Gốc Tích Của Người Việt Nam (Phần 2)
PHẠM VĂN SƠN
Nam Việt
Nhóm Nam Việt cũng như Mân Việt và Đông Việt là một trong nhiều nhóm Việt tộc. Nó mang tên Nam Việt có lẽ tự khi nó có mặt ở miền Nam bộ Trung Hoa cùng thời với các nhóm trên đây, rồi sau này dưới đời Tần, Triệu Đà chinh phục được nhóm Nam Việt và Âu Lạc lập thành một đế quốc ở miền Đông Nam Á Châu và tự xưng Đế. Chính đạo quân thứ tư trong năm đạo quân Tần đã ở phía Nam Dự Chương do đường Đại Du (nay là đèo Mai Lĩnh) tiến vào Quảng Đông là lĩnh thổ của nhóm Nam Việt? Có lẽ đạo quân thứ 5 sau khi chiếm được Đông Việt và Mân Việt đã theo đường bể do đèo Yết Dương tấn công vào Phiên Ngung (Quảng Châu ngày nay). Đạo thứ nhất, thứ nhì, thứ ba tiến vào phía Bắc Quảng Tây và Tây Bắc Quảng Đông không gặp sức kháng chiến nào đáng kể. Nhưng ít lâu sau họ bị người Tây Âu chống trả kịch liệt ở miền Quảng Tây, vì vấn đề tiếp tế khó khăn do đường xá xa xôi, vì do khí hậu quá độc nên luôn trong ba năm đoàn quân viễn chinh của nhà Tần bị khốn đốn và hao mòn vô kể. (Xin coi việc kháng chiến của Tây Âu ở đoạn dưới đây). Bị ngừng lại, nhà Tần thiết lập bì máy cai trị ở các nơi đã chiếm được như ở Đông Việt và Mân Việt — Quảng Đông và Quảng Tây thành ra ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Quận. Năm 214 việc đặt Quận, huyện thành tựu, nhà Tần cử Nhâm Ngao làm Đô Úy quận Nam Hải và Triệu Đà làm Huyện Lệnh Long Xuyên (Huyện thuộc Quận). Đến khi Trung Quốc có loạn, chư hầu nổi lên đánh đổ nhà Tần, nhà Hán ra đời thì Triệu Đà xưng Đế ở Nam Việt, chiếm địa phương này làm của riêng trong một giai đoạn nhưng sau cũng thần phục nhà Hán. Sau này Triệu Đà chết đi, các con cháu kế nghiệp bất tài, nhà Hán liền chiếm hẳn Nam Việt. Âu Lạc bấy giờ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nam Việt cũng nhào theo. Rồi Nam Việt cũng bị chia làm quận huyện. Tuy dân Nam Việt không bị cưỡng bức di cư như Đông Việt và Mân Việt để đồng hóa với Hán tộc, nhưng từ đời nhà Tần họ ăn chung ở lộn với mấy vạn quân Nam chinh và một vạn năm ngàn phụ nữ Hán mà Triệu Đà được nhà Tần cấp cho để giữ việc may vá cho quân lính nên ngay từ thời Nam Việt còn thịnh đạt đã có sự pha trộn giữa hai dân tộc Hán Việt…
Một điều đáng chú ý là sau khi nước Việt bị diệt, nhiều nhóm tàn dân U Việt đã chạy xuống các miền Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến tụ họp với những người đồng tộc là Mân Việt và Đông Âu Đã di cư từ trước. Họ có trình độ văn hóa cao nên khi hợp với các thị tộc chiếm đóng miền Nam trước họ thì họ đem đến đó một hình thức chính trị kinh tế cao hơn. Những nhà quý tộc của họ họp thành những bộ lạc lớn mà tự xưng vương. Ngay từ khi họ còn sinh tụ tại miền Chiết Giang cho tới lúc họ tản mác dần xuống miền Đông Nam Trung Quốc.
