Hai cuộc cải cách văn ngôn lớn trong lịch sử văn ngôn Trung Quốc
PHẠM VĂN KHOÁI*
1. Văn ngôn – ngôn ngữ viết dựa trên cơ sở ngôn ngữ của tiếng Hán cổ tồn tại đến những năm đầu thế kỷ XX. Về cơ bản, ngôn ngữ viết này không thuần nhất, nó đã trải qua nhiều lần biến đổi về văn thể(1). Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến hai cuộc cải cách văn ngôn tiến hành vào hai thời điểm rất xa nhau do Hàn Dũ (768-625) và Lương Khải Siêu (1873-1929) đề xướng. Đó là hai cuộc vận động cải cách lớn nhất có ảnh hưởng sâu đậm đến văn ngôn về cả cấu trúc lẫn chức năng, vừa có tác động đến đương thời, vừa có tác động đến hậu thế, vừa có ảnh hưởng lớn ở Trung Quốc, đồng thời lại ảnh hưởng đến văn ngôn ở ngoài biên giới Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
2. Ngay từ thời Khổng Tử đã xuất hiện nhu cầu xây dựng một ngôn ngữ viết thống nhất với tư cách là công cụ giao tiếp thống nhất giữa các thành viên của đất nước “con trời”. Ngôn ngữ viết thống nhất được Khổng Tử gọi là Nhã ngôn 雅 言 (tiền thân của văn ngôn sau này). Đó là ngôn ngữ chung của “thiên hạ”, đối lập với các biến thể địa phương, là ngôn ngữ của Kinh Thi, Kinh Thư:“經 書 , 經 詩 [“Tử sở nhã ngôn, Thi Thư, chấp lễ giai nhã ngôn giã. (Luận ngữ. Thuật nhi) = Cái mà Khổng Tử (gọi là) nhã ngôn (ngôn ngữ chung, chuẩn thống nhất) là cách đọc Thi, Thư (Khi chấp hành điển lễ cũng đều dùng nhã ngôn].
Qua ghi chép trong sách Luận ngữ về nhã ngôn 雅 言 ta thấy đó là ngôn ngữ viết, vừa gắn bó trực tiếp với thực tế nói năng của mọi người (Kinh Thi), vừa gắn bó với ngôn ngữ của các văn bản tổ chức nhà nước (Kinh Thư). Các văn bản tiêu biểu cho tiếng Hán cổ như Tả truyện, Luận ngữ, Mạnh Tử, Trang Tử… trong chừng mực nhất định, chúng đều phản ánh ngôn ngữ nói của giai đoạn này. “Có thể giả thiết rằng những liên hệ giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết ở các văn bản này là chắc chắn”(2).
3. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói xảy ra vào những năm đầu công nguyên. Điều này thể hiện ở chỗ: hồi đầu công nguyên đã xuất hiện nhu cầu chú giải các văn bản cổ – trước hết làKinh Thi, Kinh Thưvà sau đó là các văn bản của trường phái Nho gia và các văn bản cổ khác. Phải chú giải các văn bản cổ bởi lẽ ngôn ngữ của chúng đã không được người đương thời hiểu nữa. Thời thế đổi thay tên người, tên đất đổi thay, cách diễn đạt đổi thay từ vựng đổi thay và cả ngữ pháp cũng đổi thay.
