Hai bài văn bia: Ngự hà kiều bi ký và Khánh ninh kiều bi ký
Tác giả bài viết: HỒ VĨNH
(Năm 1996)
Ngự Hà được đặt tên dưới triều vua Minh Mạng. Sông này uốn nắn thành 5 đoạn gãy khúc như hình thước thợ, cắt mặt bằng Kinh thành Huế, chiều dài đo được 3.375m. Hiện nay ở phía bắc Ngự Hà còn hai tấm bia bằng đá thanh: Ngự Hà kiều bi ký và Khánh Ninh kiều bi ký. Bia dựng vào ngày 1 tháng 10 năm Bính Thân, tức là ngày 9-11-1836.
Nhận thấy Ngự Hà là công trình tiêu thủy quan trọng ở Thành nội, chúng tôi xin công bố toàn văn hai bài văn bia để giới thiệu dòng sông lịch sử này.
Tấm bia thứ nhất “Ngự Hà kiều bi ký” dựng bên trái góc cầu Ngự Hà (tục gọi là Cầu Kho – thuộc địa phận phường Thuận Lộc). Bia 1 mặt, đặt trên bệ đá cao 45 cm, khổ 72x170cm, trán chạm mặt rồng, long hàm thọ (miệng ngậm chữ Thọ), diềm bia chạm rồng mây đối xứng. Bài văn bia chữ Hán khắc chân phương, gồm 13 dòng, có 273 chữ, dòng cuối bài văn bia đề niên hiệu Minh Mạng năm thứ 17.
Phiên âm
Ngự chế Ngự Hà bi ký
Thử hà nguyên tiền Hương thủy chi phân phái. Ngã Hoàng khảo Cao hoàng đế khắc phục thần kinh hầu dinh kiến kinh thành, thời tùy thế quan trái khởi hoàng thành chi (rỗ mất một chữ) hoành đối vũ khố. Nhiễu nhi bắc thả đông hựu chuyển chi nam, phục đông xuất kinh thành thông Hộ thành hà, tức ư thành nội Đông nam môn trường giai, quá hà chí Chính bắc môn trường giai thường giá mộc kiều dĩ độ. Minh Mạng nguyên niên Canh Thìn, trẫm niệm Kinh thành nhân yên tấu. Tập đại giai, nhật dạ nhân mã kinh, do mộc chất tắc nan dĩ cửu tồn, nghĩ cải thạch kiều dĩ vi nhất lao vĩnh dật chi. Kế viên mạnh công bộ dĩ thị niên ngũ nguyệt cát nhật khởi công, duyệt nhất nguyệt hựu bán nhi kiều thành, hạ lưu tam không, thượng thiết thanh thạch lưỡng biên hộ dĩ thạch lan. Thà thị hà tiền vi hữu danh, tức danh vi Ngự Hà, sở dĩ danh kiều chí thập nhất niên tứ nguyệt, phục ư Ngự Hà đông xuất kinh thành gian nguyên hữu mộc kiều danh Thạnh Long kiều giả sở mệnh hoàn dĩ thạch, hạ thiết áp vi quan môn, thượng tức ư hộ lan khai thập tam bát môn cải thạch danh vi Đông thành thủy quan Phổ tế đông vãng lợi thiệp chu xa nhi nghiêm hữu bị, tráng hoàng đồ. Tiền hậu sỡ phí ngân tiền sổ vạn phất cách dã. Kim vi chi ký nhi. Khắc chi thạch vân.
Minh Mạng thập thất niên thập nguyệt sóc đán.
Dịch nghĩa:
Bia ghi chép về cầu Ngự Hà (do vua làm).
Sông này, nguyên trước là một nhánh của sông Hương. Đức Hoàng khảo Cao hoàng đế ta khắc phục thần kinh. Sau đó lúc xây đựng Kinh thành, tùy theo cái thế của nó mà làm Hoàng thành. Nó chảy ngang trước Vũ khố, uốn về bắc, sang đông, quay về nam, rồi lại hướng về đông ra khỏi Kinh thành, thông với sông Hộ thành, tức là từ dãy phố cửa đông nam thành nội qua sông đến cửa Chính bắc; thường bắc cầu gỗ để đi lại.
Năm Canh Thìn Minh Mạng thứ 1 (1820) trẫm nghĩ ở Kinh thành nhà cửa, phố xá tụ họp đông đảo, ngày đêm người ngựa qua lại, chất gỗ không thể chịu lâu được, định đổi ra cầu đá để làm kế một lần khó nhọc mà nghỉ ngơi lâu dài. Bèn sai bộ Công ngày tốt tháng 5 năm ấy bắt đầu làm, trải một tháng rưỡi thì xong. Dưới để ba khoảng trống, trên chèn đá xanh, hai bên xây vách đá để giữ. Vả lại sông ấy trước chưa có tên, bèn lấy tên là Ngự Hà, cho nên cũng lấy đó làm tên cầu.
Đến tháng 4 năm thứ 11 (1830) lại ở khoảng Ngự Hà chảy về đông ra khỏi Kinh thành, nguyên đã có cầu gỗ tên Thanh Long, mới sai thay bằng đá, dưới đặt cửa cống ngăn nước, trên đặt 13 khẩu súng lớn ở lan can đá. Cửa đổi tên là Đông thành Thủy quan Phổ tế qua phía đông thuận lợi xe đò mà lại có vẻ phòng bị nghiêm túc, làm cho hoàng đô hùng tráng. Trước sau tốn kém nhiều tiền bạc không tiếc. Nay làm bài ký mà khắc vào đá vậy.
Buổi sáng sớm, ngày mồng một tháng mười năm Minh Mạng thứ 17 (1836).