Để có một nhận định rõ rệt về mối liên hệ giữa người Việt Nam chúng ta ngày nay và các nhóm đồng tộc trên đây, chúng tôi xin trình bầy các đặc tính văn hóa của người Bách Việt sau khi đã nói về U Việt cũng cùng về một vấn đề. Căn cứ vào những tài liệu rải rác ở các cổ sử như Sử ký. Hán Thư và nhất là tác phẩm của Hoài Nam vương Lưu An là người Hán sơ sinh trưởng ở miền tiếp cận của Bách Việt thì biết rằng người Việt xưa kia sống một cách rất đơn giản. Họ không có thành quách, thôn ấp. Họ ở trong các vùng rừng núi, bờ lau, khe suối. Họ rất thạo thủy chiến, rất quen dùng thuyền, ở trên cạn ít mà ở dưới nước nhiều. Họ cắt tóc, xâm mình, đóng khố ngắn để tiện bơi lội, tay áo cộc để tiện chèo thuyền. Ở đảo Hải Nam cũng là nơi thuộc địa bàn của người Bách Việt, theo sách Hán Thư đàn ông cầy ruộng trồng lúa nếp, lúa tẻ, đay và gai. Đàn bà trồng dâu nuôi tầm. Có lẽ ở miền đồng bằng trong lưu vực sông Tây Giang miền Quảng Đông và Quảng Tây người Bách Việt cũng làm ruộng theo kỹ thuật thô sơ như dân Hải Nam vậy.
Người Bách Việt đã biết nuôi gia súc như bò, dê, lợn, gà, chó. Họ có các sản vật quý giá như: sừng tê, ngà voi, đồi mồi, trân châu, ngọc đỏ, bạc, đồng, trái cây (quả nhãn, quả vải) vải gai. Hẳn họ cũng biết kỹ thuật đồ đồng như người Ngô Việt nhưng chắc không tinh bằng dân Ngô Việt. Họ ít giao thông bằng đường bộ nên không dùng ngựa. Họ không giỏi thương mại nhưng vì có nhiều sản phẩm nên hay giao dịch với người Trung Quốc tại Quảng Đông, Hợp Phố, Tư Văn và Phiên Ngung một thời đã trở nên nơi đô hội lớn.
Về kiến trúc họ chưa có gì đáng kể vì chỉ ở nhà sàn, nhà gác bằng tre và gỗ, vì ngay như thành trì để phòng ngừa quân địch họ cũng không có như người nước Việt trong thời cường thịnh. Họ chỉ nhờ thế rừng núi hiểm trở để tự vệ thôi.
Về văn hóa tinh thần, họ cũng không khác người nước Việt mấy và người Hán cũng cho họ là khinh bạc và hiếu chiến. Họ vẫn còn sống theo chế độ thị tộc. Có lẽ riêng nhóm Đông Âu và Mân Việt đã tiến bộ hơn và đã tiến qua chế độ gia tộc. Về chính trị có lẽ họ ở giữa chế độ bộ lạc và phong kiến.
Lạc Việt và Tây Âu
Theo tác giả “Nguồn Gốc Dân Tộc Việt Nam” tổ tiên trực tiếp của dân tộc Việt Nam là nhóm Lạc Việt sinh tụ ở miền Trung Châu Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt, nhưng nói một cách chuẩn đích rằng nhóm này đến chiếm đóng ở đây từ bao giờ thì chúng ta chưa có câu trả lời dứt khoát, chỉ biết khi Triệu Đà cát cứ ở huyện Long Xuyên thuộc Nam Hải (Quảng Đông) thì người Lạc Việt đã có mặt ở lưu vực sông Nhị Hà rồi. Ở đây họ đã tổ chức thành quốc gia tuy chưa ra khỏi tình trạng bán khai, và ngự trị quốc gia Lạc Việt bấy giờ là họ Hồng Bàng.
Căn cứ vào Từ Quảng (do Sử Ký Sách Án Dẫn) người Mân Việt ở Phúc Kiến đều họ Lạc cả khiến ta ngờ rằng người Lạc Việt ở Việt Nam bây giờ với Lạc Việt ở Phúc Kiến có mối liên hệ với nhau.