4. Đến thế kỷ VI-VII, sự đứt đoạn ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói trở nên rõ rệt. Giai đoạn Thịnh Đường được đánh dấu bằng một loạt những biến đổi to lớn nhằm đẩy nhanh tiến bộ xã hội. Phạm vi những người biết và trực tiếp tham gia xây dựng văn hoá Trung Quốc mở rộng hơn. Trong điều kiện đi lên của xã hội và văn hoá Trung Quốc, ngôn ngữ viết – văn ngôn cũng được đòi hỏi phải cải cách(3). Cuộc cải cách văn ngôn này do Hàn Dũ đề xướng thường được gọi là phong trào Cổ văn. Cũng cần lưu ý rằng ý tưởng cải cách văn ngôn và văn thể không phải được đặt ra từ thời Hàn Dũ, nhưng phải đến Hàn Dũ, những tư tưởng cải cách mới được hiện thực hóa về mọi phương diện: tư tưởng, chủ thuyết và xây dựng trường phái… Cải cách văn ngôn vốn chỉ là một chi nhánh trong một phong trào tư tưởng – chính trị sâu rộng nhằm “sùng Nho, phục cổ”, “Phong trào nho học và phong trào cổ văn do Hàn Dũ đề xướng bề ngoài xem ra đều tiến hành với khẩu hiệu “phục cổ” nhưng thực ra không phải hoàn toàn phục cổ mà là có cách tân và sáng tạo trên cơ sở thừa kế truyền thống. Về mặt nho học, phục cổ là chủ yếu, ông vẫn chưa xây dựng được một phái nho học mới; về mặt cải cách văn thể thì cách tân là chính”(4) và những cống hiến chính của Hàn Dũ là cải cách văn ngôn.
Phong trào cổ văn trước hết là một cuộc vận động tư tưởng nhằm chống lại và bài xích các trào lưu triết học độc lập với Nho giáo như Phật giáo, Đạo giáo… “Đạo nhà Chu suy, Khổng Tử mất, sách vở rơi vào ngọn lửa nhà Tần. Thuyết Hoàng Lão thịnh hành vào thời Hán, đạo Phật vào đời Tần, Nguỵ, Lương, Tuỳ. Bởi vậy, kẻ nói tới đạo đức, nhân, nghĩa không rơi vào Lão cũng rơi vào Phật… Vào đạo này thì bỏ qua đạo kia, vào thì tôn nịnh, phụ họa, ra thì chê bai, phỉ báng… Ôi! Người sau muốn nghe đến nhân, nghĩa, đạo, đức thì biết tìm theo ai?”(5). Ông cho mình có thiên chức khôi phục lại địa vị chính tông của Nho gia, xây dựng lại “đạo thống” từ Nghiêu – Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ đến Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử. Muốn làm được điều này, cần phải phổ biến các kinh điển của Nho gia cho sâu rộng. Song Hàn Dũ và các cộng sự của ông lại gặp một nghịch lý là; các kinh điển cổ lại viết bằng một ngôn ngữ đã có từ trước đó hơn chục thế kỷ. Cần phải học tập các kinh điển cổ như thế nào? Cần chấp nhận cả tư tưởng và các phương thức ngôn ngữ biểu đạt của chúng hay chỉ chấp nhận tư tưởng mà thôi?
Hàn Dũ sống ở giai đoạn Phật giáo bành trướng khá mạnh. Hẳn ông đã thấy một lợi khí mà Phật giáo đã sử dụng để tuyên truyền giáo lý. Đó là, các kinh điển của Phật giáo chủ yếu chỉ dịch sang ngôn ngữ nói. Bởi vậy, không đổi mới về ngôn ngữ thì các kinh điển về Nho giáo khó có thể được quảng bá trong số đông quần chúng. Chỉ có đổi mới ngôn ngữ, những tư tưởng của thánh kinh hiền truyện mới đi vào quần chúng, chiếm lĩnh độc giả.
Nguyên tắc của Hàn Dũ đề ra trong việc học tập các kinh điển cổ là “Pháp thánh nhân về tư tưởng nhưng không pháp thánh nhân về ngôn ngữ”. Điều này được thể hiện trong một loạt tác phẩm của ông, đặc biệt là trong các bức thư của ông gửi cho bạn bè, đồng chí, học trò. Trong thư gửi cho Lưu Chính Phu ông viết: “Đôi khi người ta hỏi: Ai sẽ là thầy để ta học viết? Cần phải trả lời ngay rằng: “Các vị thánh nhân thời cổ sẽ là thầy”. Song khi đó người ta lại hỏi: “Sách vở của thánh nhân ngày xưa vẫn còn được lưu lại, nhưng chúng đều khác với ngôn ngữ bây giờ. Vậy phải làm gì để ngôn ngữ viết được thống nhất? Cần phải trả lời ngay rằng: “Các kinh điển chỉ nam về tư tưởng chứ không chỉ nam về ngôn ngữ”(6).