(Lê Nguyễn Lưu dịch)
Tấm bia thứ hai “Khánh Ninh kiều bi ký” dựng bên trái góc cầu Khánh Ninh (thuộc địa phận phường Tây Lộc), có nhà bia mỗi bề 365x365cm. Bia 1 mặt đặt trên bệ đá cao 39m, khổ 68x155cm, trán chạm mặt rồng, miệng ngậm chữ “Thọ”, diềm bia chạm hoa lá, đối xứng. Bài văn bia chữ Hán nét chân phương, gồm 11 dòng, có 293 chữ.
Phiên âm
Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký
Gia Long niên gian tuấn Ngự Hà khởi tự Vũ khố nhi đông xuất Kinh thành, thông Hộ thành hà, duy thượng lưu tắc vị thường thông dã. Trùng niệm thị hà, công tư vãng lai, lợi nhân thậm phổ, nhược thượng lưu bất thông, tắc dục hướng thành chi tây giả bất tiện hỉ. Thả thủy phất tiếp lai nguyên, tắc đình ứ ô trọc, bất năng cung quân dân thực dụng. Viên ư Minh Mạng lục niên Ất Dậu, lục nguyệt hà chỉ xứ hướng tây tạc khai nhất đạo, xuất kinh thành thông Hộ thành hà. Ư thị hà ký thông chu, nhi chư đại giai nhân mã sở do. Hựu bất đắc thiết kiều dĩ tế. Tức ư Ngự Hà trường giai thiết kiều, dĩ khánh Ninh cung tại kiều tả cận, tức danh vi Khánh Ninh kiều. Kế ư Chính nam môn trường giai chí Tây bắc môn trường giai quá hà xứ, sở thiết nhất kiều danh Vĩnh Lợi kiều. Hựu ư Tây thành khóa hạ thiết quan môn, thượng đạt xa vận, hạ thông chu tập, danh Tây thành thủy quan, quan tường trí đại bác, vọng chi ích hùng tráng. Tái vu tây thành ngoại quách đạo sở thiết nhất kiều, danh Hoằng Tế kiều. Dĩ thượng đẳng kiều dữ quan giai hạ thiết dĩ chuyên, thượng thiết dĩ y thạch. Công trình cơ chí bán niên phương thành, tối vi lao cố. Sở phí hà ví thập vạn nhi khả dĩ thùy thị vạn niên, trạch cập triệu tính, sở vô bất khả hỉ. Viên truy ký thị hà dữ kiều chi nguyên ủy nhi phó trinh mân.
Minh Mệnh thập thất niên thập nguyệt sóc đán.
Dịch nghĩa:
Bia chép về cầu Khánh Ninh (do vua làm)
Khoảng năm Gia Long, đào Ngự Hà bắt đầu từ Vũ Khố về phía đông ra khỏi Kinh thành, thông với sông Hộ thành, nhưng phía trên dòng không thông. Cứ nghĩ rằng sông ấy, công tư đi lại có lợi cho người ta rất lớn, nếu trên dòng không thông thì đi về phía tây không thuận tiện. Vả lại, nước không nối tiếp với đầu nguồn thì ngưng tụ nhơ bẩn, không thể cung cấp cho quân đội nhân dân dùng ăn uống. Vào tháng 6 năm Ất Dậu, Minh Mạng thứ 6 (1825), từ chỗ tắc Ngự Hà về tây, đào một con đường ra khỏi kinh thành, nối với sông Hộ thành. Từ đó, thuyền bè lưu thông, và người ngựa các đường phố lớn cũng cậy nhờ được.
Lại không thể bắc cầu để đi qua. Ở chỗ đường phố dài Ngự Hà bắc một cầu, vì gần bên tả cung Khánh Ninh, nên đặt tên cầu là cầu Khánh Ninh. Tiếp đó, từ phố dài cửa Chính nam đến phố dài cửa Tây bắc, chỗ băng qua Ngự Hà, bắc một cầu, đặt tên là cầu Vĩnh Lợi. Lại ở chỗ thành phía tây ngang qua Ngự Hà, làm cửa quan, trên thì xe cộ qua lại, dưới thì thuyền bè vào ra, gọi là Tây thành Thủy quan (cửa sông ở thành phía tây), bên trên đặt súng lớn, trông càng hùng tráng.
Trên con đường phía tây quách bên ngoài, bắc một cầu, đặt tên là cầu Hoằng Tế. Các công và cầu ấy đều dưới thì xây gạch, trên thì xây đá. Công việc đến gần nửa năm mới xong, vô cùng vững chắc. Tốn phí có hơn mười vạn mà để lại cho muôn năm, làm ơn cho hàng triệu người, thì không thể sợ tốn vậy. Bèn ghi lại nguyên ủy cầu của sông này để khắc vào đá tốt.
Buổi sáng sớm ngày mồng một tháng mười năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836).
(Lê Nguyễn Lưu dịch)
Hai bài văn bia trên đã cung cấp vài thông tin cần thiết, đến nay vẫn còn tính thời sự mà chúng ta đang quan tâm.
Hiện nay chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành dự án nạo vét Ngự Hà, khai thông dòng chảy để điều tiết mặt nước, góp phần cải thiện môi trường môi sinh trong Thành nội; đồng thời tạo cảnh quan, phát triển tham quan du tịch trên Ngự Hà.
__________
1. Nguyên văn chữ Hán: Đọc và dập chữ trên thực địa ngày 9-5-1989.
2. Nguyên văn chữ Hán: Đọc và dập chữ trên thực địa ngày 30-02-1994.
Nguồn: Dấu tích văn hóa thời Nguyễn (tác giả: Hồ Vĩnh),
NXB Thuận Hóa, 1996
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Hai bài văn bia: Ngự hà kiều bi ký và Khánh ninh kiều bi ký (Tác giả: Hồ Vĩnh) |