Về Nhân loại học, ông Cl. Madrolle trong bài Le Tonkin ancian B.E.F.E.A.XXXVII đã phát biểu ý kiến này rồi ức đoán ở Phúc Kiến có một nhóm Việt tộc làm nghề chài lưới, hàng hải đã dùng thuyền gỗ hay mảng tre có buồm, hằng năm theo gió mùa, nhân gió bấc phiêu lưu theo dọc miền duyên hải rồi ghé vào miền Trung Châu sông Nhị, sông Mã (Việt Nam). Nhóm này cũng đã có phen vượt biển xuống cả Nam Dương, rồi lại nhân tiết gió nồm quay về căn cứ. Có thể một số đã ở lại Bắc Việt để sinh sống, vì ở đây đất cát có nhiều mầu mỡ, cho tới khi dân Việt tại miền Đông Nam Trung Quốc bị Sở diệt liền kéo cả toàn thể bộ lạc xuống Bắc Việt. Hán Từ Quảng đã căn cứ vào một số người họ Lạc còn sót lại ở đất Phúc Kiến nên nói rằng người Mân Việt họ Lạc.
Tại sao có cái tên Lạc Việt?
Ông Đào Duy Anh cho rằng nhóm Lạc Việt ấy đã thường tự sánh mình với một giống chim hậu điểu cứ đến mùa gió bấc lạnh lẽo cũng rời bờ biển Giang Nam với họ và tiến xuống miền Nam, đến khi mùa nóng trở về thì chim và người cùng quay lại chốn cũ. Dần dần trong tâm lý của họ phát sinh ra quan niệm tô tem (giống chim Lạc là một giống chim hậu điểu về loại ngỗng trời).
Họ nhận giống chim Lạc là vật tổ rồi lấy tên của giống chim này đặt cho thị tộc của mình. Rồi họ mang lông chim Lạc ở đầu và ở mình, lại trang sức thuyền của họ thành hình vật tổ, hoặc đeo khắp nơi trong thuyền những huy hiệu vật tổ cốt để cầu một sự hộ vệ của vật tổ trong khi lăn lóc giữa sóng gió bể khơi. Ngày nay người ta thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lư có chạm các hình ảnh này. Các nhà khảo cổ Pháp như Goloubew và Finot cho rằng sự kiện này do ý nghĩa “tô tem”. Đây chỉ là một sự ức đoán căn cứ vào các di tích mà các nhà khảo cổ đã tìm thấy.
Lân cận với nhóm Lạc Việt là nhóm Tây Việt hay Tây Âu ở mé Đông Nam tỉnh Quảng Tây đã nằm trong chương trình chinh phục Bách Việt của nhà Tần, trong khi quân Tần sẻ sông ngòi để chuyển vận binh lương xuống các vùng Quế Lâm, Nam Hải, Tần diệt được Đông Âu và Mân Việt nhưng đã vấp phải sức kháng chiến của nhóm Tây Âu mặc dầu hạ được tù trưởng là Địch Hu Tống. Sau này một mặt quân Tây Âu rút vào rừng sâu, một mặt, cứ đêm lại tiến ra đánh du kích giết được Đồ Thư là quan Úy nhà Tần và làm hao mòn mấy chục vạn quân của Tần nữa. Cứ lời Lưu An, sau sự thất bại đau đớn trên đây quân Tần rút về miền Bắc chiếm đóng ở phía Bắc sông Ly. Ảnh hưởng của Đế quốc Tần bấy giờ mới choán được địa quận Quế Lâm tức Uất Lâm bây giờ và miền Nam Hải (tức là Quảng Đông và Quảng Tây) mà thôi.
Ngày nay người ta ngờ rằng người kế tiếp tù trưởng hay thái tử chết ở núi Bạch Lộc là một người con thứ của vua Thục mà sử chép là Thục Phán (An Dương vương) đã có công chống Tần trên đây sau khi nước Thục (ở Tứ Xuyên) bị Tần diệt được (Sử ký chép việc ấy vào năm thứ 5 đời Chu Thành vương tức năm 316); khi dư đảng chạy về phía Nam Lãnh náu mình ở đất Diên Trì là đất của nước Sở cừu địch của Tần mới chiếm được.