Ngôn ngữ của thánh nhân thời cổ cần được mô phỏng là ngôn ngữ của các văn bản các triều đại Tiên Tần, Lưỡng Hán. Nhưng theo Hàn Dũ, cần phải giải hóa cái ngôn ngữ cổ ấy trong khi xây dựng một ngôn ngữ viết mới.
Hàn Dũ chủ trương phải học rộng, thầy học không phải chỉ là các kinh điển cổ mà còn là bất kỳ ai nếu ở họ có ý tưởng hay, hợp đạo và có cách diễn đạt có thể chấp nhận được. Luận điểm của ông là “Người ta sinh ra không phải tự nhiên mà biết tất cả mọi điều” bởi vậy cần phải học “Ngay cả các bậc thánh nhân thời xưa vốn hơn người là thế mà họ vẫn phải tìm thầy để học, thế mà chúng nhân đời nay kém thánh nhân đã nhiều nhưng lại hổ thẹn khi học thầy ru?”(7).
Hàn Dũ phê phán “thói lười” và “đố kỵ” của mọi người trong việc học tập (Nguyên hủy); hay ngầm phê phán lối viết kiêng huý đầy phức tạp trong văn viết thời bấy giờ. Chính lối kiêng húy đã cản trở, hạn chế khả năng sáng tạo của người viết, hạn chế sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ. Ông không dám trực tiếp phản đối kỵ húy mà chỉ khéo viện dẫn kinh điển và luật kỵ húy… để phê phán kỵ húy và lạm dụng nó đến mức thái quá.
Những nguyên tắc trên đây về ngôn ngữ đã thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của Hàn Dũ. “Thuyết cải cách văn thể” của ông mới là cái tinh hoa và đã có tác dụng chỉ đạo quan trọng đối với phong trào cổ văn và thực tiễn sáng tác của bản thân ông. Hàn Dũ xây dựng tiêu chuẩn “cổ văn” kiểu mới của ông từ hai mặt từ vựng và ngữ pháp. Một là “cần bỏ những lời nói cũ kỹ” (Thư trả lời Lý Dực), đòi hỏi ngôn ngữ phải mới mẻ; hai là “văn tự phải thuận với chức vụ của nó” (Nam Dương Phàn Thiệu Thuật mộ chí minh), đòi hỏi câu văn phải thỏa đáng và lưu loát(8).
Vậy là ta có thể hiểu thực chất đòi hỏi của Hàn Dũ về một ngôn ngữ viết mới là: loại bỏ một số dạng thức quá cổ vốn có trong các kinh điển và các văn bản Tiên Tần, Lưỡng Hán, xây dựng một ngôn ngữ viết mới có liên hệ với khẩu ngữ để đáp ứng yêu cầu mở rộng phạm vi những người hiểu văn bản. Tác phẩm văn học phải được viết từ những chuỗi tự nhiên của lời nói để ai cũng dễ dàng hiểu được, có vận luật tự do, không gò bó đến mức trói buộc như ở thời Lục Triều.
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Dũ đã chỉ ra rằng: Đặc trưng ngôn ngữ trong các tác phẩm của Hàn Dũ có liên quan đến các chủ đề của tác phẩm. Trong số các tác phẩm của Hàn Dũ dễ dàng nhận ra hai phong cách ngôn ngữ – phong cách cao cấp và phong cách bình dân.
