riêng đối với KANJI HÁN NHẬT VIỆT (1.000 trang) đã được chỉnh sửa và đã tái xuất bản (2004) (hình 2).

     Sau 1975, từ vai trò Trưởng Ban bổ củi – Hợp tác xã chất đốt của Phường (1976 – 1983) mà đạt được thành quả đáng khích lệ. Từ những thành quả ấy, Thầy được trường Đại học Tổng hợp TPHCM tiếp nhận vào Khoa Ngữ văn để phụ trách lớp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài (1984) – mà nay đã trở thành Khoa Việt Nam học. Khi ấy với tư cách là “giáo viên cơ nhỡ” – do đầu óc của Thầy còn tồn tại loại tư duy hoang dã về tôn giáo học, chính trị học tư sản mại bản… Tuy nhiên, Thầy đã được bổ nhiệm làm Bí thư Công đoàn Khoa – lúc ấy Thầy đã chấp hành theo chỉ thị của Hiệu trưởng và Trưởng phó khoa để xây dựng mô hình mà Thầy đặt tên là Đại học Ghi danh. Ngay lập tức, Thầy đã trở thành người phá vỡ “cơ chế Xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, tên gọi Đại học không chính quy có phân biệt thành phần xã hội đã được chính thức hình thành trong văn kiện nhà nước – mà tên gọi ấy đã hóa thành những tên gọi khác biệt nhau:
Đại học Dân lập, Tư thục, Quốc tế. Đây là một bước ngoặt quan trọng vào thời điểm ấy. Sau đó, Thầy được tuyển chọn đi giảng dạy tại Khoa Thái Việt – Đại học Osaka Nhật Bản (1988 – 1992). Khi trở về Việt Nam, Thầy xây dựng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng với vai trò hiệu trưởng trong 18 năm (từ 1997 – 2015). Trong giai đoạn từ sau 1975, Thầy có được nhiều “quới nhơn” phù trợ – mà cuộc đời của Thầy như chiếc lá rách được lá lành đùm bọc.

     Biết bao việc phải đấu tranh cho sự nghiệp học vấn vào ngày ấy. Đó là một việc ưu tiên dành cho người kháng chiến, người có công với cách mạng, giai cấp công nông… Còn các thành phần khác không cần phải quan tâm – thậm chí có nhiều người phải đứng ngoài lề xã hội mà không được cắp sách đến trường. Cũng như thời phong kiến – “con quan thì được làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Thầy đã đứng ra tiếp nhận những con em có bố mẹ học tập cải tạo, hay gia đình vược biên đã nằm dưới lòng biển, hoặc còn sống sót mà phải đạp xích lô, xe ba gác…Tuy nhiên, cuộc đời Thầy không chỉ có thế – mà còn có cả nhiều nỗi bất hạnh – mà chúng tôi – những người theo Thầy đã gần 50 năm còn chưa biết hết.

     PGSTS Sử học Nguyễn Mạnh Hùng là người Thầy khá quen thuộc trong giới giáo dục Việt Nam và một số Đại học Nhật, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Thái Lan… Thầy là một nhà giáo chuyên nghiệp – từng là giáo sư không chỉ giảng dạy tại Đại học Osaka (Nhật Bản) mà còn là người được mời thuyết giảng tại Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Hawaii Western Samoa – miền đất xa xôi nhất của Châu Á Thái Bình Dương… về đề tài nghiên cứu khoa học cá nhân khác biệt. Đó là “Kỹ thuật người An Nam – Technique du peuple Annamite” do Henri Oger đã được hình thành từ những năm 1908 – 1909 tại Hà Nội. Công trình do Thầy phát hiện, nghiên cứu, chú giải Hán Nôm, dịch thuật từ các nguồn sử liệu của nhà Đông phương Pháp bằng chữ Pháp, chữ Hán Nôm để tái hiện Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – sau gần một thế kỷ bị chôn vùi. Thầy đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Sử học tại Khoa Sử – Đại học Tổng hợp Hà Nội (hình 3) – qua sự truyền dạy của đại bộ phận giáo sư Đại học Văn khoa, Luật khoa Sài Gòn từ những năm 1963 – 1968.

     Thầy là người được tiếp nhận cả 2 hệ thống đào tạo của Mỹ, Pháp. Sau này là hệ thống giáo dục Xã hội Chủ nghĩa tại miền Bắc Việt Nam từ 1984 – 1988, và từ 1992 – 1996 nơi quê cha đất tổ của Thầy.

     Nay, Thầy còn lại vai trò của Viện trưởng Viện nghiên cứu Việt Nam học mà chúng tôi đã theo Thầy từ năm 1965 tại Sài Gòn năm xưa – mà nay vẫn còn theo cho hết đời./.

Lê Phong
Phóng viên “Báo lá cải” Sài Gòn năm xưa
Người được viết một phần đời của Thầy

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)