Rồi Phán cảm thấy đất dung thân chật hẹp nghèo nàn, nên chiếm đất Tây Âu và Lạc Việt, theo lối con đường xe lửa Điền Việt ngày nay, qua Khúc Tịnh, Mìng Tự rồi theo sông Hồng Hà chiếm Lạc Việt hợp Tây Âu và Lạc Việt vào làm một thành ra Âu Lạc sau này, lấy Cổ Loa làm kinh đô, tự xưng hiệu là An Dương vương (Có lẽ muốn nhớ lại tên cố hương là Hoa Dương, tên miền đất Thục ở Tứ Xuyên).
Việc Thục Phán vào đất Việt có lẽ xẩy ra trước khi quân Tần đánh Tây Âu. Lúc này Tây Âu đã thuìc về Thục Phán.
Đến ngày nay, căn cứ vào thuyết của L. Aurousseau và tài liệu của Đào Duy Anh người ta gần như có thể quyết định rằng người Việt Nam bây giờ tức là người Lạc Việt thuở xưa sinh tụ ở miền Nam bộ Trung Quốc, sau này trôi rạt xuống lưu vực sông Nhị Hà. Các nhà khảo cổ gần đây đào sâu các tầng đất thấy hài cốt người Anh-đô-nê-diêng, Mê-la-nê-diêng ở dưới, còn hài cốt người Lạc Việt hay Giao Chỉ ở trên nên cho rằng người Lạc việt đến lập cơ sở ở Bắc Việt chưa lâu lắm.
Lấy gì căn cứ để nói rằng chúng ta là một trong đám Bách Việt và các nhà sử học và cổ học đã dẫn chứng bằng những hình dáng, tính tình, phong tục và các đặc tính văn hóa của người Việt là những tiêu chuẩn vững chắc nhất xưa nay về nhân chủng học, để ấn định nguồn gốc và giòng giống của một dân tộc.
Thuyết nói rằng người Việt chúng ta đến miền Trung Châu sông Nhị và sông Mã chưa lâu lắm có thể đúng vì trên khu vực này giống người Anh-đônê-diêng đã đến trước chúng ta. Họ do bán đảo Ấn Dì di cư tới và chiếm đóng những miền đồi núi giáp Trung Châu Bắc Việt (Phó Bình Gia và làng Cườm ở Bắc Sơn. Hòa Bình, Chợ Gành) và miền Bắc Trung Việt (Đa Bút ở Thanh Hóa, Cầu Giát ở Nghệ An). Nhà bác học Sylvain Lévy lấy kỹ thuật đồ đá trau tìm thấy ở suốt bán đảo Hoa Ấn mà cho rằng những thứ này đã do người Anh-đô-nê-diêng đưa tới. Nhiều nơi còn có những đống vỏ sò, vỏ điệp được coi là di tích sinh hoạt của người Anh-đô-nê-diêng có lẽ đã sống về nghề chài lưới ở ven sông và bên bờ biển. Người Lạc Việt mà chúng tôi đoán cũng là giống Anh-đô-nê-diêng làm nghề chài lưới đã tiếp xúc với người Thổ Trước miền Bắc Việt Nam cùng phương thức sinh hoạt tương tự rồi dần dần đồng hóa họ. Một phần của đám người Thổ Trước vì sự phát triển quá mạnh của người Lạc Việt đã bị dồn lên đồi núi, còn để lại ngày nay những di tích như hài cốt và các đồ dùng trong đời sống hằng ngày của họ, đã do các nhà địa chất học khai quật lên được. Khi còn ở Phúc Kiến, người Lạc Việt đã tiếp xúc với người Hán tộc thuộc giống Mông-gô-lích từ lâu, lại tới khi qua Âu Lạc pha máu với người Anh-đô-nê-diêng là giống chiếm cứ địa bàn ấy từ xưa, cho nên ta có thể nói rằng người Lạc Việt là một giống tạp chủng gồm nhiều yếu tố Anh-đô-nê-diêng và một phần nào yếu tố Mông-gô-lích. Nữ sĩ Colani tìm được trong một cái hầm mộ làng Cườm (Bắc Sơn một cái đầu lâu gồm cả tính chất Anh-đô-nê-diêng và Mông-gô-lích. Có lẽ là đầu của một người Lạc Việt nào lạc lõng vào trong đám Anh-đô-nê-diêng bị dồn lên miền sơn cước.