Phong cách cao cấp trong các tác phẩm của Hàn Dũ có đặc điểm là: có nhiều hư từ, vốn từ chủ yếu là từ đơn âm, hay xuất hiện sự hoạt dụng của từ loại. Thuộc vào nhóm văn bản có phong cách ngôn ngữ cao cấp như: Nguyên đạo, Nguyên huỷ, Sư thuyết, Tiến học giải… [Người ta thường dẫn câu sau như là biểu hiện đặc trưng cho phong cách ngôn ngữ cao cấp của Hàn Dũ: “人 其, 火 其 書 ,盧 其 居 ” (Nhân kỳ nhân, hỏa kỳ thư, lư kỳ cư = Nhất định phải bắt người của chúng (các tăng, hòa thượng, đạo sĩ…) hoàn tục làm dân, đốt kinh Phật, sách Đạo, đem chùa chiền, đạo quán biến thành nơi cho dân ở”. Ở đây có một loạt danh từ được dùng như là động từ, như nhân 人, hỏa 火, lư 盧].
Phong cách bình dân có ít hư từ hơn, từ song tiết xuất hiện nhiều hơn (hơn 30% theo thống kê của V. Ph. Guxarov). Khi biểu thị động tác, ít dùng cách sử dùng sử động của động từ.
Trong nhiều tác phẩm của ông, người ta cũng nhận thấy xu hướng văn xuôi hoá về phong cách. Chẳng hạn như: thơ 7 chữ theo truyền thống hay ngắt ở sau âm tiết thứ tư, nhưng ở thơ của Hàn Dũ hay ngắt ở sau âm tiết thứ ba; trong thư 5 chữ, theo truyền thống hay ngắt ở sau âm tiết thứ hai nhưng ở thơ của Hàn Dũ, dấu ngắt có thể đứng sau âm tiết thứ nhất.
Từ thời Hàn – Ngụy, văn tế phần nhiều phỏng theo văn luật tứ ngôn của Nhã, Tụng trong Kinh Thi hoặc dùng biến thể. Văn tế của Hàn Dũ phá biến thể mà viết theo lối tản văn, không bị trói buộc theo cách luật thông thường. Chẳng hạn như bài Tế Thập Nhị Lang văn đã tạo nên khí thế phi động, phong thái lạ lùng nhờ cách viết trên.
Phong trào cải cách ngôn ngữ viết (phong trào cổ văn) do Hãn Dũ khởi xướng có ý nghĩa xã hội rộng lớn, thu hút được sự chú ý của nhiều người. Người ta đua nhau mô phỏng, bắt chước cách viết của Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên. Người ta coi bài Tiến học giải của Hàn Dũ là tiền thân của một loạt các bài phú sau này như: Tiền Xích Bích phú của Tô Thức, A Phòng cung phú của Đỗ Mục… Nhiều ngữ cú trong các tác phẩm của Hàn Dũ trở thành thành ngữ… “Thắng lợi của phong trào cổ văn lần này không những đã đả kích mạnh mẽ vào văn phong hoa lệ nhu nhược suốt ba trăm năm mà còn trực tiếp mở đường cho phong trào cách tân văn học thời Bắc Tống, tạo nên truyền thống cổ văn trong lịch sử văn học Trung Quốc mà tám nhà văn lớn Trung Quốc là đại biểu”(9).
Hoạt động cải cách ngôn ngữ viết của Hàn Dũ xảy ra đồng thời vào lúc mà ở Trung Quốc đã xuất hiện những văn bản viết bằng khẩu ngữ đương thời (Biến văn, Ngữ lục…). Điều ấy càng chứng tỏ, phong trào cổ văn mà Hàn Dũ là chủ soái, là một hiện tượng tự nhiên, hợp logic trong tiến trình xây dựng một ngôn ngữ viết có liên quan với ngôn ngữ nói, là do nhu cầu tự thân của việc cần phải có một ngôn ngữ viết gắn bó với khẩu ngữ để phản ánh kịp thời mọi diễn biến của cuộc sống, có khả năng diễn đạt tư tưởng của người đương thời một cách trung thành nhất, hữu hiệu nhất.
Do ảnh hưởng sâu rộng của phong trào cổ văn, ngôn ngữ viết thời Tống đã mang nhiều nét mới, song hành tồn tại ba nhóm văn bản viết bằng ba loại ngôn ngữ khác nhau(10). Cần lưu ý rằng các kinh điển cổ của Nho giáo được các nhà triết học thời Tống chú giải, về cơ bản, chú giải được viết bằng một thứ ngôn ngữ hỗn nhập vừa có các yếu tố của văn ngôn truyền thống, vừa có các yếu tố khẩu ngữ(11).
Nho giáo thời Tống có vị trí đặc biệt, các văn bản chú giải kinh điển lại được mang ra dạy cho học trò, người đi học lại rập khuôn, mô phỏng cái ngôn ngữ đó, các văn bản mới được xây dựng theo nguyên tắc điền từ vào các khuôn mẫu có sẵn, trong khi đó ngôn ngữ nói vẫn tiếp tục diễn biến và phát triển, bởi vậy kiểu viết của các nhà cải cách văn ngôn trong phong trào cổ văn trở nên lạc hậu dần, xa rời với ngôn ngữ nói. Trong một thời gian dài gần chục thế kỷ, từ thời nhà Tống đến thời nhà Thanh cũng có xuất hiện một vài trường phái văn ngôn cao cấp như trường phái văn ngôn Đồng Thành – một trường phái văn ngôn lấy tên huyện Đồng Thành ở tỉnh An Huy, nơi đã nảy sinh những nhà phong cách văn ngôn nổi tiếng như Phương Bào (1668-1744); Lưu Đại Khôi (1698-1779)… và trường phái Văn tuyển (lấy tên một tác phẩm nổi tiếng thời Lục Triều do Tiêu Thống soạn). Nhưng văn ngôn của hai trường phái này chủ yếu mô phỏng phong cách của các nhà trong Đường – Tống bát đại gia, không gắn với khẩu ngữ đương thời, do vậy ngôn ngữ viết – văn ngôn của thời gian này phức tạp và nặng nề về hình thức, có tổ chức vận luật nghiêm ngặt, nó chỉ làm sống lại những lối viết cổ, hạn chế khả năng phản ánh biến đổi của đời sống hiện thực của ngôn ngữ viết. Nhất là những năm cuối thời Thanh, những biến đổi của hiện thực xã hội đòi hỏi phải có một ngôn ngữ viết tương ứng, mềm dẻo, có khả năng phản ánh những đòi hỏi mới. Các nhà khai sáng tư tưởng của dân tộc Trung Hoa như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Nghiêm Phục… nhận thấy rằng phải đổi mới ngôn ngữ viết – văn ngôn. Và do đó, một cuộc cải cách văn ngôn có ý nghĩa xã hội rộng ở thời cận đại đã xuất hiện, gắn liền với tên tuổi của Lương Khải Siêu (1873-1929).
5. Lương Khải Siêu là nhà hoạt động chính trị theo khuynh hướng dân tộc tư sản. Người ta thường biết đến ông như là nhà chính luận, nhà hoạt động nhà nước… nhưng công lao của ông cống hiến cho việc cải cách văn ngôn thì ít được nhắc tới. Trong bối cảnh của những biến đổi xã hội Trung Quốc thời cận đại về các mặt, ông đề xướng cải cách ngôn ngữ viết – văn ngôn. Lương Khải Siêu viết: “Tôi sớm không thích phái cổ văn Đồng Thành. Lúc còn nhỏ, tôi học theo lối viết cuối Hán và Ngụy Tấn, tôi rất tự hào về lối viết ấy. Thế rồi tôi lại bỏ chúng đi, tôi chuộng lối viết bình dị, khoáng đạt, có pha lời nói của đồng quê đầy nhịp điệu và ngữ pháp của nước ngoài, thả bút viết đến mức tự do không bị câu thúc.Nhiều người theo học lối viết đó gọi là Tân văn thể”(12). Với cách viết của Lương Khải Siêu, văn ngôn cận đại có một bước biến đổi lớn.