Truy cứu theo đặc tính sinh lý, ở nơi chúng ta, người ta cho rằng có sự pha máu giữa giống Anh-đô-nê-diêng với giống Mông Cổ, nếu xét tầm vóc người Việt Nam cao độ 1 thước 58, chân tay khẳng khiu, cái sọ tròn (chỉ xuất 82,8), môi hơi dầy, miệng hơi vẩu, mặt dẹt và hơi tròn, mắt có mí và hơi xếch, gò má cao, râu thưa và cứng, da ngăm ngăm, ta không thể không nhận đấy là đặc tính sinh lý của người Mông Cổ. Sự pha trộn này đã tạo thành con người Việt Nam có thể coi là một thực tế, nhưng qua các biến chuyển của lịch sử và do ảnh hưởng của thời tiết, thổ ngơi, con người Việt Nam cũng chịu nhiều sự thay đổi và có nhiều sắc thái khác để trở nên riêng biệt…
Đến Bắc Việt sau khi đã làm chủ nhân sông lưu vực sông Nhị và sông Mã, hẳn người Lạc Việt vẫn tiếp tục nghề chài lưới nhưng có lẽ chỉ một phần nào sống gần biển, ngoài ra dân Lạc Việt đã theo sinh hoạt định cư và lấy nghề nông làm căn bản do đó sách Quảng Châu Ký chép về Giao Chỉ nói: vua là Lạc vương, dân là Lạc dân, ruộng là Lạc điền và Lạc dân đã biết dùng nước thủy triều lên xuống để làm ruộng. Theo sách Hậu Hán Thư khi Lạc Việt đã thuộc về Hán mà dân Lạc Việt ở Cửu Chân vẫn chưa biết cày bừa bằng trâu bò, có lẽ vì sự tiến hóa của dân Lạc Việt mới chỉ phát triển tới lưu vực sông Nhị mà thôi chăng? Ở Trung Châu Bắc Việt người ta tìm thấy lưỡi cầy và lưỡi cuốc bằng đồng. Vì đồ dùng ở lưu vực sông Nhị, sông Đáy, nhất là ở Đông Sơn trên bờ sông Mã, người ta tìm thấy đồ đá, đồ gốm và đồ đồng của người Lạc Việt. Về những đồ đá, các nhà khảo cổ cho là thuộc về thời đại đồ đá mới còn sót lại. Đồ gốm đào được ở Đông Sơn thuộc về hậu kỳ của thời đại đồ đá mới mà hình thức cùng kỹ thuật tương tự với các đồ đào được ở Chiết Giang. Người ta cho rằng kỹ thuật này có lẽ do người Lạc Việt đem đến vì người Anh-đô-nê-diêng chưa tới một trình độì kỹ thuật cao như vậy. Đồ đồng phần nhiều là binh khí, búa, rìu, mũi thương, mũi mác, dao găm, mũi tên, lưỡi qua giống hệt như các thứ tìm được ở miền Giang Hoài và Chiết Giang của người Việt tộc. Song từ khi truyền đến Việt Nam thì kỹ thuật đồ đồng của người Lạc Việt mà xuất xứ là miền Ngô Việt, có lẽ đã chịu ít nhiều ảnh hưởng của văn hóa Anh-đô-nê-diêng rồi nhờ điều kiện sinh hoạt dễ dàng được phát đạt dần đến một trình độ khá cao. Cái trống đồng Ngọc Lư hiện giữ được ở viện Quốc gia bảo tàng ở Hà Nội đã chứng tỏ lời chúng tôi nói đây. Và chính Mã Viện đã lấy ở đất Lạc Việt một cái trống đồng loại này đem về nước, đúc tượng ngựa đồng. Theo Lâm Ấp Ký dẫn ở Thủy Kinh Chú: người Lạc Việt còn đúc cả thuyền bằng đồng nữa. Xem các đồ đồng tìm được ở Đông Sơn người ta thấy hình người có tóc búi sau gáy, có bịt một cái khăn ngang hai mối thắt lại thả dài xuống lưng. Ở mỗi tai có đeo một cái vòng lớn. Hình như lưng có thắt một cái giây, ở sau lưng có một cái tua bỏ thõng xuống. Lại có một hình người khác, tai cũng đeo vòng lớn, nhưng phần thân dưới mang một cái váy như váy Mọi ngày nay. Ở trước váy có thêm miếng lá phủ, tóc thì búi cao lên đỉnh đầu, một nửa kết thành bím bỏ thõng xuống lưng. Búi tóc có bịt một cái khăn. Kiểu tóc và kiểu khăn này giống hệt cách trang sức của người Dayak ngày nay.