Sự chú ý đến ngôn ngữ viết của Lương Khải Siêu nằm trong phức thể những vấn đề cấp bách của xã hội Trung Quốc những năm cuối thế kỷ XIX nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển biến xã hội, nâng cao dân trí, dân khí hòng sánh vai với các cường quốc phương Tây. Ông nhìn thấy sự phức tạp của hệ thống văn tự Trung Quốc, của ngôn ngữ viết – văn ngôn mà nét nổi bật nhất là nó cách quá xa ngôn ngữ nói. Công cuộc nâng cao dân trí sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu như cứ sử dụng ngôn ngữ viết như thế. Cần phải có một ngôn ngữ viết mới đáp ứng những đòi hỏi mới của cuộc sống.
Lương Khải Siêu đề xướng phong trào xây dựng ngôn ngữ dân tộc – một ngôn ngữ thống nhất giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, ngôn ngữ viết ấy phải là phương tiện quan trọng để phổ biến văn hóa.
Đổi mới ngôn ngữ viết ở Lương Khải Siêu trước hết xảy ra ở lĩnh vực các thuật ngữ chính trị. Ông không sử dụng các thuật ngữ chính trị lấy từ các thuật ngữ trung đại truyền thống mà ông lại Trung Quốc hóa các thuật ngữ lấy từ văn dịch do các dịch giả Nhật Bản xây dựng khi họ dịch các tác phẩm của các nhà tư tưởng Âu châu hiện đại ra tiếng Nhật. Trong nhiều trường hợp, ông lại sáng tạo ra các thuật ngữ mới.
Lương Khải Siêu phủ nhận phong cách tối tăm, cầu kỳ của văn ngôn thời Thanh. Phong cách văn ngôn thời Thanh với lối văn bát cổ dùng trong các kỳ thi đã làm mất đi những giá trị và tinh thần mà phong trào cổ văn của Hà Dũ đã mang đến cho văn ngôn. Ông phê phán trường phái văn ngôn Đồng Thành và trường phái Văn tuyển. Với hai trường phái này, văn ngôn thời cận đại đã đi tới mức cầu kỳ, bí hiểm, phức tạp về hình thức, bị ràng buộc bởi vận luật. Thơ ca dưới ảnh hưởng của trường phái này cũng thiên về viết theo ngôn ngữ cổ. Người ta mô phỏng theo theo Đường Tống. Những thơ ca Đường Tống còn liên hệ đến khẩu ngữ, còn thơ ca cổ văn cận đại lại không có quan hệ với khẩu ngữ đương thời.
Với tư cách là nhà chính luận, Lương Khải Siêu tham gia tích cực vào việc xuất bản báo chí. Hoạt động này ông bắt đầu làm vào năm 1896 nhằm mục đích công bố rộng rãi các tác phẩm của mình. Sau thất bại của cuộc cải cách 1898, Lương Khải Siêu sang Nhật và lập ra hai tạp chí ở Nhật nhằm công bố cho người Trung Quốc biết những tư liệu do người Nhật thực hiện. Hoạt động của ông và của nhiều người khác nữa đã cho phép phổ biến sâu rộng những tài liệu này cho độc giả Trung Quốc. Những sách báo đó không chỉ mới về nội dung mà còn mới về ngôn ngữ, có phong cách viết hấp dẫn người đọc.
Lương Khải Siêu không chỉ đưa vào ngôn ngữ viết hệ thống thuật ngữ hiện đại mà ông còn tiến hành giản hóa cú pháp văn ngôn, không dùng các hiện tượng chuyển từ loại trong các tác phẩm của mình để tránh khó hiểu trong văn bản. Cách viết này được nhiều người ủng hộ, hình thành phong cách mang tên ông – Phong cách Lương Khải Siêu. Phong cách Lương Khải Siêu được nhiều người tán thành, có tiếng vang rộng rãi và trở thành phong cách ngự trị trong các ấn phẩm khoa học và chính trị – xã hội.