Hai hình người này cho ta phỏng đoán cách phục sức ngày xưa của người Lạc Việt. Theo lời tâu của Tiết Tôn làm quan ở Giao Châu dưới đời Tam Quốc, người Lạc Việt bấy giờ búi tóc và đi chân không.
Người Lạc Việt có tục xâm mình, tin mình là con cháu Giao Long (truyền thuyết con Rồng cháu Tiên) mà họ gọi là Lạc Long Quân. Họ tin tưởng quỷ thần, có tục chôn người chết, bỏ đồ binh khí bằng đá và bằng đồng vào quan tài trước khi hạ xuống đất. Tôn giáo có tính cách nông nghiệp. Mỗi năm về mùa Xuân, họ mở hội cho trai gái tự do vui đùa múa hát có ý nghĩa ghi dấu mùa Xuân và mở mùa Hạ, trai gái dùng trầu cau làm lễ cầu hôn. Trong những hội hè ở các nơi, dân đã có tế lễ rất thành kính. Nhiều miền thượng du ngày nay, dân sơn cước cũng rất ham chuộng và vẫn bảo tồn phong tục này. Về chế độ xã hội khi mới đến, dân Lạc Việt còn theo chế độ thị tộc như người thổ trước Anh-đô-nê-diêng. Sau này nông nghiệp phát đạt, tiến đến chế độ gia tộc phụ hệ, còn ở những miền hẻo lánh, rừng núi chế độ thị tộc vẫn còn tiếp tục.
Hậu Hán Thư quyển 116 chép về văn hóa của người Lạc Việt như sau: “Người Giao Chỉ không phân biệt trưởng ấu… Không biết làm giá thú, chỉ theo dâm hiếu mà không biết tình cha con, không biết đạo vợ chồng, nghĩa là không có tổ chức gia tộc theo chế độ phụ hệ, chế độ tôn pháp như Trung Quốc.