Cái phong cách mà Lương Khải Siêu mang đến cho văn ngôn tất nhiên không phải là hiện tượng đột xuất trong thực tế ngôn ngữ ở thời cận đại. Phong cách Lương Khải Siêu chỉ là sự tiếp nhận và phát triển của phong cách công văn vốn có từ trước. Công văn hành chính vốn là một thể loại rất cần cho công cuộc quản lý trong điều kiện xã hội Trung Quốc thời trung thế kỷ và cận đại. Ngôn ngữ các văn bản này có nhiều yêu cầu khác với ngôn ngữ của các tác phẩm văn học. Nó phải rõ ràng, không cho phép hay phải hạn chế đến mức tối đa lối hiểu hai mặt. Các văn bản hành chính phải có hình thức chuẩn mực, khuôn mẫu có sẵn, có cách nói đơn giản. Vốn từ của các văn bản này cũng lấy từ các văn bản cổ. Song đóng góp mới của Lương Khải Siêu là ở chỗ: ông đã phổ biến phong cách công văn vào các ấn phẩm có nội dung chính trị – xã hội. Số lượng công chúng đọc các văn bản của Lương Khải Siêu thật là đông đảo và đặc biệt họ là những người trẻ, có đầu óc cách mạng… Đó chính là những chuẩn bị cần thiết cho những chuyển biến long trời lở đất ở Trung Quốc vào những năm đầu thế kỷ XX, trong đó có cả phương diện ngôn ngữ, tạo các điều kiện cần thiết để loại bỏ văn ngôn truyền thống ra khỏi đời sống ngôn ngữ, xây dựng một ngôn ngữ viết mới phù hợp với ngôn ngữ nói đương thời.
6. Như vậy, tồn tại trong một khoảng thời gian dài hơn hai chục thế kỷ – ngôn ngữ viết Trung Quốc – văn ngôn luôn có xu hướng thu nhận vào mình những yếu tố mới từ khẩu ngữ, chuyển và cải biến những phương thức diễn đạt cũ thành những cách diễn đạt mới và loại bỏ khỏi mình những hình thức ngữ pháp cổ, không thông dụng. Hai cuộc biến đổi văn thể (hay nói cho đúng hơn là hai cuộc cải cách văn ngôn) có tiếng nhất trong lịch sử văn ngôn Trung Quốc do Hàn Dũ và Lương Khải Siêu đề xướng đã chứng tỏ điều đó.
7. Hai cuộc cải cách văn ngôn này đều xuất phát từ những tiền đề xã hội cần thiết. Những biến đổi xã hội lớn lao ở Trung Quốc thời Đường, phạm vi những người hiểu biết và xây dựng văn hoá Trung Quốc tăng nhanh đã thúc đẩy quá trịnh cải cách ngôn ngữ viết. Có nhà nghiên cứu cho rằng, phong trào sùng Nho phục cổ do Hàn Dũ chủ xướng có thể coi như dấu hiệu của thời Phục hưng ở phương Đông trung cổ(13). Tuy về tư tưởng, phong trào của Hàn Dũ là phục cổ, song đóng góp của ông về mặt này không lớn lắm, đóng góp của ông về ngôn ngữ mới là đáng kể(14). Ảnh hưởng đó kéo dài đến tận thời cận đại. Còn với cuộc cải cách văn ngôn của Lương Khải Siêu, tuy nó không có tiếng vang bằng phong trào cổ văn và không duy trì ảnh hưởng để định hướng cho văn ngôn phát triển vào những năm 20-30 của thế kỷ này, nhưng nó đã làm cho người ta thấy cần phải cải biến ngôn ngữ viết.
Văn ngôn với những cuộc cải cách lớn này đã trở thành một biến thể đặc biệt của tiếng Hán. Ngôn ngữ viết này đã thu nhận vào mình các yếu tố của khẩu ngữ đủ mọi thời đại, nó trở thành một ngôn ngữ viết mang tính phi thời gian tương đối(15).
Chính những cuộc cải biến văn ngôn này đã thổi vào cho văn ngôn một luồng khí, làm cho nó trở thành phương tiện diễn đạt ở dạng viết có khả năng đáp ứng được mọi yêu cầu phản ánh đời sống hiện thực đa dạng và phong phú, nhất là vào các thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử trong đời sống chính trị – xã hội – văn hoá ở Trung Quốc thời trung thế kỷ và cận đại.
Cũng cần lưu ý là cả hai thời điểm xảy ra hai cuộc cải cách văn ngôn, ở Trung Quốc đã song song tồn tại hai ngôn ngữ văn học. Một là ngôn ngữ văn học dựa trên cơ sở của tiếng Hán cổ và hai là ngôn ngữ văn học dựa trên cơ sở ngôn ngữ nói đương thời. (Với thời Hàn Dũ thì đó là bạch thoại trung đại. Với thời Lương Khải Siêu đó là bạch thoại cận hiện đại). Cuộc cải biến văn ngôn của Hàn Dũ trong những điều kiện của đời sống văn hóa Trung Quốc thời trung thế kỷ đã làm cho văn ngôn tồn tại thêm hàng chục thế kỷ nữa. Cải cách văn ngôn của Lương Khải Siêu là hồi chuông báo hiệu chiến thắng của ngôn ngữ văn học dựa trên ngôn ngữ nói – bạch thoại hiện đại.
8. Hai cuộc cải cách văn ngôn này không chỉ phát huy ảnh hưởng của mình ở Trung Quốc mà chúng còn có tác động rất lớn đến những nơi có sử dụng văn ngôn ở ngoài Trung Quốc nữa. Đáng chú ý là di sản Hán văn Việt Nam, cho đến giờ chúng ta còn lưu giữ lại, về cơ bản đều được viết sau cuộc cải cách của Hàn Dũ. Bởi vậy, hiển nhiên những nguyên tắc xây dựng ngôn ngữ viết do phong trào cổ văn đưa lại ảnh hưởng rất đậm nét lên Hán văn Việt Nam, từ những văn bản sớm nhất cho đến những văn bản ra đời cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cuộc cải cách văn thể của Lương Khải Siêu đương nhiên cũng ảnh hưởng và chi phối đời sống ngôn ngữ của các văn bản Hán văn Việt Nam thời cận đại. Và không chỉ có thế, nó lại ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận vốn từ của tiếng Việt hiện đại được xây dựng vào đầu thế kỷ này trên cơ sở tiếp thu từ Tân thư, Điều này nói lên giá trị của việc nghiên cứu phong trào cổ văn và cải cách ngôn ngữ viết của Lương Khải Siêu đối với việc nghiên cứu Hán văn Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN
1. Phạm Văn Khoái. Vài nét về văn ngôn. Tạp chí Hán Nôm số 1/1996.
2. M.V.Sophronov. Tiếng Trung Quốc và xã hội Trung Quốc.(Tiếng Nga). Nxb. Khoa học. Moskva. 1979.
3. N.I.Konral. Phương Tây và phương Đông. (Tiếng Nga). M.1972.
4. Dư Quan Anh… Lịch sử văn học Trung Quốc(bản dịch). Nxb. Giáo dục. H.1993, tr.173.
5. Cổ văn quán chỉ. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã. Thượng Hải 1990. tr.555.
6. Hàn Dũ. Hàn Xương Lê văn tập. Bắc Kinh. 1957, tr.80-81.
7. Cổ văn quán chỉ, tr.173.
8. Dư Quan Anh. sđd. tr.175.
9. Dư Quan Anh. sđd. tr.177.
10. S.E.Jakhontov.Ngôn ngữ viết Trung Quốc và khẩu ngữ giai đoạn thế kỷ XII-XIII. Trong tuyển tập Các thể loại và phong cách văn học Trung Quốc và Triều Tiên. M.1969 (Tiếng Nga).
11. G.KallgrenSutudies in Sung time Clolloguial chinese as (Revealed) in Chu His tsuianshu, Stockholm, 1958.
12. Dẫn theo Cổ văn quán chỉ, tập II. Thượng Hải. 1990.
13. N.I.Konrad.Phương Tây và phương Đông. M.1972.
14. Trần Trọng Kim. Nho giáo. Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. tr. 387-394.
15. Phạm Văn Khoái. Vài nét về văn ngôn. Bđd.
Nguồn: Viện Nghiên Cứu Hán Nôm
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)