Trong sớ của tiết Tôn ở đời Tam Quốc (Tam Quốc Chí 9.53) có đoạn nói rằng khi mới thuộc Hán, người Giao Chỉ ở huyện Mê Linh, và Cửu Chân ở huyện Đô Lương, anh chết thì em lấy chị dâu, đó là di tích của chế độ mẫu hệ. Sau này xúc tiếp mỗi ngày một sâu với văn hóa Bắc phương những phong tục dấu vết của thời man mọi này tiêu ma dần cho đến mất hẳn từ thời Tích Quang và Nhâm Diên tức là thời Đông Hán. Trong cuốn Xã Hội Việt Nam ông Lương Đức Thiệp có nêu ra điểm này và trong cuốn Les Grandes époques de l’Indochine, Bulletin de la S.E.M. du Tonkin, Tome XV — No. 2pp. 281-287, ông L. Finot cũng có nói: Dân Văn Lang trước thế kỷ thứ 2 và thứ 3 còn sống ở trong trạng thái gia đình mẫu hệ (matriarcat) và có tục đàn bà góa phải tái giá với anh em chồng (lévirat). Trạng thái này đổi dời lần lần do sự đồng hóa với Tàu để từ gia tộc mẫu hệ biến thành gia tộc phụ quyền. Ông Nguyễn Văn Tố bác bỏ kịch liệt thuyết này cho rằng không có chế độ thị tộc mẫu hệ vì họ Hồng Bàng từ vua Đế Minh đến Lộc Tục (Kinh Dương Vương) đã có việc hôn phối tức là không có việc đàn bà chung chạ với nhiều người đàn ông, các con chỉ biết có mẹ, và cũng không có tục đàn bà góa phải tái giá với anh em chồng. Chúng tôi thiết nghĩ chế độ mẫu hệ có thể xuất hiện với đời thái cổ ở bất cứ nơi nào khi người ta chưa có văn minh, đạo đức. Lời phản đối của ông Nguyễ nVăn Tố phải chăng vì lòng tự ái dân tộc chăng?
Về tổ chức chính trị, các thị tộc Lạc Việt còn là những bộ lạc đặt dưới quyền một tù trưởng và khi thị tộc Lạc Việt đến Bắc Việt khuynh hướng tập trung bắt đầu rồi thành một chế độ phong kiến sơ sài. Tình trạng này khởi từ họ Hồng Bàng nên sử chép bấy giờ có vua là Lạc Vương, dân gọi là Lạc dân, các cấp chỉ huy là Lạc hầu, Lạc tướng, Bố chính chia nhau các thái ấp lớn nhỏ tùy theo địa vị của mỗi đẳng, cấp. Và cũng do việc phân chia đất đai nầy ta nhận thấy đời sống của Lạc Việt khi đó đã là đời sống định cư từ các miền Cao nguyên cho tới các địa phương Trung Châu trên lưu vực sông Nhị Hà và sông Mã. Chế độ phong kiến đó hiện nay còn ở các nơi người Mường trú ngụ cho ta một hình ảnh có thể phù hợp với đời sống cổ xưa của dân ta kể từ họ Hồng Bàng…
Trong khi xét về nguồn gốc của người Giao Chỉ, Đông Âu, Mân Việt, Tây Âu và Lạc Việt chúng tôi đã trình bày các điểm tương đồng của các thị tộc trên đây với thị tộc Lạc Việt chúng ta, và chúng tôi có cảm tưởng rằng:
1. Người Việt của chúng ta xuất hiện từ đời thượng cổ ở miền Bắc Nam bộ Trung Hoa và dần dần tản mác xuống miền Bắc bán đảo Hoa Ấn.
2. Chủng tộc của chúng ta do các biến thiên của Lịch Sử đã lẫn lộn với người Hán tộc mà yếu tố Mông Gô Lích là một yếu tố quan trọng trong dòng máu của họ. Chúng ta lại hỗn hợp cả với giống Anh-đô-nê-diêng là một giống rải rác ở khắp Đông Nam Á Châu và đã đến bán đảo Hoa Ấn trước chúng ta.
3. Người Lạc Việt chúng ta đã tiên phong phiêu lưu xuống Bắc Việt và miền Bắc Trung Việt trước áp lực của người Hán tộc. Các chủng tộc ở Á Châu phát tích ở miền đại lục thường chỉ tiến về phía Nam theo đường biển gần như một công lệ…
4. Người Việt chúng ta là những phần tử dũng cảm nhất có lẽ vì được hưởng nhiều đặc tính quý báu nhờ sự pha máu với nhiều chủng tộc, nên đã đương đầu được với nhiều cuộc xâm lăng của Bắc phương mặc dầu đã phải trải qua nhiều phút thăng trầm bi đát. Và cũng có thể nói rằng những cuộc hưng vong thê thảm này đã hun đúc cho dân tộc chúng ta một tinh thần tranh đấu bền bỉ, để tồn tại đến ngày nay, oanh liệt dưới vòm trời Đông Nam Á.